Chương 3


 

 

Ánh lửa rực hồng chiếu sáng một mảnh đất trống ở quân khu trong đêm đen, mấy người lính trẻ ngồi quây quần bên nhau hát vang khúc ca thời kháng chiến. Khuôn mặt mỗi người đều nhem nhuốc bụi bẩn và mồ hôi, nhưng trên mặt ai nấy đều nở nụ cười vui vẻ.

“Có thư từ nhà đây, tôi đọc đến tên ai thì tới nhận thư nhé!”

Tiếng nói chuyện rôm rả bỗng bị cắt đứt bởi tiếng hô của đội trưởng, mấy anh chàng lính trẻ nhét vội miếng lương khô vào miệng rồi chạy vụt tới chỗ ông, ai cũng hy vọng nhận được thư của gia đình. Đội trưởng cầm thư cười khà khà, giá như mà lúc luyện tập đám thanh niên này cũng hào hứng như thế thì tốt quá.

Vũ nhìn xấp thư đội trưởng cầm, hy vọng trong ấy có thư của người anh yêu. Từng người đồng đội hí hửng cầm bao thư đọc dưới ánh lửa, những lá thư cũng dần vơi bớt, đội trưởng vẫn chưa đọc tới tên anh khiến anh có chút sốt ruột, chẳng lẽ bức thư anh gửi vẫn chưa được gửi về nhà hoặc đã bị lạc trên đường vận chuyển? Anh có chút hoảng hốt nghĩ ngợi lung tung.

“Đồng chí Nguyễn Tường Vũ! Đồng chí Vũ! Ngẩn ngơ cái gì đấy, thư của cậu này, không nhanh là tôi cầm đi đấy nhé.”

Anh giật mình nhanh tay nhận lấy bao thư phẳng phiu từ tay đội trưởng, rồi rối rít cảm ơn ông. Ông chỉ cười, vỗ vai anh rồi rời đi. Những phút giây như thế này nên để đám thanh niên xa quê được tự do một chút, bởi, chẳng ai biết đây có phải lần cuối họ được nhìn thấy những con chữ mộc mạc mà tràn đầy cảm xúc ấy hay không.

Ánh lửa bập bùng chiếu lên dòng chữ được nắn nót ngay ngắn:

Gửi: Nguyễn Tường Vũ

Anh có thể cảm nhận được những nét chữ hơi gồ trên trang giấy mỏng, bao thư là loại hay bán trên huyện, hơi mỏng, màu ngả vàng, trên góc còn có một con tem in hình cột cờ ở quảng trường Ba Đình. Lần gần nhất anh nhìn thấy một bao thư như này là khi Tường An còn học đại học ở thủ đô, lúc ấy anh không thể lên thăm sẽ gửi thư cho cậu. Lật qua lật lại một hồi làm anh nhớ đến những chuyện lúc trước, có chút hoài niệm, mới đó đã qua thật nhiều năm.

Vũ bình ổn trái tim đang đập rộn ràng, cẩn thận mở bao thư để không bị rách, để lộ một tờ giấy trắng được gấp gọn nằm vừa vặn bên trong. Tay anh hơi run rút lá thư rồi mở ra đọc, đúng lúc đó có một thứ gì đó trượt theo lá thư ra ngoài, rơi xuống vạt áo của anh. Vũ vội vàng nhìn xuống vạt áo nhăn nheo của mình, chỉ thấy một bông nhài trắng được ép khô nổi bật trên màu xanh của bộ quân phục.

Anh nhẹ nhàng đặt bông hoa nhỏ trong lòng bàn tay chai sần của mình như một món quà quý giá, dường như anh đã biết, đây là bông hoa nhài hái phía sau vườn nhà anh. Anh khẽ hít hà mùi hoa nhàn nhạt còn đọng lại trên cánh hoa khô và trên trang giấy trắng chi chít chữ.

Tường An viết cho anh rất nhiều, kể cho anh nghe rất nhiều thứ lặt vặt ở quê, anh như cảm giác mình chưa từng rời xa quê hương một phút nào.

“Vũ à, thư của anh, em đã đọc, em cũng rất nhớ anh.

