Tư liệu tham khảo:
Báo điện tử: https://danviet.vn/chua-meo-di-tich-co-tu-the-ky-13-o-mot-lang-mien-nui-thanh-hoa-ly-ky-chuyen-linh-mieu-cuu-chua-20240416000907549.htm
Viện Sử học (2007), Lịch sử Việt Nam, tập 3, Nhà Xuất bản Khoa học Xã hội. Trang 69-71
Giới thiệu:
Dựa trên một truyền thuyết có thật, khi Lê Lợi mới phất cờ khởi nghĩa. Ngoài những tình tiết, nhân vật và bối cảnh lịch sử được nhắc đến trong câu chuyện trên, còn lại đều là hư cấu theo tưởng tượng của tác giả.
Làm mèo cũng chưa chắc gì là sướng.
_________
Đêm hôm đó, con trăng vàng đã mọc giữa không trung.
Con trăng mới dậy treo trước mặt con mèo vằn, vầng trăng thật to và đầy đặn. Con mèo vằn nhìn trăng, hai mắt sáng loà uất hận, cái lưỡi nhỏ thè ra hớp khí.
Nó không hiểu: vì sao nó phải gánh trên đôi vai tí hon cái thứ “nghĩa phận” này? Gánh lấy cả cái “nghiệp quả” không biết do ai đổ lên đầu nó? Nó nghĩ: hà cớ mà trăng lại có thể vui vẻ khoe mảnh thân nhan đẫy đà trong khi nó bao lâu nay phải chịu lầm than khổ sở?
Nó sinh ra vốn số làm mèo, không nuôi nấng thương chuộng thì thôi, mắc mớ gì mà phải đẩy chừng này đày đoạ cho nó?
Cánh rừng bạt ngàn thổi vô vàn những cơn gió độc. Con mèo vằn vừa nấc, vừa run lạnh căm căm. E rằng, nếu nó cứ ở ngoài rừng chịu lạnh, thì đêm nay sớm muộn gì nó cũng thành ma. Cái bụng đói meo gừ thay cho nó, nhưng nó đã chạy mệt rã người rồi, toàn thân nhức mỏi vô cùng.
Cổ họng khát khô, nó muốn gào lên một tiếng. Nhưng nhìn xung quanh, khu rừng rậm rạp này không biết sẽ cho nó gặp cái giống gì nếu nó đánh dạn kêu to. Những con chim, chuột, côn trùng sẽ chạy đi mất, nhưng những “ông kễnh”, “ông tê” nó từng nghe kể chắc chắn sẽ tìm tới nó mà làm thịt. Nó không thiết gì suy nghĩ nữa, chốn xa xôi lạ lẫm này chắc sẽ trở thành mồ chôn của nó. Để rồi khi nó thác đi, nó sẽ biến thành một con ma rừng, một con ma đói (!), hằng đêm lại cất tiếng quấy rầy những phu tràm cả gan ngủ bờ ngủ bụi…
Nó ước gì, ngay lúc này, Mẹ nó sẽ hiện ra, bế nó vào lòng, rồi vuốt ve, rồi nũng nịu, rồi cầu mong nó tha thứ, khi từ đó đến nay, biết bao nhiêu công sức, bao nhiêu thứ nó làm vì mọi người ở cái nơi hẻo lánh ấy lại chỉ nhận về sự hồi đáp bạc bẽo như vầy. Nhớ lại trước đây, khi nó còn ở ngôi chùa cũ, chẳng phải mọi người đều trân quý, nuông chiều nó bậc nhất hay sao? Cũng chẳng phải nó đã dành hết tình yêu của mình cho mọi người ở đó hay sao? Vậy mà sao bây giờ… chẳng ma nào nhảy ra mà ôm nó về yêu thương nữa…?
Để vì yêu mà phải chịu thay người đời một món nợ, thực lòng chẳng phải ông Trời quá hẹp hòi với nó?
