Tỉnh lại sau một giấc mộng dài, cơn đau đầu đã vơi bớt, thay vào đó cảm giác ê ẩm toàn thân do chiếc giường cứng không nệm đem lại. Tôi nhìn lên trần nhà mái ngói, lại nhìn xuống cơ thể nhỏ bé của mình. Từng cảm xúc đều rất chân thật. Tôi vẫn đang ở đây, hàng trăm năm trước trong thân xác của một đứa trẻ.
Chị Hương mở tung cánh cửa cho ánh sáng tràn ngập khắp nơi. Khoảng trời xanh qua khung cửa sổ vẫn yên bình như ngày hôm qua, tưởng chừng dòng thời gian xô bồ đã thật sự bỏ quên mảnh đất này. Phu nhân dậy từ rất sớm, chăn gối xếp bên cạnh đã chẳng còn hơi ấm như đêm qua. Tôi vò vò mái tóc rối bù của mình, duỗi vai và bước xuống giường.
"Chào buổi sáng chị Hương."
"Sáng gì nữa cô nhỏ ơi, đã gần đến giờ cơm trưa rồi." Chị Hương vừa cười vừa thu dọn lại chăn gối của tôi, không quên dặn dò. "Bà lớn nói hôm nay là ngày đầu tiên cô tới nên sẽ bỏ qua, nhưng kể từ ngày mai cô không nên bỏ bữa như vậy."
Trên đường chị dẫn tôi đi rửa mặt, tôi có gặp vài người ở trong nhà khác. Họ đều cung kính chào tôi một tiếng là cô nhỏ. Sáng nay từ sớm phu nhân đã gọi tất cả mọi người tập trung ở gian chính, nhắc nhở và quy định lại chuyện vai vế gia đình. Theo tôi hiểu, việc này đồng nghĩa với việc tôi đã có danh phận mới - nhị tiểu thư - cô nhỏ của nhà này. Chị Hương kể, mọi người đều rất hân hoan đón nhận tôi, ai nấy cũng đồng tình rằng căn nhà này quá lớn. Nếu có thêm tiếng cười đùa của trẻ em, những ngày tháng tương lai sau này sẽ bớt phần trống trải.
Trái ngược với nụ cười tươi không giấu nổi trên khuôn mặt nhỏ nhắn của chị, giờ đây trong lòng tôi lại có vài phần lo lắng. Nếu đúng như lời chị nói, mọi chuyện đều đã được tường tỏ. Vậy khi có một ngày, tôi thật sự trở về thời hiện đại, liệu sự rời đi có khiến cho mọi người bị tổn thương.
Tôi vỗ nước lên mặt cho tỉnh táo, ý định về nhà sớm trong lòng lại càng không thể trì trệ. Có lẽ, rời xa khi này là lựa chọn tốt nhất. Bằng cách này, tình cảm giữa chúng tôi sẽ không đủ sâu đậm để tạo nên nỗi đau chia xa.
Bình thường tôi ngủ dậy khá muộn, trái ngược hoàn toàn với lịch sinh hoạt của người ngày xưa. Canh Dần (3h-5h) thì họ đã dậy sớm cùng bình minh, những người lên nương rẫy sớm đã rời đi. Tiếng chim khẽ râm ran, bóng cây đổ dài trên sân nhà, chỉ còn mái hiên nhà neo người nép mình ẩn dật sau lưng triền núi.
Sau khi đã quan sát một vòng xung quanh, tôi dựa vào những đặc điểm từ đồ dùng và kiến trúc cũng đã có thể áng chừng được thời kỳ mà mình đang sinh sống. Tuy có nhiều món đồ cũ từ thời nhà Lý, nhưng trang phục đen tuyền thời Trần của một số người cũng không khó để nhận ra.
"Rõ ràng đến như vậy mà." Tôi tự nhủ, quyết định dừng công việc "khảo cổ" và kiểm tra không cần thiết này nữa lại.
Chị Hương vẫn theo sát sau tôi như một người trông trẻ, giờ đây mới có thể thôi không để mắt tới việc tôi sờ vào chén đũa hay con dao dưới bếp nữa. Cô nhìn đứa trẻ đang trầm ngâm ngắm nhìn hình đóa sen trong lòng đầu ngói nhà, tay liên tục xoa bóp cổ vai.
"Cô nhỏ nhìn nãy giờ không mỏi cổ sao? Cô đã đi khắp nhà cả ngày rồi, giờ có thể ngồi yên một chỗ được không ạ? Con còn chưa kịp ra suối giặt bộ đồ ngày hôm qua của cô nữa."
Nghe đến chuyện ra suối, ngay lập tức tôi tôi dừng lại mọi chuyện suy nghĩ của mình. Không bỏ lỡ cơ hội, tay tôi chặt vào váy chị Hương, nài nỉ xin theo cùng.
"Cho em đi cùng chị với. Tuy em không biết giặt đồ, nhưng nếu chị làm việc không có ai cạnh bên sẽ buồn lắm đó."
