HVTĐ1 - LUNG LINH NGHI & NHỮNG NGƯỜI NHẬN NHIỆM VỤ - QUANG NGUYÊN H-NG


Giới thiệu:

Năm 1410, tại châu Ngọc Ma, một cô bé, thuộc tộc Cầm Đông, mang dòng máu tiên tri ra đời. Trong bối cảnh loạn lạc cuối đời Trần, cô bé đã được cha là Phạm Sinh dạy những tri thức của tiền nhân, cùng cha trở thành những người nhận nhiệm vụ giữ những thư tịch quý. Duyên phận tình cảm ngắn ngủi với thiếu niên họ Hồ cũng bị cuốn theo biến động thời cuộc và lòng tham danh vọng. Mỗi số phận bị cuốn đi, có người thành công, có người tan tác, nhưng những người nhận nhiệm vụ vẫn tiếp tục âm thầm cất giữ và truyền lại tri thức cổ, mà một trong những thành tựu xuất sắc nhất là Lung linh nghi.


———


1. Đến nơi tận cùng thế gian


Năm 1390, thành Thăng Long. 

Pháp trường trên bãi đất chợ, chật kín người. Ai nấy đều muốn nhìn thấy thủ lĩnh quân nổi loạn nổi tiếng. Lần đầu tiên, một dân đen dám dẫn nghĩa binh, toàn bộ cũng là dân đen, tấn công vào thành Thăng Long, làm vua Thuận Tông và Thượng hoàng Nghệ Tông phải bỏ chạy. Đối với triều đình, quân phiến loạn đã làm việc tày trời, dám chiếm thành Thăng Long trong ba ngày trước khi bị trấn áp. Đối với dân chúng, nghĩa quân đã làm được một việc chấn động như ước muốn thầm kín bấy lâu của họ, đem lại tia hy vọng thay đổi thực tế khắc nghiệt. 

Thời thế nhiễu nhương, ai nấy đều mong có người gánh lấy thiên mệnh buổi mạt Trần. Nhưng niềm hy vọng của người dân giờ đã bị trói chặt, quỳ trên bục, chờ giờ hành hình. Nhiều người lén lấy vạt áo chậm nước mắt, nhiều người khác khẽ cầu nguyện xin một phép màu. Một chàng thiếu niên, dáng vẻ thư sinh, vai đeo tay nải nâu, đứng nép vào một góc cây gần pháp trường, lặng lẽ quan sát.


Giờ hành quyết đã đến. Đao phủ cầm dao tiến đến. Người tử tù đầu trọc chắp tay, hướng về phía tháp Báo Thiên, nói lớn: “Con xin lạy Đức Phật từ bi, xin được Phật xá tội”, sau đó hướng về phía anh em đồng đảng bị trói thành hàng bên cạnh, vái lạy: “Sư Ôn xin anh em tha thứ tài hèn đức mọn của mình, làm liên lụy hoài bão huynh đệ, xin báo đáp kiếp sau”, và cuối cùng, la lớn về phía dân chúng: “Một lạy nầy xin gửi tới trăm dân. Vua quan nhà Trần thối nát, hủy hoại cơ đồ cha ông. Tiếc rằng tôi không thành công cứu trăm họ khỏi cảnh lầm than...” Người thủ lĩnh ngước đôi mắt dài lên trời cao, thân hình vạm vỡ chằng chịt vết thương, lồng ngực căng lên hít thở lần cuối. Ông lướt nhìn thiếu niên đứng cạnh gốc cây, khẽ mỉm cười và gật đầu, sau đó nhắm mắt lại. Chiếc đầu rơi xuống, máu phụt lên. Dân chúng bàng hoàng dù đã chuẩn bị tinh thần. Hàng loạt đầu tiếp tục rơi xuống, không một tiếng van xin và sợ hãi. Người dân đỏ mắt im phăng phắt như để tang cho quân khởi nghĩa, nhất là người thủ lĩnh đầu trọc - vị tăng kỳ lạ có pháp danh Thiên Nhiên, khi hoàn tục khởi nghĩa đã lấy tên Phạm Sư Ôn.


Lệnh triều đình ban ra: bêu xác quân phiến loạn để răn đe thị chúng, ngăn chặn mầm loạn. Người dân kín đáo thắp hương, đốt vàng mã khắp các ngõ trong thành. Tàn nhang ửng đỏ bay như phủ một lớp tro xám lên bầu trời kinh thành. Vài ngày sau, gần pháp trường, một ngôi miếu nhỏ được ai đó lập ra. Không cần bất kỳ bảng tên nào, ai nấy đều biết ngôi miếu dành để thờ Phạm Sư Ôn. Triều đình nhắm mắt cho qua, người cần giết đã giết, giờ phải bí mật truy ra người lập miếu, nhưng quan quân không bao giờ tìm được người đó. 

