Thời gian trôi nhanh như một cơn gió mùa hè, chưa kịp chớp mắt, Kiều Anh đã sắp bước vào kỳ thi khảo sát vào lớp 9. Cô gái nhỏ bận rộn với hàng đống bài tập, luyện đề, học nhóm… nhưng thứ khiến cô thao thức về đêm không chỉ là mấy con số hay những đoạn văn, mà là một cảm giác mơ hồ – như thể có một điều gì đó đang chờ đợi phía trước. Mới mẻ. Lạ lẫm. Và hơi đáng sợ.
Sáng hôm ấy, trời có nắng nhưng lại dịu. Kiều Anh sửa lại tóc, đeo ba lô rồi nhanh chân bước xuống nhà.
“Anh Long?” – Cô gọi, nhưng không có tiếng trả lời. Cô nghĩ chắc anh trai đã chạy xe đi đâu rồi, bèn mở cửa ra ngoài. Và ngay tại giây phút ấy, thời gian như khựng lại. Ánh mắt cô lập tức bị hút chặt vào người con trai đang đứng bên chiếc xe mô tô đen bóng.
Trường. Anh mặc đồ đen, áo phông đơn giản, quần jean hơi bạc màu, đứng tựa vào xe với một tay cầm điện thoại, tay kia cho vào túi quần. Tóc rủ xuống trán, mắt dán vào màn hình, ánh nhìn đầy tập trung khiến người ta không dám quấy rầy. Anh giống như một thước phim quay chậm – mọi âm thanh, mọi chuyển động xung quanh Kiều Anh đều mờ nhạt, chỉ còn hình ảnh của anh đậm nét giữa không gian.
Trường ngẩng đầu lên, bắt gặp ánh mắt ngơ ngẩn của Kiều Anh. Một nụ cười nhẹ thoáng qua môi anh, rồi anh nói, giọng trầm và quen thuộc:
“Lên xe đi bé Chi. Long có việc đột xuất, anh chở em đi thi.”
Cô sững lại một nhịp, rồi gật đầu cái rụp. Trong một khoảnh khắc ngắn ngủi, mọi áp lực thi cử, mọi lo lắng đều bay biến. Chỉ còn lại sự háo hức non nớt khi được ngồi sau chiếc xe của người con trai ấy. Tim đập rộn ràng. Xe lao đi trong nắng sớm. Gió lùa vào tóc, lướt qua má, mang theo chút hương quen thuộc của buổi sáng thành phố. Kiều Anh nhắm mắt lại vài giây, mỉm cười. Trường liếc gương chiếu hậu, thấy cô đang ngẩn người nhìn mấy tòa nhà trôi ngược phía sau, liền nói nhẹ:
“Thi cho tốt. Bình tĩnh làm bài. Thi xong anh em mình đi ăn gì ngon ngon, chúc mừng bé Chi hết khổ.”
Cô khẽ bật cười. “Vâng” – tiếng trả lời lí nhí như gió thoảng, nhưng lòng thì nhẹ hẳn đi.
Buổi thi trôi qua khá suôn sẻ. Kiều Anh làm bài tốt, tâm trạng cũng phơi phới. Khi bước ra khỏi cổng trường, nắng đã lên cao, những nhóm học sinh túm tụm cười nói, bàn tán đề thi. Cô nhìn quanh, rồi thấy Trường đang đứng cách đó không xa, nói chuyện với một thanh niên cao gầy lạ mặt. Cả hai đều nghiêm túc, khuôn mặt có phần căng thẳng.
Chưa kịp chào, thì một bóng dáng quen thuộc lao đến chỗ cô, khuôn mặt căng thẳng, vẻ mặt lo lắng. Anh Tú, bạn của Long, hớt hải chạy đến, nhìn vào mặt Kiều Anh rồi nhanh chóng nói:
"Chi! Long bị mấy đứa nào chặn đánh,giờ đang ở đồn cảnh sát đấy!Em mau qua đó xem nó thế nào đi."
