HVTĐ5 - LỄ THÍ NHI CỦA CẬU CHIÊU BẢY - MAI AN NGUYỄN ANH TUẤN


Giới thiệu:

Miêu tả về Lễ Thí Nhi của đại gia đình quan Tể tướng Nguyễn Nghiễm dành cho Nguyễn Du lúc 5 tuổi, tâm trạng và phản ứng của song thân Nguyễn Du trước sự lựa chọn của con...


______

Trong khu dinh thự nguy nga và duy nhất có cổng mang tên “Ô Y Hạng”(1) của phường Bích Câu - Thăng Long, sáng nay có một không khí náo nhiệt khác lạ, qua những dáng người vội vã, những gương mặt tò mò, những lời thì thào háo hức… Mặc dù không có đèn treo hoa kết, người ngoài cũng có thể đoán được rằng nơi đây sắp diễn ra một nghi lễ quan trọng. 

      Chỉ trừ đôi ba người bận công cán đương ở xa kinh thành, còn tất cả lớn bé, già trẻ, gái trai của dòng họ Nguyễn Tiên Điền từ dinh thự này và các dinh cơ lân cận đều tới, theo yêu cầu của Xuân Quận công - vị thủ lĩnh nghiêm nghị và có uy lực nhất dòng họ.

      Bên dưới hai chữ PHÚC – ĐỨC sơn son thiếp vàng là một chiếc sập gụ lớn đặt giữa đại sảnh, ở đó trải một chiếc chiếu điều bày sẵn các đồ vật: Quả ấn chữ triện, Cung Tên, Hộp bút lông-Nghiên mực, Cày Bừa - chúng tượng trưng cho bốn sự nghiệp lớn ở thế gian: Quan văn, Tướng võ, Nho sinh và Lực điền. Riêng cung tên và cày bừa thì làm mô hình bằng tre, gỗ thông, còn ấn và đồ nghề của nho sĩ là đồ thực. Đứa bé trai trong dòng họ quan lại, tới một tuổi ấn định, sẽ được “thử sức đọ trí” tại cuộc Thí nhi long trọng, để tạo thêm niềm tin cho những người lớn đang hết sức kỳ vọng ở nó. Tại dòng họ đại quý tộc khét tiếng này, nghi lễ trên càng được coi trọng.

      Đối với quan Tham tụng Nguyễn Nghiễm, nghi lễ này dành cho người con thứ bảy cũng thiêng liêng không kém, nếu như không muốn nói là hơn, cái ngày cậu cất tiếng khóc chào đời vào mùa đông năm Ất Dậu 1765.

      Đã năm năm trôi qua, ông mong mỏi tới ngày đưa Chiêu Bảy(2) tới chiếc chiếu điều kia để con trai tự chọn con đường xuất xử, hành đạo rồi trở thành một người quân tử theo hình mẫu kinh điển. Thời gian như bóng câu qua cửa sổ, thấm thoắt đã tới ngày này, ông không sao nén được sự hồi hộp cùng nỗi lo âu bâng quơ…

      Ông còn định cho mời mấy người bạn đồng liêu và đồng triều mà ông gần gũi, tin cậy. Nhưng sau nghĩ thế nào, ông chỉ cho mời một Hữu thị lang bộ Hộ -Thiêm đô Ngự sử Lê Quý Đôn, người được dân thạo chữ đất Thần kinh mệnh danh là “học vấn rộng khắp, đặt bút thành văn”, để người bạn đồng liêu gần như “con chấy cắn đôi” chứng kiến và giám định giúp cuộc “khảo thí” quan trọng bằng đồ vật kia. Bản thân ông cũng mê viết ký lục, chí, sử bình, khảo cứu, đã từng có sách Việt sử bị lãm, Lạng Sơn đoàn thành đồ chí, Cổ lễ nhạc chương thi văn tập. Nhưng ông chưa có lúc nào thật rảnh rang để toàn tâm toàn ý thi thố sở nguyện. Và trong thâm tâm sâu kín, ông mong đứa cháu trai mà ông đặt nhiều hy vọng sẽ đi theo con đường của sử quan họ Lê, người soạn bộ Lê triều thông sử 30 quyển và cuốn Bắc sứ thông lục (Chép đủ việc khi đi sứ sang Trung Quốc), người ông từng ghé tai thầm thì: “Tư Mã Tử Trường (Tư Mã Thiên) của Đại Việt đây rồi!” 

