Thường thì vào giờ này, khi mà tôi đã xong công việc, bắc ghế đẩu ngồi đây, ngay trước hiên quán phở Vị gia truyền nhà mình, con đường nhỏ đã phải trùm kín trong một vẻ đìu hiu vắng lặng. Ấy thế mà hôm nay lại đông đúc khác thường. Người ta đứng ngồi la liệt từ hai bên đầu đường đến tận đây, tiếng huyên náo cái cọ lẫn cùng tiếng rầm rì trò chuyện đã không ngớt chút nào suốt từ sáng sớm tinh mơ.

Cũng không phiền gì lắm, nhờ đám đông mà hôm nay phở đã hết sạch. Chuyện phải chục năm rồi chưa từng xảy ra. Nhà tôi lúc nào cũng nấu một cữ nước lèo y như nhau chưa từng giảm, cho dù người ăn thì càng ngày càng ít lại. Cái thời buổi này người ta quá là bận bịu, ai ai cũng phải gồng mình chạy đua với Rừng đang bao vây bên ngoài bức tường kim loại. Con quái vật đã phủ lên hầu hết mặt đất, được làm bằng cellulose và nước đã xuất hiện trong nỗi ám ảnh của con người lâu lắc trước khi tôi sinh ra và vẫn nhe nanh giương vuốt trong từng câu chuyện, từ truyện kể trước giờ đi ngủ, truyện học trên ghế nhà trường, đến những lời bàn tán lúc nhàn rỗi. Hết thảy con người đều sợ, cho dù phần lớn chưa từng được thấy Rừng bao giờ. Để chạy thoát khỏi Rừng, con người buộc mình phải guồng chân lên, phải tận dụng từng phút của đời người ngắn ngủi.

Và phở không phải là thứ dành cho những người quá sức vội vã. Phở cần được thưởng thức từng chút một, nhẩn nha cảm nhận từng sợi mềm, từng thìa nước thơm ngon, hít hà mùi hương của tủy xương và gia vị cho thật thấm đượm trong từng hơi thở. Nấu phở cũng chẳng thể gấp gáp, từng nồi nước cần được ninh xương trong nhiều tiếng đồng hồ để đạt được mùi vị tuyệt hảo nhất, nguyên liệu cần được lựa chọn kỹ càng, có những thứ chỉ được tìm thấy thật sâu trong Rừng. Đã vậy, giá phở cứ ngày một đắt đỏ hơn, chúng tôi cũng chẳng làm gì khác được, đâu thể giảm bớt bất cứ thứ gì, đó là danh dự của bao đời truyền lại.

Bán hết phở cũng khiến tôi có chút vui thật, nhưng đôi lúc vẫn bất giác nhìn về phía bên kia đường, nơi Chùa lặng lẽ đứng giữa vòng vây của con người, đợi chờ khoảnh khắc cuối cùng sắp đến.

Tôi yêu quý Chùa, yêu quý như một thành viên trong gia đình, một người bạn già đã ở bên không chỉ tôi mà rất nhiều thế hệ trước nữa. Tôi sinh ra đã nhìn thấy dáng vẻ già nua đó, và chỉ ngày một cũ kĩ hơn. Trước kia, tháng nào bà tôi cũng tới thăm Chùa, ngắm nghía từng cây cột, quét dọn lau rửa từng chút một, leo lên đủ ba tầng lầu để đến được cái chuông đồng lớn. Bà đẩy cây dùi sắt đầu bịt vải gõ lên một tiếng vang vọng khắp con đường nhỏ rồi chắp tay lặng lẽ cúi mình. Tôi ngờ rằng chính bà cũng không hiểu thứ nghi thức đó mà chỉ bắt chước lại những gì mẹ của bà vẫn làm, đám trẻ chúng tôi cũng vậy.