Hương lắc đầu từ chối. Việc ra ngoài khi nắng như vậy đối với cô không hề gì, nhưng tiểu thư còn quá nhỏ, khả năng chịu đựng vẫn còn rất non nớt.
"Không được đâu cô nhỏ, trời đang nắng gắt như vậy, ra ngoài sẽ bị say nắng đó."
Tôi không có ý định bỏ cuộc, tay nắm chặt váy chị hơn, giọng điệu nũng nịu. Tôi vốn không thông thuộc đường đi rừng, chẳng thể tự đảm bảo an toàn cho bản thân khi không có người đi cùng.
"Đi mà chị cho em theo cùng đi. Em ở nhà một mình sẽ chán lắm."
Sau một hồi năn nỉ đến mức lưỡi cũng sắp gãy, Hương đã bị đổ gục hoàn toàn trước ánh mắt long lanh của tôi. Chị mở bung chiếc dù giấy lớn che đi những tia nắng chói chang. tay kia cầm chỗ đồ tôi đã thay ra ngày hôm qua.
Tiếng lá cây xào xạc dưới bước chân. Đường núi quanh co nhiều đá khó đi. Tôi vừa bám theo chị để không bị lạc, vừa âm thầm ghi nhớ đường đi.
Đi ngược lại với hướng chúng tôi, từ xa một cô bé tầm tuổi tôi đeo chiếc gùi lớn đan bằng trúc rừng đựng đầy bắp ngô. Cô bé mặc áo bộ quần áo màu đen đơn giản, không có bất kỳ họa tiết cầu kì nào. Làn da em ngăm nâu do ánh nắng mặt trời nhưng đôi má vẫn hây hây đỏ như cà chua. Em dùng đôi mắt đen nháy to tròn nhìn chằm vào dải lụa tết màu ngũ sắc trên mái tóc tôi.
Khi đôi bên bước gần nhau hơn, cô bé ấy chợt đẩy nhanh tốc độ phi chạy lại gần tôi. Theo phản xạ tôi liền giật lùi ra phía sau Hương. Chị thấy vậy liền vội trấn an tôi.
"Đừng sợ, không sao đâu."
Tôi vẫn đứng nép đằng sau lắng nghe cuộc hội thoại giữa hai người bọn họ. Cô bé vừa nãy nói gì đó rất dài bằng ngôn ngữ đặc trưng của bản làng mình khiến cho tôi không hiểu được. Chị Hương có vẻ hiểu tiếng nói của họ, cũng có thể trả lời được những câu đơn giản. Sau một hồi chị liền cúi xuống nói nhỏ với tôi.
"Em ấy hỏi chỗ mua sợi dây lụa giống của cô. Con đã trả lời cái này chỉ có thể mua nguyên liệu ở kinh thành thôi, hay là cô tặng bạn ấy đi. Khi về con sẽ đan lại cho cô một cái khác."
Tôi lắc đầu nguầy nguậy. Dải lụa này là Ngọc mới đan cho tôi, tôi chưa dùng được bao lâu, không thể dễ dàng đem tặng cho người khác được.
Bạn ấy thấy vậy thì sắc mặt liền xụ xuống, hốc mắt đỏ lên như sắp khóc. Khi tôi và chị Hương còn luống cuống không phải biết xử trí sao, cô bé vội thè lưỡi ra chun mũi ra làm mặt xấu với tôi rồi chạy đi mất. Khi đi còn không quên nói cái gì đó mà tôi chẳng cần hiểu nhưng vẫn có thể đại khái đoán là.
"Lêu lêu, không thèm! Đồ ki bo!"
Lần gặp tình cờ đầu tiên của chúng tôi đã diễn ra trong hoàn cảnh khó xử như vậy.
Tiếng nước suối chảy róc rách qua khe đá. Nước trong vách luồn qua tay người, nhẹ nhàng gột rửa đi những vết bẩn. Tôi ngồi ở tảng đá bên cạnh, tay cầm chiếc dù che cho chị khỏi nắng.
"Sao nhà mình không ai mặc như người chúng ta vừa gặp khi nãy vậy chị? Em thấy chất vải cũng khác nữa." Tôi chỉ vào chiếc áo giao lĩnh hồng nhạt của mình, thứ này có vẻ giống trang phục của giới quý tộc miền xuôi hơn.
Chị Hương đã chuyển qua giặt món khác, những giọt mồ hôi lăn dài trên vầng trán.
"Họ mặc như vậy vì ông bà của họ cũng mặc như vậy. Chúng ta mặc như hiện tại cũng là theo bước chân của cha ông."
Tôi dùng phần áo ở cổ tay lau đi những giọt mồ hôi của chị, giả vờ tò mò hỏi.
"Cha ông của ta là ai vậy chị? Họ là những người như thế nào?"
