Tư liệu tham khảo:
Đại Việt sử lý toàn thư, Ngàn năm áo mũ.
Giới thiệu:
Một chữ “Phụng” được thêm vào tên của một dòng họ. Chữ “Phụng” này là “phụng sự”, nhưng không phải phụng sự hoàng tộc, mà là phụng sự giang sơn xã tắc. Và dòng họ ấy mang trên mình một sứ mệnh, đó là bảo vệ “Vạn Kiếp Thần khí” trấn giữ một dải nước Nam.
Lưu ý: Truyện lấy cảm hứng từ những năm cuối cùng của nhà Hậu Trần và cuốn “Vạn Kiếp tông bí truyền thư” của Trần Hưng Đạo. Tất cả tình tiết trong truyện là sản phẩm hư cấu, xin không đánh đồng với chính sử.
_________
1.
Đêm thượng tuần tháng Chạp lạnh đến cắt da cắt thịt, bầu trời tối đen không một ánh sao. Trên đường mòn dẫn lên đỉnh núi phía Tây thuộc châu Thuận Hóa (1) xuất hiện một bóng người thoắt ẩn thoắt hiện, lúc tỏ lúc mờ.
Người này là một tráng sĩ cao lớn vạm vỡ, bên hông đeo một thanh đao, lưng mang cung tên, vai khoác tay nải. Chàng vận trên mình áo giao lĩnh ngắn gọn gàng, quần dài ống chẽn, chân đi hài da, đầu cạo trọc chít một chiếc khăn sắc xanh.
Lên gần đến đỉnh núi, chàng dừng lại, khẽ đằng hắng một cái như để đánh động. Lúc này, một tiếng quát mới vang lên:
“Ai?”
Sau tiếng quát, một chú lính trẻ măng nhảy phắt ra từ sau tảng đá lớn khiến mấy miếng hộ thân lỏng lẻo trên chiếc áo giáp cũ mèm va vào nhau kêu loảng xoảng. Chú ta hung dữ chĩa mũi kiếm vào ngực tráng sĩ, gí mặt lại gần. Khi nhìn rõ chiếc khăn sắc xanh và hình chim phượng bằng bạc gắn trên đầu cánh cung nhô ra sau lưng chàng, chú mới hạ kiếm xuống, thở phào nhẹ nhõm.
“Ra là Trần Phụng!”
Tráng sĩ cúi đầu nhìn chú lính chỉ cao đến cằm mình, trầm giọng đáp:
“Tôi muốn gặp bệ hạ, nhờ chú giúp cho!”
Chú lính “vâng” một tiếng rồi nhanh nhẹn dẫn chàng tráng sĩ đi vào lối mòn lổm ngổm đầy đá tảng.
Đi thêm chốc lát, trước mặt Trần Phụng xuất hiện một hang đá ẩn sau cây rừng rậm rạp. Đứng án ngữ giữa cửa hang là một võ tướng lưng hùm vai gấu, mình vận giáp sắt, hai mắt sáng quắc, tay luôn nắm chặt chuôi kiếm, quanh quất gần đó còn có độ dăm chục binh sĩ vác giáo đi tuần.
Chú lính bước đến trước mặt võ tướng chắp tay hành lễ rồi hạ giọng thì thầm. Võ tướng gật đầu, quay lưng đi vào hang. Chỉ chốc sau, võ tướng bước ra nói với Trần Phụng:
“Vào đi!”
Trong hang, một người đàn ông trạc tứ tuần khoác áo bông dày, vóc dáng tầm thước, vẻ mặt hiền hòa trầm ngâm ngồi bên đống lửa. Ông chính là Trùng Quang đế (2), vị hoàng đế nước Nam đương bị giặc Minh lùng tìm suốt mấy tháng nay.
Khi tráng sĩ bước vào, ông ngẩng đầu nhìn lên nhìn chàng, đôi mắt u ám như bầu trời tối đen bên ngoài.
“Trần Phụng đấy ư?”
