-
Từ ngày bắt đầu làm quen với mảng văn học mạng Việt Nam đến nay, truyện ngắn này là tác phẩm phản địa đàng sát nghĩa nhất mà mình từng đọc qua. Trong khi một vài tác giả dùng cái mác phản địa đàng gán cho bất cứ câu chuyện nào hơi có phần u ám, thậm chí chỉ đơn giản là thấy tag nghe lạ tai nên thêm vào cho nhiều; Hiệu ứng cánh bướm đã thực sự vẽ nên một viễn cảnh mang yếu tố đặc trưng nhất của chủ đề này – sự kiểm soát. Trong truyện, sự kiểm soát được đại diện bởi tập đoàn Papilio, thuộc sở hữu của “người đàn ông có vết sẹo sau đuôi mắt”. Bằng quyền lực to lớn trong tay, Papilio thao túng những con người khốn khổ đang sống lay lắt giữa thế giới hậu tận thế đầy loạn lạc và bất ổn. bơm vào đầu óc họ thứ hy vọng hão huyền hết ngày này đến ngày khác. Bằng những tiến bộ khoa học công nghệ, tập đoàn dựng nên một vở kịch vĩ đại nhân danh tinh thần nhân đạo và sự trường tồn của nhân loại, đem mạng sống ra dùng như những con rối răm rắp tuân theo kịch bản đã được viết sẵn. Khi mà sự sống và cái chết đã bị lạm phát giá trị thì số 1 hay số 444 cũng chẳng khác nhau là bao, đều là thứ công cụ cứ hỏng cái này lại thay cái khác một cách quá đỗi dễ dàng. Ai mà biết được, có khi chính gã đạo diễn nấp sau cánh gà kia hóa ra cũng chỉ là một con rối, được tạo ra, được nhân bản để phục vụ cho một con rối khác cao cấp hơn. Suốt câu chuyện, người đọc được theo chân số 444, một bản sao không có đến một cái tên, trong quãng đời ngắn ngủi của cô từ khi được tạo ra cho đến khi hết giá trị sử dụng. Dần dần, số 444 phát hiện ra số phận đã định trước của mình cũng như chân tướng mà tập đoàn Papilio che giấu, để rồi cố chấp theo đuổi bản ngã con người mà chính cô cũng không rõ có còn tồn tại trong bản thân mình hay không. Số 444 là một nhân vật được xây dựng có chiều sâu về mặt nội tâm và thế giới quan, là ví dụ cho thứ sự sống đã bị vặn vẹo đến méo mó dưới bàn tay tàn nhẫn của những kẻ có quyền lực. Bên cạnh đó, gã phóng viên cũng là một nhân vật khá thú vị. Khi đọc đến những dòng cuối cùng, mình phải tự hỏi rằng anh ta đang tìm kiếm cái gì vậy? Thứ mà anh ta muốn cho cả thế giới thấy là sự thật, hay là một kiểu nghệ thuật lạ lùng nào đó của riêng anh ta? Trong truyện, những hình ảnh mang tính ẩn dụ như đôi cánh bướm hay “con quái vật trong góc phòng” được sử dụng khá nhiều, góp phần thể hiện được ý đồ mà tác giả muốn truyền tải. Rồi cả phong cách sử dụng câu chữ ngắn gọn, gấp gáp cũng góp phần ra tạo bầu không khí căng thẳng cho người đọc. Điểm yếu duy nhất của truyện có lẽ là phần thiết kế bối cảnh đôi lúc còn nhạt nhòa, thiếu điểm nhấn và một vài lỗi typo chưa được rà soát kỹ. Tuy vậy, Hiệu ứng cánh bướm vẫn là một câu chuyện đáng đọc và đáng suy ngẫm về sự suy đồi của nhân tính và con đường mà nhân loại sẽ bước đi trong một tương lai viễn tưởng đầy rẫy những vấn đề nhức nhối.