Tư liệu tham khảo:
"Hoàng Lê nhất thống chí" - Ngô Gia văn phái, bản dịch Nguyễn Đức Vân và Kiều Thu Hoạch; có đối chiếu với "Khâm định Việt sử thông giám cương mục" - Quốc Sử Quán Triều Nguyễn, bản dịch Viện Sử học.
Giới thiệu:
Nàng đã sống cả đời mình trong một biệt viện xa cách, được bảo bọc như viên ngọc quý dễ vỡ, nay bởi cuộc binh đao mà cất bước lên đường. Bên ngoài dặm trường xa vắng, nguy hiểm rình rập, nàng biết phải tin tưởng vào ai, dựa cậy nơi ai? Vị hôn phu anh tuấn tài chí, gã hộ vệ cao lớn dữ dằn, hay chính bản thân nàng phải tự mình chọn đường cất bước?
* Lưu ý: Các nhân vật, sự kiện, địa danh được chú thích là có thật, còn lại đều là sáng tạo của riêng tác giả, không có giá trị tham khảo.
__________
Trưa hè tháng sáu nắng dịu, Thu ngồi bên hiên, tựa vai vào cột nhà, buông thõng đôi chân trắng ngọc ra ngoài sân. Tóc nàng đen bóng chảy dài xuống bờ vai gầy, bên trên lớp áo lụa màu thiên thanh, vây quanh cần cổ thon nhỏ đeo vài ba chiếc vòng hạt bằng vàng mảnh khảnh. Một cô người ở ngồi đằng sau chải tóc cho nàng, lược ngà trượt trên những sợi tóc mềm mượt thoang thoảng hương bưởi, chốc chốc lại cầm quạt nan bên cạnh mà phe phẩy.
“Cô có muốn ngủ trưa một lát không ạ?” Người ở tên là Nụ lên tiếng hỏi.
“Mấy hôm nay tôi cứ có cảm giác chẳng yên, nằm không được.” Nàng ngước mắt lên trời, đôi mắt trong veo nâu nhạt phản chiếu ánh trời xanh ngắt la đà vài đụn mây trắng.
Làn da nàng bừng sáng lên khi một tia nắng lọt qua tán lá mà chiếu đến, lấp lánh tựa viên bạch ngọc tinh khôi. Nàng rạng ngời, thanh khiết tựa thần nhân núi Cô Dịch(*) lạc chốn trần gian, khiến cho ai ai gặp qua cũng đều phải nhớ nhung xao xuyến. Dáng nàng mỏng manh khẽ lay động trước vài cơn gió ban trưa yếu ớt thoảng qua. Nhưng nếu gió chợt nổi lên mạnh hơn, không chừng nàng sẽ bay mất, rạn vỡ lúc nào chẳng hay.
* Trang Tử - Nam hoa kinh: Trên núi Rưởu Cô Dịch, có thần nhân ở đó, da thịt như băng tuyết, thơ ngây như gái chưa chồng.
Nụ năm nay mới đôi mươi, chỉ hơn nàng hai tuổi, cơ thể khỏe khoắn có phần thô kệch, làn da nâu bóng màu bánh mật đã hằn lên vài vết nhăn. Chị vốn là con nhà không mấy khá giả, sau cha có đỗ đạt nhưng không cao, làm đến chức tri huyện. Nhưng rồi không may gặp vạ năm Canh Tý(*) mà gia đình tan tác, cũng phải trải qua nhiều gian truân khổ cực mới được nàng thu nhận về. Ở đây, nàng chưa từng buông một lời nặng nhẹ, thậm chí có đôi phần lịch thiệp quá mức. Vậy thôi cũng đủ để chị nguyện tận tụy hết mình.
* Vụ án năm Canh Tý: năm 1780, Trịnh Tông (Trịnh Khải) - con trai lớn của chúa Trịnh Sâm âm mưu nổi loạn giành ngôi thế tử, việc bại lộ khiến nhiều người bị trừng phạt.
“Mấy nay cô ngủ cũng không yên, phải chăng có việc gì lo nghĩ?”
“Cha đã nhiều ngày không về, không biết ngoài kia có chuyện gì.” Nàng đưa mắt ra ngoài cổng biệt viện.
