Giới thiệu:
Thiếp muốn đặt tên con là Trần Văn Đạt - Đạt trong đạt được. Thiếp không mong nó làm quan làm chúa, chỉ mong con có một đời bình yên, đạt được những điều mình mong muốn. Thiếp muốn sau này gia đình chúng ta tìm một nơi nào đó thật bình yên. Ban ngày vợ chồng ra đồng cày cấy, đêm xuống thiếp nấu ăn, chàng dạy con viết chữ, luyện võ. Cuộc sống không phiền lo cho đến cuối đời.
*Tác Phẩm dựa theo truyền thuyết về một phần nhỏ trong cuộc đời của cha và mẹ hổ tướng Trần Quang Diệu. Đây là truyện hư cấu, không phải chính sử, vì vậy mong độc giả không đọc truyện với mục đích trau dồi kiến thức chính sử.
_________
Đại Việt, những năm cuối thời kỳ Trịnh - Nguyễn phân tranh. Xứ Đàng Trong, chúa Nguyễn Phúc Khoát ham mê tửu sắc, bị loạn thần Trương Phúc Loan thao túng triều chính.
Hắn ra sức vơ vét tài sản, sưu cao thuế nặng, hà hiếp dân lành. Đưa phe cánh lên nắm mọi chức vụ, đẩy quân trung vào cảnh nhà tan cửa nát.
Bấy giờ ở làng An Hải thuộc tổng An Lưu Hạ, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn (1), Trần Tấn vốn thuộc dòng dõi thế gia ở khu Hoài Ân phủ Bồng Sơn, cũng vì bị phe cánh của Trương Phúc Loan chèn ép, mà một thân văn võ kiêm toàn như hắn phải bỏ xứ tới làng An Hải làm thầy đồ dạy học, sống một cuộc sống cơ hàn ở ẩn chốn sơn thôn.
“Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân
Quân điếu phạt trước lo trừ bạo
Như nước Đại Việt ta từ trước
Vốn xưng nền văn hiến đã lâu…” (2)
Trong cái chòi tranh xiêu vẹo nằm giữa làng, tiếng Trần Tấn dạy học theo gió tản ra, văng vẳng tới tận đỉnh Sơn Trà. Hơn chục người học trò, có nam, nữ, già, trẻ, quần áo rách rưới, khuôn mặt lấm lem, hốc hác như những con ma đói đang ngồi bệt dưới đất mở hội bàn đào. Nhưng điểm chung là tất cả những cặp mắt trao tráo kia đều đang sáng rực, lấp lánh đầy vẻ sùng kính nhìn lên Tấn.
“Dù đời nào cũng vậy, người đọc sách phải hiểu cốt Nhân - Nghĩa đi đầu. Kẻ chí lớn phải biết lấy dân làm gốc. Dân ra binh, ra tướng, ra cơ đồ thịnh trị. Dân mà loạn, ắt vận quốc nguy nan.”
Ánh mắt Tấn sắc bén như đao, đang cầm tập thẻ tre yên vị trên chiếc ghế gỗ, bao quát xuống toàn bộ học đồ bên dưới.
“Dạ thưa Thầy, muốn lấy dân làm gốc thì phải bắt đầu từ đâu?”
Ở bên dưới, một người trung niên độ chừng năm, sáu mươi tuổi, có vẻ ngẫm nghĩ rồi hỏi.
Thầy Tấn trầm ngâm một hồi, sau đó chậm rãi viết xuống đất một chữ “Thực”.
“Thực?” Người kia đọc nhẩm trong miệng, nghi ngờ nhìn Trần Tấn kính cẩn.
“Dạ thưa Thầy, cớ sao lại là thức ăn?”
Nói đến đây người đó như muốn nói thêm điều gì, nhưng lời chưa ra khỏi miệng lại thôi.
Trần Tấn thấy vậy, mỉm cười nhìn người đàn ông gần gấp đôi tuổi mình, lễ độ phất tay nói.