Con mèo rầu rĩ bước đi, vừa đi vừa cúi đầu trong tủi hận, nhưng ánh trăng trên kia vẫn không thôi nhìn nó. Nó biết điều đó là vì dưới chân, phản chiếu trên những lá cỏ ướt sương đêm là ngọn sáng long lanh của ngọn trăng trên đầu. Cảm thấy bị xúc phạm, nó ngước mắt trông lên định chửi trăng một trận ra trò! Thế nhưng, tức thì, đập vào mắt nó là con trăng kia nhìn nó dịu hiền…
…
À…
Trăng đêm nay chắc cũng không khác gì nó. Cũng lửng lơ, cũng cô độc một góc trời. Nhìn trăng, nó nhớ tới hình dung của Mẹ, ấm áp rạng ngời như đang mở rộng vòng tay sẵn sàng ôm lấy nó, sẵn sàng nghe nó kể lể về mọi điều bất công, mọi thứ diễn ra trên đời. Vầng trăng bát ngát, bao la, chắc chắn sẽ chỉ cho nó tới nơi nào mà nó không đơn độc. Ở đó, người ta sẽ cho nó ăn, cho nó uống, cho nó gối chăn và đưa nó về lại ngôi chùa cũ, và họ sẽ thương nó như cách những người xung quanh đã từng yêu quý nó.
Đêm nay, lạc giữa cõi trần, có lẽ nó sẽ đi theo hướng của con trăng. Trăng sẽ thay Mẹ nghe nó mở lòng tâm sự về những ngày qua, về cuộc đời vỏn vẹn mấy năm mèo ta từng trải. Nó vật vờ, chậm rãi bước theo trăng…
***
Nó nhớ lại, những ngày đầu mới về ngôi chùa cũ.
Nó sinh ra là một con mèo hoang, một con mèo nhỏ chỉ gần bằng một trái sấu rừng, nằm dưới chân một lùm nứa dại. Hai mắt nhắm nghiền, ký ức đầu tiên cùa nó là được nghe tiếng lá bên trên xào xạc, tiếng gió thổi liu hiu. Nhưng chỉ một lát sau, nó lại cảm nhận được một sức nóng – cái nóng mặt trời rang bỏng lớp da non – chớp thoáng phừng lên rồi lại biến mất: bụi nứa đã cố hết sức mình để nghiêng che cho con mèo nhỏ.
Cảm nhận tiếp theo, là sự mềm mại, thân thương của… một thứ gì. Nó nhớ là… vật đó mềm lắm! Mềm như cái áo chần bông mà sau này người ta hay lót cho nó nằm mùa lạnh. Mềm tới nỗi nó đã với chân ôm thứ đó hàng giờ, từ lúc còn hơi âm ấm, cho đến lúc vật đó nguội như băng. Trong lúc ngẩn ngơ mà vớ được cho mình một thứ đem lại sự bình yên ngớt trời, không phải là quá may sao? Nó chỉ thấy ấm dần trở lại khi tàn lá trên đầu không còn đủ sức rộng để che, làm lộ ra bộ dạng nhỏ nhoi dưới nắng. Con mèo tơ đã đỏ, nay phơi nắng lại càng đỏ hơn. Chỉ khi nó chịu không nổi nữa, nó mới bắt đầu khóc tiếng khóc đầu tiên trong đời…
- Này, mày có nghe tiếng chi chăng?
- Có phải tiếng con mèo nào?
- Đó! Tiếng mèo gọi vọng ra bởi trong kia!
Và rồi, nó nghe thấy tiếng bước chân, tiếng ai đó lại gần. Tận ba con người xúm xít lại quanh cái ổ trong lùm! Lúc này nó còn tưởng là nó sắp chết, sắp bị ăn thịt chăng? Mặc dù lúc đó nó chưa chắc đã ý thức được việc bị ăn thịt là gì, nó chỉ biết rằng bản thân đang sợ, âu cũng là bản năng tồn tại của nó.
- Cả một bầy mèo! Có đủ con lẫn nạ(1), nhưng mà…
- Mà sao?
- Bui(2) một con còn sống thôi…
Họ nói với nhau xong, nó liền cảm nhận được một thứ gì vừa mềm cũng vừa cứng ráp quấn lại quanh thân nó, liền sau là một cảm giác lâng lâng là lạ trong người. À, người ta mới nhấc nó lên, nhưng mà nó không biết điều đó. Cảm thấy khó chịu, nó lại khóc to hơn.
- Ui… còn chưa mở mắt.