Cho dù chỉ còn lại một mình, thỉnh thoảng tôi sẽ vẫn thả chân bước theo thói quen mà không hề biết chán, nghe tiếng chuông vang vọng mà thấy lòng mình cũng rung lên từng nhịp. Tôi cũng thích lần tay sờ vào từng khối gỗ, lướt lên những sần sùi trên bề mặt, cảm nhận cảm giác man mát dịu dàng mà gỗ mang lại. Ở thành phố H, chỉ còn một công trình gỗ duy nhất này, từ lúc được dựng lên đã vậy. Chùa vẫn chẳng thay đổi gì, nhìn vào nó như đang nhìn vào một thời quá khứ đã quá xa xôi.

Chùa không thực sự là chùa, nó chỉ là tháp chuông ba tầng của một ngôi chùa rộng lớn hơn rất nhiều đã bị nuốt trọn phần còn lại bởi Rừng. Người ta chỉ cứu được tháp chuông này đem về đây, tạo thêm một khoảnh sân nhỏ rồi gọi nó là Chùa. Còn cái tên xưa cũ đã chìm dần vào quên lãng. Có người nói Chùa đã một nghìn tuổi. Tôi không tưởng tượng được một nghìn tuổi lớn đến mức nào. Tôi từng chứng kiến bà mình lúc qua đời, nhắm mắt thanh thản ở tuổi bảy mươi. Da bà nhăn nheo và lốm đốm vết đồi mồi, trông xa xa hẳn sẽ giống mấy hình vân gỗ hằn lên trên gương mặt Chùa. Bảy mươi tuổi con người đã phải ra đi sau khi bị thời gian nhận chìm trong vẻ già nua đến thảm thương. Vậy một nghìn năm dài cỡ nào? Tôi có học lịch sử trên trường. Lịch sử của nhân loại dừng lại ở lúc Rừng nuốt trọn phần đã mất của chúng tôi và những bức tường được dựng lên ngăn cách thế giới loài người khỏi Rừng, lúc mà tất cả con người bắt đầu hòa vào làm một dân tộc, một tiếng nói, một quốc gia. Cũng chỉ trăm năm trước mà thôi. Những gì trước đó, dù là mười hay hai mươi năm đi nữa, đều là cái gì đó mịt mù tăm tối chẳng thể soi tỏ. Vậy một nghìn năm vĩ đại đến nhường nào?

Một nghìn năm quả thực vượt quá sức tưởng tượng của loài người bây giờ, nhưng Chùa thì lại ngày một nhỏ bé đi, nép mình giữa những tòa nhà cao lớn hơn mỗi năm. Chùa bám víu vào thành phố của bê tông và kim loại như nốt ruồi bên mép thiếu nữ đôi mươi, cũng chưa thấy hại gì, nhưng vài người không thực sự yêu quý nét chấm phá đó. Vẫn luôn có những tin đồn về việc Chùa đã nhích đi một chút, Chùa đã rình rập nuốt mất đứa trẻ xấu số nào đó, hay lởn vởn bên trong Chùa là những cái rễ của Rừng mon men tiến tới. Một nửa thành phố cảm thấy rờn rợn về Chùa, một nửa của một nửa sợ hãi, phần còn lại tôi cũng không dám chắc có được một nửa yêu quý Chùa hay không.

Những người trước mặt cũng thế, có người mừng vui hớn hở, cười tươi hát ca, tán tỉnh rộn ràng. Nhưng cũng có người nước mắt lưng tròng, ta thán nức nở, chửi rủa văng vẳng. Và cũng có những kẻ chỉ ghé qua, hoặc là hiếu kỳ dừng lại đôi chút, chỉ trỏ này kia rồi lại lướt đi như chẳng phải điều gì to tát. Còn tôi, tôi ngồi đây như bao ngày vẫn vậy, từ xa xa phía bên này, tôi sẽ chiêm ngưỡng cho thật kỹ ngọn lửa họ đốt lên, chờ đợi cho được một lời từ biệt.

*

Tôi ghét những cuộc chia ly mà chẳng từ biệt.