Tôi thật sự rất muốn biết xuất thân bí ẩn của những người mình đã gặp hôm qua. Cũng muốn hiểu tại sao đột nhiên giữa vùng rừng núi mênh mông như vậy lại xuất hiện một gian nhà xây theo kiểu vùng đồng bằng và một nhóm người có cách sinh sống khác thường.
Ánh mắt của chị Hương thay đổi nhanh đến mức tôi không kịp nhận ra. Chỉ trong một khoảng khắc ngắn ngủi, tôi đã không biết bên trong tâm trí của cô gái trẻ kia đang có những cơn sóng lay động lớn đến thế nào. Ban đầu tự hào rất nhiều, nhưng một cái chớp mắt chuyển thành sự oán trách thế hệ sau đã chà đạp hết đi tất cả những công sức dựng xây của cha ông, cuối cùng là một tiếng khẽ thở dài đầy thương tâm và đau lòng cho những người vô tội vô tình bị quấn vào cuộc chiến tranh giành quyền lực giữa hai thế lực đối lập.
"Cha ông của chúng ta là những người tài giỏi vô cùng. Nhờ có họ mà ta mới có ngày hôm nay. Giang sơn Đại Việt bền vững như vậy cũng là nhớ có những bậc tiền nhân vĩ đại ấy."
Bậc tiền nhân vĩ đại? Theo trí nhớ mờ nhạt của tôi, tôi chỉ có thể nhớ một vài vị họ Nguyễn nổi tiếng trong thời kỳ này đó chính là vị trạng nguyên trẻ tuổi nhất trong lịch sử khoa cử Việt Nam - Nguyễn Hiền dưới thời vua Trần Thái Tông. Ngoài ra còn có đại thần Nguyễn Trung Ngạn và vị tướng Nguyễn Khoái. Nhưng điểm chung của cả ba vị ấy đều là không có ai quê ở Lạng Sơn cả. (a)
Gian nhà người kinh vùng núi phía bắc. Họ Nguyễn, bậc tiền nhân vĩ đại, kiến trúc phật giáo, trang phục thời Lý. Tôi dần xâu chuỗi các thông tin với nhau, cuối cùng đưa ra một kết luận khiến cho bản thân cũng phải kinh ngạc.
Đại Việt sử ký toàn thư chép(1226): Đem các cung nhân của Lý Huệ Tôn và các con gái thân thích gả cho các tù trưởng người Man. (b)
Tôi cần hỏi thêm điều này để biết phán đoán của mình đã không sai.
"Hình như bạn đầu phu nhân vốn không phải họ Nguyễn đâu chị nhỉ? Em thấy họ Nguyễn đi cùng tên người chẳng hợp chút nào. Nếu tên họ như em có phải hay nhiều hơn không?"
Chị Hương bị câu hỏi đó của tôi làm cho thất thần, chiếc áo tuột khỏi tay suýt cuốn trôi theo dòng nước may sao đã được tôi nhanh tay bắt kịp. Giọng chị nghiêm nghị hơn hẳn.
"Cô nhỏ này, nếu như bà lớn đã coi cô là con gái rồi, sau này cái tên đó đừng nên nhắc lại nữa. Tránh để cho bà phải phiền lòng vì những chuyện không đáng."
Chị lấy lại món đồ từ tay tôi, lảng tránh sang chuyện khác.
"Ngày mai nếu như cô dậy sớm hơn. Con sẽ dẫn cô đi chơi nhé."
Chị không trả lời tôi, nhưng hành động vừa rồi của chị chính là câu trả lời rõ ràng nhất mà tôi muốn biết.
Không hiểu sao khi đã nhận được câu trả lời mà mình cần, lòng tôi bỗng đau đến lạ. Gắng nghiêng ô sang che nắng sang phía chị phần nhiều hơn. Trong lòng thầm nhắc nhở bản thân, những điều tốt nhất bây giờ tôi có thể làm cho mọi người đó chính là không làm gì cả, tránh để cho lịch sử sau này vì những hành động của tôi mà thay đổi.
Gặp được tổ tiên của mình trong hoàn cảnh trước chiến tranh này chẳng thể biết được là tốt hay xấu, chỉ có thể cầu mong cho ông trời rủ lòng thương mà phù hộ cho họ bình an qua đại nạn sắp tới.
"Em không thích đi đâu xa cả." Tôi thở dài, thành thật trả lời. "Em chỉ thích ở nhà thôi."
Nhà của em vốn không phải nơi này.
Thời gian trôi chầm chậm từng chút một, ánh chiều tà mờ dần thế chỗ cho màn đêm bao phủ khắp nhân gian. Ánh trăng sáng vằng vặc hiện rõ trên nền trời đêm, gió bắt đầu nổi từng cơnlớn. Rừng núi vắng người âm u về đêm, chẳng còn khung cảnh yên bình như ban sáng.
