Trước sân nhà nội có một cây bàng cổ thụ. Lúc nhỏ, Ninh chỉ có thể từ phía dưới ngước nhìn những cành cây chắc khỏe. Lá cây xanh mướt, tán lá rộng lớn che ngợp bầu trời. Trong mùa mưa bão, lá và trái bàng rơi phủ hết đường. Mà cây bàng vẫn đơm hoa ra trái, còn tươi mới hơn ngày hôm qua.
Ninh buồn rầu quét sân với chú bảy, mỗi mùa mưa đều phải lặp lại công việc nhàm chán này. Ninh ước có một trận gió lớn có thể nhổ gốc cây bàng đi, như vậy thì không cần quét nữa. Chú bảy tức giận gõ đầu cậu, chú chỉ vào bộ rễ to lớn nhô ra khỏi mặt đất của cây bàng.
- Rễ này đã ăn sâu xuống đất, không ngã được đâu con.
Bà nội nghe được lời này, nếp nhăn khóe mắt gấp lại. Bà bảo:
- Có ngã cũng là người không gốc con à.
Gốc của nội Ninh ở Quảng Trị, một vùng đất chịu nhiều thiên tai, những cơn giông bão. Khi chú bảy chưa chào đời, nhà nội Ninh đã chuyển vào miền nam sinh sống. Mỗi lần bà nội kể chuyện khổ cực ngày xưa, không chỉ Ninh mà chú bảy cũng nghe say sưa. Cảnh nhà đổ nát, người trôi sông,... đều rất xa vời với hai chú cháu.
Bình yên là điều đáng quý với ông bà nội Ninh, họ càng ra sức bám trụ trên mảnh đất này. Chân ướt chân ráo vào Nam, họ không có đất đai, chỉ có thể buôn bán tích góp mua một căn nhà nhỏ. Tiền của ông bà chủ yếu nuôi cô chú Ninh. Cô hai không đi học, dành thời gian kiếm tiền giúp ông bà và chăm sóc các em. Cô ba là người học giỏi nhất, nhưng qua lời kể của bà, ông nội thương bác tư và ba Ninh hơn.
Ông nội Ninh là người gia trưởng, cho rằng con trai mới gánh được việc lớn, con gái sau này gả đi chính là con người khác. Cô hai của Ninh bị ông ảnh hưởng nên mới nghỉ học, tuy vậy cô hai lại khuyên cô ba gắng học, tiền học phí cô hai sẽ giúp. Lúc nhỏ Ninh chỉ thấy bất bình cho cô hai, sau này mới hiểu, đó là tự nguyện hy sinh. Vì chẳng ai ép được bản thân từ bỏ tương lai cả.
Cô hai là người đầu tiên lấy chồng. Cô và chồng cần mẫn làm ăn, tiền kiếm được thường trích ra làm học phí cho các em. Qua mấy năm, cô ba tốt nghiệp đại học, đi làm. Ngày cô hai bảo muốn cất nhà, cô ba mang bảng lương ít ỏi của mình ra ngân hàng vay tiền đưa cô hai. Cứ thế đến bác tư, ba Ninh, cô sáu đều như vậy. Khi một người có cơ hội, các anh em trong nhà sẵn sàng vay tiền nâng một người đi lên. Trong vòng hai mươi năm, nhà nội Ninh vốn chỉ có căn nhà nhỏ kia, nay đã có thêm năm căn nhà gần kề nhau. Thầu cả con đường, đó là cách các bà hàng xóm thường trêu. Những lúc như vậy, cô ba sẽ bảo mình đang còng lưng trả nợ. Song đôi mắt đôi mắt ngậm ý cười không nói như vậy.
Năm Ninh học hết cấp một, chú bảy kết hôn. Kết hôn thì phải mua nhà, ngân hàng chỉ cho chú vay hai trăm triệu, khoản còn lại là các cô các bác của Ninh đứng ra vay giúp chú. Sau khi căn nhà hoàn công được một tháng, lễ cưới đúng hẹn diễn ra.
Ngày đó, bà con bên nhà nội Ninh từ Quảng Trị bay đến tham dự. Người thân lâu ngày gặp nhau rất mừng. Mọi người dùng âm điệu trầm ấm, chất giọng đặc hữu miền trung nói chuyện. Đó là thứ mà Ninh rất ít nghe được từ nhà nội. Từ nhỏ đến lớn, cậu chỉ nghe họ nói giọng nam. Ninh tưởng rằng họ đã quên, nhưng thật ra, họ chỉ dùng nó khi chạm đến cảm xúc. Các cô các bà quá mức kích động, câu chữ nhanh như gió, Ninh nghe như tiếng trời. Ấy vậy mà bên nội hiểu được, họ chăm chú lắng nghe, nghiền ngẫm từng câu chuyện cho đỡ nhớ quê hương.