Họ cứ thế bước đi rời khỏi cuộc đời người khác mà chẳng hề nói gì. Những mối liên hệ nối kết con người vậy mà cứ thể đứt phựt bởi khoảng cách vô vàn thay vì được nhẹ nhàng cắt lìa bằng một câu nói giản đơn. Tạm biệt nhé! Ở lại mạnh giỏi nha! Đừng có nhớ nhung gì tôi quá đấy! Mỗi vậy thôi mà nhiều người chẳng thể nói một tiếng.

Bà tôi ra đi trong một giấc ngủ, hôm trước bà hãy còn gõ đũa vào tay tôi vì lỡ nêm nếm gia vị quá tay trong khi nấu phở.

“Sao cháu mãi chẳng bằng được thằng Nam thế?” Bà rầy tôi vậy đó.

Chẳng phải điều gì mới cả. Chỉ là trước khi anh Nam ra đi, tôi gần như là một người dự bị mà thôi. Dù anh Nam chẳng phải con cháu ruột thịt, nhưng ai cũng chắc mẩm anh sẽ trở thành người thừa kế tiếp theo của quán Vị. Anh có đôi tay khéo léo hơn tôi trăm lần, khả năng cảm vị hơn tôi trăm lần và cả nụ cười hiền ơi là hiền cũng hơn tôi cả trăm lần.

“Kể cháu mà là con gái thì có thể đường hoàng làm dâu nhà này mà kế thừa quán.” Có lần tôi đã tình cờ nghe bà nói vậy khi đang lúi húi bắt gián chơi. “Nhưng thôi thì con bé Chi cũng được lắm đấy, nó có họ hàng xa với nhà này.”

Bà rất hay thủ thỉ những điều như thế với anh. Bà lúc nào cũng giữ trên môi và trong ánh mắt một nụ cười hạnh phúc khi nhìn anh Nam nấu phở, có lẽ ở anh gợi bà nhớ về người cha tài năng của tôi, hay người cha của chính bà. Thứ mà chẳng bao giờ có thể thấy được ở tôi.

 Chị Chi cũng rất thường xuyên ghé qua, như một thành viên thứ tư trong nhà. Chị chẳng nề hà việc gì, chỉ cần rảnh rỗi là liền cột tóc lên, xắn cao tay áo phụ giúp quán. Miệng đon đả chào khách, tay bưng bê, lau dọn vô cùng mau mắn tựa như sinh ra đã là một người của nhà bán phở rồi. Ai cũng bảo chị đã ra dáng một nàng dâu thảo, nghe vậy bà lại tít mắt cười. Còn anh Nam thì cứ lặng lẽ trong bếp tiếp tục nấu phở.

Rồi vẫn cứ lặng lẽ như thế, anh rời đi chẳng một lời chào, biến mất trong đêm, sạch sẽ như chưa từng tồn tại. Đêm trước đó anh còn cùng bà nấu cỗ trung thu, anh còn làm cho tôi một cái đèn ông sao bằng mấy mảnh thép vụn và giấy kính màu, ngồi nghe mấy câu chuyện trên trời dưới đất của chị Chi. Anh vẫn nói cười như vậy, vẫn ân cần như vậy, vẫn dịu dàng như vậy. Nhưng sao lại có thể lạnh lùng đến thế mà bỏ đi, không mang theo đồ vật gì, cũng chẳng để lại bất cứ điều chi, như thể phủi sạch mọi mối liên quan giữa chúng tôi, như thể đây chưa từng là một nơi mà anh muốn được ở lại.

Sáng hôm sau, tôi hãy còn chưa rõ chuyện xảy ra thì đã thấy chị Chi rối rít chạy khắp nơi đi tìm, còn bà thì dùng khăn tay chấm chấm mấy giọt nước mắt. Thêm vài ngày nữa thì bà buồn rầu ngồi bên xoa lưng chị Chi đang khóc rấm rứt. Đến tận lúc đó tôi mới biết tất cả chúng tôi đều mới bị bỏ rơi, gọn ghẽ và tuyệt tình đến thế là cùng. Tôi vẫn chẳng bao giờ tha thứ nổi cho kẻ bội bạc đó, dù cho chị Chi thì chẳng mảy may hết tin rằng một ngày anh sẽ quay về.