“Mời chú Lang cứ nói tiếp chớ ngại, việc học ắt cần thắc mắc mới là phải đạo.”
“Dạ thưa Thầy, nếu có ăn nhưng bị ác bá đàn áp, tham quan đày đọa liệu có thể an dân?”
Nghe thế, Trần Tấn mỉm cười gật gù đáp: “Đó chính là lý do để ‘dân chúng’ và ‘triều đình’ luôn song hành tồn tại.”
Nói đoạn, hắn dừng lại một chút rồi tiếp tục.
“Triều đình bên trên có Vua, có Chúa. Bên dưới chủ vẫn là phân hai nhánh quan văn, võ tùy tài… Võ quan lãnh binh dẹp loạn trong ngoài, chủ chốt nơi tuyền tuyến. Quan văn phụ trách hậu phương, nòng cốt yên dân chính là từ đây.”
Hết câu, Tấn thở dài một hơi rồi nhìn xuống người trung niên tên Lang kia hỏi.
“Để binh lính có sức chiến đấu thì cần gì?”
“Dạ cần đồ ăn thưa Thầy.”
“Ta vừa nói binh từ đâu mà sinh?”
“Dạ thưa từ dân mà ra.”
“Vậy nếu để dân chết đói, khi đất nước loạn lạc ai có sức để gánh vác?”
Nói đến đây, không đợi người kia trả lời Trần Tấn lại tiếp tục.
“Sẽ không có ai cả. Muốn nước mạnh phải để dân đủ ăn, đủ mặc. Dân khốn cùng sẽ sinh tâm phản kháng, loạn lạc từ đó mà ra.”
Dừng lại một chút, Trần Tấn nhỏ giọng.
“Hiện tại các mi có đói, có khổ?”
“Dạ có thưa Thầy.” Không chờ Tấn hỏi riêng ai, tất cả mọi người đều đồng thanh đáp.
Lời nói như tiếng trống vang dội, đánh ra bốn phương tám hướng, đánh cả vào trong thâm tâm của mỗi người ngồi đây.
Trần Tấn như đã đoán trước sẽ có câu trả lời này, ánh mắt càng thêm sắc bén nhìn hết mọi người một lượt, sau đó mới gật đầu tỏ vẻ đồng ý.
“Vậy nếu bây giờ có bậc kỳ tài dựng binh, ở đây có ai dám đứng lên sao?”
Cả căn nhà gỗ thoáng chốc rơi vào trong tĩnh lặng, tất cả mọi người đều ngó nghiêng nhìn nhau, sau đó lại gục đầu không dám ngẩng mặt.
Trần Tấn cũng im lặng, ánh mắt trong vắt của hắn như đọc được suy nghĩ từ đám đông, chỉ nhẹ nhàng lắc đầu thở dài, tự giễu trong lòng: “Mọi người đều giống như ta, đều là những kẻ hèn nhát, sợ chết!”
Đúng lúc này, một giọng nói có phần non nớt vang lên. “Sẽ có, chắc chắn sẽ có thưa Thầy.”
Trần Tấn đưa mắt nhìn xuống đứa trẻ vừa lên tiếng, vẻ mặt có chút ngạc nhiên cười hỏi. “Niên à, Con cứ nói tiếp những gì con nghĩ.”
Nghe hắn nói, Niên chỉ độ mười bốn tuổi, người như que tăm, ốm đến mức khuôn mặt chẳng khác gì cái đầu lâu khoác thêm lớp da, vội đứng dậy cúi người đáp: “Thưa thầy, chỉ cần có “minh quân” đứng lên, Niên nguyện dùng mạng để cống hiến.”
“Vậy tại sao con không tự đứng lên mà làm một minh quân?”
Nghe thầy Tấn hỏi, khuôn mặt gầy còm tong teo của Niên nhăn lại, giọng điệu chùng xuống chán nản đáp.