Không có anh em chẳng thể nào dọn dẹp được hết căn nhà nhỏ của chúng ta, cỏ ngoài vườn đã mọc kín dưới mấy gốc cây, em nhổ cả buổi chiều cũng không xong, phải nhờ mấy cô mấy thím trong làng phụ giúp.

Cây hoa nhài sau vườn cũng sắp hết mùa hoa rồi, gió thu cũng bắt đầu lạnh hơn, cây cối bắt đầu rụng lá. Vườn nhà mình chẳng còn đẹp nữa, chỉ còn thấy lá vàng và cây trọc lóc.

Hồi giữa tháng tám em đã đi tảo mộ ba, giúp ba trồng mấy loại hoa mà hồi trước ba thích, em cũng nói với ba việc anh nhập ngũ. Hy vọng ba sẽ phù hộ cho anh bình an, cho chúng mình sớm ngày gặp lại.

Ba thương anh em mình như thế, nhất định sẽ xin ngọc hoàng hoàn thành tâm nguyện nhỏ ấy của chúng ta.

Không biết ba đã tìm được vợ ba chưa nhỉ? Không biết bà ấy là người như thế nào, có hiền lành như ba không ta? Cũng không biết bà nhìn thấy anh em mình rồi có thương tụi mình như ba Tám không nhờ?

Anh Tường Vũ, tự dưng em nhớ ba!

Anh không ở nhà, chỉ có một mình, em chỉ có thể nhìn vật nhớ người. Nhìn rất nhiều thứ, giờ trong lòng em vừa nhớ ba vừa nhớ anh.

Ở một mình thế này, em hơi sợ.

Cánh đồng quê mình giờ trụi lủi, chỉ thấy toàn cỏ với đất, mấy khi rảnh rỗi em lại ra giúp các chú các thím cắt cỏ cho lợn bò, đám trẻ con tan học cũng ùa ra đồng chơi, vui lắm!

Nhìn tụi nó em lại nhớ chúng mình ngày xưa, cũng vô tư như thế. Em còn nhớ, hồi ấy anh bị ba Tám tét mông vì tội dẫn em đi mót lúa rồi quên dẫn em về, cuối cùng tìm được em bên bãi ngô thì anh còn ôm em khóc tu tu.

Ở quê nhiều chuyện vui lắm anh à.

…”

Vũ vừa đọc thư vừa ngăn không cho nước mắt rơi xuống làm nhoè mực, cảm xúc trong anh giờ cuộn trào như cơn lũ, chỉ chực chờ xông ra. Anh dùng tay áo lau vội những giọt nước mắt sắp tràn mi, nuốt tiếng nức nở vào sâu trong lòng. Xa quê hơn nửa năm, hình bóng của quê hương vẫn hiện rõ trong tâm trí anh, lâu như thế, quê anh vẫn chẳng đổi thay.

Tuy những chuyện An kể trong thư không được sắp xếp theo thứ tự nào cả, gần như là nhớ ra chuyện gì sẽ viết chuyện đó, nhưng chỉ như thế thôi anh vẫn có thể nhận ra những cảnh vật quen thuộc ở nhà.

Vũ cố nhịn không khóc, anh là đàn ông con trai, sao có thể vì một chút nhớ nhung mà khóc lóc được, anh tự nhủ với mình như thế. Nhưng rồi khi nhìn thấy mấy dòng cuối thư của Tường An, anh không thể kiềm được lòng nữa, mấy giọt nước mắt to như hạt đậu rơi xuống mu bàn tay và tay áo của anh.

“Hoa có thơm không anh? Em hái lúc nó mới nở vào sáng sớm, lúc ấy còn thơm lắm, dù bị ép thành hoa khô vẫn thơm như cũ. Hoa nhài nhà mình là thơm nhất đấy, hy vọng nó sẽ thay em gửi cho anh những lời yêu thương chưa kịp tỏ bày.

Anh Tường Vũ, em nhớ anh quá!