Thiếu niên trẻ, khoác tay nải nâu, đã đi cùng một vị sư dong ruổi khắp nơi. Sau mười chín năm, khi vị sư viên tịch, chàng đến một nơi được gọi là điểm “tận cùng thế gian” – có thiên tượng về người kế thừa tri thức Lung Linh nghi.


2. Hậu duệ mang dòng máu tiên tri


Năm 1410. Châu Ngọc Ma.

Từ dãy nhà nằm ở chân đồi, sau những tràng la lớn của sản phụ, cuối cùng đã vang lên tiếng khóc váng của trẻ sơ sinh. Mụ đỡ già, mặt nhăn nheo, nói: “Ra rồi, con gái. Sau gáy có vết bớt. Chúc mừng dòng họ Cầm Đông đến đời này tiếp tục có truyền thừa mang dòng máu tiên tri. Ta thật là vinh hạnh!” Người mẹ trẻ vừa sinh xong, gương mặt ướt mồ hôi, cười sung sướng trong cơn đau đớn, vẫy tay ra hiệu cho người hầu ra ngoài thông báo. Ngoài sân, quanh những gốc cây to dùng làm bàn tiệc, dòng họ Cầm Đông đang đứng ngồi đợi tin tức. Vừa nghe người hầu thuật lại lời mụ đỡ, mọi người đồng loạt nhảy lên mừng rỡ. Một người đàn ông trung niên trong trang phục rực rỡ nhất, chính là trưởng tộc họ Cầm Đông, quay qua vỗ vai người đàn ông trong trang phục áo vải đứng cạnh:

- Phạm Sinh, con là điềm lành. Mấy đời mới có một hậu duệ mang dòng máu tiên tri. Đã hai đời nay không có, đến con và Thị Đoan nhà chúng ta lại đúng nhân duyên tốt. Cha nhường cho con quyền đặt tên con gái. Như đã thỏa thuận trước, ta muốn đứa bé này theo họ của tộc ta.

Phạm Sinh chắp tay, cúi người kính cẩn:

- Chúng con theo dẫn dắt của định mệnh. Con thân cô thế cô, đến đây được yêu thương và có nhân duyên tốt với ái thê, đều nhờ cha và gia đình ta. Con xin phép đề nghị cha và con cùng đặt tên cho cháu. Cha chọn một tên, con chọn một tên, ghép lại thành tên chung cho cháu.

Trưởng tộc họ Cầm cười, gật đầu, lớn tiếng gọi người hầu khiêng mấy vại rượu đến:

- Được, rất tốt. Chúng ta khai tiệc lớn. Ta sẽ đãi ba ngày ba đêm theo tục kinh thành quê con, bất kỳ ai đến cũng là khách quý, ăn uống thỏa thích. Còn chúng ta, mỗi người viết ra giấy ba cái tên, bốc trúng cái nào, chọn cái đó. Tên do người chọn, quyết định cuối cùng là của trời.


Đứa bé gái có vết bớt đỏ sau gáy ngủ li bì không khóc tiếng nào, thỉnh thoảng hé mắt uể oải bú sữa rồi lại ngủ tiếp, sau ba ngày ba đêm được đặt tên là Cầm Đông Vọng Nhiên. Cái tên chứa đựng ẩn ý của ông ngoại: Vọng là kỳ vọng tiếp tục dòng máu tiên tri của gia tộc, và tình yêu của người bố: Nhiên là mong mỏi một đời sống an nhiên cho con gái, đồng thời cũng nhắc đến pháp danh Thiên Nhiên của ông nội thuở nào.