      Trong năm người con trai, bằng trực giác, quan tham tụng cảm thấy Chiêu Bảy có thiên tư về chữ nghĩa hơn cả. Đã nhiều lần, cứ thấy ông làm việc bên án thư, mặc sự rầy la của mẹ hay người nhà, chú bé Chiêu Bảy liền mạnh dạn sà đến bên ông để thắc mắc đủ thứ, như cậu tin rằng: chỉ lúc đó ông mới dễ dãi với con. Ông nhận ra: những cuốn sách lúc nào cũng như hút hồn Chiêu Bảy. Nếu sự việc diễn ra đúng như sở nguyện của ông, ông sẽ bắt thằng bé chắp tay bái Lê công làm sư phụ.

      Người mẹ chú bé, bà trắc thất(3) Trần Thị Tần cũng bồn chồn không kém chồng. Với nhạy cảm của phụ nữ đất Quan họ Kinh Bắc, bà rất hiểu mối quan tâm thầm kín của đức lang quân uy trùm thiên hạ đối với con trai áp út của mình, dù mấy mẹ con bà chỉ là “vợ lẽ con thêm”. Bà để ý thấy ánh mắt cương nghị vốn sáng quắc của vị nho tướng đứng hàng đầu triều đình kia chợt dịu lại trìu mến, tuy khó nhận ra, mỗi khi ông dừng lại trước lớp học ấu nhi gia đình, và nghe một cách chăm chú, cảm động những chữ của Tam Tự kinh thốt ra đầy âm điệu từ miệng chú bé Chiêu Bảy; dường ông cảm thấy chúng có điều gì khác lạ, hiếm gặp ở những người con khác… Còn bà, trong những lần đưa các con về thăm quê ngoại, qua cái nhìn đắm say trước cảnh vật của Chiêu Bảy, nhất là trước cảnh núi non của dãy Nham Biền có 99 đỉnh như Ngàn Hống, bà lờ mờ cảm thấy sự hòa hợp tinh diệu khó tả của tâm hồn con trai với thiên nhiên mà chỉ nghệ nhân quan họ đạt tới đẳng cấp nào đó mới có thể có… Bà dạy các con rất nhiều lời ca quan họ, dù Chiêu Bảy hát tồi nhất trong mấy đứa con song lại nhớ nhiều nhất các bài dân ca Kinh Bắc, rồi sau đó còn lắp ghép, hoán đổi câu chữ trong các bài ca ấy một cách tinh nghịch song khá ngọt ngào khiến ông bà ngoại và hàng xóm thôn Hoa Thiều tròn xoe mắt kinh ngạc, thán phục cậu bé chưa đầy 5 tuổi đầu! 

      Giống như hầu hết các bà mẹ quý tộc hay bình dân trong nhiều thế kỷ mong con trai lập thân lập nghiệp bằng khoa cử, nhưng riêng bà còn thầm ước Chiêu Bảy tiếp nối được bác Ôn Như Nguyễn Gia Thiều người đồng hương của bà, tác giả của khúc “Cung oán ngâm” nổi tiếng mà trong triều ngoài chợ ai ai cũng phải ngâm nga như lên đồng...

      Rồi cái giây phút chờ đợi cũng đã tới.

      Khi mọi người đã có mặt hầu đông đủ, đứng thành mấy lớp quây quanh chiếc sập gụ nâu bóng có trải chiếu điều, người hầu gái dẫn ra một chú bé khôi ngô, tuấn tú, đĩnh đạc, cố giữ vẻ nghiêm trang mà chỉ hai trái đào phơ phất trên mái đầu thơ ngây mới nhắc mọi người nhớ đến thân phận trẻ con của cậu. Sự im lặng chăm chú của mọi người khiến cậu hơi mất bình tĩnh, và lo sợ mơ hồ, hơn là sự bí ẩn của cái việc người ta bày đặt ra theo tục lệ của đại gia phong mà cậu được tham dự một lần.

