HVTĐ15 - NƯỚC NON VẠN DẶM XA - HOA TRE


Tư liệu tham khảo:

Đại Việt sử ký toàn thư.


Giới thiệu: Thưở mang gươm đi mở cõi phải trả giá bằng máu xương của quân và dân. Năm xưa, có nàng công chúa vâng mệnh vua cha, gả sang xứ người xa xôi. Nàng dùng thanh xuân, hạnh phúc của cả cuộc đời mình để đổi lấy hai châu Ô, Lý cho Đại Việt. Má thắm tàn phai để máu đào của con dân không phải đổ. 

Lưu ý: Câu chuyện phần lớn được viết theo trí tưởng tượng của tác giả, xin đừng đánh đồng với chính sử.  


Nước non ngàn dặm ra đi...

Mối tình chi!

Mượn màu son phấn.

Đền nợ Ô, Lý.

Xót thay vì,

Đương độ xuân thì.

Số lao đao hay là nợ duyên gì?[1]



Thời Trần, Ất Tỵ, năm Hưng Long thứ 13 (1305).


Gió luồn qua những chiếc lá xanh mướt. Dưới tán cây nhuộm màu nắng nhạt, người thiếu nữ uyển chuyển múa một điệu vũ Chiêm Thành mới học.

- Bẩm công chúa, Thái thượng hoàng [2] vừa tới Thăng Long, ngài cho truyền gọi công chúa ạ.

Nghe tiếng nói quen thuộc, nàng ngừng lại, quay đầu nhìn người cung nữ vừa tới bẩm báo, mỉm cười hỏi:

- Thật không? Ta sẽ tới ngay.

***

Huyền Trân vui vẻ bước tới điện Long An để diện kiến phụ hoàng của mình. Sau khi phụ hoàng nhường ngôi, người đã về ở tại hành cung Thiên Trường nên nàng ít có cơ hội được gặp cha mình. 

Trần Khâm [2] đứng bên cửa sổ, chắp hai tay sau lưng, đôi mắt đăm chiêu nhìn xa xăm. Ông nhớ tới cha mình, nhớ tới người cô đã từ biệt một đi không trở lại trong những ngày tháng binh đao khói lửa. Tiếng bước chân quen thuộc của Huyền Trần kéo ông khỏi những hồi ức. Ông quay lại, giang hai tay ôm lấy đứa con gái nhỏ mà ông yêu thương vừa tới đã chạy nhào vào lòng ông làm nũng. Ông cười hiền từ, vỗ vỗ vào lưng nàng:

- Lớn rồi mà vẫn như trẻ con. 

Trần Khâm ngồi xuống tràng kỷ rồi bảo Huyền Trân:

- Con ngồi đi. Ta có chuyện muốn nói với con. 

Trên mặt bàn đã bày sẵn ấm trà và bánh ngọt mà Huyền Trân thích nhất. Bánh mà ông đem từ Thiên Trường về cho nàng. 

- Phụ hoàng, người đi đường xa có mệt không? - Huyền Trân vừa rót trà sen cho vua cha vừa hỏi.

- Gặp được con gái là ta không mệt mỏi gì nữa. - Trần Khâm vuốt râu cười.

Rót trà xong, nàng ngồi xuống cạnh ông rồi nũng nịu quàng tay ôm lấy cổ ông, tinh nghịch đáp:

- Con biết mà. Lần này phụ hoàng về Thăng Long, có phải là vì Quan gia lại gây ra tội gì không ạ? - Nàng cười khúc khích.

- Anh con giờ đã biết sửa đổi, chuyên tâm làm một vị vua tốt rồi. Con đừng có nói xấu. - Trần Khâm bật cười, đưa tay véo má con gái như khi nàng vẫn còn nhỏ. - Lần này ta hồi kinh là vì đoàn sứ giả do vua Chiêm Thành là Chế Mân cử sang.

