Không ai biết chính xác câu chuyện đã đảo chiều từ lúc nào. Dường như chỉ trong một đêm, trắng đã trở thành đen, đen đã biến thành trắng. Đó là lần đầu tiên anh Tùng Văn bị đẩy vào giữa sóng gió dư luận. Lúc mới xảy ra chuyện, anh là nạn nhân, được tung hô, được ủng hộ; để rồi sau đó vài ngày, anh đã trở thành hung thủ. Không ai biết chính xác câu chuyện đã đảo chiều từ lúc nào.
Dạo đó, đêm nào tôi cũng thao thức không ngủ được. Tôi có phòng riêng, nhưng cửa phòng tôi đã bị tháo khóa, muốn khép cửa mẹ cũng không cho, vậy nên trong nhiều đêm, tôi chỉ có thể nằm trốn trong chăn để chặn ánh sáng điện thoại. Tôi nhịn ăn sáng, để hết tiền tiêu vặt mẹ cho để đăng ký dung lượng, vì mỗi đêm mẹ sẽ rút WIFI vào lúc 9 giờ 30 phút. Tôi thức đến một, hai giờ sáng rồi thiếp đi; buổi sáng vật vờ thức dậy trong mệt mỏi. Chỉ khoảng vài ngày như vậy, tôi đã sụt ngay vài cân và cuối cùng đã bị mẹ phát hiện. Mẹ lập tức buộc tôi phải chấm dứt lối sinh hoạt bất thường đó.
Nghĩ lại, những đêm khuya đó có một không khí thật kỳ lạ. Tôi đang chiến đấu trong một cuộc chiến đẫm máu mà chẳng ai hay. Đêm đen tĩnh lặng đến mức tưởng như thế giới này đã đánh mất mọi âm thanh, chỉ còn mình tôi cùng với đám đông vô hình, vô thanh trên chiếc màn hình nhỏ trong lòng bàn tay. Thỉnh thoảng tôi giật mình khi có tiếng một chiếc xe nào đó rồ ga phóng đi trên con đường khuya thanh vắng. Trời nóng nực mà tôi không dám chui ra khỏi chăn, tai dỏng lên nghe tiếng bước chân mẹ, mắt dán vào màn hình. Tôi lướt hết trang này đến trang khác, đọc hết bình luận này đến bình luận khác, cố hiểu tại sao chuyện lại thành ra như thế này, nhưng hoàn toàn vô ích. Nếu mẹ không phát hiện ra, tôi không biết mình sẽ chìm đến đâu trong biển sâu hoang mang đó.
Tôi vẫn còn rất nhỏ, thật thế, tâm trí non nớt của tôi không thể tiếp nhận được sự phức tạp và rộng lớn của thế giới này; dù cho tôi ngày ấy không hề cảm thấy vậy.
Nhưng có một điều này là chắc chắn: lúc ban đầu, tôi cảm thấy mình đã đứng về phe chính nghĩa.
“Chính nghĩa” là một từ to tát, mơ hồ, dễ bị lợi dụng, dễ bị bị bẻ nghĩa. Một đứa trẻ như tôi thuở ấy không có khả năng hiểu chính xác “chính nghĩa” là gì. Nhưng vì là một đứa trẻ, tôi thích tin rằng mình là một người có chính kiến. Tôi thích nghĩ rằng: khi một việc xảy ra, tôi có thể tự mình đánh giá và phân biệt được phải – trái – đúng – sai, tôi biết đâu là đen, đâu là trắng. Tôi cũng thích tự cho rằng mình là một người tốt nữa. Tôi thích nghĩ rằng: mình không những phân biệt được phải – trái – đúng – sai mà còn có dũng khí để chọn làm điều đúng, để sống không hổ thẹn. Nhưng kỳ thật, tôi không hiểu rõ bản thân đến thế. Ngay cả lúc này đây, đã là một người trưởng thành, tôi vẫn không hiểu hết chính mình. Có lẽ, sự thấu hiểu bản thân không phải là điều mà ta sẽ đạt được sau một quãng thời gian nhất định như một lẽ dĩ nhiên. Hẳn đó cũng chính là lý do tôi bị thu hút vì những người như anh Tùng Văn, những người luôn biết chính xác mình nghĩ gì và phải diễn đạt bản thân như thế nào.