Trùng Quang đế cời than cho lửa cháy bùng lên soi tỏ gương mặt trẻ trung nhưng rắn rỏi vì trải qua gió sương của chàng tráng sĩ.
“Bẩm vâng, là tôi!”
Trần Phụng cúi đầu hành lễ, đoạn kéo một khúc gỗ lại gần đống lửa ngồi xuống. Chàng gỡ tay nải đặt ngang trên đùi, cẩn thận mở ra, bên trong là một chiếc hộp màu đen khá lớn.
Trùng Quang đế nhìn chằm chằm những nét chạm khắc vô cùng sống động nổi gồ lên trên bề mặt đen bóng của chiếc hộp, trái tim như bị một bàn tay vô hình bóp nát. Ông từng nghe bề trên truyền lại, suốt trăm năm qua, dòng Trần Phụng luôn bảo vệ một chiếc hộp đồng đen chạm đầu rồng. Chưa một ai trong hoàng tộc được nhìn thấy nó, bởi khi nó xuất hiện, ấy là lúc triều Trần diệt vong. Nhưng cũng vẫn là thứ này khi quy hồi Vạn Kiếp (3), lại trở thành Thần khí trấn giữ một dải nước Nam.
“Trong tất thảy hoàng đế triều ta, chẳng thể ngờ trẫm là người duy nhất vinh hạnh được thực mục sở thị Vạn Kiếp Thần khí.”
Trần Phụng cúi đầu thở dài, chàng hiểu tâm sự lúc này của Trùng Quang đế. Suốt mấy năm qua, kể từ khi ông lên ngôi giữa lúc đất nước bị giặc Minh xâm lược, tuy giành lại được một vùng rộng lớn từ châu Thuận Hóa đến Nghệ An nhưng thắng thì ít mà thua thì nhiều. Nhất là trận Sái Già (4) cách nay ba tháng, toàn quân thiệt hại nặng nề, mảnh đất cuối cùng là châu Thuận Hóa cũng rơi vào tay giặc khiến ông phải đem theo tàn quân trốn ở hang động này. Nước mất nhà tan, dân chúng loạn lạc, đến cái mạng vốn dĩ mang mệnh đế vương của ông cũng chưa chắc đã giữ được.
“Dẫu Trần Phụng các chú biết trước trẫm chẳng thể dựng lại được cơ nghiệp mà vẫn dốc lòng phò tá, trẫm có lỗi với các chú, có lỗi với ba quân tướng sĩ!”
Trần Phụng vuốt ve hình đầu rồng chạm trên hộp đồng, hạ giọng xuống như thể an ủi vị hoàng đế đang ngồi trước mặt mình.
“Bệ hạ có nhẽ cũng biết rằng chống đỡ trong thời loạn lạc này khó khăn nhường nào, vậy mà bệ hạ vẫn cố vãn hồi thiên mệnh đấy thôi. Huống hồ Trần Phụng chúng tôi sao có thể ngồi yên nhìn lũ giặc hoành hành. Người họ Trần Phụng có thác cũng là thác vì non sông, bệ hạ chớ bận lòng.”
Trùng Quang Đế cúi người cầm một khúc gỗ ném vào đống lửa, cõi lòng bỏng rát như bị thiêu đốt dần lắng xuống. Trần Phụng nói phải, dù biết khó nhưng bao năm qua ông vẫn gắng sức mưu việc khôi phục Trần triều. Nhưng quân giặc quá mạnh, các tướng dưới trướng tuy tài giỏi mà lại chẳng mấy đồng lòng, thế thời đều mất, âu cũng là ý trời đã định vậy.
“Nghe nói Cảnh Dị (5) và Dung (6) bị tên giặc Trương Phụ (7) bắt được, nay bệ hạ tính lánh đi nơi nào?” Trần Phụng cất tiếng, tuy nhắc đến hai vị tướng quân dũng mãnh dưới trướng Trùng Quang đế mà giọng chàng vẫn bình thản tựa đã chai lì với đau thương mất mát.
