2. Master of None


Khi nghe tôi thông báo rằng sẽ bỏ quyền quản lý fanpage, Táo im lặng, sau đó nó block tôi. Tôi thấy tiếc. Tiếc cho tình bạn của tôi và nó. Lẽ ra tôi có thể viện cớ rằng do người nhà tôi không cho phép, rằng tôi bất đắc dĩ phải thôi. Nhưng không hiểu sao lúc đó tôi lại chỉ muốn nói sự thật. 

Thời gian ngắn ngủi đó, trước mắt tôi, thật và giả đã xoắn quyện lấy nhau, hòa vào nhau như cà phê với sữa, không tách ra nổi. Tất thảy đều mơ hồ. Và tôi sợ nếu tôi không bắt đầu thành thật với bản thân, sẽ đến một thời điểm tôi không còn phân biệt được đâu là thật, đâu là giả nữa. Thế là tôi nói thật, và Táo cũng phản ứng thật.

Tình bạn của chúng tôi đâm chồi nảy lộc trên cơ sở cùng yêu thích một thần tượng, và tàn úa bởi nó nhận ra tình yêu của tôi có điều kiện.

Mà trên đời có thật tồn tại tình yêu vô điều kiện không nhỉ? 

Tôi không biết. 

Nhưng tôi biết một điều này: Táo có thể yêu anh Tùng Văn vô điều kiện, hoặc không, nhưng nguyên nhân nó tuyệt giao với tôi có thể chẳng liên quan gì đến việc đó. Nó thực sự tin rằng anh đúng, đó là căn nguyên mâu thuẫn giữa Táo và tôi.  Nó thực sự có cùng cách nghĩ với anh:

“Chính anh Văn đã bảo bọn mình là anh không quan tâm, nhưng bọn mình vẫn đăng bài lên nên mới thành ra như thế. Anh bất đắc dĩ bị lôi vào vụ này, mày còn muốn đổ hết trách nhiệm lên đầu anh để thấy được thanh thản à?”

Luôn có gì đó trần trụi đến mức cực đoan trong cái cách Táo nói chuyện. Và luôn có gì đó bế tắc trong cách tôi tư duy. Các cuộc tranh cãi giữa chúng tôi đều nhanh chóng đi đến hồi kết với việc tôi cãi không nổi. Suy cho cùng, quan điểm hễ đã khác nhau thì bao nhiêu lý lẽ cũng đều vô ích.

Trong ba năm tiếp theo, không có nhiều chuyện xảy ra. Tôi trượt trường chuyên và theo học một trường cấp ba bình thường. Tôi cố gắng học hành hết sức để giữ vững thành tích ở tốp đầu, không muốn lại làm bố mẹ thêm thất vọng. Tôi cũng muốn rời hẳn khỏi mạng xã hội, nhưng không thể. Mấy bài nghị luận xã hội đó nói đúng: cuộc sống của thế hệ chúng tôi là ở trên mạng. Giáo viên giao bài, trường, lớp thông báo các sự kiện… tất cả ở trong một nhóm chat hoặc ở trên trang tin trường. Không có mạng xã hội, tôi sẽ không thể biết chuyện gì đang xảy ra ngay trong chính cuộc đời mình. Vì vậy, tôi lập hai tài khoản mới: một để liên hệ với bạn bè, họ hàng, trường lớp ngoài đời, nó giống như một cái “sơ yếu lý lịch”, chủ yếu để khoe thành tích, chuẩn bị cho tương lai; một là nick ảo – mặc dù gọi là ảo, nhưng ngoài việc không có thông tin cá nhân của tôi ra, tôi cảm thấy nick này còn thật hơn cả “sơ yếu lý lịch” kia: những cảm xúc, suy nghĩ thật của tôi, những gì tôi yêu thích… tất cả, chỉ có thể thoải mái bày tỏ trên “nick ảo” này mà thôi. 

Tuy vậy, rút kinh nghiệm từ thần tượng cũ, tôi cẩn thận hơn về thông tin trên nick này, để tránh khả năng bị truy ra ngoài thế giới thực. Tôi cũng không còn tham gia vào bất cứ một hội nhóm nào, không đăng tranh hay viết lách gì trên mạng nữa. 

Kể cũng thật là nghịch lý: ở nơi tôi sống thật, tôi không thể lộ danh tính; ở nơi tôi giả dối, tôi phải hiện diện thật.

