Bóng tối đã bao trùm nơi miền quê nhỏ hẹp, đêm nay không vệt sao, ánh trăng vàng cũng bị khuất bóng sau bao lớp mây đen kịt trĩu nặng trên nền trời. Thời tiết âm u hệt báo hiệu mưa bão đến nhưng lại chẳng có gợn gió thoáng qua mà không gian lặng như tờ. Ngọn cỏ dưới mặt đất hay lá cây phía tít trên cao đều đứng tĩnh vắng làm người ta liên tưởng tới thiên nhiên cũng trang nghiêm để tiễn đưa một sinh mạng vừa khép lại cuộc đời mà không rõ lý do hoặc sự im ắng hiện tại là dấu hiệu rõ ràng nhất của tai ương ngầm kéo tới… dù hiểu theo cách nào đi thì mọi thứ quanh đây đều tĩnh mịch, chỉ có nhà ông ba Niểng ồn ào đôi chút, bà ba quỳ thụp xuống, ôm lấy chân An, giọng nghẹn ngào:
- An ơi, cứu lấy ông ấy giùm bà. - Thật bà ba hiểu rõ tình trạng của chồng mình nhưng vẫn cố bấu víu một tia hy vọng mỏng manh. Nó như một mầm sống soi sáng ba nơi thực tại lẫn tương lai đẫm màu ảm đạm cho cuộc đời nhọc nhằn của vợ chồng bà.
An lắc đầu, thành thật đáp:
- Bà ba… ông ba chết rồi. - An thỏ thẻ trong bất lực khi cô đã không còn cảm nhận được sợi dây sinh mạng nào của ông.
Dù An bối rối trước sự ra đi nhanh chóng của người ông chứng kiến sự cô lớn khôn. Nhưng nỗi đau khổ, giằng xé trong lòng lớn tới đâu, ngoài mặt cô vẫn lẳng lặng. Có lẽ cô quen đối diện với việc sinh tử của con người, nó đã tôi luyện cho cô sự bình tĩnh để trong cảnh tang thương, ý thức cô vẫn minh mẫn và biết rằng mình chẳng thấy được linh hồn của ông. Ba phần hồn chính gồm thai quang, sảng linh hay u tinh đều biến mất, sáu phần phách biệt dạng, chỉ còn một phần yếu ớt đang dần tan đi. Rõ ràng từ lúc cô đến, chẳng có quỷ sai nào của địa ngục xuất hiện. Vậy hồn phách trọn vẹn của ông ba Niểng biến mất từ bao giờ?
An không rõ.
Trong thôn càng khó lòng có người biết được.
Nếu ông chết trước đó thì linh hồn cũng phải quanh quẩn nơi đây nhưng cô lẩm nhẩm tính ngày sinh bát tự của ông nhằm nối kết với hồn phách nhưng chẳng được một tín hiệu nào.
Thằng Mót chỉ hơn mười tuổi một chút nên khi nghe ông ba đã chết, nó sợ, nó ôm An bật khóc, phía dưới chân cô là bà ba sắp ngất đi. Ba ba khó lóc thảm thương:
- Ông ba chết thì bà cũng chết luôn, sống làm gì nữa mà sống.
An dẹp mọi hoài nghi đang diễn ra trong đầu để khuyên người phụ nữ không còn tiếc sinh mạng:
- Ông ba mất thật rồi, con không cứu được… - An cất giọng trong sự bất lực bởi cô chẳng giúp được gì cho ông.
Bà Niểng lắc đầu, cắn răng nuốt nấc nghẹn vào trong. Sau một lúc vật vả đau thương, bà tự mình thức tỉnh để chấp nhận sự thật mà bản thân đã ngầm đoán từ ngày chồng chuyển bệnh nặng. Bà không trách An, bởi bệnh tình của chồng mình thật sự nặng nhưng tiếc thay cái nghèo cái khổ không cho phép bà chạy chữa hết mình cho chồng. Bà hy vọng tà ma quấy phá, An sẽ thuần phục được thứ dơ bẩn ấy nhưng ngày cô trở về, hơi thở ông đã chẳng rõ còn hay mất. Việc bà gọi An đến đây, chẳng qua để thỏa cái nghĩa cuối cùng để người vợ hết lòng vì chồng.