Ninh ngỡ mình lạc loài, nhìn sang chú bảy đang đơ mặt, mới biết không chỉ riêng cậu. Suốt cuộc trò chuyện, chú bảy thường xuyên nhờ cô ba "phiên dịch". Song cô ba lâu lâu mới giải thích bằng giọng nam cho hai chú cháu, mà có nói, cũng chỉ chuyện lông gà vỏ tỏi. Cứ thế mãi, chú bảy chán chường rời đi. Cô ba thấy chú đi rồi, mới nói chậm. Giờ Ninh nghe hiểu được đôi chút. Cô kể chú bảy lì lợm, không biết chưng diện, nhát gái,… Chủ đề từ đầu đến giờ đều xoay quanh chú bảy, thế mà người trong cuộc không biết mới hay.
Đám cưới qua rồi, không khí náo nhiệt vẫn còn vương vấn. Mọi người quây quần làm bánh bột lọc với nhau. Ánh mắt của các bà, các cô sáng rỡ khi cùng nhau nhào bột, tiếng cười nói rôm rả vang khắp gian bếp. Ninh cảm nhận được tình yêu thương bao bọc mình trong không gian ấm cúng ấy.
Ninh ngồi chung với đám em trong nhà, nhiệm vụ của họ là nhét nhân, nặn bánh. Nhân bánh là thịt heo, tôm, đậu phộng, hành trộn với nhau xào mặn. Cô ba dặn bọn nhóc phải nhét đủ từng loại vào nhân. Nhưng Ninh thích ăn thịt nên cậu thêm nhiều thịt, lựa hành ra bỏ. Mấy đứa khác cũng vậy, thích gì thêm đó. Cô ba nhiều lần nhắc bọn nhỏ nhét đủ nhân khác nhau, ăn mới đủ chất. Song mỗi lần không chú ý, chúng nó lại tự làm theo ý mình. Trước khi cô ba mắng bọn trẻ, cô hai lại dùng giọng miền trung bảo:
- Thôi, để bọn nhỏ bỏ vào cái bọn nó thích, chắc gì chúng bóc trúng bánh tụi nó gói.
Người lớn xung quanh cười khúc khích, chờ mong nhìn thấy bọn nhóc sẽ làm sao. Ninh vừa gói lá vừa nghe họ dùng giọng miền trung, cậu không hiểu lại đoán được nội dung. Vì sau vài ngày, Ninh cũng mò được nguyên lý: Mỗi lần cần “nói xấu” ai đó, các cô sẽ dùng giọng trung nói rất nhanh.
Lúc bánh ra nồi, mùi thơm nực nồng khắp nhà. Ninh chịu đựng sự nóng bỏng, bóc lá chuối ra. Khi thấy nhân bánh nhiều hành và đậu phộng, cậu sững lại. Tình hình mấy đứa nhỏ khác cũng giống vậy, bóc toàn cái không ăn được. Ninh định đổi bánh với một đứa thích ăn hành thì bị cô hai cản lại.
- Ban đầu không chịu nghe cô ba, giờ con phải chịu trách nhiệm với quyết định của mình chứ.
Ninh nghe mà hờn dỗi, cắn mạnh vào bánh. Lớp bánh dai dai nhai rất ghiền miệng, mùi hương thịt heo và tôm mặn mà nơi đầu lưỡi. Dù có hành, Ninh vẫn ăn hết mười cái liên tiếp, khen lấy khen để:
- Bánh bột lọc này ngon hơn bánh con ăn ở ngoài nhiều, ăn hoài không ngán, bánh đúng chất miền trung có khác.
Như nghe được chuyện thú vị, người lớn cười phá lên, làm Ninh xấu hổ ngơ ra đó.
- Cái con ăn bên ngoài luôn bỏ nhân cố định một tôm một thịt, ăn cái nào cũng giống nhau nên dễ nhàm miệng. - Cô ba nhịn cười chỉ vào mấy cái bánh méo mó trên tay mọi người. - Còn những cái này nhân không đồng đều. Con ăn ngán mới lạ đó.
Sau khi ăn hết một bánh toàn tôm, bà nội chép miệng chưa hết thòm thèm:
- Đúng vậy, dù nhân bánh giống nhau, người gói khác nhau thì hương vị không giống đâu con. Đây chính là hương vị gia đình.