Vừa nghe đến sứ giả của Chiêm Thành tới, Huyền Trân liền bất an. Nàng lo sợ một điều sắp đến…

- Có gì nghiêm trọng sao, thưa phụ hoàng? - Huyền Trân lo lắng. - Chẳng phải quan hệ giao hảo giữa Đại Việt và Chiêm Thành đang rất tốt sao. Con nhớ Tân Sửu năm Hưng Long thứ 9 (1301) phụ hoàng còn sang Chiêm Thành vân du, vua Chiêm hậu đãi còn giữ người ở lại chơi những chín tháng mà.

Trần Khâm đặt chén trà đã cạn xuống bàn, đoạn nói:

- Phải, nhắc đến chuyến vân du ấy, trước sự hậu đãi thịnh tình của Chế Mân, ta đã hứa gả con cho vua Chiêm. Sau đó, Chế Mân đã nhiều lần cử sứ sang bàn chuyện này. Nhưng phần vì con vẫn còn nhỏ, phần vì các văn sĩ nhiều người phản đối nên ta tạm gác lại.

- Vậy… bây giờ sứ Chiêm Thành sang thăm là vì việc liên hôn này? - Huyền Trân nghẹn giọng hỏi, bàn tay vô thức siết lấy vạt áo vì căng thẳng.

Trần Khâm gật đầu:

- Phải. Chế Mân nguyện dâng hai châu Ô, Lý làm sính lễ xin cưới người con gái xinh đẹp nhất của ta là Huyền Trân công chúa.

- Con không đồng ý. - Huyền Trần dứt khoát đứng dậy, nói bằng giọng đanh thép rồi bỏ đi.

Nàng chạy như bay khỏi điện Long An, vừa chạy vừa khóc. Sự ấm ức theo dòng lệ nóng trào ra. Trần Khâm trầm mặc một mình ngồi trong tẩm điện rộng lớn thênh thang. Ông nhìn những đĩa bánh tinh xảo đẹp mắt còn nguyên trên bàn. Huyền Trân chưa động tới chút nào đã chạy đi. Ông đã phải suy nghĩ rất lâu mới ra quyết định này. Ông từng là vua, giờ là Thái thượng hoàng nhưng cũng là một người cha. Gả con gái đi xa, có người cha nào mà không xót. Nhưng vua Chiêm lại muốn dùng hai châu Ô, Lý làm sính lễ. Hai châu Ô, Lý ngàn dặm vuông. Chuyện liên hôn từ cổ đến kim không thiếu nhưng cắt đất để làm sính lễ cầu hôn thì là chuyện hiếm. Đó là một phần lãnh thổ của Chiêm Thành. Cuộc hôn nhân này có thể giúp Đại Việt mở rộng bờ cõi xuống phía nam mà không cần động binh đao, đầu rơi máu chảy. 

***

Huyền Trân đi như chạy trở về tẩm điện của mình, nàng đóng sầm cửa lại, giam mình bên trong. Sau khi gạt đổ chồng sách dạy ngôn ngữ và văn hóa Chiêm Thành trên giá, Huyền Trân ngồi bó gối ôm mặt khóc. Việc phụ hoàng có ý định gả nàng cho vua Chiêm, Huyền Trân không hề ngạc nhiên khi biết chuyện. Việc này từ sau khi phụ hoàng đi vân du về là nàng đã được nghe rồi. Chỉ là nàng vẫn hi vọng, thời gian trôi rồi phụ hoàng sẽ quên, hoặc phụ hoàng sẽ không nhẫn tâm gả nàng sang nơi đất khách quê người, người yêu thương nàng như vậy cơ mà. Suốt mấy năm qua Huyền Trân đã không biết bao nhiêu lần thấp thỏm lo âu rồi lại tự an ủi mình, hay nói đúng hơn là tìm cách dối lòng mình. Cha nàng không phải người bình thường mà là vua một nước. Vì cớ gì mà từ khi nàng còn nhỏ, phụ hoàng đã sai người dạy nàng ngôn ngữ, văn hóa và tập quán của Chiêm Thành. Chẳng phải để chuẩn bị cho mối liên hôn này hay sao? Huyền Trân không muốn, không muốn, không muốn... Thế nên khi đã khôn lớn hơn, nàng dựa vào thế lực của nhà ngoại ngấm ngầm kích động các văn sĩ mượn chuyện vua Hán đem Chiêu Quân cống Hồ làm thơ để châm biếm việc phụ hoàng hứa gả nàng cho Chế Mân. Nhưng ý phụ hoàng dường như đã quyết, nàng liệu có thể phản kháng? Sính lễ là hai châu Ô, Lý cơ mà. 