Tuy không muốn công nhận, nhưng quả thật chuyện của anh Văn đã khiến tôi hình thành một nỗi ám ảnh. Thế giới sau màn hình đó đã vươn cánh tay vô hình ra, ngay trước mắt tôi, hủy diệt người tôi từng tôn kính. 

Có lẽ Táo nói không sai: chính tôi, chính tôi chứ không ai khác, là người đã khiến anh phải gánh chịu hậu quả do chúng tôi gây ra - dù cho những việc chúng tôi làm xuất phát từ thiện chí.

-

Từ sau khoảng thời gian đó cho đến khi tôi lên đại học, nhịp sống của tôi diễn ra rất bình lặng. Một phần trong tôi thấy buồn chán, nhưng phần khác, tôi thấy an toàn. 

Trước kia, khi còn là fan của anh Văn, trở thành người như anh là tất cả những gì tôi muốn: một họa sĩ, một người sáng tạo, một nhà văn; cụ thể hơn – một tác giả truyện tranh. Tôi muốn trở thành một tác giả truyện tranh. Tôi muốn làm người kể chuyện, bằng cách này hay cách khác. Thổi hồn vào những thế giới không có thật. Tôi không có năng khiếu với ngôn từ như Táo và anh Văn, nhưng nét vẽ của tôi tạm chấp nhận được.

Nhưng sau chuyện kia, đột nhiên giấc mơ của tôi đã mất đi vẻ hào nhoáng bên ngoài, cũng như anh mất đi ánh sáng. Vừa lên cấp ba, ngôi sao của tôi sa xuống trần, con đường tương lai của tôi phải rẽ. 

Nói như vậy thì nghe có vẻ “tất cả là lỗi của anh”. Sự thật tôi không có suy nghĩ như vậy. Có nhiều nguyên nhân, nhiều tác động, nhiều cuộc trò chuyện và nhiều đêm suy nghĩ đã khiến tôi quyết định khác đi. Và anh là một trong số đó. Nhưng chủ yếu, nguyên nhân chính là vì sâu trong thâm tâm, tôi nghi ngờ bản thân.

Ước mơ là gì nhỉ?

Thật dễ để mơ mộng khi nhìn vào một điều gì đó đẹp đẽ. Nhưng chính xác thì điều tôi mơ đến là gì? Tôi muốn sự hào nhoáng của anh, muốn được tung hô, khen ngợi như anh; hay là tôi muốn đổ mồ hôi và nước mắt trên những trang giấy trắng? 

Và liệu những câu chuyện của tôi có xứng đáng được ra đời không? Liệu tôi có đủ tài năng không? Hoặc, ngay cả khi có tài, liệu tôi có thực sự muốn đưa mình ra ngoài kia dưới ánh sáng chói lòa không chỗ trốn ấy? Một cuộc sống bình thường, một công việc bình thường, một gia đình bình thường có tệ đến thế không? Đến khi nào người ta sẽ quyết định là tôi xứng đáng phải biến mất, như anh?

Anh đã thực sự biến mất chưa? Hay anh chỉ không còn xuất hiện trong thế giới của tôi nữa?

-

Rốt cuộc, tôi đã không học ngành Mỹ thuật như dự định.

Một thời gian sau khi tôi lên đại học, anh Dương liên lạc với tôi và hẹn gặp. 

Anh là một trong những người bạn mạng mà tôi còn giữ liên lạc. Nếu nhất định phải miêu tả về anh, người ta (tôi) sẽ nghĩ đến vẻ đẹp của anh trước nhất – đẹp quá mức cần thiết. 

Tôi luôn cảm thấy nhan sắc con người là một thứ mâu thuẫn: xấu xí thì dĩ nhiên là bất lợi; nhưng xinh đẹp lại chưa hẳn đã luôn hữu ích. Con người ta, nhìn thuận mắt một chút thì góp phần nào rải thảm đường đời; mà nhìn thuận mắt hơi nhiều chút lại thành ra trở ngại – nếu không bị coi là một thứ đồ vô tri phục vụ những ảo tưởng tình dục, cũng dễ bị sự chói lòa không giấu nổi khiến người ta sinh ra những cảm xúc tiêu cực. Chưa kể, mọi công sức, nỗ lực, tài năng, thành quả… đều có thể bị chính nhan sắc của mình che khuất hết. 

Anh Dương là kiểu người đẹp đến bất lợi như thế.

