Đứng dậy khỏi chiếc ghế êm ái suýt nữa ru mình vào giấc mộng ngắn ngủi sau một ngày mệt lử, Minh tiến đến cửa sau xe buýt, vừa bám vào thanh cột để giữ mình khỏi ngã vừa giơ tay còn lại lên bấm đèn nhằm báo hiệu cho bác tài biết điểm dừng sắp tới sẽ có người xuống. Đúng địa điểm, xe dừng lại, cửa mở ra, Minh bước xuống với chiếc ba lô nằm im lìm trên lưng rồi đi chầm chậm về nhà. Chiều nhập nhoạng loáng thoáng người và xe, Minh chẳng mấy để ý đến xung quanh, chỉ mải mê bước đi cùng cơn bải hoải của một ngày bận rộn đằng đẵng. Hôm nay Minh có tiết học đầu tiên từ bảy giờ sáng nên cô phải rời nhà từ sáu giờ kém, mười một rưỡi hết tiết cô ra cổng sau trường ăn vội chiếc bánh mỳ trứng bò khô rồi cuống cuồng bắt xe buýt đi làm thêm ở cửa hàng thời trang cách trường hai điểm xe buýt, năm giờ chiều cô quay lại trường để cùng các anh chị trong câu lạc bộ Tuyên truyền xung kích của mình đứng phát tờ rơi thông báo cho mọi người biết về chương trình hiến máu sắp diễn ra, gần sáu giờ chiều Minh chen chúc lên được chuyến xe buýt về nhà. Minh nhìn chiếc đồng hồ đeo trên tay trái, bây giờ là bảy giờ kém hai mươi, cô đã xuống xe, chỉ mất mấy phút đi bộ nữa thôi thì cô sẽ có mặt ở nhà và có thể coi như đã kết thúc được một ngày dài dằng dặc quay cuồng trong nhiều thứ. 

Một cô gái vừa kết thúc năm nhất đại học đáng lẽ ra phải thấy ngộp trong lịch trình kín mít bất chợt như thế, vậy mà Minh lại chỉ có cảm giác hoác huơ. Dường như có một khoảng trống chình ình trong tâm khảm mà dù có cố gắng thế nào Minh cũng chẳng thể lấp đầy được. Minh biết thứ khuyết thiếu là gì, song lại chẳng rõ cách thay đổi hiện trạng, chỉ đành tự gặm nhấm khoảng trống ấy hòng mong nó sẽ dần thu hẹp diện tích. Nhưng vẫn chẳng có tác dụng, Minh chỉ có thể để mặc mình chìm nghỉm giữa chênh chao. Thế mà cũng đã được bốn năm rồi.

Càng đến gần nhà mình, cơn nôn nao trong người Minh càng rậm rật. Tối qua mẹ đã báo tin, thế nên suốt cả ngày hôm nay người Minh mới chẳng phải là của Minh như thế này. Trước khi kéo thanh chốt lành lạnh của cánh cửa sắt nhà mình ra, Minh liếc nhanh về phía căn nhà ở cuối ngõ. Đèn trong nhà hắt ra cổng, đèn ngoài cổng hắt xuống đường, đèn nào cũng sáng trưng, như lặng lẽ thông báo cho những ai đi ngang qua rằng nhà họ có chuyện gì vui lắm. Ừ thì vui thật mà. Khe khẽ thở dài, Minh ngoảnh mặt lại, mở cổng nhà mình, bước vào trong sân.

Ăn cơm xong, mượn cái cớ cũng chẳng phải cớ là mệt mỏi, Minh lủi lên trên tầng, đánh răng xong thì nằm thẳng đờ trên giường, cái lưng kêu rên mệt mỏi đòi nghỉ ngơi nhưng đôi mắt chẳng chịu phối hợp vẫn cứ mở thao láo. Minh nghĩ vẩn vơ nhiều chuyện, rồi tiện thể nhớ lại những gì xảy ra chiều nay. Chuyện là chiều hôm nay, sau khi phát tờ rơi xong, Minh được đàn anh năm ba cùng câu lạc bộ tỏ tình. Minh và đàn anh đó quen biết chứ không thân thiết, nếu có tiếp xúc với nhau thì chỉ là trong những lần sinh hoạt câu lạc bộ. Minh không có cảm giác với người ta, nên cô đương nhiên không nhận lời. Có điều, trong khoảnh khắc nói lời từ chối, Minh thoáng thấy thứ gì xon xót trong mắt người đối diện. Và trong cả lòng mình. Dường như ở một mốc thời gian nào đó thuộc về quá khứ, Minh cũng đã cảm nhận được cái xon xót ấy rồi. Có lẽ nguyên nhân không giống nhau, nhưng đều là xon xót, xon xót khi biết rằng tình cảm mà mình dành cho người không giống tình cảm mà người dành cho mình.

