Tiếng khóc oe oe vừa dứt như bị ai bụm miệng, một bà già ẵm đứa nhỏ đặt kế bên người đàn bà sau sinh. Bà để chén nước cơm ở đầu giường, dặn chị:
- Đứa thứ ba rồi, ráng giữ!
Đầu tóc rối bù, khuôn mặt lem luốc, chị há miệng thở dốc, máu tươm ra theo các vết nứt trên môi, chị chống hai bàn tay gân guốc lên giường, gò bụng co người ngồi dậy. Sau khi hớp vài ngụm nước cơm, chị mân mê đôi bàn tay đen đúa, run rẩy khựi sạch đất ở các đầu móng tay rồi quơ lấy cái khăn, nhúng vào chén nước cơm, sau đó chặm lên môi. Chị nghe môi mình mềm ra và không còn mùi tanh nữa. Đoạn chị vạch áo, dùng một góc khăn khác, cũng thấm chút nước cơm rồi lau sạch đầu vú. Xong tất cả, chị ôm đứa nhỏ vào lòng, tưng tiu nựng nịu và hôn hít nó thật chậm rồi mới cho nó bú. Chị mơ màng tận hưởng cảm giác đầu vú tê đi và bắt đầu cương lên. Cảm giác được làm mẹ thật dễ chịu.
***
Chị là một người điên, ít ra thì đó là do mọi người nghĩ vậy.
Lúc rảnh, chị thơ thẩn khắp làng. Có hôm chị lén bẻ một trái bắp, liền hôm sau chị tha về một đống cỏ quăng vô chuồng bò của chủ vườn. Cũng có lúc chị cuỗm được củ khoai thì ngay chiều đó chị lên liếp dùm cho họ. Chị cứ vậy mà sống.
Năm mười bốn tuổi, trừ vẻ ngoài lem luốc thì chị chính là viên ngọc sáng của làng. Cặp giò chắc nụi, hai mông căng lên sau chiếc quần sờn, chiếc áo rách phơi ra sống lưng lõm hẳn một đường dài từ vai tới tận hông. Cặp vú lấp ló sau chiếc áo mỏng tang mời gọi đám choai choai trong làng.
Một buổi tối nọ, người ta rủ chị lên rẫy. Trời bắt đầu mưa, nước lai láng trên người chị, âm thanh của chị bị tiếng sét cứa ra thành từng khoảng hổn hển. Chị nghe rả rích trên từng sớ thịt. Giông tố qua đi, tiếng rên của chị hoà cùng bầy cóc nhái. Sau bận đó, khoai bắp trong làng ít thấy vơi đi. Chừng vài năm sau, người ta thấy chị dắt một đứa nhỏ trở về. Cán bộ xã hay chuyện, họ mới vận động đâu đó cho chị một căn nhà, ép chị về ở. Được dăm bữa nửa tháng, chị bắt đầu cuồng chân. Một sáng nọ, chị bê đứa nhỏ đặt lên bàn cao, rồi bước ra sân lượm đá đập nát cửa. Rồi cũng cục đá đó, chị cào bấy tường. Người ta thấy vậy sợ quá mới tìm cách tách đứa nhỏ ra, gửi nó lên trung tâm bảo trợ trên huyện. Năm đó, chị mười bảy tuổi, cái tuổi đẹp nhất của đàn bà, mà nhất là đàn bà một con, vẻ đẹp đó nó cứ ve vãn lượn lờ rồi tìm cách chui vào mắt của bọn thanh niên trong vùng vốn hừng hực như dê đực trước cửa chuồng.
Lần này, cả đám mấy thằng đàn ông xúi chị đi nhổ mì. Giữa rẫy mì, chị không còn kêu la như đêm mưa thuở nào, chị nằm đó trơ ra đếm từng củ mì dưới chân, nghe mặt đất gồ ghề như trôi đi trôi lại tới lui dưới lưng. Những chiếc lá mì như tay ai phe phẩy trước mắt, bàn tay đong đưa đó có mãnh lực vô hình đè đầu chị nằm im trên đất. Không phản kháng hay là bất lực? Làm sao chị định nghĩa nổi những điều mong manh đó.
Đứa nhỏ thứ hai chào đời, không có tên, cũng chẳng biết mặt cha. Vừa dứt sữa, chị lại ẵm nó đi đâu đó mấy hôm, khi trở về thì vài tháng sau đứa nhỏ mất. Những vết cào trên tường nhà chị càng sâu và chằng chịt, cánh cửa sắt cũng tung bản lề vì sức mạnh của người đàn bà mất con. Chính quyền xã cũng không biết làm gì hơn ngoài việc kết hợp với tổ chức từ thiện đã tặng nhà cho chị khắc thêm một câu “Trẻ em là vô tội” ở mặt tường phía trước. Người ta cứ nghĩ thần chú ấy là vạn năng, ngờ đâu lại vô dụng trước đám trai làng đui chữ.
Từ đó, lâu thật lâu người ta không thấy chị nữa. “Trẻ em là vô tội” cũng lạnh tanh.