Nhưng nếu người ta chỉ nhớ anh đẹp thì tôi cũng chả thấy oan. Dù có nhiều tài lẻ, nhưng anh Dương không đặc biệt nổi bật ở bất cứ lĩnh vực nào. Cái gì anh cũng biết một chút, nhưng tuyệt không thông thạo cái gì. “Jack of all trades, master of none” – anh thường miêu tả bản thân như vậy. Tất cả những gì anh Dương có bây giờ: sự nổi tiếng trên mạng, sức ảnh hưởng, công việc – đều nhờ vào gương mặt xinh đẹp vượt trội, sự tự tin (chắc hẳn phải là) trời phú và tính cách quảng giao, kết hợp với quan hệ cá nhân. Tôi nghĩ, mình hợp với anh Dương đến vậy có lẽ vì về cơ bản chúng tôi giống nhau (trừ việc tôi không xinh đẹp và nổi tiếng như anh). Tựu chung, hai anh em đều là những đứa cái gì cũng biết một ít, nhưng chả có tài cán gì đáng kể.

Tôi quen anh Dương trước khi quen anh Văn. Chúng tôi bắt chuyện với nhau trên một trang web dành cho dân viết lách tên là Tiên Giới, chính vì cùng yêu thích bộ truyện của chị Trì Ngư - Huyền thoại Anyeras. Hồi đó, vì anh Văn vẽ minh họa nên tôi mới để ý đến bộ truyện này, đọc rồi thì thích; còn anh Dương thì vốn đã thích truyện của chị Trì Ngư rồi. Ngoài giống nhau ở chỗ bất tài, sở thích và thẩm mỹ của anh và tôi cũng hầu như tương đồng, gần như cái gì tôi ưa anh cũng thấy ổn, vậy nên dù anh chẳng hề thích anh Văn, chúng tôi vẫn trở thành bạn. Sau khi Tiên Giới “bản gốc” sập, chúng tôi lại di chuyển địa bàn tám chuyện lên Facebook và giữ liên lạc cho đến giờ.

Thật vậy, Tiên Giới ngày nay chỉ là một bản sao lỗi. Bản gốc được chị Trì Ngư lập ra từ những năm 2000, khi tôi vẫn còn đang chập chững. Nó là một trang web viết lách phi lợi nhuận, thành viên chủ yếu trong thời hoàng kim đều thuộc thế hệ 8x và 9x. Thế rồi những năm sau 2010 (tôi không biết chính xác là năm nào), một nhân vật 9x thần bí lắm tiền nhiều của nào đó xuất hiện, mua đứt nó và tiến hành thương mại hóa triệt để: đăng ký kinh doanh, xây dựng app riêng, hướng tới xuất bản ebook và sách giấy cả truyện chữ lẫn truyện tranh trong và ngoài nước, đội ngũ nhân sự - tác giả, biên tập, truyền thông… dần đông đảo. Danh tiếng và tai tiếng song hành đi lên. 

Sau một hồi lột xác, dường như Tiên Giới đã không còn vương chút hồn của cộng đồng viết cũ.

Nhưng tôi thì biết gì mà nói nhỉ? Tôi đã sinh ra quá muộn. Cái hồn đó, nếu nó có tồn tại, tôi cũng không bao giờ được tận mắt chứng kiến. Và rất có thể, tôi đã lý tưởng hóa nó vì không được trải nghiệm nó.

Thời điểm ra mắt app đọc truyện, Tiên Giới tổ chức một cuộc thi fanart cho cuốn truyện mà sau này anh Văn tiến hành chuyển thể: Huyền thoại Anyeras. Tôi tham dự, giành được giải và ngay lập tức bị cuốn vào vào vụ lùm xùm liên quan đến truyền thông bẩn, giải nội bộ, sao chép tranh. Nguyên nhân là có ai đó đã đào Facebook tôi và nhận ra tôi quen anh Dương - một KOL với một mớ tướng follower và đã làm người mẫu cho Tiên Giới vô số lần. Anh Văn thuở ấy đang ở ẩn (anh vẫn luôn ở ẩn), nhưng đã ra mặt nói giúp tôi. Vì vụ này nên tôi mới may mắn lọt vào vòng người quen của anh Văn. Thành ra tôi cũng chẳng thấy tổn thương gì lắm.

Hồi ấy, cư dân mạng phần đông vẫn còn nhìn nhận việc anh Văn ít hoạt động trên mạng dưới một đôi mắt tích cực chứ chưa cho là biểu hiện của sự kiêu căng, khinh mạn, nên lời của anh có tác dụng nhất định; trong khi anh Dương thì gần như không giúp gì được cho tôi. Anh là một người nhiều tai tiếng và anh khoác những tai tiếng đó lên mình như một lớp áo lộng lẫy.

