Sự việc chặn đường kết thúc nhờ sự can thiệp tình cờ của người bạn mới cùng xã với Hà ở lớp A7, đoạn đường về của cô bé đã trở lại bình yên. Thi thoảng một hai tên đầu gấu phóng ngang qua cũng ngứa mồm trêu ghẹo, nhưng chỉ cần Hưng biết, hôm sau kiểu gì cũng có ngọn núi nhỏ vác rìu bên đường nhìn mấy thằng oắt ấy bằng ánh mắt thân ái khi chúng đi ngang qua khiến bọn ranh con du côn ấy biết thế nào gọi là “không thể trêu vào.”
Hà cũng có người bạn đầu tiên kể từ khi cô bước vào trường này.
Mặc dù chủ đề của hai người hầu như chẳng bao giờ trùng nhau, Hưng là kiểu hoàn toàn không để tâm trí vào việc học, còn Hà thì gần như hoàn toàn đắm chìm vào bài tập và kiểm tra. Thỉnh thoảng ngó qua vở ghi của cô bé, Hưng bàng hoàng nhận ra mình không hiểu một chữ nào cả???
Buổi trưa ở lại trường, hai người thường tập trung ở phòng tự học trên thư viện sau khi ăn. Hà không còn ở lại lớp học trong giờ nghỉ trưa nữa, cô chuyển đến thư viện. Ít nhất thì chỗ này có thầy thủ thư, giờ còn có thêm một chú gấu nhỏ đi cùng.
Hưng thì phát hiện ra thư viện ngủ trưa đúng là tuyệt vời. Bầu không khí học thuật và hương sách thoang thoảng, tiếng lật giấy loạt soạt của cô bạn bên cạnh đúng là khúc hát ru hoàn hảo. Chưa đến hai phút đảm bảo ngủ say, đã kiểm chứng!
Sau hai tuần ngồi học cùng Hưng, thấy cậu hoàn toàn không hứng thú với học tập, cũng biết được gia đình cậu không bắt phải nâng cao thành tích, Hà cũng không có ý định “luyện gấu” thành bác học nữa. Cô bé chỉ cố gắng giúp cậu hoàn thành đầy đủ bài tập về nhà và đảm bảo nghe hiểu lời giảng của giáo viên trên lớp.
Cũng nhờ mối quan hệ này, Hưng là người duy nhất tính đến thời điểm hiện tại mượn được vở viết văn của “top 1” toàn khóa về đọc.
Khỏi phải nói, trong lớp A7, cuốn vở này được nâng niu như sách thần.
Đám đàn em của Hưng còn khoác lác là chỉ cần đọc qua một lần, đầu óc như được khai sáng, bài văn nào cũng đọc hiểu, không sợ giáo viên hỏi gì hết.
Thực ra là cậu ta nhớ vội một đoạn văn phân tích ngắn trong đó, rồi lớ ngớ mang ra trả lời khi cô giáo hỏi trúng mà thôi.
Khỏi phải nói, cảm giác giáo viên nhìn bạn với ánh mắt “ô wao, em làm tôi ngạc nhiên rồi đó, giỏi quá” các thứ các thứ đúng là khiến người ta sung sướng tột đỉnh.
Nỗi sợ hãi bị đánh bay, năng lực học tập điên cuồng của Hà bắt đầu bành trướng, làm mưa làm gió. Kết quả thi tổng kết học kỳ một cuối cùng cũng ra lò.
Học sinh thông minh đã đáng sợ rồi, học sinh thông minh mà người ta còn học hành gấp năm mười lần bạn thì không còn là đáng sợ nữa, mà là rãnh trời không thể với tới.
Lý nào lại thế, đám học sinh lớp A1 nhìn nhau đầy hoang mang. Đây có còn là con người không?
Bảng điểm gì thế này? Tại sao môn giáo dục công dân đề mở còn là đề tự luận cũng có thể được điểm mười chói mắt này hả? Thậm chí cả môn thể dục… Ai cũng nhìn thấy, nếu như thầy thể dục có thể cho điểm mười một chắc ổng cũng dám đánh vào trong bảng điểm rồi đấy.
Một bảng điểm siêu đẹp, chỉ có một môn học là chói mắt không chịu được.