“Dạ thưa, cha má mất sớm, con ở với ông nội, ăn còn không đủ thì làm sao nuôi nổi quân!”
Trần Tấn thở dài, chuyện về Niên hắn cũng có nghe qua. Cha cậu từng đỗ tú tài, làm đến chức quan Tri huyện, cũng là một bậc trung nghĩa vì nước thương dân. Nhưng bởi tranh đấu chốn quan trường, bị phe cánh của Trương Phúc Loan âm hại khiến cả nhà bị xử chém. May mắn cha Niên nhìn xa trông rộng, vốn giữ kín chuyện ông đã có con trai nối tự, nhờ vậy Niên mới nhặt được một mạng sau trận thanh trừng kia.
“Được rồi, hôm nay đến đây thôi, ngày mai ai rảnh có thể đến để học về đao pháp.”
Trần Tấn dứt lời, cả đám người vội đứng dậy cúi chào, sau đó nối đuôi nhau lục tục ra về.
Nhà Tấn ở trên một ngọn đồi nhỏ gần cuối làng An Hải. Phía Đông có thể nhìn ra biển đón bình minh; hướng Tây lại có thể thong dong nhìn cảnh mặt trời lặn nơi sông Hàn thơ mộng; phương Nam có dãy Sơn Trà trập trùng, mây sương mờ ảo vô cùng đẹp đẽ; đằng Bắc đón lấy gió trời lồng lộng, bốn mùa mát mẻ, hoa rừng, cỏ dại khoe sắc quanh năm.
Tấn về tới nhà đã là cuối giờ Dậu. Trời tối như mực, không gian xung quanh giống như một mảnh lụa đen huyền bí. Hắn từ trên sân đưa mắt nhìn xuống, làng An Hải trơ trụi như một mảnh rừng lâu ngày chẳng được chăm sóc. Chút ánh sáng le lói từ vài căn bếp lụp xụp chỉ đủ cho Tấn lờ mờ hình dung được những mái nhà tranh xiêu vẹo, cảm giác chỉ cần một cơn gió mạnh cũng có thể khiến nơi này trở thành một đống đổ nát.
Trong căn nhà đất, vợ chồng Tấn ngồi bên ánh đèn nhựa thông lờ mờ, ở giữa là mâm thức ăn chỉ có vỏn vẹn ít rau dại với hai củ sắn (3) vẫn còn tỏa hơi nóng.
Lúc này, Hy ngồi thẫn thờ trước mâm cơm có vẻ rầu rĩ hỏi chồng.
“Chàng dự định thế nào? Chẳng lẽ chúng ta cứ trốn mãi ở nơi này?”
Nghe thấy lời cô, Tấn thở dài một hơi, cũng không trả lời mà cầm lấy củ sắn luộc cắn một miếng. Ở bên cạnh, Hy cũng chẳng hối thúc chồng mình, vừa định đứng dậy thì Tấn đã lên tiếng.
“Ta định đợi nàng sinh xong thì chúng ta rời khỏi đây, hiện tại bên ngoài loạn lạc, chúng ta trốn nơi thâm sơn hẻo lánh này bọn quan lại nó còn ít ngó tới, nên cũng còn giữ được an toàn.”
Hy mỉm cười gật đầu im lặng không nói thêm gì. Cô đưa tay, nhẹ nhàng xoa xoa dưới bụng đã căng tròn của mình, ánh mắt đầy trông mong nhưng cũng không giấu nổi sự lo lắng.
Trái ngược với sự tĩnh lặng ở làng An Hải, Phủ huyện lúc này vui như trẩy hội, đèn đuốc sáng trưng, lính gác tuần vệ nghiêm ngặt.