Tiệc mừng tổ chức ba ngày ba đêm, cả vùng đến dự, vừa có người xuôi, vừa có người Bồn Man, như tộc họ Cầm Đông. Nơi này trước đây, thuộc Châu Kiềm của tiểu vương quốc Bồn Man nhưng sau cuộc chinh phạt của thượng hoàng Trần Minh Tông hơn 70 năm trước đã sáp nhập vào lãnh thổ Đại Việt. Châu Kiềm từ đó được gọi là Mật Châu. Khi quân Minh kéo sang vài năm trước  và nhà Hồ thất bại, triều Minh muốn áp đặt dấu ấn cai trị ở mọi ngõ ngách nên đã ban lệnh thay đổi nhiều thứ từ lớn đến nhỏ, như tên nước Đại Việt thời Trần lẫn Đại Ngu thời Hồ đều bị xóa bỏ, trở thành quận Giao Chỉ, rồi kinh thành Thăng Long cũng bị đổi thành cái tên hạ thấp “thành Đông Quan”. Vùng đất nhỏ bé này cũng không tránh khỏi biến động, bị tách ra khỏi Mật Châu, đặt tên mới là châu Ngọc Ma. Dù bị thay đổi tên, nhưng 70 năm trôi qua tương đương mấy thế hệ, nơi đây đã có sự hòa hợp giữa những người xuôi đến định cư và những người Bồn Man sống từ bao đời. Nơi này xa xôi hẻo lánh, lại nhỏ bé, nên quân Minh chỉ đến vài lần khi mới cai trị, còn vẫn để người dân tự quản với nhau.


Trong đám người đến dự tiệc nhà tộc Cầm Đông, xuất hiện một phụ nữ nghèo khó dắt một bé trai khoảng tầm năm tuổi, cả hai ăn mặc rách rưới và ăn uống như thể đã đói lâu ngày. Trưởng tộc Cầm Đông đang vui nên thương tình làm việc tốt: cấp cho hai mẹ con một mảnh đất cuối khu nhà, dựng cái nhà tranh nhỏ để ở, thu nhận làm người hầu, phụ bếp núc và chăm sóc tiểu thư Vọng Nhiên. 


3. Làng Cham sinh Vương


Năm 1417. Châu Ngọc Ma.

Phạm Sinh ngồi cạnh con gái, giảng cho con về Ngũ hành. Người mẹ ngồi khâu ở góc phòng, âu yếm nhìn hai cha con. Một người hầu vào thông báo có nhà pò Nhan xin gặp tiểu thư để tiên tri. Phạm Sinh gật đầu, ngồi xích ra sau con. Pò là già bản, nhà ông Nhan là một trong những gia đình người miền xuôi đầu tiên đến đây, vì uy tín và sự hiểu biết của ông nên người dân tự động gọi ông là pò – già bản. Ông đã khéo léo giúp cho các thói quen văn hóa khác nhau của người dân dần hòa nhập và hiểu nhau trong nhiều thập kỷ qua.

Sáu người nhà ông Nhan khúm núm đến trước sập gỗ, ngồi bệt xuống đất chắp tay, nói:

- Xin tiểu thư tiên tri cho nhà chúng con được biết số mệnh của bà nội chúng con như thế nào. Mấy ngày nay, bà mê man không tỉnh dậy, làm lễ gọi hồn về cũng không có kết quả. Chúng con phải làm gì đây?


Vọng Nhiên bảy tuổi, tóc dài xõa ngang lưng, cổ đeo kiềng bạc, gương mặt ngây thơ lắng nghe lời ông Nhan, rồi đưa bàn tay nhỏ nhắn chỉ vào ông Nhan, thốt ra ngắn gọn:

- Trán đen. Đại tang - Sau đó, chỉ qua đứa con trai lớn - Đi về hướng đông bắc, tốt. 


Cả nhà ông Nhan chắp tay khóc rống, chạy về chuẩn bị hậu sự. Riêng người con trai khoảng mười tuổi nán lại, e dè hỏi:

- Tiểu thư nói tôi đi hướng đông bắc tốt. Có thể cho biết tôi phải làm gì, hay gặp ai không?


Vọng Nhiên nhìn chăm chú gương mặt thiếu niên, như cố gắng đọc những dòng chữ li ti vô hình viết số phận của cậu ta trên đó, chậm rãi nói:

- Làng Cham sinh Vương. Làm lính cho ngọa hổ tàng long. Tránh Ái là giữ mạng, có vinh hoa trong vòng mười lăm năm.


Phạm Sinh ngồi sau con gái, kinh ngạc giật nẩy người khi nghe “Làng Cham sinh Vương”. Câu nói này, cách đây rất lâu rồi, anh đã nghe sư phụ Vô Trụ của mình nói, nhưng sau này, vì lý do nhìn thấy hung tinh cũng xuất hiện ở vùng đất đó, nên thầy đã khuyên anh hãy tiếp tục học tập thấu hiểu lẽ nhân sinh và trời đất, giữ gìn kho thư tịch quý giá của tiền nhân. Nghe con gái thốt ra câu này, tâm tư đang yên tĩnh như mặt hồ của Phạm Tư bỗng như bị một viên đá làm gợn sóng.