Bữa tối tôi đã xung phong giúp mọi người bày xếp bát đũa. Cũng ngoan ngoãn ăn hết phần cơm của mình, không quên tự giác bê bát của mình ra chỗ rửa. Phu nhân rất ngạc nhiên trước sự thay đổi mới của tôi, mới hôm qua con bé vẫn còn như người thất thần. Tối nay đã chịu nói chuyện với người trong nhà nhiều hơn.
Khi cánh cửa phòng ngủ dần dần đóng lại, tôi dựa lưng vào cửa rồi từ từ ngồi xuống nền nhà. Tôi muốn để lại một bức thư, nói dối rằng mình sẽ trở về kinh thành cho Ngọc và mọi người có thể yên tâm. Nhưng đến nửa chữ bẻ đôi tôi cũng không biết, chỉ có thể bất lực ngồi chờ khoảng thời gian dài nhất cuộc đời nặng nề trôi qua.
Có tiếng gõ cửa chậm rãi, thong thả từng tiếng một. Vì chột dạ nên tôi đã suýt để lộ ra sơ hở. Trấn an bản thân lấy lại bình tình. Tôi ngáp mấy cái, giả vờ như mình vừa bị đánh thức, uể oải mở cửa.
Ánh nến trên tay anh hắt lên bờ vai cao gầy của Lê Đông. Xuất hiện cùng những cơn gió lạnh, anh không đi tay không mà còn đem theo một tấm chăn dày. Nhìn thấy dáng vẻ buồn ngủ đó của tôi, anh mới hỏi nhỏ.
"Xin lỗi vì đã làm phiền cô muộn như vậy. Chỉ là con vừa nằm ngủ thì mới chợt nhớ ra."
Tôi lắc đầu, bắt chước nói nhỏ như anh.
"Em cũng chỉ vừa nằm một lúc thôi. Anh tìm em có việc gì ạ?" Khi này tôi chỉ muốn anh có thể nhanh chóng rời đi. Chỉ khi tất cả mọi người đều đã ngủ say, tôi mới có thể thần không hay, quỷ không biết mà rời đi trong bí mật được.
"Sáng nay thấy cô bị đau người, con trộm đoán do cô nằm không quên giường cứng. Chỗ con còn dư một tấm chăn, để con trải ra giúp cô nhé."
Tôi đứng dạt vào một góc. Anh Lê Đông trải tấm chăn dày ra, không quên vuốt các góc chăn thật phẳng.
"Cô ngủ ngon nhé." Nhìn theo bóng anh rời đi, tôi lặng người một hồi không biết nên làm gì, một cảm giác tội lỗi dâng tràn.
Tôi giật mình, khi nãy trong lúc trải chăn, liệu anh Lê Đông có phát hiện ra điều gì bất thường không? Tôi cúi xuống kiểm tra gầm giường, thở phào nhẹ nhõm khi thấy đuốc, đồ đánh lửa và một con dao găm phòng thân đã trộm được từ nhà kho vẫn còn nguyên vẹn.
***
"Thằng Đông kia, chăn của ông mày đâu?" Cậu bạn cùng phòng của Lê Đông lùng sục khắp chỗ ngủ của mình hồi lâu cũng chẳng thể tìm thấy chiếc chăn quen thuộc.
Lê Đông nằm trên sạp tre, nhắm chặt mắt, giang rộng tay chân. Rất thoải mái mà trả lời.
"Đừng tìm nữa, chắc chuột tha mất rồi đó."
Cậu bạn đó bắt đầu tức giận, buông lời mắng nhiếc.
"Tên điên này! Mày biết tao không có gối, mấy nay đang phải gối tạm lên chăn nên mới cố ý lấy đi đúng không? Cái áo tao mượn mày bị rách tao cũng đã khâu bù rồi, rốt cuộc mày định thù tao đến bao giờ. Mau trả đây!"
Lê Đông chợt trở mình, đưa tay ra dấu hiệu im lặng.
"Suỵt, nhỏ tiếng thôi, đừng làm phiền bà và cô nghỉ ngơi."
Nói rồi anh nở nụ cười kì dị, duỗi thẳng tay trái rồi nằm gọn sang bên kia. Tay phải vỗ vỗ xuống sạp tre.
"Ngoan nào đừng quậy, mày có thể gối lên đây mà."
Tôi vừa đi đến cửa lớn đã bị một tiếng rít của nam nhân dọa cho bản thân tưởng đã bị phát hiện, bước chân càng trở nên vội vàng hơn. Ánh đuốc lập lòe trong đêm, vừa đi tôi không quên quay ra đằng sau kiểm tra, chỉ sợ sẽ có loài dã thú nào đó đang ẩn mình trong bóng đêm sẽ bất chợt nhào ra tấn công đột ngột.
May mắn thay tôi đã an toàn ra đến bờ suối theo lối đi mình đã âm thầm ghi nhớ. Dập tắt ngọn đuốc, tôi đứng sát gần mép suối hơn. Nước suối chảy càng lúc càng siết, nhiệt độ nước khi nhúng chân xuống lạnh đến rùng mình.
