HVTĐ27 - TRÊN DÒNG GIÓ NGƯỢC, THUYỀN XUÔI - LÊ BÌNH CHI


Tư liệu tham khảo:

- Khâm định Việt sử Thông giám cương mục

- Ngàn năm áo mũ

- Sự tích Hòn Vọng Phu

- Mô tả Vương quốc Đàng Ngoài

- Xứ Đàng Trong


Giới thiệu:

“Người đàn bà ngồi ngây như phỗng, tờ giấy báo tử tuột khỏi tay từ lúc nào, nằm chỏng chơ trên sàn nhà. Nàng không hay biết, mắt trao tráo trông ra hàng hiên. Ngoài ấy gió đang lay. Nắng tháng Mười rưới trên khoảng sân thưa một màu vàng nhợt như màu giấy cũ. Những bóng cau, luống hoa, ao cá, vệ cỏ đậm dần lên thành những nét mực tàu. Phong như nghe lại mùi máu tanh, mùi thuốc súng và mùi xác người cháy giữa bình địa. Hắn giật thót mình quay đầu, thấy Châu đang khóc vô thức. Hình như hắn nghe được tiếng lệ rơi. Sau ba năm ồn ã kêu van, bấy giờ đất trời quanh hắn mới chịu trở về yên lặng.”

_________


Làng xóm vụt qua bên khóe mắt. Hắn chạy. Bình bịch bình bịch. Từng bước chân nện xuống đêm đen ở làng Nhân Xá. Đêm vỡ ra thành tiếng chửi rủa lầm rầm và vài ngọn đèn leo lét vừa thắp. Tiếng bình bịch vừa nhỏ đi đã nặng nề lại dần. Nỗi bất an dâng lên, lan ra như sóng. Dân làng lấp ló nhìn nhau qua rào tre, ăn ý mang theo cuốc thuổng gậy gộc, đuổi theo chiếc bóng vừa chạy vụt qua ngõ. Bóng đen chạy mãi, chạy mãi, cuối cùng dừng lại ở ao đầu làng. Đêm ba mươi tối om, tịnh không một tiếng động. Chỉ có tiếng thở hồng hộc, thỉnh thoảng là tiếng rên, tiếng nấc. Tất cả đều phát ra từ bóng đen lùi lũi bên ao.


Chợt bóng đen ngã quỵ xuống đất, cuộn người, ôm mặt rên khóc. Dân làng hoang mang nhìn nhau, siết lấy gậy gộc trong tay toan xông đến. Thình lình một người đàn ông rẽ đám đông đi lên, im lặng huơ đèn một vòng rồi dừng đèn ngay trước mặt, soi rõ cái lắc đầu dứt khoát. Y trỏ trỏ vào mình, hít sâu, siết chặt cán cầm, dè dặt nhấc chân. Cách bóng đen mươi bước đã ngửi được hơi men lãng đãng, càng đến gần mùi rượu càng nồng, lẩn trong đó là mùi trầm và mùi đốt lò gay mũi. Bóng đen còn chưa biết đến hàng chục cái bóng khác vây xung quanh, chỉ rền rĩ khóc, miệng lẩm bẩm: “Trời ơi, thân tui… thân tui tội không.”


Nghe thấy giọng nói, người đàn ông tròn mắt, sải bước, bán tín bán nghi giơ đèn lên soi. Nửa gương mặt đỏ lừ đầy nước mắt của cái bóng dần hiện lên trong ánh đèn mờ. Thằng Phong! Hoá là thằng Phong! Thằng Phong điên con của ông bà Phú ở cuối làng Nhân Xá!


Người đàn ông ngoái lại báo danh tính, tức thì, đám đông yên ắng vỡ ra, ồ à rân trời. Bấy giờ Phong như sực tỉnh cơn mê, lia đôi mắt vằn vện tơ máu ra xung quanh. Cái vẻ ngơ ngác của hắn không khác mọi ngày lắm, nếu có khác, hẳn là ở chỗ trông hắn ân hận và hèn mọn đến mức người ta phải mủi lòng. 


Người đàn ông lay nhẹ vai Phong, giọng bất giác dịu đi:


– Cậu ơi…


Phong nhìn y, dại ra, đột nhiên hốt hoảng lắc đầu như trống bỏi, chắp tay lầm rầm xin tha mạng. Bất thần hắn lồng lên, xô ngã người đàn ông rồi chạy vòng quanh ao như bị ma đuổi. Đám đông cuống cuồng la hét, có kẻ co giò bỏ chạy, có kẻ đánh rơi cuốc thuổng, người lả đi, quỳ sụp xuống. Nhưng Phong vừa chạy vừa tránh, tuyệt không va vào một ai cả. Chạy nhẵn hai vòng, hắn hét toáng lên rồi nhảy ùm xuống ao. 


Ao không sâu, nước chỉ cao ngang người Phong. Hắn đứng dưới ấy như trời trồng, lần nữa ngơ ngác nhìn quanh cuộc hỗn loạn. Ký ức mới cũ thi nhau kéo về như thác lũ. Súng nổ đinh tai, voi ré toạc trời, khói bốc lên từng cột, người ngả xuống từng lớp. 


Máu. 


Máu đọng thành từng vũng, máu quyện vào bùn nhớp nháp ghì nặng bước chân, máu đọng trên mi mắt làm nhòe tầm nhìn, máu như xối như tuôn trên mặt người đối diện. Hắn không nhìn rõ, cũng không biết người mình đang giết là ai. Nhưng từ ngày có những ký ức đó về sau, đêm nào hắn cũng mơ thấy mình đứng giữa chiến trường, xung quanh là hàng trăm hàng nghìn oan hồn đỏ như tắm máu thét vào mặt Phong bằng một giọng the thé méo mó: “Sao lại giết tao? Trả mạng cho tao. Tao là người mình. Trả mạng cho tao!”