Đám học sinh tiềm tàng OCD nhìn cái bảng điểm đang tròn trĩnh toàn 10 đột nhiên xuất hiện một con số lằng nhằng không tròn trịa khiến chúng cảm thấy bức bối vô cùng. Mà nếu như biết được lý do có con số này, đảm bảo chúng còn tức mình hơn nữa.
Tất cả các bài kiểm tra sau bài giữa kỳ, cô bé đều để lại đúng 1 câu trắc nghiệm 0,25 điểm.
Vì cô biết, điểm tổng kết cuối kỳ của học sinh càng cao thì thưởng của giáo viên càng lớn. Toàn bộ giáo viên bộ môn của lớp 10A1 sẽ đạt mức thưởng cao nhất năm nay vì họ có một học sinh được tổng kết 10 điểm tối đa, trừ thầy dạy Hóa.
Tất nhiên, ngoại trừ Hà và thầy dạy Hóa lờ mờ đoán được, không ai biết sự “cố tình” này. Thầy có đoán được hay không, Hà cũng không biết. Cô bé cảm thấy thầy sẽ nghĩ rằng 9,75 chẳng khác gì 10, vậy thì cứ để điểm tổng kết là 9,75 đi. Dù sao điểm trung bình tổng kết cũng được làm tròn thành 10 thôi, chứ ai lại để con số 9.975 trong sổ chứ. Tốn diện tích lắm!
Lúc này, quái vật 10 đầu nổi tiếng toàn trường đang ngồi trên thư viện, hoàn toàn không quan tâm mình đã thả một quả bom to đùng vào tâm trạng cuối kỳ của bạn học, cũng không quan tâm tên tuổi mình đã nóng bỏng đến mức nào, cô bé cắm cúi đọc một cuốn đề thi Olympic toán, đôi lông mày chau lại. Đề này, khó!
Bên cạnh Hà, Hưng cầm bảng điểm toàn 10 của cô bạn, vẻ mặt vui như được lì xì, hoàn toàn không đếm xỉa đến bảng điểm toàn 5 với 7, chỉ có duy nhất một điểm 10 môn thể dục của mình đang nằm lẻ loi bên cạnh.
- Đúng là học sinh giỏi ngầu thật đấy, trông cậu chẳng vui mừng gì thế? Chắc là đã quen với việc đạt điểm tối đa lắm rồi nhỉ?
Hà không quá để ý đến câu hỏi, cô bé điềm nhiên trả lời, sự chú ý vẫn gắn chặt vào đề thi trong sách:
- Ừ, ngạc nhiên thế? Hồi cấp hai tớ học chuyện về xã hội mà.
- Vì trường xếp vào đó. Lúc vào học thì thấy cũng dễ nên lười chuyển lớp. Toán Lý Hóa cũng vui mà.
Suy nghĩ của những người học giỏi, kẻ ngu si tứ chi phát triển như ông đây không hiểu nổi. Hưng nhìn lại bảng điểm gần như tối đa trong tay, lòng ngưỡng mộ vùn vụt dâng cao.
Hết giờ nghỉ trưa, hai người chia tay ai về lớp nấy. Bước qua ngưỡng cửa lớp 10A1, xung quanh Hà lập tức như bị cách ly với bên ngoài. Ngoại trừ tiếng giảng bài của thầy cô, thi thoảng có tiếng trả lời đáp án của bạn bè, những âm thanh xì xào hoàn toàn không lọt vào tai cô bé.
Khi phát hiện ra điều này, ban đầu Hà không quen lắm. Bởi luôn có tiếng ù ù chiếm đóng trong đầu, chỉ khi nghe giảng hoặc nghe trả lời câu hỏi mới biến mất, còn lại trong đầu cô bé lúc nào cũng thường trực tiếng ồn ấy.
À, khi đi thư viện cùng Hưng thì không có. Ù ù không thuận lợi cho việc đọc sách, đau đầu lắm.
Những lúc khác, Hà đã quen với tiếng ồn, thấy nó tiện thật sự. Lời ong tiếng ve không còn, tâm trạng cũng tốt lên. Một chút phiền hà vì cái nhìn của người khác hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến tâm trạng của cô bé được nữa.
