IV. Mùa đông của Aristote


IV. Mùa đông của Aristote

Những học giả thành Athens ai cũng biết đến xung đột giữa Aristote và Platon, nhưng mọi người tự hiểu rằng tất cả chúng đều là những xung đột trong phạm vi triết học. Hoàn toàn không có bất kỳ mâu thuẫn cá nhân nào giữa hai thầy trò họ. Platon luôn xem Aristote là người học trò giỏi nhất của mình, là học giả có tương lai nhất của học viện. Aristote cũng rất yêu quý và không tiếc lời ca ngợi thầy. Dường như, dù có thể có nhiều điểm bất đồng, nhưng mối quan hệ cá nhân giữa cả hai luôn luôn ở thế hoà thuận.

Họ đã lầm.

Có nhiều dạng chiến tranh, có những cuộc chiến tranh hùng hồn nóng rẫy, nhưng cũng có những cuộc chiến âm thầm và lạnh giá. Cuộc chiến tranh lạnh giữa Aristote và thầy mình đã bắt đầu từ bao giờ? Chàng không còn nhớ rõ nữa. Chàng chỉ có cảm giác mình đang bị giam cầm trong một mùa đông kéo dài, chẳng có mấy sức sống, như một người leo núi kẹt lại trong cơn bão tuyết vần vũ, và có lẽ mùa đông ấy vẫn chưa bao giờ chấm dứt cho đến tận ngày hôm nay.

Aristote ngồi trên hàng ghế chờ dành cho khách, tay chống gối và mắt đăm chiêu nhìn xuống sàn đá học viện. Đã rất lâu rồi chàng mới lại trở về nơi này, mọi thứ đã thay đổi khủng khiếp khiến cho Aristote chẳng thể nào phân biệt khu vực nào với khu vực nào nữa. Chàng lúng túng mất một lúc mới được chỉ cho chỗ ngồi ở tiền sảnh – nơi được viết trong bức thư là chàng cứ đến và đợi ở đấy. Bên ngoài trời, trận tuyết đầu mùa đã phủ khắp thành bang Athens, màu tuyết trắng xoá và trong sạch, óng ánh như cả thế gian được đúc ra từ một khối ngọc duy nhất, mà còn là một khối ngọc thuần chất.

Platon hẳn sẽ thích cảnh tượng này, ông luôn thích những thứ gì trong sạch và đẹp đẽ. Đến mức từng có một khoảng thời gian dài Aristote bị thuyết phục rằng sở dĩ ông ấy không thích chàng bởi vì bộ dạng kém hoàn hảo của chàng. Bởi vì Platon có một diện mạo hoàn hảo thu hút mọi cặp mắt mỗi khi ông dạo bước qua bất cứ nơi đâu, nên Platon có quyền phán xét những diện mạo bị cho là kém hoàn hảo hơn. Nhưng rồi Aristote, trong sự ê chề khi nhận ra mình cũng chỉ là một kẻ xấu tính, biết được rằng Platon không phải một kẻ như vậy, những suy diễn này chỉ xuất phát từ nỗi mặc cảm của chính chàng về diện mạo của mình. Dẫu vậy, không phải ngoại hình thì vẫn còn nhiều điểm khác ở Aristote khiến chàng không đạt được ấn tượng tốt trước mắt thầy: bản tính thực dụng, trọng vật chất, khinh rẻ thế giới siêu việt và tôn thờ sự hiện hữu trần thế, tư duy lợi quyền và luôn bị đánh giá là hèn kém của chàng. Người ta say mê thần thánh, nên người ta sẽ thích Platon. Người ta coi khinh – hay cố tỏ ra coi khinh – vật chất, nên người ta sẽ ghét bỏ Aristote. Sự tầm thường và nhỏ mọn của giống người khiến cho họ bị cuốn theo những cái gì có vẻ siêu phàm, để họ tìm cách tự lừa bản thân rằng mình không hèn kém.

Một lần nữa, họ đã lầm.

Aristote rùng mình, kéo tấm áo bông lên che kín cổ. Nhiệt độ bên trong học viện khá dễ chịu, nhưng quãng đường đến đây dưới gió tuyết đầu mùa cũng đủ khiến Aristote bị hạ đo ván. Thể trạng chàng vốn chịu lạnh rất kém (cả về thời tiết lẫn thái độ con người). Chàng hắc xì liên tục, cánh mũi đau nhức và mũi dãi lòng thòng đến mức có một quý ông tốt bụng nào đó đã dúi cho chàng một tấm khăn mùi xoa mà không cần lấy lại – ai mà muốn lấy lại thứ đó chứ?