Tại sảnh đường, Trương Thuận ngồi trên ghế chủ vị, mắt dẹp đang cố trợn to nhìn đám ca nữ nhảy múa giữa sảnh. Trong khi đó ở bên cạnh, hai ả đào kẻ dâng rượu, người gắp thịt, cơ thể lõa lồ dán sát vào người hắn. Trương Thuận sức trẻ sung mãn, miệng nhâm nhi rượu ngon, tay thỏa sức sờ nắn, “du ngoạn”, “tung hoành” khắp “chốn bồng lai”, miệng cười khoái chí không ngớt.
Hắn được ăn chơi, đàn đúm như vậy ở Phủ huyện, cũng chính là nhờ tới phần quan hệ cháu đời thứ tư với Trương Phúc Loan. Mới mười tám tuổi đã được giữ chức Tri huyện, quản lý toàn bộ vùng Diên Phước, trong đó có cả làng An Hải cũng thuộc địa bàn của hắn.
Không chỉ Thuận, mà đám thân bằng quyến hữu, trong đầu chẳng có lấy một chữ vắt óc của hắn cũng được thơm lây. Ai nấy đều trở thành quan lớn, thỏa sức tung hoành, vơ vét tài sản dân đen.
Chẳng nói đâu xa, tất thảy hết ba, bốn tên Cai tri (4), Đề lại (5), Thông lại (6) đang ngồi bên dưới đều nhờ được Thuận tiến cử mà lên. Bên cạnh mỗi tên đều có một, hai ả đào. Ả nào ả nấy đồi núi trập trùng, quần áo có cũng như không đang ra sức ưỡn ẹo, dùng miệng mớm rượu mua vui cho bọn chúng.
“Dạ xin kính Trương Thuận Tri huyện, cùng các Quan ở đây một ly. Lần này bề tôi nhờ ân đức của quan Thuận, nên mới có thể cá chép hóa rồng. Tương lai, tôi xin nguyện góp hết sức lực để làm việc cho ngài ạ!”
“Được rồi Tráng, ở đây đều là người mình mi không cần khách sáo.” Trương Thuận nhìn xuống người vừa lên tiếng, lơ đãng phất tay nói.
Tráng nghe vậy vội dập đầu tạ lễ. Phía trên, Trương Thuận cũng không để ý đến hắn nữa, quét mắt nhìn về phía người trung niên ngồi ở hàng ghế đầu tiên dò hỏi. “Trương Mẫn, việc hoạch định tô thuế ở hai làng An Hải cùng An Khê đã xong chưa? Quốc phó vừa ban lệnh, thuế nông điền năm nay phải thu bù cho mười năm trước nữa. Ngoài ra còn các loại thuế khác như: Thuế đinh, thuế tử, thuế muối, thuế vải… cũng phải thu về. Mi nhanh chóng cho người bên dưới đi làm việc này, nếu không bên trên trách tội, ta cũng không bảo vệ mi nổi đâu.”
Nghe thấy lời hắn, giữ chức Cai tri Trương Mẫn đang ngồi bên dưới “bận bịu” với ả đào, lúc này cũng vội đẩy cô ả ra, hơi chắp tay cúi người đáp: “Dạ bẩm Quan, bề tôi đã cho người tiến hành kiểm tra lại nhân khẩu của hai làng này. Ngoài ra tôi còn có ý này muốn trình lên Quan ạ.”
Nghe vậy, Trương Thuận cũng có chút tò mò liền phất tay nói.
“Ồ! Nếu không phải chuyện tuyệt mật thì cứ nói luôn ở đây đi.”
“Dạ bẩm Quan, dựa trên tình hình tô thuế hơn hai năm nay, vấn đề thuế đinh có chút khó khăn. Đinh tráng ở các làng hiện tại rất ít, vì thế bề tôi xin đề nghị chúng ta cứ chuyển từ thuế đinh sang thuế thân. Từ nam tráng tính sang đầu người, bất kể già trẻ, nam nữ. Như thế chẳng phải lợi hơn sao?”
Nghe Trương Mẫn giải thích, ánh mắt Trương Thuận lóe lên vẻ tham lam, vỗ tay khen. “Tốt! Ý kiến rất hay, cứ theo đó mà làm haha.”