Từ sau khi nhận bảng tổng kết điểm, mặc dù tụt xuống vị trí thứ ba suýt soát với top 2, nhưng Thành cũng không thấy vui như từng nghĩ. Cậu đã cố gắng học hành và làm bài kiểm tra thật tốt, thực ra thành tích này đã là vượt quá mong đợi của bố mẹ, nhưng khi nhìn về phía bàn đầu, cậu cảm thấy mình đang cách cậu ấy càng ngày càng xa.
Những lời bàn tán xấu xí của lũ bạn thi thoảng vẫn vang lên bên tai cậu, đặc biệt là về Hà và một cậu bạn to con đầu gấu ở lớp A7. Nhưng chúng không còn khiến cô bé phải rụt cổ so vai lại như ngày xưa.
Dáng ngồi của cô bé vẫn thẳng tắp như cũ, đôi vai buông lỏng tự nhiên, dường như những lời tổn thương hoàn toàn không còn chạm được vào Hà nữa, xung quanh cậu ấy đã có một lớp bảo vệ vô cùng kiên cố.
Không hiểu sao, nhìn bóng lưng to con ấy, Thành cảm thấy trong lòng khó chịu vô cùng.
Đặc biệt khi thấy Hà đứng bên cạnh cậu ta, mỉm cười dịu dàng, Thành càng thấy bức bối hơn.
Đôi mắt cô bé long lanh nhìn ra ngoài sân trường đầy nắng, dẫu bàng trên sân đến đông rụng lá trông xấu xí chết đi được, khung cảnh nhìn qua đôi mắt ấy vẫn khiến cậu cảm thấy đẹp đến nao lòng. Giá mà bên cạnh cậu ấy là mình nhỉ?
Một giọng nói dịu dàng vang lên bên tai kéo Thành từ những suy nghĩ lơ mơ về lại thực tại.
Trước mặt cậu, bạn Hân điểm tổng kết đứng thứ hai trong lớp, thứ ba toàn trường đang đỏ mặt ngại ngùng chìa sách ra.
Hân và Hà từng học chung hồi cấp hai. Lẽ ra như bình thường, khi lên cấp ba lại tình cờ học chung một lớp, hai người phải rất thân thiết mới đúng. Nhưng ngay từ khi vào học, Hân đã chơi rất thân với hai người Diệp và Khanh, hoàn toàn không có vẻ gì là muốn thân thiết với người bạn học cũ của mình.
Cũng có bạn tò mò hỏi về trường cũ, Hân cũng chỉ dửng dưng đáp không thân. Còn chuyện cụ thể, cô chỉ từng nói với hai người bạn gái thân thiết. Từ thái độ của Diệp và Khanh với Hà thì câu chuyện trong lời kể của Hân có vẻ cũng chẳng tốt đẹp gì.
Khi kết quả học kỳ đầu tiên được công khai, Hân cũng có vẻ sốc đến mức không thể tin nổi. Từ một người giỏi giang hơn hẳn so với Hà hồi cấp hai, khi lên cấp ba, lợi thế học tự nhiên của cô hoàn toàn không là gì so với Hà, trong khi người ta thì giữ vững phong độ ở toàn bộ các môn học. Ngược lại, sau khi lên lớp 10, Hân cũng nhận ra khả năng của mình ở ban xã hội vượt trội hơn nhiều. Nhờ có điểm các môn xã hội cao chót vót cô mới đạt được vị trí top 2 trong lớp này.
Nhưng lợi thế ấy làm sao kéo dài được khi cô vẫn ở lớp ban tự nhiên thế này? Sớm hay muộn thì các môn xã hội ở lớp này cũng sẽ được “thả”, khi đó lợi thế không còn là lợi thế, thành tích các môn tự nhiên của cô bắt buộc phải nâng lên.
Vì vậy, ngoại trừ người đứng đầu, giỏi Toán Lý Hóa nhất lớp chắc chắn là người thứ ba, hot boy ngầm của lớp, Việt Thành.
Sự chú ý của Việt Thành rơi từ đôi má đỏ hây hây của Hân xuống đề bài trên sách. Vừa hay, bài này cậu biết làm. Thành rút bút và giấy nháp ra, bắt đầu trình bày từng bước giải.