Ninh thốt lên một tiếng cảm thán. Một tia sáng lướt qua đầu, cậu vội bắt nhưng để nó vụt mất. Tuy vậy, cậu đã nhớ kỹ. Để rồi mỗi dịp qua nội, Ninh sẽ đòi ăn bánh bột lọc. Mỗi lần như vậy, Ninh lại nghe mọi người mang câu hỏi ngây thơ trước kia của cậu ra kể. Dù ngượng, Ninh vẫn mặt dày muốn ăn, vì cậu lỡ thích cái hương vị đó rồi.
Một lần sang nhà chú bảy, Ninh đứng ở ban công nhìn ra ngoài. Từ vị trí này cậu phát hiện cây bàng trước nhà bà nội. Cành rộng xum xuê che hết cả ngôi nhà bà, còn nhà các cô chú đã cao hơn cây bàng, khiến nó vốn sừng sững giờ có phần nhỏ bé. Ninh đứng trên cao cảm nhận gió thổi lồng lộng, cơn mát lạnh chạy khắp làn da, khác với trận gió vi vu dưới bóng cây.
Người thân bên nội Ninh là như thế đấy, không có gì vẫn cố gắng đâm sâu cắm rễ, xem gia đình là quan trọng nhất. Khác với họ, nhà ngoại Ninh lại như những con thuyền lênh đênh trên biển, tìm nhiều bến đỗ cho mình. Mẹ Ninh luôn dạy cậu tạo dựng mối quan hệ với người khác. Bà dạy cậu phân biệt người nào cần kết thân, người nào có thể xã giao bình thường. Nhờ vậy, mẹ Ninh có quan hệ rộng với những người “quyền cao chức trọng”. Không chỉ bà, mọi thành viên khác trong nhà ngoại đều như vậy. Ninh cảm nhận điều đó rõ nhất vào mỗi Tết Âm Lịch hàng năm.
Trước ngày 28 âm, nhà nội Ninh sẽ tranh thủ thăm viếng bà con, người thân xa. Để những ngày sau đó ở nhà cúng kiếng. Mồng một tập trung đầy đủ ở nhà ông bà nội, lì xì, chúc mừng năm mới. Qua mồng hai mồng ba, họ mới bắt đầu đi thăm bạn bè làng xóm.
Còn người bên ngoại Ninh, ngày 28 âm, họ sẽ tập trung làm tiệc ở nhà ông ngoại cậu, cũng chỉ nán lại một bữa sáng rồi rời đi vào lúc chiều. Sau ngày này, các dì các cậu sẽ tứ tán khắp nơi quán xuyến các mối quan hệ của họ. Mỗi năm mồng một, Ninh sẽ thấy ông bà ngoại lẻ loi ở nhà, con cháu không thấy. Mẹ Ninh đã lang thang khắp các cuộc vui, để lại Ninh ở nhà ngoại báo hiếu giúp mình.
Mẹ Ninh có nhiều quan hệ, cách bà dạy cậu sử dụng mối quan hệ cũng rất “bình thường”. Đó là lúc Ninh giúp mẹ chứng thực hồ sơ. Trước khi đi, mẹ cậu dặn không cần xếp hàng, tìm người quen nộp hồ sơ cho đỡ tốn thời gian.
Ninh nhớ lời mẹ, song khi đến Ủy ban, cậu lại ngại ngùng không dám chen hàng. Người rất đông, Ninh đợi cả buổi cũng chưa tới lượt mình. Mẹ Ninh ở nhà đợi lâu không thấy cậu về, bèn đi đến Ủy ban. Khi thấy Ninh còn đứng chờ, bà mắng cậu một trận. Mẹ Ninh giật lấy hồ sơ, nghênh ngang tách ra đoàn người đến trước quầy. Mọi người bị chen hàng, đều tức giận la hét. Ninh sợ sệt kéo tay áo của mẹ, mong bà sẽ tuân thủ quy tắc. Ngờ đâu bà lại mắng Ninh:
- Thứ lề mề! Để mặc mày tự làm là không cái gì nên hồn.
Nộp hồ sơ xong, mẹ đưa Ninh về, suốt dọc đường liên tục mắng cậu. Ninh nghe mà thấy oan ức, rơm rớm nước mắt, vẫn là nhịn không khóc.
