Sáng hai mươi chín Tết, đang say sưa ngủ trong chăn ấm đệm êm, Khôi giật mình tỉnh giấc khi nghe tiếng mẹ gọi ở cửa phòng: “Khôi ơi, một lúc nữa liệu mà dậy cho mẹ nhé.”


Bị cắt ngang giấc ngủ vào một buổi sáng thứ Sáu không phải đi học, cậu trai choai choai mười mấy tuổi hơi cau đầu mày, mắt nhắm mắt mở ló đầu ra khỏi chiếc chăn bông đang trùm kín mít người mình, ậm ừ một tiếng “Vâng” theo bản năng, rồi lại rúc mình sâu trong chiếc chăn mềm mại và ấm áp để tiếp tục đeo đuổi giấc mơ mà cậu đang bỏ dở. Chẳng biết đã thiếp đi được bao lâu, Khôi mới mơ màng mở mắt, ngó lên nhìn đồng hồ để bàn đặt trên chiếc tủ gỗ đầu giường. Bảy giờ bốn mươi lăm phút. Cố gắng mà vẫn không thể ngủ tiếp được nữa, Khôi đành trở dậy, sang phòng vệ sinh ở bên cạnh làm vệ sinh cá nhân.


Lúc Khôi khoác thêm áo phao vào người rồi bước xuống cầu thang tầng một, cậu em trai đang học lớp hai của cậu đã tíu tít chạy tới, hớn hở kéo tay lôi cậu ra ngoài sân. “Khôi nhanh lên, mọi người đang chờ rồi.”


“Gọi anh Khôi.” Khôi nghiêm giọng nhắc nhở.


Cậu bé Đăng lè lưỡi với anh trai, song không buồn đáp lời. Dạo gần đây thằng nhóc này thường xuyên xưng hô không biết lớn bé như vậy, nhưng nó lại rất láu cá, chỉ xưng hô như vậy trước mặt Khôi, làm cậu muốn mách tội thằng nhóc với bố mẹ cũng chẳng có bằng chứng. Khôi bất lực, đành mặc kệ cậu nhóc, dù sao thì nó chỉ xưng hô vậy thôi chứ không làm ra hành động “không lễ phép” nào khác, cậu làm anh, lại hơn nó những bảy tuổi thì thôi chẳng chấp nhặt với trẻ con làm gì!


Khôi bị em trai kéo ra ngoài sân, vừa ló mặt hứng lấy bầu không khí se sắt của mùa đông ở ngoại thành Hà Nội, còn chưa kịp run người thì đã nghe thấy tiếng gọi của Minh – con nhỏ bạn thân sống cùng ngõ: “Ê cu, nhanh cái chân lên.”


Chuyện lạ Việt Nam kìa, hôm nay con nhỏ này dậy sớm hơn cả mình, trời lạnh tái tê mà nó không những không ủ ê vì bị nẻ mặt, đã thế còn hí hửng ngồi khoanh chân trên chiếu vẫy tay gọi cậu như thể đang hào hứng lắm. Khôi chào chú Thế và cô Hạnh – bố mẹ của Minh, rồi mới cùng Đăng đi đến ngồi ở góc chiếu còn trống mà mọi người chừa lại cho mình. Trên hai chiếc chiếu được trải cạnh nhau đã bày đủ những nguyên liệu cần thiết, bao gồm hai chồng lá dong để trên hai chiếc mâm nhôm, hai bó lạt, hai chiếc khuôn làm bánh, một rổ gạo nếp, một nồi đỗ xanh đã ngâm, một nồi đựng thịt ba chỉ sống đã ướp muối tiêu, một con dao, một chiếc kéo, hai chiếc khăn sạch, mấy chiếc chén sứ nhỏ và vài cái bát con. Nhìn mọi thứ được bày biện trên chiếu thì đã biết, hôm nay họ sẽ cùng nhau làm bánh chưng.


