Ban hôn


Phần 2: Kiếp thứ nhất: Hoa cỏ lau


Chương 2: Ban hôn
Thiên hạ rộng lớn, vua Đinh cáo chiếu tìm người tài diệt yêu ma chẳng bao lâu đã có người đến xin đảm đương. Đó là một đạo sỹ xưng tên là Vân Du đến từ phương Bắc. Đạo sỹ Vân Du tâu với vua Đinh rằng ông có thuật lạ có thể giết được quỷ điên Xương Cuồng nhưng để thi triển phép thuật thì cần một bát máu của con vua. Vua Đinh nghe đạo sỹ nói vậy thì cho nội nhân gọi các con ra.
- Trong các con, ai đồng ý để đạo sỹ lấy một bát máu làm lễ tế? - Vua Đinh hỏi.
Nam Việt vương đã lên đường đi sứ sang nước Tống để giao hảo. Ở Hoa Lư chỉ còn các công chúa. Trời sinh con gái tính vốn yếu đuối, sợ đau. Nghe vua Đinh hỏi thế các công chúa đều sợ xanh mặt. Chỉ có Phất Kim thản nhiên mỉm cười hỏi đạo sỹ:
- Đạo sỹ lấy máu đựng đầy bát con ăn cơm hay là bát to đựng canh?
- Bẩm công chúa, bần đạo chỉ cần một bát con máu thôi - Vân Du nghe Phất Kim hỏi vậy thì cười từ tốn đáp.
- Nếu vậy thì không chết được. Đạo sỹ lấy máu của ta đi - Nàng khoát tay. - Ông định bao giờ thì lấy máu?
- Bẩm công chúa, máu lấy sớm sẽ không có tác dụng. Vào lễ tế, bần đạo mới mạn phép trích máu của công chúa - Vân Du nói.
- Nhưng nếu đạo sỹ không trừ được Xương Cuồng thì có thể trả lại cho ta bát máu đã lấy không? - Phất Kim xoa cằm, nhíu mày đầy đăm chiêu - Có câu một giọt máu đào hơn ao nước lã. Vậy một bát máu phải bằng nhiều cái ao lắm đó.
- Bần đạo pháp lực kém cỏi nên sẽ không có cách nào hoàn lại bát máu cho công được nên nhất định bần đạo sẽ không để máu của người bị lãng phí - Vân Du khẳng định.
- Phất Kim, không được trêu đùa đạo sỹ - Vua Đinh hắng giọng liếc nhìn con gái khẽ trách.
- Thưa phụ hoàng, con tiếc bát máu của mình thật nên hỏi vậy chứ có trêu đùa gì đâu ạ? - Phất Kim cong môi đáp lời.
Vua Đinh bật cười nhìn con gái lắc đầu.
........................................
Lễ dâng hiến các thần cuối năm lần này được tổ chức rất lớn. Trong lễ có những trò chơi được dàn dựng cùng tiếng chuông trống náo nhiệt, vừa có ngâm vịnh lại có nhảy múa. Đoàn tạp kỹ biểu diễn do bốn người đồ đệ của Vân Du chỉ đạo. Thượng Kỵ làm trò cưỡi ngựa phi chạy, vừa cưỡi ngựa vừa nhặt lấy các vật rơi dưới đất. Thượng Can thì trình diễn màn nằm ngửa rồi dùng chân nâng gậy giữ thăng bằng, lại có thêm người khác quất vào đầu gậy mà không để gậy rơi xuống. Thượng Điếu làm cầu phi vân cao tới 12 thước rồi lấy đay mà bện làm chão dài 12 thước, sau đó buộc hai đầu chôn dưới đất mắc lên cây để đi lại, chạy nhảy, đu mình, nhào lộn trên cây nhưng vẫn không ngã xuống. Còn người thứ tư là Thượng Hiểm vừa nhảy nhót múa may vừa vỗ tay, hô hào, hò hét.