Nửa tháng sau, Trương Mẫn sai Trương Văn Khôi đang giữ chức Thông lại, hỗ trợ hắn sự vụ tô thuế ở làng An Hải. Đến độ cuối năm, Khôi dẫn theo binh lính bắt đầu tiến hành trưng thu tất cả các loại thuế do phía triều đình, cũng chính là Trương Phúc Loan ban hành.
Trước đó vài ngày, Trương Văn Khôi cho người ra thông cáo, lệnh hơn trăm hộ dân nơi làng An Hải phải chuẩn bị đầy đủ tiền hoặc hiện vật nộp thuế cho Chúa. Kẻ nào kháng lệnh nhẹ thì bị phạt năm mươi gậy lớn, nếu không chết cũng thành tàn phế, nặng thì thậm chí có thể bị chém đầu nêu gương.
Trước cổng làng, Khôi một thân quan phục tươm tất, chân đạp giày vải khảm ngọc, đầu đội mũ bình đính gắn đầy vàng bạc sáng đến chói cả mắt. Lều trại, võng nằm đều đã được đám lính lệ chuẩn bị sẵn, nên vừa đến nơi hắn liền chui thẳng vào trong, theo sau còn có một ả đào ngực nở mông to vô cùng xinh đẹp.
Dân trong làng không cần đợi binh lính đánh kẻng cũng đã biết hôm nay đã đến ngày đóng thuế, ai nấy mặt mày sa sầm. Thậm chí đêm qua đã có bốn người vì túng quẫn, biết trước kết cục mà quyết định gieo mình xuống sông Hàn để được chết toàn thây. Hầu hết những người này chẳng có một cắt dính túi, trong nhà đến rễ cây cũng chẳng còn huống gì tiền bạc hay đồ đạc khác để nộp thuế cho quan.
Những người còn lại trong làng cũng chẳng khá khẩm hơn, năm nay mùa màng thất bát, nắng đến hơn nửa năm ròng chẳng có nổi giọt mưa, đến cây xương rồng còn chết khô chết héo thì lương thực lấy đâu mà tồn tại. Vốn mọi người không nối gót bốn người kia bởi họ còn có gia đình, chứ nếu cả làng đều một thân một mình, thì có lẽ sông Hàn hôm nay cũng phải đổi hướng do bị xác người lấp kín.
“Mậu, mi cầm sắc lệnh đọc cho đám mọi rợ kia nghe đi.”
Trương Văn Khôi vứt cuộn chiếu lệnh cho tên Cai thuyền (7) đang đứng cạnh mình, còn hắn thì vẫn lim dim trên võng, hưởng thụ cái khoái cảm từ cơ thể mềm mại của ả đào trẻ đi cùng kia.
Ở bên ngoài, dân chúng nghe được tiếng kẻng triệu tập đã vây lại chật ních. Nhìn thấy tên Mậu từ trong lều cầm chiếu lệnh đi ra, tất cả đều cúi người lễ phép chào hắn một tiếng.
Còn Mậu tuy cũng chỉ là một tên lính quèn, nhưng cậy có quan trên chống đỡ nên lên mặt, hếch hàm phun một bãi nước bọt vào cụ già đứng đầu tiên, miệng gào to chửi lớn.
“Cái đám nghèo hèn chúng mi không biết xếp hàng hay sao? Muốn bị đòn roi đúng không? Cho chúng mi ba tiếng đếm, xếp thành bốn hàng nghe ta đọc chiếu lệnh tô thuế. Một, hai…”
Mậu vừa bắt đầu đếm, cả đám gần trăm người bên dưới cũng vội nháo nhào, nhanh chóng xếp thành bốn hàng dài. Mặt mày ai nấy đều sợ hãi, vì những đợt thuế trước tên này cũng hay kiếm chuyện, gây khó dễ với bọn họ.