Đã từng có lúc, tôi cảm thấy anh nắm trong tay tất thảy ngôn từ trên đời này và có thể thao túng chúng dễ dàng trong lòng bàn tay, biến chúng thành công cụ để giải nghĩa tường tận những suy nghĩ kỳ lạ của anh theo cái cách mà đến đứa như tôi cũng hiểu được. Trên những trang giấy của anh, ngôn từ là nước chảy; còn dưới ngòi bút tôi, chúng là chỉ rối. Tôi không biết phải bắt đầu từ đâu, cũng không biết nên kết thúc ở chỗ nào.
Lần cuối cùng nói chuyện với anh, tôi hoàn toàn không thể phản bác những lý lẽ mà anh đưa ra, dù trong thâm tâm vẫn cảm thấy anh không đúng.
Không.
Không hẳn, tôi lại diễn đạt sai rồi.
Nói cho chính xác hơn là: Tôi không tìm ra lý lẽ để phản bác anh, nhưng trong thâm tâm, tôi vẫn cảm thấy mình không sai.
Lẽ nào lại tồn tại cái khả năng rằng tôi không sai và anh cũng không sai, trong khi điều chúng tôi tin tưởng thì trái ngược nhau hoàn toàn?
Dù sao thì lúc đầu, quan điểm của tôi chưa khác anh. Thậm chí với tôi khi ấy, cái ý tưởng mình sẽ không đồng ý với anh trong chuyện gì đó cũng là một suy nghĩ nực cười. Vả chăng, lúc đầu, tôi cũng không có lý do gì để trái quan điểm với anh, khi mà anh là nạn nhân.
Anh là nạn nhân của một vụ đạo tranh.
Tranh của anh bị “fan” đạo và đem đi thi trong một cuộc thi nhỏ, được giải Nhất, fan chúng tôi nuốt không trôi sự trơ trẽn này và đăng bài bóc phốt. Lúc đầu, việc chúng tôi làm là hợp lẽ thường. Ăn cắp thì đáng bị vạch trần. Chuyện này vốn dĩ chẳng có gì đáng nói. Cái đáng nói nằm ở những chuyện xảy ra sau đó.
Để kể câu chuyện này cho có đầu có đuôi sẽ mất rất nhiều thời gian, mà tôi cũng không biết “đầu câu chuyện” là ở đâu nữa. Tôi kém anh Văn nửa con Giáp, tuy không đến nỗi “anh đã có cả cuộc đời em mới vừa chập chững”, nhưng khi tôi mới biết đọc, anh đã có bài đăng báo. Tôi còn chưa lên cấp 2, mấy bài phỏng vấn anh đã phải dành cả một cột báo để liệt kê thành tích. Cuộc đời anh Văn chẳng khác gì một thước phim phong phú, trong đó có một đoạn phim hết sức đặc sắc gọi là: chị Trì Ngư (tôi chỉ biết bút danh chị dùng, còn tên thật thì không rõ). Anh Văn quen chị Trì Ngư từ hồi anh mới mười mấy tuổi. Khi đó chị ấy đang sáng tác một truyện kỳ ảo dài kỳ trên một diễn đàn mà khi tôi biết đến thì đã qua thời kỳ hoàng kim nhất. Anh vẽ minh họa và giúp chị biên tập, thế là hai người thành bạn. Khi anh lên đại học thì hai người yêu nhau, và vào thời điểm vụ “phốt” kia xảy ra, hai anh chị đã sắp cưới nhau.
Khi đó anh Văn mới hai mươi tuổi. Đối với tôi mười lăm tuổi, hai mươi tuổi là một con số rất to và tôi cho là cưới xin vào tuổi ấy cũng chẳng có gì bất thường. Thế nhưng giờ khi đã trưởng thành hơn, tôi mới thấy rằng quả thật, ngay từ đầu chuyện này đã có gì đó không bình thường. Ít nhất vào thế hệ của anh và tôi, lập gia đình tuổi mới chớm hai mươi, khi không có chỉ định của bác sĩ, là chuyện ít người làm. Nhưng dù phía sau câu chuyện của hai anh chị còn ẩn giấu nội tình gì, fan chúng tôi cũng không được biết. Tôi nghĩ đó chính là vấn đề của việc yêu đơn phương một vị thần: chúng ta ám ảnh với Người đến mức thuộc lòng từng cử chỉ, từng lời nói; chẳng quan tâm rằng những cử chỉ, lời nói đó chỉ là vài phút ngắn ngụy tạo trong cuộc đời của một kẻ cũng làm từ máu thịt như ta. Cuộc sống của họ sau cánh gà là thứ ta không được biết, cũng chẳng quan tâm; thậm chí ta sẽ đâm giận dữ nếu chẳng may trộm thấy một khung cảnh nhỏ chẳng có trong tưởng tượng của ta.