- Thực tội nghiệp…
- Thôi thôi… mày nín đi mèo… choa(3) thương…
Dĩ nhiên, nó có hiểu gì đâu mà nín, càng nói, cái cảm giác kỳ lạ càng khiến nó kêu lớn hơn. Vậy mà cái người kia vẫn cố chấp cầm nó trên tay, vuốt ve hết lưng rồi tới bụng. Vậy mà sau một lát, nó lại cảm thấy dễ chịu thay! Từ từ, tiếng kêu của nó nhỏ dần, đến khi nó lại chìm vào giấc ngủ.
- Hay bọn mình đưa nó về cho thầy?
- Còn phải hỏi? Chớ còn cách nào nữa ru?
- Vậy còn nạ với anh em nó phải làm sao?
- Tuồng như phải táng chúng chưng đây rồi.
- Nào, đệ lại giúp huynh ấy đi…
***
Ánh trăng kéo nó đến một chỗ nào xa xôi lắm, vẫn chưa thấy cửa nhà đâu, chỉ toàn cây với cối. Khi ý thức con mèo trở về thực tại, bao nhiêu sức sống và hy vọng con trăng vừa gửi tới cho nó chốc chốc lại bay đi, tràn vào tâm trí nó bây giờ là một niềm thất vọng.
Chợt, nó vảnh một bên tai lên mà nghe. Róc rách… triền miên mà róc rách… Vẳng từ xa đâu có tiếng con suối nào đang chảy!
Mắt nó sáng rực lên giữa màn đêm tăm tối. Bốn chân nó như được tiếp thêm năng lượng lao vù vù giữa đám cỏ đìu hiu, len lỏi trên đất đá của thềm rừng ẩm ướt. Những giọt sương đêm chưa kịp thành hình bị lay động nhỏ lên thân của nó, làm ướt những kẽ lông vấy bụi. Nhưng nó không màng. Mong ước duy nhất của nó bây giờ là được uống nước từ con suối đó, được sống sót, được tồn tại. Những suy tư khác hãy xếp lại để sau, "thân thương" nỗi gì khi sinh mạng bây giờ treo sợi tóc! Mặc trời đất, mặc thứ gì ngăn cản, nó chạy đi vì sự sống của chính mình. Tiếng nước chảy càng nghe càng rõ, to dần lên, bao lấy khoảng không gian hai bên bờ suối, rồi lại vang vọng đó đây như vây lấy cả khu rừng, như đến từ mọi phía.
Chạy khỏi hàng cây cuối cùng, trước mặt con mèo lộ rõ ra một dòng suối. Bề rộng con suối này to hơn nó nghĩ, to đến độ có thể nhìn ngang qua mà thấy được cả bóng trăng lấp ló, lung linh uốn lượn trên từng gợn sóng. Con mèo vằn nhìn quanh, chỉ thấy cỏ cây đất đá, chỉ có bầu trời không sao và con suối vô định hình.
Con suối chỉ có một mục đích duy nhất, đó là chảy đến khi nào đổ vào sông, ra được biển cả. Con mèo cũng ước gì nó được như con suối, cả đời chỉ nhận lấy nước mưa, nước ngầm, đất cát, khoáng thạch bồi tụ, rồi thoải mái lan ra tứ phía, đến cuối đời chỉ việc nhắm mắt đưa chân hòa vào biển cả, chẳng cần để tâm đến việc chi trên đời.
Từ từ, nó tiến lại bên bờ suối, cúi đầu gần sát mặt nước. Nó đưa lưỡi ra, vội vã hớp từng ngụm nước mát lạnh. Ôi, đến bây giờ nó mới biết là nó đã khát tới nhường nào, từng ngụm nước đưa vào cổ họng mới sảng khoái, phấn chấn cỡ nào! Nó uống lấy uống để, gấp gáp như đã khát khô từ tám hoánh. À mà cũng đúng, đúng là mấy năm nay, từ lúc đám “giặc” – cái bọn mà nửa ngày trước nó còn chưa biết mặt – tràn vào, đem theo dịch bệnh và thuế má, thì nước giếng nước mưa các làng đều phải đem đi tưới ruộng, có những giếng do nhiễm bệnh mà bị lấp. Cái giếng sau chùa ngày ngày gánh nước cứu dân, đến nỗi bao nhiêu công đức tích tụ đáy giếng không bao lâu cũng dần cạn kiệt. Thành ra đã lâu lắm nó chưa được uống bữa nước nào no nê như vậy.