Mẹ Ninh là giáo viên trường cấp hai, từ nhỏ Ninh đã nghe mọi người kể bà giỏi thế nào. Sinh ra nghèo khổ lại cố gắng làm việc, dạy ra bao lứa học sinh giỏi. Hơn nữa chồng mất, bà ở góa nuôi Ninh ăn học. Mẹ Ninh làm nhiều công việc cùng lúc để trang trải cuộc sống, lâu dần tích góp được tiền mua nhà. Sự thành công của bản thân và mối quan hệ trong tay, bà rất tự tin khi giao tiếp với người khác. Ninh cũng rất ngưỡng mộ mẹ, cảm thấy bà là người phụ nữ mạnh mẽ nhất thế giới.
Tuy vậy, mẹ Ninh lại thường xuyên mang đồng nghiệp và bạn bè về nhà nhậu nhẹt, đa phần là đàn ông. Khi cuộc vui đạt cao trào, họ sẽ gọi Ninh ra rủ rê cậu uống bia. Những lúc thế này, Ninh sẽ tránh đi, đợi tan cuộc thì về giúp mẹ dọn dẹp.
Có một hôm, mẹ Ninh dẫn một người đàn ông về. Người này Ninh quen, là cấp trên của mẹ, nhiều lần đến nhà bọn họ. Song ông ta thường đi chung với nhóm, đây là lần đầu ông ta ghé nhà Ninh một mình, còn ở lại ăn trưa. Mẹ Ninh giải thích rằng ông ta cãi nhau với vợ mình, vợ không nấu cơm, ông ta qua đây ăn đỡ một bữa. Dù Ninh cảm thấy không thỏa đáng, song cậu đã hời hợt bỏ qua.
Sau này, Ninh hối hận vì không nói ra sự khó chịu đó. Một bữa của mẹ biến thành một tuần ba lần, rồi một tuần bốn lần, năm lần, rồi xuyên suốt cả tuần. Ngày đầu, Ninh còn vui vẻ ăn cơm cùng mẹ và ông ta, đến sau, cậu tránh đi.
Thế nhưng càng nhún nhường sẽ càng bị lấn tới. Mẹ Ninh đưa ông ta về cả buổi tối, hai người nồng nặc mùi rượu, Ninh nghe cái mùi đó như muốn nôn ra. Cậu chưa kịp hỏi thì mẹ đã giải thích, nhà ông ta xa nên qua đêm ở đây, mai sẽ đi. Ninh không nhớ phản ứng của mình lúc đó, cậu tự biết mình lại bị lừa. Rồi mẹ Ninh liên tục để ông ta qua đêm ở nhà mỗi khi say rượu. Từng ngày đều nghe được mùi bia rượu trong nhà, Ninh bực bội nói bóng nói gió với mẹ, lại bị bỏ qua. Dần dần, cậu cũng mặc kệ.
Người đàn ông đó là kẻ nghiện bia rượu. Từ ngày quen ông ta, tuần bảy ngày đã có sáu ngày mẹ Ninh say xỉn. Bà sẵn sàng bỏ lại học trò chờ ở nhà, đi hẹn hò với ông ta. Ninh phải ngại ngùng ra xin lỗi các em nhỏ hơn mình, cho bọn nhỏ về nhà. Mẹ Ninh chẳng bao giờ cảm thấy có lỗi, cứ thế mãi, Ninh đã nghe được lời không hay. Họ nói xấu bà trước mặt cậu, song cậu không bác bỏ được. Vì hơn ai hết, Ninh là người đầu tiên nhận ra mẹ xấu xí hơn.
Đó là một buổi chiều bình thường, Ninh ngồi làm bài tập. Mẹ Ninh khi chuẩn bị đi chơi với người tình, sực nhớ ra phải dạy kèm cho học sinh. Bà rủa thầm:
- Thằng đó dở quá, người ta copy bài qua môn hết, có mình nó toàn huyện thi lại, làm hại giờ phải kèm cho một mình nó.
Ninh đang cặm cụi làm bài đã khựng lại. Dù không hiểu tình hình, chỉ câu nói đó thôi, cũng đủ làm cậu thất vọng. Người mẹ cậu từng tự hào là người giáo viên giỏi, tận tâm, mà có thể thốt ra câu nói vô đạo đức như vậy. Ninh đổ lỗi cho người đàn ông kia. Một nỗi căm hờn tích tụ trong lòng, nó đã bộc phát trong một tình huống cậu cũng bất ngờ.
Là vào hôm giỗ cha, khi mọi người về gần hết, người tình của mẹ say mèm đến gần Ninh. Đôi tay già nua sần sùi cầm lấy tay Ninh, cái mồm bốc mùi đó chà mạnh lên mu bàn tay cậu.