An đỡ bà ngồi lên ghế, nhỏ giọng nói với thằng Mót:
- Mót, em chạy nhờ mọi người qua giúp lo liệu ma chay cho ông ba đi. – An thở dài cho số phận của đôi vợ chồng già. Họ dành cả tuổi trẻ của mình để nuôi hai đứa con ăn học lên thành phố đi học để chúng thoát khỏi cảnh nghèo khổ ở miền quê còn quá nhiều tù đọng. Nhưng khi con chim trong lồng được sải cánh ra vòm trời tự do, nó mải mê sống đời mới mẻ mà quên mất hướng trở về.
An chỉ nghe nói hai chị em con của ông ba Niểng lập nghiệp ở Sài Gòn, có gia đình riêng và không thích về quê, dường như đã hơn mười năm, họ không trở lại.
Vợ chồng ông ba từng bạo dạn lên thành phố tìm con nhưng chúng đối xử bạc bẽo nên họ cắn răng, quên đi sự tồn tại của hai đứa con mình đứt ruột đẻ ra.
Bây giờ, tuổi già sức yếu, hai vợ chồng nương tựa vào nhau, đến ngày chết cũng chẳng có lấy đứa con lo hậu sự, phải nhờ tới sự giúp đỡ của xóm làng.
Thằng Mót đứng tiu nghỉu chưa chạy đi theo lời An, nó bấu tay áo của cô, cất giọng nhỏ xíu và khàn khàn do đang khóc vì sợ hãi:
- Em không dám đi.
Bà ba chóng cạnh bàn đứng lên, lựng khựng lại chỗ chồng mình, tay run rẩy vuốt ve gương mặt nhăn nheo của ông, vừa thỏ thẻ nhờ An:
- Con đi đi, thằng Mót không dám đâu.
An không đôi co, gật đầu với bà rồi một mạch ra khỏi nhà.
An nhanh chóng qua nhà thằng Mót thông báo với cha mẹ nó và một vài người ở gần rồi nhanh chóng trở lại. Dọc đường đi hay trở về nhà bà Niểng, An luôn ngó nghiêng nhìn xem xung quanh nhưng tiếc thay chẳng thấy được điều gì, bốn bề tĩnh lặng, ngay cả một linh hồn lấp ló ở đâu đấy cũng chẳng có bóng dáng. Cô dõi mắt về phía bãi tha ma nhưng khoảng cách quá xa, cô không thấy được linh hồn đó còn hay mất. Bất chợt hình ảnh đứa trẻ vừa rồi đứng ở giữa đó hiện lên trong đầu.
Chị Nhàn – mẹ của Mót - đi trước An một bước, thở dài nói trong vô định:
- Chú ba mất thì buồn nhưng cũng khỏe cho chú, để nằm đau khổ vậy cũng mệt cả chú lẫn thím.
An nghe chị mở lời liền hỏi một vài điều bản thân chưa sẵn tiện nói ra:
- Ông ba bệnh bao lâu rồi chị?
Chị Nhàn vừa mường tượng để nhớ, vừa trả lời:
- Em ra khỏi làng khoảng một tuần là ổng bệnh. Thím ba giấu, không có nói nhưng nghe ông thầy hốt thuốc nam ở thôn trên nói chú ba bệnh gì lạ lắm, người ghẻ tróc phía lưng, à từ mông đến cổ lở loét, thịt thối hết rồi.
Chú sáu đi trước họ, nghe tới đây chợt khựng lại, sắc mặt tái đi nhưng do ban đêm và ai cũng trong tâm trạng u sầu nên thành ra không ai để ý tới sự kì lạ của chú.
An rùng mình bởi nhớ tới phần gáy nhầy nhụa mà mình chạm phải. Vô thức cô nhìn xuống hay bàn tay mình.
Lúc bấy giờ, đi ngang một ngôi nhà, đèn hắt ra từ khe vách, An thấy một nhúm lông màu trắng trên tay áo của mình. Cô chau mày bởi chẳng biết chúng xuất hiện từ đâu. Dường như vừa rồi trên người ông ba Niểng cũng có nhưng chỉ một vài sợi, nó dài khoảng một đốt tay của cô.
Có lẽ bà ba Niểng nuôi cún với mèo nhưng suy đoán đó cũng mơ hồ bởi thôn cô từ mấy mươi năm nay không nuôi được hai loại đó, có xin từ vùng ngoài vào thì chúng cũng chết hoặc theo chủ ra đồng rồi cũng chạy mất.