Cách học của cậu luôn là đi từ căn bản, chậm mà chắc. Vì vậy, Thành giảng bài rất dễ hiểu, dễ hiểu hơn cả giáo viên nữa. Đôi mắt Hân long lanh cầm tờ nháp, cảm ơn rối rít.
- Cảm ơn cậu nhiều nhé, không có cậu tớ không biết phải hỏi ai, cậu giảng dễ hiểu thật đấy!
Hân ngượng ngùng vén tóc khi thấy Thành bật cười, rồi cô lí nhí hỏi thêm:
Mỗi lần giảng lại là một lần nhớ sâu, cậu không từ chối giảng bài cho bạn học, chỉ cần là bài cậu biết làm.
Đó cũng là lí do ở lớp rất nhiều người quý mến Thành. Giỏi giang lại cần gũi, tính cách sáng sủa, vẻ mặt điển trai, nụ cười thường trực trên môi, hút hồn không biết bao nhiêu tâm tư thiếu nữ rồi.
Sau khi thi xong học kỳ, các khối lớp trong trường có hai tuần ôn lại bài vở trước khi nhận dàn bài kỳ hai và nghỉ tết mười ngày. Trong hai tuần này, lớp 10A1 đón ba tin tức lớn.
Đầu tiên, giáo viên môn Hóa đổi người. Người mới đến là một giáo viên trẻ có phong cách hoàn toàn khác với thầy dạy Hóa cũ. Nhưng kiến thức chuyên ngành của thầy ấy khá vững, Hà cảm thấy sự thay đổi này thật tuyệt vời.
Thứ hai là giáo viên môn Lý cũng đổi người. Hà vui mừng phát hiện điều này còn tuyệt vời hơn, vì người chuyển đến chính là vị đã coi thi bài giữa kỳ môn Lý của họ lần trước, người thầy thích kết quả phân số kia.
Kết thúc tuần thứ hai sẽ là buổi họp phụ huynh, tổng kết thi đua của kỳ 1. Họp phụ huynh luôn không phải là tin tức tốt lắm cho tất cả học sinh, kể cả học sinh giỏi top đầu trong lớp như Hà.
Người hay đi họp phụ huynh cho cô từ bé đến lớn luôn là mẹ.
Mẹ Lan thích đi họp cho Hà không phải vì bà quan tâm đến Hà nhiều như thế nào, cô bé cảm thấy như vậy. Bà thích đi là vì khi đi họp phụ huynh cho đứa con gái này, câu bà nhận được nhiều nhất là lời khen của giáo viên và sự ngưỡng mộ của các phụ huynh khác.
Trừ khoảng thời gian cô bắt đầu bước vào tuổi nổi loạn năm gần cuối cấp hai, những năm khác luôn là bầu không khí tốt đẹp như thế.
Mỗi lần mẹ Lan đi họp phụ huynh về, trước mặt cô bé luôn là những lời khen ngợi dành cho những người bạn có thành tích tốt hơn Hà. Nhưng sau lưng cô bé, bà lại đi khoe khéo với hết người này người kia rằng con gái bà học hành giỏi giang ra sao, bà nuôi con mát tay như thế nào.
Có lẽ bà là người duy nhất ở gần Thu Hà mà luôn cho rằng con bé nhà mình luôn vui vẻ khỏe khoắn, thậm chí còn nổi loạn cơ mà. May mà bà ra tay uốn nắn từ sớm nên mới nên người.
Trong buổi họp phụ huynh học kỳ 1 của lớp 10A1, Hà là một thành viên trực ở quầy trà bánh.
Ban đầu có ba học sinh ngồi đây, phân công lần lượt vào tiếp nước cho các bậc phụ huynh đang họp. Thế nhưng giữa giờ, hai người còn lại nháy nhau chạy ra ngoài chơi, để Hà ngồi một mình chỗ này.
Chà, dù sao cô cũng không mách lẻo đâu, ngồi đây buồn ngủ chết đi được, đi chơi đã.
Hà ngồi ngẩn ra nhìn bình nước trà màu xanh mướt, vẩn vơ nghĩ về một câu tiếng Anh vừa đọc được trong sách…
Khi mình già đi sẽ như thế nào nhỉ? Hà bắt đầu tưởng tượng.
Trước đây, cô chưa từng nghĩ về việc mình sẽ già đi như thế nào. Thậm chí còn chưa từng nghĩ về việc ngày hôm sau sẽ thức dậy như thế nào.