Trùng Quang đế bật cười, điệu cười như oán như hận.
“Trước sau là giặc Minh, trẫm chỉ còn cách sang Lão Qua (8) nương nhờ một phen.”
Trần Phụng đưa hộp đồng dâng lên trước mặt Trùng Quang đế, kính cẩn tấu:
“Bẩm, đã đến lúc phải đưa Thần khí về Vạn Kiếp, Trần Phụng chúng tôi chẳng thể ở lại hầu bệ hạ thêm nữa. Thỉnh bệ hạ nhỏ máu lên mắt rồng!”
Trùng Quang đế đỡ lấy chiếc hộp đồng nặng trĩu, đặt lên đùi mình.
“Đây là điều kiện bắt buộc ư?”
“Vâng, buộc phải có long huyết của bệ hạ mới có thể đưa về Vạn Kiếp.”
Trùng Quang đế cầm thanh kiếm vẫn luôn để bên người, dứt khoát cắt một đường ngang lòng bàn tay, nhỏ máu vào hai mắt rồng được chạm lõm xuống trên hộp đồng lạnh ngắt. Ở trung tâm mỗi con mắt lại có một lỗ nhỏ như kim châm, có lẽ là để dẫn máu chảy vào bên trong.
“Dù trẫm chẳng thể gây dựng lại được cơ đồ của tổ tiên thì nước Nam này vẫn mãi mãi là của người Việt.” Ông nghiến chặt răng, ánh mắt quật cường nhìn Trần Phụng. “Nhờ cả vào Trần Phụng các chú, phải đưa Thần khí về Vạn Kiếp. Sau này người Việt ta lấy lại được giang san, trẫm mới yên lòng nhắm mắt!”
Lời Trùng Quang đế vừa dứt, Trần Phụng lập tức quỳ xuống đất, hai tay chắp trước trán, cung kính hô lớn:
“Thần xin tuân mệnh!”
2.
Rời khỏi hang động, Trần Phụng buộc chặt tay nải chéo ra sau lưng, hòa mình vào bóng đêm mịt mù.
Dưới chân núi, một nhóm người cũng cạo trọc đầu chít khăn sắc xanh, hông đeo một thanh đao, trên lưng khoác cung tên gắn hình chim phượng hoàng bằng bạc giống Trần Phụng đương yên lặng ẩn mình sau những thân cây, chỉ có những đôi mắt sáng như sao cảnh giác nhìn xuyên qua đêm tối. Khi bóng dáng Trần Phụng vừa xuất hiện, một người nhanh nhẹn nhảy đến bên cạnh chàng.
“Xong việc chưa anh?”
Trần Phụng gật đầu. “Đã xong, người đâu cả rồi?”
Ngay sau câu hỏi của chàng, những người còn lại cũng rời khỏi nơi ẩn nấp, tiến đến trước mặt Trần Phụng.
“Thưa anh!” Một người chắp tay đưa lên trước trán kính cẩn chào Trần Phụng, bóng đêm làm gương mặt của cả nhóm người trở nên nhạt nhòa. “Họ Trần Phụng ta đã đến đây cả, thảy còn hai mươi nhăm người mà thôi.”
Trần Phụng không phải tên của một người, mà là tên của một dòng họ thuộc hoàng tộc nhà Trần. Năm ấy, trước khi nhắm mắt xuôi tay, Quốc công tiết chế Hưng Đạo Đại Vương đã giao một nhiệm vụ đặc biệt cho người cháu ruột mà mình tin tưởng nhất và thêm vào tên người này một chữ “Phụng”.
“Phụng” trong tên của dòng Trần Phụng là phụng sự. Nhưng không phải phụng sự hoàng tộc, mà là phụng sự giang sơn xã tắc. Và tên đầy đủ của tráng sĩ đi gặp Trùng Quang đế là Trần Phụng Đắc Tấn, trưởng họ đời này của dòng Trần Phụng.