Gió đêm lùa qua se sắt. Chiếc áo phong phanh không đủ giữ ấm cho Phong đã ngâm nước ao một khắc hơn. Hắn hồi thần, người run cầm cập mà vã đầy mồ hôi. Nhìn quanh lần thứ ba, vẫn là làng Nhân Xá. Chợt Phong lục tìm khắp người, lấy ra một chiếc xuyến bằng bạc. Hắn trợn mắt thở phì phò. Phải! Chính chiếc xuyến ấy! Chính nó đã theo hắn về từ chiến địa. Chính nó đã xui oan hồn đeo bám những giấc mơ của hắn suốt ba năm trời. Hắn ngửa đầu nhìn trời đêm, hết khóc lại cười, rồi giơ tay lên thật cao, ném mạnh chiếc xuyến bạc xuống nước.


Tõm. 


Tí tách… tí tách… 


Từng vòng sóng lan ra, lan ra, đứt vỡ khi chạm đến người Phong. Phong quay ngoắt, bì bõm lội nước, trèo lên bờ. Đoạn hắn hướng đến cổng làng, bỏ đi một mạch. Dân làng ngơ ngác, đến khi cái dáng liêu xiêu của Phong mất hút trong màn đêm mới chia nhau ra báo cho ông bà Phú và lần theo vết nước rỏ dưới đất. Người ta đuổi theo nhưng vẫn không thấy Phong đâu. 



Kinh thành ngày rằm tháng Ba, trời xam xám, nắng nhợt nhạt xuyên qua mưa phùn đậu trên những mái lá lúp xúp ở chợ Đông. Người đi chợ chật như nêm, Châu và đứa hầu gái đẩy chiếc xe gỗ cọt kẹt chen chân giữa đám người, đến khi không thở được mới dừng lại dưới cây đa ở ngã tư. Nghỉ một lát, nàng bấu tay vào gốc đa phía sau, nhón chân nhìn quanh. Kia rồi, hiệu bán ấm chén gần đền Bạch Mã mà nàng tìm kiếm từ đầu hôm!


Cửa hiệu cũ kỹ không xây tầng, biển hiệu đề chữ “Gốm sứ” bạc màu nằm trên mái thấp, khiêm tốn nép mình cạnh những vách nhà mới toanh. Chật vật mãi hai người mới đẩy được xe hàng đến trước hiệu gốm. Chợ họp phiên chính, đầu giờ Tỵ [1] hãy còn nườm nượp, ông chủ hàng lại ngồi tít trong nhà, phe phẩy quạt, lim dim mắt như sắp ngủ gật. Châu gõ cửa, giật mình đánh rơi quạt, chưa kịp nhặt đã cập rập chạy ra. Ấy là một người đàn ông trung tuổi, để ria mép và móng tay dài ngoằng. Trời còn chưa ấm hẳn, ông mặc áo thâm cổ tròn tay hẹp và quần trắng, đi chân đất. Vốn đang hồ hởi, chợt nghe người đến ở làng Thổ Hà, có chồng từng giao thương với ông, ông chán chường tặc lưỡi khoát tay:


– Cô muốn bán gốm thì xuống Phố Hiến mà bán, ở đây không làm ăn được gì đâu. Kẻ Chợ [2] bây giờ có Bát Đàn [3], Bát Sứ chuyên bán đồ gốm rồi. Mấy năm nay hai đàng đánh nhau, thông thương không thuận, hiệu tôi lại nhỏ lẻ, khách mua chẳng được mấy người. 


Chợt như sực nhớ điều gì, ông ngoái người hỏi nàng:


– Mà này, cô ở Thổ Hà, nhà cô là ai thế? Sao tôi chưa thấy cô bao giờ?


Châu sững người, mãi mới khẽ đáp: 


– Nhà cháu tên Phan Văn Lưu ạ. 



Bên trong cửa hiệu tối nhờ nhờ, đồ đạc không nhiều và được sắp xếp gọn gàng, nhưng ít cửa sổ nên trông không thông thoáng. Châu tháo nón đưa cho người hầu, tay ôm bình vôi nhà mình, ngồi ở bộ trường kỷ bằng gỗ kém chất đã sờn. Trong lúc ông Sử bày cơi trầu và chuẩn bị chè, nàng đặt bình vôi lên bàn, xoay tới xoay lui ngắm nghía. 


Chiếc bình màu nâu sẫm và ấm, một thứ màu thường thấy ở đồ gốm làng Thổ Hà. Thân bình căng tròn đều được khắc hoa văn chìm, quai bình đắp hình mây nổi đối xứng hai bên. Chuyên xong chè, ông Sử thử nhấc quai lên, lại thò ngón tay út móng hãy còn ngắn vào miệng bình sờ độ dày mỏng, miệng tặc lưỡi không ngừng.


Ông ngồi xuống phía đối diện Châu, chần chừ hớp ít nước chè, mắt vẫn dán chặt vào chiếc bình vôi, giọng đầy hoài niệm:


– Lần đầu chào hàng với tôi cậu Lưu cũng mang bình vôi. Chiếc bình ấy mỏng mà chắc, có láng men, cũng màu nâu như chiếc này. Gõ kêu lắm, nghe như tiếng chuông vậy. Cũng bảy năm rồi nhỉ… Mà mợ bảo cậu Lưu đi lính là đi khi nào, chưa có tin gì à?


– Nhà cháu đi hồi năm Tân Hợi, năm sau hai đàng đánh ở Bố Chính [4], nên chắc là vào trong ấy. Đánh xong nhà cháu không về, cũng không có ai báo tử. – Châu dừng một hơi như để nhẩm tính. – Lúc ông ấy đi, thằng cu của chúng cháu một tuổi, tháng sáu năm nay mới lên ba… Thế là gần ba năm rồi ông ạ. 


– Mợ không hỏi thăm ở đâu ư? Người trong làng có ai đi cùng đợt không?


– Quanh năm cháu ở trong làng, từ lúc ông ấy đi vắng, mẹ chồng mất, cháu mới ra mặt buôn bán, kể cũng không quen thân ai. Người làng có người về, nhưng… hỏi không được.