Kí tên: Người yêu anh

Nguyễn Tường An”

Vũ nhìn bức thư trong tay dần mờ đi vì những giọt nước mắt tràn đầy, anh thút thít như đứa trẻ, đã lâu lắm rồi anh chưa rơi nước mắt. Ngày ba mất anh không khóc, vì anh phải làm chỗ dựa cho An. Ngày anh lên chiến trường, đối mặt với mưa bom bão đạn, đối mặt với cái chết gần trong gang tấc, anh cũng không vì sợ hãi mà khóc. Nhưng giờ đây, khi anh nhìn ba từ “em nhớ anh” của An, anh lại bật khóc.

Bỗng dưng anh thấy thật sợ hãi, anh sợ mình không thể trở về, không thể thực hiện ước hẹn trước lúc lên đường, không thể ngắm nhìn quê hương thêm một lần nữa.

“Vũ, cậu khóc đấy à?”

Đội trưởng đột nhiên vỗ lưng anh khiến anh có chút giật mình, ngước khuôn mặt còn nhoe nhoét vệt nước mắt lên nhìn ông, anh lắp bắp không lên lời, như đứa trẻ bị người lớn bắt được khi trộm khóc trong góc vườn.

“Dạ… Thưa… thưa đội trưởng, tôi không… không khóc…”

“Cậu không phải giấu diếm làm gì, ngày xưa lúc tôi mới nhập ngũ cũng ôm thư với áo vợ gửi cho mà khóc tu tu. Có ai đi xa mà không nhớ nhà đâu cơ chứ?”

Vũ nhìn đội trường khẽ thở dài một chút rồi vỗ vai anh an ủi, ông không nói thêm gì nữa mà chỉ im lặng rời đi, bóng lưng của ông có một sự cô đơn khó tả. Mãi đến sau này anh mới biết, hoá ra vợ và đứa con gái duy nhất của ông đã mất, bị giặc Pháp bắn chết lúc làm nhiệm vụ. Vợ ông đã trở về với quê nhà còn con gái ông vẫn còn say giấc ở một cánh đồng lúa chín rực rỡ nào đó.

Anh nhìn theo bóng ông đi xa, qua loa lau sạch sẽ nước mắt trên mặt, sau đó gấp gọn lá thư rồi kẹp cả thư lẫn hoa vào cuốn sổ An tặng. Anh xé một tờ giấy mới, kê tạm lên chiếc mũ cối hơi sờn vải, bắt đầu viết thư cho người đang ngóng chờ anh ở nhà.

“Tường An của anh…

…”

Đêm hôm ấy, ánh trăng khuyết buồn bã nhìn những con người bé nhỏ ôm ấp đầy nỗi lòng dưới trần gian dần chìm vào giấc ngủ. Nó gửi các vì sao mang theo hoài niệm rơi vào giấc mộng của người lính giữa núi rừng hoang sơ.

Đêm hôm ấy, Vũ mơ thấy những kí ức ngày xưa như chiếc đèn kéo quân ùa đến. 

Một giấc mộng đẹp.

Ngày vụ mùa cuối tháng chín, chú Thiệu vừa gặt xong bó lúa cuối cùng thì thấy hai anh em thằng Vũ chạy theo đám trẻ trong làng ra gần bờ sông thả diều, chú bèn gọi ới theo:

“Vũ ơi, An ơi, chốc nữa có về thì ghé qua ruộng nhà chú xem có mót được gì không thì mót nhé.”

Vũ nghe thấy thấy tiếng gọi từ phía sau thì dừng lại, tay vẫn nắm chặt đôi tay nhỏ nhắn của đứa em trai, anh quay lại đáp lại tiếng dạ thật to rồi nắm tay Tường An chạy vụt về phía bờ đê đuổi theo đám bạn.

Bọn trẻ con chơi đến tận khi trời ngả sang màu hoàng hôn mới chịu tản ra về nhà, Vũ cõng theo thằng nhỏ Tường An trên lưng chậm rì rì về nhà. Lúc đi qua cánh đồng nhà chú Thiệu, anh đặt An xuống bờ mương rồi dặn dò một hồi mới xắn ống quần xuống mót những cây lúa còn sót lại rải rác trên nền đất.

Đến khi Vũ mót được cả nắm lúa chín mới trèo lên bờ cỏ, rồi cứ thế dọc theo bờ ruộng ngô chạy về, hoàn toàn quên mất mình còn một đứa em trai đang đứng ngóng. Chạy về đến nhà, chưa kịp khoe nắm lúa vàng ươm với ông Tám thì ông đã dội thẳng lên người anh một chậu nước lạnh.

