HVTĐ22 - MỘT MẢNH TRĂNG RƠI - MIA


Cảm hứng sáng tác:

Truyện được lấy cảm hứng từ một sự kiện công chúa An Tư bị đưa đến cho Thoát Hoan vào tháng 2 năm 1285 để thư nạn nước trong cuộc chiến chống quân Nguyên lần thứ 2.


Giới thiệu:

Câu chuyện là một giấc mơ kỳ lạ của một cô bé mười ba, mười bốn tuổi. Nhân vật trong giấc mơ của cô bé và cũng là nhân vật chính trong truyện là công chúa nhà Trần tên An Tư (1267 - 1285), người phải gả cho Thoát Hoan để đổi lấy bình an cho Đại Việt trong cuộc chiến chống quân Nguyên - Mông lần thứ 2 năm 1285, sau đó trở thành nội gián đưa tin về cho Đại Việt và cuối cùng hy sinh mà không được nhắc nhớ công lao.

Truyện không có giá trị tham khảo như một tư liệu lịch sử bởi chỉ được lấy cảm hứng từ một sự kiện công chúa An Tư bị đưa đến cho Thoát Hoan vào tháng 2 năm 1285, các diễn biến trước, sau sự kiện đó đều là tưởng tượng của tác giả.

Xuất thân của công chúa An Tư trong truyện là do tác giả tưởng tượng ra, các tình tiết liên quan đến Trần Thái Tông, Lý Chiêu Hoàng, Trần Bình Trọng… trong truyện cũng là do tác giả tưởng tượng nhằm hợp lý hoá cho xuất thân của công chúa An Tư theo mạch truyện.

___________

Cái rét cuối tháng Ba đột ngột ập đến sau chuỗi ngày nắng ấm khiến người ta đang mặc quần đùi áo cộc lại phải lục tục lôi những chiếc áo len, áo khoác đã giặt sạch sẽ thơm tho ra mặc. Có ai đó cáu kỉnh, than thở đất trời dở chứng, đang nóng lại lạnh khiến người già, trẻ con ốm la liệt cả. Có ai đó lại vui vẻ hưởng thụ chút lạnh lẽo cuối mùa trước khi cùng đất trời nhảy bổ vào hè, nhảy bổ vào cái nóng rừng rực như đổ lửa. Cũng có ai đó lại lặng lẽ lo lắng, xót thương cho cô em gái xinh xắn, gầy gò, một tháng ba mươi ngày thì có đến hai mươi ngày khật khừ ốm yếu của mình.

“Anh ơi, rét này gọi là rét nàng Bân hả anh?” Cô bé An người nhỏ thó, gần như lọt thỏm trong chiếc áo khoác to đùng mà anh trai vừa mới tròng lên người cho, cố rướn cổ lên để cả cái đầu đều thò ra khỏi cổ áo, hỏi anh.

“Ừ, rét nàng Bân đấy.” Bình vừa đưa cốc nước ấm vào tay cho em gái vừa nói. “Em có thấy khó thở không?”

“Không khó thở. Anh ơi, đêm qua em lại nằm mơ đấy.” An dùng cả hai bàn tay đỡ lấy cốc nước, uống vội một ngụm rồi hớn hở kể về giấc mơ kỳ lạ đêm qua, một trong những giấc mơ kỳ lạ mà những ngày gần đây cô bé hay mơ thấy.

“Hôm qua em lại mơ thấy cái chị hôm trước, cơ mà tiếc là em vẫn không nhìn rõ mặt. Hôm qua chị ấy mặc bộ váy màu xanh nhạt, đẹp cực luôn. Ước gì em cũng được mặc bộ váy đẹp như thế.” An cứ kể vài câu lại xuýt xoa cảm thán một lần. Khi thì khen bộ váy của ai đó đẹp lắm, khi thì khen toà nhà mà ai đó ở to lắm, khi thì khen giọng nói của ai đó mà cô bé thấy trong những giấc mơ hay lắm.

“Anh ơi, có phải vì em bịt mắt rồi nên mới không nhìn rõ mặt cái chị trong mơ không nhỉ? Nếu không bịt mắt thì chắc là em được nhìn thấy chị ấy rồi. Nghe giọng chị ấy hay cực! Chắc chắn là chị ấy cũng xinh đẹp lắm!” An rủ rỉ nói.