“Lôi thằng già kia ra đánh hai mươi gậy lớn cho ta.”
Lần này cũng vậy, Mậu chỉ tay vào một cụ già đã đến độ thất tuần, người gầy tong teo, bộ dáng yếu ớt như ngọn cỏ trước gió mà hét lớn.
Đám lính lệ canh gác xung quanh nghe lệnh, liền có hai tên cầm gậy hùng hổ xông tới. Cụ già kia thì sợ hãi, vội vàng quỳ rạp xuống đất khóc lóc van xin.
“Kính xin các vị Quan trên tha cho bề tôi. Lão già cả chậm chạp, kính xin các ngài châm chước lần này.”
“Không nói nhiều, đánh đủ cho ta. Lấy mi làm gương, kẻ nào không nghe lệnh tự chuốc lấy hậu quả.”
Mặc cho lão van khóc, Mậu không chút mảy may mở lòng thương xót, vẫn hếch hàm lệnh hai tên lính kia tiếp tục hành hình. Bên cạnh ông lão, thằng Niên nãy giờ vẫn đứng yên lúc này thấy hai tên lính lệ áp sát tới, nó cũng hoảng hồn vội vàng chạy ra chắn trước mặt lão già, quỳ rạp giơ tay ngăn cản bọn chúng, miệng thì la khóc rống lên như cha mẹ chết.
“Dạ thưa Quan ơi, con van lạy Quan trên tha cho ông nội con. Nhà chỉ còn hai ông cháu, ông con nhiều bệnh sống nay chết mai, giờ Quan đánh chết ông con thì con cũng chẳng có nổi tiền để tô thuế cho Quan. Con xin Quan, con lạy Quan, tha cho ông con lần này. Nếu đánh thì hãy đánh con đây này, con xin nhận phạt thay ông.”
Thấy cảnh này, những tưởng Mậu sẽ mủi lòng mà bỏ qua cho ông cháu Niên, ai ngờ hắn như bị động kinh, mặt mày trợn trừng bước nhanh tới vung chân đạp mạnh vào mặt Niên một cái.
“Mẹ thằng mọi rợ ở đâu ra, dám kháng lệnh ta. Bọn mi lại đây, ngay cả thằng này cũng phạt hai mươi gậy lớn.”
Ở giữa đám đông, Trần Tấn chứng kiến toàn bộ cảnh này siết chặt hai tay, trong lòng vô cùng bực bội. Hít sâu một hơi, Tấn quay sang nói nhỏ với người trung niên bên cạnh mình.
“Này Linh, anh giúp em chạy về nhà, bảo vợ em chuẩn bị ít đồ, sau đó gọi thêm những người mà em nói với vợ đêm qua, cố gắng men theo đường rừng tới cây đa ở chân núi Sơn Trà chờ bọn em.”
Nghe Tấn nói, người tên Linh kia giật mình quay lại đè thấp giọng, gằn từng chữ hỏi.
“Này, mi định làm gì? Chẳng lẽ…”
Nói đến đây, ánh mắt của Linh đầy vẻ sợ hãi liếc nhìn về đám binh lính gươm đao sáng loáng đang đứng phía trên, sau đó mới quay lại, giọng càng nhỏ hơn nói tiếp.
“Mi điên rồi Tấn, tao biết mi có võ, nhưng bọn nó tới hơn hai mươi thằng, còn có cả đao kiếm, mình mi xông lên là chết chắc. Lúc đó con Hy vợ mi cùng đứa con trong bụng ai lo?”
“Anh yên tâm, em với chú Lang, ông Tâm, thằng Khánh, bà Mận… cùng cả thằng Niên đều chuẩn bị rồi. Cả làng mình bây giờ đến một hạt thóc, một cắt bạc cũng không có thì lấy gì nộp thuế? Lần này mình không phản thì bọn nó cũng giết hết hơn nửa làng. Vốn em định nghĩ cách xin bọn nó thư thả thêm vài ngày để chuẩn bị thêm, nhưng tình cảnh như giờ thì hết cách rồi! Giờ em mà không làm gì thì ông cháu thằng Niên chết chắc.”