Từ khi mới sinh, nàng đã mất mẹ, cơ thể lại yếu đuối hay bệnh nên hầu như chẳng rời xa khuôn viên biệt viện này. Viện được bao quanh bởi bốn bức tường thâm thấp sơn trắng lợp ngói đỏ, khu vườn bên trong trồng toàn những loài hoa đẹp, bốn mùa không lúc nào không có sắc hương. Nàng sống trong căn nhà gỗ ba gian không quá tráng lệ, nhưng đầy tinh xảo được chạm trổ tỉ mẩn những hoa lá, chim muông. Khi chán ngắm hoa lá rồi, nàng lại có cái ao nhỏ sau nhà, ở đó nuôi một đàn cá nhiều màu sắc cùng ít đám cây thủy sinh. Bên cạnh có một đình nhỏ, nơi thỉnh thoảng cũng có vài vị khách lui tới uống trà đàm đạo.
Đương nhìn trời, đôi mắt đượm những âu lo chẳng biết làm sao để giải tỏa, thì cổng viện chợt bật mở. Tiếng huyên náo từ nhà trên bỗng tràn vào nháo nhác. Nàng khẽ giật mình mà nép vào sát cột nhà. Nụ chạy xuống sân kéo áo nàng kín kẽ hơn rồi đưa lưng về phía nàng như muốn che chắn.
“Làm gì ồn ào ngoài đó?” Nụ cất tiếng quát, ngày xưa nhà chị cũng từng chẳng thiếu hạ nhân, và chị biết cách khiến họ phải nể sợ hơn là nàng.
Một bóng người cao lớn bước vào, gạt phăng những gia nhân cố ngăn cản. Gã cao tới gần bốn thước rưỡi(*), hơn hẳn tất cả mọi người, thân thể phương phi to lớn, gã vẫn còn mặc giáp trận, lưng đeo trường kiếm. Từng bước gã đi nghe huỳnh huỵch như muốn nghiền nát cả sỏi rải trên đường. Thu nhận ra gã, đó là Bình, hộ vệ luôn bên cạnh cha nàng. Nàng có hơi hy vọng cha cũng đã về rồi, nhưng nhìn mãi mà chẳng thấy.
* Thước: đơn vị cổ, theo “Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn” của Nguyễn Đình Đầu, 1 thước = 0,47m. 4 thước rưỡi tương đương khoảng 2m.
Gã đứng trước nàng, dù có Nụ ở giữa nhưng hai người vẫn có thể đối mắt nhau.
“Ông lớn lệnh cho tôi đến đón cô.” Gã lên tiếng, giọng gã mọi ngày ồm ồm nay lại khàn đặc càng trở nên khó nghe.
“Cha tôi không về cùng anh sao?” Nàng run run hỏi.
“Ông vẫn còn phải hầu Chúa, nhưng sợ rằng sẽ có biến chuyển khôn lường, mong cô nhanh chuẩn bị, chỉ mang vài thứ cần thiết, tiền bạc vừa phải.”
“Biến chuyển là biến chuyển chuyện gì? Tôi ở trong viện, chẳng hay rõ ngoài kia.”
“Cậu cả không nói gì với cô à?” Đúng lúc này cậu cả cũng đi vào cùng với cậu mợ hai.
“Cô Thu ốm yếu từ nhỏ, nào tôi có dám để những chuyện kinh động như vậy làm ảnh hưởng đến sức khỏe cô ấy.” Cậu cả chưa đến bốn mươi, nhưng thân hình đầy đặn và bụng lớn phễnh ra nên đi lại có phần nặng nề.
“Nguyễn Hữu Chỉnh dẫn Nguyễn Văn Bình(*) đem quân đánh ra Bắc, giờ đã đến sát Kinh Thành. Quân nhà Chúa e chừng cũng khó chống cự.” Gã gấp gáp nói. “Mẹ cô có họ nhà Chúa, ông lớn sợ cô sẽ gặp vạ nên muốn cô lánh đi trước. Xin nhanh lên cho.”
* Nguyễn Hữu Chỉnh: từng là thuộc tướng dưới trướng Quận Huy Hoàng Đình Bảo, sau khi Quận Huy bị kiêu binh giết chết thì chạy về nam theo Tây Sơn.
* Nguyễn Văn Bình: tức Nguyễn Huệ, sau này là Hoàng đế Quang Trung.
* Năm 1786, được Nguyễn Hữu Chỉnh hiến kế, Nguyễn Nhạc cử Nguyễn Huệ và Nguyễn Hữu Chỉnh dẫn quân đánh lấy Thuận Hóa. Sau khi lấy được Thuận Hóa, Nguyễn Hữu Chỉnh lại khuyên Nguyễn Huệ thừa thắng tiến ra Bắc diệt họ Trịnh không cần lệnh của Nguyễn Nhạc.