Liệu dòng suối nơi tôi xuất hiện tại đây sẽ có thể đưa tôi trở về nơi bắt đầu của mình chứ? Tôi lặng yên quan sát, mất đi ngọn đuốc làm nguồn chiếu sáng, dưới mặt nước kia là một màu đen tăm tối không thể lường trước chuyện sắp xảy ra.
Bước chân vừa đưa lên, chợt khựng lại. Lòng tôi trùng xuống như có tảng đá tỳ lên người.
Lúc này, tôi đang cảm thấy nuối tiếc.
Đã lâu lắm rồi không có người ôm tôi trong đêm dài như vậy. Đã lâu lắm rồi chưa có ai nhìn tôi bằng ánh mắt dịu dàng như thế, cũng đã lâu lắm rồi có người để ý đến từng cảm xúc nhỏ nhặt của tôi mà lo lắng nhiều đến vậy. Tôi đang nuối tiếc đoạn tình cảm gia đình chỉ vừa mới chớm nở ấy.
"Con gái, nhìn chiếc diều kia bay cao chưa kìa." Tiếng gọi của cả bố như vọng trong thâm tâm tôi. Những ngày tháng tuổi thơ đã quá xa ấy khiến cho tôi chợt nhớ ra.
Bố tôi cũng đang đợi tôi trở về. Bố tôi cũng chỉ còn mình tôi là gia đình, chỉ còn duy nhất tôi là người thân cuối cùng. Bố tôi mới là máu mủ, Việt Nam mới là nơi tôi nên trở về.
Tôi hít sâu, bịt chặt mũi, nhắm mắt nhảy xuống dòng nước chảy xiết.
Cảm giác lạnh đến rùng mình như đêm hôm ấy đã trở lại. Tôi cố gắng mở mắt ra, nhận ra dòng nước vốn đã không còn chảy xiết như ban đầu. Mực nước nông đến đầu gối nay lại trở nên sâu thẳm đến vô tận.
Ngay khi tôi tưởng mình đã sắp trở về nhà. Trong làn nước mờ ảo, xuất hiện hình ảnh một người phụ nữ đang nhìn tôi. Tôi cứ ngỡ đó là Ánh Ngọc phu nhân, nhưng khi nhìn kỹ lại thì không phải. Khuôn mặt người phụ nữ ấy dính đầy máu, sắc mặt đã trắng đến mức báo hiệu sự sống sót cuối cùng còn lại cũng sẽ sắp rời ra. Nhưng ánh mắt bà vẫn rất kiên cường và sắt đá, gân đỏ nổi từng đường trên lòng trắng tái nhợt.
Khi bà nhìn thấy tôi, ánh mắt đầy lửa ấy dần trở nên tràn đầy tình cảm vô tận. Bà cầm lấy chiếc trâm trắng nạm vàng vừa sắp trôi mất, đặt nó trở lại lòng bàn tay của tôi. Gắng gượng từng chữ một khó khăn.
"Con gái, ngàn lần xin con đừng trách mẹ..."
Rồi trong khoảnh khắc ngắn ngủi, người đã biến mất trong ánh nước, tôi vội bơi theo nhưng đã không còn kịp nữa. Sinh khí lúc này đã dần không còn đủ. Tôi biết bản thân mình sắp không chịu được nữa, nếu còn tiếp tục như vậy, tôi sẽ chết mất.
Ngã lăn trên mặt đất, tôi bất lực đập mạnh tay xuống nền đất. Mọi cảm xúc đã đè nén suốt thời gian qua như bùng nổ, tôi không thể về nhà được nữa. Tôi bị mắc kẹt ở đây thật rồi, mắc kẹt ở đây thật rồi.
Bàn tay của tôi chợt dừng lại. Trong màn đêm yên tĩnh đáng sợ, một đôi mắt khát máu đang nhìn chằm chằm tôi.
Tôi vội đứng dậy, nhặt lấy dao găm nắm chặt trong tay. Trong lòng thầm rủa tại sao bản thân vì lo sợ cháy rừng mà đã dập tắt đi ngọn đuốc cứu mạng.
Sói rừng có thể sợ lửa, không sợ dao găm. Dù cho có sợ, cơn đói tột cùng bây giờ hoàn toàn có thể vượt qua nỗi sợ ấy.
Dù cho hai chân đang run run lên vì sợ hãi, tôi vẫn cố gắng tỏ ra bình tĩnh nhìn về phía nó, nhưng không dám nhìn thẳng vào mắt, chỉ sợ sẽ khiến cho loài dã thú săn mồi này hiểu nhầm rằng mình đang có ý định khiêu khích.
Kẻ lang thang khát máu vẫn đứng yên, nhẹ nhàng dậm chân sau xuống mặt đất. Mũi hít ngửi như thể đang xác định thứ trước mắt rốt cuộc có thể lấp đầy cơn đói bây giờ hay không.