Anh Tùng Văn chưa bao giờ cố ý tạo hình tượng gì để được chúng tôi yêu, vì con chữ của anh chưa bao giờ chân thật và anh chẳng hề giấu giếm điều đó. Nhưng chính sự không giấu giếm đó đã khiến tôi ảo tưởng sâu sắc về anh. Anh chân thành ngay cả trong sự hư cấu của ngòi bút, đó là điều tôi thuở ấy vẫn hằng tin tưởng. Và bởi tin thế, tôi cũng cho rằng khi anh yêu ai đó, anh cũng sẽ chân thành hết mực. Tôi đã không chỉ ảo tưởng về anh nữa, tôi mơ mộng về tình yêu của anh. Những dấu vết nhỏ anh chị để lộ trên mạng được fan chúng tôi chắp vá lại, thêu dệt ra một mối tình có thể làm minh chứng cho tình yêu lý tưởng, minh chứng cho cuộc đời này đầy hy vọng.
Nói chung, trong mắt fan chúng tôi ngày ấy, chị Trì Ngư là “chị dâu”. Bức tranh bị đạo là một trong những bức tranh đầu tiên anh vẽ cho “chị dâu”, minh họa cho truyện của “chị dâu”. Nó không phải một bức tranh phổ biến, nhưng lại có ý nghĩa tình cảm đặc biệt. Nó không tồn tại trong bản sách xuất bản, nhưng fan lâu năm đều biết. Rõ ràng, kẻ cắp kia nghĩ ít người biết đến bức tranh đó nên mới dám liều. Giá trị tình cảm của bức tranh đó và sự suy tính rõ ràng này khiến chúng tôi rất tức giận.
Nhưng anh Văn không quan tâm.
Anh là một họa sĩ nổi tiếng với phong cách rất đặc thù. Anh không phải người vẽ đẹp nhất, nhưng rất rất nổi tiếng. Nổi tiếng một cách khó hiểu. Thậm chí, tiếng tăm vang dội của anh khiến nhiều người thấy không xứng đáng, vì rõ ràng có nhiều họa sĩ khác vẽ đẹp hơn anh mà lại không sánh được với anh. Không ít người cho rằng anh là con ông cháu cha điển hình: tài năng ít, dây mơ rễ má thì nhiều. Bất chấp dị nghị, tần suất tranh anh xuất hiện trên báo và các tác phẩm xuất bản trong nước và quốc tế vẫn dày đặc, với một phong cách không lẫn đi đâu được. Lời vào ra nhiều, mà người ngưỡng mộ bắt chước nét vẽ của anh hay trắng trợn đạo luôn cũng không ít. Có lẽ vì thế, lũ fan chúng tôi thì cảm thấy như đất trời sụp đổ; mà có lẽ anh chỉ tưởng là hạt bụt bay qua.
Lúc đầu, tôi cảm thấy chúng tôi đang làm chủ được tình hình. Tôi làm admin một fanpage chuyên đăng các tác phẩm của anh, tôi quản lý trang cùng một fan khác, gọi là Táo. Chúng tôi nhận được tin báo về bức tranh đạo và đăng một bài, tag ban tổ chức cuộc thi nọ. Ban tổ chức gỡ và loại bài thi kia, trao giải cho một người khác. Chuyện đến đây tưởng là xong.
Nhưng không.
Người đạo tranh anh lên một bài nói rằng chỉ là lấy cảm hứng từ tranh anh mà thôi. Và rằng anh cũng không để ý đến chuyện này, vì trước đó cũng đã từng xảy ra chuyện tương tự, mà anh còn lên bài nói giúp nữa.
