Thằng bé con trông mới chỉ khoảng bảy, tám tuổi. Cũng có thể tuổi thực của nó còn nhỉnh hơn, nhưng cái túi da nhỏ gầy bọc bên ngoài chỉ cho phép nó trông như mới cỡ đó. Đôi chân trần giống như hai cái que khẳng khiu chọc chọc lên mặt đất. Cái quần của nó bị xắn cao, mới đi được mấy bước thì đã dần tụt xuống làm nó phải túm mạnh vào thắt lưng mà kéo lên. Kéo cái quần xong thì nó quẹt mũi một cái, dứt khoát và hào sảng như thể vừa uống nước bằng bát lớn rồi lau miệng. Chắc chắn đó là kiểu nó học được khi cùng mấy thằng nhóc khác trong khu chợ giả làm hảo hán, học làm Lâm Xung, Lỗ Trí Thâm…
Nó vừa bước đi dẫn đường vừa nói liến thoắng bằng tiếng Việt đơn đớt. Có đôi chỗ nói nói bằng tiếng Tàu. Thầy Nhạc bật cười, đáp lại nó bằng tiếng Tàu. Có lẽ trong tai nó, tiếng Tàu của thầy Nhạc cũng đơn đớt âm Việt. Vậy là nó thuận ý, cũng nói tiếng Tàu với thầy. Nó kể về mấy chuyện linh tinh trong khu chợ Tàu. Dù là chuyện linh tinh nhưng thầy Nhạc lắng nghe rất kỹ, còn hỏi lại. Cậu Bình đi phía sau, chỉ nghe giọng điệu cũng biết anh trai mình rất thích mấy đứa bé lanh lợi, mau miệng thế này.
Thầy Nhạc cứ vừa nghe vừa hỏi, nhân lúc thằng bé nhún mình nhảy qua vũng nước đọng mà không chịu đi vòng liền nhỏ giọng quay sang nói với cậu Bình.
“Năm trước, phía nam Dương Tử mưa nhiều, tằm hỏng kén hư nên năm nay lụa ít lại thành quý. Ta cứ theo đó nhập lụa ngoài Bắc mang xuống đây bán thử xem sao.”
“Thực ra lụa Bắc cũng đẹp, chỉ tiếc là còn tiết chế trang trí. Người Hán lại ưa hoa phục rực rỡ. Để em về hỏi xem họ có thêm hoa văn được hay chăng.” Cậu Bình đáp lại.
Thầy Nhạc nghe vậy thì gật đầu, cười tán thưởng mà nhìn em trai. Hai anh em đi vòng qua vũng nước đọng. Thằng bé con không nhảy qua được vũng nước lớn, chân giẫm vào bùn, nước bắn lên cẳng chân gầy và bắp đùi nhưng vẫn cười hề hề.
“Đứa nhỏ khờ.” Thầy Nhạc nheo mắt cười.
Cậu Bình im lặng không nói gì. Thằng nhóc cứ như gần như xa nhắc về chuyện vải lụa, chuyện bà lão nhà họ Lâm nào đó ưng lụa màu tía rồi chuyện hôm nọ bà Hà nào đó đánh ghen với thiếp của chồng chỉ vì khúc vải lụa dệt hoa. Cậu Bình còn nhớ cậu ruột của thằng bé cũng mở một tiệm vải gần đây. Cái tiệm vải đó khan hàng, không cạnh tranh được với những tiệm vải khác. Lần này nó cứ tìm cách lấy lòng hai anh em, lại giả ngốc giả dại, có lẽ cũng chỉ muốn kiếm mối lụa ưu tiên cho cậu nó.
Ba người bước sâu vào trong khu phố Tàu, xung quanh dậy lên mùi gia vị nồng đậm và rộn ràng tiếng người Hoa. Thầy Nhạc gặp nhiều người quen, gật đầu chào hỏi. Gần như nửa khu phố này đều biết thầy Nhạc. Đứa bé con kia tuy nói là dẫn đường nhưng thực ra cả hai anh em đều rõ ràng mọi ngõ ngách trong con phố buôn bán tấp nập này.
Lần này, A Hạo, lão sư phụ buôn đồ cổ mới tìm được một món ưng ý, lập tức bảo nó nhắn mời thầy Nhạc đến xem. Thầy Nhạc nghe thế cũng lấy làm tò mò, bèn dắt cậu Tám Bình theo cùng.
Những kẻ buôn bán trên biển lúc nào cũng thần thần bí bí. Họ thường gom những món đồ đẹp đẽ, đưa sang trao đổi với đám người da trắng mắt xanh. Người Tây dương cân lụa trả vàng, cũng hứng thú với những món đồ mỹ nghệ tinh xảo. Thầy Nhạc cũng là kẻ ra tay hào phóng có tiếng. Đôi khi, thay vì chịu rủi ro buôn bán trên biển, những thương nhân nơi này giữ lại những món đồ để cho nhau chọn xem trước. Lần này cũng vậy, ông chủ người Hoa này cũng biết cái thú chơi đồ của cậu Hai Nhạc, bởi vậy khi nghe ông ấy chủ động gọi mình tới xem đồ, thầy Nhạc trong lòng cũng có phần mong chờ.
Thằng bé đã đưa người đến, thầy Nhạc cho nó mấy xu lẻ, thằng bé ríu rít cảm ơn bằng cả tiếng Việt lẫn tiếng Tàu mà cứ nấn ná.
“Lần sau mấy cậu có tới nữa thì nhớ gọi con.”
“Gọi làm gì?” Cậu Bình nổi hứng muốn đùa mà hỏi. “Chắc gì lần sau đã cần tìm mày.”
Thằng bé suy nghĩ một chút.
“Lần sau cậu lại gọi con, con đưa cậu đi xem núi vãng cảnh, đi chèo thuyền trên sông, vào thành ăn sủi cảo.”
“Cần gì mày, tao bỏ chút tiền, ai cũng đưa tao đi khắp nơi được.”
“Vậy thôi thì cậu thương con, cho con theo hầu, chúng bạn thấy con được thân thiết với các cậu, con ở cái chợ này cũng vênh mặt được mấy hôm.”
“Ôi cha là cái miệng ngọt.”
Thầy Nhạc bật cười khen. Cậu Bình thì đưa cho thằng bé thêm một xu, lại hứa lần sau sẽ qua nhà nó. Thằng bé vui mừng khoanh tay chào và rời đi.
“Vậy lần sau chở lụa lên chọn bán cho nhà nó sao?” Thầy Nhạc nheo mắt hỏi.
Cậu Bình cúi đầu.
“Anh hai cứ đùa. Nhà nó cũng không phải nhà bán lụa có tiếng. Lần này ta đã trả tiền cảm ơn nó cho biết tin là được rồi. Còn chuyện buôn lụa thì cứ tùy xem nhà nào trả cao hơn thôi.”
Thầy Nhạc gật gù hài lòng, đi thêm mấy bước là đến nhà A Hạo. Hai anh em gọi ngoài cửa, thấy bên trong có người đáp thì đẩy cổng bước vào.