Ngoái đầu nhìn bố ngồi phía sau, Vọng Nhiên nũng nịu:

- Con mệt rồi bố ơi. Cho con ra sân chơi với anh Hồ.


Phạm Sinh gật đầu, nói thiếu niên ra về, dẫn tay con gái ra sân sau. Đó là một khu vườn rộng lớn cạnh dòng suối nhỏ trong vắt, thấp thoáng đằng xa là xưởng nhuộm vải của nhà họ Cầm Đông, xưởng rèn dao bên cạnh đỏ lửa, còn Hồ đang chặt củi cho nhà bếp ở một góc vườn. Vọng Nhiên không có bạn cùng lứa tuổi nơi đây, bởi ai ai cũng kính nể lẫn sợ hãi người mang dòng máu tiên tri của tộc Cầm Đông, không cha mẹ nào dám cho con chơi đùa mạo phạm “tiểu thư tiên tri”. Thế nên, người bạn duy nhất của cô bé là Hồ, lớn hơn bốn hay năm tuổi, cùng mẹ đến nơi này đúng vào ngày sinh của Vọng Nhiên và đã chăm sóc cô từ nhỏ. Mẹ của Hồ mất ba năm trước sau cơn bạo bệnh, để lại đứa con trai không quê quán và tên tuổi rõ ràng, chỉ gọi tắt là Hồ. Càng lớn Hồ càng có tài kể chuyện rất hấp dẫn dù chỉ nghe qua một lần những thông tin rời rạc. Vọng Nhiên rất thích chơi với Hồ, vừa được bày chơi các trò câu cá, hái hoa, kết cỏ,..vừa nghe chuyện hấp dẫn. 


Hồ thấy Vọng Nhiên, bèn bỏ dở đống củi, cười toe chạy đến:

- Có mấy con cá nhỏ theo dòng suối bơi vào trong một rãnh nước, tôi đã lấy đá kẹt tụi nó trong rãnh, chờ tiểu thư xem. Lại đây!


Phạm Sinh nhìn con gái chạy theo Hồ đến bờ suối, còn nghe Hồ kể thêm:

- Thằng con cả nhà ông Nhan vừa đi theo hướng đông bắc tìm vua làng Cham. Tiểu thư, tôi đi theo nó được không?

- Không. – Vọng Nhiên đáp, ngay lập tức mê mẩn chuyện khác - Ơ mấy con cá bé xinh…


Phạm Sinh ngồi ở bàn gỗ ngoài vườn, nhìn hai đứa bé chơi với nhau, nhớ lại ba mươi năm đã trôi qua từ buổi chứng kiến cha bị chặt đầu ở pháp trường. Chàng đã học đạo theo cách thế tục như lời khuyên của sư Vô Trụ, rồi tìm đến đây như một mục đích quan trọng trong đời, nhưng không biết sau đó như thế nào.


4. Mộng ước thiếu niên 


Thầy Vô Trụ tu tập thuộc một nhánh vô danh của thiền phái Diệt Hỷ - vốn đã chính thức biến mất một cách bí ẩn từ gần hai trăm năm trước, vào cuối triều Lý. Truyện kể rằng, đời cuối cùng của thiền phái Diệt Hỷ là thiền sư Y Sơn, trên đường đi hoằng pháp đã nhận một đệ tử; sau khi truyền xong những gì cần truyền, thiền sư rũ áo đi đến làng Yên Lãng, tu đến khi mất, không ban truyền thừa cho ai mà chỉ để lại vài bài thơ và lời dặn: “Cầu danh theo lợi, đều như bọt nổi trên sông. Trồng phúc gieo duyên, mới là báu vật thực quý.” Để triệt để từ bỏ danh lợi và tính hình thức vô thường, thiền sư Y Sơn chủ động không câu nệ theo hình thức truyền thừa nữa, mà theo tinh thần của thiền phái Diệt Hỷ: sắc sắc không không, pháp ở khắp nơi, ai cũng có thể lĩnh hội, giác ngộ và gieo duyên Phật pháp, không chỉ truyền nhân thiền phái Diệt Hỷ.  

Một dòng thiền phái hơn 600 năm, trải từ sư tổ Tì Ni Đa Lưu Chi tu ở chùa Pháp Vân, cho đến những thiền sư danh tiếng như Pháp Hiền, Định Không, Vạn Hạnh, Ngô Chân Lưu, Minh Không,… cứ thế thành ẩn tích, không một chút luyến tiếc về những dấu ấn lừng lẫy của mình trên vũ đài chính trị, xã hội nữa. 