Sụt sịt mấy cái, Minh buộc mình nhắm mắt lại, đừng suy nghĩ gì nữa kẻo đã mệt người còn mệt thêm cả đầu óc. Lời ép buộc có tác dụng, Minh trôi nổi trong những cơn mơ. Có cơn mơ là thật, chiếu lại những hình ảnh từng xuất hiện trong quá khứ: gói cá cơm cay cay ngoài cổng trường cấp một hai bàn tay nhỏ thò vào nhón liên tục, giữa trưa hè hai khuôn mặt nhễ nhại mồ hôi đi ăn trộm nhãn bị bắt quả tang chuyển thành nhễ nhại mồ hôi và nhòe nhoẹt nước mắt, chiếc máy nghe nhạc xám trắng mỗi người một bên tai nghe từ Em về tinh khôi đến Khúc giao mùa, lời hứa hẹn cùng thi vào một trường cấp ba để tiếp tục làm “chiến hữu”, rồi cả lời nói vô tình cứa đứt tình cảm khăng khít mà sau bốn năm trời vẫn chưa có chất kết dính nào dán liền lại được… Cũng có cơn mơ là giả, Minh vẫn có thể nhận ra điều đó giữa lúc chập chờn. Bởi vì trong cơn mơ ấy, người nọ cười toe nói với Minh rằng sinh nhật cậu là ba mươi mốt tháng Ba, chứ không phải mười hai tháng Sáu. Mười hai tháng Sáu, ngày hôm nay. Minh choàng tỉnh.

Hôm nay Minh được nghỉ làm, cũng chẳng có tiết học nào của kỳ học hè, thế nên cô sẽ ở nhà cả ngày. Không vui như những ngày nghỉ Minh hằng mong ngóng. Song cũng chẳng bứt rứt khó chịu, vì ở một góc nào đó trong sâu thẳm lòng mình, Minh vẫn muốn được ở nhà vào ngày này. Cứ loay hoay giữa hai luồng cảm xúc đó, Minh cũng cùng cậu em trai Đạt kém cô bảy tuổi giúp đỡ bố thu hoạch xong số xoài chín trên ba cây xoài nhà trồng. Hoàn thành nhiệm vụ này, Minh lại được giao một nhiệm vụ khác: mang xoài sang cho nhà chú Mạnh cô Hiền ở cuối ngõ.

Hai nhà vốn thân thiết từ lâu, giúp đỡ hoặc cho nhau đồ đã là chuyện như cơm bữa, bởi vậy Minh chẳng hề bất ngờ trước yêu cầu của bố. Thay vào đó, lòng cô nghèn nghẹn một cảm xúc không tên. Thở dài một hơi, Minh xách theo túi xoài đi về phía cuối ngõ.

“Cô Hiền ơi…”

Người đi ra không phải cô Hiền, mà là người gợi lên nhiều cảm xúc không tên trong Minh. Mét chín, cao ráo, điển trai, và cũng chững chạc hơn trước rồi.

Thấy Minh, Khôi thoáng giật mình, rồi cũng trở lại với vẻ bình tĩnh rất nhanh, vội đi ra cổng. “Mẹ tôi sang nhà bà nội rồi. Có chuyện gì thế?”

“Nhà tôi mới hái xoài nên mang sang cho nhà ông.” Thấy Khôi nhìn chằm chằm vào túi xoài, Minh cũng tìm một điểm nhìn khác chứ không chiếu ánh mắt vào khuôn mặt Khôi, giơ túi xoài lên. “Ông cầm lấy này.”

Khôi ngập ngừng một thoáng rồi đưa tay ra. “Tôi xin. Cho tôi gửi lời cảm ơn đến bố mẹ bà nhé.”

Nếu ở thời điểm cách đây ít nhất bốn năm, Minh sẽ cấm cảu hỏi vặn lại rằng “Mày cảm ơn bố mẹ tao chứ không cảm ơn tao à”, nhưng bây giờ những gì cô có thể đáp chỉ là một chữ “Ừ”. Cụt lủn và không cảm xúc.

Sau khi Khôi nhận lấy túi xoài, Minh thở phào một hơi vì cả hai vừa tránh được màn tay chạm tay, nói vội “Thôi tôi về đây” rồi xoay người, rảo bước đi về trong khi cố kìm những nhịp đập thình thịch trong lồng ngực lại.

“Minh…”

Tiếng gọi từ phía sau làm hỏng mọi cố gắng của Minh.