“Chuyện tương tự” mà người đó nói tới là tôi: tôi từng bị tố đạo nét vẽ của anh và anh đã đứng ra nói giúp tôi. Vì theo anh: một, không có cái gọi là đạo “nét vẽ”; và hai, đó là một cuộc thi fanart. Tôi vẽ một chiếc fanart với bố cục do tôi sáng tạo, cố phỏng theo nét vẽ của họa sĩ gốc là anh, nhằm giữ tinh thần của truyện gốc. Khi tôi vẽ fanart Naruto, tôi cũng sẽ cố phỏng theo nét Kishimoto Masashi, và đó chuyện thường. Còn người này đã tô lên tranh anh, lấy hết các đường nét của một bức tranh cụ thể mà anh đã vẽ ra, rồi gọi đó là nhân vật của riêng họ.
Khi ấy, anh Văn đã lên tiếng bảo vệ tôi.
Lần này thì anh im lặng, bởi vì:
“Em muốn anh nói đỡ cho người đã đạo tranh của anh?”
Không hẳn, nhưng vào thời điểm đó, tôi thấy đen trắng không còn quan trọng nữa. Chúng tôi châm một mồi lửa nhân danh anh, gió vừa lúc thuận chiều, lửa bùng không thể kiểm soát; có người đang chết cháy. Ăn cắp thì nên bị trừng phạt; nhưng đem ra tử hình là không thỏa đáng. Cuộc thánh chiến này cần phải bị dừng lại, và nó chỉ dừng khi chính Thần lên tiếng mà thôi.
Nhưng anh thì không nghĩ vậy.
“Em suy nghĩ quá đơn giản rồi. Anh chỉ là một cái cớ.”
Tôi nói không phải vậy. Tôi nói tôi tôn kính anh. Fan ngưỡng mộ anh. Lời nói của anh có giá trị. Và phần nào đó, nó cũng là trách nhiệm của anh, bởi vì những người kia vì yêu thích anh, bất bình cho anh nên mới quá khích như vậy.
“Em đừng quá đề cao anh,” anh nói. “Họ quá khích vì họ tìm được một lý do để quá khích mà thôi. Hơn nữa, có rất nhiều người ghét anh, chỉ chờ anh lên tiếng để bóp méo, phóng đại lời anh; như vậy sẽ lại càng to chuyện. Chẳng thà anh không nói gì.”
“Không phải vậy đâu. Lúc đó em cũng giống như con bé, nhưng nhờ có anh nói…”
“Em khác. Anh sẽ không ra mặt cho người đã đạo của anh.”
Đến cuối cùng, tôi thực sự không thể xoay chuyển nổi anh một mảy may.
“Em không muốn nói với em thế này, nhưng mọi người đều chỉ tin vào điều mình muốn tin. Anh có nói gì cũng vô ích thôi. Em không nên nghĩ mãi chuyện này. Đi ôn bài đi. Anh không muốn là nguyên nhân em thi trượt.”
Và anh cúp máy.
Đột nhiên, chỉ đột nhiên như vậy: tôi không còn thích anh nữa. Anh đã luôn là một ngôi sao lấp lánh, thế rồi anh cho tôi thấy một phần tối rất rất rất nhỏ của mình, và ánh sáng trong mắt tôi đã ngay lập tức tắt vụt. Tôi ghét anh, cũng ghét bản thân mình vì đã ghét anh, vì đã yêu kính anh, vì đã có bất kỳ cảm xúc nào với anh. Tất cả những tình cảm dữ dội nhất của tôi thời niên thiếu đều để dành cho một mình anh, duy nhất. Anh là một ngôi sao rực rỡ; tôi là đứa trẻ chưa từng thấy bầu trời.
Anh thuộc kiểu những sao nhí sớm nở, trưa tàn: dùng tất thảy sức sống mà sáng vụt lên từ thuở còn xanh; rồi chưa kịp chín muồi đã lụi tàn đi mất. Mẹ anh là một nhà văn nổi tiếng, bố là kiến trúc sư; từ nhỏ anh đã văn-vẽ song toàn. Từ khi mười mấy tuổi, anh đã cộng tác vẽ minh họa và viết truyện ngắn cho các tờ báo teen mà tôi mê mải đọc hết số này đến số khác. Đọc những gì anh viết, tôi cảm thấy như anh là tri kỷ của mình. Ngắm những bức tranh anh vẽ, tôi tưởng tượng ra những thế giới diệu kỳ tưởng chừng không thể tồn tại. Anh làm được tất cả những điều mà cả trong mơ tôi cũng không dám tin sẽ có ngày mình làm được. Vì anh, tôi say mê học vẽ. Vì anh, tôi điên cuồng viết lách. Vì anh, tôi đâm đầu vào học ngoại ngữ.