Sau khi mọi người đã có mặt đầy đủ, mấy người lớn – gồm có bố Khôi, mẹ Khôi, chú Thế và cô Hạnh mới bắt đầu dặn dò bốn đứa nhóc còn lại – gồm Khôi, Minh, thằng nhóc Đăng và thằng nhóc em trai Minh tên là Đạt. Nào là bảo Đăng và Đạt cầm khăn lau khô lá dong; rồi đưa qua cho Khôi cắt mỏng sống lá và gấp lá dong; tiếp đó Minh sẽ sắp bốn chiếc lá đã gấp vào với nhau, đo độ dài cần cắt bằng cẳng lá dong được ướm vừa với khuôn rồi cắt bốn chiếc lá để tạo thành một xấp đều nhau. Muốn gạo bên trong bánh sau khi bóc ra được xanh hơn thì gập mặt lá màu xanh đậm vào trong, muốn vỏ bánh có màu xanh trông bắt mắt hơn thì làm ngược lại. Vì bên trong bánh sẽ được lót thêm lá nên họ sẽ gập lá để mặt lá ở bên ngoài. Vừa dặn dò, các phụ huynh vừa hướng dẫn con mình từng bước một để chúng có thể thực hiện chuẩn xác nhất có thể. Dần rũ bỏ vẻ thờ ơ lúc ban đầu, Khôi cũng trở nên chăm chú và nghiêm túc thực hiện theo lời người lớn dạy. Sau khi lá được cắt xong, mọi người bắt đầu gói bánh. Lót một thanh lạt xuống dưới khuôn, đặt đường gập của mảnh lá dong đã cắt vào đúng một góc của khuôn, choãi cho hai mặt phẳng giao nhau bởi đường thẳng đó vuông góc rồi gập phần lá dưới đáy bị co lên thành hình tam giác để nó nằm yên ở dưới đáy, đặt mỗi chiếc lá như thế vào một góc trong khuôn, sau khi đủ cả bốn góc thì đặt ngửa một miếng lá cắt thừa từ ban nãy vào trong để lót, tiếp đó lần lượt cho gạo nếp đã được ngâm trắng tròn mây mẩy, rồi đỗ xanh vàng ươm, thịt ba chỉ béo ngậy đậm đà, lại một lớp đỗ rồi đến một lớp gạo, trải đều gạo ra sao cho bốn góc được lèn chặt gạo, đồng thời không để đỗ và thịt ở trên mặt bánh bị lộ ra, lại úp một miếng lá lên trên cùng để lót. Cuối cùng là công đoạn gói bánh, lần lượt gập phần lá bên tay trái và tay phải vào trong, miết phần lá dựng đứng lên trên theo cả hai bên sẽ thành hình tam giác, gập hai phần tam giác đó xuống. Tiếp đó nhẹ nhàng gỡ khuôn ra, chỉnh sợi lạt bị đè dưới bánh sao cho hai đầu lạt bằng nhau, giữ phần lạt tiếp xúc với cạnh của bánh rồi quấn lạt lại mấy vòng và lồng vào trong đường lạt trên thân bánh để lạt không bị bung ra. Tiếp tục buộc thêm một đường lạt song song và hai đường lạt vuông góc với sợi lạt đã buộc theo cách như thế thì sẽ xong một chiếc bánh. Cả hai nhà gộp lại cũng chỉ có hai chiếc khuôn gói bánh, thế nên ngoài cách dùng khuôn, mấy phụ huynh còn dạy Khôi và Minh gói bánh không khuôn, các bước thực hiện vẫn tương tự, chỉ là khi xếp lá theo bốn góc, ta cần phải cẩn thận giữ lá để chúng đứng vững và có thể đè một chiếc chén lên phần lá ở đáy, việc gói bánh sẽ trở nên dễ dàng hơn.


Khôi vừa chăm chú nhìn mẹ mình đã quen tay nên làm thoăn thoắt mà chẳng cần dùng khuôn và chén, vừa chật vật làm theo từng bước. Giữa lúc bắt chước không giống cho lắm, cậu quay sang nhìn, thấy con nhỏ bạn mình cũng chẳng khá khẩm hơn là bao, cậu bỗng muốn cười thầm trong bụng. Hừm, mình với nó làm tệ như nhau cả thôi.


Nhớ lại chuyện con nhỏ Minh mè nheo đòi học làm bánh chưng ngày hôm qua, Khôi lại càng muốn cười. Chuyện là vốn dĩ bố của Khôi và chú Thế thân thiết với nhau từ hồi còn đi học, hai nhà lại sống chung trong một con ngõ nên mọi người đã quen thân với nhau từ lâu. Hơn nữa, Khôi còn bằng tuổi và học chung với Minh từ nhỏ, nhóc Đăng và nhóc Đạt ra đời cùng năm và cũng học cùng nhau nên mối giao tình giữa hai gia đình lại càng khăng khít. Hôm qua, lúc cô Hạnh và Minh sang cho nhà Khôi một cây giò bò, mẹ Khôi và cô Hạnh hỏi han nhau chuyện làm bánh chưng. Khôi đang cầm giẻ cặm cụi lau từng chi tiết trên bộ bàn ghế gỗ chạm trổ trong phòng khách thì nghe giọng nói hớn hở của con nhỏ Minh vọng vào từ tận ngoài sân: “Con học làm bánh chưng được không ạ?”