Mấy lời than thở như có như không của cô bé khiến lòng Bình xót xa đến thắt lại. Anh thương em gái mình. Không biết vì lý do gì mà gần đây sức khoẻ của An lại ngày một yếu đi. Vốn dĩ vẫn bảy ngày ba trận ốm rồi, vốn dĩ chân tay đã hay lạnh buốt, hay nhức mỏi rồi, vốn dĩ đã hay tức ngực, khó thở hoặc ho rũ rượi mỗi khi trái gió trở trời rồi, gần một năm nay, An lại gặp thêm chứng nhược thị, mắt nhìn ngày một mờ đi.

Năm học này An phải tạm nghỉ, ở nhà điều trị mắt trước. Mỗi ngày cô bé đều tỏ ra mình rất vui vẻ khi không phải đi học nhưng Bình luôn biết, thực ra em gái anh chỉ giả vờ để anh đỡ thấy bận lòng mà thôi. Nào có chuyện một cô bé lúc nào cũng thích đọc sách, đọc truyện, lúc nào cũng chăm chỉ làm hết bài tập ngay khi vừa đi học về, lúc nào cũng hớn hở khoe suốt buổi tối nếu được điểm cao hay được thầy cô giáo khen ngợi, lúc nào cũng thèm được chạy nhảy, chơi đùa với bạn bè lại thấy vui khi không phải đến trường cơ chứ. Bình lặng lẽ thở dài.

“Anh ơi, tự nhiên em nghĩ ra, giấc mơ của em như kiểu nối tiếp nhau thành một câu chuyện ấy.” Đang ngồi gật gù nghịch hai con xúc xắc, An bỗng giật giọng gọi khiến Bình hơi giật mình. Anh tạm dừng gõ bàn phím, bỏ máy tính sang một bên rồi đứng dậy lấy cho hai anh em mỗi người một cốc nước ấm mới sau đó nghiêm túc ngồi nghe An kể chuyện, cũng là để mình tạm giải lao một lúc.

“Anh có nhớ giấc mơ đầu tiên của em không?” An hỏi.

“Giấc mơ đầu tiên của em cách đây mấy năm rồi. Anh cũng không nhớ rõ lắm đâu.” Bình ngớ ra đến mấy giây rồi mới chậm rãi trả lời. “Hình như em mơ thấy anh mua cái vòi xịt nhà vệ sinh mới, hôm sau em cầm vòi xịt ấy, đi máy bay ra đảo Hoàng Sa, Trường Sa, xịt nước xuống đảo, thế là người xấu trên đảo phải chạy hết về nước, trả lại đảo cho chúng ta.”

“Đâu, ý em là hôm đầu tiên em kể cho anh về giấc mơ có chị xinh đẹp cơ.” An cười khúc khích khi nghe anh mình kể lại giấc mơ ngây ngô mà mình từng mơ thấy năm nào. “Hôm mà anh được người ta trả tiền dự án xong anh mua cho em hộp kẹo sữa bò ấy cơ mà.”

“À, hôm ấy thì anh vẫn nhớ rõ. Em kể là em mơ thấy một chị xinh đẹp lắm, không nhìn thấy mặt người ta nhưng vẫn biết là người ta xinh đẹp lắm.” Bình kéo dài giọng trêu em gái. “Chị xinh đẹp của em đang nói chuyện với ai đó trong một khu vườn cũng cực kỳ xinh đẹp với đầy hoa đào nở rộ. Em còn nói là gió cũng có mùi hoa đào thơm ngát nữa cơ đấy.”

An lại rụt cổ vào trong chiếc áo khoác to sụ và rúc rích cười. Cô bé nhớ lại rồi chắp nối các đoạn giấc mơ vụn vặt bắt đầu từ hơn một tháng trước với nhau. Trong mỗi giấc mơ, cô bé đều thấy có một người phụ nữ mặc những bộ váy lụa là sống trong một nơi như thể lầu son, gác tía mà trước đây cô bé hay thấy trong truyện, trong phim.

*

Người phụ nữ xinh đẹp không rõ mặt trong giấc mơ của An đang hỏi một cô gái nhỏ hơn, chắc chỉ lớn cỡ tuổi An hoặc lớn hơn chút xíu rằng: “Thiềm ơi, con có muốn rời khỏi nơi này không? Có muốn sống tự do tự tại không? Nếu muốn thì ta để con đi, không cần phải chôn vùi thanh xuân ở nơi này cùng ta đâu.”