Người đệ tử vô danh nhận dạy bảo của thiền sư Y Sơn, ghi chép lại thành một quyển sách mỏng tiếp tục truyền qua các đời đệ tử cho đến thầy Vô Trụ. Khi nhận sư Thiên Nhiên làm đồ đệ, sư Vô Trụ tưởng đã có thể tiếp tục truyền đi toàn bộ lời dạy của các sư tổ, nhưng Thiên Nhiên tăng bất ngờ xin hoàn tục để phất cờ kêu gọi nghĩa sĩ, đồng thời có đứa con trai với một nô tỳ. Cô gái thân phận nô tỳ đã trốn đi khi biết có thai, và kể cho con trai nghe sự thật về người cha đặc biệt của nó. Năm 11 tuổi, Phạm Sinh tìm đến Phạm Sư Ôn nhận cha.


Mộng ước tuổi thiếu niên của Phạm Sinh là ủng hộ cha. Chàng mạnh về học thuật hơn đánh trận nên Phạm Sư Ôn khuyên con sống cùng dân những nơi nghĩa quân đi qua, làm mưu lược góp ý về đối nhân xử thế. Khi Phạm Sư Ôn đưa nghĩa quân vào thành Thăng Long, hai cha con đã hứa với nhau: nghĩa quân không bắt nạt dân, không tơ hào món gì của dân, sẽ tạo ra một xã hội chính trực và tốt đẹp hơn. Mộng ước đó tan vỡ khi Phạm Sinh 13 tuổi tận mắt thấy cha bị hành quyết. Chàng lập miếu thờ ở gốc cây cạnh pháp trường, tìm đến sư Vô Trụ bái làm thầy, muốn thay cha làm đệ tử của sư, nhưng sư khuyên chàng nên học đạo theo cách thế tục để nhập thế thời loạn hơn là xuất thế tu hành. 

Hai thầy trò bỏ chùa, rong ruổi vạn dặm, vừa tránh sự truy đuổi của quân triều đình, vừa ngao du thiên hạ, vừa học tinh thần của thiền phái Diệt Hỷ và học lẽ huyền diệu từ thư tịch cổ. Sau khi sư Vô Trụ mất, Phạm Sinh theo lời thầy tìm đến châu Ngọc Ma làm thầy đồ, rồi nhanh chóng gặp gỡ và yêu Cầm Đông Thị Đoan – con gái gia tộc Cầm Đông lâu đời nơi đây.  


Vọng Nhiên ra đời, mang dòng máu tiên tri của tộc Cầm Đông, sự việc nằm ngoài mọi tưởng tượng và hiểu biết của Phạm Sinh; nhưng điều đó càng khẳng định lời dự đoán của thầy Vô Trụ: Nơi này quả thật lý tưởng để gìn giữ tri thức tiền nhân. Nhưng đất nước đang lầm than dưới sự tàn bạo của quân Minh, Phạm Sinh phải làm gì đây? Chàng học đạo, học lẽ huyền diệu từ những ghi chép về Lung linh nghi của Đặng Lộ, từ quyển Bách thế thông kỷ thư của Tư đồ Trần Nguyên Đán, việc đó có ích gì để cứu nước không, ngoài việc ngắm tinh tượng hàng đêm, dạy cho con gái những gì ít ỏi mà mình biết? 


Điều an ủi nhất, cũng tự hào nhất, với Phạm Sinh, là Vọng Nhiên học rất nhanh. Cô bé có dòng máu tiên tri, nghĩa là nhìn thấy những điều mà người khác không thấy được; nhưng khi thiếu kiến thức, cô bé không biết diễn giải nó như thế nào ngoài những màu sắc và từ ngữ tối nghĩa. Khi nghe cha giảng giải, Vọng Nhiên tiếp thu rất nhanh, vừa hiểu tri thức vừa phong phú hóa từ vựng, phát huy năng lực tiên tri tự nhiên. Sau hai năm dạy con gái, Phạm Sinh thấy cô bé đã học bằng bốn năm bản thân mình học ngày đêm với thầy Vô Trụ trước đây.  


Đang suy nghĩ đến đây, Phạm Sinh chợt nghe giọng Hồ hớn hở kể với Vọng Nhiên:

- Tiểu thư biết Phạm Sư Ôn không? Dân đen, giỏi võ nghệ, từng tu trên núi ở phủ Quốc Oai; khi xuống núi kêu gọi, lập tức tập hợp được hàng nghìn người theo cờ nghĩa binh, chiếm thành Thăng Long, suýt nữa đã lên làm vua. Tôi sẽ làm như thế, tốt hơn thế nữa. Một ngày kia, tôi sẽ xuống núi và làm vua. Tiểu thư chờ ngày đó nhé. 