Khoảnh khắc ấy, bàn tay Khôi bỗng run nhẹ. Con nhỏ này hôm nay ăn phải bả gì không biết, tự dưng chăm chỉ và đảm đang lạ lùng. Quả nhiên, không chỉ cậu mà mẹ cậu và cô Hạnh cũng cảm thấy thế, hai bà mẹ đều ngạc nhiên trước yêu cầu của Minh, song sau đó họ cũng ủng hộ nhiệt liệt mong muốn đó. Sau khi bàn bạc thêm một lúc, hai bà mẹ quyết định hôm sau – tức ngày hai ngươi chín Tết, hai gia đình sẽ cùng gói bánh chưng ở sân nhà Khôi. Tức là sao, tức là đương nhiên Khôi cũng phải học gói bánh cùng Minh. Thế là chiều qua, Khôi và Minh còn phải hì hụi ngồi rửa lá cả buổi để sáng nay hai gia đình cùng gói bánh chung thế này.


Ban đầu thì đúng là Khôi không thích vụ này thật, nhưng mọi người đã quyết định như thế nên cậu cũng chẳng tiện phản đối gì. Song đến lúc này, khi đã vất vả tự gói cho mình được một chiếc bánh chưng hơi méo mó, Khôi bỗng cảm thấy việc này cũng khá hay ho, chí ít nó cũng chẳng có hại gì, thậm chí còn giúp cậu biết thêm được thứ mà cậu chưa từng biết. Bởi vậy, Khôi cũng vui vẻ tiếp tục học theo mọi người và bắt tay vào làm chiếc bánh tiếp theo.


Hai cậu bé mới học lớp hai là Đăng và Đạt sau khi lau hết lá thì dường như bị cuồng tay chân, song lại chẳng có việc gì để làm tiếp, thế là hai cu cậu thi thoảng lại chạy sang chỗ người này xem, khi thì chạy sang chỗ người nọ ngó. Quan sát được một lát, Đạt tò mò hỏi: “Tại sao lại phải làm bánh chưng ngày Tết ạ?”


Chị gái cu cậu lập tức trả lời trong khi bàn tay vẫn đang mò mẫm làm từng bước: “Mày đã nghe sự tích bánh chưng bánh giầy chưa nhỉ?”


Đạt lắc đầu, khuôn mặt non nớt trông đầy tò mò. “Em chưa.”


“Thế thì nghe đây này.” Minh hắng giọng, không ngẩng đầu lên mà vẫn tập trung nhìn vào chiếc bánh chưng mình đang cố gắng tạo hình. “Ngày xửa ngày xưa, vào đời Hùng Vương thứ… thứ bao nhiêu chị không nhớ rõ nữa…”


Tiếng cười khẽ của Khôi bật ra cắt ngang lời kể của Minh, quả nhiên con nhỏ nhíu mày nhìn Khôi rồi đưa mắt ra hiệu cho cậu im lặng. Khôi gật đầu, nghe bạn kể tiếp.


“Vào đời Hùng Vương thứ nào đó, có chàng Mai An Tiêm…”


Lúc này, Khôi không thể không cắt ngang. “Đấy là sự tích dưa hấu.”


Minh trợn mắt, há hốc miệng, toan đưa tay lên vỗ đầu vì sự nhầm lẫn tai hại của mình thì chợt nhận ra tay mình đang ướt, thế nên cô đành từ bỏ. “Ừ nhỉ, nhầm lẫn đấy, xin lỗi.” Đoạn, cô quay sang nhìn cậu em trai và cậu nhóc Đăng đang ngồi chống tay chăm chú lắng nghe mình kể, nói tiếp. “Chị đang kể đến đâu rồi?”


Hai cu cậu đồng thanh: “Có chàng Mai An Tiêm…”


Minh xua tay như xua tà. “Không, không. Không phải Mai An Tiêm, chị nhầm đấy, mà là có chàng… hình như tên Chử Đồng Tử…”


“Đấy là sự tích đầm Dạ Trạch.” Khôi lại bắt buộc phải nhắc nhở.


Minh cứng họng, nghệt mặt, quay sang hỏi Khôi: “Ơ thế rốt cuộc là chàng nào? Tự dưng tao chỉ nhớ được hai cái tên đấy thôi.”