Lần trở về này không được huy hoàng như trong tưởng tượng hay những câu chuyện người hùng trở về trong thần thoại: chỉ có Aristote một thân một mình giẫm lên tuyết, vừa chống chọi với gió lạnh vừa thu hai tay trong áo ấm, giữ hai vạt áo đóng kín và hết sức chật vật để đến được đây. Bây giờ cũng chỉ có một mình chàng ngồi đợi giữa hàng ghế. Không người tháp tùng, không môn đệ, không bè bạn, không có những sự chào mừng hay hỏi thăm rối rít. Platon cũng cô độc thế này, cả đời ông không yêu hay cưới bất cứ ai mà chỉ tận hưởng (tận hưởng?) cuộc sống độc thân của mình. Và Aristote tự hỏi sao thầy có thể như thế được nhỉ? Liệu cuộc sống đơn độc của Platon có phải là một tinh thần cống hiến cả đời cho tri thức, hay thực chất thầy cũng chẳng ưa gì con người, hay còn những lý do cá nhân nào? Aristote không tin trên đời có một người hoàn toàn không hứng thú với chuyện tình yêu và sắc dục, như thế quá hoàn hảo và cũng quá vô lý. Platon từng viết cả một cuốn sách để bàn về tình yêu, để rồi sao? Cả cuộc đời ông ta chẳng yêu ai hết. Nghe thì có vẻ mỉa mai đấy, nhưng nếu ta thử đọc cách mà Platon định nghĩa tình yêu thì ta sẽ biết chẳng có gì không hợp lý ở đây cả, thậm chí còn rùng mình ớn lạnh vì sự băng giá của một con người, dẫu trong địa hạt vốn dĩ rất nồng ấm như “tình yêu” đi chăng nữa.

Nhưng có lẽ Aristote sẽ nêu lên khúc mắc này sau, khi đến thăm mộ thầy. Ôi người thầy cô độc buồn bã như một căn nhà trơ trọi trên đỉnh núi trong một cơn bão tuyết của chàng!

Chàng nhớ đến những lần họ cãi nhau, một cách công khai hoặc riêng tư, ra mặt hay ngấm ngầm, rõ ràng hay ẩn ý – Aristote bị sốc vì điều này, những người như chàng và Platon vẫn không thoát khỏi được những trò mai mỉa đê tiện mà chính họ đôi khi cũng lấy làm khinh bỉ. Những lần “thầy à, nhưng chúng ta phải hiểu…” hay “Aristote à, ý tưởng của con quá mức…” cứ vậy mà giữa cả hai xuất hiện một vách ngăn vô hình, đẩy họ rời xa nhau dù trước mặt người khác thì họ gắn bó với nhau hơn bất kỳ ai.

Hay chỉ có mỗi Aristote là cảm giác như vậy nhỉ, và thực chất biết đâu Platon chẳng cảm thấy gì cả, thầy chỉ sống và sinh hoạt rất bình thường, đối xử với chàng đúng theo lối y như những môn đệ khác, không một chút thái độ nào. Nhưng Aristote bằng chính sự tị hiềm của chàng đã thêm thắt ý nghĩa cho những cái nhìn, cái nhíu mày, cái lên giọng của đối phương và vẽ ra cả câu chuyện rằng mình bị coi thường và khinh bỉ?

Rất nhiều lần, Aristote đã hỏi dò Platon rằng thầy có giận mình không, liệu thầy có phật ý trước thái độ cứng đầu của chàng hay không, liệu thầy có im lặng bên ngoài nhưng bên trong lại tích tụ lòng khinh rẻ với chàng. Tất cả mọi lần hỏi ướm thử, Aristote đều nhận lại thái độ hoà nhã và chuẩn mực từ Platon, rằng thầy rất thích tranh biện, rất thích lắng nghe những quan điểm khác, những đối thoại khác và thầy đủ cởi mở để không làm bốc lên bất kỳ ngọn lửa tư thù cá nhân nào dành cho bất kỳ ai. Để rồi một ngày, Platon quyết định trao học viện cho một người khác, trong khi ai cũng nhìn thấy rằng Aristote xứng đáng hơn, như một cách thầy tỏ thái độ – lần cuối cùng và cũng là duy nhất nhưng đủ lực để đánh gục Aristote hoàn toàn.

Thầy đã yên nghỉ và học viện đã được trao cho Speusippus, trong sự bẽ bàng của Aristote và chàng biết rằng: thầy vẫn luôn luôn không hài lòng và không công nhận mình.