Giọng của người phụ nữ ấy rất êm tai nên dù không nhìn rõ mặt, An vẫn khẳng định là người ta xinh đẹp. Không hiểu vì sao cô bé lại luôn có một niềm tin mãnh liệt rằng những người có giọng nói hay đều có gương mặt đẹp.

“Người lại muốn đuổi con đi sao?” Cô gái trẻ được gọi là Thiềm nhỏ nhẻ trả lời. “Khi mới lên bốn lên năm tuổi con đã là trẻ mồ côi, nếu năm ấy người không thương tình mà nhặt con về thì giờ này mạng con cũng chẳng còn chứ nói gì đến thanh xuân.”

“Con ở đây với ta gần hai mươi năm rồi. Chút ân tình năm ấy dù có được coi là nợ thì con cũng đã trả hết rồi.” Người kia khẽ cười nói tiếp. “Con cũng không còn nhỏ nữa. Nếu có thương ai thì cứ nói với ta. Vương công quý tộc thì ta không hứa được nhưng con nhà tử tế bình thường thì ta vẫn dư sức làm chủ cho con. Nên đi thì phải đi. Nơi này, có một người lẻ bóng là đủ rồi.”

“Con không có nơi nào để đi, cũng chẳng có người nào để chờ đợi cả. Người đừng đuổi con đi nữa, con muốn ở đây hầu hạ người cả đời.” Thiềm nói.

Đổi lấy câu “cả đời” ấy là một tiếng thở dài khe khẽ như thể trách móc lại như thể xót thương, là tiếng cười êm êm, dịu dàng sau một thoáng im lặng như thể tiếc nuối lại như thể ngỡ ngàng.

Giấc mơ ngắn ngủi chỉ có vài câu trò chuyện giữa một người phụ nữ đoan trang và một người con gái lễ phép trong vườn hoa đào rực rỡ. Có cơn gió nghịch ngợm thổi qua khiến cánh những đào hồng bay lả tả, dính cả vào mái tóc đen dài buông lơi như dòng suối của người phụ nữ chưa rõ mặt rõ tên kia.

Một ngày, có lẽ là ngày mưa, người phụ nữ ấy ngồi thẫn thờ trong căn phòng mờ mờ tối, đốt than sưởi ấm áp. Những tiếng lách tách như tiếng nước nhỏ giọt dưới mái hiên chẳng những không giúp cho không gian có nhiều hơi thở của sự sống hơn mà còn khiến sự yên ắng trong căn phòng như bị phóng đại. Dù không thấy rõ mặt nhưng An vẫn đoán được là người ấy đang buồn.

“Sao quan gia lại nỡ làm như thế? Dù không có tình thì cũng còn có nghĩa chứ.” Tiếng khóc sụt sùi của Thiềm khiến sự yên ắng bị phá vỡ. “Sao ngài ấy lại gả người đi như thế được?”

“Con xem con kìa. Ta còn chưa nói gì mà con đã khóc lóc ỉ ôi.” Người kia cười rất nhạt. “Ở lại đây suốt quãng đời còn lại chưa chắc đã tốt. Rời khỏi đây cũng chưa chắc đã xấu. Thôi thì cứ để số phận dẫn lối đưa đường đi.”

“Nhưng cũng không thể bắt người hạ giá như thế được chứ.” Thiềm khóc oà lên. Tiếng oán than nức nở dường như át cả tiếng mưa rơi lộp độp ngoài trời.

“Cuối cùng thì cũng chỉ là phận gái nhỏ nhoi. Có rất nhiều chuyện trong cuộc đời này chúng ta không có quyền lựa chọn, chỉ có thể chấp nhận mà thôi.” Người kia cười. Giọng cười buồn bã khiến giấc mơ cũng bất giác trôi vào trống trải, thênh thang. “Biết đâu ngày tháng sau này của chúng ta sẽ tốt hơn.”

Một chiều nọ trong ánh tà dương rực rỡ, có một người mặc giá y lộng lẫy được Thiềm đỡ tay, bước lên một chiếc kiệu hoa lớn để người ta rước về phủ Bảo Văn hầu. Suốt dọc đường, người ấy không hề khóc lóc cũng chẳng hề quay đầu nhìn lại.