“Chắc là cậu ấy đi tìm nguyên liệu cho vị phở ngon hơn thôi, đâu phải lần đầu như thế này.” Chị nói thế, nhưng mắt chị xám xịt.

Làm gì có lần nào đi cái một đến mười năm liền đâu. Chỉ là người ta không muốn bị kéo lại chốn này bên người mình không hề yêu, cùng những kỳ vọng mình không hề muốn đội trên đầu. Tôi muốn hét vào mặt chị những lời đó, nhưng rồi lại thôi. Tôi cũng thừa biết chị chỉ là không dám đối mặt với sự thật đó chứ chẳng phải là chị không biết. Chị vẫn thường đứng thật lâu trước Chùa, chẳng nói chẳng rằng, cũng chẳng thèm liếc về phía tôi vẫn vừa bán phở vừa trông sang lấy một cái. Chị chờ đợi một cách kiên trì đến đáng thương, bướng bỉnh đến phát bực và ngốc nghếch đến đau lòng. Tôi cũng bắt đầu ghét phải nhìn về phía Chùa, tôi ghét phải nhìn thấy bóng hình nhỏ nhoi đó mãi không buông được, hay tôi ghét phải thừa nhận là mình cũng đang ngóng chờ người đã ra đi.

Mãi đến khi có tin Chùa sắp bị đốt chị mới chừng như tỉnh ngộ. Từ đó đến nay, tôi chẳng còn thấy chị một lần nào nữa. Chị cũng biến mất, chẳng một lời nào. Nghe đâu chị cưới chồng, một anh chàng ở một thành phố xa xôi cách đây hàng ngàn cây số. Tôi cũng chẳng thể nào tưởng tượng ra quãng đường dài đến như vậy, những nơi tôi đi qua, cho dù có lên đến nóc tòa nhà cao nhất cũng còn chẳng nhìn thấy bóng Rừng đâu nữa là. Vậy mà chị cứ thế ra đi, dù biết là chuyến đi cả một đời sẽ chẳng bao giờ trở lại, nhưng vẫn như phủi tấm áo bẩn, tung lên giật mạnh một cái là xong, mọi thứ như mới tinh tươm.

Tôi đã chịu đủ những cuộc đi im lặng, vậy nên tôi ở đây, lắng nghe thật kỹ lời thầm thì của những khối gỗ lẫn vào trong gió.

*

Gió đêm thổi đến lành lạnh, tôi khẽ rùng mình. Bên kia đường, cảnh sát bắt đầu chuẩn bị cho việc châm lửa. Đám đông được một phen nhốn nháo hơn. Những người phản đối la hét cùng với băng rôn và biểu ngữ bằng tất cả sức lực của lồng ngực bơm hơi. Nhưng phe phản đối bọn họ lại còn nhiều hơn nữa, băng rôn của họ sặc sỡ sắc màu, những bông hoa gớm ghiếc nhe nanh lè lưỡi chuẩn bị nuốt chửng những con người bé nhỏ.

“Náo nhiệt thật đấy!” Tiếng một cô gái cảm thán ngay bên cạnh làm tôi không khỏi giật mình.

“Em còn chẳng nghe thấy tiếng chị đến.” Tôi rên rĩ than phiền sau khi đã trấn tĩnh, còn chị Dung thì cứ ngặt nghẽo cười.

“Chị lúc nào chẳng lặng lẽ mà, làm sao em nghe thấy được.” Chị tự nhiên như ở nhà mà vào quán bê một cái ghế đẩu nữa ngồi cạnh tôi. “Vậy em thấy bông hoa đó chưa?”

“Chẳng thấy gì hết. Em lẻn vào mấy lần nhưng gỗ vẫn là gỗ như vậy, còn bóng loáng lớp sơn.”

“Có thể họ đã tiêu hủy nó trước rồi.”

“Chắc thế thật.” Tôi nhún vai.