Mỗi sáng thức dậy đều chẳng vui vẻ gì cả, có những đêm cô bé từng mong nó kéo dài mãi mãi, đừng bao giờ có bình minh.
Dạo này có vẻ sáng sớm đã không còn đáng ghét như ngày xưa nữa rồi. Mỗi lần đi qua xưởng gỗ của chú Huỳnh sẽ có bóng dáng to lớn đầy tin cậy, nhiệt tình của Hưng vẫy tay chào đón cô bé, thỉnh thoảng còn được khuyến mãi thêm cả ngọn núi nhỏ đầy râu đứng vẫy cùng nữa. Con đường đi học của Hà dường như cũng hiện lên rõ nét trong tâm trí cô, không còn là những khoảng trống rỗng mờ mịt như những ngày trước đó.
- Chúc mừng em Thu Hà đạt thành tích đứng thứ nhất toàn khối 10 ạ. Phụ huynh em Hà có ở đây không, mời lên phát biểu vài lời chia sẻ với hội phụ huynh lớp ta.
Tên mình vang lên khiến Hà giật mình. Cô bé cầm ấm trà đầy đứng dậy, tiến vào lớp bắt đầu rót trà bổ sung cho các phụ huynh.
Trên bục giảng, mẹ Lan ăn mặc thanh lịch, đang cười rất tươi nhìn xuống đám người ngồi dưới. Giọng giảng bài vang vọng của bà phủ khắp lớp học, khiêm tốn chia sẻ những bí quyết để con học giỏi, cách đốc thúc con làm bài và lên kế hoạch ăn ngủ khoa học cho con cái.
Phía dưới, Hà gầy mảnh đi rót nước ở từng bàn. Có phụ huynh thân thiết hỏi cô bé:
Giọng bà cô ngạc nhiên, nâng lên một tông. Theo bản năng, giọng Hà lại nhỏ đi một chút:
Người mẹ này nhìn Hà nhỏ gầy, rồi nhìn mẹ Lan trên bục giảng đang chia sẻ phương pháp nuôi con khoa học, trong mắt ánh lên vẻ mỉa mai. Bà cúi đầu thì thầm với người quen bên cạnh.
Tiếng xì xào lan nhanh như bão, chẳng mấy chốc, ánh mắt của tất cả các vị phụ huynh trong lớp đều liếc qua liếc lại chỗ Hà vài lần.
Mẹ Lan đứng trên bục giảng cũng nhìn thấy con gái đang đi tiếp nước ở dưới. Thấy đôi vai càng ngày càng co rúm lại của Hà, bà cảm thấy bực hết cả mình.
- Chị Lan nuôi con khéo quá, nhưng mà tôi thấy cháu Hà có vẻ hơi thiếu dinh dưỡng, gầy quá chị ạ.
Một giọng nói lảnh lót chua loét cất lên. Bà Lan lập tức định vị được người nói, một vị phụ huynh ăn mặc còn sang trọng hơn cả bà, bề ngoài trẻ hơn bà đến hàng chục tuổi.
Nghe nói, con gái của vị này cũng là học sinh giỏi top đầu của lớp. Bà Lan hơi đỏ mặt, thầm nghĩ người gì mà ăn nói khó nghe, bực cả mình. Bà ngượng ngùng chữa thẹn:
- Do cháu nó ở nhà kén ăn quá, tôi cũng đã cố gắng bồi bổ nhiều lắm mới được thế đấy.
Trước khi Hà ra khỏi lớp, tình cờ nghe được hai câu nói này. Chuông báo động nỗi sợ reo lên inh ỏi trong lòng, tai cô bé lại bắt đầu ù đi.
Ừ, bồi bổ và chăm sóc rất nhiều, nhưng kỳ kinh nguyệt cô bé đau đến ngất đi rồi tự tỉnh lại cũng chưa từng thấy mẹ ở bên cạnh, mặc dù khi ấy cô bé đã gọi mẹ không biết bao nhiêu câu. Tiếng cười văng vẳng của mẹ dường như đã trở thành một phần của cơn đau mỗi tháng của cô bé.
“Đến ngày thì đau đến mức nào, có bằng mẹ mày đau đẻ ra mày không? Đừng có chuyện bé xé ra to.”