***

Trần Khâm đích thân đến tẩm điện gặp Huyền Trân nhưng nàng kiên quyết đóng cửa không gặp. Nàng ở trong phòng nói vọng ra:

- Dù phụ hoàng có nói gì, con cũng nhất quyết không đồng ý đâu. Nếu người ép con thì hoặc là con tự sát luôn ở trong cung điện này hoặc trên đường sang Chiêm Thành con sẽ nhảy xuống biển, không thì con sẽ lấy dao rạch mặt hủy dung. Chế Mân chắc chắn sẽ không thèm lấy một công chúa xấu xí đâu. - Nàng liến thoắng.

- Được ta không nói gì. - Trần Khâm phì cười. - Ta chỉ muốn con đi cùng ta đến một nơi.

**

Đó là một tẩm điện nhỏ nằm biệt lập trong cung dường như ít người lui tới nhưng được quét tước sạch sẽ, bày biện trang trọng, chăm sóc cẩn thận. Trước sân điện trồng nhiều tre xanh, trông rất thanh bình. Huyền Trân lớn lên trong cung từ nhỏ đến lớn, nhưng lần đầu tiên nàng biết đến trong cung có nơi này. Trần Khâm đẩy cánh cửa bước vào bên trong. Huyền Trân đi theo ông. Ông lệnh cho cung nhân mở cửa sổ. Ánh nắng tràn vào trong phòng. 

- Đây từng là nơi ở của một công chúa. - Trần Khâm lên tiếng. - Nay cảnh còn người mất. 

Huyền Trân đưa mắt nhìn quanh phòng, cách bài trí đơn giản mà trang nhã, dường như người đã ở đây thích đọc sách và chơi đàn bầu. Lòng nàng tự hỏi là ai đã từng ở nơi này, sao phụ hoàng lại đưa nàng tới đây? Ánh mắt nàng dừng lại khi nhìn thấy những bức tranh treo ngay ngắn trên tường. Đó không phải là bộ tranh tứ bình hay tranh sơn thủy hay gặp, mà là tranh vẽ thiếu nữ. Mỗi tranh vẽ một người. Các bức tranh không một hạt bụi, dường như có người ngày ngày trân trọng lau chùi. 

- Phụ hoàng, những người này là ai ạ? - Huyền Trân hỏi.

Trần Khâm nhìn những bức tranh mà đích thân ông đã lệnh cho cung nhân treo trang trọng lên tường. Sau khi cuộc chiến năm xưa kết thúc thắng lợi, ông cho người sửa sang dọn dẹp lại tẩm điện của An Tư công chúa nhưng không để người khác vào đây ở. Trần Khâm muốn nơi này trở thành nơi để tưởng nhớ đến những người phụ nữ họ Trần có công với hoàng tộc, với đất nước. Vì nhiều lý do, có những người triều đình không thể công khai truy phong hay khen thưởng họ như An Tư Công chúa nhưng những gì họ đã hi sinh không thể bị lãng quên.  

- Đó là Linh Từ quốc mẫu [3]. Để mở nghiệp đế vương của gia tộc họ Trần, quốc mẫu đã từ bỏ tự do và tình yêu của mình để lấy thái tử nhà Lý. - Lý Hạo Sảm sau này là vua Lý Huệ Tông. Trước khi trở thành Linh Từ Quốc mẫu được người người tôn kính của hoàng tộc họ Trần, người đã chịu đủ đắng cay, nguy hiểm, tủi nhục trong hậu cung của Lý Huệ Tông. - Trần Khâm chỉ vào bức tranh thứ nhất rồi nói.