Tôi giơ tay lên cao, đứng thẳng lưng để khiến cho bản thân trở nên to lớn hơn. Nhưng cơ thể nhỏ bé của đứa trẻ năm tuổi này dù cho có làm thế nào, vẫn không thể đem lại cảm giác đe dọa đáng kể đối với con vật sắp bị cơn đói khống chế này.
Tôi đá mạnh vào viên đá lớn bên cạnh, viên đá bay ra xa. Không trúng vào con sói nhưng tạo ra một tiếng động rất lớn. Con sói phân tâm trong giây lát nhưng rất nhanh đã lồng lên lao đến chỗ tôi như một cơn gió.
Tôi chạy thục mạng về phía cái cây gần đây nhất rồi trèo lên trên cành cây cao. Con sói không hề có ý định bỏ cuộc, liên tục cắn những cú đớp mạnh về phía tôi. Móng vuốt sắc nhọn như muốn đâm thủng cổ họng của tôi đã kéo rách lớp váy bên ngoài một đường dài.
Khi tôi tưởng mình đã tạm thời an toàn ở trên cao. Con sói lúc này như nhận ra điều gì đó, chợt lùi ra sau vài bước lấy đà, từng giọt nước dãi chảy tong tỏng theo từng bước chân.
Trong đêm vội vã, ánh đuốc của đoàn người như muốn thiêu cháy cả khu rừng. Tuy trời về đêm rất lạnh những áo ai nấy cũng đều đã ướt đẫm bởi mồ hôi.
"Diệp Dung! Diệp Dung!" Tiếng gọi vang vọng khắp rừng núi.
Lê Đông sốt sắng hét tên tôi to hơn, đêm hôm khuya khoắt như vậy rốt cuộc một đứa trẻ có thể đi xa được đến đâu chứ? Khi nằm được một lúc anh mới chợt nhận ra có điều không ổn. Anh đã ngửi thấy mùi hắc của nhựa thông vốn được dùng để giữ đuốc cháy lâu trong phòng của tiểu thư lúc tới đưa đồ. Thường ngày Hương lo sợ tiểu thư còn nhỏ, đến một cây nến cũng không dám để trong phòng. Nhựa thông này vốn không thể xuất hiện trong phòng ngủ của cô được.
Khi anh giật thót tim chạy đến kiểm tra, người sớm đã không còn nữa. Anh hô hoán mọi người, dù cho có lật tung cả nhà lên cũng không thấy bóng dáng tiểu thư.
"Oắt con! Mốt ông sẽ trói chân mày lại." Người cùng phòng Lê Đông nóng đỏ bừng mặt, tức tối cây đuốc hất mạnh sang hai bên. Lê Đông vội vàng ngăn lại.
"Bình tĩnh, cẩn thận đừng để cho cây bén lửa! Tìm người quan trọng hơn!"
Con sói thủ thế, đôi mắt vàng khè đầy sát khí lạnh lẽo. Trong khoảng khắc ngắn ngủi, tôi biết lần này may mắn đã không còn đứng về phía mình nữa. Đây chính là cái giá phải trả cho việc hành động dại dột quá gấp gáp của bản thân.
Một cái chớp mắt, dã thú bật mạnh khỏi mặt đất, chiếc nanh sáng loáng lao thẳng về phía tôi. Tôi nhắm chặt mắt lại, con dao găm chĩa thẳng ra trước mặt.
Vút!
Tiếng gió xé bên tai. Khi tôi mở mắt ra, một mũi tên đã cắm thẳng vào mạng sườn con sói. Sói ta đau đớn rú lên một tiếng rất lớn, toàn thân đổ gục xuống.
Trong ánh đuốc cháy sáng rực, Lê Đông giương cung dứt khoát bắn một mũi tên, chuẩn xác bắn trúng mục tiêu. Bóng người thiếu niên rung chuyển theo ánh đuốc.
"Diệp Dung, không bị sao chứ?" Lê Đông thu lại cung bắn, lên tiếng trấn an tôi.
Chân tay tôi mềm nhũn, chết lặng trên cành cây. Lê Đông thấy tôi không có phản ứng gì, chạy lại rồi đưa hai tay ra.
"Nhảy xuống đi. Anh sẽ đỡ em."
Tôi vẫn chưa thể định thần, đôi mắt hoảng sợ nhìn về phía con vật đang nằm bất động trên vũng máu, lại nhìn về phía Lê Đông. Từ khi nhắm bắn mũi tên đến khi chứng kiến con sói gục xuống máu chảy đầm đìa, sắc mặt Lê Đông như cũ đều không hề thay đổi, dáng vẻ trêu đùa tôi ban ngày đã không còn. Thay vào đó đôi mắt bình tĩnh đến đáng kinh ngạc, đây mới chính là dáng vẻ của một người chỉ huy tiềm năng trong tương lai nên có.
"Tin anh. Anh sẽ không để em ngã đâu."