Nói tới đây, Tấn có chút do dự dừng lại một hơi rồi lại tiếp tục.
“Nếu chẳng may trong chúng em có ai nằm lại, bà con mình cứ mang xác chúng em đi nộp cho Quan trên. Cứ nói bọn em tạo phản, dân làng hỗ trợ bắt giết. Có khi chúng nó nương tay, thư thả cho làng mình thêm mấy tháng.”
Nghe Tấn nói, mặt Linh tuy vẫn còn hơi tái như cũ, nhưng cũng gật đầu. Hắn bất ngờ giơ tay lên cao, la to giả vờ bị đau bụng, sau đó vội xin đám lính cho ra khỏi hàng để đi giải quyết.
Ở bên trên, Linh vừa rời đi không lâu thì thằng Niên cùng ông nội nó cũng bị đám lính lệ lôi xộc xệch đến bãi đất trống kế bên. Vừa tới, tên lính chẳng chút thương tiếc vung chân đạp mạnh ông cháu nó ngã úp xuống đất.
Hai tên lính đi sau cầm cây gậy lớn như cánh tay, lập tức vung lên nhắm vào lưng hai người mà đập mạnh xuống.
“Viu…”
“Vút…”
“Phốc.”
“Phốc.”
Bốn âm thanh nối đuôi nhau đồng loạt vang lên. Hai mũi tên từ trong bìa rừng cạnh đó phóng vút ra, cực chuẩn xác găm thẳng vào sọ hai tên lính lệ đang vung gậy cao quá đầu người.
Thời gian như đọng lại, khóe miệng bốn tên lính lệ hành hình vẫn đang giữ nụ cười lạnh. Đám dân làng bên dưới thì tất cả gục mặt chẳng ai dám nhìn lên. Tên Mậu cùng đám lính khác đang lắng tai nghe những tiếng rên rỉ dâm dục, phát ra từ trong lều vải.
Đến khi hai tên lính lệ cầm gậy ngã khụy xuống đất, phát ra tiếng “uỵch” rõ to mọi người mới giật mình tỉnh lại.
Tiếng ngã như còi lệnh, chỉ thấy Tấn đang đứng giữa đoàn người lập tức rút thanh đao to, dài đến hơn nửa thân giấu ở sau lưng ra. Như viên đạn pháo lao xuyên qua đám đông, nhắm thẳng vào tên lính lệ gần nhất. Kẻ đó còn chưa kịp hiểu chuyện gì xảy ra thì đã bị một nhát đao chẻ đôi mà bỏ mạng.
Máu tươi từ tên lính văng ra bốn phương tám hướng, khiến đám dân làng chứng kiến cảnh này thoáng chốc trở nên hoảng loạn la lớn, lui hết về phía sau. Không cần Tấn ra hiệu, chú Chánh cùng bốn, năm người khác cũng đã bắt đầu hành động, toàn bộ rút ra vũ khí mình có xông vào đám lính gần đó mà đâm, mà chém.
Ở bãi đất trống, vừa nghe tiếng người ngã, gậy rơi, Niên lập tức lăn mình sang một bên. Ngay lúc đó, lưỡi đao của tên lính lệ khác chém thẳng xuống vị trí nó vừa nằm khiến đất đá bắn ra tung tóe.
Nhanh chóng lợi dụng cơ hội, Niên rút con dao nhỏ giấu sau lớp áo dày làm từ vỏ cây, vung chân đạp mạnh lấy đà, lao vút như con thiêu thân về phía tên lính vừa toan giết mình.
Kẻ kia thấy Niên lao tới, trong lòng đắc ý không né tránh mà vung đao lên, định lợi dụng ưu thế tầm tay dài để chém chết nó trước.