“Lang Liêu má ạ. Đã không nhớ còn bày đặt thể hiện.”


Minh thẹn quá hóa giận, rút luôn sợi lạt ở bên cạnh lên đánh nhẹ vào tay Khôi. Tất nhiên sợi lạt mỏng manh ấy chỉ như gãi ngứa cho Khôi, cậu chẳng buồn để tâm đến hành vi “dã man” của bạn, ngược lại còn lè lưỡi khiến Minh tức nghẹn.


“Chị Minh kể tiếp đi.” Mãi mà không nghe được câu chuyện hoàn chỉnh, Đạt thúc giục một cách thiếu kiên nhẫn.


“Tự kiếm truyện mà đọc. Tao bận gói bánh rồi.”


Khôi bật cười. Cả cậu và mấy người lớn đều đã quá quen với tính khí của Minh nên họ chẳng mấy bận lòng, vừa cười vừa tiếp tục gói bánh. Chỉ khổ cho hai cu cậu Đạt và Đăng vẫn đang ngẩn tò te, đã chẳng được nghe ngọn nguồn sự tích bánh chưng bánh giầy lại còn bị mắng.


Để không khiến hai cậu nhóc đang hiếu kỳ phải ôm mãi thắc mắc, các vị phụ huynh bèn kể sơ qua sự tích bánh chưng bánh giầy cho hai cu cậu nghe, nhân tiện lại nói về chuyện gói bánh hồi mình còn sàn sàn tuổi Khôi và Minh bây giờ. Thuở ấy vẫn là thời bao cấp, cuộc sống khó khăn trăm bề, trước mỗi dịp Tết mọi người đều phải tích góp rất lâu thì mới chuẩn bị được để có một cái Tết tạm coi như ấm no. Tuy vậy, cứ mỗi khi năm hết Tết đến, bầu không khí ở mọi nơi đều như ấm sực lên trong tiếng nói cười rôm rả của người lớn, tiếng hò reo tíu tít của tụi trẻ con sắp được trải qua quãng thời gian ngắn ngủi đủ đầy nhất trong năm. Khôi chăm chú lắng nghe người lớn kể chuyện, trong đầu cũng lặng lẽ mường tượng ra hình ảnh mọi người xúm xít, tụ họp lại bên nhau cùng chia sẻ nhiều câu chuyện buồn vui mừng tủi sau một năm lam lũ, vất vả. Làn gió cuối đông đầu xuân chừng như cũng muốn xem hai gia đình gói bánh chưng nên thi thoảng lại ghé ngang, song Khôi chẳng hề cảm thấy lạnh, bởi cậu cũng đang được bao bọc trong một bầu không khí ấm cúng và thân tình như thế. Trong tâm trí Khôi khi ấy chỉ có một mong ước, đó là hy vọng năm nào cậu cũng có thể tận hưởng cảm giác hạnh phúc bình dị thế này.


oOo


Sáng ba mươi Tết, Minh được ngủ đã giấc hơn mấy hôm trước vì nhà cửa đã dọn dẹp hòm hòm, những thứ cần chuẩn bị cũng đã gần tươm tất. Cả buổi sáng cô dành để lau dọn kệ bếp cho mẹ, sang đầu giờ chiều hai mẹ con sẽ tập trung cuốn nem để rán sơ trước, trong mấy ngày Tết nếu muốn ăn nem thì chỉ cần bỏ từ trong tủ lạnh ra rồi rán lại cho nóng chứ không cần lịch kịch chuẩn bị nguyên liệu nữa. Từ hồi Minh lên cấp hai, công việc cùng mẹ rán nem chiều ba mươi Tết đã trở thành một thói quen. Vào một ngày cuối năm lạnh lẽo mà được đứng trong căn bếp ấm cúng ngào ngạt mùi thơm nức mũi của nem rán, Minh thấy cuộc đời bỗng dưng đẹp đến lạ, đẹp đến nỗi việc cậu nhóc em trai luẩn quẩn bên chân đòi ăn nem mà không được nên cứ lải nhải nhức cả tai cũng không khiến Minh thấy phiền.


“Minh ơi!” Bỗng dưng, tiếng gọi mà Minh nghe rõ là của Khôi vọng vào từ bên ngoài. Minh vội đưa đũa cho mẹ, chạy ra xem.