Ninh đứng hình hai giây mới nhận ra ông ta đang hôn tay mình. Da gà Ninh nổi lên, một cảm giác ghê tởm bủa vây lấy cậu. Ninh lập tức hất tay ông ta ra, nhảy lên và đạp vào lồng ngực gã. Tên đàn ông trung tuổi ngã ra đất hét lên đau đớn. Mẹ Ninh nghe tiếng chạy vào, thấy tình hình này vội chạy lại đỡ ông ta dậy, quay người chất vấn Ninh:
- Ninh! Sao con đánh thầy?
Mặt Ninh hằm hằm đáng sợ, như muốn lao tới đạp thêm vài phát. Cậu nghe được giọng mình ù ù bên tai:
- Tên khốn này hôn tay con! Hôn tay con! Thằng biến thái!
Mẹ Ninh nghe vậy hơi bối rối, song bà lại tìm cớ:
- Thầy thương con nên mới làm vậy.
Ninh không thể tin, cái lý do tráo trở đó mà mẹ cậu cũng thốt ra được?!
- Thương con? Người thân con còn không ai làm vậy, ổng là cái thá gì?!
- Thầy không có ý gì hết. Con làm vậy thầy buồn lắm.
- Còn con thì sao? - Ninh đứng ở đó, bơ vơ như đứa trẻ đi lạc. - Sao mẹ không hỏi con có buồn không?
- Sao mẹ lại tin một người đàn ông ăn cơm ở hai nhà! Bây giờ vì cãi nhau với vợ, ông ta đến nhà người phụ nữ khác ăn cơm thì sau này cũng vì cãi nhau với mẹ mà ăn cơm ở nhà khác! Sao mẹ không chịu hiểu vậy?!
Có cha dượng sẽ có mẹ kế, Ninh thấm câu này như thế đấy. Người mẹ yêu thương cậu mười mấy năm. Khi bé cậu bị đứa hàng xóm đánh một cái thôi, mẹ đã tới thẳng nhà bắt nó xin lỗi. Thế mà chỉ vì một kẻ mới bước vào đời mẹ, mẹ nỡ lòng nào hết thương Ninh?!
Ninh uất ức chạy trốn sang nhà ngoại, kể chuyện này với ông mình. Ông ngoại lại ám chỉ cậu đừng truyền chuyện ra ngoài hỏng danh tiếng gia đình. Ninh kể đau khổ của cậu, lại không nghe được một câu an ủi của ông ngoại. Thay vào đó, ông ngoại kể cho Ninh nghe chuyện của mẹ. Ngày xưa nhà ngoại nghèo, mẹ Ninh nhiều lần bị bắt bỏ học. Khi đó, bà sẽ hỏi ông ngoại tại sao em trai có thể đi học, còn mình thì không. Ông ngoại như ông nội Ninh vậy, đã thể hiện tư tưởng “trọng nam khinh nữ” lên con gái mình. Không có gia đình làm chỗ dựa, mẹ Ninh chỉ có thể cố gắng làm việc, tạo dựng mối quan hệ, củng cố địa vị trong xã hội của bà.
- Hồi đó mẹ con khổ lắm, lấy ba con rồi cũng không sướng hơn. Con nhìn thấy mẹ đổ đốn, nhưng nó chỉ là muốn nhận lại thành quả nó bỏ ra thôi.
Lúc nói lời này, hình ảnh ông ngoại thật hiền từ như người cha đang hối hận, muốn bù đắp cho con gái mình. Câu chuyện mẹ vượt khó Ninh đã nghe nhiều lần, mỗi lần cậu đều rất thích nghe. Hồi trước Ninh không nghe ra sự bất công của ông với mẹ, giờ cậu nghe ra rồi. Ninh thấy thương cho cả mình và mẹ, cậu lạnh lùng hỏi:
- Cho nên sai lầm của ông ngày xưa, bây giờ con phải lãnh? Còn không được ý kiến, giống như mẹ con hồi trước vậy?
Rồi ánh mắt ông ngoại nhìn Ninh giống hệt mẹ cậu, xem cậu còn nhỏ không hiểu được chuyện giữa người lớn với nhau. Cuối cùng, Ninh đành tìm chú bảy giúp đỡ. Cậu tâm sự với chú bảy thế này:
- Con hiểu mẹ là nạn nhân của định kiến ngày xưa, nhưng mẹ không thể lấy đó biện minh cho hành động của mình. Mẹ có thể thành công như hôm nay nhờ cố gắng hết mình lúc trước. Và đã đi tới đây rồi, mẹ lại buông thả bản thân, không còn tôn trọng nghề dạy, cái nghề đã mang mẹ đến đỉnh cao. Mẹ đã tự mãn đến mức quay lưng với điều quan trọng nhất.