Thái A Hạo nhìn thấy thầy Nhạc thì vui vẻ vẫy tay. Cậu Bình ngó vào, thấy một lão già trông như củ nhân sâm thành tinh đang ngồi dựa vào bàn, phía sau la liệt là những món đồ gỗ, đồ đồng, tranh chữ, gấm thêu. Trông lão như ông thần già giữ của đang ngồi trấn trước đống của cải đã tích cóp được bao đời. Đồ đạc chất cao khắp nơi, những giá kệ đầy tràn. Hai anh em vừa bước vào, cậu Bình đã cảm thấy sự lạnh lẽo khác thường của ngôi nhà, đến độ cậu hơi nghi ngờ chính cái khí lạnh này đã hút hết nước trong củ nhân sâm thành tinh kia. Những nếp nhăn trên gương mặt lão khiến cậu tưởng như khuôn mặt đó được nặn lại từ một bộ rễ cây cổ thụ già, thế nhưng khí sắc hồng nhuận trên gò má lại khiến lão già cách xa mộ huyệt thêm một đoạn.
Hai anh em lịch sự cúi chào, lão rót trà mời. Mùi hương trà ấm áp xua đi phần nào cái lạnh lẽo trong ngôi nhà cổ. Cái đầu khô héo cử động, để lộ đỉnh đầu lưa thưa mấy sợi tóc. Cậu Bình lùi lại, đứng về phía sau, lặng lẽ ngắm nhìn những món đồ trưng bày đầy trong nhà để anh mình có chỗ nói chuyện với A Hạo.
Họ nói chuyện một hồi, cậu Bình chỉ nghe ra những lời khách sáo, mãi sau, lão nhân sâm tinh kia mới xoay mình, gọi vào nhà. Một người đàn ông thấp lùn, trên tay bưng một hộp gỗ dài mau chóng bước ra.
“Thầy xem. Quả là thần binh trời ban.” Lão nhân sâm tinh vừa mở cái hộp vừa vẫy tay gọi cả cậu Bình vào xem.
Những ngón tay lão rất dài, lúc này mới vươn khỏi ống tay áo để nắm lấy cái hộp. Cậu Bình có hơi ngạc nhiên. So với khuôn mặt nhăn nhúm như rễ cây, những ngón tay lão lại bóng bẩy, trắng nõn, thon dài lạ thường. Đôi mắt cậu Bình dường như dính chặt vào những ngón tay lạ kỳ trong khi thầy Nhạc dường như chẳng lấy đó làm lạ, ánh mắt chuyên chú nhìn chiếc hộp được mở ra.
Bên trong hộp là một thanh kiếm được quấn trong vải điều. Chỉ mới nhấc lên, tấm vải trượt ra, để lộ một phần bao kiếm được khắc đầy những hoa văn đẹp đẽ.
“Mấy năm nay cậu Nhạc vẫn luôn nhắc ta để ý xem có thanh binh khí nào hợp ý. Ta cầm qua tay cũng không ít đao to, kiếm dài nhưng vẫn chưa từng giới thiệu cho cậu một cây, âu cũng là vì duyên chưa tới. Lần này tìm được một thanh kiếm cổ, vừa nhìn đã thấy nó hợp với cậu, liền gọi cậu tới cùng xem. Cũng xem cái mắt áng vật tìm người của lão đây có còn tinh hay chăng.”
Thầy Nhạc sốt sắng cầm lấy thanh kiếm, gạt hết lớp vải điều ra rồi nhấc kiếm lên. Tay cầm kiếm bằng gỗ đỏ đốm đen, nhìn tựa như được bọc trong da rắn. Nhạc cầm chuôi kiếm, nắm mấy lần, sợ sắc đỏ như máu sẽ dính lên tay, nhìn hai lượt mới an tâm là không có, bàn tay vẫn khô ráo. Kiếm đúc hình Nhai Xế, đôi mắt khát máu âm u, cái miệng rộng mở ra lưỡi kiếm. Trên bao kiếm khắc đầy hoa văn, thậm chí còn khắc mấy dòng chữ nhỏ tinh tế mà Nhạc không thể nhìn rõ mà đọc ra. Thưởng thức bên ngoài một hồi, Nhạc mới rút kiếm khỏi vỏ. Cậu Bình đứng xa hơn mà cũng cảm nhận được không khí như càng thêm lạnh lẽo. Lưỡi kiếm sáng ngời, tuy mỏng như không có vẻ mềm yếu dễ uốn. Nhạc búng lên lưỡi kiếm, nghe kiếm ngân nga một hồi. Âm thanh trong trẻo gần như tiếng chuông thủy tinh.
“Kiếm tốt.”
Lão nhân sâm nhìn vậy thì cũng vui mừng vuốt râu. Nguyễn Nhạc cầm thanh kiếm trong tay, khom mình vào thế, ở trong sân nhà lão buôn đồ cổ mà múa vài đường. Lưỡi kiếm tạo thành gió, lại cắt tan cơn gió. Thầy Nhạc vốn học kiếm pháp lấy nhu mà thắng cương, lấy nhanh mà thắng mạnh. Một thanh kiếm vừa linh hoạt lại vừa sắc bén đúng là chẳng còn gì phù hợp hơn.
“Mừng anh đã nhận được kiếm báu.”
Cậu Bình cúi người, vui vẻ chúc mừng. Trong lúc thầy Nhạc còn vui mừng vuốt ve thanh kiếm quý, lão nhân sâm tinh lại cúi mình hành lễ với cậu. Cậu Bình hơi lạ nhưng cũng đáp lễ. Đôi mắt lão già đã bị hàng lông mày dài và những nếp nhăn che khuất, cậu chẳng rõ ánh mắt lão nhìn mình mang hàm ý gì, vì sao lại vô duyên vô cớ cúi đầu với cậu.
Bàn tay lão già đã giấu lại sau tay áo dài. Cậu Bình vẫn nhớ những ngón tay ấy trắng nõn, thuôn dài.
…
Thầy Nhạc vui vẻ mang thanh kiếm quý trở về. Lần đi đưa hàng này dù lợi chẳng được nhiều, lại tốn đi một khoản mua kiếm nhưng Nhạc vẫn vô cùng vui mừng, đến lúc ngủ cũng phải đặt kiếm kề bên. Ban ngày, Nhạc đã làm một sợi dây đai để đeo kiếm bên hông, bước đi cũng trở nên oai vệ hơn mấy phần. Lúc ăn cơm, kiếm cũng được tháo ra, đặt lên bàn, ngón tay Nhạc vuốt nhẹ lên bao kiếm, cười nhẹ:
“Chà chà, có thanh kiếm quý này, ta cứ vậy tung hoành giang hồ cứu người, cắt đầu lũ gian thần đê hèn, cắt đầu lũ nhu nhược bán nước, chẳng phải vậy là việc lớn cũng đã xong rồi sao. Cần chi vạn quân nữa.”
Cậu Bình nghe thấy thế thì nhíu mày, vội nói.
“Sự còn chưa bắt đầu, sao anh đã bàn lùi. Một người dù mạnh cũng sao địch nổi muôn vàn.”