Lớp phòng thủ cuối cùng trong tôi được hạ xuống. Hai tay tôi buông thõng, toàn thân rơi xuống nằm gọn trong vòng tay anh. Lê Đông bế tôi lên, xoa lưng trấn an khi thấy cô bé đang khóc nấc lên trong lòng. Cảm giác bất lực cùng kinh hãi như đã hoàn toàn gặm nhấm hết lý trí, một cô gái với tâm hồn hai mươi ba tuổi giờ đây lại bật khóc lớn như một đứa trẻ. Tiếng khóc dần chuyển sang tiếng nấc, nghẹn đắng lại trong cổ.
Anh Đông vẫn nhẹ nhàng như vậy, vẫn an ủi tôi một cách lúng túng.
"Đừng khóc, không phải anh đã đến rồi hay sao?"
Cậu bạn cùng phòng định lên tiếng trách móc cũng đã bị một ánh mắt sắt lạnh của Lê Đông ngăn lại. Cậu ta chỉ có thể yên lặng một bên nghe tôi khóc nức nở mà không biết phải làm gì.
Chợt tiếng khóc nghẹn lại. Toàn thân Lê Đông đông cứng như tượng đá. Tiếng dao găm đâm vào thịt sát bên tai. Khi hai người sững sờ phát hiện, con dao găm trong tay cô bé năm tuổi vừa mới khóc ầm lên vì sợ hãi đã đâm thẳng vào cổ họng con sói.
Tôi giật bắn mình buông tay ra. Khi nãy hai người bọn họ không để ý, con sói chưa chết hẳn đã nhân cơ hội tấn công từ đằng sau. Lần này nó đã chết hẳn, chính giữa cổ họng còn cắm nguyên con dao.
"Em... em." Tôi không biết phải giải thích làm sao, cuống quýt nhìn anh. Máu dính trên tay vẫn nóng nguyên.
Ba đôi mắt im lặng nhìn nhau hồi lâu.
Lê Đông vẫn nửa quỳ trên mặt đất chợt cười phá lên phá vỡ bầu không khí căng thẳng, rất nhanh đã quay trở về dáng vẻ đùa giỡn như mọi khi.
"Con bé này gớm thật! Đúng là không thể coi thường được."
Anh bạn kia cũng cùng cười hùa theo. Tôi đứng chết trân một chỗ, khuôn mặt không hiểu sao lại đỏ bừng lên vì xấu hổ. Nhiều năm sau này khi tôi đã có thể giết hổ chỉ bằng một mũi tên, người đó cũng đã ngỡ ngàng nhiều đến như vậy.
"Tìm thấy rồi! bọn họ ở bên này!" Đoàn người theo tiếng hét của sói hoang tìm được đến chỗ chúng tôi.
Lê Đông đưa cung tên cho người khác cầm, quay lưng lại về phía tôi.
"Cô ba lên đi, để con cõng cô về. Bà lớn ở nhà đang rất lo lắng đó."
Tôi hít sâu trèo lên lưng anh, khi này người tôi sợ phải gặp nhất đó chính phu nhân.
"Đừng mà bà, ra ngoài khi này nguy hiểm lắm!"
Hương dùng hết sức giữ vị phu nhân đang hoảng loạn vì lo lắng lại, ngăn không cho cô lao qua cánh cửa. Ánh Ngọc phu nhân quần áo xộc xệch, tóc tai rối toán loạn, nói không thành hơi.
"Buông ra, ngươi mau buông ta ra. Để ta đi tìm con bé."
Hương ôm chặt người phu nhân sống chết không buông, những người hầu nữ khác vội quỳ xuống chắn trước cửa cầu xin.
"Con lạy bà, xin bà hãy cứ để đàn ông trong nhà tìm người! Lê Đông bắn cung giỏi như vậy, nhất định cô nhỏ sẽ bình an trở về mà!"
"Về rồi! Họ về rồi!" Một người trong số họ reo lên mừng rỡ.
Nghe thấy vậy, Ánh Ngọc dùng hết sức thoát khỏi vòng tay của Hương lao đến chỗ tôi. Ngay khi nhìn thấy bóng dáng nhỏ bé toàn thân ướt sũng, quần áo dính đầy đất cát và máu, người vội ôm chầm lấy tôi rồi khóc nấc lên.
"Không sao chứ? Có bị thương ở đâu không?"
Tôi bị xoay vòng đến chóng cả mặt. Phu nhân không hỏi tôi tại sao rời đi, chỉ sốt sắng kiểm tra toàn thân tôi. Đến khi nhận ra vết máu đỏ đó không phải của tôi cũng không dừng lại.
"Không mất miếng thịt nào đâu ạ." Lê Đông cười khì khì bên cạnh.
Tôi đứng yên một chỗ, không biết nói gì. Mọi lý do bao biện đã chuẩn bị sẵn lúc này đều trở nên vô nghĩa, cổ họng nghẹn ứ lại không sao thốt ra thành lời.