Ông Sử quay đi, tâm trí lại hiện lên bọn trai tráng khúc chợ Đông năm nào bị xua ra trận, lúc về không có ấm tước vinh quy bái tổ, chỉ có đôi mắt mờ mịt, hoảng loạn mỗi khi nghe tiếng động lớn hay tiếng súng tập trận. Rồi ông chợt nhớ đến cậu Lưu. Người thanh niên ấy có làn da rám nắng, vóc thước không cao nhưng rắn rỏi, mỗi lần cười trông hồn hậu và dễ gần. Nhưng khi bàn chuyện làm ăn, đôi mắt sâu của chàng như xoáy vào người đối diện. Thỉnh thoảng, lúc trầm tư giữa cuộc chè nước, mắt chàng lại dõi ra xa, cời lên một lớp sương mờ, cũng gần giống như cái mịt mờ của những người vừa về từ chiến trận. Nhưng những năm ấy chàng mới mười chín, hai mươi.


Đi lại nhiều, ông biết gốc gác chàng không phải Kinh Bắc, cũng đoán chừng nhà chàng từ phương Nam lên. Thời nội loạn, chuyện lưu lạc rồi ngụ cư miền xa không hiếm. Sau này khi nhìn sành hàng gốm chàng mang đến, ông mới chắc quê chàng ở Bố Chính, hoặc từng sống lâu năm ở Bố Chính, vì cách chuốt gốm và độ dày của gốm không giống hàng Thổ Hà mà giống của làng Mỹ Cương ở Bố Chính hơn. 


Nếu lần này Lưu có đi mà không có về thật, thì có tính là lá rụng về cội không nhỉ?


Trở về từ dòng hồi tưởng mông lung, ông Sử lại săm soi chiếc bình vôi. Ông đặt ngón út lên thân bình, làm động tác như gõ, nhưng ngón tay yếu ớt chạm vào lớp men chỉ phát ra những âm đùng đục, nhẹ hều. Rồi ông lại chụm tay xoay chiếc bình trên bàn, chờ xem nó ngả đi đâu, có đứng vững không. Châu thấp thỏm mím môi, hai tay xoắn lấy vạt áo. Chờ nàng uống nhẵn chén chè, ông mới đủng đỉnh lắc đầu:


– Cậu Lưu với tôi là chỗ quen biết, trước đây đồ gốm nhà cậu mợ còn rặt Mỹ Cương, hiệu tôi còn khá khẩm nên bán gì cũng được. Bây giờ gốm này lai căng, không Mỹ Cương cũng không Thổ Hà, ai nhìn mà không biết, khó lắm.


Ông Sử bỏ lửng lời mình, cuối cùng kết thúc buổi chè và sự im lặng của người đối diện bằng một câu chắc nịch:


– Thôi, mợ thử nghe tôi, xuống Phố Hiến mà bán.



Năm ngày ròng, chiếc xe gỗ cọt kẹt đi khắp kinh thành, qua bao nhiêu phiên chợ sáng chiều, hàng gốm trên xe mới vơi non nửa. Tiền thu được tiêu gần hết vào việc chuyển hàng và ngồi thuyền đi, về, số ít còn lại được nàng dành ra mua quà cho đứa con nhỏ. Chuyến này lên kinh không trắng tay, nhưng cũng chẳng xem là đáng giá. 


Về làng, từ xa Châu đã thấy hai bóng người đứng cạnh điếm canh vẫy tay, là một người đàn bà đầy đặn đang khom người nắm tay một đứa bé cao chưa đến hông. Nhận ra là con trai và bà vú, Châu bước dồn đến gần, bế thằng bé Độ lên, hôn mải miết vào má nó. Nó cười như nắc nẻ, reo to:


– Mẹ về, mẹ về rồi.


Dọc đường vào làng, nàng trêu đùa với con, thỉnh thoảng lại hỏi vú nuôi đôi câu. Bà nói sớm nay bõ già mời khách đến nhà, xem chừng bí mật lắm, bảo bà đưa thằng bé vào phòng chơi. Biết hôm nay Châu về thằng bé nhấp nhổm mãi, đòi ra cổng làng đón mẹ. Vậy là bà vú bế nó ra đây chơi, đứng đợi Châu những nửa canh giờ. 


Đến quãng giữa làng, Châu bỗng ngạc nhiên dừng chân. Trước mặt nàng là người thợ chở sét trung thành của xưởng đang đẩy một xe đất sét nhưng không phải lối đến xưởng. Nàng thắc mắc, y đáp rất mau: 


– À, mợ về. Bõ già bảo tôi mang ít đất sét đến nhà để bõ xem xét.


Châu ngạc nhiên, nhích lên một bước:


– Anh có nghe bõ nói xem gì không?


– Không ạ, nhưng vừa nãy bõ mời một người đến nhà, nghe làng mình bảo là thầy cúng. Ông này có tiếng chiêu hồn nhập táng ở Kinh Bắc. Sớm nay mợ đi chưa về, người ta đồn om sòm hết cả lên.


Châu phì cười nhẹ nhõm, bảo y cứ mang đất sét đến xưởng; đằng này thì nhờ bà vú bế hộ đứa con trai về sau, còn mình xăm xăm đi trước. 


Nhà chồng nàng ở đoạn giữa làng, nhưng phải rẽ ba, bốn lần mới đến nơi. Ngôi nhà năm gian của gia đình ngụ cư gần như tách biệt khỏi xóm làng, vốn đã yên ắng nay lại càng vắng lặng. Nắng chênh chếch rọi. Trên lối vào lát gạch đỏ mòn vẹt, hoa cau lác đác rơi. Hai bên lối đi là viền cỏ cao ngang cổ chân người, đang rập rờn trong gió xuân muộn. Ao bèo phía này, chum vại phía kia, tấm liếp bạc màu, chiếc chõng con trước hàng hiên…, thảy vẫn y như mười ngày trước. 


Châu bỏ nón, thở phào, nhưng chưa dứt hơi đã lại phập phồng vì nghe tiếng trò chuyện từ trong vẳng ra. Là bõ già đang tiếp chuyện một người đàn ông ở gian bên. Thấy là Châu về, ông khấp khởi nửa mừng nửa lo, lom khom vái chào rồi giới thiệu thầy cúng mình mời đến. Châu có vẻ không ưng bụng, người đầy tớ già cúi đầu tránh cái nhìn như xoáy của nàng, ngập ngừng:


– Thầy đến để xem ngày làm lễ chiêu hồn nhập táng cho cậu Lưu. Tôi biết không phải chuyện nay mai, nhưng còn nhiều thứ phải chuẩn bị, sợ cập rập nên phải vời thầy đến sớm.