Nghe đến đó, cả người Kiều Anh lạnh toát. Cô quay phắt sang Trường, định mở miệng, thì anh đã gập điện thoại lại, mặt lạnh tanh:
“Cmn được lắm...”
"Bé chi lên xe anh chở em đi"
Không đợi cô gật đầu, Trường đã nhảy lên xe. Kiều Anh vội leo lên phía sau, tim đập điên cuồng, lòng hoảng loạn. Xe rú ga phóng đi như một mũi tên, để lại bụi mù sau lưng.
Đồn công an quận nằm ngay đầu con phố lớn. Khi xe dừng, Kiều Anh gần như nhảy xuống, chạy thẳng vào bên trong. Cảnh tượng đập vào mắt khiến cô như nghẹt thở. Anh Long đang ngồi trên băng ghế, mặt mày bầm dập, môi rách, áo dính máu. Bên cạnh anh là Hùng - cái tên khiến cô thấy buồn nôn - và vài gương mặt khác, bặm trợn và hằn học.
“Anh ơi!” - Cô hét lên, chạy tới, gần như muốn khóc.
“Không sao… anh không sao…” – Long thều thào, ánh mắt yếu ớt nhưng vẫn cố nở một nụ cười trấn an.
Trường bước vào sau, không nói một lời, chỉ khoanh tay đứng dựa tường, mắt đảo một vòng rồi dừng lại ở Hùng. Ánh nhìn như muốn đục thủng đầu hắn. Một cô công an trẻ tiến tới, giọng cứng rắn:
“Em là người nhà của anh Long?”
“Vâng, cháu là em gái ruột.”
“Vụ này là xô xát nhỏ ngoài cổng trường. Camera cho thấy nhóm bên kia chủ động chặn đường. May có người báo kịp, nên không ai bị thương quá nặng. Nhưng cần người nhà đến ký giấy cam kết, rồi đưa về.”
Kiều Anh quay phắt sang Hùng. Ánh mắt cô hằn lên tia phẫn nộ.
“Mày lại là mày!” – Cô gằn giọng. “Tao đã nói bao nhiêu lần là đừng làm phiền tao nữa! Mày không nghe, giờ còn kéo cả lũ đi đánh anh tao?”
Hùng ngả người vào ghế, hất mặt lên, cười nhạt:
“Tao có làm gì đâu? Anh mày gây sự trước.”
“Gây sự?” - Cô nghiến răng, từng chữ như rơi ra từ vực sâu – “Nếu mày không lượn lờ bám theo tao, đe dọa bạn tao, làm trò hèn hạ, thì ai thèm chạm đến mày? Mày cay cú vì anh tao bảo vệ tao đúng không?”
Hùng đứng bật dậy, mặt đỏ bừng:
“Mày im đi! Tao thích mày thì có gì sai? Anh mày tưởng ngon à, dám dạy đời tao?”
Chát!
Âm thanh cái tát vang dội khiến cả phòng im bặt. Kiều Anh đứng thẳng, bàn tay còn run run vì tức giận. Mắt cô rực lửa:
“Đây là lần cuối cùng tao cảnh cáo mày. Đụng vào tao đã là quá giới hạn. Nhưng dám đụng vào người nhà tao? Mày tới số rồi!”
Trường lúc này mới rời khỏi góc tường, bước chậm đến gần Hùng. Mặt anh vẫn bình thản, nhưng ánh mắt thì không hề có chút nhân nhượng. Anh cúi xuống, nói nhỏ - nhưng từng chữ đanh thép:
“Tụ tập, hành hung người khác, mày nghĩ công an sẽ bỏ qua lần nữa? Tao có thể khiến mày ăn cơm trong trại vài tháng để biết lễ độ đấy, Hùng. Thử không?”