Hít sâu một hơi, Minh mới quay người lại. “Gì đấy?”

“Ừm thì…” Khôi gãi đầu, cứ ậm ừ mãi, khuôn mặt thoáng phần lúng túng. Khi Minh tưởng rằng anh sẽ không thốt được nên lời thì cuối cùng anh cũng hắng giọng, nói nốt thành câu: “Bà còn xem bóng chuyền không?”

Xem bóng chuyền. Sở thích thuở niên thiếu của Minh. Sở thích đã thay đổi cùng những chuyển mình của năm tháng. Giống như tình bạn gắn bó khăng khít mười mấy năm của Minh và Khôi vậy.

Minh ngạc nhiên mấy giây trước câu hỏi bất ngờ của Khôi, rồi mới khẽ lắc đầu. “… Không, giờ tôi bận quá nên không có thời gian xem nữa.”

Trong một khoảnh khắc, Minh tưởng như đã thấy khuôn mặt Khôi bị phủ dưới tấm màn bóng tối. Rồi Khôi gật nhẹ. “Ừ, cũng phải…”

Sau một lúc lâu mà vẫn không thấy Khôi có phản ứng gì nữa, Minh đành kết thúc cuộc trò chuyện đang có xu hướng chuyển thành lặng im gượng gạo. “Nếu không có gì nữa thì tôi về nhé, đến giờ nấu cơm rồi…”

“Ừ… Mà này.”

Minh nhướng mày. “Hử?”

“Tối nay nhà tôi tổ chức tiệc sinh nhật tôi, bà và cả nhà bà cùng sang chung vui nhé.”

Nếu là trước đây, Minh chẳng cần chờ Khôi phải mời, Khôi cũng chẳng cần phải khách sáo mời Minh thế này. Nhưng tất cả chỉ là trước đây.

Minh nhìn Khôi một lúc, rồi mới gật đầu. “Ừ.”

Lần này, Minh về thẳng nhà mà không nghe thấy tiếng gọi với lại nào nữa.

Tối hôm đó, Minh cùng người nhà mình sang dự sinh nhật Khôi. Bữa tiệc huyên náo với sự góp mặt của nhiều đứa trẻ trong ngõ và những họ hàng thân thiết của gia đình Khôi. Minh không ngồi cạnh Khôi như ngày trước, bởi nếu vậy thì có lẽ cả hai sẽ chỉ mải đóng băng trong gượng gập thay vì tận hưởng bầu không khí vui mừng nên có vào ngày này. Dù vậy, Minh vẫn thấy thật khó để tận hưởng. Ngược lại, trong những khoảng trống thời gian có thể để mình mặc sức lềnh bềnh trôi về ngày xưa, Minh nhớ tới nhiều lần sinh nhật trước của Khôi. Lần đầu tiên hai đứa được ăn bánh ga-tô là trong bữa tiệc sinh nhật Khôi sáu tuổi, Minh thích chí đến nỗi hai bên mép dính đầy kem bánh mà cũng không biết, làm Khôi phải đưa cho cô tờ giấy ăn và nhấm nháy mắt ra hiệu, Minh của khi ấy vừa ngu ngơ nhận tờ giấy vừa mải nghĩ rằng mình tặng Khôi quyển vở ô li làm quà kể cũng hời, được ăn bánh ngon thế này cơ mà. Lớn hơn một chút khi cả hai đứa đều đắm chìm trong thế giới truyện tranh, Minh tích góp tiền ăn sáng còn thừa của mấy tháng trời để mua tặng Khôi cuốn Thám tử lừng danh Conan, trước lúc đánh chén bữa tiệc sinh nhật, cô còn giở hẳn trang có cảnh máu me be bét ra cho Khôi nhìn, làm cậu thiếu điều xử lý cô ngay tại chỗ. Một năm hồi hai đứa học cấp hai, Minh đã hết tiền tiết kiệm sau khi cố dành dụm để mua được chiếc máy nghe nhạc iPod nên chỉ đành tặng Khôi một gói bim bim cua cùng tờ giấy được gập lại để chơi trò Đông Tây Nam Bắc với hai mặt ghi “Được Minh Mỹ Miều thực hiện một nguyện vọng bất kỳ”, hai mặt ghi “Chúc bạn Khôi của chúng ta sinh nhật vui vẻ” và bốn mặt ghi “Chúc bạn Khôi may mắn lần sau”, Minh vẫn còn nhớ khuôn mặt Khôi khi nhìn thấy món quà là câm nín… Ký ức chợt đứt đoạn vào lần sinh nhật Khôi mười sáu tuổi, hôm ấy cậu không còn ở nhà, Minh và cậu cũng chẳng còn liên lạc. Sợi dây ký ức đã đứt rồi nên chẳng còn liền mạch, khiến mọi thứ cứ mắc lại ở mốc thời gian khi hai đứa vẫn chỉ mười lăm. 