Đoạn ông chỉ sang bức thứ hai, ôn tồn:

 - Đó là Ngoạn Thiềm công chúa. Năm đó, cuối thời nhà Lý, có tên Nguyễn Nộn là cư sĩ chùa Phù Đổng, vì bắt được vàng ngọc không dâng lên triều đình nên vua hạ chiếu bắt giam. Kiến Quốc Đại vương [4] xin cho Nguyễn Nộn được đánh giặc chuộc tội, vua sai đi đánh dẹp người Mán ở Quảng Oai. Tên Nộn liền chiếm cứ vùng Bắc Giang, Đoàn Thượng chiếm vùng châu Hồng. Sau đó Nộn giết Đoàn Thượng rồi chiếm quân và cướp luôn châu Hồng, thanh thế lừng lẫy. Trung Vũ Đại vương [5] lo lắng, vừa sắc phong cho Nộn làm Hoài Đạo Hiếu vũ vương, vừa gả Ngoạn Thiềm công chúa cho hắn để công chúa ngầm dò la tin tức. 

Huyền Trân im lặng lắng nghe từng lời ông nói, nàng nhìn theo tay ông chỉ sang bức tranh thứ ba.

- Còn người này... Năm Thiệu Bảo thứ bảy (1285), quân Nguyên tràn sang xâm lược, thế như chẻ tre, mạnh như thác lũ. Không còn cách nào khác, ta buộc phải dâng hoàng cô là An Tư công chúa cho tướng giặc Thoát Hoan để làm giãn nạn nước. Hoàng cô lên thuyền sang trại giặc không phải với tư cách đi lấy chồng mà chỉ là một vật cống phẩm. Người đã phải chịu mọi ô nhục, tủi hờn cùng chà đạp trong trướng của Thoát Hoan. Nhưng đến ngày "Chương Dương cướp giáo giặc/Hàm Tử bắt quân thù" [6] thì hoàng cô chẳng thể trở về được nữa.

Đây là lần đầu tiên Huyền Trân nghe thấy tiếng thở dài của phụ hoàng.

- Phụ hoàng, người đang cố thuyết phục con đồng ý? - Huyền Trân rưng rưng nhìn Trần Khâm.

Ông không đáp lời nàng ngay. Ông bước về phía thư án trong góc phòng, rồi lấy một tấm bản đồ trên kệ sách. Ông trải tấm bản đồ ra bàn rồi nói:

- Con lại đây. Ta còn một thứ nữa muốn để con xem.

Huyền Trân chần chừ đứng im tại chỗ. Cuối cùng nàng vẫn từng bước từng bước đi tới chỗ thư án. Trên mặt bàn là tấm bản đồ vẽ toàn bộ lãnh thổ của Đại Việt. 

- Huyền Trân công chúa, công chúa của Đại Việt. - Trần Khâm nhấn mạnh. - Công chúa hãy nhìn ba châu Bố Chính, Ma Linh, Địa Lý. Ba châu này trước đây vốn là lãnh thổ của Chiêm Thành, nhưng giờ nó là của Đại Việt. Công chúa có biết đã trải qua bao nhiêu năm, bao nhiêu cuộc chiến, qua mấy đời vua các triều đại, mất bao nhiêu xương máu quân dân Đại Việt để ngày hôm nay ba châu này thuộc lãnh thổ của Đại Việt không? Chiêm Thành là một dân tộc quật cường và có chí phục thù bền bỉ. Đại Việt và Chiêm Thành ngang tài ngang sức, hòa hiếu hiện tại chỉ là tạm thời để cùng đối phó nhà Nguyên. Nếu một ngày Đại Nguyên không còn, Đại Việt mạnh, Chiêm Thành vong và ngược lại Chiêm Thành mạnh Đại Việt vong.

Huyền Trân im lặng lắng nghe lời ông nói. Trần Khâm vỗ vai nàng:

- Con cứ từ từ suy nghĩ.