Hùng nuốt khan. Tay nắm chặt. Nhưng hắn không dám mở miệng.
Cô công an nhìn cảnh ấy, khẽ lắc đầu:
“Thôi. Cả hai bên đều có người bảo lãnh rồi. Lần sau còn đánh nhau, đừng mong dễ dàng như này nữa.”
Về đến nhà, Kiều Anh tức tốc kéo Long vào phòng khách, bôi thuốc sát trùng, băng vết thương. Cô im lặng, gương mặt lạnh như băng. Long thở dài, vừa xoa vết thương vừa khẽ nói
“Người yêu nó thích anh xong bị phát hiện,anh giải thích rồi nhưng không ngờ nó gọi người.”
Kiều Anh gằn từng chữ:
“Em đã nói rồi. Anh đừng dây vào cái loại đó nữa. Tại sao anh cứ làm em lo thế?”
Long cười khổ:
“Anh không muốn em bị tổn thương. Thằng đó mà động vào em, anh đập chết cũng không tiếc.”
Từ cửa phòng, Trường bước vào, chống tay lên thành ghế:
“Em lên phòng nghỉ đi. Anh với Long cần nói chuyện đàn ông một chút.”
Sau khi Kiều Anh lên phòng, Trường và Long ngồi lại ở phòng khách. Không gian im lặng, chỉ còn tiếng tích tắc của chiếc đồng hồ treo tường và ánh nắng chiều muộn hắt qua cửa sổ, kéo dài những bóng đổ mỏi mệt. Long ngả lưng xuống ghế, rút ra một điếu thuốc, nhưng ngập ngừng không đốt. Trường liếc nhìn, rồi gằn nhẹ:
“Mày hút nữa là tao táng đấy.”
Long bật cười khô khốc:
“Tao mới bị táng xong, tao còn sợ thiếu à?”
Trường không đáp, chỉ khoanh tay, dựa vai vào tường, ánh mắt dán vào cái bình hoa giả trên bàn. Một lúc sau, Long mới cất tiếng, giọng chậm rãi:
“Tao tưởng mình quen với việc ăn đòn rồi. Nhưng hôm nay... tao thấy sợ thật.”
Trường quay sang, cau mày:
“Mày sợ gì?”
Long nhếch môi:
“Tao sợ con bé khóc.”
Nói rồi, anh khịt mũi, như để giấu đi cảm xúc.
“Mày biết không… lúc nó chạy vào đồn, cái mặt nó trắng bệch, tay run lẩy bẩy. Tao chưa từng thấy em gái tao như thế bao giờ. Tự nhiên thấy mình ngu. Ngu thật sự.”
Trường im lặng. Gió từ ngoài hiên thổi vào, phất nhẹ rèm cửa. Không khí trong căn nhà như dịu đi, nhưng lòng hai thằng con trai thì nặng trĩu.
“Con bé sống với tao từ nhỏ. Bố mẹ đi công tác suốt. Tao vừa làm anh, vừa làm bố. Nó có bao giờ dám lớn đâu. Lúc nào cũng cố ngoan ngoãn, cố mạnh mẽ. Nhưng thật ra, nó là đứa yếu mềm nhất nhà.” - Long thở ra một hơi – “Mà tao… lại khiến nó sợ phát khóc.”
Trường nhấn nhá:
“Mày là thằng anh tốt. Nhưng đôi khi tốt chưa đủ. Phải khôn nữa.”
Long nhếch môi cười:
“Tao mà khôn thì đâu có ngồi đây với cái mặt như bao cát thế này?”
Cả hai cười khẽ, nhưng trong ánh mắt vẫn còn sự mệt mỏi. Trường rút một lon nước từ tủ lạnh, ném cho Long, rồi mở một lon khác cho mình. Anh nhấp một ngụm, nhìn ra khoảng sân đầy nắng chiều.
“Mày biết tao ghét nhất cái gì không?” - Trường hỏi.
