Chương 2


 

 

Vùng quê nghèo của chúng tôi là một mảnh đất đã từng đã trải qua nạn đói và nhiều đợt bệnh dịch khủng khiếp, nó cũng đã từng cằn cỗi, hoang sơ, khỉ không muốn ho, gà cũng chẳng buồn gáy. Thế mà, sau vài năm cải cách, những mầm non bé nhỏ chậm rãi phá đất mà lên, tô thêm màu sắc cho nền đất nâu nhạt nhẽo.

Nhiều khi nhìn ông trăng tròn treo lơ lửng trên màn trời đêm mà tôi ngẩn ngơ nghĩ ngợi, không biết quê tôi sau mười năm nữa sẽ như thế nào, phải chăng lúc ấy đám trẻ trong làng sẽ được đi học đầy đủ, sẽ được tiếp xúc với con chữ sớm hơn? Hay con đường đất quanh co từ trên huyện về làng liệu có được lát xi măng nhẵn nhụi hay không?

Tôi cũng chỉ suy nghĩ vẩn vơ như thế, bởi chẳng ai biết được tương lai sẽ thế nào, nhưng tôi chắc chắn rằng, một ngày nào đó đất nước sẽ không còn chiến tranh và quê hương tôi sẽ ngày càng tốt hơn.

Lúc ấy, tôi sẽ cùng anh ngồi kể chuyện dưới gốc đa già, cùng anh lang thang khắp các cánh đồng lúa đương thì con gái,...

Nhìn nét chữ rắn rỏi hơi xiêu vẹo trên trang thư anh gửi về khiến tôi bất giác mỉm cười, tôi lại nhớ anh rồi!

Bức thư xa nhà đầu tiên của anh rất ngắn, cả một trang giấy trắng tinh chỉ vỏn vẹn có năm từ…

"Tường An, anh nhớ em."

Tôi bật cười, cái anh ngốc này, ai đời viết thư lại chỉ viết đúng một câu duy nhất, chẳng kính gửi, cũng chẳng ký tên, mặc dù giữa chúng tôi chẳng cần những lời lẽ khách sáo đó. Cả đêm hôm ấy, tôi cứ tủm tỉm viết cho anh một lá thư thật dài, bù đắp nỗi nhớ của anh, cũng gửi gắm mong chờ của tôi.

Dưới ánh trăng êm dịu, tôi kể cho anh những câu chuyện ở quê bằng những con chữ, bằng bông hoa nhài đầu tháng chín. Còn bức thư vượt qua núi sông anh gửi về cho tôi được kẹp vào quyển nhật ký, cất cẩn thận trong rương sách của tôi. Đợi đến khi nào nhớ anh tôi có thể nhìn vật mà nhớ người.

Yêu xa luôn khiến con người ta nhớ thương, đôi khi, tôi chỉ ước gì ngày mai là ngày hoà bình.

“O tròn như quả trứng gà, Ô thì đội mũ, Ơ thời có râu…”

Tiếng tập đọc của bọn trẻ con vang vọng khắp phòng học đơn sơ, trong đôi mắt của những đứa bé ngây thơ ấy lúc nào cũng chất chứa ý cười và niềm hi vọng về một tương lai xa vời. Tôi nhìn đám con trẻ như nhìn chính những đứa con ruột của bản thân, tôi sẵn sàng mang hết những gì bản thân có để dạy dỗ những mầm non ấy trưởng thành thành những cây cổ thụ chở che cho mảnh đất đầy rẫy đau thương này.

Ngoài thềm gió thu vẫn nhè nhẹ thổi, những chiếc lá úa theo cơn gió bay về một phương xa, cũng có chiếc lá lạc đàn rơi xuống bàn của tôi qua ô cửa sổ nhỏ của lớp học. Mùa đông sắp đến, hi vọng năm nay sẽ không có ai phải chịu đói chịu rét.

Nhìn mặt trời đang dần treo cao trên ngọn tre, tôi kết thúc tiết học cuối cùng của thứ bảy, lùa đám trẻ về nhà ăn cơm với bố mẹ rồi một mình lững thững ra đầu làng. Trong cặp sách của tôi là bức thư tôi viết cho anh và một ít thư từ mà các chú thím muốn nhờ tôi gửi cho chồng, con của họ trong nam. 

Sau khi ăn hết một nắm xôi và uống hết một cốc chè lạnh của bà Sáu bán nước, chiếc xe bò của chú Thiệu mới lộc cộc đi tới gần gốc đa, tôi gửi tiền bà Sáu rồi lập tức đội nón trèo lên xe chú.

“Chú Thiệu, cho cháu quá giang tới bưu điện huyện với nhé, cháu đi gửi ít thư.”

“Thằng An đấy hả cháu?”

“Vâng ạ.”

“Cháu vất vả quá, cả sáng phải quản bọn con nít rồi giờ lại phải chạy một chuyến xa gửi thư cho mọi người.”

“Không có vất vả gì đâu chú, cháu tiện đường gửi cho anh Vũ nhà cháu bức thư ấy mà. À, đúng rồi, hôm bữa thím có nhờ cháu viết cho anh nhà một bức thư đấy chú.”