Thầy Nhạc bật cười sang sảng.
“Đùa thôi, đùa thôi. Bao năm theo thầy học võ nghệ, lại thêm mấy năm đi buôn bán, chí giang hồ thực cũng đã mòn vẹt đi ít nhiều. Nay được cầm thanh thanh kiếm quý, chí xưa như còn mãi. Quả là thần binh. Sau này ta cũng sẽ bảo A Hạo sư phụ tìm cho em một thanh kiếm quý.”
Cậu Bình tráng nước nóng bát đũa, ánh mắt cũng nhìn thanh kiếm dài.
“Sau này em muốn học dùng đao.”
“Sao không tiếp tục học kiếm?”
Cậu Bình mở bao cổ tay, hơi gồng mình, nhìn những đường gân nổi lên:
“Thầy bảo em có sức mạnh, dùng đao dài sẽ hợp hơn. Kiếm pháp thiện linh hoạt, mềm dẻo. Đao pháp thiện dùng sức mạnh nhiều. Sau này anh đi trước, em sẽ theo bảo vệ phía sau.”
“Cũng được. Vậy lần sau anh sẽ lại nhắc A Hạo tìm thêm một cây đao.”
Cậu Bình hơi cúi đầu cảm tạ. Dù sao kiếm báu cũng chỉ có một, anh trai chắc chắn sẽ không vui khi một thanh kiếm báu khác xuất hiện ở trời Nam.
“Anh, em cũng có điều muốn nói.”
Đồ ăn đã được mang lên, hai anh em đều hiểu ý mà ngừng nói. Đợi người đi xa rồi, thầy Nhạc mới ra hiệu cho em trai nói tiếp.
“Thanh kiếm này tuy quý báu nhưng dù sao cũng được mang đến từ xứ khác. Anh muốn mang kiếm này về mà thống nhất xứ Nam thì e rằng lòng dân có điều không phục.”
Nhạc nghe thế thì hơi giật mình. Quả vậy, thần binh trời ban cho người Việt thì không thể là thứ được mang về từ đất Thanh. Nếu để đến khi bước qua ranh giới mà có người nhìn thấy, chỉ e sau này khó mà không khiến lòng người lung lạc. Nhạc hiểu ý em trai, tối hôm đó, dù tiếc nuối thì vẫn cất đi thanh kiếm báu, giấu kín trong hành lý.
Đoàn người đi buôn trở về, chở từng xe đồ quý. Thầy Tư Lữ đã luyện xong một bài võ, nghe tin liền vội thay áo mà ra đón. Ba anh em gặp nhau, người anh lớn thì uy võ, người anh thứ mặc áo tu trầm lặng, em út tuy kém anh cả đến mười tuổi nhưng cũng sắp đến tuổi thành niên, ánh mắt sáng ngời. Tây Sơn tam kiệt tụ hội, uy danh cũng đã dần lan xa.
Vừa vào trong nhà, né tránh ánh mắt người ngoài, thầy Nhạc liền kể chuyện đi buôn. Lát sau, trong đám hành lý, hộp kiếm được mang ra, đặt ở trên bàn, cậu Bình kể lại câu chuyện về thanh kiếm quý. Thầy Tư Lữ trầm ngâm một hồi rồi chậm rãi nói.
“Người Thượng thờ Vua Trời, sợ Vua Lửa, lại ước mong chế ngự Vua Nước. Thanh kiếm của anh ắt phải được cả ba vua ban cho phước lành, lúc đó mới khiến người Tây Sơn thượng nghe lời cho được.” Thầy tư bước về phía vạc lửa, với lấy một nắm bột trong hũ bên cạnh, ném nhanh vào vạc đang cháy liu riu, khiến lửa phụt lên cao, lưỡi lửa bắn ra tung tóe. “Trong lúc anh với Bình đi, em ở nhà cũng tìm ra thứ bột này. Em dùng thứ bột này khiến lửa trong vạc của họ bùng lên như Vua Lửa giáng thế, giờ họ đã càng thêm kinh sợ, tôn em là thầy Lửa của cả vùng.”
“Hay lắm.”
Nguyễn Nhạc nghe vậy thì lấy làm mừng, hết lời khen ngợi em trai.
Tối hôm đó, cậu Bình đến tìm cậu Lữ, trên tay là vài quyển sách binh pháp mới mua. Hai anh em nói chuyện một hồi, cậu Bình chợt hỏi.
“Anh liệu tính như vậy có được chăng?”
“Sao?” Tư Lữ nhìn cậu, tay gạt nhẹ những cuốn sách mà cậu Bình mang đến. Ngay từ đầu, cậu Lữ đã nhận ra em trai mình chỉ cầm theo mấy cuốn sách đến để làm một cái cớ. “Điều gì khiến em băn khoăn đến độ đêm rồi phải đến đây hỏi anh.”
“Làm vậy chẳng phải là lừa thần, dối người sao?”
Cậu Lữ cười nhẹ. Trong ấn tượng của cậu Bình, người anh này không thực hợp với cái danh thầy Lửa. Anh dù vui cũng không cười thoải mái, buồn cũng không ỉ ôi khóc lóc. Cả đời này, cậu Bình chưa từng thấy anh trai bộc lộ tình cảm nào quá mức sâu sắc. Nếu buộc phải so với lửa, anh Lữ giống như một khói than hồng khoét sâu trong khúc củi, âm ỉ cháy mãi không ngừng. Chí lớn thì có nhưng không đủ để lập tức thiêu cháy ai nhưng lúc cần thì luôn sẵn sàng tiếp lửa cho những kẻ muốn lao đầu vào nguy hiểm.
“Tự em còn chẳng ngại gian dối việc nhỏ, sao giờ lại hỏi ta gian dối việc đại sự?”
Cậu Bình cười.
“Binh bất yếm trá, việc dùng binh không ngại gian dối. Nhưng động đến việc quỷ thần, quả thực em cũng có vài phần lo ngại.”
“Vậy là cậu Tám chỉ ngại lừa thần, đâu có sợ dối người.”
Cậu Bình gật đầu.
“Đúng vậy. Thực ra điều em lo ngại là chuyện này lại do chính anh đề xuất, giá kể là em làm, chắc cũng chẳng suy nghĩ nhiều đến thế. Em không theo đạo, lòng không nhiều vướng mắc nhưng anh tu tập từ nhỏ, làm việc này liệu có thể vững tâm được hay không?”
Cậu Lữ nghe vậy thì nhìn về xa xăm.
“Ta học đạo, đạo của ta bảo thế giới này phân chia ra sáng và tối, thiện và ác, nam và nữ. Lừa thần, dối người ắt là xấu. Nhưng cũng chính đạo của ta bảo rằng thế giới còn có sơ tế, trung tế và hậu tế. Vật ở sơ tế là ác, đến trung tế có thể là thiện, về hậu tế lại là ác. Điều này không ai nói cho rành tỏ được. Nay ta làm ác, mai điều ác có khi lại hóa thiện. Điều mà giờ ta nghĩ là thiện, biết đâu mai sau lại là ác. Như triều vua Bắc Hà chẳng phải cũng vậy hay sao. Cực thịnh rồi suy, ngai vàng chia đôi. Chúa trong Nam cũng vậy, thiên hạ đại loạn mới sinh ra tam kiệt chúng ta. Nay ta mang tiếng lừa thần dối người, nhưng nếu cứu được người khỏi biển khổ, để vùng đất thần cai quản được thịnh vượng, bình định cuộc nhiễu nhương này, chẳng phải chính là thiện đó sao.”