Châu sững sờ, bật cười khô khốc:


– Ô hay, bõ nói gì lạ thế. Chồng tôi đi lính chưa về chứ đã chết đâu mà chiêu hồn với chả nhập táng. Huống chi tôi đi vắng, sao bõ chưa hỏi ý tôi đã mời thầy?


– Nhưng…


– Thôi, có tin gì thì sau hẵng tính. – Châu nghiêm mặt, quả quyết ngắt lời. – Bõ đi lấy một ít biếu thầy làm lộ phí nhé, rồi tiễn thầy giúp tôi. Thứ cho tôi vừa đường xa về nhà, không tiễn thầy được.


Nói xong không chờ bõ già đáp lời, nàng đi một mạch về phòng, đóng cửa cài then, ngồi bó gối trên sập. Tiếng bõ già ái ngại và thầy cúng có vẻ xuề xòa ngoài kia nhỏ dần. Sau chốc bần thần, nàng mở tủ áo lấy ra cái tráp gỗ to hơn hai bàn tay đựng tiền bạc và mấy món trang sức. Tiền không nhiều, bạc còn hai nén, trang sức là đồ hồi môn mẹ tặng ngày xưa. Chi dùng trong nhà hết bao nhiêu? Tháng này nếu xưởng thua lỗ, phải bù vào bao nhiêu? Nếu làm ma chay cho chàng, phải tốn bao nhiêu… 


Châu cười mỉa, lại cất cái tráp vào tủ, khóa trái cẩn thận, nhưng gương mặt hờ hững như thể cái tráp ấy rỗng không.


Chợt có tiếng gõ cửa chần chừ, bên ngoài phơn phớt một chiếc bóng thấp gầy, lom khom. Là bõ già vừa tiễn khách ra khỏi đầu làng quay về. Châu ngập ngừng hé cửa, cười gượng với ông. Ông vái chào, kéo vạt áo bạc màu lau đôi mắt kèm nhèm, cất giọng khàn khàn già nua:


– Mợ thứ lỗi cho tôi. Không phải tôi tiền trảm hậu tấu, mà định xem ngày giờ, chờ mợ về mới thưa lại.


– Tôi không buồn bõ chuyện ấy…


Giọng bõ già hèn nghẹn như mắc tóc ở họng:


– Mợ thương cậu, tôi cũng thương. Tôi trông cậu từ bé đến giờ, sao lại muốn cậu chết được. Nhưng cậu đi gần ba năm rồi, hay là… để cậu yên nghỉ thôi, mợ ạ.


Ba năm. Mỗi lần nói hai tiếng ấy Châu phải dừng lại một lát, tính toán thật kỹ. Người khác nói sao mà trơn tru, mà nhanh thế, vô tư lự như đứa trẻ đang tập đếm. Nàng bấu tay vào khung cửa, giọng nhẹ bẫng:


– Sao bõ cứ ra dáng chắc mười mươi là chồng tôi chết rồi? Làng mình còn vài người đi chưa về, đã ai làm ma chay, giỗ cúng gì đâu. 


Bất chợt người đầy tớ già ôm mặt, thân mình còm cõi run lên từng đợt như cây khô oằn trong gió bão, khẽ thốt:


– Lúc đi cậu dặn tôi, một năm sau thấy cậu không về thì cứ hay là cậu tử trận, rồi đưa cho mợ thứ này.


Nói rồi ông đưa cho nàng một bọc vải nhỏ và mỏng. Thứ đồ nhẹ tênh mà nặng tựa nghìn cân, kéo bõ già quỳ sụp xuống ngay trước mặt thiếu phụ. Nàng bước khỏi cửa, đón lấy bọc vải được dâng lên như cách người ta dâng cho chúa, cho vua món gì quý báu, run run giở ra. Là nửa đồng xu được bẻ rất ngay và một lá thư thôi vợ.



Từ dạo biết chuyện, Châu lặng lẽ hơn hẳn. Thỉnh thoảng bõ già lại bắt gặp nàng ngây người trước bàn thờ bố mẹ chồng, mắt đỏ hoe chực khóc, điệu muốn đốt hương cho ông bà cụ nhưng thôi. Nàng cũng không còn năng đến xưởng gốm như trước kia, chỉ luẩn quẩn trong phòng với con. Được một quãng, Châu ngã bệnh, mặt bủng beo, tay chân gầy nhẳng. Một bận nắng gắt, nàng ngất xỉu dưới gốc cau trước nhà. Tỉnh dậy, thấy thầy thuốc đang xem mạch cho mình, nàng lại nhắm mắt, thều thào:


– Sao không để tôi chết quách cho rồi.


Nói rồi nàng tự đáp:


– Chết rồi tiền đâu đem chôn.


Thầy thuốc đi rồi, từ cửa phòng ló ra cái đầu nhỏ xíu. Là thằng bé Độ. Nó vừa lên ba, đang tuổi ăn tuổi lớn nhưng chẳng mấy khi có áo mới, bấy giờ đang mặc chiếc áo vải từ mùa thu năm ngoái, ngắn cũn cỡn không che hết cái bụng phình to. Chờ người trong phòng đi hết, nó trèo lên giường nằm cạnh mẹ, dụi đầu vào người mẹ cách một lớp chăn. Châu trở người vỗ về con:


– Mẹ đang bệnh, đừng tới gần, không mẹ lại lây cho con. 


Như phát giác điều gì, thằng bé không chịu xuống giường, ôm siết lấy mẹ, sụt sịt:


– Bố bỏ con rồi, mẹ đừng bỏ con nhé.


Thiếu phụ im lặng, nước mắt lăn dài trên đôi má xanh xao hốc hác. Nàng cắn môi kìm tiếng nấc lại, nghĩ bụng, Lưu bỏ vợ chứ đã bỏ con đâu. Nhưng bây giờ chàng đi biệt rồi, chết sống không rõ, dù còn sống cũng không quay về. Thế thì bảo bỏ con cũng đúng. 