Thời gian thấm thoắt thoi đưa, phủ Bảo Văn hầu vắng lặng ngày nào đã có tiếng bé gái khanh khách cười đùa hoặc khóc lóc làm nũng mẹ, đã có tiếng bé trai ê a đọc sách hoặc nhao nhao đòi đánh võ với cha.

“Chẳng lẽ ta không thể tới dự lễ thôi nôi của con gái Bảo Văn hầu hay sao?” Một người đàn ông dáng vẻ thanh cao hỏi người phụ nữ đoan trang. “Ta vẫn có thể hàng tước của hắn, cũng có thể phong tước cho con của hắn nữa đấy.”

Người đàn ông kia có vẻ đã uống rượu say, giọng nói thấm đẫm hơi men, sống lưng còn ngay thẳng được cũng là bởi cốt cách của bậc đế vương không cho phép ngả nghiêng, xiêu vẹo mà thôi.

“Không ai cấm ngài, cũng không ai dám cấm ngài.” Người phụ nữ kia lạnh nhạt trả lời. “Chỉ là, không cần thiết phải thế.”

“Chiêu Thánh vẫn trách ta.” Người đàn ông đau đáu nhìn gương mặt không hề thay đổi chút nào dù bao tháng năm đằng đẵng đã qua, dù cuộc đời dâu bể mấy hồi, như thể thời gian đã quá vội vã trôi đi mà bỏ quên mất vậy. “Ta… Có lỗi với nàng.”

“Ngài không cần phải cảm thấy có lỗi.” Người kia khẽ cười, một nụ cười rất nhạt như thể chỉ được một nét bút son vẽ lên khoé môi chứ chưa hề chạm tới đáy mắt. “Bảo Văn hầu đối xử với tôi rất tốt. Ở hầu phủ, tôi là duy nhất, không phải tranh giành như chốn cung cấm phù hoa. Ở đây, tôi có được gia đình riêng của mình. Ngài nói xem, ngài có lỗi gì với tôi?”

Những lời nói lạnh nhạt như mũi dao băng buốt giá khoét sâu vào lòng người đàn ông kia. Trong một thoáng đó, ánh mắt đau đáu của người ấy như thể bị một màn sương mỏng che mờ. Những lời muốn nói tiếp đều nghẹn lại trong cuống họng. Ánh trăng vằng vặc trên đầu cũng không làm sao thắp sáng được một mảnh u ám trong tim.

“Nếu đêm nay quan gia không hồi cung thì sắp xếp một gian chính phòng cho ngài ấy!” Người phụ nữ đoan trang căn dặn Thiềm. “Hầu hạ ngài ấy nghỉ ngơi!”

Sáng hôm sau, khi người phụ nữ vừa ra khỏi phòng, Thiềm đã đến kể rằng trước khi rời khỏi hầu phủ, quan gia phong tước cho con trai, con gái của Bảo Văn hầu, để con gái thừa tước công chúa, phong con trai làm Bảo Nghĩa hầu, còn ban cho tên chữ là Bình Trọng, cho phép mang quốc tính. Người phụ nữ chỉ cười nhàn nhạt như thể tước vị gì đó đều chẳng còn quan trọng bằng việc con của mình có ăn ngon ngủ ngon hay không, có lớn lên bình an và khoẻ mạnh hay không.

Mới hôm nào trời đất chuyển từ Đông sang Hè mà chớp mắt đã lại chuyển từ Hè sang Đông. Cây cối mới xanh tươi mà thoáng cái đã lại chuyển thành úa vàng cằn cỗi.

“Thiềm, con có trách ta không?” Người phụ nữ nhỏ giọng hỏi người con gái ôm cái bụng tròn vo đang ngồi sửa soạn mấy thứ đồ cho trẻ sơ sinh bên cạnh.

“Con không trách người. Trên đời này có bao người sứt đầu mẻ trán chỉ để tìm cách trèo được lên giường của quan gia đấy thôi. Con chẳng cần tranh giành gì lại mèo mù vớ cá rán thì có gì thiệt đâu chứ.” Thiềm nở nụ cười rất nhẹ. “Thật đấy, điện hạ. Người đừng tự trách mình. Con thực sự không oán giận gì người đâu. Có đứa trẻ này là niềm vui bất ngờ lớn thứ hai của đời con. Niềm vui lớn nhất là năm xưa được người nhặt về. Con chỉ hy vọng đứa bé này một đời bình an.”