“Vậy còn Chi?” Chị Dung hơi dè dặt hỏi.

Tôi chỉ lắc đầu.

“Cái con bé đó cũng hay thật.”

Chị Dung là một bệnh nhân ở bệnh viện chị Chi làm y tá. Chị đang viết một cuốn tiểu thuyết, “một kiệt tác để đời trước khi nhắm mắt xuôi tay, sau khi chị chết người ta sẽ đổ xô đi mua nó và khóc lóc ỉ ôi, hàng trăm người sẽ mang quà đến mộ chị thương tiếc” đó là chị nói vậy. Chị có hứng thú đặc biệt với câu chuyện biến mất của anh Nam nên muốn gặp tôi để hỏi chuyện. Chúng tôi biết nhau từ đó và cũng có chút thân thiết, đặc biệt là sau khi chị từ bỏ thuốc thang mà tự do an hưởng những ngày cuối cùng. Chị chỉ đi đây đi đó, ăn uống thả ga, viết lách bất cứ lúc nào muốn và làm dịu cơn đau bằng morphin. Chị lui tới quán tôi thường xuyên, từ việc chỉ hỏi han về anh Nam đến việc cùng nhau chia sẻ cả tá những điều vớ vẩn linh tinh khác.

Hứng thú với câu chuyện về những người mất tích của chị Dung chẳng phải là cái gì kỳ lạ, rất nhiều người cũng có hứng thú với chuyện đó, nhưng chỉ có người sắp chết như chị mới bỏ hết mọi thứ để tìm hiểu thật kỹ mà thôi. Cùng với những lời đồn đoán về Chùa, người dân thành phố H thích ngồi lê la truyền tai nhau về những kẻ mất tích. Đôi lúc sẽ nghe kể có ai đó ở đây ở kia, ở phố này gần chỗ nọ hay vùng nào xa tít tắp tận đẩu tận đâu. Bọn họ cũng biến mất đột ngột và lặng lẽ như vậy. Tuy là thế, những gì tôi nghe cũng đều là mấy câu chuyện có người nọ người kia nghe ở đâu đó mà chẳng rõ danh tính một ai cả.

Nhưng chị Dung lại biết một số người thật việc thật.

“Thằng bé đó hôm nay cũng đến à?” Chị Dung hướng về phía một thiếu niên đang lủi thủi đứng tựa vào cây cột điện phía bên kia đường.

“Lại chả không. Hôm nay như mọi lần khác, nó ăn dầm nằm dề ở đây với tiệm cà phê bên cạnh từ sáng sớm. Giờ thì thất thần đứng đó. Làm gì cho cực thế chứ, chắc chắn người ta sẽ không xuất hiện đâu.”

“Em lúc nào cũng bi quan cả.” Chị nhìn thằng bé dịu dàng.

Nó là Peter, mới được mười tám tuổi, một thằng Tây rõ rành rành nhưng lại nói tiếng Chung bằng ngữ âm rất giống người Việt, nhiều thanh điệu và ít âm gió. Đến cả người Việt bây giờ cũng bắt đầu nói thứ ngữ âm tiếng Chung của thành phố H cả rồi. Nhiều khi tôi vẫn thấy kỳ cục mỗi lần nghe giọng kiểu đó phát ra từ một đứa mũi khoằm mắt xanh sâu hoắm. Không chỉ nói giống người Việt mà nó ăn uống cũng như một người Việt từ tấm bé, cầm đũa không chê vào đâu, cho gia vị sành sõi không sót một thứ gì. Vào ngày rằm mỗi tháng, từ sớm tinh mơ nó đã đến, gọi một bát phở tái rồi ăn một cách vội vã như sợ bay mất lúc nào không hay. Giữa trưa sẽ nhẩn nha nhai từng miếng gầu bò thơ thẩn nhìn ra ngoài đường. Tối lại tới ăn phở gà và bắt chuyện với bất cứ ai có thể. Đến đêm, trước khi quán đóng cửa, nó ăn nốt một bát sốt vang, lơ đãng từng miếng một chẳng nỡ ra về. Nó ngồi duy nhất những chỗ có thể ngóng nhìn về phía Chùa.