Quả nhiên, ngoài cổng nhà cô, Khôi đang ngồi trên yên chiếc xe đạp cào cào, hai chân chống xuống đất để giữ thăng bằng. Nhìn cậu, nhiều lúc Minh cũng rất thắc mắc, chẳng biết từ khi nào Khôi đã cao như vậy, không còn là cậu nhóc xêm xêm cô hồi nhỏ nữa mà đã trở thành một cậu trai gần mét tám cô chỉ còn đứng chưa chạm đến vai. May mắn thay, Khôi cao nhưng không lỏng khỏng mà vẫn có da có thịt, thành thử cậu trông vừa vặn, không to sụ phốp pháp cũng chẳng gầy nhẳng như ốm đói lâu ngày. Điều đó khiến đôi khi Minh trộm nghĩ, hẳn sau này khi lớn lên, ít nhất với ngoại hình cao ráo sáng sủa đó, Khôi sẽ được nhiều cô gái thích lắm cho xem.


Minh bước về phía cậu bạn, vừa đứng cách cậu khoảng nửa mét thì đã thấy bạn mình chìa tay ra, trên bàn tay cậu là chiếc máy nghe nhạc iPod mà cô phải tiết kiệm tiền tiêu vặt suốt nửa năm mới đủ tiền mua về.


Vừa đưa đồ cho Minh, Khôi vừa hỏi: “Thơm thế, nhà mày đang rán nem à?”


Nhận lại chiếc iPod xám trắng nằm gọn trong bàn tay Khôi, Minh gật đầu cười hớn hở. “Ừ. Mày chép nhạc vào xong rồi à?”


Khôi gật đầu, khuôn mặt chẳng nhiều cảm xúc, như thể đã quá chai lì với việc này. “Tao vừa sang nhà anh Duy biếu nhà anh ấy đôi bánh chưng, nhân tiện chép đủ nhạc vào cho mày rồi.”


Năm nay Minh và Khôi mới mười bốn tuổi, bố mẹ của cả hai cảm thấy vẫn chưa nên lắp máy tính trong nhà cho hai đứa dùng vì sợ cả hai sẽ chểnh mảng việc học, thế là các phụ huynh cùng quyết định đợi sau khi hai đứa lên cấp ba sẽ lắp máy tính sau. Bởi vậy mỗi khi cần dùng mạng máy tính, Khôi thường đạp xe sang nhà người anh họ đang học đại học để dùng ké. Thời buổi này mạng máy tính vẫn chưa quá phổ biến, cũng may Khôi và Minh không cần lên mạng quá nhiều nên cả hai đều không cảm thấy có vấn đề gì. Cũng vì lẽ đó, sau khi sắm được chiếc iPod để có thể thỏa thuê nghe những bản nhạc mình yêu thích, Minh thường nhờ Khôi sang nhà anh họ cậu để chép nhạc vào máy hộ mình.


Minh hí hửng nhận lấy chiếc iPod, nhân cơ hội hiếm hoi cậu bạn không chênh lệch chiều cao quá nhiều với mình thì hứng chí rướn tay lên vỗ vai bạn. “Cảm ơn đồng chí nhé.”


Khôi không tránh đi, thậm chí còn nhìn Minh với vẻ mặt hơi áy náy, ấp úng nói: “Mà này… vụ tối nay, tao không đi được nữa nhé.”


“Hả? Hôm trước cả hội đã hẹn nhau đi đốt lửa nướng chuối rồi mà, hôm qua lúc tao sang nhà mày gói bánh cũng có thấy mày nói gì đâu?”


“Thì vốn là thế. Nhưng tối nay tao phải phụ bố mổ gà cúng sang canh, nên không đi được nữa đâu.”


“Bắt buộc phải vậy à?” Minh ỉu xìu hỏi.


“Ừ.”


“Mà sao năm nay mày lại phải mổ gà cùng chú Mạnh?”


“Ờ thì… tranh thủ học tập luôn, có ích cho sau này.”


“Ích gì?”


“Có ích cho vợ tao, được chưa? Sau này tao phụ trách mổ và chặt gà, vợ tao đỡ phải nhọc công nhọc sức.”


“…”


Có vẻ nghĩ đến điều gì, Khôi cười nom rất thèm đòn, tiếp tục nói trong khi Minh vẫn còn đang hơi ngơ ngẩn. “Còn mày thì nhân lúc nào đó cũng học chặt gà đi nhé, sau này còn làm sư tử Hà Đông giúp chồng mày gánh vác cả gia đình.”


Đến lúc này thì Minh không thể nhịn được, thật sự đưa tay ra đánh vào lưng cậu bạn bôm bốp, làm Khôi vừa cười như nắc nẻ vừa phải cố tránh đi.