Phất Kim có mặt ở nơi tổ chức lễ tế từ sớm trước khi đến giờ cử hành. Thực ra nàng cũng rất sợ đau. Nhìn con dao sắc lạnh trong tay Vân Du, Phất Kim bất giác nhăn mày.
- Công chúa, bần đạo xin thất lễ - Vân Du đặt lưỡi dao lên cổ tay trắng nõn của Phất Kim.
- Chỉ là cắt tay lấy máu thôi mà. Đạo sỹ đâu cần tự tay làm. Hay là để thái y làm đi - Phất Kim mím môi nói.
- Chứ không phải nàng sợ ông ấy cắt vào động mạch của mình à?
Nghe giọng nói quen quen, Phất Kim quay đầu nhìn người đang đến. Nhật Khánh giữ lấy bàn tay đang cầm dao của Vân Du rồi nói:
- Chỉ cần là máu con của bệ hạ là được phải không đạo sỹ?
- Đúng vậy - Vân Du gật đầu
- Thế thì lấy máu của ta đi. - Nhật Khánh kéo tay áo lên đưa tới trước mặt Vân Du.
- Ngài là Nam Việt vương? - Vân Du nhíu mày nghi ngờ hỏi.
 - Không, ta là con rể của bệ hạ, chồng công chúa Phất Kim - Nhật Khánh đáp.
Phất Kim tròn mắt nhìn Nhật Khánh, nàng đã đồng ý gả cho hắn đâu mà hắn có thể trợn mắt nói láo một cách thản nhiên như thế kia?
- Ta không thể để vợ mình có một vết sẹo xấu xí trên cổ tay được. - Nhật Khánh nói tiếp.
- Không phải cùng huyết thống với bệ hạ thì không được. - Vân Du lắc đầu. - Mong phò mã thông cảm. Sắp đến giờ lành rồi. Công chúa, bần đạo xin mạn phép.
- Ông cắt cho cẩn thận, đừng để chạm vào động mạch của công chúa. - Nhật Khánh dặn dò - Hay là để ta cắt thay ông. Ta có dày dạn kinh nghiệm dùng đao chém chết người.
Phất Kim:"..."
Vân Du:"..."
- Ta nghĩ vẫn nên để đạo sỹ làm đi. Tướng quân dày dạn kinh nghiệm quá lại thành quen tay, từ cắt lấy máu thành cắt lấy mạng - Phất Kim cười.
Lưỡi dao cứa vào da thịt, máu đỏ chảy ra nổi bật trên làn da trắng. Không hiểu sao nhìn hình ảnh này một Ngô Nhật Khánh vốn đã quen cảnh đầu rơi máu chảy lúc này lại thấy váng đầu. Hắn thấy vảng vất một ký ức mờ nhạt hư ảo xa xôi nào đó, cũng màu đỏ của máu và màu trắng của...của... đúng rồi là của cát biển. Khi đạo sỹ đã lấy đủ máu, thái y vội vã đến băng bó vết thương cho Phất Kim. Phất Kim không về cung nghỉ ngơi mà muốn ở lại xem lễ tế. Vua Đinh không đến dự vì Vân Du nói người mang mệnh đế vương có long khí hộ thân sẽ khiến yêu ma kiêng dè. Vua Đinh có mặt sẽ khó dụ Xương Cuồng đến hưởng lễ.
Vân Du ngửa lòng bàn tay biến ra một viên ngọc trai. Cung nữ mang bình đựng nước giếng Ngọc ở Cổ Loa đã được chuẩn bị sẵn đến đưa cho Vân Du. Đạo sỹ đổ nước giếng trong bình rửa viên ngọc. Nước giếng trôi đi, ánh sáng trên viên ngọc trai thêm lung linh. Vân Du nắm tay lại, viên ngọc hóa thành bột, đem bột ấy hòa với bát máu của Phất Kim rồi dùng cành liễu vẩy máu lên đồ diễn trò của bốn người Thượng Kỵ, Thượng Can, Thượng Điếu, Thượng Hiểm.