“Mày giả vờ để làm biếng đúng không? Dậy quét nhà ngay! Chỉ có mỗi ăn với học cũng không xong, lười biếng không làm được tích sự gì cả!”
Bỗng nhiên muốn hít một hơi gấu. Hà nghĩ thầm. Với kết quả thi học kỳ này, không biết chú Huỳnh sẽ làm gì con gấu ấy nhỉ? Hà bỗng dưng tò mò.
Cô bé trở về bàn trà nước, nghĩ đến lớp A7 ở cuối hành lang, liền tính thời gian rồi len lén bước về phía ấy.
Học kỳ này, con gấu ấy tiến bộ thêm 10 bậc, từ xếp thứ ba mươi lớp lên thứ hai mươi. Chỉ mới bước đến cửa lớp A6 bên cạnh lớp A7, Hà đã nghe thấy tiếng cười như tiếng sấm ầm ầm cùng giọng nói ồm ồm của ông thợ mộc:
- Con tôi ấy à, nó tự mình cố gắng đấy. À học kỳ này nó còn chơi thân với một cô bé học giỏi lắm, ở lớp A1. Nhờ con bé kèm cặp đấy. Khà khà, cảm ơn cô giáo và nhà trường nhé. Tôi cũng không trông đợi cháu phải giỏi giang, không phá làng phá xóm là tốt rồi...
Những lời này Hà nghe đã quen lắm rồi. Lần nào gặp cô bé mà có thời gian nói vài câu, ông cũng dong dài cảm ơn, rồi bày tỏ là không trông mong gì nhiều này nọ, dường như trong mắt ông, con gấu kia là phần tử nguy hiểm lắm, hở ra là sẽ báo làng báo xóm báo gia đình vậy.
Tiếng sấm xua dần tiếng ù trong tai Hà, âm thanh xung quanh dần trở nên náo nhiệt hơn. Cô bé nghe thấy giọng của giáo viên chủ nhiệm lớp A7 lắp bắp cảm ơn và mời ông Huỳnh về chỗ ngồi. Còn có giọng gọi tên lanh lảnh từ cô chủ nhiệm lớp A6, tiếng phụ huynh bàn tán xôn xao.
Như Hà đã dự liệu, về đến nhà, vẻ mặt mẹ Lan không dễ chịu cho lắm. Bà quyết định từ sáng hôm sau sẽ gọi Hà dậy sớm tập thể dục, mỗi sáng uống một cốc sữa, ăn sáng đầy đủ.
Bà không tin mình không thể nuôi con gái béo khỏe lên được.
Tối hôm đó, đồng hổ điểm 11 giờ, Hà đang đắm chìm trong giải đề Toán nâng cao. Ngày mai là ngày nghỉ, cô bé có thể ngủ bù một chút nên tối nay cô muốn giải cho xong phần đề này rồi mới đi nằm.
Bên cạnh Hà xuất hiện một bóng đen. Bóng đen ấy giơ cao tay lên.
Vai Hà đau rát, bàn tay cầm phấn của mẹ Lan cũng cứng như viên phấn kéo lấy cánh tay cô bé.
- Đi ngủ ngay, tao bảo thế nào? 10 giờ là phải lên giường rồi! Mày định thức khuya để mai ra cái vẻ sống dở chết dở cho ai xem?
Giọng bà Lan cao vút cất lên giữa đêm khuya như đâm vào màng nhĩ của Hà. Tiếng ù ù bắt đầu trỗi dậy, vây chặt lỗ tai không cho lọt vào bất kỳ âm thanh nào.
Trong bóng đêm, bà Lan kéo Hà về giường, dúi cô bé nằm xuống, dém màn, chống nạnh đứng ngoài một lát. Khi đôi mắt quen dần với bóng tối, Hà nhìn thấy miệng bà Lan mấp máy liên tục một hồi.
Hà cố gắng xua đi tiếng ù ù quanh tai để nghe xem mẹ nói gì còn đáp lại, nhưng không được. Thậm chí, theo ánh mắt ngày càng cau có của bà Lan, nỗi sợ hãi trong lòng Hà càng tăng lên, tiếng ù càng lớn.