Nụ khẽ quay lại như hỏi ý Thu, nhưng nàng bây giờ hồn vía đã bay đâu mất, chẳng còn biết suy tính ra sao nữa. Vậy là Nụ tự mình chạy vào nhà mà dọn đồ.
“Này thằng Bình.” Mợ hai chợt sẵng giọng quát. “Có đúng ý cha tôi là mình cô Thu đi thôi không?”
“Tôi chỉ được dặn dẫn cô Thu đi.”
“Làm vậy coi có được không? Các bà vẫn ở đây, các cậu các mợ đều thế, vậy mà một mình cô Thu lại tìm đường chạy trước. Còn ra thể thống gì nữa không? Tôi cứ nhất quyết không cho cô Thu đi đấy, cô sống cả đời sung sướng trong biệt viện rồi, giờ đến lúc khó khăn lại không ở cùng với mọi người, nghe có nực cười không kia chứ?” Giọng mợ hai như dao sắc chém xuống, cậu hai chỉ biết đứng cạnh nhăn mặt, nhưng ý chừng cũng không hẳn phản đối.
“Mợ cứ bình tĩnh.” Cậu cả lên tiếng hòa hoãn. “Cha trước giờ vẫn tính toán chu toàn. Cô Thu cũng là có cớ sự riêng nên mới phải đi trước đó thôi.”
Cậu cả lấy khăn lau mồ hôi rịn ra trên trán.
“Cậu nói vậy chứ nhà ta ai cũng ăn lộc Chúa, ai mà chẳng nguy ngập đến nơi rồi. Vậy mà lúc chúng tôi muốn đi cậu lại can, còn cô Thu đi thì cậu có ngăn đâu. Cái nhà này rốt rồi việc gì cũng chỉ có cô Thu, đến thân cậu cũng sắp không xong rồi kia kìa.” Mợ hai đã không còn kiêng nể gì nữa, hẳn là nhà mợ tính chuyện ra đi đã lâu.
“Cha tôi không nói gì thêm à?” Cậu cả quay sang hỏi Bình.
“Ông chỉ dặn vậy, tôi cũng làm theo thế, còn lại các cậu các mợ tính thế nào, tôi cũng mặc.”
Lúc đó thì Nụ đã dọn được mấy túi đeo sau lưng mà chạy ra.
“Chúng ta đi thôi.” Bình quay sang bảo cô Thu. “Võng đang chờ ngoài cổng, mời cô cất bước.”
Nàng hãy còn chưa hoàn hồn, chuyện này rơi xuống như cơn mưa đá bất chợt giữa trời nắng quang. Nàng vẫn chưa kịp thích nghi mà chỉ biết ngồi yên tại đó, mắt đảo qua hết người này đến người khác. Chưa bao giờ nàng phải đối diện với nhiều người đến như vậy, tất cả đều nhìn nàng với vẻ không ưng. Nước mắt chợt lăn dài trên đôi má trắng trẻo ngọc ngà, nàng ôm lấy mặt mình mà nức nở, không khí lại càng trở nên rối rắm, náo loạn hơn nữa.
“Hôm nay tôi nhất quyết không để cô Thu đi.” Mợ hai vừa nói vừa sấn sổ tới tính áp sát vào nàng. “Muốn đi đâu thì cả nhà cùng đi. Tôi là tôi cứ nằm ra trước cổng đấy xem thiên kim tiểu thư lá ngọc cành vàng như cô có dám bước qua không nào.”
Bình đã nhanh chóng đứng ra chắn ở giữa, tay phải đặt lên chuôi kiếm.
“Thằng Bình này nhận ơn ông lớn, chỉ biết lệnh ông mà làm. Nay giữa lúc hỗn loạn này, ai mà cố ngăn thì tôi cũng chẳng sợ xin ít máu đâu. Các cậu các mợ liệu mà tránh sang một bên.” Giọng gã có sức nặng rất lớn, cái ồm khàn đè nén lên từng con người hiện diện trong biệt viện, khiến họ đều phải biết phận mà thối lui.
Gã liền vác cô Thu lên vai, nhẹ bẫng như bao bông gòn, rồi hùng hổ bước ra.
Đằng sau, những người bị bỏ lại đều bắt đầu nhao nhao, họ cũng vội vàng cuốn gói đồ đạc mà rời đi, mặc cho cậu cả có phì phò khuyên ngăn cũng chẳng ích gì.