Ồ, thế đấy, vợ con chàng chẳng bằng một lão đầy tớ. Bõ già còn được chàng căn dặn đôi câu, còn nàng và con, từ trước lúc tòng quân chàng đã lạnh nhạt hẳn. Ngày xưa, những đêm âu yếm trước lúc chàng đi làm ăn xa, chàng thường thủ thỉ dặn dò nàng chăm nom mẹ già và nhà cửa. Chàng dặn nàng đừng lao lực quá, còn hay bảo, mình ở nhà chờ anh nhé, anh đi ít hôm lại về.


Lần cuối cùng chàng không dặn dò gì, nàng nghi ngờ mãi, hoá ra chàng muốn bỏ hết tất cả ở Kinh Bắc mà đi.


Tháng lại ngày qua, Châu hờ hững dần, không buồn không vui, chỉ cố nuôi con và gánh gồng xưởng gốm. Giờ đây làm gốm là kế sinh nhai duy nhất, nhưng cứ thất bát mãi. Cảnh nhà túng quẫn, nàng đã cho vú nuôi và vài người nữa ở xưởng thôi việc rồi. Giữa lúc Châu toan đóng xưởng để quay lại nghề làm nem xưa, ông Sử trên kinh chợt gửi đến một lá thư. Thư rất ngắn gọn, bảo rằng ông có một vụ làm ăn béo bở – dù hơi mạo hiểm, vì nghĩ tình nghĩa với cậu Lưu nên rủ nàng đánh liều một phen. Được ăn cả, ngã lại chẳng đến nỗi về không. Trong thư không thể dông dài, ông mời nàng lên kinh một chuyến để tiện bề thương thảo.


 

Tháng Bảy, tiết trời ngày càng đỏng đảnh, thoắt mưa thoắt nắng. Những ngày không họp phiên, chợ Đông trên kinh thành vắng lặng, lưa thưa bóng người khuân vác và đẩy xe chở hàng qua lại. Ngày nọ, giờ Tỵ, một đoàn bốn người khiêng võng che mành và hai gã hầu mang lỉnh kỉnh túi vải dừng lại trước hiệu gốm cạnh đền Bạch Mã. Ngồi trên võng là một cậu ấm đầu đội nón nhỏ khuôn [6] che khuất nửa gương mặt. Hắn làm gì cũng đưa tay giữ lại chiếc nón ấy khư khư trên đầu.


Ông chủ hiệu đón vị khách trẻ bằng nụ cười thân tình và điệu bộ chào mời cung kính. Vừa vào trong hai người vừa chuyện trò, thăm hỏi đôi câu. Người thanh niên luôn trả lời bằng khẩu âm kinh thành lơ lớ, giọng nói nhẹ và rụt rè. 


Cuộc hàn huyên dừng ngay trước hiên gian nhà khách. Bên trong, ở bộ trường kỷ là một thiếu phụ ăn vận tươm tất đang ngồi uống nước, có đứa hầu nhỏ tuổi tay ôm chiếc bình gốm đứng cạnh bên. Nhác thấy ông Sử dẫn người thanh niên trở vào, thiếu phụ vội vã đứng dậy, hai tay đan lại để trước người, chốc nâng lên rồi lại buông xuống. Ông Sử cười bảo:


– Đây, cậu Phong, người mà tôi bảo với mợ trong thư đấy. 


Châu khom người chào, người bên kia đáp lễ chỉn chu nhưng chiếc nón trên đầu vẫn không tháo xuống. Từ chỗ nàng nhìn qua chỉ thấy đôi môi tái nhợt đang mím và nửa gò má dưới nám đen, khô sọp của người thanh niên. Nàng hoài nghi nhìn ông chủ hiệu, ông tặc lưỡi hỏi:


– Trời nóng, cái nón vướng quá. Hay cậu để ai cầm, hoặc đứa hầu tôi mang đi cất hộ.


Chần chừ mãi, cuối cùng hắn cũng tháo nón xuống. Da đầu mát lạnh. Mớ tóc gốc rạ và vết sẹo đỏ hồng gần tai trái cứ thế trần trụi trước ba, bốn cặp mắt đang nhìn chăm chăm. Châu hít sâu một hơi, nhíu mày xăm xoi nửa gương mặt vừa thoát khỏi bóng râm của chiếc nón. Làn da xám xanh. Mày cau nhẹ, hốc mắt trũng, thâm quầng, bờ mi rũ nhưng tròng mắt không đứng yên. Gò má cao và xương, hóp dần về phía cằm. Không ngờ một cậu ấm dáng vóc cao lớn, ưa nhìn lại cạo đầu [7], còn mang bộ mặt thân tàn ma dại như thế!


Ông Sử là người đầu tiên phá vỡ im lặng, kể những chuyện dông dài mua vui. Lời qua tiếng lại một hồi Châu mới bớt săm soi, nhưng ánh mắt thỉnh thoảng vẫn ngó qua mái đầu “lạ lùng” của người đối diện. Ánh mắt chăm chú quá mức và tiếng thở dài buột miệng của Châu bị ông Sử bắt gặp. Ông thắc mắc, Châu lại hỏi ngược lại:


– Nghe giọng cậu Phong không giống người ở đây, bác nhỉ? 


Châu dù hỏi ông Sử nhưng vẫn không cả nể mà nhìn Phong đăm đăm. Hắn cụp mắt, hắng giọng:


– Thưa vâng, quả thực tôi không phải người Thăng Long.


Nỗi bất an vừa nguôi trong lòng Châu lại trỗi dậy.


– Nhà tôi xưa ở Nam Bố Chính, thỉnh thoảng có vào Nam chơi, tận Quảng Nam kia. Cậu Phong làm tôi nhớ người xứ ấy quá…


– Mợ này…


– Bác Sử nhỉ?


Nàng ngắt lời ông, nụ cười kịch một cách huỵch toẹt và cái nhìn như xoáy của nàng chẳng khác gì anh chàng từng làm ăn với ông xưa kia. Ông thở dài, ngó sang Phong. Hắn lẳng lặng suy nghĩ một hồi rồi gật gù đáp bằng giọng Quảng rặt:


– Đúng, tui là người ở Quảng Nam, Đàng Trong. 