Lễ bắt đầu cử hành, cuộc vui náo nhiệt diễn ra một lúc thì Quỷ điên Xương Cuồng đã kéo bộ hạ đến dự. Xương Cuồng chễm chệ trên cái ngai làm từ xương người do bọn bộ hạ khiêng tới mà xem trò tạp kỹ. Mái tóc bằng rễ cây chằng chịt của Xương Cuồng tung bay trong gió, trông xa như trăm nghìn con rắn đang ngoe nguẩy, tản ra yêu khí dày đặc. Trường bào màu đen phủ lên ngai cốt trắng. Xương Cuồng chống tay xem các trò diễn và hưởng đồ cúng tế.
- Sao không thấy có người sống? - Hắn hỏi đám bộ hạ rồi đưa mắt nhìn quanh.
- Dạ chắc chúng bày trò xong mới dâng lễ đến - Một con quỷ xun xoe đáp.
Đôi con ngươi đỏ ngầu của Xương Cuồng đang đảo loạn chợt dừng lại khi nhìn thấy Phất Kim ở xa.
- Tìm kiếm bao lâu không thấy. Giờ thứ cần tìm ở ngay trước mặt. Mày có ngửi thấy mùi linh hồn thần tiên không? - Xương Cuồng nhếch môi.
Dứt lời không đợi con quỷ bộ hạ trả lời, Xương Cuồng phóng rễ cây về phía Phất Kim. Diễn biến này hoàn toàn bất ngờ. Vân Du cũng không phản ứng kịp. Nhật Khánh vung kiếm chém vào cái rễ cây gớm ghiếc đang lao đến nhưng lưỡi kiếm của phàm nhân vừa chạm vào rễ cây quỷ liền gãy vụn. May sao lúc đó có một luồng sáng chợt xuất hiện chặn lại cái rễ cây đang lao đến như một con mãng xà hung hãn đó và bảo vệ Phất Kim. Luồng sáng đó có hình trông giống như một con rái cá. Xương Cuồng tức giận bật dậy khỏi ngai cốt, bay về phía Phất Kim, bàn tay hắn mọc ra vuốt nhọn trông như những cái gai. Nhưng Xương Cuồng lại không nhúc nhích được. Thượng Kỵ, Thương Can, Thượng Điếu, Thượng Hiếm bao vây Xương Cuồng dùng pháp khí trói tay chân hắn. Xương Cuồng vùng mình để phá vỡ thế trận nhưng lúc này Vân Du từ phía sau dùng dao thần một nhát chém đứt đầu Xương Cuồng. Hồn gã quỷ điên vừa thoát ra thì bị Vân Du dùng một vỏ trai thu giữ. Đám bộ hạ của Xương Cuồng thấy chủ của mình bị đánh bại liền nhặt lấy xác của Xương Cuồng rồi chạy tan tác. Vân Du dẫn theo bốn đồ đệ cưỡi mây đuổi theo sau đó mất hút không thấy trở lại Hoa Lư để nhận lễ tạ của vua Đinh.
..........................................
Tiêu diệt được Quỷ điên Xương Cuồng trừ hại cho dân là một việc đáng mừng. Yến tiệc đón năm mới năm đó được tổ chức long trọng. Trong bữa tiệc, vua Đinh đã ban hôn cho con gái mình là công chúa Phất Kim và Ngô Nhật Khánh. Lễ cưới được tổ chức sau đó không lâu. Ngày từ biệt người thân theo chồng về Đường Lâm, Phất Kim không khóc cũng chẳng cười. Vua Đinh không dặn dò nhiều chỉ đặt tay lên vai Phất Kim và nói riêng một câu:
- Trẫm gả con theo chồng về Đường Lâm nhưng hãy nhớ giữ trái tim con ở lại Hoa Lư.
