Kiếp thứ nhất: Hoa cỏ lau
Chương 1: Loạn mười hai sứ quân.
Ngô Quyền có công lớn đưa người dân Việt thoát khỏi ách nô lệ nhưng ông lại đoản thọ chỉ trị vì được sáu năm thì mất. Một vương triều non trẻ mới được thành lập, gốc rễ chưa vững đã mất đi người dẫn đầu nên chẳng lâu bền. Nhà Ngô sau đó một thời gian đã sụp đổ. Hai con trai của Ngô Quyền là Ngô Xương Văn và Ngô Xương Ngập không giữ nổi nghiệp lớn. Nước Nam lại rơi vào loạn lạc. Nhưng lần này là nội chiến. Các thế lực sứ quân ở khắp nơi lập quận ấp riêng, nổi dậy cát cứ, tranh giành lẫn nhau, không ai nhường ai. Sứ quân nào cũng muốn những kẻ khác hàng phục mình. Mười hai sứ quân cứ đánh qua đánh lại triền miên gây bao đau thương cho những người dân vô tội vì bị cuốn vào cuộc chiến tranh giành quyền lực lãnh địa.
Ngô Xương Xí chiếm Bình Kiều [1]. Kiều Công Hãn giữ Phong Châu. Nguyễn Khoan đóng ở Tam Đái [2]. Ngô Nhật Khánh làm chủ Đường Lâm [3]. Lý Khuê xưng bá ở Siêu Loại [4]. Tiên Du thuộc về Nguyễn Thủ Tiệp. Tế Giang [5] là địa bàn của Lữ Đường. Nguyễn Siêu chiếm Tây Phù Liệt [6]. Kiều Thuận giữ Hồi Hồ [7]. Đằng Châu [8] là của Phạm Bạch Hổ. Đỗ Cảnh Thạc tụ quân ở Đỗ Động Giang [9]. Và làm chủ Bố Hải Khẩu [10] là Trần Lãm. Sự đời luôn không đổi là mạnh được yếu thua, thắng làm vua thua làm giặc. Ở Hoa Lư, có một người tên là Đinh Bộ Lĩnh. Nghe danh Trần Lãm là người đức độ, lại không có con cái, Đinh Bộ Lĩnh đã đem theo con trai của mình là Đinh Liễn đến Bố Hải Khẩu xin gia nhập sứ quân của Trần Lãm. Đinh Bộ Lĩnh được Trần Lãm rất mực yêu quý, khi mất còn trao quyền lại cho. Tiếp nhận sứ quân của Trần Lãm, Đinh Bộ Lĩnh dời căn cứ về Hoa Lư rồi tiếp tục xây dựng lực lượng. Sứ quân của Đinh Bộ Lĩnh dần lớn mạnh, đánh đâu thắng đó, vừa sát phạt vừa chiêu hàng 11 sứ quân còn lại. Cuộc nổi loạn của 12 sứ quân cuối cùng cũng kết thúc với người chiến thắng là Đinh Bộ Lĩnh.
...................................................................................................................................................................................................................
Mậu Thìn, năm thứ nhất (năm 968), Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi, đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt, dời Kinh ấp về động Hoa Lư, bắt đầu dựng kinh đô mới, đắp thành đào hào, xây dựng cung điện, đặt triều nghi. Bầy tôi dâng tôn hiệu là Đại Thắng Minh Hoàng Đế.
Kỷ Tỵ, năm thứ hai (năm 969), Đại Thắng Minh Hoàng Đế phong con trưởng là Đinh Liễn làm Nam Việt Vương.
Canh Ngọ, Thái Bình năm thứ nhất (970), đặt niên hiệu nước là Thái Bình.
.....................................
Trong mười một sứ quân tranh chấp lẫn nhau năm ấy, có một sứ quân do Ngô Nhật Khánh làm chủ tướng. Đối với Ngô Nhật Khánh, Đinh Bộ Lĩnh không động binh đao mà khéo léo hàng phục. Ngoài Ngô Xương Xí, Ngô Nhật Khánh cũng thuộc dòng dõi nhà Ngô. Nhà Ngô tuy đã tan nhưng công lao to lớn giành lại độc lập cho dân tộc sau nghìn năm Bắc thuộc của Tiền Ngô vương sẽ mãi mãi lưu truyền và khiến hậu thế nhớ ơn. Chiêu hàng Ngô Nhật Khánh vừa tránh tương tàn lại có thể thu được nhân tâm của dân chúng. Và vua Đinh cũng không nhẫn tâm thẳng tay đánh dẹp và bức hậu duệ của nhà Ngô vào đường chết vì sự kính trọng và bái phục của ông dành cho Ngô Quyền.