Khi tôi lên lớp 11, anh Dương trở thành giám đốc sáng tạo của Tiên Giới và để tôi minh họa bìa cho quý san mà anh phụ trách ngay số đầu tiên. Tôi là một đứa học sinh không được đào tạo chuyên môn về hội họa, cũng không có kinh nghiệm thực tế. Lợi thế duy nhất mà tôi có là mối quan hệ với anh. Sau này tôi vô tình biết anh giữ một phần (không rõ bao nhiêu) cổ phần của Tiên Giới. Tôi đã vô tình quen Thái tử. Nỗi oan ngày ấy của tôi bỗng nhiên lại có vẻ hơi Thị Mầu.

Khi tôi nửa đùa nửa thật nói với anh như thế, anh liền nghiêm túc bảo không phải vậy.

“Nét vẽ và cách lên màu của em rất có linh hồn,” anh nhận xét như vậy. “Cực kỳ… độc đáo.”

Nhưng anh cũng từ chối không nhận xét gì sâu hơn.

“Anh không đủ tư cách,” anh nói vậy. “Đợi khi nào gặp, anh sẽ giao em cho một người có thể làm thầy em. Giờ mau vẽ cho anh đi.”

Tôi phác thảo. Sau đó anh Dương đưa bản phác của tôi cho người thầy đó sửa. Đó là một bức tranh phong cảnh, và phối cảnh trở thành điểm yếu lớn nhất của một đứa không học hành bài bản như tôi. Khi anh Dương gửi file lại cho tôi, bức tranh đã được mở rộng khung cảnh, các phần sai tỷ lệ, góc nhìn đều đã được chỉnh sửa. Chưa hết, người thầy này không chỉ chỉnh phối cảnh cho tôi, mà còn thêm một layer phía trên đặt tên “phối cảnh”, vẽ rõ các đường chân trời và điểm hội tụ, cũng như đánh dấu hướng ánh sáng để tôi hiểu anh ta đang làm gì. 

Người này đã dạy tôi vẽ, dù không cần giao tiếp một lời nào với tôi.

Trước thời điểm đó, trong tâm trí thiếu hiểu biết tôi, vẽ là một việc rất cảm tính. Tôi đã học vẽ bằng cách chép tranh của anh Văn. Với tôi, một bức tranh thì không có logic. Hội họa là một thứ nghệ thuật thơ mộng và đẹp; mà logic và cái đẹp - đối với tôi thuở ấy - là hai phạm trù không liên quan đến nhau một mảy may. 

Nhưng hóa ra phía sau cái đẹp cũng có những quy luật của nó. Hoặc giả, cái đẹp và những quy luật đã luôn là những điều liên quan chặt chẽ đến nhau.

Người này đã là thầy của tôi trước khi chính thức trở thành thầy tôi. Tôi đi nét và lên màu. Một lần nữa, lại một file hướng dẫn chỉnh sửa màu. Đó là bức tranh đẹp và đúng nhất tôi từng vẽ.

Khi hoàn thành, tôi hỏi anh Dương tên của thầy để ghi nguồn. Anh Dương nói không cần.

“Nó ghét bị lộ mặt.”

Lạ đời vậy?

Dù sao người ta hướng nội hay hướng ngoại chẳng liên quan gì đến tôi. Đây mới là chuyện liên quan đến tôi:

“Em không vẽ bức tranh này một mình nên em sẽ không đứng tên một mình. Làm như vậy sau này sẽ phức tạp.”

“Cũng có lý,” anh Dương bảo. “Để anh ghi.”

Khi tạp chí ra, phần tác giả tranh ghi: Mật hoa & D.V.N.

Tôi vốn định xin phương thức liên lạc để học hỏi thêm nhưng sự bài xích giao thiệp lồ lộ của người này làm tôi không còn dũng khí. Thế là tôi chấp nhận để được dạy gián tiếp thông qua anh Dương.

Tôi cứ kết hợp vẽ với người lạ như vậy đến khi lên lớp 12 thì thôi để tập trung học. Từ đó tôi cũng đứt liên hệ với người thầy… chưa từng liên lạc.

Khi vừa lên đại học, tôi đã nghĩ anh Dương sẽ muốn gặp tôi ngay. Nhưng phải vài tháng sau anh mới gọi tôi.