- Cha, con có thể hỏi một câu không? - Phất Kim cúi đầu thở dài rồi ngẩng lên nhìn vua Đinh - Cha có nhiều con gái, sao lại cha lại chọn con để gả cho Ngô Nhật Khánh?
...........................................
Từ Hoa Lư về Đường Lâm không quá xa nên không khiến Phất Kim cảm thấy đi đường mệt mỏi. Gia trang của Ngô Nhật Khánh rộng lớn nhưng mẹ hắn và em gái đều đã xuất giá đến Hoa Lư. Phất Kim vì thế mà sẽ trở thành chủ mẫu của nơi này. Trong tân phòng, ánh nến hỷ bập bùng cháy hắt lên gương mặt kiều diễm của Phất Kim. Nhật Khánh đẩy cửa bước vào, ánh mắt hắn nhìn Phất Kim ngà ngà say giống như lần đầu tiên họ gặp nhau.
- Cuối cùng nàng cũng chịu gả cho ta.
- Chỉ là bỗng thấy cưới một người xa lạ không tốt bằng người mà thiếp đã gặp đôi lần như tướng quân - Phất Kim vừa nói vừa đứng dậy rót một chén trà cho Nhật Khánh.
Nhật Khánh dịu dàng nắm lấy tay Phất Kim, ánh mắt hắn thương xót nhìn vết sẹo đang lên da non trên cổ tay của nàng.
- Còn đau không?
- Không đau chỉ thấy ngứa thôi - Phất Kim đáp.
Nhật Khánh bật cười trước câu trả lời rất thật của nàng.
- Tướng quân dám cười thiếp - Phất Kim phồng má trợn mắt lườm Nhật Khánh.
- Ta sao dám cười nàng - Nhật Khánh ghé sát tai nàng - Ta chỉ dám...hôn nàng thôi.
Nến trong phòng vụt tắt, rèm the buông xuống, trăng kéo mây che mặt.
...............................................
Mẹ của Nhật Khánh, Ngô phu nhân khi tái giá lấy vua Đinh đã có tuổi nhưng có lẽ thực sự con cái là lộc trời cho nên bà vẫn mang thai. Chín tháng mười ngày, Ngô phu nhân giờ là một trong năm hoàng hậu của vua Đinh bình an sinh hạ một bé trai. Vua Đinh đặt tên là Đinh Hạng Lang. Đối với đứa bé vừa là em chồng vừa là em trai cùng cha khác mẹ này Phất Kim cảm thấy mối quan hệ thật là lằng nhằng. Từ ngày người em trai này ra đời, Phất Kim có thể nhận rõ Nhật Khánh vui vẻ hơn hẳn. Cuộc sống của Phất Kim với Nhật Khánh cũng hạnh phúc. Hắn làm như lời hắn đã từng hứa hẹn với nàng, trở thành một bến đỗ tốt để nàng neo đậu cả cuộc đời. Nhật Khánh vì nàng mà cho trồng một đồi cỏ lau ở Đường Lâm để nàng nguôi nỗi nhớ quê nhà. Nhật Khánh hay qua lại buôn bán với thương nhân phương Bắc, khi nào mua được đồ tốt đều cho nàng. Vợ chồng hòa hợp, gia trang trù phú yên bình. Phất Kim không mong gì hơn. Nàng lớn lên trong chiến loạn, mất đi người bạn thanh mai trúc mã bởi giáo gươm thế nên nàng chỉ cầu hai chữ an bình. Phất Kim không phải sinh ra đã mang thân phận công chúa, là người của hoàng tộc. Nhưng từ sau cuộc nói chuyện với vua Đinh hôm đó, nàng đã hiểu nếu đã có liên quan đến quyền lực, đến tham vọng đế vương, đến mưu toan chính trị thì hai chữ an bình tưởng chừng đơn giản ấy thực sự cần phải "cầu" mới mong có được.