5. Thêm tên, đổi phận


Vọng Nhiên bảy tuổi, Hồ tầm mười hai tuổi, vô tư nói về những chủ đề không thích hợp. Nghe Hồ nói làm vua, Vọng Nhiên cười ngây thơ, nhưng bĩu môi:

- Em không muốn anh đi. Anh có thể làm vua, nhưng đừng làm vua, sẽ chết sớm. Làm vua, phải là con vua. Anh đâu phải con vua, nên càng hung hiểm.


Nhìn thấy Phạm Sinh bước tới, Hồ phấn khởi khoe lý tưởng:

- Phạm tiên sinh, cháu sẽ là Phạm Sư Ôn thứ hai. Cháu quyết định gọi mình là Hồ Ôn. 

- Suỵt. Hai đứa không được nói về điều này. 

Hồ ưỡn ngực nói:

- Cháu lớn rồi, từ đây tên Hồ Ôn. 

- Chuyện này không đùa được. Hãy cho ta biết, mẹ cháu đã nói gì về quê quán của hai mẹ con?

Hồ láu lỉnh hỏi ngược lại:

- Quê quán cháu liên quan gì đến việc cháu gọi mình là Hồ Ôn?

- Cháu ngây thơ quá. Nói cho ta những gì cháu biết. Vì sao mẹ gọi cháu là Hồ? Đó là họ hay tên? 

- Cháu không biết. Mẹ không kể gì về cuộc sống trước đây, chỉ nói rằng, mẹ con cháu đến từ vùng gần kinh thành, trong một gia đình tốt, vì loạn lạc nên phải chạy càng xa nơi đó càng tốt.

- Vùng gần kinh thành? Thành Hồ? Cháu họ Hồ sao, thuộc gia quyến của Hồ Quý Ly, đã thoát được quân Minh?

Hồ im lặng, hoàn toàn không thể trả lời. 

Vọng Nhiên đột nhiên xen vào:

- Họ Hồ là vua à bố? Con thấy người anh ấy phát màu vàng và đỏ, hiện chữ “vương”, nhưng lúc có lúc không. Con không cảm nhận được khí tức vương từ bên trong.

Hồ sáng mắt:

- Vậy Hồ của cháu chính là họ, giờ thêm tên nữa là đủ họ tên. 

- Vì sao cháu biết về Phạm Sư Ôn? Chuyện cách đây gần ba mươi năm rồi.

- Ông ấy lưu danh muôn đời. Ba mươi năm rồi mà chưa ai làm lại được như thế. Cháu sẽ làm được, sẽ là vua một ngày nào đó. Tiểu thư, hãy nói lại lần nữa: tôi có thể làm vua phải không?

Vọng Nhiên do dự, miễn cưỡng gật đầu. Phạm Sinh kéo tay Hồ lại, quyết định nhanh:

- Được rồi, ta tin cháu có chí lớn. Nhưng đừng lấy tên Ôn. Cháu có thể đọc trại ra, như Ông chẳng hạn. Hoặc… cháu chọn tên khác.

Hồ mừng rỡ, lập tức gật đầu lia lịa:

- Tên Hồ Ông rất hay. Cháu từ đây là Hồ Ông. Tiểu thư, tên này…

Vọng Nhiên lắc đầu:

- Khi anh nói đến cái tên này, em thấy chữ “vương” nhấp nháy mạnh vừa vàng vừa đen. Em chưa rõ điều này nghĩa là thế nào, em sẽ học thêm trong sách và cho anh biết nó có nghĩa gì. Nhưng tựu trung, cái tên này đổi số phận anh. Như cũ mà sống lâu.

Hồ lắc đầu, vùng tay khỏi Phạm Sinh, chạy về phía các xưởng người hầu, la to:

- Ta là Hồ Ông, mọi người hãy nhớ tên ta nhé. Tiểu thư đã tiên tri rằng ta có thể làm vua, ta có chữ “vương” trên người.


Đám người hầu nhìn Hồ, người cười rộ như nghe một lời đùa, người hoài nghi nhìn về Vọng Nhiên dò hỏi. Một người quát Hồ chặt củi, cậu ta mới miễn cưỡng quay lại đống củi dang dở. 


