Mới đây, cô bạn thân hồi cấp 3 của tôi khoe, à nhầm, chia sẻ niềm vui rằng một cuốn sách được cô ấy dịch ra tiếng Anh và xuất bản ở Anh và Mỹ. Tôi tò mò đọc thử thông tin về cuốn sách đó, chao ôi, tác giả là người gốc Việt sống ở Pháp sau khi học ở Nga. Và thế là allez-hop! Tôi bị kéo vào thế giới của Thuận như thế.
Nói đúng hơn, tôi bị kéo vào thế giới của Chinatown đơn giản như thế.
Bản tiếng Việt được Thuận viết năm 2004, năm chị bằng tuổi tôi bây giờ. Có lẽ vì thế nên tôi dễ chìm vào thế giới đó hơn cách đây mười mấy năm khi sách mới ra mắt ở Pháp (bản tiếng Pháp được dịch bởi chị gái của chị Thuận, Đoàn Cầm Thi, cũng sống ở Pháp), khi tôi liếc thấy cuốn sách và ngoảnh đi ngay lập tức. Nhưng giờ tôi lại rất đủ kiên nhẫn và tò mò để tải ngay bản ebook tiếng Việt về đọc, đồng thời đặt 1 cuốn bản tiếng Pháp (sách cũ, rất tiếc, vì bản này hiện không tái bản nữa) trong lúc chờ nghĩ xem có nên mua bản tiếng Anh mà bạn tôi dịch hay không.
Điều khiến tôi đồng cảm, chạm vào những dây thần kinh (sắp trơ khấc vì cơm áo gạo tiền của mình?) nhất, chính là cái sự chấp chới chơi vơi của nhân vật “tôi” giữa cuộc đời. Dường như cô ấy như một khách qua đường, một bóng ma đang nhìn lại cả cuộc đời của mình trong vòng hai tiếng, không biết rốt cuộc cuộc đời ấy thuộc về ai khác hay của mình. Cô là người Việt, đi học đại học ở Nga, về Hà Nội cưới một người chồng gốc Hoa, bị chồng bỏ, rồi mang đứa con trai của mình lưu vong sang Pháp. Hà Nội không thuộc về cô, chỉ còn lại ký ức về căn nhà có hai chiếc giường thuộc về hai người lớn sống chung nhà là bố và mẹ cô. Chợ Lớn hay Chinatown của Sài Gòn là nơi cô né tránh sợ hãi thậm chí chối bỏ, như thể kẻ thứ ba đã cướp Thụy khỏi cô. Leningrad như một bóng mờ nhạt ngoại trừ cây cầu quay trên sông Neva và chuỗi ngày ăn bắp cải với thịt cừu. Và Paris của mười năm sinh sống, làm việc nhưng cô vẫn chỉ là một người đứng ngoài văn hóa bản địa, một kẻ lữ khách lưu vong. Cô không phải người Việt, chẳng phải người Pháp, càng không là người Hoa. Rốt cuộc cô là ai, đang làm gì, để đi về đâu. Cả cuốn sách như gào thét ba câu hỏi không lời đó, ba câu hỏi không có câu trả lời.
Có lẽ nếu phải phân loại, kiểu lưu vong của nhân vật “tôi” này không phải lưu vong chính trị, xuất khẩu lao động hay thậm chí là du học sinh gì cả. Nó như một kiểu lưu vong chạy trốn khỏi tương lai để đi tìm quá khứ nhưng quá khứ cũng chối bỏ cô như thể cô chối bỏ tương lai vậy. Ngay cả hình ảnh chuyến tàu điện ngầm được nhắc đến đầu truyện lẫn cuối truyện. Cô bị tắc trong chuyến tàu đó, phân vân không biết nên bỏ tàu bắt bus đi tiếp hay không, rồi từ đó chìm trong chuỗi độc thoại về quá khứ. Chuyến tàu không tên, không số hiệu. Sân ga nhỏ xíu nơi cô bị tắc lại cũng không có tên. Nhân vật chính cũng không có tên. Bởi vì cô ấy dường như hoàn toàn xóa sạch cái tôi của mình trong chặng đường đi tìm lý do cho việc quá khứ ruồng bỏ mình.