Ngô Nhật Khánh cũng là kẻ thức thời. Hắn thấy lực lượng sứ quân của Đinh Bộ Lĩnh ngày càng lớn mạnh, sứ quân của hắn không phải là đối thủ, nếu cứ cứng rắn giao chiến thì chẳng khác nào lấy trứng chọi đá nên đành quy hàng. Cha của Ngô Nhật Khánh mất từ sớm. Từ nhỏ Nhật Khánh đã thay cha làm chỗ dựa cho mẹ và tự xây dựng cơ nghiệp. Mẹ hắn cũng không hề có ý định đi bước nữa cho đến khi Nhật Khánh hàng phục Đinh Bộ Lĩnh. Vua Đinh đã ngỏ lời muốn cưới mẹ Ngô Nhật Khánh. Cuộc hôn này đôi bên đều biết là vì mục đích chính trị nhưng không bên nào phản đối.
Lễ cưới của vua Đinh và Ngô phu nhân diễn ra không lâu sau khi vua Đinh xưng hoàng đế. Bữa tiệc kết duyên của mẹ mình, Ngô Nhật Khánh dù muốn hay không vẫn nên đến dự. Thức ăn ngon, rượu cay đến đầu lưỡi Nhật Khánh đều nhạt thếch. Mọi người lần lượt đi chúc rượu nhau. Nhật Khánh ngẩng lên khi thấy có người đứng trước mặt mình. Đó là một thiếu nữ tầm mười tám tuổi với dung nhan kiều diễm, một vẻ đẹp tinh khôi và mong manh nhưng lại ẩn chứa nét kiên cường. Thiếu nữ mỉm cười để lộ hai núm đồng tiền duyên dáng trên gò má hồng mịn màng, nàng rót rượu mời Nhật Khánh:
- Thiếp mời tướng quân ly rượu.
Nhật Khánh ngây người ngắm nhìn thiếu nữ, đến khi nghe giọng nói ngọt ngào của nàng mới sực tỉnh.
- Cảm ơn nàng. - Hắn gật đầu.
Thiếu nữ mỉm cười đáp lễ rồi bước tới bàn tiệc tiếp theo chúc rượu. Kể từ khi nhận được chén rượu thơm từ tay ngọc của giai nhân, ánh mắt của Nhật Khánh cứ dõi theo bóng dáng thướt tha ấy.
Đi hết một lượt các bàn tiệc trong tẩm điện, thiếu nữ bắt đầu lượt chúc rượu thứ hai. Rót đầy rượu vào chiếc ly để trên bàn rồi nàng nâng lên mời Nhật Khánh. Nhật Khánh đón ly rượu, ánh mắt lại cứ chăm chú vào gương mặt như hoa như ngọc của thiếu nữ, bàn tay to lớn rám nắng của hắn không rõ là đón ly rượu hay đang nắm bàn tay nhỏ nhắn của nàng. Trước hành động có phần sỗ sàng của Nhật Khánh, thiếu nữ giật mình ngạc nhiên rồi nàng cúi đầu e lệ và khẽ khàng rút tay lại.
- Ta có vinh hạnh được biết quý danh của nàng không? - Nhật Khánh mỉm cười dịu dàng hỏi.
- Dạ thưa tướng quân, Phất Kim là tên của thiếp. - Thiếu nữ từ tốn đáp.
- Phất Kim. Tên nàng quả nhiên cũng mỹ miều như người. Ta họ Ngô, tên Nhật Khánh.
- Tên tướng quân cũng rất đẹp. - Phất Kim khách sáo trả lời rồi khẽ chào Nhật Khánh mà bước tới bàn tiệc tiếp theo.
Ánh mắt của Nhật Khánh dõi theo bóng hồng không lâu thì Phất Kim đã bước tới mời hắn lượt rượu thứ ba. Lúc này đôi mắt hắn đã mơ màng ngà ngà say, say vì rượu cay hay vì sắc đẹp kiều diễm của giai nhân thật mà khó nói rõ. Say làm người ta mạnh bạo, say làm người ta táo tợn, say làm Nhật Khánh không chút kiêng dè mà mạnh mẽ nắm lấy bàn tay ngọc ngà của Phất Kim rồi hỏi rằng:
- Ta là trai chưa vợ, Phất Kim là gái chưa chồng. Ta muốn cùng nàng sum vầy gia thất, nên duyên đôi lứa, chẳng hay nàng có bằng lòng hay không?
Trước lời cầu hôn bất ngờ của Nhật Khánh, trên gò má mịn màng của Phất Kim không chỉ có núm đồng tiền duyên dáng nữa mà có xuất hiện ráng mây ửng hồng.
- Đa tạ tướng quân đã có lòng hạ cố nhưng chuyện trăm năm thiếp không dám tự ý quyết định mà phải theo sự dạy dỗ của cha mẹ. - Phất Kim lí nhí đáp rồi bẽn lẽn rút tay lại, sau đó nàng rảo bước rời khỏi tẩm điện thiết tiệc, xấu hổ đến mức không dám ngoái lại nhìn Nhật Khánh thêm một lần.