Ông chủ ôm trán, “chậc chậc” mãi không đáp được lời nào. Châu tức đến mức bật cười:


– Bác biết anh ta là người Đàng Trong mà dám đi lại làm ăn ạ? Còn hẹn gặp ngay dưới mắt nhà Chúa… Bác dám, nhưng mẹ con cháu xin chừa!


Dứt lời nàng đứng phắt dậy ra về. Ông Sử vỗ đùi cái “đét”, mắt mũi môi mày díu hết vào nhau, than trời tặc lưỡi liên tục. Phong với tay cầm chén chè nhưng không uống, trầm ngâm bảo:


– Đất ni nước ni của vua Lê, của người Việt mình, chia cắt làm chi?


Châu đứng ngoài hàng hiên đáp:


– Đất vua nhưng quyền của chúa. Hai đàng cấm giao thương, quê tôi còn chẳng dám về, nữa là làm ăn với Đàng Trong các anh. 


Phong lắc đầu:


– Cấm thì cấm, người ta vẫn buôn qua bán lại đầy ra đó!


Ông chủ Sử ra hiệu cho hắn im lặng, nói:


– Mợ đang túng, lãi chuyến này đủ để giữ lò gốm lại. Mợ không tiếc công cậu Lưu, không tiếc xưởng đấy sao? Tôi nghe bảo mợ định mở hàng nem, nhưng vùng ấy không làm gốm thì còn làm gì hơn nữa hả mợ? Đã tính thì phải tính chuyện lâu dài. Thằng cu nhà cậu mợ tuổi ăn tuổi lớn, biết làm sao…


Nghe xong Châu im lặng một lúc, giọng dịu lại:


– Nhưng quan trên tóm được thì ngồi tù mọt gông chẳng đùa! Lò gốm Đàng Ngoài còn đầy, xưởng nhà cháu bé, gốm không Thổ Hà cũng không Mỹ Cương, có gì quý để anh ta để mắt đâu. 


Thấy Châu có vẻ xuôi tai, ông rời trường kỷ đến gần nàng, thì thầm:


– Mợ cũng biết nhà cậu Phong buôn rượu, đựng bằng đồ sành Thổ Hà thì còn gì bằng! Ngặt nỗi đằng ấy vòi gốm Thổ Hà nhưng bề ngoài phải sắc, phải tinh, phải cầu kỳ. Quan trọng nhất là cậu Phong này nghe ngóng được tin cậu Lưu! Trùng hợp là người ta cũng muốn hỏi tin tức người quen ở Thổ Hà. Vụ này lại chẳng đo đầu thửa mũ với gốm nhà mợ hay sao? 


Thấy nàng ngỡ ngàng lặng đi, ông lại giục:

 

– Hay là quay vào nói cho nốt chuyện, bõ công mợ lặn lội từ Kinh Bắc xuống, người ta gấp rút từ Phố Hiến lên. 


Châu lại trở về cuộc mua bán, nhưng hễ nhắc đến giao thương hai đàng lại ngại ngần cho đấy là buôn lậu, quả quyết không muốn tham gia. Phong không đáp lời, chỉ bâng quơ đưa tay sờ đầu, húng hắng ho hoặc đôi khi xổ giọng Quảng Nam chen vào luận đàm thế sự. Ông Sử như sợi dây kéo căng hai đầu, tức ấm ách mà không biết làm sao, vỗ bàn bảo:


– Thời buổi khó khăn, như hai người thì chỉ có chết!


Ấm chén trên bàn nảy lên rổn rảng phụ hoạ lời người đàn ông. Ông quay ngoắt đi, khoát tay:


– Trống đánh xuôi kèn thổi ngược, tôi níu kéo cũng như không. Thôi, đôi bên ai cũng muốn tìm người thì cố hỏi nhau cho tường tận để không uổng công đường sá xa xôi.


Ông dứt lời, gian nhà rơi vào im lặng. Người thanh niên siết tay, nhếch môi quay đi, điệu chẳng buồn để ý. Thiếu phụ ngoái nhìn đứa hầu, lại nhìn quanh quất gian nhà. Sực thấy miệng mình khô khốc, nàng uống nước, một hớp rồi lại thêm hớp nữa. Uống rồi miệng vẫn khô, vẫn chát. Bàn tay đặt trên đùi đã vò gấu áo đến nhàu. Nàng cụp mắt, ngắn gọn kể lại câu chuyện đã tái diễn trong đầu mình hàng trăm, hàng vạn lần, cái giọng đanh cứng quả quyết vừa rồi giờ ngập ngừng, nhẹ và lạc hẳn đi:


– Chồng tôi đi lính hồi năm Đinh Hợi [4], đánh trận Nhâm Tý, ba năm còn chưa thấy về… 


Phong “À” một tiếng nghe thương cảm rồi im lặng chờ người kia kể tiếp.


– Không có giấy báo tử, tôi cũng chẳng biết mấy mặt người để hỏi thăm tin tức tận trong Nam. Thật lòng, sức mọn như tôi không mong cầu chuyện mua bán lớn, chỉ muốn cậy nhờ người hỏi giúp chuyện ông nhà. Cậu Phong là người trong Nam, đi lại nhiều, nhẽ cũng quen biết rộng. Chẳng hay… 


Nàng nhìn Phong dè dặt, hắn lại rũ mắt nhìn chén chè. Mấy chuyện hậu chiến này hắn không muốn nhúng tay lắm.


– Tôi nghe bảo cậu muốn hỏi thăm người làng tôi. Chi bằng cậu hỏi tôi ngay, tôi biết gì nói nấy. – Thiếu phụ bất chợt gấp rút. – Chuyện chồng tôi thì thư thả… Sao cũng được, miễn là có tin.


– Chồng mợ tên gì? 


– Phan Văn Lưu ạ.


Hắn giật mình như sét đánh bên tai, run rẩy hỏi:


– Phan Văn Lưu nhà ở Thổ Hà, Kinh Bắc, đăng lính năm Đinh Hợi, nhà có mẹ già, vợ mười chín và đứa con được gần một tuổi. Đứa bé tên Độ, phải không?