Thu được đặt yên ổn trong võng, mành thả xuống che kín, hai phu võng lực lưỡng đội nón chóp, mình cởi trần, đặt lên vai đòn võng chạm hình hoa lá mà đi nhanh trên đường. Nụ khoác áo tơi, đội nón ba tầm đi bên phải. Bình chẳng nón chẳng mũ cứ để cái đầu trọc lóc dưới nắng trời mà đi bên trái. Tiếng nàng thút thít khóc hãy còn vang lên cả quãng xa.
***
Khi đã bình tĩnh hơn, Thu mới ngó ra bên ngoài. Nhà cửa, phố phường san sát lướt qua mắt nàng. Nhà dân thì vách đất, mái lợp lá vàng vọt. Nhà quan thì bằng gỗ rộng rãi thoáng đãng, lợp ngói nguy nga. Người qua kẻ lại nườm nượp không sao đếm xuể, ai nấy đều có việc của riêng mình mà ngược xuôi bận bịu, vẫn còn cái không khí Kẻ Chợ sầm uất dù có bảng lảng ám chút lo sợ loạn lạc. Lúc lúc lại gặp một cái hồ, có cái chỉ bằng biệt viện nơi nàng sống, có cái lại rộng ngút tầm mắt. Tất cả những thứ này, trước đây nàng đều hiếm khi được thấy.
Suốt những năm đầu mới sinh, nàng ốm triền miên, cứ tháng tháng lại sốt lại đau, thầy thuốc ra vào không ngơi. Bởi vậy mà ông ngoại nàng, lúc đương thời là một người nhà Chúa có nhiều trọng vọng đã quyết chi tiền để xây biệt viện cho nàng sống hẳn trong đó. Dù trưởng thành hơn bệnh cũng vãn dần, nhưng mỗi năm vẫn mấy bận ốm lớn, nên cha nàng nhất quyết không cho nàng rời khỏi biệt viện.
Nhìn ngắm một lúc, nàng quay sang Bình vẫn đi ngang bên trái võng.
“Chúng ta đang đi đâu?”
“Thưa cô, hướng này tới cửa ô Yên Hoa, từ đó ta nhằm đường đến Sơn Tây(*). Ông lớn đã dặn tôi vậy.”
* Cửa ô Yên Hoa: nay ở vị trí ngã ba đê Yên Phụ - đường Thanh Niên.
* Trấn Sơn Tây: 1 trong tứ trấn phên dậu bao quanh Đông Kinh thời Lê, bao gồm phần lớn địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, phía bắc tỉnh Phú Thọ, một phần tỉnh Tuyên Quang và tây bắc thành phố Hà Nội ngày nay.
“Vậy xem chừng là tới nhà Thiện Duy bá.”
“Dạ vâng, ông bảo nơi đó có thể nương nhờ được.”
Thiện Duy bá vốn từng cùng cha nàng hành quân đánh Thuận Hóa dưới trướng Quận Việp(*). Hai người kết tình như anh em một nhà, rồi ước hẹn chuyện hôn sự cho nàng và con trai cả nhà Thiện Duy bá.
* Quận Việp: tức Việp Quận công Hoàng Ngũ Phúc, lão tướng hàng đầu của chính quyền Lê - Trịnh thời Trịnh Sâm, từ 1774-1776 dẫn quân chiếm được Thuận Hóa, mất trên đường trở về.
“Ta chỉ sợ đường đột như này không hay lắm. Dù có đính ước, nhưng vẫn chưa cưới xin, thân gái đến nhà người ta ở thật chẳng phải phép.” Nàng băn khoăn nói.
“Đây là lúc nào mà cô còn câu nệ.” Nụ lên tiếng. “Nhà họ ắt cũng phải biết cớ sự này mà cảm thông chứ. Huống hồ cậu Đức là bậc quân tử nhất mực hiểu biết, cô không cần quá lo đến chuyện lời ra tiếng vào ấy đâu.”
Cậu Đức hơn nàng một tuổi, tài cao chí lớn, học hành đèn sách chăm chỉ, nhưng gặp thời nhiễu nhương nên vẫn chưa có ý thi cử. Chàng từng viết trong một bức thư gửi cho nàng rằng. “Chúa nhỏ Chúa to thay nhau lên ngôi bởi đám quân sĩ vô học, quan thần còn chẳng bảo vệ nổi mái nhà mình(*), thế sự như vậy kẻ quân tử tốt hơn hết là nên ẩn mình chờ thời. Một khi nước trong trời quang, chẳng thiếu đất dụng trí.”