Một đêm mùa Đông giá lạnh, Thiềm bỏ lại hồng trần, bỏ lại đứa con đỏ hỏn để đi theo ánh trăng nhợt nhạt, khắc khoải trên cao. Chịu đựng đất trời giá rét triền miên, chịu đựng hết hanh hao tới mưa dầm sũng sượt, sang Xuân, đứa trẻ kia đã biết ê a khi được bà vú bế ra sân nhìn mảnh trăng leo lét giữa trời.

“Điện hạ, nàng đã nghĩ ra nên đặt tên cho đứa trẻ này là gì chưa?” Bảo Văn hầu hỏi. Ông vẫn chưa bỏ được thói quen gọi người kia là điện hạ dù người đấy đã là vợ của mình gần chục mùa Xuân.

“Đêm nay trăng chiếu Trường An; Gửi người viễn xứ muôn vàn tương tư.” Người kia ngẩng đầu nhìn trăng rồi cất giọng đọc một câu thơ. “Gọi nó là An Tư đi.”

Thoắt cái, thời gian đã vùn vụt trôi qua. Thoắt cái, không gian với bầu trời đêm có ánh trăng soi sáng đã chuyển thành một buổi trưa hè với ánh nắng vàng ươm như mật rải khắp sân.

“Sao em lại không được gọi anh là anh? Em bảo chị mách mẹ giờ.” Có giọng nói trong veo, ngọt lịm của một cô bé chợt vang lên như làn nước mát lạnh dội vào trời trưa oi ả.

“Em họ gì? Anh họ gì?” Lại có giọng nói trầm bổng, dịu dàng còn pha lẫn chút tinh nghịch của một cậu thiếu niên vang lên. “Với cả, mẹ em cũng không dám gọi mẹ anh là mẹ đâu.”

“Đều họ Trần cả, em lại lớn lên ở hầu phủ, em không là em anh thì là em ai?” Cô bé cãi lại, giọng nói đã rưng rưng, nghẹn ngào như sắp khóc.

“Em họ Trần thì đúng rồi. Còn anh thì không đâu, anh họ Lê đấy chứ.” Cậu thiếu niên tiếp tục trêu đùa khiến cô bé kia khóc oà nức nở.

Thêm một cái chớp mắt thoáng qua, khung cảnh ngày hè rực rỡ đã biến thành tang tóc với vải lụa treo trắng xoá, với những hàng nến trắng cháy bập bùng nơi cung cấm thênh thang.

“Tiên hoàng, tôi đã nuôi con gái ngài mười năm có lẻ rồi. Cũng coi như trọn tình trọn nghĩa rồi phải không?” Người phụ nữ đoan trang năm nào dắt theo một bé gái xinh xắn mặc đồ tang quỳ trước linh sàng. Người ấy không khóc mà chỉ nói mấy câu tiễn biệt rồi đánh rơi những tiếng thở dài.

“Con có thể ở trong cung, nơi này sẽ là nhà của con.” Trước lúc rời đi, người ấy nói với bé gái đang tròn xoe mắt nhìn mình. “Con cũng có thể ở lại hầu phủ. Nơi đó vẫn luôn là nhà của con.”

*

“Anh ơi, hay em viết giấc mơ của em thành truyện nhỉ? Toàn người xinh đẹp thôi. Em cứ nghĩ lại thấy hay lắm ấy.” An líu ríu nói với anh mình. Đôi mắt hơi dại đi vì bị bịt kín lâu lúc này lại sáng lên lấp lánh lạ thường dù vẫn chỉ nhìn thấy mờ mờ ảo ảo như có màn sương dày che kín.

“Giấc mơ của em loạn tùng phèo thế thì viết truyện kiểu gì được giờ? Rốt cuộc ai mới là nhân vật chính đây?” Bình mỉm cười trêu em gái. “Có người lúc thì là chị xinh đẹp, lúc thì là công chúa, lúc lại biến thành điện hạ. Có người mới nghe tưởng là nữ chính mà qua hai giấc mơ của em đã theo trăng về trời. Rồi hết Bảo Văn hầu lại đến Bảo Nghĩa hầu, rồi thì hết đế vương lại đến quan gia. Chức tước kiểu gì mà lung tung beng hết vậy? Với cả em không nghe nhầm từ quản gia thành quan gia đấy chứ?”