Ngẩng đầu lên nhìn dòng suối tắm trăng, nó cố nghe cho rõ hơn tiếng con suối chảy. Âm thanh này… nghe hệt như tiếng rót trà mỗi chiều của ông thầy nó.
***
Róc rách róc rách.
Cái nắng hiền hoà rọi xuống sân, mái ngói ngôi chùa ửng lên màu vàng cam óng ánh.
- Vậy ra các con đã làm mai táng cho nạ nó rồi?
- Thưa thầy, cả anh em nó nữa ạ.
Sư ông ngồi trên sập, nhẹ nhàng rót trà vào hai chén nhỏ. Đặt chén tống xuống, ông lại đưa một chén quân về phía chú tiểu lớn nhất chùa, đang khoanh tay đứng kề bên. Hai tay nhận lấy, chú ta gật đầu, “dạ” một tiếng, rồi đợi sư ông đưa chén lên môi. Sư ông từ tốn uống một ngụm trà, một tay nâng chén, một tay còn lại vuốt lưng con mèo nhỏ xíu đang ngủ trên đùi.
- Một con mèo cái… A di đàPhật. Thật tội nghiệp cho nó, mới đẻ ra đã chẳng may…
- Mô Phật. Bởi sự vậy nên con mới có định hỏi thầy. Thưa thầy, chẳng hay con với các em có thể nuôi nấng em nó vài năm được không ạ?
Sư ông im lặng, tay vẫn vuốt ve bộ lông tơ. Đôi mắt ông sư già híp lại, những nét chân chim hằn sâu, nhìn con mèo từ bi trìu mến. Thấy sư ông không trả lời, chú tiểu ngần ngại nói thêm:
- Thưa thầy, chúng con học với thầy bấy năm, nên chúng con hiểu rõ rằng chúng vật hoang chẳng thể ở với người, rằng chúng sinh phải bay nhảy tự nhiên mới đúng. Nhưng bây giờ, em nó bui mới lọt lòng, lại tứ cố vô thân, e là… em nó ở ngoài kia thì không thể sống. Chi bằng mình giữ nó lại, nuôi cho nó lớn. Chờ khi em nó tự mình kiếm ăn được, ta hãy thả về rừng. Coi như mình làm phúc cho nó ạ.
Chú tiểu cúi đầu, tay vẫn khoanh trước ngực, bụng sốt rang chờ nghe thầy dạy. Sư ông trầm ngâm một lát, ánh mắt như thấy được điều gì chẳng ai hay.
- Nếu ta chịu, con định bụng nuôi nó bằng gì? A di đà Phật, đãn hiềm(4) giống mèo ắt phải bú sữa nạ, ăn thịt mồi mới lớn nổi…
- Dạ thưa, con nghe nói những nhà có nuôi chó mèo con mà không có sữa thì họ hay cho chúng uống nước cơm. Còn thịt… con thiết nghĩ… là ta hãy cho em nó ăn đậu… À, bằng không thì ta cũng có thể cho ăn các món mặn dân năng dâng lên miếu Bà là được ạ!
Ngắm nghía bộ dạng sần sùi của con mèo, sư ông cười mỉm.
- Được, bọn con liệu sao thì liệu.
Chú tiểu cũng cười theo, cảm ơn thầy, rồi vội chạy ra sân dặn dò với đàn em nhỏ…
***
Ngẩn ngơ được một lúc, con trăng đã lên cao quá hàng cây bên bờ kia con suối và nhỏ lại. Con mèo vằn, tuy bụng vẫn đói, đã bớt sợ hãi hơn lúc nãy nhiều phần. Nhìn theo hướng ánh trăng vẫn đang treo, nó quyết định sẽ đi dọc chiều chảy của con suối để tìm cho ra một thứ gì đó cho vào bụng, như… một bụi quả gì gần dưới mặt đất.