Cậu Bình lặng mình mà nghe. Vậy là ý của anh tư đã quyết, cậu cũng yên lòng. Nhưng nhắc đến đạo, dù trong lòng đã thấu tỏ vài phần, cậu vẫn thở dài.
“Thật khó hiểu.”
…
Những người đàn ông mặc khố tiến dần về phía nhà rông. Trời mới đổ mưa, trong làng còn ẩm ướt và mát mẻ nhưng trên vai từng người vẫn bóng lên vì mồ hôi. Họ xầm xì nói chuyện với nhau. Tiếng nói rất nhỏ, giống như sợ lời mình nói sẽ động đến thần linh. Căn nhà rông chẳng mấy chốc mà chật kín người. Xuyên qua những thanh gỗ ghép thành sàn, ánh lửa trong nhà chiếu xuống, rơi xuống khoảng rừng tăm tối phía dưới. Sàn nhà tựa như một cái sàng, bên dưới là ánh sáng ngày một mỏng manh. Người đến đã đủ, thầy mo đeo mặt nạ, vươn tay đọc bài khấn cầu. Những người đàn ông bắt đầu nhảy múa và đọc lời cầu nguyện theo nhịp. Họ giống như đang hát múa, lại cũng giống như đang cầu xin.
Cầu cho cây tươi tốt, đơm hoa và kết trái.
Cầu cho thú trong rừng theo về nhà.
Cầu cho những kẻ bất nhân tránh xa.
Cầu cho Vua Trời thương xót mà hiển linh phép mầu.
Những bóng người vặn vẹo như cây đón gió bão, lúc lại vươn đôi tay lên trời mong lòng xót thương.
Hôm đó có lẽ cũng chỉ là một ngày cầu nguyện bình thường như bao lần. Cho đến khi thầy mo cầm một nắm bột và ném mạnh vào vạc lửa. Không như mọi lần, ngọn lửa bốc cao, liếm lên tận trần căn nhà rông. Những người đang nhảy múa vội vàng dừng lại. Tất cả đều quỳ sụp xuống. Thầy mo hét to những lời mà chính những người đồng tộc cũng không hiểu nổi.
Mãi sau, cả tộc mới nghe ông kêu lên một tiếng:
“Vua của chúng ta. Ngài đang đến rồi.”
Bên ngoài căn nhà rông, ánh lửa mạnh mẽ tỏa ra từ mọi ngóc ngách. Vệt lửa liếm lên tận nóc căn nhà rông giống như dấu tích thông báo sự hiện thân của thần.
Người Thượng nghe lời Vua Trời, nghe lời thần thánh, chờ đợi vua của họ.
…
Đã hai tháng nay, trên núi An Khê có sự lạ.
Cứ hễ canh hai trước nửa đêm, trên núi lại có ánh lửa soi chiếu. Đường núi khó đi. Ánh lửa đột ngột xuất hiện, chập chờn bay rồi lại đột ngột biến mất. Người Thượng sợ có kẻ rình mò, lại cũng sợ kinh động người nhà Trời xuống du ngoạn, vậy nên chỉ dám từ xa mà nhìn, âm thầm tìm kiếm, âm thầm chờ đợi xem có kẻ lén lút đến hay chăng. Nhưng dấu vết thì chẳng có. Ánh lửa cứ thong thả xuất hiện từ lưng chừng núi, dẫn lên rồi lại đi xuống. Người Thượng truyền tai nhau rằng cứ hễ canh hai lại có người nhà Trời xuống đi dạo.
“Là người nhà Trời báo tin, để ngọn lửa trong vạc liếm lên đến trần nhà sao?”
Một người cất tiếng hỏi, trăm người đồng tình.
“Hẳn là điềm báo.”
Trăm người đồng tình, lời truyền sang cả những tộc khác.
Tối hôm đó, thầy Biện Nhạc nhân ngày giỗ cha, mời anh em hào kiệt đến, rượu thịt bày ra, chén nâng suốt đêm. Người hầu lui tới nhiều lượt. Không ai biết trong chén thầy Nhạc rượu sao lại trong suốt thế.
Canh hai vừa đến, bên này là những bậc anh tài nâng chén nói chuyện dân chuyện nước, nơi bản làng xa xôi, con gà, con bò đã vào chuồng. Người Thượng ngủ sớm rồi lại dậy sớm, thói quen đã có từ bao đời nay. Một đêm như thế tưởng chừng sẽ trôi qua trong bình yên. Vậy mà mới qua canh hai chưa được bao lâu, trong đêm khô nóng, bên sườn núi An Khê chợt có tiếng sét đánh xuống rừng sâu. Ánh sáng bừng lên và tiếng ồn như xé rách cả mảnh rừng. Chim muông tan tác. Cả đám vật nuôi dưới nhà cũng hoảng loạn muốn phá chuồng mà chạy. Những kẻ ngủ mơ chạy khỏi nhà, ồn ào gọi vợ con, cha mẹ. Một vùng nhốn nháo trong tiếng khóc la. Đám trai bản lập tức được gọi lại, thân mang vũ khí, kết thành nhóm lớn. Những người cao niên vội vàng mang lễ vật được chuẩn bị gấp mà theo vào. Đám phụ nữ, trẻ thơ ở nhà nơm nớp đi cắt máu gà, chờ dâng lễ xin tội nếu chẳng may động vào người nhà Trời.
Đoàn người lần đi vào trong núi, theo hướng tiếng nổ ì đùng đó mà tìm vào càng sâu. Trong đêm, ánh lửa le lói, muôn loài xao động. Tộc trưởng truy ngược theo dấu thú rừng chạy loạn, dẫn đoàn người đi, lưng khom xuống vượt quá những bụi cây um tùm, đi tìm sự lạ. Thầy mo đi ngay phía sau miệng thì khấn vái liên hồi, thỉnh thoảng lại như mê sảng bảo rằng Vua Lửa giáng trần.
“Ngài đến rồi.”
Những kẻ mộ đạo nghe vậy thì cúi mình, cẩn trọng bước đi trong đêm đen.
Chợt ánh chớp lóa lên trên bầu trời, soi sáng cả vùng chỉ trong chớp mắt. Không khí ngột ngạt và tĩnh lặng. Đoàn người nhìn nhau trong chớp mắt, có kẻ cố phóng mắt ra xa, thấy xung quanh vẫn chỉ là toàn những thân cây đan chặt.
Uỳnh.
Tiếng sấm đến sau, âm thanh như một cú nổ lớn.
“Hay chỉ là Vua Nước đến?”