...........................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................
Tân Mùi, Thái Bình năm thứ 3 (972), vua Đinh sai con trưởng là Nam Việt vương Đinh Liễn đi sứ sang thăm nhà Tống.
Quý Dậu, Thái Bình năm thứ 4 (973), Nam Việt vương Đinh Liễn đi sứ từ Tống trở về. Vua Tống phong vua Đinh làm Giao Chỉ quận vương, Đinh Liễn làm hiệu thái sư tỉnh hải quân tiết độ sứ An Nam đô hộ.
Giáp Tuất, Thái Bình năm thứ 5 (974)
..................
Lần này Phất Kim về Hoa Lư thăm nhà cũng vừa dịp đón đứa em trai thứ hai chào đời. Hoàng tử Đinh Toàn là con trai của hoàng hậu Dương Vân Nga. Trong năm hoàng hậu của vua Đinh, Dương Vân Nga là người trẻ đẹp nhất và cũng được sủng ái nhất. Bế đứa em kháu khỉnh trong tay, Phất Kim nén tiếng thở dài. Nàng gả cho Nhật Khánh cũng đã mấy năm nhưng đến nay vẫn chưa có động tĩnh gì.
...
Phất Kim không lưu lại Hoa Lư lâu mà trở về nhà chồng ở Đường Lâm. Nàng thẫn thờ đi dạo bên bờ hồ rồi dừng chân ngồi nghỉ ở tảng đá gần đó. Nhật Khánh thấy vợ mình từ Hoa Lư trở về thì buồn bã than ngắn thở dài. Hắn lặng lẽ bước đến ôm lấy Phất Kim từ phía sau, tựa cằm lên vai nàng, thì thào hỏi:
- Mỹ nhân có ưu sầu thì vẫn đẹp, nhưng ta vẫn thích nàng cười hơn. Nói ta nghe xem chuyện gì khiến vợ ta mặt chau mày ủ?
Phất Kim hít sâu một hơi rồi nói:
- Nhật Khánh, trong ba tội bất hiếu có tội không có con nối dõi. Thiếp...cưới vợ cho chàng nhé.
Nhật Khánh buông Phất Kim ra, đanh mặt nhìn nàng, lạnh giọng:
- Nàng không yêu ta nên mới muốn đẩy chồng mình đến với những người đàn bà khác.
Phất Kim yên lặng nhìn hắn rồi quay mặt ra phía hồ, tiếng nàng như tan vào mặt nước mênh mông:
-Thiếp chỉ muốn chàng có con nối dõi mà thôi. Nếu chàng phải chịu kiếp chung vợ thì chàng có vui nổi không? Còn thiếp nếu chịu kiếp chung chồng thì chắc chắn sẽ không vui.
- Nếu đã biết không vui thì sao còn phải nghĩ cách tự làm khổ mình - Nhật Khánh mỉm cười nhéo má Phất Kim
- Nhưng còn con cái...
- Thôi nàng đừng nói nữa - Nhật Khánh thở dài - Một vợ đã phiền như thế này, thêm mấy người nữa liền đưa ta sớm đi chầu ông bà.
- Ý chàng nói thiếp phiền - Phất Kim đấm vào ngực Nhật Khánh.
- Ta không có nói là nàng tự nhận đó chứ. - Nhật Khánh trêu vợ.
- Chàng thực sự không cần cưới thêm người về khai chi tán diệp sao? Sau này già rồi có hối hận đem người về nhưng không đủ sức làm ăn được gì nữa thì đừng trách thiếp đã không lo cho hương hỏa của họ Ngô - Phất Kim không có tâm trạng đùa lại Nhật Khánh mà nghiêm túc hỏi.
- Không cần - Nhật Khánh khẳng định chắc chắn.