Phải là một bụi quả, ngoài ra, chẳng có gì mà con mèo này có thể ăn được. Không phải tại nó kén cá chọn canh hay là vì nó không biết ăn những thứ khác. Mà là vì, thật ra, nó không biết tìm những thứ ăn được ở đâu cả. Từ nhỏ, nó đã được những chú tiểu trong chùa nâng niu, lớn lên lại càng được người dân yêu dấu. Vì vậy nên mọi thứ nó từng cho vào miệng, tất thảy đều do người ta biếu cho chứ chưa ngày nào nó tự chân bắt hay hái cái chi. Một lần nọ, nó từng thử thịt một con thằn lằn. Sau cả canh giờ loay hoay rượt đuổi, cuối cùng nó cũng túm được lấy đuôi con mồi ấy, nhưng xui thay chưa kịp xơi cháo gì thì con thằn lằn đã rứt đuôi bỏ lại rồi chạy mất. Và đó cũng là lần cuối cùng nó đuổi con gì.
Kể cả những hoa trái nó từng ăn cũng chưa bao giờ là do một chân nó hái. Bao giờ những thức lê, cam, mòng, bưởi ngon ngọt nó từng bỏ vào miệng nhai cũng là đồ cúng dường mà dân quanh đấy đem cho chùa. Thành ra kể cả có là mèo đi chăng nữa thì con mèo này cũng chẳng biết trèo cây như mèo người ta hay trèo, hay bắt chuột như mèo người ta hay bắt, bao giờ nó cũng vụng về, lỡ cỡ.
Đi một hồi lâu chẳng thấy gì, nó chợt bắt gặp một cây gì đấy có trái tròn tròn, thoang thoảng một mùi dễ chịu. Chỉ khổ một nỗi, trái của cái cây kia treo tít trên cao, có leo cũng chưa chắc với tới được. Thế nhưng, cái bụng cứ ri rí than, làm cho nó không tài nào chịu được. Thôi, chắc kỳ này thử đánh liều một phen.
Hai cái chân trước của nó loạng quạng bấu lấy thân cây sần sùi, thớ thịt mềm giữa lòng bàn chân hơi đau đôi chút. Mấy cái móng không quen bám vật cứng chịu không vững, khiến cho thân nó run bần bật. Mới định đẩy thân mình lên, tứ chi nó đã đầu hàng mà làm nó ngã lăn ra sau lên trên nền lá khô xào xạc. Không nề hà, cơn đói như tiếp thêm động lực, nó lại cố gắng leo lên nữa. Lần này, nó đã thành công phóng lên một đợt, nhưng chưa kịp phóng đợt thứ hai thì nó lại mất thăng bằng và lại rơi xuống. Lần ba, nó không đợi cho cơ thể bám chặt trên thân cây, mà mỗi khi nó cảm thấy như sắp mất thằng bằng, nó lại dùng hai chân sau ỷ thế đạp thẳng lên trên. Vậy là chỉ với một nước nhảy, nó đã với tới được nhành cây thấp nhất. Nó nhanh chóng bám lấy nhành cây kia bằng hai chân trước, nhưng hai chân sau không tài nào ưỡn lên đủ cao để với được lên cành mà chỉ đung đưa lủng lẳng. Tác động mạnh và cân nặng của nó cũng làm cho cả cái cây đung đưa theo, những chiếc lá khô còn sót lại trên cành vương vãi xuống đất. Tưởng chừng như công sức leo trèo đã đổ sông, may sao, rơi lả tả theo đám lá kia là một chùm những thứ quả tròn trịa, chúng lần lượt lìa cành bất kể già non. Chỉ trong thoáng chốc, mặt đất dưới chân con mèo đã đầy những cái lá, thứ quả thơm còn nguyên vỏ.