“Ăn đi này.”

Tiếng Khôi khe khẽ nhưng bằng một cách thần kỳ vẫn thức tỉnh được Minh. Cô hơi giật mình, ngơ ngác quay sang nhìn đĩa xoài vàng óng Khôi vừa đặt đến trước mặt mình. 

Cậu nhóc Đăng - em trai Khôi ngồi giữa cả hai cũng lấy làm khó hiểu trước sự thất thần của Minh, bèn hỏi: “Chị Minh hôm nay chê xoài à, bình thường chị thích ăn lắm mà, xoài nhà chị ngon cực luôn, chị mà không ăn nhanh thì đừng trách bọn em tiêu diệt gọn đấy.” 

Thằng bạn chí cốt của Đăng - tức thằng Đạt em trai Minh quay sang nhìn bạn, chẹp miệng. “Mày kệ bà ấy đi, không ăn thì càng tốt, anh em mình tha hồ mà…”

Đạt còn chưa dứt lời thì đã hứng trọn cái cốc đầu từ chị gái. Cu cậu nhăn nhó, bĩu môi, xị mặt quay đi.

Đối với Minh, ấn tượng sâu sắc nhất mà bữa tiệc này mang lại cho cô là khoảnh khắc cô nghe thấy ba chữ “Ăn đi này”. Nhưng đó là lúc bữa tiệc chưa kết thúc. 

Khi cuộc vui dần tàn, mọi người lục tục giải tán, Minh và mẹ mình cùng ở lại giúp nhà cô Hiền dọn dẹp.

Hai bà mẹ vừa lau dọn vừa tám chuyện, mẹ Minh chợt buông một câu cảm thán: “Lâu lắm rồi mới thấy cái Minh với thằng Khôi ở cạnh nhau ấy nhỉ?”

Cô Hiền cũng thở dài. “Ừ, hình như từ hồi thằng Khôi xa nhà đi tập bóng chuyền thì không thấy hai đứa tíu tít nữa, bây giờ họa hoằn lắm hai đứa mới gặp được nhau mà cũng không thấy chúng nó nói năng gì với nhau cả, kể ra cũng tiếc ghê ấy chứ, hai đứa từng thân thiết thế mà…”

“Đúng là ai rồi cũng khác cả. Hai đứa nó lớn cả rồi, suy nghĩ cũng thay đổi, là bạn bè khác giới nên giờ cũng biết ngại đấy. Tiếc thật, tôi vẫn nhớ ngày xưa gần như lúc nào cũng thấy chúng nó dính lấy nhau, từ lúc đi học cho đến lúc ở nhà…”

“Bà còn nhớ không, có lần hai đứa suýt ăn đòn vì đi ăn trộm nhãn bị bắt quả tang còn gì…”

Dù đã cố gắng nhưng Minh vẫn chẳng thể ngăn những lời nói ấy chui xộc vào tai mình. Nỗi buồn man mác lại được đà xâm chiếm tâm trí, cô cũng chẳng có cách nào khác ngoài trơ mắt nhìn nó tung hoành. Bất chợt, một ánh nhìn chiếu thẳng vào Minh khiến cô dẫu có muốn thì cũng chẳng thể tảng lờ. Cô ngẩng lên, đối diện với Khôi. Anh không quay đi ngay khi bị cô bắt gặp, ngược lại còn nhìn cô mấy giây rồi mới rời tầm mắt sang chỗ khác. Minh cố gạt ánh nhìn mà cô khó lòng cắt nghĩa ấy ra khỏi đầu để có thể chuyên tâm vào dọn dẹp.

Khi mọi thứ đã được thu dọn xong xuôi, Minh chào cô Hiền và chú Mạnh rồi ra về ngay chứ không ở lại chờ mẹ mình. Có tiếng bước chân vang lên sau lưng khi Minh đã bước ra khỏi cánh cổng, tiếp đó là một tiếng gọi: “Minh này.”

Hít sâu một hơi gom bình tĩnh, Minh mới quay lại nhìn Khôi. “Ơi. Có chuyện gì à?”

Minh phải thừa nhận là mình hết sức ngạc nhiên khi Khôi chìa tay ra phía trước, đưa cho cô một thứ. Là một cuốn sổ tay. Minh ngẩng lên nhìn Khôi, nhướng mày thắc mắc. “Gì vậy?”