Chú bảy không ngờ Ninh có thể nhận ra vấn đề của mẹ mình. Chú nghĩ nên để chị dâu nghe lời này, nên chú đưa Ninh đến trước mặt mẹ cậu, lặp lại những gì Ninh đã nói. Song cũng chỉ nghe được câu này của bà:
- Ninh không hiểu chuyện, chẳng lẽ em cũng giống nó hả?
- Chị. Chị sống và làm việc với nguyên tắc của mình lâu quá rồi, nhận thức đã cố hữu, có sai cũng khó nhìn ra được. Nhưng bọn trẻ đứng ở góc độ khác nhìn vào, sẽ dễ nhận ra vấn đề hơn. - Chú bảy xoa đầu Ninh, dỗ dành đứa trẻ luôn bị phủ nhận. - Không thể chỉ vì Ninh là trẻ con mà xem nhẹ lời nói, cảm xúc của cháu được.
- Em rể. Chị cực khổ nuôi Ninh lớn thế này, có để nó chịu bất kỳ thiếu thốn gì chưa?
- Em biết chị đã hy sinh nhiều. Nhưng tình cảm không phải là một cuộc giao dịch. Chị cho Ninh nhiều, nhưng Ninh cũng cần nhận lại sự quan tâm và thấu hiểu. Chị không thể thương Ninh một cách có điều kiện được.
- Em đừng có dạy đời chị. Chị biết cách dạy con của chị.
- Chị à, em chỉ muốn tốt cho Ninh thôi. Em thấy cháu nó đang rất buồn và cô đơn.
Mẹ Ninh nhíu mày, bĩu môi khinh thường:
- Buồn và cô đơn? Chị cho nó nhà lầu xe hơi, đi học trường chuyên. Còn nhà em cho nó cái gì? Hồi xưa nếu không có chị tìm quan hệ, gia đình em ăn nên làm ra được như vậy sao?
Chú bảy nghe mẹ Ninh nhắc chuyện trước kia, thở dài trong lòng. Hồi đó, nhà nội Ninh vào nam chưa lâu, quan hệ không có. Nhờ mẹ Ninh đi tìm quan hệ, mới tìm được chỗ làm ăn đáng tin cậy. Vì đã từng nhận giúp đỡ, chú bảy khó lòng mạnh miệng với chị dâu được, chưa kể Ninh còn ở đây, chú chỉ có thể nhắc lại tiền bạc không mua được hạnh phúc, nhấn mạnh bà là gia đình của Ninh, cậu nhóc cần tình yêu hơn là vật chất.
Nghe tới đó, mẹ Ninh biết chú bảy chịu thua. Bà ngạo nghễ cười, nghĩ thầm mình quan hệ rộng, biết nhiều như vậy, sao không hiểu con bà cần gì chứ. Ninh nhìn mẹ như vậy, cảm thấy rất bất lực. Chú bảy thấy cậu tội nghiệp, lại chỉ có thể an ủi:
- Con nên nghe lời mẹ. Mẹ con ở góa mười mấy năm, nên cho bà ấy cơ hội tiếp thêm bước nữa. Dù gì mẹ cũng là gia đình của con. Nếu con khó chịu quá thì tránh tiếp xúc là được.
Kế tiếp thất vọng là tuyệt vọng, Ninh buồn bã tự hỏi sao không ai có thể giúp cậu được. Nếu ba cậu còn sống, liệu ba có đứng ra bảo vệ cậu không? Nếu ba cũng giống như họ, cậu phải làm sao đây?
Dù không muốn thế nào, ngày cứ thế trôi qua, mọi chuyện giống như chưa từng thay đổi. Ninh xem người đàn ông đó không tồn tại. Mẹ và ông ta cũng giả vờ không chú ý sự khó chịu của cậu, vẫn qua lại như trước. Ngột ngạt trong chính ngôi nhà của mình, Ninh ít khi về nhà vào buổi sáng. Tối lại nhốt mình trong phòng, khóa cửa lại, từ đó ngăn cách cậu với hai người kia.