Có người khe khẽ hỏi lại nhưng bị người khác nạt mà buộc phải im đi. Vua Nước đến, mang theo một cơn mưa sẽ khác với Vua Lửa đến, mang theo phẫn nộ và buộc phải phục tùng.
Ánh sáng lại nhoáng lên lần nữa. Lần này đoàn người đã mò đến nơi. Trong chớp nhoáng, tất cả đều đã nhìn thấy nó. Một mảnh rừng dựa vào núi đá vẫn còn thoảng ra mùi cháy khét. Đá bắn ra khắp nơi và từ điểm trông như bị sét đánh xuống, một thanh kiếm cắm sâu vào đá, chỉ có phần chuôi kiếm nhô ra. Trong ánh chớp, thanh kiếm lạnh lẽo ở đó, làm trung tâm của một vùng hỗn độn, bên ngoài cây cối gãy rạp như những kẻ chư hầu gập mình trước vị vua vừa giáng thế.
Lại một tiếng sấm xé ngang bầu trời.
Đoàn người vội vàng quỳ xuống cầu nguyện. Những kẻ nhảy múa, những kẻ hát ca lập tức ùa đến. Chớp và sấm trên cao thay phiên nhau giáng xuống. Cơn mưa vẫn chưa đến.
“Rút lên. Ai có thể rút kiếm thần Pra Khan lên thì chính là con trai của Vua Trời, là người mang sức mạnh của Vua Lửa.”
Thầy mo vừa cầu nguyện vừa hét lên.
Tộc trưởng là người đầu tiên thử sức. Ông bặm môi, chạm lên chuôi gươm khắc chùm lửa mạnh mẽ, bặm môi và nhấc thử. Chất thép lạnh lẽo đến rùng mình, bàn tay ông cố gắng nắm chặt hơn. Ban đầu là bằng một tay, sau là dùng cả hai tay cùng với sức của toàn bộ cơ thể. Không được.
Những người phía sau lần lượt bước lên, chiếu theo thứ tự trong bản mà tiến về thử sức. Sau đó là đến đám thanh niên háo hức lại gần. Có kẻ chạy về bản, đánh thức những kẻ ở xa hơn, cùng nhau chạy đến. Đoàn người lầm lũi đi trong đêm đen. Lần này họ thẳng lưng mà đi. Đuốc lửa cháy chập chờn, đoàn người rộn rã gọi nhau. Kiếm thần Pra Khan đang chọn Vua, vị Vua sẽ đưa người Thượng đến gần với thần, được ấm no và vui vẻ.
Cả một khoảng núi rừng chập chùng theo những đốm lửa nối tiếp đổ về. Ánh chớp trên cao chớp động không ngừng, trong khoảnh khắc soi sáng những bóng người háo hức rồi lại tối đen. Những tiếng hô khí thế vang trời. Họ nối nhau, ôm eo, cố gắng lay động thanh kiếm. Đuốc cháy lên, cả một vùng như cùng bốc cháy. Thầy mo đeo mặt nạ, tụng những lời nguyện cầu. Đám thanh niên múa hát. Chớp và sấm lóe sáng không ngừng nhưng vẫn chưa thấy cơn mưa.
Mãi đến khi con trăng đang dần hạ thấp, mặt trăng to và nhuộm một màu đỏ mơ hồ, chợt có tiếng sói tru tréo trong đêm. Tiếng kêu ai oán vang dài. Những kẻ say sưa quanh thanh kiếm chợt dừng lại. Từ xa, họ nhìn thấy những ánh lửa chập chùng tiến về phía mình. Giống như một con rắn lửa đang lặng lẽ trườn tới, trong không khí oi ả và lặng gió trước cơn bão, một đoàn người đang tiến về.
Từ lúc nghe thấy tiếng nổ lớn trên sườn núi, những người đang chén thù chén tạc đã tỉnh táo lại mấy phần, vội vàng bảo nhau:
“Trên đỉnh núi có ánh lửa, đã hai tháng rồi, không biết là việc chi. Bọn ta nên cùng lên xem thử, thấy sao?”
Có người cản lại.
“Việc của dân vùng Thượng, khéo lại tế bò tế trâu cho Vua Trời của họ, xem làm gì.”
“Có tộc nào đủ bò đủ trâu mà tế được tận hai tháng. Hay là cứ đi xem, cũng chẳng mất gì.”
Những người khác nghe vậy thì liền đồng ý, thầy Nhạc ngăn rằng sợ đường khuya gió lạnh, có người cười xòa.
“Anh em ta nào lại yếu ớt đến thế. Người Thượng cứ bảo đó là người Trời xuống dạo chơi, tôi thật không tin. Nay lại có tiếng nổ, chỉ e lại tai họa. Ta ở ngay gần mà không đến cứu giúp thì những lời cứu nước cứu dân há chẳng lẽ đều chỉ là nói suông. Đêm nay anh em ta nhất quyết phải đến xem. Chỉ ngại đêm khuya đường khó đi, còn muốn nhờ thầy Biện dẫn đường đây.”
Thầy Nhạc thấy chẳng thể từ chối được, cũng liền nai nịt lại, dẫn đoàn người lên núi An Khê. Đoàn người lên đến lưng chừng núi, vừa đúng nơi sét đánh, thấy người Thượng cầm đuốc đứng đầy trong khoảnh rừng. Những kẻ đang múa may cũng đã ngừng lại. Tộc trưởng đứng chắn trước lối tiến vào.
“Khu rừng thiêng của người đồng tộc ta, là ai dám bước tới.”
Cậu Bình thầm cười. Khoảnh rừng này trước đây bị ngăn lại bởi dốc đá. Chính người của cậu đẽo gọt lại đường mà người Thượng cũng chẳng hay, giờ thoắt cái đã trở thành cánh rừng thiêng của người đồng tộc.
Một sư trưởng thông thạo tiếng người Thượng liền đứng ra mà dõng dạc hô.
“Chủ công ta nhiều đêm nằm mộng, thấy ánh sáng chói lòa hiển linh. Trong ánh sáng có tiếng dặn sẽ cho sứ giả xuống thử lòng. Ngài còn dặn Vua Lửa theo chủ công ta mà dẫn dắt các con của ngài. Nay thấy sét từ đất mà chui lên, chủ công ta cũng muốn đến xem đây có phải điềm mà sứ giả mang tới. Các người chớ cản đường mà chậm trễ việc nhà Trời.”
Đám thanh niên trẻ tuổi nghe vậy thì một phần nghi ngờ, một phần lại nhao nhao bất mãn. Tộc trưởng nhìn thấy đoàn người đến mang theo binh khí thì không dám nặng lời.
“Nói vậy không đúng.” Tộc trưởng vẫn đứng chặn đường. “Ở đây chỉ có Kiếm thần là sự lạ. Kiếm thần của Vua Trời che chở chúng ta thì sao có thể giao vào tay người miền xuôi các người. Bấy lâu nay các người coi thường chúng ta sống trên núi, đàn áp chúng ta, sao Vua của chúng ta lại có thể giao con dân của mình cho những kẻ như các người.”