Cười đùa mệt rồi, Khôi mới nghiêm túc bảo: “Mày muốn đi chơi như thế thì tối nay cứ đi với tụi cái Vân cũng được, chứ tao không đi được đâu.”


Minh lắc đầu tiu nghỉu. “Thôi, đi cùng mày thì bố mẹ tao cho đi, chứ đi một mình thì khỏi, hai ông bà không yên tâm.”


“Ờ.” Ngẫm nghĩ một thoáng, Khôi mới nói tiếp. “Mà sao mày phải háu thế nhỉ, tối ở nhà xem Táo Quân cho có không khí, xem xong thì đọc sách, đọc truyện đến mười hai giờ đón giao thừa là vừa. Ở nhà cho ấm, chứ lạnh căm căm thế này ra ngoài cho rét mướt làm gì. Với lại mùng sáu cả hội hẹn nhau bắt xe buýt đi chơi nữa rồi mà.”


“Bây giờ thì đành thế thôi chứ biết làm sao nữa.”


“Tạm thời thế đã nhé. Tao phải về đây, mày cũng vào rán nem phụ cô Hạnh đi, thằng Đạt sắp ăn hết nem bây giờ.”


Minh bật cười, vẫy tay với bạn, nhìn cậu bạn co chân lên đạp xe bon bon về phía cuối ngõ mà lòng chợt chùng xuống.


Tối hôm ấy, giống như gợi ý của Khôi, Minh cùng bố mẹ và em trai ngồi quây quần xem Táo Quân. Cậu nhóc Đạt dù hiểu dù không vẫn cười khanh khách theo cả nhà mỗi khi có tình tiết nào đó gây hài, khiến Minh cũng có thêm nhiều phút giây thư giãn không được báo trước. Chương trình kết thúc, Minh leo lên tầng trở về phòng mình. Dù hơi buồn ngủ nhưng cô vẫn cố gắng thức để đón chào khoảnh khắc năm mới đến. Thực ra Minh cũng không biết mình chờ giây phút ấy làm gì, có lẽ những đứa trẻ tầm tuổi cô đều như vậy, cảm thấy bỏ lỡ khoảnh khắc đó thì sẽ hơi tiếc nuối, dù rằng nếu chờ đợi được nó thì cũng chỉ để nghe tiếng pháo hoa đùng đoàng vẳng tới từ một nơi khá xa và nếu có may mắn thì sẽ trông thấy được những tia sáng bắn ra lấp ló sau những tán cây. Sợ mình sẽ thiếp đi lúc nào không hay, Minh cố tìm kiếm việc gì đó để giết thời gian. Cô bèn lấy chiếc iPod chiều nay Khôi vừa trả cho mình ra, bật lên nghe. Giai điệu du dương của bài hát Khúc giao mùa đưa Minh vào một không gian của đêm giao thừa yên bình, lung linh và ấm áp. Đây là bài hát Minh mới nhờ Khôi chép vào iPod. Minh nhớ lúc ngỏ lời nhờ vả, Khôi còn thắc mắc sao Minh lại bảo chép bài này thay vì chỉ chép những ca khúc của nhóm nhạc thần tượng Hàn Quốc mà Minh đang mến mộ. Minh cấm cảu giải thích là chép vào để nghe cho có không khí Tết. Khôi còn cười bảo nghe cho có không khí Tết mà chép vào mỗi bài này trong khi bài này chỉ nghe vào hôm giao thừa thì mới phù hợp, Tết còn chưa kịp đến nữa là. Minh cứng họng, suýt thì nhảy chồm lên đánh bạn bất chấp việc chiều cao của cô không cho phép.