Toàn bộ cử chỉ, biểu cảm của Nhật Khánh và Phất Kim trong bữa tiệc, vua Đinh đều lặng lẽ kín đáo quan sát và thu vào mắt.
..........................
Đám cưới của mẹ mình và vua Đinh đã cử hành xong xuôi nhưng Ngô Nhật Khánh vẫn chưa trở về Đường Lâm mà nán lại kinh đô Hoa Lư. Trong bữa tiệc hôm đó đã xuất hiện lý do níu giữ hắn. Đó là Đinh Phất Kim. Nàng là công chúa, con gái yêu của vua Đinh.
Ngô Nhật Khánh gặp lại Phất Kim ở vườn hoa trong cung, dưới mái đình cạnh ao sen, nàng ngồi chuyên chú thêu thùa, tỉ mẩn và khéo léo đưa từng đường kim mũi chỉ.
- Nàng có thời gian để thêu hoa cỏ lau, vậy có thể dành cho ta một chút thì giờ để dẫn ta đi thăm quan cảnh sắc của Hoa Lư và ngắm thảm lau trắng ở đây hay không?
Phất Kim chậm rãi đặt khung thêu xuống, nàng chống cằm nghiêng đầu nhìn Nhật Khánh mỉm cười, núm đồng tiền duyên dáng in sâu trên gò má:
- Tướng quân muốn ngắm hoa cỏ lau. Vậy tướng quân có biết ý nghĩa của hoa cỏ lau không? Nếu tướng quân đáp đúng thì thiếp có thời gian để dẫn ngài đi vãn cảnh.
- Hoa cỏ lau hoang dại, mạnh mẽ và kiên cường, hiên ngang như một lá cờ tung bay kiêu ngạo trước gió, tượng trưng cho chí xưng bá của bậc anh hùng. Ta nghĩ vì thế nên khi còn thơ ấu, bệ hạ mới lấy cờ lau để đánh trận giả. - Nhật Khánh đáp. - Câu trả lời này có làm hài lòng công chúa không?
Phất Kim đứng dậy rồi nói:
- Tướng quân là khách từ phương xa tới. Thiếp cũng nên dễ tính một chút mà dẫn đường cho ngài.
Đoạn Phất Kim định gọi thêm mấy người lính theo hầu thì Nhật Khánh cười bảo:
- Nàng không tin tưởng bản lĩnh của ta có thể đủ để bảo vệ nàng sao?
- Thiếp tin chứ. - Phất Kim nháy mắt. - Nhưng không có họ, thiếp không thể dẫn ngài đi vãn cảnh được.
- Tại sao? - Nhật Khánh khó hiểu mà hỏi lại.
- Vì thiếp hay lạc đường. - Phất Kim quay mặt sang hướng khác, vẻ ngượng ngùng đáp.
- Nàng thì sợ lạc đường hay sợ trái tim mình lạc mất khi đi với ta? - Nhật Khánh đùa.
- Tướng quân đã bao nhiêu tuổi mà vẫn không rõ điều đơn giản rằng trái tim không có chân. Đã không có chân thì không thể nào đi lạc. - Phất Kim mỉm cười rồi bước đi trước.
.............................
Khi Phất Kim thay y phục thường dân và tới cổng thành Tây nơi Nhật Khánh đứng đợi thì ngựa đã được chuẩn bị. Đôi mày Phất Kim khẽ chau lại khi nhìn thấy con ngựa cao lớn, có vẻ khó thuần trước mặt.
- Nàng cưỡi được ngựa không? - Nhật Khánh hỏi
Phất Kim khẽ lắc đầu.
- Không sao, vậy nàng cưỡi chung ngựa với ta. Sau này ta dạy nàng cưỡi ngựa. - Nhật Khánh vừa vuốt bờm ngựa vừa vui vẻ nhìn Phất Kim mà nói.
Phất Kim nhướn mày đầy khó hiểu nhìn Nhật Khánh:
- Sau này...?
- Tương lai nàng là vợ của ta, ta đương nhiên nên dạy nàng cưỡi ngựa rồi. - Nhật Khánh thản nhiên nói.
Phất Kim nghe vậy liền cong môi:
- Ai là vợ tướng quân chứ. Thiếp không thích cưỡi ngựa.
- Vậy phải chăng nàng muốn có thêm thời gian ở bên cạnh ta nên muốn chúng ta tản bộ vãn cảnh thay vì cưỡi ngựa? - Nhật Khánh búng tay một cái thật kêu, vẻ mặt phấn khởi như vừa phát hiện ra kho báu.