Sư trưởng liền nhắc lại lời của tộc trưởng đến tai thầy Nhạc. Thầy Nhạc hơi nghiêng mình, chuyển lời sang.
“Chủ công của ta không hề giống những kẻ miền ngược khác, trước giờ luôn biết xót thương người lầm than nhỏ bé. Chúng ta chưa từng đàn áp các người, cướp gia súc của các người, khinh rẻ con em các người. Chủ công của ta được chọn, nếu các ngươi còn chưa tin, chẳng phải cứ để chủ công ta đến rút kiếm thần thử xem là được rồi sao.”
Tộc trưởng nghe vậy còn chần chừ. Chợt lão thầy mo từ sau lưng lại bước lên. Gã múa may vài đường rồi gạt vài người ra mà nói.
“Cho họ thử đi. Vua Trời mới là chí tôn, ngài quyết định tất cả. Con cháu của ngài sẽ nghe theo ý ngài, tuyệt đối trung thành.”
Tộc trưởng nghe vậy thì gật đầu. Ông lùi sang một bên, gạt đám thanh niên sau lưng. Con đường ngắn dẫn đến thanh kiếm nhanh chóng lộ ra.
Nguyễn Nhạc tách khỏi đoàn người, một mình bước về phía thanh kiếm cắm trong tảng đá. Hàng trăm ánh mắt nín thở dõi theo. Xung quanh là tiếng cầu nguyện lầm rầm không ngớt. Nhạc không rõ lúc này họ đang cầu nguyện điều gì. Cầu cho ông không rút được thanh kiếm ra khỏi tảng đá sao.
Những kẻ dại khờ.
Nhạc lại gần thanh kiếm, nhìn chuôi kiếm đúc hình ngọn lửa chồi lên. Cái bóng của Nhai Xế trùm lên tảng đá. Dưới cái nhìn chăm chú của hàng trăm đôi mắt, thay vì vội vã rút lên, Nhạc ấn thanh kiếm sâu xuống một chút, dùng ngón tay gạt nhẹ vào hai cái móc gắn vào cái bờm của Nhai Xế. Phần chốt này được làm thật khéo, trông chẳng khác gì một phần trang trí trên cái bờm dữ tợn của Nhai Xế, gắn liền vào với tảng đá. Chốt đã được tháo mở. Lực níu giữ thanh kiếm đã lỏng. Những kẻ bên dưới xì xào không ngớt. Trước một tia chớp sáng chói là một khoảnh khắc ánh sáng nhoáng lên một nhịp rất ngắn. Thời cơ đã đến.
Nhạc buông một tay, đứng dịch sang một bên, đảm bảo cho tất cả đều nhìn thấy tư thế của mình. Tay phải nắm chắc, cổ tay vung mạnh. Nhạc rút mạnh thanh kiếm ra khỏi đá. Lưỡi kiếm xát mạnh vào đá, khiến kiếm ngâm nga như tiếng rồng gầm, trong tĩnh lặng như đánh động cả rừng núi, gọi dậy sơn thần. Như có con rồng được giải thoát, tiếng gầm gừ của loài thú dữ vang vọng bốn phương. Áo choàng mỏng trên vai Nhạc theo cử động mà vung lên.
Chớp nhá lên đúng vào khoảnh khắc ấy. Lưỡi kiếm bừng sáng, ánh lên chói cả một vùng. Hoa văn trên lưỡi kiếm đen sẫm như có vết máu chạy dọc. Nhai Xế là con của Rồng, trời sinh hiếu sát, yêu thích chiến trận. Trong thoáng chốc, ánh mắt Nhai Xế trên đốc kiếm như mở bừng, sát khí mãnh liệt tản ra, làm tất cả những người có mặt phải rùng mình. Cả hai đoàn người đều vội vàng quỳ sụp xuống không dám nhìn nhưng trong mạch máu như có gì thôi thúc bừng bừng. Kiếm đến cùng với ánh sáng, được nâng lên cao quá đầu, chiếu rọi rừng núi.
“Pra Khan.” Một kẻ hét lên. “Đức Vua đã đến.”
“PRA KHAN. PRA KHAN.” Những kẻ khác vội vàng hô theo. “ĐỨC VUA ĐÃ ĐẾN.”
Kiếm thần rút ra tỏa sáng bốn phương. Ánh lửa cũng theo đó mà ảm đạm. Nhạc giẫm mạnh chân, xác định đúng tảng đá lửa đã sắp sẵn.
“Hây a~”
Thanh kiếm chém mạnh, lửa bắn ra. Những kẻ dại khờ giật mình nghe tiếng chém. Tia lửa bắn ra. Mảnh rừng khô dưới chân lập tức cháy, nhanh chóng lan ra. Cả tảng đá mà thanh kiếm giáng vào cũng bị chém cho nát vụn.
Gã thầy mo vươn cả hai tay lên trời, hò hét như mê dại.
“Vua Lửa đã hiện thân. Ngài đến đây để đưa ta về nước nhà trời.”
Lửa hừng hực lan đi suốt những đống bùi nhùi tẩm dầu. Mùi khét khi thuốc nổ tạo dựng vụ nổ giáng kiếm đầu tiên đã xóa đi mùi của đám dầu hỏa tẩm trong bùi nhùi. Khi người Thượng đến, tự mang theo đuốc, họ cũng khó mà ngửi thấy mùi dầu dẫn trong đất của khu rừng. Lúc này họ chỉ thấy cả mặt đất dường như cũng đều đang bốc cháy quanh vị vua mới.
“Xin người đừng giận. Là chúng con u mê chưa biết đó là người. Xin người hãy ngừng lửa, xin hãy thu lại cơn giận dữ của mình.”
Đoàn người quỳ rạp, cúi lạy Nhạc. Và khi chớp và tiếng sấm gần như trùng vào nhau, cơn mưa đã thực sự đến gần. Trong chớp nháy khô ráo cuối cùng, soi rõ khuôn mặt của Nhạc, người mới lúc trước còn phải nhờ người để chuyển lời, tiếng Thượng bao lâu bập bẹ không đúng, giờ lại dõng dạc dùng tiếng Thượng mà hô lên:
“Vậy hãy mang cho ta mưa đến, xóa đi cơn giận dữ của ta.”
Những kẻ thân để trần, hông quấn khố đang quỳ bên dưới lại càng rùng mình. Người Trời phái đến đã nói trôi chảy được tiếng của họ chỉ trong chớp mắt.
Uỳnh.
Lại một tiếng sấm xé trời. Lần này, mưa thực sự rơi xuống.
“Vua Nước thực sự đến rồi.”
Người Thượng hứng nước mưa, đôi mắt lại càng sùng bái vị vua của họ. Tiếng hô dậy cả một ngọn núi. Trên cao, cơn mưa đổ xuống ngày một nặng hạt.
Trời vừa hửng sáng, người ta nhanh chóng tìm thấy một cuốn sách bằng đồng được đặt trong hang đá, gần nơi mà thần kiếm giáng xuống.
Một truyền thuyết đã thực sự ra đời.