Đến lượt con mèo cũng rơi, hai chân nó trụ không nổi nên đành bỏ cuộc. Cái thân gầy gò của nó chạm mặt đất nghe cái “huỵch”! Nó đã cố lật người lại để đáp bằng bốn chân, nhưng nó xoay không đủ nhanh để an toàn tiếp đất. Da lưng nó đập xuống thềm rừng hơi ran rát, may thay mà đống lá dưới thân và đám quả xung quanh đã tạo thành một lớp đủ dày để phủ lấy rễ cây. Con mèo lồm cồm ngồi dậy, rồi chộp lấy thứ quả kia, dùng móng nhọn phanh ra rồi bỏ vào mồm nhai. Thứ nước chua tứa ra trong khoang miệng con mèo, làm nước dãi nó chảy ra không ngơi. Thịt quả dính chặt lấy răng làm nó phải cử động hàm liên hồi, rồi nó lấy lưỡi lừa ra những phần chát và cả cái hạt bé tí nhưng cứng khừ. Nó le lưỡi rồi đưa chân lên phủi những phần kia ra, rồi lại nuốt những phần ăn được vào. Ăn xong, nó lại bóc thêm một quả khác mà lặp lại y chang quy trình ban nãy. Thứ quả chua thơm ngào ngạt trong miệng nó, có trái thì bùi bùi, có trái lại đăng đắng. Làm nó nhớ lại hồi nó còn được ăn thoả thích những trái ngon người ta hay đem lên cúng, những khi nó còn được chăm lo…
***
Nó nhớ lại, một ngày kia, nó đang nằm trong lòng Mẹ nó. Lớp vải sa người ta kính thờ khoác lên người Mẹ mới mềm mại làm sao! Những hạt chuỗi đan thành cái lưới đeo lên vai Mẹ kêu lách cách trong gió mới thật là thích! Nó có thể nằm đó cả ngày, vô âu những chuyện phàm tục mà nhắm mắt huơ đuôi. Nó thường hay ngủ ở đây, trong lòng Mẹ nó, ngửi mùi khói hương và mùi trái cây người ta dâng lên trước mặt, cảm nhận cơn gió lớt phớt không trung.
Và nhiều khi, trong giấc ngủ, nó sẽ thấy cánh tay hóa đá của mẹ trở nên mềm mại, dịu dàng vuốt ve, vỗ về nó. Nó sẽ nghe tiếng Mẹ hát ru! Tiếng Mẹ dịu êm, có trầm có bổng, không đều đều đơn điệu như tiếng sư ông tụng kinh gõ mõ. Trong giấc mơ, nó sẽ quay đầu lên nhìn Mẹ, và Mẹ sẽ nhìn nó cười duyên. Ôi, mái tóc Mẹ búi lên sao mà đẹp, cả những cây thoa, lược vàng Mẹ đội trên đầu, sao mà óng ánh đẹp như sao băng! Không lạ gì, nó sẽ nằm đó cả ngày…
- Mão! Trèo xuống! Mày có thôi leo lên tượng Bà nằm đi không?
- Thôi, mày cứ để Mão Cô nằm trên đấy.
- Sao lại được? Tượng Đức Bà là do dân tạc để dân thờ Bà! Đâu phải để mấy con mèo hở chút là trèo lên phá?
Tỉnh khỏi giấc mộng chơi đùa với Mẹ, con mèo vằn vẫn cố nằm im vờ ngủ. Nó chẳng quan tâm chú tiểu kia nghĩ gì, nó chỉ biết là nằm ở đây vô cùng êm ái, và Mẹ nó cũng chẳng trách phạt nó tội tình gì. Vậy mà ngày nào nó leo lên đây, chú tiểu kia cũng một mực đuổi nó đi xuống, phải đợi đến khi sư ông hoặc huynh trưởng ra kêu hắn vô thì nó mới nằm yên ngủ tiếp được.
- Nó vốn là con mèo hoang mình đem về đùm bọc! Chứ có phải thánh thần phương mô mà ta phải kiêng nể, phải gọi bằng cô?
- Hà hà, đệ xem kia, chẳng phải Mão gọi Chu Bà bằng “mẹ” ấy ru? Nếu Mão đã là con Bà thì mình phải kiêng mà gọi bằng “cô” chứ!
Nghe đến đây, con mèo vằn đắc chí cười thầm. Nó từng nghe dân lên chùa kể, chừng trăm năm trước, có một vị công chúa vì chạy giặc mà lên tận xứ Mường này để sinh sống. Ở đây, bà cùng với nhà Lang mới cho dựng chùa, cho dân có chỗ tu tập mà gửi gắm lòng thiềng. Rồi tới khi bà thác, lại tới lượt chúng dân tưởng nhớ bà mà cùng nhau xây một ngôi miếu cạnh bên, tục truyền cúng mặn mỗi lần một tháng để còn chia cho dân nghèo đói. Từ đó, con mèo mới có thịt ngon để ké ăn những ngày rằm.