“Ôi trời, cái bà này, đã bảo là đừng làm nó lo lắng chuyện ở nhà mà.”

“Thím chỉ hỏi thăm ảnh rồi dặn dò một số chuyện thôi.”

Hai chú cháu chúng tôi câu được câu không trò chuyện suốt chặng đường đi, con trai chú Thiệu cũng đi lính cùng đợt với anh Vũ nên chúng tôi cùng nói về các anh, quanh đi quẩn lại cũng chỉ mong các anh bình an trở về với gia đình.

Tiếng bánh xe bò lộc cộc trên đường đất đầy sỏi đá vang vọng giữa buổi trưa vắng lặng. Nắng tháng chín không gay gắt như tháng sáu, tháng bảy nhưng vẫn có chút nóng và chói chang. Tôi cụp mũ xuống thật sâu rồi tựa lưng vào ụ rơm khô mềm mại, mùi thơm đặc trưng của rơm rạ lẫn cỏ khô lượn lờ quanh chóp mũi khiến tôi có chút buồn ngủ, mí mắt khép hờ, khẽ gật gù.

Quãng đường từ làng tôi đến huyện cũng chỉ có năm cây số, tôi hỏi chú đậu xe ở đâu rồi rải bước về hướng bưu điện huyện. Trong huyện giờ này cũng chẳng có mấy ai đi ngoài đường, có chăng cũng chỉ là mấy quán hàng rong tranh thủ lúc trưa mà nghỉ ngơi dưới gốc cây.

Bưu điện vẫn luôn mở cửa đến chiều muộn, tôi đến giờ này vừa lúc không có khách tới gửi thư, cô nhân viên chống tay lên bàn đọc cuốn tiểu thuyết dày cộp. Tôi đi đến trước quầy khẽ gõ nhẹ mặt bàn đánh thức tâm hồn đang treo ngược của cô ấy.

“Xin chào, tôi muốn gửi thư.”

Tôi nhìn cô lóng ngóng lấy giấy bút và con dấu từ trong tủ ra đặt lên bàn, chắc có lẽ cô ấy mới tới nên chưa thạo việc, tôi cũng không cảm thấy mất kiên nhẫn, hơn nữa tôi đến đúng lúc nghỉ trưa, cũng là đã làm phiền người ta không ít.

Tôi lấy từ trong cặp ra hơn mười lá thư, có cái được đặt trong phong bì cẩn thận, có cái lại chỉ được gấp gọn gàng rồi viết địa chỉ, nhưng hơn mười lá thư này đều là tình cảm mà gia đình muốn gửi đến người ở xa. Trong đó, lá thư tôi gửi cho anh là đặc biệt nhất, bởi vì phảng phất ngoài bao thư không chỉ là mùi giấy mới, mà còn là mùi hoa nhài khô nhàn nhạt. 

Tôi muốn nói với anh rằng tình yêu của tôi dành cho anh vẫn luôn như thuở ban đầu và sẽ vẫn mãi như thế.

Nhìn người ta cầm xấp thư cất đi chờ người tới giao mà tôi đã mường tượng tới cảnh anh nhận được bức thư cùng đóa nhài khô sẽ như thế nào. Tôi mong ngóng bức thư nhà tiếp theo của anh sẽ viết những gì, có nhắc tới đóa nhài tôi tặng hay không, hay có kể cho tôi nghe những chuyện trong đó hay không. Nghĩ một hồi khiến tôi mong quá…

Hơn hai giờ chiều tôi mới đi tới chỗ chú Thiệu đậu xe để về nhà, trên tay xách vài gói bánh làm quà cho tụi nhỏ trong làng. Tôi ngâm nga vài câu hát chẳng biết nghe được ở đâu, chậm rãi bước trên con đường huyện lát xi măng rộng thênh thang. Những cơn gió cuối thu nhè nhẹ thổi, xua tan bớt cái nóng của mùa hè vừa trôi qua, miền bắc sắp bước vào mùa rét, ai cũng tất bật chuẩn bị tránh rét, bởi ai cũng muốn nhà mình được ấm no.

Mùa đông mấy năm trước, tôi luôn thích chui vào cùng một ổ chăn với anh, rất ấm áp. Mấy năm nay có lẽ tôi chỉ có thể giường đơn gối chiếc ngủ một mình, chịu rét cho qua đêm.

“An, chú xong việc rồi đây, về thôi cháu.”

Tiếng chú Thiệu cắt ngang dòng suy nghĩ của tôi, chú đã bán xong mấy rổ rau quả nhà trồng cho bên đại lý, có tiền rồi chú cũng mua chút quà bánh cho đám nhỏ nhà chú. Tôi lại lên xe chú về nhà, hai chú cháu nói nói cười cười hết chuyện hoa màu lại đến chuyện bọn trẻ con. 

Tiếng bánh xe bò lộc cộc lại vang lên trên đường đất đầy sỏi đá chở hai chú cháu chúng tôi về làng. 



0

Hãy là người bình luận đầu tiên nhé!

Bình luận

Chưa có bình luận
Preview Settings

Try It Real Time

Layout Type
    • LTR
    • RTL
    • Box
Sidebar Type
Sidebar Icon
Unlimited Color
Light layout
Dark Layout
Mix Layout