Châu và ông Sử không tin vào tai mình, ngạc nhiên nhìn nhau. Nàng khấp khởi rướn người:


– Vâng, năm ấy đúng là thế. Nhưng làm sao cậu biết nhà tôi?


Thiếu phụ hỏi dồn dập khiến Phong hoảng hốt, mặt cắt không còn giọt máu, tay chân rụng rời. Thấy hắn lắp bắp mãi không thành câu, ông Sử lo lắng hỏi: 


– Xưa cậu Lưu giao du làm ăn ở Phố Hiến, nhà cậu Phong cũng đi lại Phố Hiến luôn, chắc là bạn hàng nhỉ?


Đã đến thế Phong vẫn hết gật rồi lắc đầu, điệu bộ hoảng loạn. Hai gã hầu theo sau hắn đứng im như phỗng bấy giờ bất ngờ tiến lên vây quanh Phong, một tên luống cuống trấn an chủ, một tên tìm cớ thoái thác với ông Sử và Châu. Thế rồi hai tên bên dìu bên đỡ Phong ra khỏi hiệu đồ gốm, lên võng ra về. Chúng thúc giục, phu khiêng võng rảo bước như bay, người trong hiệu cập rập chạy ra mà không kịp đưa tiễn. Sự tình chẳng lửng lơ chẳng đâu vào đâu, chưa ai kịp hiểu gì đã xong hết cả.


Lại lần nữa lên kinh rồi ra về tay trắng, Châu không còn trông mong gì tin tức chồng. Xem như chồng nàng chết rồi, mẹ con đùm bọc nhau đến cuối đời cũng hay. Buổi can qua, sinh ly tử biệt là chuyện tất yếu. Biết đâu trận Nhâm Tý ấy ác liệt hơn nàng nghĩ. Biết đâu chàng thôi vợ để nàng đi bước nữa mà không quá khổ đau. 


Hai tháng trôi qua, xưởng gốm đang đà lụn bại bỗng nhiên khởi sắc. Ông Sử và vài hiệu gốm khác trên kinh gửi thư đến báo có người tìm mua gốm nhà họ Phan, tuy chỉ được vài chuyến hàng nhưng cũng đủ để xưởng không đóng cửa. Lại còn có khách dưới Phố Hiến lên tận Kinh Bắc tìm mua bình, vại đựng rượu. Không một ai trong số họ mảy may hỏi đến chuyện Thổ Hà hay Mỹ Cương. Một bận lên kinh, nàng hỏi ông Sử. Khác hẳn với vẻ soi xét ngày đầu, ông tấm tắc khen gốm họ Phan vừa cứng chắc vừa sắc sảo, có dáng chuốt lạ, nhất là làm được những món đồ nhỏ như ấm chén, lọ con vốn không phải thế mạnh của gốm Thổ Hà.


Đường mua bán lại có sinh khí khiến Châu nguôi ngoai chuyện của chồng. Lá thư ly dị và nửa đồng xu dạo trước nàng hay xem đến thất thần giờ cũng xếp cất ở đáy rương, thể như chúng không hề tồn tại. 

Một ngày tháng Mười, gió trời lạnh se, khi Châu đang ở xưởng mang gốm ra phơi, đứa hầu báo tin là nhà có khách. Nàng ngờ ngợ là bõ già lại mời thầy cúng, định bụng sẽ tìm lời dặn bõ thư đến năm sau. Không ngờ đứa hầu lắc đầu, hoang mang nói nhỏ, người đến nhà là Phong.


Chuyện Phong tìm được nhà mình Châu không quá ngạc nhiên. Điều khiến nàng ngạc nhiên là lý do xui hắn đến đây. Lúc gặp, hắn đã yên vị trên chiếc chiếu cạp điều duy nhất trong nhà, trầm lặng uống nước, có khi lại hỏi bõ già đang cười tít mắt đôi câu. Châu lấy làm lạ lùng. Chắc là bõ lãng tai nên không nghe ra giọng hắn lơ lớ, hoặc từ lần bị nàng bắt bẻ hắn đã học thêm giọng Đàng Ngoài. Tóc hắn vẫn còn ngắn nhưng bõ già không thắc mắc chi. Nàng tặc lưỡi nghĩ bụng, loại nào bõ cũng mời vào chơi xơi nước thì đến tan hoang nhà cửa mất! 


Thấy nàng từ ngoài hiên, Phong lồm cồm đứng dậy vái chào. Bõ già toan đến đỡ hắn giúp nhưng hai gã hầu thân cận nhanh chân hơn. Phong vẫn nguyên vẻ mặt bệnh tật ấy, thậm chí trông còn ốm đói hơn trước, nhưng dáng đứng vẫn thẳng tắp. Bấy chừng so với đồ đạc trong nhà nàng mới nhận ra người này rất cao, cao hơn chồng nàng cả một cái đầu, nếu vạm vỡ và hồng hào thêm đôi chút chắc sẽ giống người trong quân lắm. 


Giọng bõ già hồ hởi kéo nàng về từ suy nghĩ xa xôi:


– Thưa mợ, cậu Phong xưng là bạn của cậu Lưu nhà ta, nhà ở Phố Hiến, hôm nay lên chơi. 


Hóa ra là bạn của Lưu. Châu mỉm cười gật đầu, bảo bõ đi chợ nấu cơm đãi khách. Chờ bõ đi rồi nàng lại ngồi vào chiếu chủ, hỏi thăm bệnh tình Phong đôi câu. Nghe hắn ứng đáp bằng giọng kinh thành, nàng buồn cười ra mặt:


– Người Phố Hiến nói giọng kinh thành, chắc chỉ lừa được bõ nhà tôi. Sao cậu không nói mình là người Quảng Nam? Bõ tôi dễ tính, biết cậu là bạn ông Lưu cũng đủ niềm nở rồi.