- Thiếp thích cưỡi trâu. Tướng quân đã đến Hoa Lư thì nhất định phải cưỡi trâu giữa cánh đồng lau, ăn thịt dê, uống rượu Kim Sơn, ngắm cảnh sông nước giao hòa. - Phất Kim không để ý đến lời tán tỉnh của Nhật Khánh mà cười tự nhiên đáp rồi khoát tay ra hiệu cho kẻ dưới dắt trâu đến.
Phất Kim nhẹ nhàng leo lên lưng trâu rồi nhìn Nhật Khánh tươi cười hỏi:
- Tướng quân cưỡi ngựa giỏi còn trâu thì sao?
- Cưỡi trâu một mình thì ta không biết nhưng nếu cưỡi cùng nàng thì có thể. - Nhật Khánh vừa đáp vừa leo lên lưng trâu ngồi sau Phất Kim.
Phất Kim quay đầu lại nhìn hắn nhẹ nhàng nói:
- Cưỡi chung thì được nhưng nếu tướng quân làm gì xằng bậy thì thiếp sẽ không vì tướng quân là khách quý mà ngần ngại việc hất người ngã xuống đất đâu.
- Nếu vậy thì nàng phải giải thích rõ cho ta thế nào là xằng bậy để ta tránh chứ. - Nhật Khánh bật cười rồi ngả ngớn. - Ví như ta sợ ngã mà ôm eo nàng có được tính là xằng bậy không?
Phất Kim không đáp mà bất ngờ thúc trâu phi đi và tướng quân Ngô Nhật Khánh do đột ngột mất cân bằng mà chới với rồi ngã oạch xuống đất. Nghe tiếng động nặng nề phía sau, Phất Kim dừng trâu lại rồi leo xuống, nàng thong thả bước tới cúi nhìn Nhật Khánh đang nằm xõng xoài trên mặt đất rồi nhoẻn miệng cười:
- Tướng quân chưa ôm eo thiếp mà chỉ cần nói những lời như vừa rồi thì cũng tính là xằng bậy đấy. - Phất Kim vừa nói vừa đưa tay tới trước mặt Nhật Khánh.
Nhật Khánh nắm lấy tay Phất Kim đứng thẳng dậy. Phất Kim rút tay lại nhưng bàn tay nàng đang nằm gọn trong bàn tay to lớn của Nhật Khánh bị hắn giữ chặt lấy.
- Nàng đã chủ động đưa tay cho ta thì ta sao lại có thể phụ lòng nàng mà dễ dàng buông tay được. Trước bao nhiêu người nhiêu người như thế này, mà nàng làm ta mất mặt như thế, có phải nên chịu trách nhiệm hay không? - Nhật Khánh ghé sát môi vào tai Phất Kim mà thì thầm.
- Nếu thiếp không chịu trách nhiệm cũng như không xin lỗi thì tướng quân cùng lắm là đi mách phụ hoàng thiếp mà thôi. - Phất Kim nhún vai đáp.
- Phất Kim, chúng ta quả là tâm đầu ý hợp đấy. Sao nàng biết ta có ý đi than khổ với bệ hạ? - Nhật Khánh cười tươi. - Tâm đầu ý hợp như vậy mà nàng không chịu gả cho ta thì có phải là có lỗi với ông tơ bà nguyệt không?
- Có lỗi với ông tơ bà nguyệt hay không, thiếp không quan tâm. Thiếp chỉ biết mới gặp tướng quân có hai lần mà đã đồng ý gả cho ngài thì là có lỗi với bản thân mình. - Phất Kim vén lọn tóc qua vành tai rồi nghiêng đầu nhìn Nhật Khánh. - Vậy bây giờ tướng quân tính sao? Ngài muốn vào cung diện kiến phụ hoàng để tâu trình tội bất kính của thiếp hay muốn tiếp tục đi vãn cảnh.
- Hỏi thừa, đương nhiên là đi vãn cảnh rồi. - Nhật Khánh vừa nói vừa kéo Phất Kim đi như chạy về phía con trâu đang phe phẩy đuôi đằng trước.
- Tướng quân định điều khiển nó sao? - Phất Kim tròn mắt hỏi khi thấy Nhật Khánh leo lên lưng trâu.
- Lúc nãy trêu nàng chút thôi, cưỡi trâu sao làm khó được ta chứ. Hồi nhỏ ta còn có thể nằm trên lưng trâu ngủ một giấc ngon lành đó. - Nhật Khánh bật cười rồi đưa tay kéo Phất Kim trèo lên.
...................................
Trước mặt Nhật Khánh là cánh đồng hoa cỏ lau trắng muốt, đẹp nao lòng. Từng bông lau tinh khôi vươn cao khoe sắc dưới ánh nắng dìu dịu đầu đông, đong đưa dập dờn theo gió. Hoa lau trải dài tới tận chân trời, quyện vào mây trắng bồng bềnh, nổi bật giữa những dãy núi đá vôi hùng vỹ. Cảnh đẹp hư ảo như cõi thần tiên.