“Anh chợt nhớ ra là em đang ở Hà Nội,” anh nói. “Không hiểu sao trong đầu anh vẫn cứ nghĩ em mới 13, 14 tuổi. Haha… Nhoáng cái em đã lên đại học rồi. Anh sắp già mất rồi.”

“Anh hơn em có bốn tuổi mà làm như hơn bốn mươi tuổi vậy.”

“Năm sinh của em bắt đầu bằng số 2. Em không lớn nổi trong mắt anh đâu. Đến Tiên Giới gặp anh được không? Anh sẽ bắt một đứa dạy vẽ cho em.”

“Anh không cần phải bắt ai làm gì cho em đâu ạ.”

“Không sao, nó nợ anh.”

“Nợ gì mà đến nỗi phải trả giá cao thế này?”

“Nó cứu mạng anh.”

Tôi bật cười.

“Logic của anh kỳ cục quá đấy.”

Anh Dương cũng cười.

“Nói chung nó sẽ đồng ý. Anh đảm bảo.”

Tôi tin. Anh Dương có thể khiến bất cứ ai làm bất cứ điều gì anh muốn.

“Dù sao em cũng không còn vẽ nữa,” tôi nói. “Thật đấy, em đã tụt lại bao nhiêu trong lớp rồi. Em chưa bao giờ bị như thế này. Không thể sao nhãng thêm được.”

Anh đột nhiên chuyển chủ đề:

“Hồi cấp ba em là học sinh giỏi nhỉ? Đứng đầu khối?”

“Thỉnh thoảng ạ.”

“Nhưng em trượt trường chuyên nhỉ?”

“Vâng…”

“Em là thằng chột làm vua xứ mù điển hình.”

Tôi biết!

Anh kết luận: “Là cá thì đừng đòi trèo cây. Qua đây thực tập chỗ anh.”

Hình như cuộc đời anh Dương thực sự quá trôi chảy. Anh không hiểu được những nỗi lòng của người thường. Đối với anh, chẳng có gì trên đời đủ quan trọng để phải đắn đo.

“Anh không thể bảo em thôi học đại học được.”

Giọng anh đầy ngạc nhiên:

“Anh đâu bảo em thôi học đại học? Có ai nói em học cái khác thì không được vẽ đâu?”

Chuyện không đơn giản như vậy. Trên đời có những người có thể học nhiều thứ một lúc và xuất chúng trong tất cả các lĩnh vực; và cũng có những người như tôi và anh Dương, không đủ khả năng để học hai thứ cùng một lúc mà không làm kết quả của cả hai lao thẳng xuống vực. Có lẽ đúng như anh Dương nói, đã đến lúc tôi phải chấp nhận rằng mình không có tài hội họa để có thể toàn tâm toàn trí tập trung vào việc mà tôi có thể làm được.

“Em sẽ bỏ vẽ. Em phải tập trung học.”

Anh im lặng một lát. 

“Em nói đùa hay thật đấy?”

“Em đang học ngành khác mà anh vẫn thấy em đùa à?”

Anh Dương chép miệng, thở dài.

“Hình như người tài hầu hết đều sẽ phí hoài cả nhỉ?”

Tôi có thể cảm nhận được chút tiếc nuối trong giọng anh. 

“Em không có tài,” tôi nói.

“Nghĩa nói em có tài mà thiếu kỷ luật.”

“Nghĩa?”

Ừ, thằng mà anh muốn cho dạy em. Nó là đứa đã sửa bài cho em trước giờ đấy.” 

Thầy?

Thầy nói tôi có tài sao? Đốm lửa tàn trong lòng tôi chợt sáng lên như gặp gió, nhưng rồi tắt ngay. Thật khó chịu khi không thể ngăn bản thân sinh lòng kỳ vọng với một người mình chưa từng tiếp xúc. Cảm giác kỳ vọng đơn phương với người lạ này quả thực vô cùng quen thuộc với tôi. Sớm muộn gì tôi cũng phải thất vọng.

“Dù sao cũng không cần phiền đâu ạ. Em không có thời gian để học sâu. Em học ngành khác.”

“Ừ, ừ, anh biết em học ngành khác rồi. Cứ đến gặp anh đi đã. Anh cho em cái này.”




Bình luận

Chưa có bình luận
Preview Settings

Try It Real Time

Layout Type
    • LTR
    • RTL
    • Box
Sidebar Type
Sidebar Icon
Unlimited Color
Light layout
Dark Layout
Mix Layout
}