* Ý chỉ việc Trịnh Cán được Huy Quận công Hoàng Đình Bảo lập lên ngôi sau đó kiêu binh lại làm loạn lật đổ Trịnh Cán đưa Trịnh Tông lên ngôi. Kiêu binh ỷ mình có công, thường xuyên đến nhà các quan không vừa ý mà đập phá.
Họ gặp mặt nhau từ thuở còn thơ, ngay khi hiểu chuyện đã biết được định sẵn sẽ nên duyên, nên đối đãi với nhau có phần hơn hẳn người khác. Năm ngoái, cậu Đức cùng cha ghé Kinh chơi, vẫn thường hay lui tới nhà nàng. Chàng anh tuấn hơn người, mày rậm, mắt sáng, đường nét góc cạnh. Lại cư xử đặc biệt nhẹ nhàng nho nhã, nói cười tinh tế xứng bậc quân tử. Hai người gặp nhau chuyện trò bên đình mà sớm nảy sinh cảm mến. Hai bên phụ huynh cũng hết sức hài lòng mà góp lời vun vén. Sau dạo đó, chàng lại về Sơn Tây, nhưng hai người vẫn thư từ qua lại, lời lẽ lịch thiệp mà kể chuyện sách vở kinh văn, đôi khi còn than thở thế sự.
“Cha tôi vẫn phải dẫn binh ra trận sao, anh Bình?” Nàng hỏi trong khi đoàn người đang đi dọc Hồ Tây.
“Ông lớn tự mình xin đi cùng Quận Thạc trấn giữ bên hồ Vạn Xuân. Ông bảo, cả đời ông đã an phận thủ thường bởi ghét cái sự đời lắm lọc lõi, nhưng nước mất rồi thì giữ mình trong sạch há cũng bằng không.” Gã đáp lại, rồi quay sang an ủi. “Cô cứ an tâm, ông lớn vẫn còn khỏe lắm, Quận Thạc(*) là bậc lão tướng dày dặn kinh nghiệm, Bình hay Chỉnh cũng không phá nổi đâu.”
* Quận Thạc: tức Thạc Quận công Hoàng Phùng Cơ, lúc này làm Trấn thủ Sơn Tây, được triệu về chống Tây Sơn ở hồ Vạn Xuân (tức đầm Vạn Phúc ở làng Vạn Phúc, huyện Thanh Trì, Hà Đông).
Nghe được lời của Bình mà nàng thấy yên lòng phần nào. Gã được cha nàng mang về từ nơi đầu đường xó chợ, lúc đó nàng mới sáu tuổi, còn gã dù cao lớn khác thường nhưng vẫn chỉ là một thiếu niên mười sáu, gầy nhẳng và sắp chết vì đói. Vài hôm sau, gã quỳ mọp dưới sân biệt viện, nói những câu lí nhí rằng sẽ bảo vệ nàng đến hơi thở cuối cùng để trả ơn cứu mạng. Nhưng tấm lưng trần đen sạm, chi chít sẹo, bẩn thỉu và bốc mùi khiến nàng phát hoảng. Phải mất một thời gian dài để nàng quen với sự hiện diện của gã.
Sau đó, gã theo cha nàng như hình với bóng, hai người vẫn thường gặp nhau mỗi lần cha đến thăm nàng. Không còn cái vẻ nhút nhát lúc đầu, gã rất nhanh vứt bỏ tất cả những sự hèn kém trước kia. Gã cạo đầu trọc như sư, mặt lúc nào cũng trưng ra một vẻ hung dữ dọa người, kiếm đem bên mình không rời, còn giọng nói thì hằn học và khó nghe. Gã như con nhím xù lông trước thế gian, cảnh báo họ rằng gã nguy hiểm, gã có thể khiến bất kỳ ai gây sự đến mình phải hối hận.
Nhưng nàng vẫn thấy trong ánh mắt gã là cậu thiếu niên thuở trước, ngay thẳng, kiên định và có đôi phần thơ ngây. Gã thường xuyên tỏ ra lúng túng khi chạm phải ánh mắt nàng, vội vàng ngoảnh đi chỗ khác. Cái điệu bộ đó của gã khiến nàng thích thú mà tủm tỉm cười, nàng cứ tiếp tục nhìn chằm chằm càng làm gã bối rối tợn.
Bây giờ, giữa lúc nguy ngập, lúc nàng sợ hãi và chẳng rõ phương hướng gì trong thế giới bên ngoài những bức tường biệt viện rộng lớn xa lạ, nàng biết mình có thể tin tưởng được vào con người này.