Phạm Sinh lo lắng nhìn thiếu niên trẻ bắt đầu thể hiện niềm say mê quyền lực và danh tiếng. Vọng Nhiên nắm tay cha, thì thầm buồn bã:

- Anh ấy có thể ở đây và sống lâu, hoặc làm vua và chết sớm. Con thấy điều đó bố ạ, và con thích anh Hồ ở đây... cùng con.


6. Danh tiếng vang xa


Hè năm 1419. Châu Ngọc Ma. 

Ngoài vườn, Vọng Nhiên vừa đọc xong chương sách về bản đồ tinh tượng. Tiếng chim, tiếng gió, tiếng lao động từ các xưởng của họ Cầm Đông vang lên nhịp nhàng từ cuối vườn. Dòng suối nhỏ in màu trời. Phong cảnh thoáng đãng yên bình. Một người hầu chạy đến trước bàn:

- Tiểu thư, con trai cả nhà ông Nhàn vừa về, xin được gặp tiểu thư.


Vọng Nhiên gật đầu, vuốt làn tóc dài, chỉnh lại chiếc váy chàm xanh đính nhiều dải thổ cẩm. Cô bé chín tuổi tươi đẹp như một cánh hoa đầu mùa trong thiên nhiên tươi mát rực rỡ. Một dáng người nhanh nhẹn từ lối cửa đi vào vườn, tiến đến trước bàn của Nhiên, lập tức quỳ xuống bãi cỏ, chắp tay sùng kính:

- A Thảo vinh dự được gặp lại tiểu thư.

- Em cũng vui gặp lại anh. Khí sắc của anh rất tốt. Anh vừa thoát được hai kiếp nạn.

Gương mặt Thảo đen sạm, thân hình gầy gò nhưng săn chắc, hai bàn tay to bè nổi gân, xúc động trả lời:

- Chính vì vậy, tôi về đây cảm tạ tiểu thư về lời tiên tri ngày trước. 

- Em… đã nói gì? Em quên rồi.


A Thảo như cởi tấm lòng, lập tức kể vanh vách mọi chuyện. Các nhóm người hầu, trong đó có Hồ Ông, dần tụ tập lại để lắng nghe, bị cuốn theo sự tình li kỳ mà A Thảo đã trải qua trong mấy năm nay. 

Đầu tiên, “làng Cham sinh Vương”: Quả thật mấy năm trước, khi Thảo rời gia đình đi theo hướng đông bắc, đã nghe về hội thề Lũng Nhai do một người là hào trưởng hương Lam Sơn, tên Lê Lợi, khởi xướng. Khi biết Lê Lợi quê làng Cham, A Thảo lập tức đến xin đầu quân vào đội quân hàng nghìn nghĩa sĩ. Vài tháng sau, Lê Lợi xưng Bình Định Vương, chính thức phất cờ khởi nghĩa chống giặc Minh. 

Sau thắng lợi đầu tiên mai phục quân Minh ở Lạc Thủy, để tránh hao quân tổn tướng trước lực lượng áp đảo của địch, Lê Lợi lệnh cho nghĩa quân rút về Chí Linh. Trên đường đi, vào một buổi tối, A Thảo đã buột miệng kể cho đồng đội nghe về lời tiên tri của Vọng Nhiên, đặc biệt nhấn mạnh cần phải tránh Ái. Mọi người đều đồng tình phải hết sức tránh yêu đương nam nữ trong giai đoạn này.  

Thế nhưng, diễn biến sau đó cho biết: Ái không phải là yêu, mà là tên một người, lại là của một kẻ phản bội. Tướng nhà Minh Mã Kỳ đã mua chuộc một người địa phương tên Ái, là phụ đạo xứ Nguyệt Ấn, để tìm đến mộ phụ thân của Lê Lợi đào lên và cho treo hài cốt, ép Lê Lợi ra hàng, nhưng Lê Lợi đặt chữ quốc lên cao hơn chữ gia, nên cương quyết không lộ diện, tránh rơi vào bẫy của Mã Kỳ. Tên Ái lại dẫn một cánh quân Minh theo đường tắt đánh úp nghĩa quân, kết hợp với hướng tấn công trực diện của Mã Kỳ. Bị tấn công bất ngờ từ hai phía, nghĩa quân Lam Sơn nhanh chóng bị áp đảo, dẫn đến việc vợ con Lê Lợi cùng thân quyến nhiều tướng sĩ nghĩa quân bị quân Minh bắt, số ít thoát được lập tức mất chí khí nên đào ngũ khá nhiều. Lê Lợi dẫn tàn quân vào Chí Linh tạm thời ẩn nấp trong tình trạng thiếu thốn lương thực hơn hai tháng. Khi quân Minh rút đi, Lê Lợi từ vài nghìn nghĩa quân chỉ còn khoảng trăm người, trong đó có A Thảo. 