“Cái gì?”
“Ghét cảm giác bất lực. Nhìn thấy người mình quý bị thương, bị xúc phạm mà không làm được gì.”
Long gật nhẹ.
“Ừ. Tao hiểu.”
Trường nhíu mày, đặt lon nước xuống bàn.
“Hôm nay tao đi ngang cổng trường, nghe Tú gọi, thấy mày bị mấy thằng mất dạy vây lại,người như thằng ăn xin đầu đường, em gái mày thì vừa khóc vừa gào. Tao điên lắm. Nhưng tao cũng sợ. Sợ tao làm quá thì tụi nó chơi bẩn ngược lại. Lúc đó… tất cả tụi mình đều thua.”
Long ngẩng mặt lên nhìn bạn:
“Thế nên mày cứ im lặng đứng đó, mặt lạnh như tiền đúng không?”
“Chứ sao? Tao không thích hù dọa bằng nắm đấm. Tao thích khiến người ta sợ mà không cần động tay.”
Long nhìn Trường, rồi gật đầu:
“Thế mới là Trường tao quen.”
Trường cười nhẹ, rồi chống khuỷu tay lên đầu gối, nghiêng đầu nhìn Long, giọng nhỏ lại:
“Mày đừng lấy sự điên rồ ra để chứng minh tình yêu thương. Làm anh, làm bạn, làm người, cũng phải biết giữ mình. Mày không giữ được bản thân, thì tao với ai giữ được em mày đây?”
Câu nói khiến Long lặng đi một lúc. Anh rũ người ra ghế, ngước mắt nhìn trần nhà như thể tìm câu trả lời.
“Có lúc tao nghĩ… nếu tao không làm anh nó, chắc cuộc sống tao nhẹ nhàng hơn. Không phải lo, không phải sợ. Nhưng mà… tao không chọn được.”
Trường im lặng một lúc lâu, rồi khẽ nhếch môi:
“Làm anh không phải để oai. Làm anh là để chắn gió cho nó khi mưa bão đến. Mày đã làm tốt rồi. Nhưng từ giờ… chia việc ra.”
“Chia kiểu gì?”
“Tao không nói mày tránh hết. Nhưng mà... một vài trận, cho tao đánh hộ.”
Long nhìn Trường, rồi không nhịn được, cười khùng khục.
“Được rồi. Nhưng nhớ… em gái tao không phải gu mày nên đừng có mà nhắm đến em tao”
Trường phì cười:
“Bé Chi à? Tao còn chưa dám nhìn lâu, sợ mày tát tao vỡ mặt.”
Long xoa xoa mũi:
“Dám thích là tao không cản. Nhưng mày mà làm nó buồn… tao đánh gãy tay mày.”
“Vậy thì tao sẽ làm ẻm vui.” – Trường nháy mắt trêu – “Một cách trong sáng và hợp pháp nhất có thể.”
Cả hai phá lên cười. Không gian vốn căng như dây đàn bỗng nhẹ tênh như tan ra theo ánh nắng chiều muộn. Vì đó là tình bạn – thứ khiến hai thằng đàn ông có thể ngồi lại sau những trận mưa máu, chia nhau một lon nước và một lời nhắc nhở tử tế.
Bên phía Kiều Anh:
“Khốn nạn!” Cô hét lên. Gương mặt đỏ bừng vì giận dữ, tay siết lại.
“Được thôi. Bà đây nhịn đủ rồi. Muốn chơi à? Chơi tới luôn!” Bấy lâu nay cô tỏ ra dịu dàng, mềm mỏng, ngoan ngoãn, vì muốn giữ hòa khí, vì không muốn gây thêm rắc rối. Nhưng càng nhịn, người ta càng được đà lấn tới. Nếu luật rừng là thứ mà chúng nó hiểu, thì tốt thôi… bà đây sẵn sàng học!
Bình luận
Chưa có bình luận