“Không mà. Em mơ thấy người ta gọi là quan gia thật.” An cười rúc rích. “Với lại anh ơi, tên của hai người trong mơ lại gần giống anh em mình nhé. An Tư với cả Bình Trọng. Anh thấy thần kỳ không?”

“Thần kỳ lắm!” Bình cốc đầu em gái. “Em toàn nghĩ linh tinh nên nằm mơ cũng linh tinh rồi đấy.”

An ôm đầu cười nghiêng ngả. Cô bé ngây thơ vẫn cứ loay hoay với mấy ý tưởng viết giấc mơ thành truyện sau đó lại miên man nghĩ ngợi tới những điều mình thấy trong những giấc mơ vụn vặt. Sao người kia lại không cho người kia gọi mình là anh? Sao lại bảo là khác họ. Rồi sao lại mẹ em còn không dám gọi mẹ anh là mẹ? Rốt cuộc quan hệ của họ là kiểu gì? Ngẫm nghĩ một lát mà chẳng ra đâu vào đâu, cô bé An ngây ngô đến ngốc nghếch trong lời nói của anh trai dứt khoát không thèm nghĩ nữa mà móc mấy chiếc kẹo sữa ra ăn để rồi nhận được thêm một cái cốc đầu và một câu quát khẽ từ anh mình.

Rét tháng Ba nhanh chóng qua đi để đất trời chính thức ùa vào Hạ. Nắng lên, cô bé An vốn sẽ khoẻ mạnh hơn vào mùa Hè lại bỗng nhiên lăn ra ốm. An bị ho đến tím tái mặt mày, ho đến nỗi bật ra cả máu. Cô bé cứ sốt cao liên tục mà dù xét nghiệm đủ kiểu vẫn không tìm ra nguyên nhân. Chân tay cô bé đau nhức, sưng phù như thể bị tích nước bên trong. Hai mắt cô bé cũng mờ hẳn đi, chỉ còn thấy một màu xám xịt.

Sau đó, An bắt đầu ngủ li bì. Cô bé thường ngủ liền mười mấy, hai mươi tiếng mới thức dậy một lần, tỉnh táo đôi chút rồi lại có thể ngủ li bì tiếp. Có đôi khi, Bình đang ôm An, đút cho An thìa cháo loãng mà cô bé đã nghiêng đầu sang một bên, tựa vào vai anh ngủ thiếp đi rồi. Bình thương xót em gái, chạy khắp nơi hỏi thăm, thấy người ta mách ở bệnh viện nào có bác sĩ nào giỏi là lại cố đưa em gái đến thăm khám nhưng cuối cùng vẫn không tìm được nguyên nhân. Bao nhiêu bác sĩ đều lắc đầu buồn bã, khuyên Bình nên chuẩn bị tinh thần, nên để em mình ở nhà hưởng nốt những ngày còn lại. Không biết bao nhiêu đêm anh đã trộm khóc oà lên vì đau lòng.

Ba mẹ anh chia tay nhau từ sớm, ba có gia đình mới của ba, mẹ cũng có những đứa con mới của mẹ. Hai đứa trẻ là kết quả của một cuộc hôn nhân tan vỡ đã qua lại thành thừa thãi, đứa bị đưa đến nhà ông bà ngoại, đứa bị bỏ lại với ông bà nội. Lúc ấy, An mới lên bốn còn Bình mười hai tuổi. An không chịu sống xa anh nên cứ khóc lóc cả ngày, cuối cùng, ông bà ngoại phải đưa về nhà ông bà nội. Từ nhỏ An đã yếu ớt nên dù có thương xót cảnh bố mẹ chia lìa nhưng ông bà nội vẫn thấy cô bé là gánh nặng, thường vô tình nói ra những câu làm An bị tổn thương. Thế nên, đến khi đủ mười tám tuổi, Bình đưa em gái về ngôi nhà cũ vẫn bỏ không của gia đình mình trước đó ở.

Mấy tháng nữa đã qua. Đất trời đã từ Hè hớn hở nhảy vào Thu rồi đã từ Thu thẽ thọt bước vào Đông. Tình trạng của An vẫn không tốt lên chút nào. Cô bé cứ nằm ngủ suốt, có khi ngủ liền hai ba ngày, cũng có khi ngủ đến cả tuần mới thức dậy một lần. Mỗi lần thức dậy, trông thấy gương mặt hốc hác tiều tuỵ của anh mình, cô bé đều chảy nước mắt. Bình chỉ biết ôm lấy em mình, nhỏ giọng dỗ em rằng sẽ không sao đâu, em sẽ nhanh khoẻ lại thôi.