Phu nhân ôm chặt tôi hơn, lớn tiếng trách mắng.
"Con ơi sao con dại thế? Con ơi là con!"
"Con...xin lỗi."
Tôi không biết nói gì, cũng biết bây giờ không một lời nào có thể đủ để bù đắp. Là tôi đã sai, tôi đã sai khi coi nhẹ địa vị của mình trong lòng phu nhân đến vậy. Tôi đã nhầm khi nghĩ một đứa trẻ chỉ mới gặp vài lần sẽ không thể khiến cho người khác đau lòng đến vậy.
Ánh Ngọc khóc không thành tiếng, suýt nữa đã ngất đi. Hương vội đỡ lấy phu nhân, dìu người về nghỉ trước.
"Xin bà đừng lo, cứ để cô lại cho chúng con chăm sóc. Chúng ta mau về nghỉ thôi."
"Mẹ..." Tôi đưa tay ra, nhưng lại không biết nên nắm lấy gì.
Lê Đông vỗ tay lên vai tôi, anh chỉ về phía hai người họ.
"Thấy mình nghịch ngu chưa?"
"Dạ vâng." Tôi cúi đầu xuống nhìn mũi giày rách toạc của mình.
"Lần sau còn dám nữa không?"
"Không dám nữa ạ...."
Lê Đông bế tôi lên đưa cho một người hầu nữ. Dặn dò tôi hãy yên tâm chuyện phu nhân rồi rời đi thay đồ nghỉ ngơi.
"Anh Đông!" Tôi gọi anh quay lại.
Anh dừng bước. Do ngược sáng nên không thể nhìn rõ rằng anh đang khẽ cười.
"Sao?"
"Cảm ơn anh..."
Đuôi mắt anh cong lên, cười thành tiếng.
"Ngốc quá."
______________________________
(a) Giai đoạn Lý - Trần cũng có rất nhiều người mang họ Nguyễn nổi tiếng. Suy nghĩ trên chỉ dựa theo trí nhớ chủ quan và có phần thiếu sót của Lý Diệp Dung, không phải lời khẳng định 100% hay nhận định về lịch sử. Thông tin những nhân vật được nhắc đến.
Trạng nguyên Nguyễn Hiền - Nam Định (1234 - 1256 ): Ông là trạng nguyên trẻ nhất trong lịch sử khoa cử Việt Nam, khi mới mười ba tuổi. Cuộc đời ông gắn với nhiều giai thoại dân gian Việt Nam còn lưu truyền đến nay. (nếu bạn nào từng đọc truyện xâu chỉ qua ốc thì đó chính là ông)
Nguồn: https://vi.wikipedia.org/wiki/Nguy%E1%BB%85n_Hi%E1%BB%81n
Đại thần Nguyễn Trung Ngạn - Hưng Yên (1289- 1370) : tự là Bang Trực, hiệu là Giới Hiên, là một nhà chính trị, một đại thần có tài của nước Đại Việt thời nhà Trần, được xếp vào hàng "Người phò tá có công lao tài đức đời Trần" cùng với Trần Quang Khải, Mạc Đĩnh Chi, Trương Hán Siêu, Lê Quát, Phạm Sư Mạnh, Đoàn Nhữ Hài, Trần Thì Kiến và Phạm Tông Mại.
Nguồn: https://vi.wikipedia.org/wiki/Nguy%E1%BB%85n_Trung_Ng%E1%BA%A1n
Tướng Nguyễn Khoái - Hải Dương (1240 -?): là một tướng lĩnh nhà Trần, góp công lớn trong hai cuộc kháng chiến chống quân Nguyên năm 1285 và 1287.
Nguồn: https://vi.wikipedia.org/wiki/Nguy%E1%BB%85n_Kho%C3%A1i
(b) Đại Việt sử ký toàn thư, quyển V - kỷ nhà Trần (1280): Trịnh Giác Mật ở đạo Đà Giang làm phản. Sai Chiêu Văn vương Nhật Duật đến dụ hàng...người Man thích lắm.
Đạo Đà Giang - đơn vị hành chính cấp trấn ở Tây Bắc Việt Nam thời Lý, Trần, nay thuộc tỉnh Hòa Bình.
Đại Việt sử ký toàn thư, quyển V - kỷ nhà Trần (1277): Mùa xuân, tháng 2, vua thân đi đánh người Man Lão ở động Nẫm Bà La(1), bắt sống được người họ hơn 1.000 người đem về. (1) Động Lẫm Bà La: Cương Mục q.7 chú là động Man thuộc phủ Lộ Bố Chính, nay không rõ ở chỗ nào.
*Qua 2 thông tin trên, để phù hợp với mạch truyện và suy luận cá nhân từ tác giả, thiết lập truyện sẽ là người Man sống ở các khu vực miền núi phía Bắc Việt Nam chứ không riêng gì vùng Tây Bắc.
Bình luận
Chưa có bình luận