“Tôi mừng là có anh ở đây. Còn phải trông cậy vào anh nhiều rồi.” Nàng chân thành nói với gã.
Bình chẳng dám quay lại phía nàng, mắt vẫn nhìn thẳng con đường, giọng có đôi phần mềm mỏng như đã bỏ quên mất mảnh giáp nào đó. “Cô cứ an tâm.”
Họ đi nhanh nhưng không đến mức khiến nàng khó chịu và Nụ vừa đeo đồ đạc sau lưng vừa có thể theo kịp. Lúc đến cửa ô Yên Hoa thì đã thấy rất nhiều người cũng khăn gói đi cùng hướng. Lính gác trên vọng lâu chẳng đả động gì. Bình hối phu võng khiêng đi nhanh hơn lúc qua đoạn này, bảo là sợ có ai nhận ra lại phiền phức.
Cả đoàn đi một mạch mau mắn hơn, đi qua những làng mạc ngoại thành. Lúc đó trời đã ngả về chiều, nắng vốn nhạt lại càng nhạt hơn, gió thì lồng lộng thổi trên đồng ruộng bát ngát. Ráng chiều ngả vàng trên vai những kẻ qua đường, những người đang trên hành trình chạy loạn, tìm kiếm một chốn dung thân an toàn khi cơn lửa đạn của chiến tranh đang ngấp nghé đe dọa.
Tối đó, Thu cùng đoàn tùy tùng của mình nghỉ lại nhà một gia đình phú hộ nhỏ gần sông Hồng thuộc huyện Từ Liêm(*). Vợ chồng chủ nhà tỏ ra niềm nở ngay với khoản tiền hậu hĩnh Bình đưa ra để được ngủ trong chái nhà ngang bên bờ ao của họ. Nụ vẫn chuẩn bị cho nàng một chậu nước nóng rồi quây rèm trong phòng mà lau rửa người. Bình đứng bên ngoài cửa, tay khoanh trước ngực, nghiêm trang như một ông hộ pháp đến ma quỷ còn phải sợ chứ chẳng nói con người.
* Huyện Từ Liêm thuộc phủ Quốc Oai, trấn Sơn Tây, nay là Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, cùng một phần Đan Phượng, Hoài Đức, Tây Hồ, Thanh Xuân, Hà Đông.
Năm người bọn họ phải chen chúc trong một gian phòng nhỏ. Nàng ngủ trên chiếc giường duy nhất, chỉ có manh chiếu mỏng trải trên mặt giường lồi lõm cứng ngắc, chăn gối đều có mùi hôi và ẩm mốc. Nụ nằm trên sàn ngay dưới chân giường, còn hai phu kiệu gà gật một góc xa hơn. Bình thì ngồi trên ghế giữa phòng, tay tựa vào thanh gươm chống trên đất, gã nhắm mắt nhưng có vẻ là chẳng hề ngủ. Lúc nghe nàng cựa mình đến lần thứ mười, gã liền mở mắt.
“Cô ráng ngủ kẻo mai phải lên đường sớm.” Giọng gã cứng nhắc, nghiêm trang, nhưng có phần mềm mại hơn.
“Liệu cha ta có bình an không?” Nàng nằm co ro như con cuốn chiếu, đôi mắt to tròn long lanh nhìn gã, từng giọt nước mắt lại tuôn rơi.
“Cô giữ cho mình không mệnh hệ gì thì ở đâu ông lớn cũng sẽ được an tâm.” Nói rồi gã lại quay đầu về vị trí cũ, mắt nhắm lại.
Nàng khóc thêm một lát rồi ngủ thiếp đi lúc nào chẳng hay, nước còn đọng nơi khóe mắt. Thật đúng với câu “lê hoa đới vũ”(*), đẹp mà buồn biết chừng nào.
* Lê hoa đới vũ: ý thơ trong “Trường ca hận” của Bạch Cư Dị, nghĩa là bông hoa lê dính hạt mưa, chỉ vẻ đẹp khi khóc của Dương Quý phi, sau thường được dùng để nói về người con gái đẹp.