Tấn nén xuống tiếng thở dài, đưa mắt nhìn những cái đầu lố nhố đội khăn xanh trước mặt mình. Khi đi hai trăm người, khi về chỉ còn hơn hai chục người. Trận Sái Già vừa qua không chỉ quân của các tướng dưới trướng Trùng Quang đế thiệt hại nặng nề mà cũng đã cướp đi gần hết trai tráng dòng họ Trần Phụng.
Nhưng, sứ mệnh của họ nhà chàng vẫn chưa dừng ở đây.
“Đi thôi!”
Ngay sau khi Tấn ra lệnh, cả nhóm người tức tốc theo sau chàng rời khỏi nơi này, bước chân của họ cực kỳ êm nhẹ như lướt đi trên không. Cứ hễ là người họ Trần Phụng thì từ nhỏ đã phải luyện tập võ nghệ, bởi vậy đàn ông con trai trong họ đều là những đệ tử ưu tú của võ phái Đông A (9).
Một tráng sĩ trẻ măng vẫn luôn đi bên cạnh Tấn nhỏ giọng thì thầm:
“Bây giờ ta đến Vạn Kiếp chứ anh cả?”
Tấn quay sang nhìn tráng sĩ, ấy là em trai chàng, tên Trần Phụng Đắc Danh.
“Chả về Vạn Kiếp thì đi đâu, em quên hết nhời tiền nhân rồi đấy phỏng?”
Danh bối rối gãi đầu, chàng chỉ thuận miệng hỏi thôi chứ đâu dám quên lời của cụ tổ Quốc công tiết chế nhà mình.
“Em nào dám, cụ Quốc công truyền lại rằng đến tháng chạp, Trùng Quang niên thứ năm (10) phải đi gặp bệ hạ rồi đem Thần khí về Vạn Kiếp, đến trấn ở Mục Long Đàm…”
“Ừ, chớ có quên một câu nào của cụ Quốc công, nhớ chửa?” Tấn hài lòng gật đầu rồi tiếp tục bước nhanh trên đường núi gập ghềnh.
Danh vừa lầm lũi theo sau anh trai mình vừa suy nghĩ mông lung. Thất bại của quân Đại Việt trong trận Sái Già và việc anh cả đi tìm Trùng Quang đế làm chàng sợ chết khiếp trước tài tiên tri của cụ tổ. Lúc được cha truyền lại những lời cụ nói, chàng không mấy tin tưởng. Thế nhưng sự thật đã chứng minh, cụ Quốc công vậy mà biết hết mọi sự diễn ra cả trăm năm sau.
Như thể hiểu được những gì Danh nghĩ, Tấn quay đầu lại chua thêm một câu:
“Chả phải tự nhiên mà cụ tổ nhà ta được phong Thánh đâu.”
“Vâng, em đã hiểu!” Danh đáp rồi im lặng không dám hỏi thêm câu nào.
3.
Đi suốt một đêm dài đến khi những tia nắng đầu ngày lọt qua tán cây chiếu xuống thảm lá mục ướt sương, nhóm người họ Trần Phụng mới ra khỏi châu Thuận Hóa. Vì để tránh quân giặc, cả nhóm chỉ đi xuyên qua các khu rừng chứ không dám tiến vào những nơi có người dân sinh sống.
Điều Tấn không ngờ tới chính là tướng giặc Trương Phụ cũng đang lùng tìm Thần khí mà họ nhà chàng bảo vệ. Có lẽ nhờ những kẻ bán nước thuộc hoàng tộc mà hắn truy ra được tung tích họ Trần Phụng, đúng là họa vô đơn chí.
Đoàn người rảo bước chậm lại toan tìm chỗ nghỉ chân thì bỗng từ xa vọng lại tiếng vó ngựa dồn dập. Tấn chăm chú nghiêng tai lắng nghe rồi ra lệnh:
“Lên cây dòm thử quân ta hay địch!”