Khôi ngập ngừng trong một khoảng thời gian được tính bằng giây, rồi mới đáp: “Tặng bà.”

“Hả?”

“Cầm đi này.”

Minh vô thức giơ tay nhận lấy, vẫn chưa hiểu vì lý do gì mà mình bỗng dưng được cậu-bạn-từng-thân-thiết tặng quà.

Như hiểu được suy nghĩ của Minh - giống cái cách mà Khôi từng vô cùng hiểu ngày trước, Khôi giải đáp thắc mắc cho cô. “Thật ra thì trang cuối cùng có một chữ ký đấy.”

Minh tò mò mở ra xem. Nét chữ loằng ngoằng, không nhìn rõ lắm là chữ gì nếu không có tên của người ký ở dưới. “Nguyễn Thị Ngọc Hoa” và dòng chữ “Thân tặng em Minh. Chúc em luôn đạt được những điều mà mình mong muốn”. Nguyễn Thị Ngọc Hoa, chẳng lẽ?

Minh ngẩng phắt đầu, nhìn Khôi chằm chặp, thì đã thấy người đối diện gãi đầu nói: “Đúng là Nguyễn Thị Ngọc Hoa, vận động viên bóng chuyền đấy. Ừm thì… chắc bà không biết… nhưng đợt vừa rồi tôi mới được lên đội 1 của câu lạc bộ nên được thi đấu ở giải Vô địch Quốc gia, thế là tôi tình cờ có dịp gặp chị Hoa. Chợt nhớ chuyện ngày trước bà từng thích xem chị ấy thi đấu nên tôi nhân tiện xin chữ ký của chị ấy luôn… Bây giờ bà bỏ xem bóng chuyền rồi, nhưng dù gì tôi cũng đã xin chữ ký nên cứ đưa cho bà vậy. Nếu bà không thích chữ ký đó thì xé trang cuối đi, ngoài trang cuối thì cuốn sổ này vẫn còn mới tinh, bà vẫn có thể dùng…”

Hóa ra, cậu ấy vẫn còn nhớ. 

Minh gắng gượng kìm hãm thứ cay cay nơi khóe mắt, cố mỉm cười nói “Cảm ơn ông nhé”, thấy Khôi gật đầu thì xoay người rồi rảo bước đi về nhà trước khi mọi cố gắng đều hóa thành công cốc, trước khi người sau lưng nhìn thấy giọt nóng hổi vừa rơi tõm vào không trung từ khóe mắt cô. Cô không hề hay biết, người sau lưng khe khẽ thở dài, và vẫn còn nhìn theo mãi cho đến khi cô về tới nhà mình.

Ngồi trên giường, Minh nhìn chằm chằm vào chữ ký trong cuốn sổ mà thất thần. Những mảnh ký ức như được một bàn tay vô hình di dịch rồi ghép lại, tạo ra nhiều hình ảnh mà cô biết rõ chúng đã từng tồn tại.

- Mà tao phát hiện mày càng ngày càng cao lên hay sao ấy. Biết đâu vớ vẩn thế nào mày đi chơi bóng chuyền hoặc bóng rổ thì sao… Nếu chơi thì chơi bóng chuyền nhé, rồi cố gắng phấn đấu để trở thành Nguyễn Thị Ngọc Hoa phiên bản nam ấy. Mà nói chứ trận chung kết VTV Cup hôm qua hay thật sự.

- Nghe thằng Đạt kể rồi, nó bảo mày cổ vũ cho tuyển nhà sung đến mức ngã từ trên ghế xuống luôn hả?

- Thằng ranh con, nó sẽ biết tay tao.

- Sao mày lại đi tập bóng chuyền?

- Không thi đỗ nên đi thôi.

- Không thi đỗ thì vẫn có thể học trường khác mà. Học bóng chuyền nhiều rủi ro lắm… Hay là vì có lần tao bảo mày đi chơi bóng chuyền hoặc bóng rổ nên mày đi, lúc đó tao chỉ nói đùa thôi mà…

- Không liên quan đến mày.

- Sao lại không liên quan? Mày đi tập bóng chuyền thì ai đi học cùng tao, ai đi chơi với tao?

- Mày đi học, đi chơi với những đứa khác ấy, mày thiếu gì bạn! Chẳng lẽ tao và mày luôn phải dính lấy nhau chắc? Từ bé đến giờ vẫn chưa đủ hả…

- Đúng nhỉ? Đúng là tao và mày chơi với nhau lâu quá rồi nên nghe tin mày muốn sống xa nhà tao mới có phản ứng thái quá thế này. Nếu mày đã quyết định rồi thì cứ làm vậy đi…

- Minh, tao xin lỗi vì đã nói nặng lời.