Dù trong thâm tâm cũng ngầm thừa nhận Khôi nói đúng, rằng Khúc giao mùa nghe vào trước Tết là chuẩn nhất, nhưng Minh không định nghe ca khúc này vào tối nay, bởi vốn dĩ cô đã nghĩ mình sẽ có một buổi tối giao thừa vui hết cỡ bên đám bạn. Song giữa chừng Khôi lại đổi ý khiến kế hoạch đổ bể. Thực ra Minh có thể đi một mình, nhưng nghĩ đến việc cuộc vui sẽ vắng mặt Khôi, chẳng hiểu sao Minh chợt cảm thấy hơi mất mát và cũng thoáng phần thất vọng. Cô hiểu Khôi không có nghĩa vụ phải làm bất cứ chuyện gì mình muốn và cũng không cần kè kè bên mình mọi nơi mọi lúc, nhưng việc cậu bạn thân dần dần rồi sẽ có khoảng cách nhất định với mình theo sự trưởng thành của hai đứa vẫn khiến lòng Minh hụt hẫng và man mác buồn. Cũng giống như việc Khôi bảo sẽ học bố cách xử lý gà để đỡ đần vợ sau này vậy, khoảnh khắc Khôi nói lời ấy, Minh bỗng thấy chiếc hố mang tên hụt hẫng trong lòng mình bị nới rộng dần, chỉ cần cô sơ sẩy thì sẽ hụt chân ngã nhào xuống đó rồi không thể tự trèo lên được. Nghĩ đến đây, Minh bỗng có cảm giác giọng hát của Mỹ Linh và Minh Quân khi chui vào tai cô cũng trở nên buồn bã và ủ ê hẳn.


Bất chợt, tiếng bố gọi từ dưới nhà vọng lên kéo Minh ra khỏi khung cảnh “Ta cùng bao người nhìn nhau ánh mắt hân hoan/ Với bao niềm yêu thương cuộc đời” đang láng máng hiện lên trong tâm trí cô.


“Minh ơi, Khôi gọi này.”


Minh bật dậy khỏi giường tựa như chiếc lò xo vừa hết bị nén, tung chăn ra, tháo tai nghe, chạy xồng xộc xuống tầng. Lúc cô ra ngoài cổng, Khôi đã đứng yên ở đó, hai tay đút túi áo khoác, miệng khẽ thở nhè nhẹ tạo ra làn khói trắng lờ mờ song vẫn có thể nhìn thấy được loáng thoáng dưới ánh đèn đường. Còn chưa ra đến nơi, Minh đã nghe tiếng Khôi giục: “Ê mày, nhanh cái chân lên.”


Chẳng hiểu sao, Minh bỗng muốn cười trước câu nói có phần quen tai này. Và cô đã thật sự cười khi đứng trước mặt Khôi. “Gì đấy? Mày phụ mổ gà xong rồi à?”


Khôi gật đầu. “Ừ. Tranh thủ còn gần một tiếng trước khi hết năm, sang đưa cho mày cái này rồi về, kẻo qua mười hai giờ mới vào nhà thì tao thành người xông đất đầu năm mới của nhà tao mất.” Nói đoạn, cậu bỏ tay phải ra khỏi túi áo khoác, chìa đến trước mặt Minh.


Minh nhìn vào bàn tay thon gầy xương xương của cậu, thấy trong lòng bàn tay cậu là một… cái kẹo gừng. Cô vội ngước đôi mắt đang trợn tròn lên nhìn Khôi thì thấy Khôi ra hiệu cho mình cầm lấy chiếc kẹo.


Đợi khi Minh làm theo lời bạn trong sự hoang mang, Khôi mới nói: “Quà hết năm nhé, coi như cáo lỗi vì tối nay không đi chơi với mày được.”


Đôi mắt Minh còn trợn to hơn khi nghe lời này. “Hả?”


“Thì ban đầu kế hoạch xong xuôi cả rồi còn gì, mày còn hớn ha hớn hở ra ngóng vào trông, thiếu mỗi nước mặc luôn quần áo mới đi khoe với tụi cái Vân nữa thôi… Ấy, không chơi trò véo nhé, trời đang lạnh mà sứt miếng da nào thì buốt lắm đấy…” Khôi cười nhẹ lùi một bước về sau khi thấy móng vuốt của Minh vươn đến chỗ mình, rồi mới nói tiếp. “Thật ra tối qua lúc bê nồi bánh chưng xuống sau khi luộc bánh xong, mẹ tao bị đau tay, tối nay không phụ bố tao mổ gà được, nên tao quyết định ở nhà phụ bố mẹ.”


Bàn tay đang vươn ra của Minh chợt buông thõng. Cô khẽ nhíu mày, lo lắng hỏi: “Cô Hiền có bị nặng không? Sáng nay mẹ tao sang lấy bánh chưng về mà không thấy nói gì.”


Khôi lắc đầu. “Không, chỉ hơi đau tay thôi, mấy hôm nữa chắc sẽ khỏi. Lúc mẹ mày sang lấy bánh, mẹ tao đang đến nhà bác Đào nhờ khám sơ sơ nên mẹ mày không biết chuyện.” Bác Đào là một bác sĩ sống cùng thôn với họ. Mỗi khi có bệnh vặt gì không nghiêm trọng đến mức phải tới phòng khám hay bệnh viện, mọi người trong thôn Thanh Vân thường lựa chọn đến nhờ bác Đào kiểm tra.