- Rất đẹp đúng không? - Phất Kim lên tiếng. - Thiếp lớn lên cùng những cánh đồng lau ở Hoa Lư mà ngắm mãi vẫn không chán.
Nhật Khánh với tay nhổ một cành lau vung vẩy:
- Trông giống cờ thật.
- Tướng quân dừng trâu ở đây thôi. - Phất Kim nhắc. - Cưỡi trâu đi nữa sẽ giẫm hỏng hoa lau.
Cột trâu vào gốc cây gần đấy, Nhật Khánh cùng Phất Kim đi dạo giữa cánh đồng lau.
- Tướng quân hôm nay muốn cùng thiếp đi vãn cảnh và còn có chuyện muốn hỏi đúng không? - Phất Kim vừa vân vê lọn tóc vừa hỏi.
- Sao nàng biết? - Nhật Khánh cười đáp.
- Thiếp đoán. - Phất Kim trả lời.
- Vậy nàng đoán tiếp đi. Đoán xem ta muốn hỏi nàng chuyện gì? - Nhật Khánh tiếp lời.
- Đây mà lần thứ hai chúng ta gặp mặt, thiếp sao có thể đoán được khúc mắc trong lòng tướng quân. - Phất Kim nhẹ lắc đầu.
- Bệ hạ muốn ban hôn cho em gái ta và Nam Việt vương Đinh Liễn. Thứ cho ta hỏi thẳng liệu rằng Nam Việt vương là một bến đậu tốt cho em gái ta không?
- Nước nóng hay lạnh chỉ có người uống mới biết. - Phất Kim nghe Nhật Khánh hỏi xong thì thong thả đáp. - Đinh Liễn là anh trai thiếp, em gái sẽ không nói xấu anh trai. Thế nên câu trả lời của thiếp là: Nam Việt vương là người tốt. Nhưng một người con hiếu thảo, một người anh trai tốt chưa chắc sẽ làm một người chồng tốt hoặc như mong đợi của em gái tướng quân.
- Nàng nói đúng lắm. - Nhật Khánh gật gù.
- Muộn rồi. Chúng ta cũng nên về thôi. - Phất Kim nhìn ráng chiều nhuộm màu hồng nhạt lên những bông lau rồi nói với Nhật Khánh.
- Chưa về được. Ta còn một chuyện phải làm xong mới có thể về. - Nhật Khánh nói.
- Tướng quân còn chuyện gì ạ? - Phất Kim chau mày khó hiểu.
- Là chuyện này. - Nhật Khánh vừa cười nói vừa đội một chiếc vòng hoa tết từ cỏ lau lên đầu nàng.
Phất Kim ngẩn người. Không phải vì nàng ngạc nhiên trước hành động của Nhật Khánh. Mà bởi vì trước đây cũng từng có người tặng nàng một vòng hoa tết từ cỏ lau như thế.
- Phất Kim, nàng sao thế? - Trông vẻ thất thần của nàng, Nhật Khánh lay vai gọi.
Phất Kim sực tỉnh. Nàng cười gượng rồi khẽ lắc đầu:
- Không có gì. Cảm ơn tướng quân. Vòng hoa đẹp lắm. Không ngờ tướng quân lại khéo tay như vậy.
- Ta còn nhiều tài lắm. - Nhật Khánh vỗ ngực nói.
- Nhiều đến thế nào? - Phất Kim bật cười.
- Nhiều đến mức nàng phải dùng cả đời bên ta mới tìm hiểu hết được. - Nhật Khánh thản nhiên đáp.
- Trời sắp tối rồi. Đường Hoa Lư buổi tối khó đi. Chúng ta về thôi. - Phất Kim nói rồi rảo bước đi trước.
- Đều nghe lời nàng. - Nhật Khánh sải mấy bước đã đuổi kịp sóng vai đi cạnh Phất Kim.
.....................................
Trở về khuê phòng của mình, Phất Kim tháo vòng hoa trên đầu xuống để trên mặt bàn. Nàng bước tới chiếc rương kê trong góc phòng và mở ra. Bên trong rương có một chiếc vòng hoa cũng tết từ cỏ lau đã khô héo nhưng được nàng giữ gìn cẩn thận. Vòng hoa này do một người bạn thanh mai trúc mã đã tặng nàng từ hồi còn nhỏ. Tình cảm thanh mai trúc mã theo năm tháng lớn dần lên nhưng chưa kịp trở thành tình yêu đôi lứa thì người đó đã rời xa nàng mãi mãi. Cậu ấy theo phụ hoàng đánh trận và đã hi sinh trong một cuộc chiến.
- Bẩm công chúa, bệ hạ cho gọi người.
- Ta biết rồi. Ta tới ngay. - Phất Kim lau nước mắt vừa vương trên gò má rồi cất vòng hoa vào rương.