Hắn ôm bờ vai thon thả của vợ mình, âu yếm vuốt tóc nàng. Không phải tự nhiên mà Phất Kim khó khăn đường con cái. Khi còn loạn lạc mười hai sứ quân, Nhật Khánh đánh đông dẹp bắc, đã gây nên sát nghiệp, kết không ít thù oán. Đã có thù oán tất có kẻ đế trả thù. Lần đó Nhật Khánh đem quân vào rừng đi săn dài ngày. Phất Kim thấy chồng quên áo choàng ở nhà nên cưỡi ngựa đến nơi hạ trại mang áo cho chồng nhân thể thăm hắn. Khi nàng đến nơi thì thấy trong lều của Nhật Khánh đang nhốn nháo. Hắn bị rắn độc cắn. Người hầu chạy đi gọi thầy lang trong vùng mà chưa thấy về. Dù đã buộc chặt cổ chân chỗ bị rắn cắn để độc không chạy vào tim nhưng nếu thầy lang không tới kịp thì chắc chắn Nhật Khánh sẽ bỏ mạng.
- Mang dao và rượu lại đây - Phất Kim ra lệnh.
Nàng lấy rượu rửa dao rồi rạch nhẹ vết cắn trên chân Nhật Khánh hình chữ thập, sau đó không chần chừ mà cúi xuống hút máu độc từ vết thương, hút đến khi máu chảy ra từ vết thương mang màu đỏ tươi mới thôi. May sao khi Phất Kim dần dần bị trúng độc do máu độc nhổ ra vẫn sót lại trong miệng thì thầy lang tới nơi và cứu mạng được cả hai vợ chồng. Nhưng sau lần đó, sức khỏe nàng sụt giảm nghiêm trọng, cơ thể yếu đã hoài thai nhưng lại dễ xảy, khó giữ. Con rắn độc xuất hiện trong lều của Nhật Khánh lần đó là do có kẻ ám hại cố ý thả vào. Cái cảm giác khi tỉnh lại thấy vợ mình da dẻ tím tái nằm đó với đôi mắt nhắm nghiền vì liều mạng cứu mình, Nhật Khánh vẫn chưa quên. Vào lúc ấy hắn đã nghĩ có lẽ Phất Kim thực sự yêu hắn. Trước đây hắn không rõ vì sao hắn ngỏ lời cưới nàng nhiều lần, nàng đều từ chối rồi cuối cùng lại nhận lời. Hắn không rõ nhưng cũng có thể lờ mờ đoán được là nàng vâng lệnh vua cha.
- Chàng nghĩ gì mà ngẩn người vậy? - Phất Kim ngước mắt nhìn Nhật Khánh.
- Ta nghĩ để có người nối dõi chúng ta cần cố gắng nhiều hơn. Bây giờ về phòng cố gắng luôn. - Nhật Khánh nắm tay Phất Kim kéo đi.
- Bây giờ là ban ngày ban mặt, ai lại...
- Đã nói là cố gắng thì kể gì ngày đêm. - Hắn cười lớn, ngang ngược đáp.
...........................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................
Ất Hợi, Thái Bình năm thứ 6 (975), mùa thu, nhà Tống sai sứ tới Đại Cồ Việt đem chế sách sang gia phong cho Nam Việt vương Đinh Liễn làm Khai phủ nghi đồng tam ty, Kiểm hiệu thái sư, Giao Chỉ Quận vương. Từ đó về sau, sai sứ sang nhà Tống đều lấy Đinh Liễn làm chủ.
 Mậu Dần, Thái Bình năm thứ 9 (978), vua Đinh lập Đinh Hạng Lang làm hoàng thái tử, là người kế ngôi đồng thời phong Đinh Toàn làm Vệ vương.
........................