Danh nhanh chân trèo lên tận ngọn cây cổ thụ cao chót vót, phóng tầm mắt nhìn ra xa. Chỉ một chốc chàng đã nhảy xuống, mặt đằng đằng sát khí, tay siết chặt thành đấm, giận dữ nói:
“Là lũ giặc cỏ ấy chớ nào phải quân ta. Cơ mà áng chừng mấy trăm quân đuổi theo chứ chả ít.”
Tấn thở dài, lần tay buộc thêm một nút cho tay nải chứa chiếc hộp đồng chặt hơn, tin tức về hướng đi của chàng vậy mà bị kẻ nào đó đưa đến tai giặc. Điều này không bất ngờ trong thời buổi quá nhiều người Việt theo giặc Minh, nhưng nó làm chàng thất vọng.
Một tráng sĩ bỗng lên tiếng cắt ngang dòng suy nghĩ của Tấn.
“Tôi đoạn hậu, bác Tấn và các anh em cứ mang theo Thần khí mà chạy trước, chớ hề nấn ná kẻo sứ mệnh của họ nhà ta hủy trong tay bác đấy.”
Một tráng sĩ khác cũng bước ra, hùng hồn nói:
“Em xin đoạn hậu, em muốn giết sạch lũ giặc kia trả thù cho các anh em đã thác vì chúng!”
“Em cũng ở lại đánh một trận?” Danh đấm mạnh vào không khí, gằn giọng. “Có thù tất báo!”
“Từ khi giặc Minh xâm lược, cái mạng này đã thề hiến dâng cho non sông nước Nam. Ở lại đoạn hậu để Thần khí về được Vạn Kiếp há chẳng phải mệnh của trai tráng họ Trần Phụng ta hay sao?” Thêm một tráng sĩ bước lên phía trước, dáng vẻ kiên cường. “Tôi xin ở lại giết giặc, các anh em đi mau, đừng trùng trình thêm nữa.”
Ngay sau đó, mọi người tranh nhau bước lên trước xin đoạn hậu.
Tấn giơ tay ra hiệu cho các tráng sĩ yên lặng rồi lớn tiếng nói:
“Tên giặc Trương Phụ không dễ dàng buông tha cho chúng ta. Ngoài cánh quân này, chúng ta còn phải đối đầu với vô vàn quân địch, để sống sót về đến Vạn Kiếp là điều khó khăn.”
Chàng dừng lại chỉ vào mười người đứng gần nhất mà lòng đau như cắt.
“Hãy ở lại, giữ chân chúng càng lâu càng tốt!”
Nói rồi, chàng nắm chặt vai từng người, ý chí kiên cường chính là tinh thần đã ngấm sâu vào máu các thành viên trong dòng họ chàng.
“Đi!” Tấn nghiến răng, buông một câu dứt khoát.
Tiếng vó ngựa rầm rập mỗi lúc một gần, mười người đoạn hậu tức thì chia nhau nhảy lên những cành cây cao tạo thành thế trận, tay kéo căng cung tên sẵn sàng chờ đón quân địch.
Tấn và các anh em giơ tay lên nắm thành đấm thay lời vĩnh biệt những người ở lại rồi cùng chạy về hướng Bắc. Chàng dẫn đầu đoàn người lướt nhanh xuyên qua rừng cây, bỏ lại sau lưng trận tử chiến đã bắt đầu diễn ra.
“Chỉ khi về Vạn Kiếp, Thần khí mới thực sự là Thần khí, mới trấn giữ được nước Nam, nuôi dưỡng vận khí đế vương.” Trong lúc này, bỗng nhiên những lời trăng trối của cha chàng trước lúc lâm chung như văng vẳng bên tai. “Con hãy nhận lấy sứ mệnh của dòng họ nhà ta, chớ có quên!”
Nỗi căm hờn lũ giặc ngoại xâm dâng lên khiến đôi mắt chàng đỏ ngầu như có thể tứa máu. Chàng siết chặt bàn tay, ánh mắt quật cường nhìn thẳng phía trước. Sứ mệnh này, chàng thề sẽ hoàn thành bằng mọi giá.