Lần gần nhất người ta gặp chị, khi ấy chị đang tắm rửa sạch sẽ ở nhà của bà già trong xóm. Sau khi tươm tất, chị theo cán bộ lên trạm y tế. Chính quyền cho chị quà bánh, cơm nước và mấy viên thuốc, cái mà người ta nói với chị rằng “kẹo đó, ăn đi”. Chị nghe lời. Cơm nước xong xuôi, chị thấy buồn ngủ. Chuyên gia bắt đầu vào cuộc. Lần thứ ba, quần chị trôi xuống mà không phải do chị tự tuột. Người ta làm gì đó mà chị nghe đau điếng. Chị liêu xiêu gượng dậy, cặp giò chắc nịch phan thẳng vào mặt chuyên gia. Trần truồng, chị nhanh chân lẻn đi mất, bảo vệ được thứ thiêng liêng nhất của người đàn bà, thứ mà trên xã muốn cắt phứt đi cho đời chị bớt khổ. (Hoặc như cái buồng trứng ấy rụng rồi thì biết đâu ở xã họ cũng bớt lo cũng không chừng). Hai mươi tám tuổi, chị thành công trước sự thất bại của việc người ta tước đi quyền được làm mẹ của chị. Vì họ nghĩ rằng chị không bình thường hay vì họ cho rằng chị không xứng đáng có một đứa con? Làm sao mà trả lời nổi thắc mắc của những kẻ điên.
***
- Ráng giữ đừng cho nó khóc, người ta nghe thấy lại sinh chuyện.
Nói xong, bà già cất chén nước cơm vô bếp rồi trở ra.
- Mày vẫn muốn ẵm nó lên huyện hả?
Chị gật đầu.
Bà già thở dài rồi thổi tắt đèn. Bóng trăng hắt qua liếp cửa làm rạng lên khuôn mặt hân hoan khát con của người đàn bà. Cuối đoạn mộng trình, chị vẫn tỉnh táo sắp xếp lại cuộc đời thoát khỏi những kẻ điên quanh mình. Ngoài sân, cóc nhái kêu ran như tiếng vĩ cầm, kéo màn đêm thêm tối.
***
“Trong mắt em, mẹ như một thiên thần. Mẹ em có mái tóc xoăn bồng bềnh. Khuôn mặt của mẹ hình trái xoan. Em thích nhất đôi môi của mẹ, nó rất đỏ và mọng nước. Mỗi khi nói chuyện, đôi môi của mẹ nhẹ nhàng đong đưa nhìn rất thích. Bàn tay của mẹ em rất đẹp, chúng đầy đặn và vô cùng mềm mại. Mỗi lần mẹ xoè bàn tay ra nhìn cứ như những chiếc lá của cây mì đang đung đưa trong gió...”
Đó là bài tập làm văn được chín điểm của lớp hai, đề bài tả mẹ em, được viết trên trang giấy học trò và gấp làm tư, cất cẩn thận trong túi ni lông đã mục, mà công an huyện tìm thấy trong cặp táp của chàng thiếu niên. Trong cặp táp đó người ta còn lục được một cuốn sổ nhật kí nhỏ.
“Ngày...tháng...năm,
Mỗi lần bà ấy xuất hiện là đám bạn lại được dịp nhao nhao lên. Bọn chúng luôn miệng nói em là con của một mụ điên, rằng em là đồ bá dơ không có cha.
Từ lúc được đi học, em đã phải tập quen dần với những điều này. Nhưng hôm nay em thật sự buồn vì bạn Hà lại nói nhỏ với em rằng “Bà điên ấy là mẹ của cậu thật à?”.
Em rất thích bạn Hà, em không muốn bạn Hà nghỉ chơi với em vì em là con của bà ấy.”
...
“Ngày...tháng...năm,
Em đã cố gắng làm rất tốt rồi, nhưng sao thầy vẫn không khen em? Tất cả những bài tập được điểm cao em đều giữ lại, thầy có cần em đem cho thầy xem không? Bài tập toán thầy cho, em chỉ tính sai một bước, thầy đâu cần phải nói “Có điên mới làm vậy” khiến cho cả lớp cười em.
Em đã chịu đựng những chuyện này quá đủ rồi...”
...
Đó chỉ là một vài trong hàng trăm câu chuyện uẩn ức của chàng thiếu niên mà bên công an tìm được. Ở trang cuối cùng, cậu chỉ ghi vỏn vẹn có mấy chữ “Quá đủ rồi. Đừng tìm tôi nữa”.
Bên trên chiếc cặp táp nằm lăn lóc dưới đất, chàng thiếu niên đong đưa bên cành xoài đương trổ trái lúc lỉu.
Cách đó không xa, phía sau dãy nhà của trung tâm bảo trợ, một người phụ nữ tóc tai loà xoà nằm sõng soài trên đất, một con dao cắm ngang sườn, nhựa sống tràn ra, nhuộm đỏ cả gốc phượng. Trên người chị, một đứa nhỏ cất tiếng khóc oe oe.
Saigon, 17/4/2023
Ngu Yên
Bình luận
Lilith