      Chiêu Bảy đứng trước các đồ vật truyền thống của một lễ Thí nhi, ngắm nghía hồi lâu, như đang suy nghĩ lung lắm. Thực ra, cậu đâu có nghĩ ngợi gì. Tuổi của cậu là tuổi của chạy nhảy, bắt dế, chơi ô ăn quan, chơi kéo cưa lừa xẻ… Và dù cậu có khác nhiều đứa trẻ cùng lứa là hay thần ra mơ màng, có những khoảnh khắc vô tình lắng vào tận đáy của một thể khí linh thiêng trong vạn vật mà phải nhiều thập niên sau cậu mới lý giải được cặn kẽ, bản chất của cậu là hiếu động, hay tò mò, nghịch ngầm, và xử sự theo bản năng trong khuôn phép gia phong nghiệt ngã dành cho các con quan đầu triều.

      Thực ra là cậu đang ngắm các đồ vật ở dạng mỹ thuật của chúng, thử xem sự mô tả cái cày cái bừa kia có gì giống hay khác với cái cày cái bừa mà cậu đã thấy trên đồng ruộng khi về thăm Kinh Bắc, cây cung khổng lồ mà cậu chứng kiến trong buổi tập của đội vệ binh Cấm quân có gì đồng dạng với cây cung nhỏ bằng tre kia mà các anh em chú vẫn làm để lén tập bắn gà trong vườn quê ngoại… Cái hộp bút lông làm từ vùng quê Mão Điền quê ngoại và chiếc nghiên sứ men lam vùng Chu Đậu xứ Đông thì quá quen thuộc với những kẻ “chi hồ giả dã” như các anh em cậu, trong một gia đình thi thư nức tiếng. Chỉ có chiếc ấn triện là hơi xa lạ với cậu, bởi cậu chỉ được nhìn thấy một lần từ xa khi cha cộp dấu quan Tể tướng vào bài khải dâng Chúa, và một lần trong lễ Thí nhi cho anh cậu khi cậu còn rất bé.

      Linh cảm trời cho của một chú bé 5 tuổi giúp cậu cảm nhận rõ được sự hồi hộp đến gần như nín thở của những người thân yêu vây quanh. Tựa như quyết định ngay lúc này của cậu sẽ liên quan đến một điều cực kỳ hệ trọng - không những chỉ đối với cậu mà còn đối với một đại gia đình ngựa xe võng lọng có không ít người ra vào cung vua phủ chúa mà không phải cởi bỏ vũ khí… Phải, chính điều này khiến cậu chợt thức tỉnh giấc mộng trẻ thơ: Vũ khí! Vũ khí! Những thanh long đao dài sáng quắc và những cây thương có ngù tạo thêm long trọng cho hàng binh đứng như tượng đá rước lọng vua chúa đi qua, những thanh đoản đao được trang trí cầu kỳ đeo bên mình võ tướng, những cây gươm cong biểu tượng cho thực thi công lý treo trên tấm da hổ trải ở sảnh đường, những cây kiếm ánh thép xanh lòe như đâm toạc trời xanh, những mũi tên bọc đồng bay như châu chấu vây kín một thành lũy - những điều cậu được nghe không chỉ một lần từ kinh - sử mà anh em cậu được nhồi nhét hàng ngày rồi tưởng tượng thêm ra… Thế là ánh mắt của cậu bị bộ cung tên thu hút như thôi miên. 

      Nhưng, đầu tiên cậu lại giơ hai cánh tay bé nhỏ cầm hộp bút giơ lên, đếm chậm rãi xem trong đó có bao nhiêu chiếc bút lông. Rồi cậu mạnh dạn rút ra một chiếc, như mọi lần cậu tập viết, và theo thói quen, tay kia sờ tới chiếc nghiên. Một thị đồng, đã được dặn trước, vội mang thỏi mực và bình nước tới, mài mực. Một thị đồng khác mang tới tờ giấy bản mạ vàng. Ông Tham tụng và bà vợ lẽ chắc là người sung sướng hơn cả. Người mẹ mắt nhắm nghiền lại, miệng thầm thốt lên những lời bà dành cho buổi lễ Phật trọng. 