Khi rời khỏi phòng để tới gặp vua Đinh, ánh mắt nàng lướt qua vòng hoa mà Ngô Nhật Khánh tặng đang để trên bàn. Cùng là vòng hoa tết từ cỏ lau nhưng khác nhau nhiều lắm. Vòng hoa nằm trong rương dù đã khô héo nhưng sẽ mãi mãi không mất đi sắc thuần khiết tinh khôi. Còn vòng hoa của Nhật Khánh tuy vẫn mang sắc trắng xinh đẹp của hoa cỏ lau khi mới nở nhưng vốn đã bị nhuốm bẩn bởi những toan tính chính trị.
.....................................
Thần Kim Quy ngạc nhiên khi thấy Liễu Hạnh công chúa và Chiêu Văn đồng tử rẽ nước xuống thủy cung tìm mình một cách vội vã.
- Công chúa và đồng tử đến tìm Ngọc Hà công chúa hay lão vậy? - Thần Kim Quy hỏi.
- Ngọc Hà đã đi đầu thai rồi. Chúng ta xuống thủy cung là để tìm lão. - Liễu Hạnh đáp.
- Có chuyện gì nghiêm trọng sao? - Thần Kim Quy lo lắng. - Nhưng kể cả Ngọc Hà công chúa gặp chuyện khi lịch kiếp, chúng ta cũng không thể can thiệp.
- Nạn kiếp liên quan đến phàm nhân của chị Ngọc Hà khi đầu thai lần nay đương nhiên thần tiên không thể nhúng tay vào. - Chiêu Văn đồng tử lên tiếng. - Việc lần này liên quan đến Quỷ Xương Cuồng. Sau lần bị long châu của Lạc Long Quân đả thương cho đến giờ, để hồi phục pháp lực, hắn vẫn chưa ngừng việc thu thập các linh hồn chất chứa oán hận và đau khổ để hấp thụ. Có tên quỷ sai dưới âm phủ bị Xương Cuồng mua chuộc đã tiết lộ chuyện lịch kiếp trải qua bảy đời đau khổ của chị Ngọc Hà. Linh hồn đau khổ của thần tiên càng khiến Xương Cuồng thèm khát. Chị Liễu Hạnh và tôi lo sợ Xương Cuồng sẽ làm hại chị Ngọc Hà nên xuống đây tìm lão cùng bàn bạc. Mặc dù tôi thấy chị Liễu Hạnh có hơi lo xa và làm chuyện thừa thãi.
Liễu Hạnh không chút nương tay mà cốc đầu Chiêu Văn đồng tử:
- Này nhóc, nói vậy là ý gì?
- Em có ý gì đâu. Với tính cách của chị Ngọc Hà, chắc chắn trước khi đi lịch kiếp, chị ấy đã có biện pháp đối phó với Xương Cuồng rồi. - Chiêu Văn đồng tử nhún vai rồi nhìn thần Kim Quy. - Tôi nói có phải không lão rùa?
- Thì cũng phải. Công chúa trước khi đi cũng dặn dò lão một vài điều. - Thần Kim Quy gật gù.
- À mà quên hỏi, lão rùa có biết kiếp này Ngọc Hà đầu thai vào nơi nào không? - Liễu Hạnh hỏi. - Ta hỏi tên Nam Tào mà gã cứ úp úp mở mở, phát bực.
- Công chúa đầu thai làm con gái của Đinh Bộ Lĩnh. Kiếp này mang tên Đinh Phất Kim. - Thần Kim Quy đáp. - Lần này xác phàm nhân mà công chúa đầu thai được thừa hưởng yêu lực của một con rái cá tinh. Lão cũng khá yên tâm, Đinh Phất Kim khó mà bị yêu ma làm hại.
- Rái cá tinh? Lão rùa, lão nói rõ hơn xem nào? - Liễu Hạnh chau mày.
- Là thế này. - Thần Kim Quy hắng giọng rồi kể. - Ở Hoa Lư, có một cái đầm sâu. Mẹ của Đinh Bộ Lĩnh là Đàm thị, tức bà nội của Đinh Phất Kim thường ra cái đầm đó tắm giặt. Dưới đầm có một con rái cá sống lâu năm tu luyện thành tinh, có thể hóa thành hình người. Một lần Đàm thị ra đầm tắm đã bị con rái cá tinh… e hèm... Sau đó Đàm thị hoài thai và sinh ra Đinh Bộ Lĩnh.
- Thôi dừng chuyện con rái cá ở đây. Đang nói chuyện Xương Cuồng mà. - Liễu Hạnh nói. - Trước khi đi Ngọc Hà đã dặn lão rùa những gì?