Ông chậm rãi rời đi. Huyền Trân nhìn theo bóng lưng của ông. Môi nàng mấp máy nhưng không nói nên lời. Nàng thần người ngồi xuống ghế, nhìn đăm đăm vào tấm bản đồ trải trước mặt. Những điều vua cha vừa nói nàng đều hiểu. Nàng càng biết hoàng tộc trong đó có nàng được hưởng vinh hoa phú quý, sống cao sang sung sướng, có kẻ hầu người hạ, ở trong cung vàng điện ngọc là từ mồ hôi xương máu của nhân dân. Đương nhiên phải có nghĩa vụ trách nhiệm với đất nước dân tộc của mình. Chỉ một người dân thường áo vải bình thường đã phải có trách nhiệm với quê hương. Một công chúa đương nhiên càng phải gánh trọng trách nặng nề hơn. Từ nhỏ nàng đã được dạy những điều này. Thực ra tuy bề ngoài, nàng tỏ ra phản đối dữ dội việc bị gả sang Chiêm Thành, cũng đã từng tìm cách để ngăn cản chuyện này, nhưng sâu trong thâm tâm nàng đã thuận theo sự sắp đặt của phụ hoàng. Nếu nàng một lòng chống đối, những năm qua nàng đã không chăm chỉ học tiếng và văn hóa của Chiêm Thành. Nhưng nàng vẫn muốn thử giãy dụa một lần, thử chống lại số phận, và thử xem tình thương của phụ hoàng với nàng đến đâu. Nhưng ông là bậc đế vương, trên vai là trọng trách gánh vác giang sơn xã tắc, là cuộc sống của lê dân bách tính. 

Nắng xuyên qua cửa sổ, hắt lên tấm bản đồ trên bàn nhạt dần rồi chuyển sang ánh hồng của hoàng hôn. Tấm bản đồ như nhuộm màu máu. Cung nữ vào trong điện lặng lẽ châm nến rồi lui ra, không ai đến làm phiền nàng. 

- Lại bày trò khóc nhè. 

Huyền Trân giật mình khi nghe thấy tiếng nói thình lình cất lên bên cạnh mình. Nàng ngẩng đầu lên nhìn, Quan gia mỉm cười đưa cho nàng một cái khăn tay. Huyền Trân giận dỗi giật lấy cái khăn tay trong tay anh trai rồi lau nước mắt. 

- Để anh đưa em ra ngoài cung chơi. 

- Phụ hoàng đang ở đây, anh không sợ bị mắng ạ? - - Nàng tròn mắt hỏi. 

- Không sợ, có bị mắng, anh chịu thay em. - Quan gia vỗ ngực bảo đảm.


(Đây chỉ là một phần nội dung, toàn bộ nội dung truyện sẽ được in đầy đủ vào sách khi tác phẩm được lựa chọn.)

__________

Chú thích:

[1] Trích từ "Nước non ngàn dặm" theo điệu Nam Bình.

[2] Thái Thượng Hoàng, Trần Khâm: Vua Trần Nhân Tông, vị vua thứ ba thời Trần.

[3] Linh Từ quốc mẫu: Trần Thị Dung hay Trần Thị Ngừ, bà là mẹ đẻ của vị nữ đế duy nhất trong lịch sử Việt Nam - Lý Chiêu Hoàng

[4] Kiến Quốc Đại vương: Trần Tự Khánh.

[5] Trung Vũ Đại vương: Trần Thủ Độ.

[6] Trích trong bài thơ “Tụng giá hoàn kinh sư” của Trần Quang Khải.


Nếu bạn yêu thích tác phẩm Nước non vạn dặm xa, hãy bình luận nêu cảm nhận cho chúng tớ biết nha.


0

Hãy là người bình luận đầu tiên nhé!

Bình luận

Chưa có bình luận
Preview Settings

Try It Real Time

Layout Type
    • LTR
    • RTL
    • Box
Sidebar Type
Sidebar Icon
Unlimited Color
Light layout
Dark Layout
Mix Layout