Chủ soái quân khởi nghĩa Tây Sơn nhận được kiếm quý, được từ người Chăm đến người Miên đều cung kính vâng lời. Quân khởi nghĩa ngày một lớn mạnh. Độc thần kiếm quét xuống xuôi, chiếm lấy từng tấc đất.
…
Lần này, trên con đường đến nhà A Hạo chỉ có mình cậu Bình. Hai anh trai ở nhà đang gấp rút tuyển quân. Cậu Hai Nhạc còn đang dạm hỏi con gái của tộc trưởng Ba Na. Sau lần rút kiếm Pra Khan, người Thượng cũng theo đó mà tin tưởng ba anh em Tây Sơn. Thầy Nhạc hỏi cưới con gái tộc trưởng làm vợ thứ, khiến tình cảm với người miền Thượng đã thân lại càng thêm thân. Cậu Lữ thì đi khắp vùng vừa truyền giáo vừa khuyến dụ, trai tráng trong các tộc cũng vì uy danh mà đầu quân.
Giờ chỉ còn cậu Bình cùng với mấy người tùy tùng đi vào khu chợ người Hoa. Vẫn con đường dài quanh co. Lần này khô ráo, đứa bé dẫn đường không thể giẫm lên vũng nước đọng được nữa. Mà đứa bé dẫn đường cũng đã đổi khác. Thằng bé ít nói hơn, gần như là hỏi gì đáp nấy, không quá nhiều lời. Nếu như thằng bé cũ giả ngốc thì thằng bé này lại luôn cụp mắt không dám nhìn thẳng. Đã sang xứ này đi buôn nhiều lần, cả khu chợ cũng ngầm hiểu anh em Nguyễn Nhạc đã chiêu binh mãi mã muốn dựng cờ khởi nghĩa, dính vào chính trị.
Người đến khu chợ này, nếu chỉ là khách thương bình thường thì chẳng sao, nhưng ngộ nhỡ có chuyện tìm đến, vậy thì tốt nhất là không quen, không biết. Ai cũng có phần thận trọng hơn, sợ có gì lại liên lụy đến mình.
Thằng bé cứ cúi đầu không dám nhìn. Cậu Bình chợt hỏi về thằng bé ngày xưa, nó nghĩ ngợi một chút rồi nói.
“Thưa cậu, mới cuối năm trước nó đã theo tàu buôn rồi.”
“Tại sao, tao nhớ nó còn rất nhỏ mà.”
Thanh niên ở xứ này, nếu muốn bước chân lên thuyền buôn đi xa thì phải rèn luyện, có sức khỏe, biết tiếng, lại liều lĩnh ít nhiều. Thằng bé con năm ngoái dường như chẳng có điểm gì trong số ấy để mà quyết tâm bước lên con đường dài gian khổ ấy. Cậu nhớ đến đôi chân nhỏ như hai cái que chọc mãi trên con đường dài, cả cái bóng in xuống cũng mỏng dính.
“Cậu nó ốm nặng, mợ nó đòi bỏ đi, cửa hàng cũng chẳng buôn bán gì được. Nó phẫn chí mà theo thuyền buôn đi xa, hứa không giắt túi vàng túi bạc thì không về. Cậu nó đuổi theo giữ lại không được, nó vẫn trốn đi mất.”
Cậu Bình nghe vậy thì gật đầu. Đến lúc đến nhà A Hạo, cậu cho nó mấy xu. Thằng bé cúi người, lễ phép và đoan trang lạ thường. Khi nó khoanh tay chào như một đứa trẻ người Việt, cậu để ý ở góc bàn tay còn dính một vệt đen mà cậu nghi là vệt mực.
“Mày biết chữ, biết đọc sách không?”
Thằng bé điềm tĩnh cúi người.
“Dạ có. Cha con là thầy đồ, Tết thường bán chữ làm câu đối.”
Trên đầu gối của thằng bé còn một miếng vải được chỉ mạng lại nhiều vòng trông như tơ nhện giăng.
“Ừ.”
Cậu Bình lại cho nó thêm một đồng xu, không nói rõ là cho để làm gì. Thằng bé lại vội cúi mình cảm ơn, khoanh tay chào cậu rồi mới đi. Cậu Bình nhìn theo. Năm trước, lụa Bắc Hà không được chở đến cho thằng bé nhỏ gầy kia. Cửa hàng của cậu nó quá nhỏ, giá đưa ra cũng kém, quả nhiên đến năm nay đã lụn bại. Sơ kỳ là thiện, trung kỳ là ác, hậu kỳ chẳng biết sẽ đi đến đâu.
Đoàn tùy tùng được dặn chờ ở bên ngoài, mình cậu Bình bước tiếp. Lúc cậu ngó vào nhà thì hơi giật mình. A Hạo đứng ở gần cổng, dường như đang đứng đợi.
Hai người cúi chào nhau. Cậu Bình thầm nghĩ có lẽ A Hạo chỉ vô tình đi dạo trong sân mà thôi.
“Lão chờ cậu đấy.” A Hạo chợt nói, những nếp nhăn trên khuôn mặt nhân sâm thành tinh ấy xô xô lên nhau. Da thịt lão vẫn đỏ au. Giá thử lão là nhân sâm thành tinh thật, vậy đem lão đi nấu thành cao, có lẽ cũng cứu được mấy kiếp người.
Cậu Bình chợt thấy suy nghĩ của mình hơi hoang đường.
“Thưa ông, hôm nay tôi theo lời nhắn đến hỏi thanh đao mới.”
A Hạo gật đầu. Lão bước vào nhà. Lưng thẳng, vạt áo cuốn lên dúi vào thắt lưng. Dáng người lúc đứng thì trông có vẻ uể oải, vậy mà lúc bước đi lại nhanh thoăn thoắt, thật đúng là giống cây nhân sâm, phải giữ chặt rồi mới được đào.
Cậu Bình đi theo, bước chân êm ái không phát ra tiếng động.
Trên bàn, trong gian nhà với vô số đồ cổ được bày đầy trên giá kệ, bộ trà cụ đã được sắp sẵn. Cậu Bình ngửi thấy mùi thơm thoang thoảng. Lão nhân sâm rót hai chén trà. Tay áo được vén lên, để lộ ra cổ tay gầy nhỏ với bàn tay nõn nà lạ thường. Nếu vẽ người này vào tranh, khuôn mặt và bàn tay giống như hai phần không phù hợp, có đưa bức tranh treo giữa phố cũng sẽ chẳng ai tin vào sự đối lập hoang đường này. Ai đời lại vẽ đôi tay thiếu nữ vào thân già chỉ còn mấy hơi tàn.
Qua một tuần trà, A Hạo chỉ hỏi những câu vu vơ về cuộc sống của cậu dạo này. Cậu Bình cũng đáp lại bằng những câu vô thưởng vô phạt. Cuộc sống tốt lắm, hơi mệt nhưng cũng vui, cha mẹ cậu đều khỏe, các anh đều mạnh giỏi, gia đình hòa thuận… Qua mấy lượt hỏi thăm, cậu Bình cuối cùng cũng phải hỏi.