An dự định hỏi chị Nhàn biết nhà ông ba có nuôi hay không nhưng đã tới nhà bà ba Niểng, mọi người phải dừng lại cuộc trò chuyện, tất bật phụ bà ba lo liệu ma chay cho ông ba.
Chị Nhàn bịt mũi, nhăn mày, không dám thốt ra tiếng nhưng An hiểu chị đang khó chịu trước thứ mùi quái dị của nhà bà Niểng. Khi dưới nền đất ẩm thấp, tỏa ra thứ mùi hôi rất nồng, thêm sự góp phần bởi tấm lưng thối rữa của ông ba… mọi thứ hòa vào nhau tạo nên thứ mùi còn tệ hơn việc đứng giữa bãi tha ma.
Lúc giúp ông tắm rửa trước khi quấn ông trong nhiều lớp cao su. Anh Nhàn vốn không sợ trời, không sợ đất cũng nhắm mắt, gương mặt lộ rõ sự sợ hãi.
Cái An nhanh nhẹn che mắt thằng Mót trước khoảnh khắc để nó chứng kiến cảnh tượng có thể gây ám ảnh tâm hồn non nớt của nó.
Anh Nhàn kéo áo của ông ba xuống để thay cho ông bộ đồ mới trước thời khắc chính thức nằm sâu nơi lồng đất.
Phía sau lưng từ nửa mông trở lên tới ót chẳng tìm thấy mảnh da nguyên vẹn mà chúng rệu rã, rơi rớt ra bên ngoài nhưng phần lớn, lớp da đã biến mất, chỉ còn từng sợi thịt bám víu vào mấy cọng xương sườn. Máu đã không còn, chúng giống như khô cạn đi, chất nhầy màu vàng rỉ ra trông rất đỗi nhớp nháp. Có lẽ đây là thứ An đã chạm vào lúc vừa rồi.
Chị Nhàn không chịu được bụm miệng chạy ra trước nôn thốc nôn tháo. Cổ họng chồng chị cũng nhờn nhợt nhưng phải cố kiềm xuống, bởi ngoài anh ra chả có ai dám chạm tới thân thể ông ba.
Chú sáu tới đây cùng họ nhưng khi thấy ông ba, chú đã hoàn toàn mất hồn, nép sang một góc với làn da xám ngắt, gương mặt ông trắng mệt, môi xanh mét.
Bà ba biết sự ghê tởm hiện tại của chồng nên không dám hối thúc chú sáu mà đứng lên bước vào phụ giúp anh Nhàn.
An quay lưng thằng Mót về hướng bếp, thì thầm nói với nó:
- Mót, theo chị ra sau bếp.
- Dạ… - Nó trả lời kèm theo đó là tiếng khóc nho nhỏ do chính nó kiềm chế lại. Nó hiểu chuyện nên biết sự quấy khóc của mình sẽ làm cho mọi việc của nhà ba ba rối hơn.
An dẫn thằng Mót theo mình vào phía sau bếp, chuẩn bị một số đồ dùng cần thiết để lo ma chay cho ông ba.
Mấy con gà ngủ ở trên cây xoài bên hông nhà bỗng la toáng lên ồn ào, nó đập cánh bay và chạy tán loạn như đang bị ai đuổi xiết và chúng nó đang hết sức chạy thoát thân cùng với tiếng cánh vỗ phành phạch. Phóng lên mái nhà ngay vị trí chị em An đang đứng, chân và cánh của nó đập loạn nên tiếng sàn sạt vang lên.
Nó róng lên rất lớn như bị cắt cổ rồi theo đó nhỏ dần chỉ còn vẳng lại âm thanh rất khẽ.
Một giọt nước nhiễu lên trán thằng Mót, nó quệt ngang để chùi theo phản xạ nhưng cũng ngay khắc đó, nó đờ đẫn, mắt trừng lớn, mồm há to lại chẳng phát ra tiếng. Nó cứng người giống như một pho tượng chẳng chứa nổi hồn phách. An cầm tay thằng Mót vội vã lau đi. Cô ôm nó vào lồng rồi ngẩng đầu nhìn lên mái nhà, chính cô cũng bàng hoàng trước thứ đang đập vào mắt.
Bình luận
Chưa có bình luận