“Phốc.”
Niên còn chưa tới nơi, một mũi tên từ hướng bìa rừng đi sau tới trước, găm thẳng vào đầu tên lính.
“Phản rồi, thằng già chết đi.”
Cùng lúc đó, tên lính còn lại đứng sau lưng ông nội Niên hét lớn.
Vừa quay lại, thứ đập vào mắt Niên là tấm lưng gầy còm của ông nội nó đã bị chặt ra làm đôi, chỉ còn lủng lẳng một ít da thịt dính lại. Nội tạng, máu thịt hòa lẫn vào nhau tràn ra hai bên nền đất.
“Ông nội…”
Niên la lớn, chẳng màng nguy hiểm bật dậy lao thẳng về phía ông mình. Tên lính kia thấy thế cười lạnh, thừa cơ giết tới định một kiếm lấy mạng của thằng nhóc chán sống này. Nhưng vừa tiến được vài bước, hắn đã nghe thấy tiếng gió rít vang sau lưng. Tên lính vừa kịp xoay người thì mũi tên đã cắm phập vào ngực, khiến hắn đau đớn rên lên một tiếng rồi đổ gục xuống đất.
Gần đó, Niên ôm chặt ông mình, khóc rống lên như một con sói lạc bầy, đầy tuyệt vọng.
“Ông nội, ông đừng bỏ con mà! Con không muốn sống cô đơn một mình, ông đừng bỏ con như cha má đã từng làm. Ông đừng bỏ con mà, ông tỉnh lại đi ông nội…”
“Niên bình tĩnh lại, giết chết tên lính trả thù cho ông.”
Tiếng nhắc nhở của Tấn vang lên làm Niên bừng tỉnh. Nó xoay người lại, thấy kẻ thù giết ông mình đã trúng thương, trong mắt nó lóe lên ngọn lửa thù hận. Không chút do dự, Niên nắm chặt con dao găm, như chim ưng lao thẳng tới con mồi, đâm lưỡi dao vào sau gáy tên lính.
Ở gần lều vải, Mậu lúc này cũng đã hoàn hồn trở lại, thấy tình cảnh trước mắt giật mình hét lớn.
“Làng An Hải phản rồi, giết, giết hết chúng nó cho tao.”
Vừa hét, Mậu vừa định rút kiếm xông lên, nhưng còn chưa kịp làm gì thêm thì bên trong lều vải đã vang tiếng la thất thanh của ả đào.
“Aaaa, chết người rồi!”
(Đây chỉ là một phần nội dung, toàn bộ nội dung sẽ được in đầy đủ vào sách khi tác phẩm được lựa chọn.)
Chú thích:
(1) Nay thuộc Quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng.
(2) Trích: Bình Ngô Đại Cáo - Nguyễn Trãi.
(3) Dân miền Bắc gọi là củ sắn, dân Trung và Nam thường gọi là củ khoai mì.
(4) Cai tri là chức vụ hỗ trợ Cai phủ trưng thu thuế. (Từ điển chức quan Việt Nam.)
(5) Đề lại: Cấp dưới của Tri phủ hoặc Tri huyện. Chịu trách nhiệm chủ yếu về các công việc hành chính, văn thư, giấy tờ... (Tham khảo: Việt Nam sử lược - Chương VI - Phần quan chế.)
(6) Thông lại: Là chức vụ thấp hơn so với Đề lại. Thông lại thường có trách nhiệm liên quan đến các công việc về thu thuế, duyệt xét tài liệu, và hỗ trợ các chức quan cấp cao hơn. (Việt Nam sử lược.)
(7) Cai thuyền là chức chỉ huy thấp nhất trong binh bị thời chúa Nguyễn, mỗi thuyền có từ 20 - 80 người.
__________
Nếu bạn yêu thích tác phẩm này, hãy bình luận nêu cảm nhận cho chúng tớ biết nha.
Bình luận
Chưa có bình luận