– Tôi đâu có lừa ông cụ. – Hắn cúi đầu, điềm nhiên. – Nhà tôi trước kia có cửa hiệu ở Phố Hiến, chuyên bán hàng từ Đàng Trong ra. Sau này hai Chúa đánh nhau mỗi lúc một nhiều, rồi từ năm Nhâm Tý thì cấm hẳn giao thương nên bán hiệu ấy cho một người Đàng Ngoài. Trên danh nghĩa là vậy. Còn chuyện tôi là người Quảng Nam, nói ra lại chẳng gây tai vạ.


– Biết thế mà hôm trước cậu còn định làm ăn với chúng tôi?


– Tôi với anh Lưu là chỗ giao tình, vả lại mấy chuyện này nhà Chúa cũng thường du di.


Châu nhìn Phong chằm chằm, cười nhẹ:


– Sao tôi chưa nghe nhà tôi kể ông ấy có bạn trạc tuổi ở Phố Hiến hay Quảng Nam nhỉ?


Bất giác hắn sờ vào chiếc túi giắt ở dây thao, thở dài:


– Chị còn chưa tin tôi.


– Thì tôi đã tin cậu đâu mà “chưa”. 


– Chị cũng nghe ông Sử nói đấy, tôi muốn hỏi thăm người ở làng Thổ Hà.


Châu lặng đi một chốc, kiểm đếm hết những mối làm ăn mà chồng chép lại trong sổ sách. Phố Hiến là chốn đắc địa, tụ họp hết thảy thương buôn ngoại quốc ở Đàng Ngoài, mấy ai làm ăn mà không ghé qua. Quả thực chồng nàng hay tới lui Phố Hiến; còn chuyện bè bạn, biết đâu chàng quên kể với nàng.


– Tôi đâu lừa chị làm gì. À, dạo trước chị nhờ tôi, lúc về tôi ghé Bắc Bố Chính, đã nhờ người tra giúp rồi. 


Hắn chìa trước mặt Châu một tờ giấy, nàng hồ nghi nhận lấy, bàng hoàng đọc tới đọc lui, môi mấp máy mãi không thành lời. Là giấy báo tử gửi từ Bắc Bố Chính về đây. Chồng nàng hy sinh ngay trước khi trận đánh cuối cùng kết thúc.


Không nghe tiếng động gì, Phong ngẩng đầu nhìn. Người đàn bà ngồi ngây như phỗng, tờ giấy báo tử tuột khỏi tay từ lúc nào, nằm chỏng chơ trên sàn nhà. Nàng không hay biết, mắt trao tráo trông ra hàng hiên. Ngoài ấy gió đang lay. Nắng tháng Mười rưới trên khoảng sân thưa một màu vàng nhợt như màu giấy cũ. Những bóng cau, luống hoa, ao cá, vệ cỏ đậm dần lên thành những nét mực tàu. Phong như nghe lại mùi máu tanh, mùi thuốc súng và mùi xác người cháy giữa bình địa. Hắn giật thót mình quay đầu, thấy Châu đang khóc vô thức. Hình như hắn nghe được tiếng lệ rơi. Sau ba năm ồn ã kêu van, bấy giờ đất trời quanh hắn mới chịu trở về yên lặng.

Phong nghỉ chân đến chiều, kể lại kỷ niệm với Lưu hồi hai người gặp nhau ở Phố Hiến cho Châu và bõ già nghe. Hai người từng ghé hàng nào, quán nào, vãn cảnh ở đâu, Lưu tức cảnh ngâm bài thơ nào. Lưu còn hứa nếu Phong đến Kinh Bắc, chàng sẽ dạy hắn đôi câu quan họ để tham gia hội hát. Châu cười giòn, chàng gặp ai cũng hứa như thế. Chàng không phải người Kinh Bắc, nhưng yêu cái chốn này như yêu nơi chôn nhau cắt rốn. Chàng yêu câu hát, yêu dòng sông, yêu những chuyến tàu xe ngược xuôi chở sét từ vùng Chóa về đây, yêu lò gốm này và những vách nhà san sát đắp bằng mảnh sành vỡ. Trước ngày đăng lính chàng còn nói, rằng chàng không muốn chiến tranh lan đến Kinh Bắc và Thổ Hà. Dẫu chàng không giải thích, nàng vẫn đinh ninh chàng bỗng dưng muốn đi đánh trận là vì lẽ ấy.


Buổi chiều trước khi Phong đi, Châu dẫn hắn qua thăm xưởng gốm. Hắn bùi ngùi nhìn quanh, nhớ lại lời Châu kể về Lưu, dường như thấy người đàn ông ấy ngồi bên bàn xoay chuốt gốm, da tay nhuốm màu đất sét nâu vàng. Người ấy mang gốm ra sân phơi, chống hông vặn người, miệng không ngớt cười đùa với người làm ở xưởng. Rồi người ấy cưới vợ, đôi vợ chồng trẻ chăm bẵm xưởng gốm như chăm một đứa bé tập ăn tập lớn. Trước ngày theo quân xuôi Nam, người ấy bế đứa con nhỏ trên tay, dạo một vòng quanh xưởng, chỉ cho con thấy từng ngóc ngách một của niềm tự hào đời mình.


Phong gục đầu, bật khóc.


Con người ấy đã chết rồi. 


(Đây chỉ là một phần nội dung, toàn bộ nội dung sẽ được in đầy đủ vào sách khi tác phẩm được lựa chọn.)


Chú thích:


[1] Khoảng 9 giờ sáng.

[2] Một tên gọi của Thăng Long thời Lê-Trịnh

[3] Hai phố cổ ở Kẻ Chợ (Hà Nội ngày nay)

[4] Năm 1671

[5] Thuộc tỉnh Quảng Bình ngày nay

[6] Loại nón thời Lê Trung Hưng - Ngàn năm áo mũ.

[7] Người thời Lê Trung Hưng chuộng để tóc dài, cho rằng người tóc ngắn và cạo trọc là không đàng hoàng.


__________

Nếu bạn yêu thích tác phẩm này, hãy bình luận nêu cảm nhận cho chúng tớ biết nha.

0

Hãy là người bình luận đầu tiên nhé!

Bình luận

Chưa có bình luận
Preview Settings

Try It Real Time

Layout Type
    • LTR
    • RTL
    • Box
Sidebar Type
Sidebar Icon
Unlimited Color
Light layout
Dark Layout
Mix Layout