Lúc ấy, có người nhắc lại câu chuyện mà A Thảo đã kể trước đây về lời tiên tri của Vọng Nhiên. Vì lời tiên tri thứ hai về tên Ái quá đúng, nên lời tiên tri đầu về làng Cham sinh Vương đã được tin tưởng, người người đồn nhau, Lê Lợi dần tập hợp được thêm quân. Sau đó, Lê Lợi lại trải qua đại nạn khi bị quân Minh vây khốn lần nữa ở núi Chí Linh, phải vời các tướng đến hỏi: Ai có thể giả chúa để cứu chúa? Chỉ có Lê Lai nhận đổi áo với Lê Lợi, leo lên mình voi, dẫn 500 quân ra khiêu chiến quân Minh, thét lớn: “Ta là chủ Lam Sơn đây!”, đổi tính mạng mình cho đại cuộc khởi nghĩa. Từ đó, danh tiếng của Lê Lợi tăng cao, mọi thử thách nghiệt ngã dường như càng khẳng định lời tiên tri về thiên mệnh của ông. 


A Thảo chắp tay trước Vọng Nhiên, mắt rưng rưng:

- Đến lúc này, chủ tướng và nghĩa quân không những không tan rã mà còn mạnh mẽ hơn. Vừa rồi thắng tại Mường Chính, phục kích được đội quân Minh của Lý Bân. Chủ tướng đang liên lạc với người Ai Lao xin hỗ trợ binh, đồng thời cho A Thảo quay về đây xin tiểu thư tiên tri.


A Thảo vừa dứt lời kể, những người hầu đồng loạt trầm trồ. Họ chưa từng rời khỏi khu nhà này, hơn nữa, nơi đây cách xa vùng khởi nghĩa nên mọi tin tức đều đến rất chậm. Câu chuyện quá sức nguy hiểm nhưng mang tính hùng tráng lòng yêu nước, ai nấy như hình dung ra cảnh trèo núi vượt sông, đánh trận, chạy khỏi truy kích, lại sợ hãi nghĩ cảnh cực hình khủng khiếp mà Lê Lai phải gánh chịu vì quân Minh tưởng ông là Lê Lợi, cuối cùng là cảm nhận tính uy dũng của Lê Lợi vì nghĩa diệt thân, tuy đau lòng vì gia đình bị quân Minh uy hiếp nhưng không hề nao núng. 

Vọng Nhiên giờ đây đã học được nhiều tri thức hơn, làm chủ được diễn đạt. Cô bé điềm đạm:

- Em không thể nói bây giờ, vì cần xem thêm thiên tượng trong hai ngày tới. Sáng ngày kia, anh quay lại đây vào giờ Thìn, em đợi thư phòng.


A Thảo cung kính chắp tay cảm tạ và ra về. Nhóm người hầu tản mác trở về với công việc, vẫn râm ran bàn tán về nghĩa quân Lam Sơn. Riêng Hồ Ông nán lại, hỏi nhỏ:

- Tiểu thư đã nói tôi có thể làm vua. Bây giờ lại có Lê Lợi xưng Bình Định Vương. Vậy là thế nào? Tôi làm vua của nước nào? 

- Của nước Nam này. Nhưng em không mong anh làm vua.

- Một nước không thể có hai vua. Làm sao để anh một mình một cõi…

- Nếu anh nhất định làm vua, duyên phận chúng ta sẽ bị thay đổi.

- Anh nhất định làm vua và…


Vọng Nhiên lạnh lùng ôm tập thư tịch đi vào nhà. Ở đó, ông ngoại và bố mẹ cô với khay bánh vừa làm xong, đang đợi cô đến cùng ăn. Cô không biết danh tiếng của mình đã vang xa thế nào.


(Đây chỉ là một nửa nội dung, toàn bộ nội dung sẽ được in đầy đủ vào sách khi tác phẩm được lựa chọn.)

__________

Nếu bạn yêu thích tác phẩm này, hãy bình luận nêu cảm nhận cho chúng tớ biết nha.



Bình luận

Chưa có bình luận
Preview Settings

Try It Real Time

Layout Type
    • LTR
    • RTL
    • Box
Sidebar Type
Sidebar Icon
Unlimited Color
Light layout
Dark Layout
Mix Layout
}