- Có gì đâu mà xin lỗi. Mày lên đường bình an và học cho tốt nhé.

Minh thừa nhận, từng có nhiều khoảnh khắc mình trách cứ Khôi khi anh nỡ buông lời khiến cô tổn thương. Đó chính là lý do cô cố gắng không nghĩ đến anh, cố gắng làm quen với cuộc sống không còn có anh kề cạnh, cố gắng lấp đầy cuộc sống của mình bằng nhiều thứ. Nhưng dường như cũng chẳng có hiệu quả. Cô vẫn sẽ vô thức nghe ngóng tin tức về anh, từ bố mẹ, từ cô Hiền chú Mạnh, từ hai thằng nhóc Đăng và Đạt, hay cả trên những trang tin điện tử, trên báo… Cô không nói cho Khôi biết, và có lẽ sẽ không bao giờ nói, rằng thực ra cô vẫn còn xem bóng chuyền, song cô chỉ xem những trận mà câu lạc bộ của anh thi đấu trong mùa giải này, vì đây là mùa giải đầu tiên anh được lên đội hình chính của câu lạc bộ. Cô cũng sẽ không nói cho anh biết, tối hôm kia khi nghe mẹ thông báo “Ngày mai thằng Khôi về nhà đấy”, cô đã thẫn thờ bao lâu, đã vui sướng biết chừng nào. Cô càng không nói cho anh biết cảm giác xon xót của cô, xon xót khi biết rằng tình cảm mà mình dành cho Khôi không giống tình cảm mà Khôi dành cho mình. Với Khôi, cô chỉ là một người bạn thân từ tấm bé; nhưng với cô, anh không chỉ là vậy…

Cô biết rõ điều đó, cũng như biết rõ tại sao mình lại từ chối đàn anh khóa trên kia. Khi một hình bóng vẫn còn choán lấy tâm trí cô, cô biết mình không thể đón nhận được một ai khác. Dù chính cô cũng cảm thấy nực cười, nhưng cô đã tự nhủ với mình, rằng một ngày nào đó, khi thấy có một cô gái khác ở bên cạnh Khôi, cô sẽ yên lòng mà tự tay vùi lấp khoảng trống trong tim mình. 

Nhìn vào cuốn sổ tay mình mới bất ngờ nhận được, Minh biết ngày ấy hẵng còn ở rất xa.

oOo

Minh vẫn xa cách, và cũng không có dấu hiệu muốn làm thân trở lại. Đó là kết luận mà Khôi rút ra được sau buổi tối hôm nay. Có lẽ Minh vẫn giận Khôi vì lời nói ngày xưa, và theo như anh biết thì hiện giờ cô còn nhiều mối quan tâm khác, bản thân Khôi cũng có nỗi niềm của riêng mình, thế nên chuyện đến nước này cũng chẳng thể trách ai được. Khôi trở về phòng, nhớ lại chuyện vừa xảy ra thì không khỏi thở dài thườn thượt. Sợi dây khoảng cách vẫn còn bị kéo căng, và hai người cầm hai đầu sợi dây đều chưa có ý định cắt phăng nó một cách mãnh liệt. Cũng chẳng biết đây là chuyện tốt hay xấu, Khôi chỉ có thể thở dài hết lần này đến lần khác.  

Suốt bốn năm xa nhà đi tập bóng chuyền, đến năm nay - khi đã có bước tiến đầu tiên là được vào đội hình 1 của câu lạc bộ, Khôi mới có tâm trạng để tổ chức một buổi tiệc sinh nhật đúng nghĩa khi được về nhà nghỉ giữa mùa giải. Không vui như Khôi tưởng, nhưng ít ra nỗi hoang hoải trong lòng anh cũng nguôi ngoai phần nào.