“Đến châu Bố Chính (11) lấy ngựa.”
Tấn quay đầu nói với các anh em đi phía sau rồi chạy vào một lối rẽ um tùm cây cối. Dù khỏe đến mấy thì sức người cũng chẳng thể bì với sức ngựa, nhất là từ đây đến Vạn Kiếp đường xá xa xôi hiểm trở.
Thêm nửa ngày đường, các tráng sĩ tiến vào châu Bố Chính tìm đến căn cứ họ Trần Phụng, ăn uống lấy lại sức rồi lập tức cưỡi ngựa tiếp tục lên đường.
4.
Kể từ khi tướng Trương Phụ của Minh triều dẫn quân đánh Đại Ngu (12) với danh nghĩa “phù Trần diệt Hồ”, hắn đã ra sức tìm kiếm Vạn Kiếp Thần khí. Sở dĩ hắn biết đến Thần khí này là thông qua một số hoàng tộc nhà Trần đầu hàng Đại Minh, chúng thậm chí còn chỉ rõ cho Trương Phụ biết dòng họ Trần Phụng chính là những người bảo vệ Thần khí.
Nhận được mật báo Thần khí đang bị người ta đưa về Vạn Kiếp, Trương Phụ lập tức sai một cánh quân đuổi theo, chính mình thì ngày đêm đốc quân chạy đến Vạn Kiếp hòng đón lõng. Đồng thời đi tới đâu, hắn rải quân chờ chặn đánh nhóm người Trần Phụng tới đó.
Là một đại thần Minh triều, Trương Phụ biết nếu muốn đồng hóa dân An Nam, biến đất nước này thành một quận của Đại Minh thì không chỉ đốt sách vở, chôn vùi văn hóa bản địa, mà còn phải phá hủy hết thảy Thần khí nước Nam. Thần khí còn, vận khí đế vương của dải đất này chẳng thể đoạn. Bởi vậy bằng mọi giá, hắn phải cướp được Vạn Kiếp Thần khí, chặt đứt sự xuất hiện đế vương ở trời Nam, cũng như đè bẹp hy vọng phục quốc của dân tộc khó thuần phục này.
(Đây chỉ là một nửa nội dung, toàn bộ nội dung sẽ được in đầy đủ vào sách khi tác phẩm được lựa chọn.)
__________
Chú thích:
(1) Châu Thuận Hóa: Là vùng Quảng Trị - Thừa Thiên Huế ngày nay.
(2) Trùng Quang đế: Hoàng đế cuối cùng của nhà Hậu Trần
(3) Vạn Kiếp: Nay là vùng Vạn Yên, thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương.
(4) Sái Già: Thuộc vùng Quảng Bình, Quảng Trị.
(5) Cảnh Dị: Nguyễn Cảnh Dị, một danh tướng nhà Hậu Trần.
(6) Dung: Đặng Dung, danh tướng nhà Hậu Trần.
(7) Trương Phụ: Tướng nhà Minh cầm quân đánh Đại Việt.
(8) Lão Qua: Lào ngày nay.
(9) Võ phái Đông A: Là võ phái bắt nguồn từ hoàng tộc nhà Trần.
(10) Trùng Quang niên thứ 5: Là năm 1413, năm cuối cùng của nhà Hậu Trần.
(11) Châu Bố Chính: Thuộc Quảng Bình ngày nay.
(12) Đại Ngu: Nhà Hồ đổi tên nước thành Đại Ngu, khi Trương Phụ dẫn quân đánh vào nước ta lần đầu tiên thì vẫn là dưới triều nhà Hồ, nhưng khi nhà Hậu Trần lên lại dùng tên Đại Việt.
Nếu bạn yêu thích tác phẩm này, hãy bình luận nêu cảm nhận cho chúng tớ biết nha.
Bình luận
Chưa có bình luận