Người đàn ông đó rất biết làm trò, quen mẹ Ninh không lâu đã mua một chiếc xe hơi màu đỏ mỗi ngày rước bà đi chơi. Số lần hai người đi xe hơi nhiều đến mức, Ninh đoán, có lẽ còn nhiều hơn số lần ông ta chở người vợ đã ly thân kia. Ninh thấy rõ, nhưng cậu chẳng buồn nói. Đến khi Ninh thấy ông ngoại, các dì, các cậu của mình xuống từ chiếc xe đỏ chói mắt nọ. Ninh mới vỡ lẽ ra, người đàn ông đó đáng sợ thế nào. Ông ta chỉ là phó hiệu trưởng, lương tháng quá sức để bảo dưỡng ô tô. Ngoài những lúc đi chơi xa, ông ta chạy xe máy là chính. Kẻ đó vốn không có nhu cầu mua xe, đấy là thủ đoạn để ông ta lấy lòng mẹ và nhà ngoại Ninh.
Ninh đã mất cảnh giác, để rồi một buổi tối, khi Ninh đang ăn cơm, mẹ bỗng hỏi cậu:
- Cái nón bảo hiểm màu xanh, con không dùng nữa mẹ cho nha.
Mẹ Ninh chỉ vào cái nón bảo hiểm có kính bảo hộ, màu xanh dương óng ánh chữ bạc, là cái nón đẹp nhất trong nhà. Dạo này Ninh không dùng nữa, nên cẩn thận gói lại bỏ vào tủ. Đó là cái nón Ninh thích nhất nên cậu không đồng ý:
- Cái nón đó con còn sài. Nhà còn nhiều nón khác mà, mẹ lấy mấy cái đó cho đi.
Mẹ Ninh nghe vậy ậm ừ nói sang chuyện khác. Cậu nghĩ chuyện đến đây, nhưng qua hai hôm sau, Ninh thấy người đàn ông đó đội cái nón bảo hiểm của cậu. Ninh chất vấn mẹ, chỉ đổi lại một câu hờ hững:
- Vậy mà mẹ nhớ con cho rồi chứ.
Ninh cãi nhau với mẹ vì một chiếc nón bảo hiểm, một chuyện cỏn con, cũng đủ phá rách mối quan hệ đang nguy nan của hai người. Hai người lại tiếp tục chiến tranh lạnh. Áp lực từ gia đình khiến Ninh mệt mỏi tinh thần, song chẳng thể tìm ai giải bày. Cậu hoang mang sống trong bức tường mình dựng lên, muốn được quan tâm, lại cho rằng không ai sẽ thấu hiểu.
Từ hôm nói chuyện với ông ngoại, Ninh cố ý tách rời các cuộc họp mặt gia đình bên ngoại. Ninh tách rời đến mức có một ngày, cậu thấy được bài đăng trên mạng xã hội của mẹ. Hình ảnh bà và người đàn ông đó cười vui vẻ, xung quanh là nhà ngoại cậu đang hân hoan nâng ly.
Họ như một gia đình, còn Ninh mới là kẻ ngoài cuộc.
Cơn phẫn nộ bùng lên trong Ninh. Cảm giác bị gia đình phản bội khiến cậu nóng đầu, nghĩ ra những suy nghĩ điên cuồng. Nhưng đứa trẻ đáng thương lại sực tỉnh, tự thấy tội lỗi trong lòng. Rồi lại thấy bản thân thật tội nghiệp, chỉ dám im lặng tự dày vò. Ninh hít một hơi lấy dũng khí, cậu sẽ làm gì đó thay đổi tình cảnh bây giờ. Một là mất đi, hai là cậu thiết lập lại các mối quan hệ của mình.
***
Bên ngoại ăn tiệc ở nhà cậu của Ninh, địa chỉ cách ba mươi cây số. Ninh mới mười lăm tuổi chưa có bằng lái. Cậu nghĩ tới chú bảy, chú là người biết chuyện xảy ra, nên cậu nhờ chú chở mình tới đó. Ninh hành động khá nhanh, không dám suy nghĩ nhiều. Vì chỉ cần nghĩ nhiều hơn, Ninh sẽ lại sợ mất đi người thân của mình, sợ mình sẽ chùng bước. Cậu không cho phép bản thân như vậy nữa.
Khi mẹ Ninh thấy cậu tới, bà khá ngạc nhiên. Ninh thì nhìn mẹ đầy nghiêm túc. Trước mặt mọi người, cậu kể lại chuyện người tình của mẹ sàm sỡ mình. Họ sững sờ, không dám tin liếc hướng “đôi uyên ương”.