- Chính chị bảo lão rùa nói rõ hơn chuyện con rái cá tinh giờ lại cằn nhằn lão đang nói chuyện Xương Cuồng mà lan man sang chuyện khác. - Chiêu Văn đồng tử vừa hừ một tiếng vừa cách xa Liễu Hạnh mấy bước để tránh đòn.
...............................................
Sau lễ cưới của mẹ mình với vua Đinh, Nhật Khánh nán lại Hoa Lư mấy tháng, hắn vẫn chưa về Đường Lâm. Bởi hắn vẫn còn vướng việc dự lễ cưới của em gái và Nam Việt vương Đinh Liễn. Tất nhiên đó không là nguyên nhân duy nhất mà đất Hoa Lư níu chân Ngô Nhật Khánh.
......................
Phất Kim xuất cung ra ngoài chơi, đi dạo ở chợ thì vô tình gặp Nhật Khánh. Nàng vẫn nhớ những ngày tháng khi phụ hoàng chưa lên ngôi hoàng đế, nàng chưa phải công chúa, có thể tự do tự tại.
- Không hẹn mà gặp. Phất Kim và ta quả thật có duyên. Nàng không ngại nếu cùng ta chung đường chứ? - Nhật Khánh chào hỏi.
- Nếu tướng quân không thấy phiền. - Phất Kim nhẹ nhàng đáp.
- Chung đường cả đời với nàng ta cũng không thấy phiền. - Nhật Khánh cười. - Sao ta ngỏ lời cầu hôn nhiều lần mà nàng vẫn chưa đồng ý?
- Sao phụ hoàng có nhiều con gái. Tướng quân lại chọn thiếp? - Phất Kim cũng cười mà hỏi ngược lại.
- Ta biết nếu ta trả lời là vì tiếng sét ái tình, vì vừa gặp mặt đã định là nàng nhất kiến chung tình thì nàng sẽ không tin. - Nhật Khánh đáp.
- Vậy thì tướng quân hẳn đã nghĩ ra câu trả lời để thiếp tin rồi? - Phất Kim nhướn mày đùa.
- Vì nàng có núm đồng tiền trên má. Ta nghe nói người có núm đồng tiền là người chung thủy. - Nhật Khánh nói.
- Hôn nhân của con cái, cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy. Thiếp không dám tự ý nhận lời của tướng quân - Phất Kim mỉm cười.
- Vậy nếu bệ hạ đồng ý thì nàng sẽ bằng lòng gả cho ta? - Đôi mắt Nhật Khánh rạng rỡ khi nghe Phất Kim nói vậy.
Khi đó nhìn vào đôi mắt ấy của hắn, trong một khoảnh khắc, Phất Kim đã tin rằng hắn thực sự có tình cảm với nàng. Phất Kim e thẹn khẽ gật đầu rồi nửa đùa nửa thật nói thêm:
- Nhưng thiếp cũng phải xem tướng quân có phải là một bến đỗ tốt không.
- Đương nhiên ta sẽ là...
Nhật Khánh chưa nói hết câu thì bất ngờ bị một kẻ ăn mặc rách rưới, tóc tai lòa xòa đâm phải. Kẻ này chạy bán sống bán chết, vẻ mặt vô cùng hoảng sợ, dường như đang lẩn trốn sự truy đuổi nào đấy. Nhật Khánh đỡ hắn dậy rồi hỏi thăm:
- Chàng trai, sao cậu hoảng sợ vậy?
- Có người muốn đuổi giết tôi, xin đức ông nhón tay làm phúc mà cứu mạng kẻ hèn này. - Kẻ nọ vội vã nói rồi dường như vì kiệt sức do chạy trốn mệt mỏi, do nhịn đói lâu ngày mà lăn ra ngất xỉu.
Nhật Khánh sai tùy tùng đi theo khiêng cậu thiếu niên vào quán trọ gần đó nằm nghỉ tạm. Phất Kim cũng đi theo. Nàng tò mò câu chuyện của cậu thiếu niên này. Nơi đây là kinh đô, đất dưới chân thiên tử, tuy loạn lạc mới chấm dứt nhưng từ khi vua Đinh lên ngôi đã coi trọng kỷ cương phép nước, sao lại có chuyện đuổi giết người ngang nhiên nhỉ?
- Cô nam quả nữ giữa thanh thiên bạch nhật cùng nhau vào quán trọ chắc chắn là làm chuyện gió trăng. - Nhật Khánh ghé sát tai Phất Kim ỡm ờ nói. - Nàng vẫn dám đi theo ta chứ?
Phất Kim mặt không đổi sắc thản nhiên đáp:
- Làm chuyện gối chăn thì thiếp không dám còn chuyện gió trăng thì hóng gió ngắm trăng vốn là một thú vui tao nhã, có gì mà không dám.
Nhật Khánh: "..."
..........................