Nó tự nhủ nó chỉ nhai sơ sơ vài miếng thì chẳng động gì tới phần ăn của những người khác. Nó có tâm chừa phần cho chúng dân là vậy (nếu không chừa thì huynh trưởng sẽ mắng), thế nhưng những lúc ăn chung, người ta vẫn hay sẻ phần mình mà bón thêm cho nó. Đôi khi là một cái cánh gà, nhiều lúc lại dăm cái giò heo. Người ta bảo nhau nó chính là “ông” Miêu Thần thuở trước đã hiện ra giúp dân, đã ngự ở đây tự buổi đầu, bây giờ “ông” hiện về để lĩnh công, nên dân ta phải cho con mèo kia ăn để trừ nợ. Có người còn nói, thánh thần không mấy khi hiện ra, nhưng khi đã hiển thì ắt phải có đại sự cần giải quyết… Thú thật, từ lúc nó về chùa đến giờ, nó chưa thấy con mèo nào khác ngoài nó, nên nhiều khi nó cũng tự huyễn rằng có khi nó chính là thánh thần thật sự. Dù sao thì nó cũng cần phải ăn, mà người ta khi không lại cho nó hưởng, khờ hay sao mà chẳng nhận? Coi bộ làm mèo cũng chẳng kham khổ mấy.
- Mẹ-ooo!!!
- Kìa, đệ nghe chửa? Mão Cô vừa gọi Bà bằng “mẹ” kìa!
- Nó kêu tiếng mèo rành rành! Phải tiếng người mô?
Thế rồi, nó cứ thong thả mà nằm, chẳng màng chú tiểu kia quấy rối. Nó chỉ việc đợi tới chiều, khi nào mâm quả đã cúng xong rồi là nó được ăn.
Chuông chùa ngân vang ba cú đánh, thì ra lại đến giờ tụng kinh của sư ông. Sân chùa thoáng đãng đón lấy tiếng mõ và tiếng niệm rồi lưu lại trong không trung, đều đều, chậm rãi. Ngọn gió núi lành hơi lại đưa con mèo vằn vào một giấc ngủ khác…
***
Ăn xong đống quả ấy, cái dạ của con mèo cũng đã đỡ trống hơn đôi phần. Còn sót lại chỉ là một mớ vỏ và hạt ướt nhem nằm la liệt dưới gốc cây. Nó lại nhìn xung quanh, ra phía bờ suối, về lại trong lùm, nó chẳng biết nơi đâu là đâu. Nhớ lại thuở còn được bồng bế cho ăn, con mèo vằn ngậm ngùi đứng lại khóc. Nhịp thở của nó hổn hển dần, cổ họng nó thắt lại từng cơn, làm vọng lên những tiếng gì như nấc. Nó ngồi lại, lấy chi trước vuốt vuốt mặt như để ngăn thứ gì đó tuôn ra từ khóe mắt. “Mẹ…”
- Mẹ! Mẹ!
Bất chợt, tiếng cú lợn từ đâu vẳng tới tai con mèo. Nó trợn mắt nhìn khắp xung quanh với vẻ đề phòng, lo lắng. Lúc còn ở chùa nó đã nhiều lần nghe những âm thanh ghê rợn phát ra từ trong rừng, nào là tiếng cú mèo trong bóng tối, tiếng sói tru từ đằng xa, hay là những tiếng ai đâu trong lùm nói chuyện. Ấy vậy mà, nó chưa từng tận mắt thấy những thứ đó lần nào, chỉ mới nghe thoang thoảng từ trong chính căn miếu ấm cúng nó hay ngồi thôi. Bởi vậy mà nó đã sớm nhận ra, dẫu thứ nó sắp gặp có muốn ăn thịt nó hay không, nó cũng chẳng hề nào có đủ can trường để chọi lại thứ đó hết.