Không nghe Hà trả lời, bà Lan càng cáu tợn. Bà hùng hổ đi tìm cái chổi lông gà về. Ngay cả ông Hải đang ngủ say trong giường cũng bị tiếng bà mắng mỏ gọi dậy, ông lồm cồm bò dậy, bật điện trong nhà lên thì thấy vợ mình đã cầm roi đến cạnh giường con gái, giơ chiếc cán chổi lông gà lên quật xuống.
Tiếng chổi lông gà quất vào da thịt nghe đã thấy đau, ông giật mình bước tới, cầm lấy chổi trong tay vợ.
- Nó cố tính chống đối tôi, đòi thức khuya để ra vẻ chăm chỉ học hành đấy! Đã dặn mười giờ đi ngủ rồi mà còn cố tình thức đến giờ, ông xem, nó có coi lời tôi nói ra gì không?
Giữa những tràng mấp máy môi của bà Lan, Hà có thể lờ mờ đoán được điều khiến bà cáu gắt, cô bé nghẹn ngào:
Nói rồi, bà vùng vằng đẩy cái roi cho chồng, bước về giường mình, tiện tay tắt điện nhà. Căn nhà lập tức chìm vào bóng tối.
Trong bóng tối, cả ông Hải và bà Lan đều không biết, con gái mình vẫn run rẩy đến ba bốn giờ sáng mới mệt mỏi thiếp đi, tư thế co ro lại như muốn cuộn tròn bản thân lại, trở nên bé nhỏ nhất có thể.
Sáng hôm sau, bà Lan quen giấc dậy lúc năm rưỡi. Giữ vững lời dặn của bản thân, bà đánh thức con gái dậy, muốn dẫn Hà đi tập thể dục buổi sáng.
- Dậy, dậy đi, chỉ học bố mày cái thói ngủ nướng! Dậy tập thể dục cho khỏe người.
Bóng bà Lan vừa đến gần, Hà bật dậy như phản xạ. Cô bé xuống giường, khép nép đi sau mẹ, ngoan ngoãn cúi đầu. Một tràng lầu bầu của bà Lan buổi sáng trong tai cô bé cũng chỉ toàn tiếng u u như gió lùa qua thân tre rỗng, hoặc thứ tiếng vọng từ nơi rừng xa thẳm âm u vọng về.
Thực ra bà Lan cũng không hay tập thể dục buổi sáng. Thông thường, sau khi ngủ dậy bà sẽ chuẩn bị bài vở và bữa sáng, sau đó đi dạy. Ngày nghỉ thì bà đi chợ sớm để mua đồ ăn trưa và hàng hóa cần thiết, đôi khi hẹn bạn bè cùng đi chợ huyện xem quần áo mới hoặc đi ăn sáng bên ngoài.
Hôm nay, vì bà dành thời gian chuẩn bị bữa sáng để tập thể dục, nên bà quyết định để con gái làm bữa sáng và dọn dẹp, hoạt động sau đó sẽ trở lại nhịp sống bình thường.
Vì bà không quen tập thể dục nên cũng chỉ làm qua loa vài động tác, thấy con gái tập theo mình còn cảm thấy cũng có một tí tự hào đấy chứ! Đứng tập được mười phút, bà dẫn con gái vào, dặn Hà làm bữa sáng.
Nhưng vì cơm rang có nhiều dầu mỡ, sáng Hà thường ăn khá ít. Thông thường, sau khi ăn cơm rang, cô chỉ uống một tách trà ấm rồi đi học, không uống thêm gì khác.
Hôm nay, bà Lan với nhiệt tình hừng hực về việc bồi bổ cho con gái, yêu cầu Hà uống thêm một cốc sữa, sữa nóng. Bà cũng uống ủng hộ con một cốc, coi như là gì nhỉ, “đồng hành cùng con gái”?
Hà rang cơm xong thì xơi ra bát, bưng ra bàn ăn. Sau đó, ông Hải mới dậy làm vệ sinh cá nhân, cả nhà cùng ngồi vào bàn.
Hà ăn rất ít, cô bé xúc từng thìa cơm nhỏ, nhai kỹ, nuốt chậm. Bà Lan và ông Hải lại không phải là người tỉ mỉ khi ăn uống, cả hai đều dùng cơm rất nhanh. Bà uống xong cốc sữa rồi, bát cơm của con gái mới được một nữa.