Cậu thiếu niên ngất xỉu mà Nhật Khánh cứu giúp tên là Đỗ Thịnh. Cậu ta mồ côi cha mẹ từ nhỏ, tứ cố vô thân làm người ở trong nhà một địa chủ. Sắp tới 30 tháng Chạp là đến lệ phải cúng một người sống cho Quỷ Xương Cuồng để hắn không quấy nhiễu cuộc sống của dân chúng. Năm nay đến lượt nhà gã địa chủ phải nộp người và Đỗ Thịnh là kẻ xấu số bị chủ chọn để tế sống. Lệ nộp người cho Xương Cuồng đã có từ thời Hùng vương đến nay. Rất lâu trước đây, viên quan phương Bắc đến Lĩnh Nam cai trị là Nhâm Ngao có ý định bỏ lệ tế này đã bị Xương Cuồng hóa phép vật chết rất thê thảm. Nên sau đó không ai nghĩ đến bãi bỏ lệ này nữa. Đỗ Thịnh không muốn trở thành vật tế nên đã cố gắng trốn khỏi nhà chứa củi mà bỏ chạy rồi lưu lạc trôi dạt đến Hoa Lư. Gã địa chủ không kiếm được ai thay thế tốt hơn và không gây ra phiền phức như Đỗ Thịnh nên không ngại cho người đuổi bắt cậu.
Nhật Khánh nghe xong câu chuyện của Đỗ Thịnh thì nói:
- Hôm nay ta gặp em xem như có duyên phận. Ta họ Ngô, tên Nhật Khánh, ngụ ở Đường Lâm. Nếu không ngại thì có thể đi theo ta. Không có cơm ngon áo đẹp thì cũng có cơm no áo ấm, lại không bị chủ ép vào chỗ chết.
Nhật Khánh vừa nói dứt câu thì Đỗ Thịnh liền quỳ sụp xuống mà lạy tạ ơn nghĩa. Phất Kim im lặng từ đầu đến cuối không hề lên tiếng. Nghe xong câu chuyện của Đỗ Thịnh thì nàng rời đi. Đến khi Nhật Khánh quay lại nhìn thì người bên cạnh đã không còn ở đó.
............................
Phất Kim khoác tấm áo choàng lên lưng vua Đinh rồi ngồi xuống cạnh ông.
- Hôm nay con lại gặp Ngô Nhật Khánh phải không? - Vua Đinh lên tiếng hỏi.
- Dạ thưa vâng.
- Thế nào rồi?
- Dạ thưa vẫn bình thường ạ. - Phất Kim đáp. - Chỉ là hôm nay bất ngờ con và Nhật Khánh gặp một chuyện...
Phất Kim không nhanh không chậm kể lại chuyện gặp Đỗ Thịnh và việc tế sống người cho Xương Cuồng với vua Đinh.
- Không thể để yêu ma làm hại dân lành như vậy được. - Vua Đinh nói sau khi nghe Phất Kim kể chuyện.
Việc Quỷ điên Xương Cuồng, vua Đinh đã nghe nói từ lâu nhưng vì bị cuốn vào vòng xoáy chiến trận của mười hai sứ quân mà lãng quên. Nay ông đã làm vua một nước, có trọng trách phải bảo vệ con dân của mình, không thể để loài yêu quỷ lộng hành.
- Phụ hoàng định bãi bỏ lệ tế người ạ? - Phất Kim lo lắng. - Năm đó Nhâm Ngao vì bỏ lệ tế người đã bị Xương Cuồng hại chết.
- Trừ hại phải trừ từ gốc. Nhâm Ngao chỉ làm ngọn nên tự rước họa sát thân, chẳng thể trách ai. - Vua Đinh lắc đầu cười đáp.
- Vậy nên cách tốt nhất là diệt Xương Cuồng. - Phất Kim tiếp lời vua Đinh.
- Đúng là con gái của ta. - Vua Đinh bật cười trìu mến vỗ vai Phất Kim.
Chú thích:
[1] Bình Kiều: Nay ở huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa.
[2] Tam Đái: Nay ở vùng huyện Vĩnh Lạc, tỉnh Bĩnh Phú.
[3] Đường Lâm: Nay ở huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây.
[4] Siêu Loại: Nay là đất huyện Thuận Thành, tỉnh Hà Bắc.
[5] Tế Giang: Nay thuộc đất huyện Mỹ Văn, tỉnh Hải Hưng.
[6] Tây Phù Liệt: Nay ở huyện Thanh Trì, Hà Nội.
[7] Hồi Hồ: Nay thuộc tỉnh Vĩnh Phú.
[8] Đằng Châu: Nay thuộc đất huyện Kim Thi, tỉnh Hải Hưng.
[9] Đỗ Động Giang: Có thể thuộc huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây ngày nay.
[10] Bố Hải Khẩu: Nay là vùng thị xã Thái Bình.
Hãy là người bình luận đầu tiên nhé!
Bình luận
Chưa có bình luận