Nó vội vàng chui tọt vào trong một lùm cây, vừa niệm A đi đà, vừa cầu xin cho bất kể thứ đó là chi thì cũng không thể nào tìm thấy nó. Nó đã từng nghe người ta kể tiếng cú kêu là hoạ chết người, vậy phải chăng đêm nay nó gặp tiếng chim kia nghĩa là sắp tận mạng nó? Rằng nếu không phải là vì bầy chó săn đã đuổi theo nó ban nãy, hay vì cơn đói, cơn khát, cơn lả người, thì khuya nay nó sẽ chết dưới tay một loài săn máu? Nó trốn dưới gốc cây. Ngó lên trên, thứ duy nhất thắp sáng buổi đêm là con trăng đang chiếu trên đỉnh đầu. Nhưng chưa kịp nhìn trăng đủ lâu, một bóng con gì đó đã vụt qua ngay trước mắt con mèo, nhanh như chớp che mất vầng trăng kia. Tiếng kêu giây trước mới vừa ở bên đây, giây sau đã vang vọng từ hướng cái bóng kia di chuyển. Vậy là không cần hỏi gì nữa, cái bóng đó đích thị là của con quái kia, con mèo vằn đã tận mắt nhìn thấy con cú xẹt qua ngay trước mặt!
Con mèo sợ kinh hồn, nhưng không rõ là con chim tử thần kia đã thấy nó hay chưa. Nó có phải là con mồi của thứ đó không? Hay nó nên chạy về phương nào? Đột nhiên, nó cảm thấy ở dưới chân mình hình như đã chạm phải vào một thứ gì đó. Nó hoảng hốt nhảy vọt ra sau và thét lên một tiếng, làm đánh động cảm một vùng cây cỏ. Lúc nó quay sang nhìn, nó mới phát hiện rằng thứ nó mới chạm ra chỉ là một con chuột nhắt! Nhưng, quá đỗi sợ hãi, nó đã lỡ làm đứt dây động rừng, chỗ trốn bây giờ của nó chắc ăn đã bị phát giác.
Con chuột nhắt thấy mình đã lỡ động đến loài mèo cũng kinh ngạc không kém mà phát ra những tiếng kêu ầm ĩ. Đúng như con mèo nghi hoặc, chỉ một giây sau khi nó cất tiếng la, con cú lợn đã lần ra được tung tích của cả hai bọn chúng. Con cú từ đâu bay vụt qua. Những cái đập cánh của nó làm xáo động đám cỏ dày, nhưng cũng nhờ thế mà bóng dáng con chuột mới lộ rõ ra dưới con trăng bạc. Con chuột cố rụt cổ toan chạy đi, nhưng chưa kịp cất chân đã bị cặp vuốt sắc nhọn vồ lấy, kẹp sát. Con cú lợn cắp nó đi, giữa không trung nó vẫn gào la hãi hùng, để lại bên trong con mèo một nỗi ám ảnh day dứt.
Còn con mèo, sau khi chứng kiến chú chuột nhỏ bị tha mất đã ba chân bốn cẳng chạy thốc tháo. Không, nó không muốn bản thân trở thành như con chuột lúc nãy! Nó phải tìm chỗ trốn, tìm chỗ sống! Nó đã chạy trốn khỏi đám chó dữ, khỏi cái đói, cái khát, cái mệt từ lúc còn chiều đến giờ, không lẽ nào nó lại đành bỏ mạng ngay sau khi mới thành công giành lại cái mạng nhỏ bé ấy. Từ trong óc nó trào ra đủ dòng suy nghĩ, cái bản năng muốn được sống, cái ước ao mãnh liệt được trở về bên ngôi miếu nhỏ, bên gốc đa già trước sân chùa, bên hàng tre lay lay trước cổng. Cả bên sư ông, bên các huynh đệ trong chùa, bên những người dân ngày ngày cúng vái, và… cả bên Mẹ của nó! Nó đòi Mẹ, nó muốn Mẹ. Nhưng Mẹ nó biết đâu mà tìm?
(Đây chỉ là một phần nội dung, toàn bộ nội dung sẽ được in đầy đủ vào sách khi tác phẩm được lựa chọn.)
Chú thích:
1. Nạ: mẹ.
2. Bui: chỉ có,.
3. Choa: tao, bọn tao, chúng tao.
4. Đãn hiềm: chỉ sợ, chỉ e rằng
__________
Nếu bạn yêu thích tác phẩm này, hãy bình luận nêu cảm nhận cho chúng tớ biết nha.
Bình luận
Chưa có bình luận