Những hình ảnh, màu sắc, con số cứ lặp đi lặp lại, xoáy đi xoáy lại trong các câu ngắn, các trang không tách đoạn xuống dòng. Như một dòng xoáy tornado xám xịt những thứ déjà-vu đối với nhân vật “tôi”. Bát óc lợn hấp trong nồi cơm trắng ởn. Cốc chè đậu đen ngọt khé cổ nấu từ kẹo mậu dịch. Món bắp cải nấu thịt cừu. Bầu trời xám ngoét của Leningrad. Bát canh mồng tơi rau đay. Ba con chim câu quay với húng lìu. Cặp đèn lồng đỏ trước cửa ngôi nhà hai tầng ở Chợ Lớn. Sáu, và sáu mươi. Hai mươi chiếc xe BMW màu xanh lá mạ. Làn sóng dập dìu theo nhịp bài hát ca ngợi Mao Trạch Đông… Nhưng không có gì bấu víu nổi “tôi”. “Tôi” vẫn chênh vênh đi tìm quá khứ, tìm lý do cho sự bất hạnh của mình.
Mà có lẽ bất hạnh nhất ấy là cái sự cần quên lại không cho phép mình quên mà cứ xoáy đi xoáy lại. Còn cái cần nhớ, cần làm đầy lý trí ấy là quên đi để sống, để có một tương lai cho bản thân thì lại bất lực.
Mà cõ lẽ bất hạnh nhất thật ra ấy là cái sự không đủ bản lĩnh để vùng ra khỏi cái dòng xoáy, cái ngõ cụt đó. Nên là cuối sách mọi thứ vẫn mãi mãi lửng lơ ở đó. Rốt cuộc sau bao lâu chuyến tàu lại đi tiếp? Rốt cuộc Thụy có gọi điện cho Vĩnh và nói chuyện với mẹ của Vĩnh hay không? Rốt cuộc nhân vật “hắn” có được chút danh phận, tên tuổi nào rõ ràng hơn là cái từ chỏng chơ “hắn” đó hay không? Rốt cuộc câu chuyện nhảy tàu kết thúc ra sao?
Bình thường tôi rất ghét đọc truyện mà cứ nhảy cóc liên tục giữa các mốc chuỗi thời gian. Cũng rất ghét đọc truyện mà lê thê không ngắt đoạn xuống dòng. Ấy mà thế nào tôi vẫn kiên nhẫn đọc một mạch trong 2 ngày cuốn Chinatown, và lại còn viết hẳn review nữa. Lạ thế. Có lẽ tại các câu chữ của Thuận nó có một thứ ma lực nào đó để hút tôi vào vòng xoáy của nhân vật “tôi” ấy, xong rồi bấu lấy tôi, tha lôi tôi qua từng con phố hẹp ở Belleville, qua sân trường cấp hai có đám trẻ con thì thào bàn tán về cô giáo dở hơi kỳ lạ Madame Âu, qua bầu trời xám xịt ở Leningrad trong ký ức của người phụ nữ ấy, qua mớ tranh sơn dầu có năm mươi đứa trẻ con bên năm mươi bông hoa sen, đủ lứa tuổi, đủ tông màu, đủ sắc áo…
Để rồi hụt hẫng khi đọc trang cuối. Và ngẫm lại, đâu đó trong những tháng năm đi tàu điện ngầm ngày ba tiếng cả đi lẫn về, có khi nào tôi cũng nhắm mắt, chơ vơ trong những ký ức về quá khứ hay không.
Và cảm thấy may mắn, thì ra, quên đi để sống tiếp đã là một hạnh phúc.
PS: Trong một thời gian dài có lẽ tôi sẽ không ăn chè đỗ đen.
Bình luận
Chưa có bình luận