Peter không có tí dòng máu Việt nào, sống ở một phía khác của thành phố H, xa rất xa khỏi những khu phố nhiều người Việt tập trung trước kia. Nó học được từ mẹ kế của mình, một người mà theo lời kể của nó lung linh như một thiên thần hạ thế, đến bên để tạo ra một thiên đường cho riêng nó.

“Mẹ cao lắm, em chưa bao giờ cao bằng mẹ được. Mái tóc đen dài uốn lượn, gương mặt trắng trẻo. Mẹ có đôi mắt hiền ơi là hiền, ngay từ nụ cười đầu tiên đã khiến em biết đây chính là người mẹ mình mong ước từ lâu. Lúc đó em mới tám tuổi, suốt ngày cô độc trong căn nhà vắng vẻ vì bố lúc nào cũng đi làm xa. Từ ngày có mẹ, cuộc sống như được tô màu bởi thật nhiều những tiếng cười.” Thằng bé liến thoắng không ngớt khi được hỏi.

Không phải tôi hỏi, tôi không quan tâm đến chuyện riêng của khách hàng. Dù đã làm khách quen của quán phở được hai năm rồi nhưng phải đến khi chị Dung lân la thì tôi mới biết được câu chuyện của thằng bé.

“Từ ngày có mẹ, em không còn phải ăn thức ăn nhanh nữa. Hôm nào cũng như một bữa tiệc thịnh soạn nhưng chỉ có hai người. Mẹ nấu phở rất ngon, ngon hơn ở đây nữa. Em vẫn còn nhớ mãi khung cảnh mẹ đứng bên nồi lẩu, thử thử từng thìa nhỏ rồi nêm nếm cho đến khi thật sự vừa miệng. Mẹ cũng đã hứa sẽ dẫn em đến thăm Chùa, tối đó em đã háo hức trằn trọc mãi mới ngủ được. Vậy mà chỉ chốc lát thức dậy đã không còn thấy mẹ đâu nữa rồi.”

Mẹ của Peter biến mất một cách gọn gàng và chóng vánh. Không có bất cứ thứ gì về chị ta còn tồn tại ngoài những ký ức trong lòng thằng bé. Từ cái cốc tự làm, bức ảnh mới chụp đến cả một sợi tóc rơi rớt cũng chẳng còn lại gì. Như một cơn gió lặng lẽ quét qua nhưng chỉ cuốn đi mỗi chị ta và những vật gì dính dáng đến chị.

Biết được chuyện đó làm tôi bắt đầu để ý tới những lời đồn đại. Có người nói họ đều là thành viện của một tổ chức bí mật nào đó, những kẻ ly khai, đám thờ phụng Rừng, hay nhóm vô chính phủ, vân vân và mây mây. Đủ kiểu âm mưu được người này truyền tới, người kia nói lại. Đâu đâu cũng là những câu chuyện rờn rợn nhưng nghe ra lại lắm điều nực cười. Chẳng khác mấy cái chuyện Chùa một ngày nào đó sẽ sống dậy nuốt trọn thành phố và hòa làm một với Rừng.

Tôi ngó về phía bên kia, thấy những ngọn lửa bắt đầu bén

*

“Đôi lúc em lại tưởng tượng về việc anh Nam đang lẩn trốn đâu đó chiến đấu để giành lại tên riêng cho từng giống người.” Tôi chợt nói, ý nghĩ bật ra thành lời mà chẳng kịp giữ lại. “Có thể anh ấy sẽ xuất hiện ở đây, ngăn người ta phá hủy một di sản như thế này. Đâu đó giữa màn đêm anh ấy cùng những người đồng bạn đang ẩn nấp chờ đợi hiệu lệnh mà xông tới dập tắt những đốm lửa đang chuẩn bị châm xuống.”