Sáng sớm, họ lặng lẽ rời đi từ lúc bình minh còn chưa ló, bước qua một ngọn đồi thâm thấp bên kia lũy tre thì mặt trời mới hé mình nhỏ nhẹ chiếu sáng. Nàng kêu võng dừng trên đỉnh đồi, kéo mành lên đón nắng mới dịu dàng xoa lên gương mặt mình. Khung cảnh trời đất rộng lớn trải ra trước mắt khiến nàng mê đắm, bụi vàng lấp lánh rải trên những thửa ruộng xanh rì lăn tăn trước cơn gió thổi, phủ đều trên những núi đồi xa xa hãy còn e ấp trong sương sớm. Thế giới bên ngoài đẹp đẽ đến nhường này, còn vượt xa cả trí tưởng tượng của nàng.
Lúc mành đã được kéo xuống, đoàn người lại tiếp bước, tim nàng vẫn không thôi rộn ràng trong lồng ngực. Nàng nhớ về những ngày trước kia, thuở còn chưa quan tâm đến cách biệt chủ tớ, nam nữ, nàng thường mè nheo đòi Bình kể chuyện bên ngoài. Gã kiệm lời và lúc nào cũng tỏ ra rụt rè khi đứng trước nàng, nhưng lại dùng cái giọng kể vô cùng cuốn hút khi vẽ lại cho nàng biết bao những mảnh đất xa xôi. Lúc đó, tim nàng cũng đập như bây giờ, phấn khích mong đợi một ngày được tận mắt chứng kiến.
“Kiếp nạn này qua rồi.” Nàng khẽ ghé về mé bên Bình mà nói. “Tôi cũng không muốn trở lại biệt viện nữa đâu. Tôi vẫn luôn tưởng tượng mình sẽ rong ruổi khắp chốn, ngắm nhìn cho thật thỏa những đẹp đẽ của thế gian, vùng vẫy giữa đất trời bao la rồi vùi xác đâu đó nơi hoang vu cũng được, còn hơn là mục rỗng trong những bức tường trắng tinh.”
Bình chưa nói gì vội, gã có vẻ nghĩ ngợi mông lung. Đến lúc nàng đã tưởng gã không nói gì nữa mà định quay đi, thì lại mới nghe thấy một tiếng lầm bầm. “Tôi sẽ đi tới cùng trời cuối đất để bảo vệ cô.”
Lời nói khiến nàng mỉm cười, răng nàng đen bóng còn đôi má như được tô điểm phấn hồng.
***
“Quân nhà Chúa thua hết rồi, tan tác cả lũ.” Một gia thần của Chúa tên là Nguyễn Noãn kể khi gặp đoàn của Thu tại huyện Yên Lãng(*). “Kiêu binh còn chẳng đánh được trận nào đã chạy khắp nơi, kẻ tìm đường trốn về nam, kẻ lại lẩn khuất làm cướp đường. Khanh tướng trong chính phủ kẻ đào tẩu kẻ hàng địch. Chúa Thượng cũng bỏ Kinh mà chạy, nghe đâu là nhằm hướng này. Tôi đang đứng chờ đón Chúa.”
* Nguyễn Noãn: một gia thần của Chúa Trịnh được cử đi mộ quân đang ở Yên Lãng, sau đón được Trịnh Tông tại đây.
* Huyện Yên Lãng thuộc phủ Tam Đái, trấn Sơn Tây, nay là Mê Linh cùng một phần Bình Xuyên, Phúc Yên, Đông Anh.
Nàng nghe mà kinh sợ, mặt trắng bệch lắp bắp hỏi lại. “Vậy ông có nghe tin Quận Thạc và quân của ngài ra sao không?”
“Quận Thạc không chống nổi, hầu như toàn quân đều chết hết. Chuyện đó cũng cùng ngày cô rời Kinh, cô hẳn trong khuê các không nghe được tin rồi?”
Họ chào Noãn rồi tiếp tục lên đường, huyện Yên Lạc(*) không còn xa nữa.
* Yên Lạc: thuộc phủ Tam Đái, trấn Sơn Tây, nay là Yên Lạc và Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc).
Nàng chợt như kẻ mất hồn, nằm trên võng mà thẫn thờ trong một nỗi tuyệt vọng nặng tựa cả tòa thành đang đè chặt xuống ngực nàng.
“Cô Thu…” Bình khẽ cất lời, rụt rè như đứa trẻ khi bị quở trách.
“Anh dối tôi từ bấy đến nay sao?” Nàng nghẹn trong họng, mãi mới thốt được thành lời.