Thay vì ngồi bóc chỗ quà mà dù gia đình Khôi đã dặn mọi người không cần tặng nhưng vẫn có người mang đến, Khôi lục tìm trong ngăn kéo chiếc bàn học anh dùng ngày xưa hiện vẫn còn ở yên trong phòng. Giữa nhiều thứ đồ linh tinh, Khôi lấy ra tờ giấy ngả vàng đã được gấp lại để làm dụng cụ chơi trò Đông Tây Nam Bắc. Đưa bốn ngón tay vào bốn chóp giấy, Khôi di chuyển bàn tay theo số lượt mình tự định ra trong đầu. Ngón tay dừng lại, chữ trên giấy hiện ra: “Chúc bạn Khôi của chúng ta sinh nhật vui vẻ”. Khôi hơi cong khóe miệng, cũng vui hơn một chút rồi, hóa ra lời chúc của Minh dành cho anh từ nhiều năm trước đến bây giờ vẫn còn hiệu nghiệm. Khôi thử lại một lần nữa, và lần này, trước mắt anh hiện ra dòng: “Được Minh Mỹ Miều thực hiện một nguyện vọng bất kỳ” - dòng chữ ngày xưa anh từng rất mong muốn được thấy song số lần thỏa ước nguyện lại chỉ đếm trên đầu ngón tay. Khôi lần mò trong ký ức, thuở ấy mình bảo Minh làm gì nhỉ? À, thực ra cũng không sai bảo được gì, bởi Minh Mồm Mép đã nói xoen xoét rằng đây là món quà sinh nhật nên chỉ có một thôi, cũng chỉ có hiệu lực trong vòng một năm, Khôi hãy suy nghĩ thật kĩ càng trước khi nêu yêu cầu. Đúng là Khôi đã suy nghĩ rất kĩ, kĩ tới nỗi sau đó anh cũng quên khuấy mất chuyện này. Đến bây giờ, khi mà cho dù có yêu cầu thì cũng không còn hiệu lực, Khôi mới nghĩ ra mình muốn Minh làm gì.

Lòng chùng lại, miệng thở dài, Khôi cất tờ giấy vào ngăn kéo, đứng dậy sang phòng vệ sinh bên cạnh đánh răng rửa mặt rồi quay về phòng, nằm thẳng trên giường nhìn trân trân lên trần nhà. Thời còn đi học, mỗi lần cả lớp được dùng máy chiếu, Khôi thường thắc mắc liệu không có màn chiếu màu trắng thì có chiếu được hình ảnh lên chỗ nào khác không. Hình như trong một bộ phim Minh từng rủ Khôi xem cùng, người ta chiếu phim lên bức tường và vẫn xem được. Chắc vì lẽ đó mà vào lúc này, trên trần nhà trắng tinh, Khôi cũng thấy được nhiều cảnh tượng khác nhau mà chiếc máy chiếu vô hình trong đầu anh đang tự phát ra. Một chiều cuối tuần hồi hai đứa học lớp bốn, Minh mới biết đi xe đạp nhe nhởn phóng xe lên dốc đê, cuối cùng không giữ được thăng bằng nên ngã oạch, đầu gối bên phải xây xước nhầy nhụa máu, mắt rơm rớm nước ngước lên nhìn Khôi khiến anh vừa sợ vừa xót. Những ngày đầu cấp hai, thuê truyện là một trào lưu phổ biến trong tụi học sinh choai choai bọn anh, gần như chiều nào Minh cũng tranh thủ ghé vào cửa hàng cho thuê truyện ở gần trường sau giờ tan học, sợ Khôi về trước sẽ khiến bố mẹ biết mình đi la cà nên Minh nằng nặc bắt Khôi phải đi cùng, Khôi không hề nói cho cô biết rằng đằng sau khuôn mặt cam chịu của anh khi bị “bắt ép”, thực ra anh cũng thích đến cửa hàng ấy để được chìm đắm trong thế giới truyện tranh cùng cô. Cuối cấp hai, cả lớp tổ chức liên hoan ở nhà cậu bạn có bố là hội trưởng hội phụ huynh, bằng một cách không thể xui xẻo hơn, Minh bị con sâu róm ở vườn nhà bạn bò lên áo nên giật mình hét toáng lên, Khôi khi ấy luống cuống, cũng chẳng nghĩ ngợi nhiều cứ thế đưa tay hất con sâu ra khỏi áo cô, kết quả là hai đứa đều bắt đầu thấy ngứa ngáy nên đành phải dắt díu nhau về nhà sớm. Lên cấp ba… không có kỷ niệm nào giữa Khôi và Minh nữa, khi ấy Khôi đã xa nhà để đi tập bóng chuyền, và xa cả Minh.

Cuộc chia ly không hề được dự báo kéo hai con người ngay trước đó từng có một trận hục hặc ra xa nhau. Nếu Khôi vẫn ở nhà thì có lẽ lần “giận dỗi nhau” này của hai người sẽ không kéo dài lâu đến vậy. Nhưng Khôi biết, anh cần phải đi, vì Minh, và cũng vì mình. 

Chuyện tưởng như mới ngày hôm qua, vậy mà đã được bốn năm rồi. 