“Em cũng có hứng thú viết tiểu thuyết à?” Chị Dung ôm bụng cười. “Chị có thể lấy ý tưởng đó tham khảo không?”

“Tùy chị.” Tôi khịt mũi, mặt hơi nóng lên.

“Nhưng mà nghe chẳng khả thi tí nào. Họ cứu được Chùa hôm nay nhưng cũng chẳng thể cứu nó mãi mãi được.” Sau khi cười chán chị lại nói. “Án tử này là không thể thay đổi nữa rồi.”

Sau khi thị trưởng thành phố phát biểu mấy câu máy móc trên cái bục nhỏ ngay dưới ánh đèn đường. Cảnh sát châm lửa.

“Còn câu chuyện chị đang viết thì thế này.” Chị Dung nói, giọng chị nhỏ và buồn khi ngọn lửa bắt đầu bén vào dầu tưới trên gỗ. “Anh trai em đã bỏ cuộc sống cũ lại sau lưng, bỏ lại những kỳ vọng không muốn phải đeo cả đời, bỏ lại tình yêu không thể nào đáp trả, bỏ lại cảm xúc khác lạ đáng ra không nên có. Cậu ấy tìm đến một nơi xa xôi, trút bỏ thân xác tạo hóa trao nhầm, khoác lên mình tấm tạp dề bên bếp lửa và một đứa con thơ trẻ. Cậu ấy chọn cuộc đời của riêng mình và tự do thể hiện tình cảm chẳng còn gì giấu giếm.”

Chị hơi dừng lại trong chốc lát, hít vào một hơi để bù lại dưỡng khí.

“Nhưng rồi cơn bạo bệnh kéo đến, cậu ấy không muốn đứa con mới lớn phải chứng kiến mình đau đớn. Và một lần nữa, như một kẻ trộm lén lút, cậu ấy trốn chạy, chẳng lấy đi thứ gì ngoài những tình cảm đã đong đầy bao năm qua. Cậu ấy thay ra một lớp da mới để trở về chuộc lỗi vào những giây phút cuối đời. Thăm người bà đã an nghỉ nơi chín suối, an ủi cô gái từng yêu mình cả tuổi xuân xanh, thanh minh với chàng trai mình từng yêu trong câm nín, ngắm Chùa lần cuối khi nó cháy rụi thành than. Rồi cậu ấy sẽ lại ra đi, đi đến nơi chẳng còn ai yêu thương mình, để vùi chôn vào với đất, kết thúc cuộc đời chỉ toàn gây ra thất vọng. Chỉ là một lời từ biệt muộn màng.”

Tôi nhìn chị đăm đăm. Trong ánh mắt chị bùng lên những ngọn lửa, rực rỡ và đau thương, lộng lẫy và bi sầu, lung linh và ai hoài. Chị cười, nụ cười hiền ơi là hiền. “Nghe hay đấy phải không, mong là chị kịp viết hết nó.”

Nói rồi chị đứng dậy, đi thẳng về phía trước nơi lửa đang lan dần lên từng tầng lầu của Chùa. Chị nhẹ nhàng đến bên ôm lấy Peter đang tựa lưng vào cột điện, để cho cậu bé tựa vào vai mình mà khóc.

Chùa cháy ngày một dữ dội hơn, ngọn lửa phừng phừng nhảy nhót với gió đêm, ca khúc ca nóng bỏng với trăng sao, thầm thì điều gì đó về nghìn năm đã tồn tại. Trong cơn hấp hối rạng ngời, Chùa kêu lên lách tách những lời giã từ khẽ khẽ, vung vẫy những bàn tay lửa an ủi kẻ ở lại.

Thỉnh thoảng tàn lửa lại vụt sáng bay ra rồi nhanh chóng chìm nghỉm giữa màn đêm.




Bình luận

Chưa có bình luận
Preview Settings

Try It Real Time

Layout Type
    • LTR
    • RTL
    • Box
Sidebar Type
Sidebar Icon
Unlimited Color
Light layout
Dark Layout
Mix Layout
}