“Xin cô thứ lỗi.” Gã lúc đầu ấp úng lựa lời, nhưng rồi chợt òa ra tựa thác lũ. “Tôi ở ngay cạnh mà chẳng thể nào bảo vệ được ông. Bản thân tôi trước có theo ông vào nam, nhưng cũng chưa từng phải đối mặt với cảnh tượng chiến trường khủng khiếp đến như thế. Bọn chúng đông lắm, vài ngàn quân của Quận Thạc chỉ như hòn sỏi nhỏ ngáng đường cơn lũ lớn. Vài trăm thớt voi rầm rầm chạy rung chuyển cả đất trời, giọng kẻ địch hô vang như tiếng gầm từ địa ngục Diêm La kêu gọi. Tôi sợ lắm, sợ tự tận đáy lòng mình, tôi đã từng nghe thấy giọng đó một lần trước đây, cái lúc tôi nằm trong xó xỉnh thối tha năm mười sáu tuổi, người yếu đến mức không còn cảm thấy đói, chỉ một bước nữa là đã đến hoàng tuyền. Và lần nào cũng vẫn là ông lên tiếng ban cho tôi một cái mạng nữa. Ông cố tình lớn giọng bắt tôi rời khỏi đó, để về đưa cô đi lánh nạn. Ban đầu tôi hãy còn chần chừ, nhưng khi khắp trước mắt đều là đầu rơi máu chảy, người người thương tật khóc than, tôi đã bỏ chạy, bằng tất cả sức bình sinh của tấm thân u bắp quái dị này. Tôi xin lỗi cô, tôi đã phụ lòng cô, ơn cứu mạng vẫn chưa trả vậy mà tôi đã ham sống sợ chết. Chỉ xin cô vẫn để tôi ở bên, bảo vệ cô nốt quãng đường còn lại, tôi xin thề sẽ không chết nhát như vậy nữa, sẽ chiến đấu đến hơi thở cuối cùng.”
Tiếng gã khóc rất khó nghe, như con chó bị thương kêu rên, gã nhìn nàng chòng chọc để nài nỉ. Nhưng mà tim nàng như đã chết, nguội lạnh và đóng cứng trong băng giá, ngập ngụa toàn những buồn thương và thất vọng.
“Tôi còn có thể tin vào lời thề của anh được nữa chăng?” Thu lạnh lùng nói. “Từ giờ anh không cần theo tôi nữa.”
Thu giục võng cứ tiếp tục đi, còn Bình thì đứng im đó như ai chôn chặt xuống đất. Gã buông thõng hai tay, mắt mũi nhem nước, mặt sững sờ chỉ biết nhìn họ rời đi.
Thu lại ôm mặt khóc, thút thít như con mèo ướt sũng cô độc trong cơn mưa. Nụ cũng chẳng biết nói gì mà lầm lũi đi bên cạnh. Nắng có vẻ nhạt màu hơn còn gió thì bạt mạng thổi hoang hoải cả cõi lòng người. Họ tựa một đoàn đưa tang ảm đạm bước đi từng bước một trên con đường xa lạ, buồn thương và mất mát. Có những thứ thật khó để trở lại, mạng người và lòng tin. Người đã chết tức là chẳng còn hiện diện nơi trần thế, lòng tin đã mất tựa bát muối đổ vào dòng sông, đến cả vị mặn cũng chẳng còn đọng lại. Nàng đột nhiên mất đi hai người nàng vô cùng trân quý và cũng rất quý trọng nàng. Còn gì khủng khiếp và đớn đau hơn thế nữa, mọi thứ quanh nàng chỉ còn một màu xám xịt mơ hồ.
Vậy mà nàng còn mơ tưởng ngày nào đó có thể lang bạt nhân gian cho thỏa chí bay bổng nữa kia. Giờ đây, nàng bị lôi dậy khỏi giấc mộng nồng, hung hăng và bạo ngược. Cha nàng đi rồi, nàng cũng bỏ Bình lại phía sau, người thân cận duy nhất với nàng cũng chỉ còn có Nụ. Nhưng thân gái hai người biết làm gì giữa đời này. Rốt cuộc nàng vẫn là nữ nhi mệnh mỏng, không còn cha thì đành dựa nơi chồng. Lấy chồng rồi thì lại có những bức tường khác bao quanh nàng, vững chãi hơn, khó mà vượt qua nổi. Số mệnh của nàng đã là vậy, nào đâu có chỗ cho những viển vông xa vời.
(Đây chỉ là một phần nội dung, toàn bộ nội dung truyện sẽ được in đầy đủ vào sách khi tác phẩm được lựa chọn.)
__________
Nếu bạn yêu thích tác phẩm Cất bước dặm trường, hãy bình luận nêu cảm nhận cho chúng tớ biết nha.
Bình luận
Chưa có bình luận