Mấy cái sự không vừa ý nho nhỏ này cũng giống như ngọn lửa châm vào ngòi nổ vậy, bà Lan thì như cái thùng thuốc nổ tích tụ từ buổi họp phụ huynh. Nhìn thấy cảnh này, cơn cáu giận lại trỗi dậy.
- Lề mà lề mề, ăn nhanh lên, mày què cụt gì hay sao mà xúc đồ ăn cũng chậm rề rề như thế? Ăn bát cơm cũng tốn cả nửa tiếng đồng hồ, còn làm được cái gì nữa?
Miệng bà Lan đóng mở liên tục, Hà nhìn mà càng sợ hãi hơn. Mình làm cơm không ngon hay sao? Nhưng mẹ ăn hết rồi mà?
Đến khi bàn Lan cầm bát cơm trên tay Hà dằn xuống bàn cái cộp, quát um lên:
Câu này thì Hà có thể nhìn hiểu được. Cô bé vội vàng cầm lấy bát cơm, và hai miếng to sau đó nuốt xuống thật nhanh, không dám nhìn mặt mẹ mình.
Cũng may, bà Lan thấy con ăn xong thì tạm hài lòng, quay người đi chuẩn bị quần áo.
Cuối tuần bà có hẹn mấy đồng nghiệp đi chợ huyện mua thức ăn. Chợ có lợn tươi, mua về bồi bổ cho con bé Hà. Quái thật, sao ăn uống cũng không tệ mà con bé này nó cứ gầy nhẳng như cò hương thế nhỉ? Trông cái bộ dạng như chết trôi kia nhìn mà phiền lòng.
Uống một hơi hết cốc sữa, Hà đứng dậy lúi cúi dọn dẹp. Thế giới cũng trở nên yên tĩnh, chỉ có tiếng ù ù trong tai là vẫn vang vọng. Vết roi đánh hôm qua cô bé cũng không thấy đau, mặc dù vệt sưng thì đang đỏ hết cả lên rồi.
Tại sao ngoài da thì không đau nhưng trong bụng thì vẫn đau nhỉ?
Lúc ra khỏi nhà vệ sinh, trán cô bé đã ướt nhẹp. Khuôn mặt càng tái nhợt hơn.
Cảm giác đau đớn lạ lẫm khiến Hà càng thêm lo lắng, không biết mình bị làm sao. Dường như càng lo sợ, cô bé càng đau hơn.
Vòng tuần hoàn ác tính không hồi kết như muốn nhấn chìm cô bé trong sự tuyệt vọng.
Hà nằm trên giường, cơn đau trong bụng gặm nhấm dần dần cảm giác của bé. Mấy chục phút qua đi, dường như nó đã giảm rõ ràng.
Hoặc cơ thể cô bé đã dần quen với nỗi đau, nhưng Hà không biết điều này.
Trong nhận thức của cô bé, mẹ cô dạy rằng chỉ có chảy máu mới là đau thực sự, những nỗi đau khác chỉ cần chịu đựng tí là qua. Đau bụng đau đầu đều là giả vờ.
Nỗi đau khiến tay chân cô bé lạnh toát, tiếng ù ù to dần như một cơn bão cắn nuốt thính giác của Hà.
Rõ ràng cảm giác tiếng ù to hơn, nhưng nó lại như trôi dần ra xa. Hà chìm vào mơ màng.
Tiếng gọi ồm ồm vang lên như mang theo nhiệt độ nóng bỏng của mặt trời xông thẳng vào tai cô bé.
Hà gắng gượng mở mắt, ngồi dậy. Đôi chân như mất hết sức lực cố chống đỡ thân hình lảo đảo, đưa cô bé bước gần đến cánh cửa sắt.
Hà đẩy cửa ra, hé một góc nhỏ, đủ nhìn thấy khuôn mặt con gấu đang cười toe toét, trên tay còn cầm tờ giấy gì vẫy nhiệt tình như là vui lắm. Cô bé cảm thấy cạn kiệt sức lực, khuỵu xuống.
Thứ cuối cùng cô nhìn thấy là niềm vui của gấu con nháy mắt chuyển thành nỗi sợ hãi.
Bình luận
Chưa có bình luận