Mùa hạ, trời nắng hạn, vô cùng oi bức. Phất Kim phe phẩy chiếc quạt nan trong tay liên tục mà vẫn không đỡ nóng. Chẳng hiểu cho trời nóng hay do linh tính điều gì đó không lành mà lòng nàng cứ như có lửa đốt. Năm nay, đầu năm thì động đất rồi mưa đá, bây giờ là nắng hạn. Phất Kim tuy ở xa Hoa Lư nhưng vẫn biết đang có lời đồn vì phụ hoàng nàng bỏ trưởng lập thứ làm thái tử, không thuận với ý trời nên mới có thiên tai, thiên tượng. Phất Kim lớn lên cùng Đinh Liễn khi họ còn là những đứa trẻ áo vải bình thường như bao người, không phải vương gia, không phải công chúa. Dù tuổi tác hai người chênh lệch nhưng tình cảm anh em vẫn thân thiết. Hai mươi tư năm trước khi Phất Kim vẫn còn nằm trong bụng mẹ, Đinh Liễn lúc đó chỉ khoảng mười hai tuổi vâng lệnh cha vào Cổ Loa làm con tin. Khi đó Tiền Ngô vương qua đời, nhà Ngô do hai anh em Ngô Xương Ngập và Ngô Xương Văn cùng trị vì. Lúc bấy giờ Đinh Bộ Lĩnh cát cứ ở Hoa Lư làm chủ một vùng, thế lực ngày càng lớn và không chịu thần phục hai anh em nhà Ngô. Hai anh em họ Ngô đã đem quân đi đánh Hoa Lư, muốn trừng phạt Đinh Bộ Lĩnh vì không vào chầu. Một tháng giao tranh, Hoa Lư núi non hiểm trở, dễ thủ khó công, Ngô Xương Ngập và Ngô Văn Xương không sao thắng nổi mới dùng đến hạ sách bắt Đinh Liễn treo lên ngọn sào và đưa ra điều kiện nếu Đinh Bộ Lĩnh không quy hàng thì họ sẽ giết chết Đinh Liễn. Chuyện xảy ra năm đó, Phất Kim không tận mắt chứng kiến, chỉ được nghe kể lại. Nếu là Đinh Liễn thì có lẽ nàng cũng giống người anh này, cả đời không quên được câu nói và ánh mắt lạnh lùng của cha khi hạ lệnh cho chục tay nỏ nhắm vào Đinh Liễn - con trai ruột của mình mà nhả tên. Cha nàng đã nói: "Đại trượng phu chỉ mong lập được công danh, há lại bắt chước thói đàn bà xót con hay sao?". Có câu hổ dữ không ăn thịt con. Vậy mà... Sau đó hai anh em nhà Ngô thấy không lợi dụng được Đinh Liễn để uy hiếp Đinh Bộ Lĩnh nên đã hạ sào đưa Đinh Liễn xuống. Họ cũng không giết Đinh Liễn. Vì lòng nhân từ, vì tránh gây thù chuốc oán sâu cay với Đinh Bộ Lĩnh hay vì ngại danh tiếng xấu mà anh em họ Ngô tha mạng cho Đinh Liễn, Phất Kim không rõ, chỉ biết đó là một điều may mắn vì anh trai nàng đã không phải chết. Đinh Liễn làm con tin ở Cổ Loa trong mười bốn năm. Mười bốn năm mới trở về Hoa Lư khi mà hai anh em họ Ngô đã qua đời. Khi Đinh Liễn trở về Phất Kim đã mười ba tuổi. Nàng đủ lớn để hiểu công lao, đóng góp của Đinh Liễn trong sự nghiệp dẹp loạn các sứ quân và thống nhất đất nước của cha. Đánh bại lực lượng của Lã Xử Bình và Kiều Công Hãn ở Cổ Loa là Đinh Liễn. Tham gia vào sinh ra tử trong các trận chiến bình định những sứ quân đối thủ là Đinh Liễn. Lặn lội vào Ái Châu để chiêu mộ binh lính tăng cường lực lượng là Đinh Liễn. Tìm được tướng tài là Lê Hoàn về phụng sự cho vua cha là Đinh Liễn. Không quản đường xa, nguy hiểm sang Tống đi sứ cũng là Đinh Liễn. Nhưng vua Đinh lại quyết định truyền ngôi cho đứa em vẫn còn thơ dại, chưa biết có năng lực bản lĩnh gì để gánh vác giang sơn hay không?