Minh gật đầu, bỗng cảm thấy mình thật trẻ con. Khôi thì quan tâm đến bố mẹ và có suy nghĩ chín chắn như thế, còn cô lại giận hờn vu vơ và tủi thân chỉ vì sự ấu trĩ của mình. Cô hé miệng, song còn chưa kịp nói gì thêm thì Khôi đã giành lời trước. “Nhận kẹo rồi thì xí xóa mọi chuyện không vui của năm cũ, sang năm mới lại vui vẻ chơi với nhau nhé.”


Minh không nhận ra rằng khóe miệng mình đã vô thức cong lên khi nghe câu nói đó của Khôi. “Nể mặt cái kẹo gừng ngon lành này, tao miễn cưỡng đồng ý.”


Nghe vậy, Khôi cũng mỉm cười. “Thật ra cái kẹo này tao tìm được lúc đang dọn nhà đấy. Hình như mua từ mấy tháng trước mà chưa ăn hết, không biết đã bị chảy chưa. Năm hết Tết đến, mày xử nó hộ tao cho đỡ giông…”


Khôi còn chưa dứt lời thì đã lại phải đương đầu với móng vuốt của bạn. Cậu cười toe toét, hàm răng trắng đều đặn dù không ở trong điều kiện ánh sáng tốt nhất cũng vẫn được phô bày hết mức, sáng rực át cả ngọn đèn đường. “Nhớ ăn trước khi sang năm mới đấy nhé. Mà mày đánh răng chưa?”


Minh vô thức gật đầu, đã nghe Khôi nói tiếp. “Thế ăn xong thì nhớ đánh răng lại, kẻo nhỡ chẳng may mày bị sâu răng, mai sau ế chỏng ế chơ ra cũng không ai thèm đâu.” Vừa nói dứt lời, Khôi đã vụt chạy về phía cuối ngõ.


“Mày nghĩ tao là trẻ con chắc mà không biết đường đánh răng lại…” Minh vừa đốp chát vừa lập tức co giò đuổi theo, song chỉ kịp trông thấy cậu bạn giơ tay lên vẫy với phía sau, nói nhanh một câu “Năm mới vui vẻ” rồi chui tọt vào trong sân nhà mình và nhanh tay kéo thanh chốt đóng cổng lại.


Minh bất giác nhoẻn miệng cười trong khi vẫn còn thở hổn hển, nhìn cậu bạn thân cũng đang đứng cười ngăn cách với mình bằng những thanh chắn cổng, khẽ đáp lại cậu: “Năm mới vui vẻ.” Làn khói trắng phả ra từ mỗi nhịp thở cũng lảng vảng quanh chóp mũi, tựa như khiêu vũ một điệu nhạc vui tươi phù hợp với tâm trạng của cô.


Trở về phòng mình, Minh bóc chiếc kẹo gừng ra ăn, cảm nhận vị cay nồng ngọt ngào đang lan khắp khoang miệng rồi len lỏi đến mọi cơ quan khác trong cơ thể. Bên tai vẫn là giọng ca của Mỹ Linh và Minh Quân thủ thỉ thiết tha “Bên em, bên em anh say trong hạnh phúc/ Đôi môi em anh ngỡ cánh đào/ Bên anh, bên anh em nghe trong lòng hát/ Những giai điệu tình yêu”, ngoài cửa sổ là từng tràng pháo hoa rực rỡ bay phụt lên trời rồi vỡ ra thành những mảnh ánh sáng nhiều màu sắc, thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới – chuyển giao giữa những điều cũ và điều mới đã đến. Minh nghe lòng mình cũng cục cựa chuyển giao, chuyển giao từ một trạng thái cảm xúc cũ kỹ được ủ ghém trong lòng mười mấy năm thành một trạng thái cảm xúc mới mẻ khác: non tươi, mơn mởn, căng tràn nhựa sống.


Không kịp ăn xong kẹo trước khi hết năm rồi. Nhưng kẹo không bị chảy. Và rất ngon.


Lúc lại gặp nhau khi năm mới đã chễm chệ ngồi yên đó, Minh sẽ kể với Khôi như thế.


Bình luận

Chưa có bình luận
Preview Settings

Try It Real Time

Layout Type
    • LTR
    • RTL
    • Box
Sidebar Type
Sidebar Icon
Unlimited Color
Light layout
Dark Layout
Mix Layout
}