“Anh ơi, lâu lắm rồi em mới lại nằm mơ.”

Một chiều nọ, trong ánh tà dương rực rỡ mà buồn bã, An thức dậy và bất ngờ tỉnh táo hơn mọi khi. Cô bé ngồi dựa vào đầu giường kê đầy những chiếc gối mềm, chậm rãi ăn từng thìa cháo bột mà Bình đút cho rồi trò chuyện với anh bằng giọng nói thều thào, đứt quãng.

“Em mơ thấy gì? Vẫn là chị xinh đẹp hả?” Bình cười buồn hỏi An. “Có còn muốn viết giấc mơ thành truyện không nào?”

“Có chị xinh đẹp. Nhưng không phải là chị xinh đẹp hồi trước đâu.” An thều thào kể. “Lần này là người khác rồi. À, người này tên là An Tư. Anh có nhớ hồi trước em kể có người tên gần giống anh em mình không? Em nghĩ có khi là người ấy lớn lên rồi đấy.”

Nói xong mỗi câu An lại khó nhọc thở một lúc rồi mới kể tiếp được nhưng vẫn kiên trì kể hết khiến Bình cực kỳ đau lòng. Anh muốn bảo em gái đừng nói nữa, để dành hơi thở đi nhưng rồi lại nuối tiếc khoảnh khắc tỉnh táo và vui vẻ hiếm hoi của cô bé nên cuối cùng vẫn không nỡ ngắt lời mà chỉ ngồi yên lặng, chăm chú lắng nghe.

Trong giấc mơ của An có nhiều người đang bàn luận với nhau. Trong mơ, lại có ai đó được gọi là quan gia nhưng cô bé tin rằng quan gia này không phải là quan gia trước vì cô bé từng mơ thấy đám tang của người kia rồi. Lần này cô bé vẫn không nhìn rõ mặt ai mà vẫn chỉ phán đoán người ta có đẹp trai, xinh gái hay không dựa vào giọng nói. Hễ có giọng nói êm tai là cô bé sẽ cho là xinh đẹp, bất kể già trẻ gái trai.

“Bẩm hai vị quan gia, quân địch đã bắc cầu phao, chuẩn bị vượt sông tràn vào kinh thành rồi.”

“Bẩm quan gia, đã sơ tán được hầu hết người trong kinh thành, làng mạc, ruộng vườn trong phạm vi năm dặm cũng đã đốt sạch.”

“Quan gia, Thiên Mạc, Đà Mạc thất thủ rồi. Bảo Nghĩa hầu và sáu trăm quân Thánh dực đều đã hy sinh.”

“Quan gia, Trần đại nhân đưa tin về, cần phải đưa một công chúa đến để bên kia hoà hoãn lại, thư nạn cho nước. Quan gia định để vị điện hạ nào đi?”

“Công chúa tầm tuổi hạ giá chỉ có Thiên Thuỵ thôi.”

“Quan gia, ngài đừng quên còn một vị luôn sống ở hầu phủ.”

“Người kia…”

“Bẩm hai vị quan gia, có một vị tự xưng là em gái của Bảo Nghĩa hầu cầu kiến.”

“Hai vị quan gia, thần nữ là An Tư, cũng là em của Bảo Nghĩa hầu. Thần nữ tình nguyện hoà thân. Mong hai vị quan gia thành toàn.”

“Tại sao ngươi lại muốn hoà thân? Ngươi có biết bước đi này chắc chắn sẽ dẫn vào đường chết hay không?”

“Thần nữ biết. Anh của thần nữ đã chẳng ngại hy sinh. Thần nữ dù là phận gái nhưng cũng không tham sống sợ chết. Thần nữ hy vọng có thể góp chút sức mọn, hy vọng có thể làm thư nạn nước. Xin quan gia thành toàn!”

“Khá khen cho tấm lòng vì nước vì dân của ngươi. Trước khi đi, ngươi có tâm nguyện gì không?”

“Thần nữ chỉ mong được gặp đô soái thuỷ quân một lần.”

“Được. Phong ngươi là Thiên Tư công chúa, thân phận hoàng quý muội của ta. Đào khanh sẽ rước công chúa đi.”