“Thưa thầy, hôm nay con đến là vì thanh đao mà thầy nói.”
A Hạo gật đầu. Chợt lão nhìn sâu vào đôi mắt cậu Bình, ngó nghiêng một chút. Một ngón tay trắng nõn vươn ra, chỉ thẳng vào con mắt cậu.
“Nó đã bắt đầu đến rồi này.”
Lão chỉ vào con mắt bên trái của cậu Bình. Đó là con mắt to hơn và tròng mắt lạ lùng. Từ khoảng sau năm mười hai tuổi, đồng tử của con mắt này ngày một khác lạ, dường như muốn tách ra làm hai, chồng lên nhau. Tuy điều này không gây ảnh hưởng gì đến tầm nhìn của cậu Bình, thế nhưng nhiều người luôn cảm thấy ái ngại hay né tránh ánh mắt của cậu.
“Nó là gì ạ?”
“Là số mệnh khác biệt của cậu.” Ngón tay của A Hạo vẫn chỉ sát vào đó, giọng lão trong veo lạ thường. “Nó đang lựa chọn xem có nên ở lại hay chăng.”
“Một nhà lại nuôi ra hai số mệnh đế vương cùng lúc. Thật kỳ lạ. Nhưng cũng phải xem cậu có nắm được vận mệnh này hay không.”
“Ý thầy là sao?”
A Hạo thu lại ngón tay và chỉ trong khoảnh khắc, cậu Bình nhận ra bàn tay nõn nà kia không hề có đường chỉ tay. Ngay cả khi bàn tay khép hờ hay nắm lại, trong lòng bàn tay cũng không hề lưu lại một vết da gập theo đường. Khi bàn tay co gập và xòe ra ngay trước mắt cậu, cậu chỉ thấy lớp da người co duỗi phủ kín mà thôi.
Lão nhân sâm tinh mỉm cười, đưa một tờ giấy gấp tư lên bàn rồi giấu tay vào ống tay áo.
“Lần trước các cậu làm đúng lắm. Kiếm ở xứ ta không thể đem đi thu phục người dân các cậu được. Bộ đao của cậu đã được ta chở về cho cậu rồi. Cậu cứ y theo giấy này mà làm, ắt sẽ tìm được đao quý.”
“Vậy mà ông còn bắt ta đến tận đây.”
A Hạo gật đầu.
“Phải. Bởi vì cậu phải đến đây, để ta xem lại một lần. Có thế thì con mắt của cậu mới nhớ những kẻ như ta.”
“Là sao cơ?”
“Đến lúc đó cậu khắc sẽ hiểu.”
A Hạo mỉm cười, che giấu đôi tay nõn nà. Cậu Bình tuy không vui nhưng cũng hiểu rằng không thể ép những kẻ thần bí trong khu phố này nói những điều mà họ không muốn nói. Nơi này như một vùng hồ, khuấy nước một chút cũng đủ làm xao động cả một vùng, thứ kéo lên được nào chắc sẽ ngon ăn. Cậu đành cầm lấy tờ giấy mà cáo từ ra về. A Hảo xua xua tay.
“Đi chuyến này không hề mất công đâu, cậu đừng vội giận.”
…
Cậu Bình trở về, tìm thấy đao trên ngọn núi An Khê. Rút đao ra từ hang núi, những kẻ tùy tùng theo sau vui mừng loan báo nhưng cũng chỉ là thêm một chuyện để trầm trồ. Những truyền thuyết về Ông Hai Trầu đã sớm vang động cả chốn núi rừng này rồi. Thuần hóa bầy ngựa trời, dùng gùi lấy nước, tên trên sổ đồng…, mỗi việc lại càng minh chứng vị thống lãnh này chính là người Trời. Người Trời mà rừng Tây Sơn thượng thừa nhận chính là chủ nhân của thần kiếm Pra Khan.
Đúng như những điều cậu từng nghĩ, quả nhiên là thần khí duy nhất có thể hiệu triệu người Thượng chỉ có thanh Độc thần kiếm Pra Khan mà thôi. Thanh đao dài tuy cũng sắc bén, mạnh mẽ nhưng cũng không thể vượt qua danh tiếng của kiếm thần.
Trên thanh đao đúc Nhai Xế dữ tợn, sừng dài và nanh cũng dài hơn so với Nhai Xế trên thanh kiếm của Nhạc. Nhai Xế là con của Rồng. Cậu Bình dồn sức, nắm chặt cán đao. Tay cầm lạnh lẽo, thanh đao đen như mực. Cậu đặt tên thanh đao lớn này là Ô Long Đao.
Tối đó, cậu Bình mang đao trở về, luyện đao trong võ trường cho đến quá nửa đêm. Đôi tay mỏi nhừ, cả cơ thể vã mồ hôi. Thanh đao lớn bị cậu cầm lấy chỉ bằng một tay, chém mạnh vào bù nhìn trên sân tập. Bù nhìn bằng rơm mềm. Chỉ một đường cắt mạnh mẽ, dứt khoát và sắc bén mới có thể cắt đứt búi rơm lớn này.
“Giỏi quá.”
Chủ quân Nguyễn Nhạc đứng phía sau cổ vũ người em trai. Cậu Bình đặt cây đao xuống, người đổ mồ hôi ròng ròng, gân máu vẫn còn nổi lên nơi thái dương.
“Cầm đã thuận tay chưa?”
“Dạ, cũng chưa hẳn.”
Nhạc nhìn búi rơm bị cắt ra một nửa, những sợi rơm xổ ra mà gật gù.
“Mới ngày đầu cầm kiếm mới mà đã luyện đến mức này, kỳ thật cũng đã là giỏi lắm rồi.” Nhạc cầm thanh đao được Bình dâng lên, vuốt ve một chút. “Quả là một thanh đao quý.”
Nhìn em mình hãy còn thở dốc vì mệt mỏi, Nhạc cười.
“Thấy chưa, cầm được thần binh ắt sẽ thấy máu anh hùng nổi dồn dập. Có đúng không nào?”
Cậu Bình cúi người, nhận lại thanh đao. Đôi mắt hạ sâu, che đi cái nhìn như muốn vượt ra mà ngang tàng quẫy đạp.
“Dạ phải. Máu anh hùng quả thực không thể coi thường.”
Nhạc dặn dò một hồi, nhắc em dù háo hức thì vẫn nên giữ gìn sức khỏe, bịn rịn một hồi rồi mới rời đi.
Cậu Bình cầm thanh đao mới, nhấc nó lên cao. Xung quanh chỉ có tiếng gió đêm xuyên qua những tàng cây vấn vít đáp lại cậu. Tiếng gió có phần âm u, cuốn mây rời khỏi ánh trăng đã qua rằm.
Cậu khép mắt và yên lặng lắng nghe. Không có ai nghe tiếng đao của cậu mà quỳ lạy. Không có ai vì thanh đao này mà vây đến xung quanh, tôn cậu làm Vua.
Họ sẽ đến.
Cậu thầm nhủ.
Họ sẽ đến, vây quanh cậu. Vì cậu.
Bình luận
Chưa có bình luận