Vì anh, tôi đã trở thành tôi.
Nhưng đến cuối cùng, tôi buồn bã nhận ra, con người thật của anh và những dòng chữ anh viết chẳng có chút tương đồng nào với nhau. Anh là một vị Thần thờ ơ vô cảm, lạnh lùng nhìn xuống nhân gian, tỏ tường mọi sự, nhưng hoàn toàn chẳng có cảm thông.
Tôi mới mười lăm tuổi, nhưng thích anh, tôi cảm thấy như mình đã lãng phí cuộc đời.
Hôm sau, con bé đạo tranh của anh cắt tay tự hại và đăng ảnh nằm viện lên mạng. Kẻ phản cảm chửi nó giả vờ gây sự chú ý, muốn chết sao không tìm xó nào chết luôn đi còn đăng lên mạng; người thì thương xót, quay ra chửi anh máu lạnh, vô tình, dẫn dắt fan cuồng gây bạo lực mạng.
Đám đông chia làm hai phe, theo đuổi hai thứ chính nghĩa hoàn toàn ngược nhau; tuy ồn ào như nhau.
Chẳng bao lâu, hàng loạt các trang nghị luận xã hội đã đánh hơi được vụ lùm xùm lẽ ra chỉ nằm trong một góc “giới vẽ”, hàng loạt những bài nghị luận về tầm quan trọng của giáo dục gia đình, sức ảnh hưởng của những “thần tượng mạng” không xứng đáng được yêu thích, không biết sống làm gương, hay sự mất mát của thế hệ chúng tôi vì vừa sinh ra đã bị thế giới mạng xô bồ cuốn lấy…
Sự im lặng đã không bảo vệ được anh mà chỉ khiến đám đông thêm điên cuồng. Chỉ trong hai ngày, chuyện nhà anh Văn đã bị cư dân mạng đào ra: ba anh có con riêng, làm ăn phi pháp, mẹ anh đã sinh anh khi còn chưa thành niên… Câu chuyện cứ càng lúc càng hoang dại, đến nỗi có lúc tôi nghĩ: hẳn phần nào đó trong chuyện này đã bị thêm mắm dặm muối rồi. Tôi chẳng biết đâu là sự thật nữa.
Nhưng có lẽ cư dân mạng cũng chẳng biết đâu là sự thật.
Sự thật, lúc này đây, đã chẳng còn bao ý nghĩa.
Đây là một vài điều mà tôi biết chắc: không lâu sau đó, anh và chị Trì Ngư chia tay; anh khóa nick, đổi số điện thoại, bốc hơi. Còn tôi thì bị mẹ phát hiện, tịch thu điện thoại. Mãi đến vài tháng sau, mẹ trả điện thoại, tôi lên mạng tìm xem mới nhận ra: cái tên Đàm Tùng Văn đã chìm trong nước lặng. Tôi không kìm lòng được, đào bới một chút thì biết sau chuyện kia, anh còn gặp thêm nhiều chuyện không may nữa. Nghe đâu có người lập hẳn page anti anh. Nghe đâu ba anh phải vào tù. Nghe đâu nhà anh phá sản. Nghe đâu sau một thời gian anh quay lại, chuyển thể truyện tranh cho truyện của chị Trì Ngư nhưng lại bắt em trai làm giúp rồi cướp công. Nghe đâu anh là gay lừa cưới, bị chị Trì Ngư out trên livestream của công ty, khiến cho một thương hiệu xuất bản mới nổi lâm vào khủng hoảng truyền thông nặng nề. Và nghe đâu, anh đã thực sự biến mất.
Ngôi sao của tôi đã sa xuống cõi trần.
Và cuộc sống tiếp diễn như không có chuyện gì xảy ra. Truyện của chị Trì Ngư vẫn được chuyển thể. Họ thuê một họa sĩ khác. Một họa sĩ có phong cách giống hệt anh. Người này đã hoàn thành câu chuyện trong một năm. Trong lòng tôi, anh là độc nhất; nhưng hóa ra anh cũng chỉ như bất cứ ai, dễ dàng bị thay thế.
Có lẽ ngay cả đối với tôi cũng vậy. Đến một ngày nào đó tôi sẽ lại có một thần tượng khác. Tôi sẽ lại yêu thích người đó đến cuồng nhiệt, như đã từng yêu anh.
Bình luận
Chưa có bình luận