“Trẫm thay mặt muôn dân cảm ơn công chúa!”

Giấc mơ hỗn loạn toàn là tiếng trò chuyện không biết của ai với ai. An đoán hai người có giọng nói trầm trầm uy nghiêm trong đó là hai vị quan gia, người có giọng nói khàn đục, liên tục gọi “quan gia” là người hầu cận còn người con gái duy nhất trong cuộc đối thoại ấy chính là An Tư, người đã từng là bé gái với giọng nói trong veo từng xuất hiện trong giấc mơ của cô bé trước đây.

Giấc mơ lần này kết thúc bằng khung cảnh diễm lệ trong một buổi chiều với ánh tà dương đỏ rực như lửa cháy. Có một người tự mình bước lên cỗ kiệu trang hoàng đơn giản để người ta rước đến phủ vương gia bên quân địch. Trước lúc ngồi vào kiệu, nàng quay người lại, vái chào đất trời quê hương rồi mới kéo tấm khăn xuống che mặt lại.

Khó nhọc kể xong giấc mơ của mình, An hổn hển thở từng hơi. Bình xót ruột, đút cho cô bé ngụm nước ấm và bảo cô bé từ từ rồi hãy kể tiếp.

“Nhưng em chỉ mơ đến đấy là hết rồi.” An khẽ mỉm cười. Sau đó, nhân lúc còn chưa bị cơn buồn ngủ kéo đi, cô bé thều thào hỏi anh mình: “Anh ơi, ví dụ mà em là công chúa nhé. Nếu vì cứu nguy cho đất nước mà em phải lấy kẻ thù thì anh có để em đi không?”

“Không phải đi. Anh sẽ đập hết kẻ thù để em không phải đi đâu cả.” Bình nói như thể dỗ dành em gái mình.

“Thế nhỡ lúc anh không có ở đấy mà em bị người ta bắt đi thì sao?” An cười khúc khích hỏi tiếp sau khi ho một cơn đến thắt ruột, thắt gan.

“Ai dám bắt em đi thì anh sẽ đánh người đó một trận rồi đi đón em về.” Bình nói chắc nịch.

Đáp lại câu nói đó của anh là nét cười rạng rỡ mà yếu ớt trên môi An. Rồi chỉ trong thoáng chốc, cô bé đã lại ngủ say.

Đắp tấm chăn ấm áp lên cho An xong, Bình ra khỏi phòng em gái rồi khóc oà lên nức nở. Người ta vẫn thường nói trước lúc phủi hết hồng trần để trở về với thế giới bên kia, mỗi người thường có những giây phút hồi quang phản chiếu. Anh sợ sự tỉnh táo và câu chuyện về giấc mơ của An chính là lời chào từ biệt, sợ giấc ngủ này của cô bé sẽ là mãi mãi.

Mỗi ngày, Bình đều thấp thỏm, bất an, liên tục chạm vào trán, vào tay em gái mình để tìm kiếm chút hơi ấm mỏng manh, liên tục bắt mạch trên cổ tay An để tìm kiếm chút động tĩnh ít ỏi tượng trưng cho sự sống dưới lớp da nhợt nhạt, xanh xao.

Lần này, An ngủ liền một mạch mười ngày mà không thức dậy lần nào. Trong căn phòng chỉ có tiếng hít thở cực kỳ nhẹ nhàng của An và tiếng nước trong bình truyền dịch tí tách nhỏ giọt, đẩy chất nuôi sống cơ thể vào trong mạch máu của cô bé.


(Đây chỉ là một phần nội dung, toàn bộ nội dung sẽ được in đầy đủ vào sách khi tác phẩm được lựa chọn.)

__________

Nếu bạn yêu thích tác phẩm này, hãy bình luận nêu cảm nhận cho chúng tớ biết nha.


0

Hãy là người bình luận đầu tiên nhé!

Bình luận

  • avatar
    _
    Từ giọng văn đến cách kể khiến mình bị hút vào mạch truyện. Tác giả đã gộp hai câu chuyện rất tốt. Bản thân người đọc phải suy đoán cho những diễn biến tiếp theo của câu chuyện. Rất mong chờ.
Preview Settings

Try It Real Time

Layout Type
    • LTR
    • RTL
    • Box
Sidebar Type
Sidebar Icon
Unlimited Color
Light layout
Dark Layout
Mix Layout