      Chiêu Bảy ung dung chấm ngòi bút vào nghiên mực, rồi đặt trên giấy một hình liền nét mà dù méo mó vụng về, ai cũng nhận rõ đó là vòng tròn! 

      Một vòng tròn của sự rỗng không mà bất cứ ai biết chút ít về giáo lý nhà Phật cũng đều hiểu.

      Mọi người xúm vào nhìn, khe khẽ bình luận, bàn tán, đồng thời lén dò xem phản ứng của đại lão gia. Ông lặng lẽ vuốt râu, không tỏ thái độ gì. Nhưng, ông chợt giật bắn người, gần như đứng phắt dậy khỏi chiếc ghế duy nhất tại đó, khi trước mắt ông là cảnh đứa cháu trai quý hóa vò nát tờ giấy bản rồi vứt sang một góc tựa đó là một thứ vô nghĩa, không đáng đếm xỉa tới. 

      Ông vội ghìm mình lại, bình tĩnh ngồi xuống để xem trò gì sẽ diễn tiếp theo, dường ông chẳng xem trọng quá trò vui vẻ đầy ngẫu hứng này, nhưng hai chữ PHÚC - ĐỨC bỗng dưng nhảy múa, rồi méo đi trong mắt ông… Còn bà mẹ thì bắt đầu thấy người lao đao, mặt mũi xây xẩm, nhưng vẫn cố gượng mỉm cười che dấu mọi xao động trong lòng. 

       Vò tờ giấy vứt đi xong, Chiêu Bảy sờ đến chiếc ấn triện, cậu nâng lên, xoay ngang xoay dọc ngắm nghía. Lần đầu tiên cậu được tiếp xúc với nó ở cự ly gần đến thế, và lại được mân mó nó như một thứ đồ chơi, chứ không phải là vật để đám đông từ bậc chăn dân đến lũ con đỏ Kính - Sợ… Hồi lâu, dường đã chán, và cảm thấy mình đã lạm dụng sự chờ đợi của mọi người, cậu thận trọng đặt chiếc ấn triện xuống bằng hai bàn tay, như một vật “kính nhi viễn chi”, rồi quay phắt sang bộ cung tên giả. 

       Ánh mắt cậu sáng lên đầy ranh mãnh như lúc giương cung nhắm vào con gà nhép rồi cố tình bắn trượt thật xa để mua lấy tiếng cười vui của lũ trẻ hàng xóm nhưng thực ra là để cứu con gà. Thế rồi, cậu giơ hai cánh tay ra ôm chặt lấy bộ cung tên - như đó là vật hộ mệnh của mình.

  

(Đây chỉ là một nửa nội dung, toàn bộ nội dung sẽ được in đầy đủ vào sách khi tác phẩm được lựa chọn.) 


Chú thích:

1. Cổng dành gia đình quyền quý mặc áo đen, do Chúa Trịnh đặc cách đặt tên.

2. Con cái đại quý tộc được gọi là Chiêu.

3. Vợ hai là Á thất, từ vợ ba trở đi gọi là Trắc thất.

__________

Nếu bạn yêu thích tác phẩm này, hãy bình luận nêu cảm nhận cho chúng tớ biết nha.


Bình luận

  • avatar
    _
    Lễ thí nhi của cậu chiêu bảy độc đáo quá. Nội dung khác bọt so với các truyện trong danh sách dự thi. Mình cảm thấy đây đúng là một truyện ngắn thực thụ, với một hoàn cảnh cực kỳ đặc sắc. Không biết đứa trẻ cuối cùng sẽ chọn gì và việc đó mang lại hệ quả như thế nào cho gia tộc? Rất mong truyện này được in sách. 10 điểm cho tác giả.
Preview Settings

Try It Real Time

Layout Type
    • LTR
    • RTL
    • Box
Sidebar Type
Sidebar Icon
Unlimited Color
Light layout
Dark Layout
Mix Layout
}