Phế trưởng lập thứ là một cơn gió độc sẽ làm thổi bùng ngọn lửa loạn lạc tương tàn ở Hoa Lư? Phất Kim chỉ biết từ khi nghe tin này, lòng nàng luôn thấp thỏm lo âu, mí mắt nháy liên tục, điềm báo cho sự chẳng lành.
.
Tiếng trống điểm canh khiến Phất Kim giật mình. Nàng ngó sắc trời rồi xuống bếp tự mình nấu bữa ăn khuya cho chồng. Gần đây việc buôn bán ở gia trang bận rộn, Nhật Khánh thường xuyên thức muộn để giải quyết. Bưng đĩa bánh tẻ cùng ấm trà vào thư phòng của Nhật Khánh, Phất Kim thấy hắn đang chăm chú xem thư từ sổ sách. 
- Chàng ngơi tay, lại ăn miếng bánh cho ấm bụng. - Đặt các thứ trên tay xuống bàn, Phất Kim lên tiếng nói
- Đã muộn rồi sao nàng không đi nghỉ trước mà còn lọ mọ xuống bếp vậy.
Nghe Nhật Khánh đáp lời, Phất Kim nghiêng đầu vẻ nghĩ ngợi rồi gật gù:
- Cũng phải.
Dứt lời nàng bưng đĩa bánh cùng ấm trà lên, dợm chân rời đi.
- Nàng định làm gì vậy? - Nhật Khánh ngạc nhiên.
- Thì chàng bảo thiếp đi nghỉ trước mà. - Phất Kim chớp nhẹ đôi mi, thản nhiên nhoẻn miệng cười đáp, núm đồng tiền duyên dáng hằn sâu trên má.
- Nàng hư lắm, lại dám trêu ta - Nhật Khánh bật cười, bỏ đống sổ sách thư từ qua một bên mà bước tới nhéo má Phất Kim. - Xem vợ hôm nay cho chồng ăn món gì nào. Ái chà, là bánh tẻ. Bánh tẻ mà nàng làm là ngon nhất.
- Đương nhiên. - Phất Kim đáp rồi ngồi xuống bóc lớp lá dong gói bánh ra.
Từng lớp lá dong được lột xuống để lộ lớp vỏ bánh xanh bằng bột gạo mịn màng đẹp mắt như miếng ngọc. Mùi thơm dung dị quyện mùi lá dong tỏa ra. Phất Kim chấm bánh vào bát nước mắm tỏi ớt pha thêm dầu cà cuống rồi đưa cho Nhật Khánh. Bột gạo ngon ngọt ôm ấp phần nhân thịt mỡ màng cùng vị đậm đà của nước mắm thoang thoảng hương quế của dầu cà cuống là vị ngon khiến người đã nếm thử thì khó lòng mà quên được.
- Ngon không? - Phất Kim nhìn Nhật Khánh ăn ngon miệng, vui vẻ hỏi.
- Ngon lắm. Nàng cũng ăn đi. - Nhật Khánh đáp rồi cũng lấy một miếng bánh đút cho Phất Kim.
Cuộc sống của hai vợ chồng mấy năm qua dù không con cái nhưng vẫn đầm ấm và hạnh phúc như thế. Chỉ là tham vọng, dã tâm, toan tính của con người lại khiến hạnh phúc khó mà lâu bền.


0

Hãy là người bình luận đầu tiên nhé!

Bình luận

Chưa có bình luận
Preview Settings

Try It Real Time

Layout Type
    • LTR
    • RTL
    • Box
Sidebar Type
Sidebar Icon
Unlimited Color
Light layout
Dark Layout
Mix Layout