“Thằng Vũ về rồi đấy hả con, em An đâu?”

Đúng vậy, An đâu, đứa em trai Tường An của anh đâu mất rồi?

Lúc này Vũ mới hoang mang nhận ra bản thân quên mất em ở ruộng, mếu máo kéo áo ông Tám chạy ra cổng, vừa chạy vừa gào “con quên em rồi ba ơi”, mặc kệ nắm lúa rơi vãi trong sân.

Ra đến bờ mương chỗ anh bảo An đứng chờ lại chẳng thấy thằng bé đâu, bờ ruộng quanh đó cũng chẳng thấy bóng dáng ai, chỉ có mấy ụ rơm rạ chất thành đống. Vũ với ông Tám tìm khắp nơi, từ ruộng nhà chú Thiệu chạy sang cả ruộng nhà thím Sáu, chẳng thấy một ai.

Ông Tám sốt ruột chạy đi tìm người giúp, còn Vũ thì mếu máo gọi í ới “An ơi, em đâu rồi?”, mãi đến khi tới bãi ngô gần đê thì anh nghe thấy tiếng thút thít khẽ khẽ trong đám ngô rậm rạp. Vũ lập tức ngừng mếu, vạch đám lá ngô ra thì thấy thân ảnh nho nhỏ của An đang ngồi co ro dưới đất.

Trên tay chân thằng nhỏ có mấy vết cắt bé do lá ngô cứa vào, đầu gối bầm tím một mảng. Vũ lập tức ôm chặt lấy An, hai anh em cùng rúc trong bụi ngô mà khóc nức nờ.

Lúc ông Tám với chú Thiệu chạy tới thì hai đứa chẳng khác gì con chuột con lấm lem đầy đất cát. Ông Tám tức nhưng ông không nói, một tay ôm An vào lòng dỗ dành, một tay dắt Vũ. Dọc con đường làng vắng tanh chỉ có ba ba con và tiếng thút thít của hai đứa trẻ.

“Con thấy anh đi về theo hướng bãi ngô nên con đuổi theo, nhưng… nhưng mà con bị té… té xong rồi lăn vào bụi ngô, trời tối… con… con sợ quá nên không dám chạy ra.”

“An ơi, anh xin lỗi mà…”

Hai đứa trẻ thi nhau vừa khóc vừa nói bên tai khiến ba Tám nhức hết cả đầu, ông chỉ đành im lặng dẫn chúng về. Sau khi về nhà, ông giúp hai anh em tắm rửa rồi thoa thuốc cho An. Đến khi xong xuôi ông mới xử tội thằng Vũ.

Tối hôm đó, hàng xóm nhà ông Tám đều nghe thấy tiếng gào khóc dữ dội của thằng Vũ cùng với tiếng răn đe của ông Tám. Các chú các thím chỉ biết cười khà khà với nhau rồi ai làm việc nấy.

Đau thì đau nhưng trẻ con thì thương mau quên, mấy hôm sau các chú thím lại thấy hai anh em thằng Vũ chạy theo con diều của đám trẻ trong làng, nụ cười tươi rói không lúc nào hạ xuống.

… 

Những kỷ niệm ấu thơ cứ mãi theo con người ta từ khi bé đến tận lúc trưởng thành rồi xa quê. Chúng là bài hát ru nhẹ nhàng đưa người lính trẻ vào giấc ngủ khi màn đêm buông xuống, cũng làm vơi đi phần nào nỗi nhớ quê nhà

Vầng trăng khuyết cũng mơ màng sắp ngủ, tựa đầu vào những đám mây trôi bồng bềnh, nhớ lại những đứa trẻ vô tư hồn nhiên mà nó đã từng dõi theo, hình như chúng lớn hết cả rồi!




0

Hãy là người bình luận đầu tiên nhé!

Bình luận

Chưa có bình luận
Preview Settings

Try It Real Time

Layout Type
    • LTR
    • RTL
    • Box
Sidebar Type
Sidebar Icon
Unlimited Color
Light layout
Dark Layout
Mix Layout