Bốn năm nay, Khôi quay cuồng trong những bài tập làm quen, những điều luật thi đấu, những tiết học văn hóa xen kẽ với nhiều giờ tập bóng cật lực…; bốn năm bận rộn để Khôi chẳng còn nhiều thời gian nghĩ đến chuyện gì khác ngoài cố gắng lên được đội 1 của câu lạc bộ và xa hơn là Đội tuyển Quốc gia; bốn năm mà Khôi tưởng cõi lòng mình đã phẳng lặng nhưng vào một khoảnh khắc nào đó, anh bỗng ngộ ra là không phải vậy. Mỗi lần thảng hoặc trông thấy người ấy, Khôi vẫn nghe tim mình hẫng một nhịp đập. Mỗi lần bất chợt nhớ ra điều gì mà mình và người ấy từng san sẻ, Khôi vẫn tự động mỉm cười, để rồi sau đó cũng tự gặm nhấm niềm tiếc nuối khôn nguôi. Mỗi lần thấy thứ gì mà người ấy thích, Khôi vẫn vô thức muốn cho người ấy xem. Nhưng không được. Mạng máy tính, điện thoại di động không phổ biến, mà dù có thể liên lạc thì hai người cũng phải tốn kha khá thời gian loay hoay tìm cách phá vỡ khoảng cách giữa đôi bên. Hố ngăn đã xuất hiện, muốn lấp đi phải cần can đảm và quyết tâm. Khôi biết hiện giờ mình chưa chuẩn bị sẵn sàng, còn Minh thì dường như cũng chẳng mặn mà lắm.

Cho đến ngày có được cõi lòng phẳng lặng không dễ dàng bị gợn lên bởi điều gì hay bởi ai, hoặc có thể nói là khi đủ kiên cường tới mức sẵn sàng chấp nhận mọi rủi ro, Khôi quyết định vẫn sẽ giữ nguyên hiện trạng này.

Một ngày nào đó, dù bắt buộc phải chôn vùi tình cảm hay có cơ hội phô bày nó ra cho người ấy biết, Khôi vẫn mong là khi ấy, mình và Minh có thể thoải mái với nhau như ngày xưa. Còn câu chuyện xảy ra khi Khôi đã lên xe cùng đồng đội chuẩn bị rời khỏi nhà thi đấu nhưng vì chợt thấy bóng dáng Nguyễn Thị Ngọc Hoa, Khôi đã phải nhờ tài xế nán lại thêm một lúc rồi chạy xồng xộc xuống xin chữ ký của chị ấy, anh vẫn sẽ giữ làm bí mật cho riêng mình.

- Ê tao tưởng mày chỉ mê thần tượng Hàn Quốc thôi mà hóa ra mày cũng mê Nguyễn Thị Ngọc Hoa phết nhỉ, mê hơn tao tưởng tượng luôn ấy.

- Xời, cũng tàm tạm thôi. Nhưng giả dụ một ngày nào đó được gặp chị ấy ở ngoài đời thì tao vẫn sẽ xin chữ ký và xin chụp ảnh chung.

- Thế mà bảo là tàm tạm?

- Thì đúng là thế còn gì. Tao mà hâm mộ điên cuồng thì gặp được chị ấy chắc tao khóc như mưa ấy chứ.

- Nếu là kiểu khóc như hồi mày rủ tao đi ăn trộm nhãn bị bắt quả tang thì thôi xin mày đừng nhé… Á đau, đừng có véo nữa mà…

- Chuyện đã qua xin người đừng nhắc lại. Khi nhắc lại người sẽ bị thế này…

- Rồi, chị Minh Mỹ Miều cho em xin ạ. Cùng lắm đến lúc đó em xin chữ ký hộ chị là được chứ gì.

- Giả sử mày mà xin được chữ ký của chị Hoa thì tao rộng lượng đáp ứng một nguyện vọng của mày.

- Nguyện vọng à? À há…

- Mày định ước gì mà cười trông đểu giả thế hả?

- …

- Gì hả?

- Bí mật.

Khoảnh ký ức được khoanh vùng lại và phóng to lên, soi thấu ước vọng bí mật của cậu trai choai choai khi đó. Khôi thiếp đi cùng khoảnh ký ức ấy, khóe miệng cong lên cười. Giữa những bồng bềnh nối liền quá khứ và hiện tại, Khôi nghe ước vọng bí mật đó vọng về: mong rằng Minh luôn đạt được những điều mà cô mong muốn - giống những gì anh đã nhờ chị Ngọc Hoa ghi tặng Minh trong quyển sổ làm quà sinh nhật sớm dành cho cô; và, Khôi với Minh luôn là người quan trọng không thể thay thế trong cuộc đời đối phương.


Bình luận

Chưa có bình luận
Preview Settings

Try It Real Time

Layout Type
    • LTR
    • RTL
    • Box
Sidebar Type
Sidebar Icon
Unlimited Color
Light layout
Dark Layout
Mix Layout
}