- Ninh, thầy là người tốt. - Mẹ Ninh không một chút hoảng hốt. Mắt bà đượm buồn, nhìn Ninh như xem một đứa trẻ không hiểu chuyện, thở dài. - Thôi, mẹ nói hết lời rồi. Sau này con sẽ hiểu.
- Người cố tình không hiểu là mẹ. - Ninh nói với giọng đanh thép. - Mẹ nghĩ rằng dù con có khó chịu, cũng sẽ ráng nhịn. Vì giống như mẹ không muốn cắt đứt mối quan hệ với ông ta, con sẽ không dám cắt đứt quan hệ với mẹ. Mẹ nghĩ như vậy đúng không?!
Câu này nói trúng tim mẹ Ninh, mặt bà sầm xuống. Bà không cho rằng Ninh dám phản kháng lại mình. Trong lòng bà, con cãi cha mẹ trăm đường con hư. Hơn nữa, Ninh còn chưa thành niên, không thể rời đi bà được. Đó là niềm tin vững chắc của mẹ Ninh. Nhưng bà không muốn làm kẻ xấu trước mặt mọi người, bà liếc mắt ra hiệu cho em trai mình, người vẫn hay hùa theo bà. Người đó lập tức hiểu ý, đập bàn la lối:
- Ninh! Sao mày nạt mẹ! Mới đụng chạm có chút, mày tưởng mày bị quấy rối tình dục hả?!
- Có phải quấy rối hay không, cảm nhận của con quyết định, không phải người khác quyết! - Ninh sẵng giọng đáp. Người vừa răn dạy là cậu của Ninh, cũng là một người hay ngồi xe hơi của kẻ đó.
Ấy vậy mà nghe xong, các dì các cậu vẫn hùa theo nói đỡ cho mẹ Ninh, chỉ trích cậu làm lớn chuyện. Từng câu nói của họ như đao cắt vào tim Ninh. Ninh nhìn từng gương mặt nọ, thốt ra điều cậu thắc mắc đã lâu:
- Ở đây đều là người thân của con. Sao không ai hỏi con gặp chuyện như vậy, có khó chịu không, có tổn thương không. Tại sao không có ai chứ?!
Quá xúc động, Ninh gục đầu xuống, để không ai thấy hơi nước trong hốc mắt, không thấy sự yếu đuối của bản thân. Đợi bình tĩnh hơn, cậu mới ngẩng đầu, giọng rõ to:
- Con kể chuyện này không phải cần sự đồng cảm. Con chỉ muốn xem các vị ở đây, những người có quan hệ thân thiết với mẹ, ông ta và cả con nữa. Có bao nhiêu người có thể coi không có chuyện gì mà duy trì mối quan hệ với ông ta không. Để con biết… Mình lầm bao nhiêu về những người con nghĩ họ thương con.
Ninh liếc ông ngoại, rồi nhìn mẹ, ánh mắt nhuốm màu đau buồn. Ninh nói như thể đang trút hết tâm sự vài tháng này:
- Tổn thương ông ta gây ra cho con không có bao nhiêu cả, nhưng, tổn thương của mọi người cho con gấp trăm ngàn lần. Đối với con, mọi người chẳng khác nào đồng phạm với kẻ quấy rối đó.
Nói xong, Ninh quay người rời đi. Chú bảy vội đuổi kịp, khuyên cậu:
- Được rồi con, đừng làm căng quá. Nếu không, con và mẹ đều không thể hàn gắn được. Người phải có gốc rễ con à.
- Con biết con đang làm gì. Con không phải đang bứng gốc của mình. Rễ của con đã hư hỏng, con không thể nhìn nó chết mà không làm gì cả. - Ninh nhìn chú bảy, cái nhìn đầy mong mỏi khiến chú bảy giật mình. - Con vẫn còn gốc rễ của mình. Chú bảy, nhà nội là chỗ dựa của con, phải không?
Nghe vậy, chú bảy bật cười, sự lo lắng vơi đi phân nửa, chú đáp:
- Đúng rồi. Con không phải sợ gì hết, có gia đình ở đây mà.
Giống như quá khứ lặp lại, mẹ Ninh năm xưa vùng chạy khỏi sự gia trưởng của ông ngoại, rồi lại tự biến mình thành kẻ gia trưởng khác. May mắn cho Ninh còn nhà nội để dựa vào, để cậu không bị nhấn chìm trong quan niệm cố hữu của họ, cũng sẽ không trở thành phiên bản thứ hai của ai.
Bình luận
Chưa có bình luận