Mọi người bảo rằng việc Platon chọn chuyển giao học viện cho cháu ruột của ông là Speusippus quản lý cũng dễ hiểu thôi. Đó là lựa chọn rất truyền thống, mang tính gắn kết huyết mạch và thân quyến. Người ta có xu hướng lựa chọn người nhà để duy trì tài sản và thành tựu của mình. Mọi người xoa dịu Aristote rằng chuyện này chẳng có gì cả và Platon không hề đưa ra lựa chọn dựa trên một hiềm khích cá nhân nào.

Một lần nữa, họ đã lầm.

 “Ôi thánh thần ơi, Aristote, nhìn anh kìa!”

Giọng nói phát ra từ bên kia sảnh, một thân hình khoác tấm áo dài, vắt một mảnh lụa đỏ và cố định bằng những chiếc ghim cài lấp lánh. Chủ nhân của học viện cuống quýt bước đến. Speusippus giống với chú mình ở dáng vẻ cao to khoẻ mạnh, dường như cả dòng dõi họ được nối kết với một huyết mạch thần thánh nào mà người khác không thể biết. Aristote đứng dậy và chưa kịp làm gì thì đối phương đã bay đến ôm chầm lấy chàng. Cơ thể sực nức mùi dầu thơm và nhiệt độ ấm áp của da thịt như một sự cứu rỗi bất ngờ dành cho cơn nhọc nhằn mà Aristote đang thầm rủa trong lòng. Ấm áp thật, dù Aristote chẳng muốn cảm thấy như thế.

“Anh đến bao lâu rồi, sao tay chân vẫn còn lạnh thế này! Ôm anh cứ như ôm một người tuyết vậy!” Speusippus tạm thời thả Aristote ra, mỉm cười nhìn chàng trai.

Lối so sánh của Speusippus làm chàng nhớ đến hàng dài những con người tuyết được đắp nặn bên ngoài sân học viện, hình như là một công trình nghệ thuật của một đám trẻ nào đó. Chúng đã xếp những khối tuyết đùn lại, cắm hai cành cây khô quắc hay bên làm hai cánh tay và hai hòn sỏi trên mặt làm đôi mắt, có con người tuyết còn được đội mũ. Aristote thầm nghĩ biết đâu mình cũng như chúng: đang tan chảy nhễ nhại và sẽ biến mất như chưa bao giờ xuất hiện, được tạo ra chỉ để mất đi vào một ngày nào đó?

Xa hơn, chàng nhớ lại ngày đầu tiên mình gặp Platon, trong những tia nắng đầu tiên sau một đêm dài tuyết phủ kín, đang chạy trên tuyết với cơ thể chỉ khoác mỗi một lớp chiton – một điểm mà với Arisote khi đó, với ba lớp áo bông trên người, là quá mức vô thực, làm chàng đã tưởng con người ấy là một gã điên. Mãi sau này chàng mới biết hôm đó Platon đã thức dậy từ sớm và vận động cơ thể để người nóng bừng lên, đến mức một buổi sáng khi tuyết đã ngừng rơi đối với thầy không còn quá lạnh lẽo nữa. Thậm chí việc vận động còn khiến thầy vã mồ hôi, chúng bóng mướt trên những bắp thịt, mời gọi người ta cắn ngập răng vào Platon, như cắn vào một miếng thịt nhầy nhụa mỡ, với lớp da vàng ươm nổ lốp bốp trên ảnh lửa.

Chính bức tranh kỳ quặc ấy mà Aristote đã đứng ngẩng ra nhìn Platon không chớp mắt, ban đầu là vì tò mò, sau đó là vì bị cuốn hút. Chàng biết đó là một người đàn ông và lớn hơn chàng nhiều tuổi, nhưng nhìn ông ta còn hứng khởi và giàu sức sống hơn cả cậu. Xung quanh là sân tuyết lấp lánh, tan dần trong ánh nắng non mềm, càng tôn lên vẻ đẹp hoàn mỹ ấy. Platon đang chơi ném tuyết với ba bốn người bạn của mình. Không biết Aristote đã đứng đó bao lâu, phải đến khi một quả cầu tuyết ném vào trúng mặt chàng, chàng ngã xuống rồi mới sực tỉnh lại.

“Ấy chết, cậu nhóc này có sao không!” Platon chạy đến và nhìn cậu, từ trên xuống, phía sau thầy là mặt trời toả sáng và vòm trời xanh ngắt. Platon đưa tay kéo cậu đứng dậy, phủi phủi tuyết trên người cậu. Phải, đó là lần đầu tiên cả hai gặp nhau, nhưng có lẽ chỉ mỗi Aristote còn nhớ.

Bây giờ, khi nhìn ra ngoài khuôn viên qua cửa sổ, Aristote như có thể nhìn thấy Platon của năm đó đang nghịch tuyết, cười đùa hỉ hả với bộ áo quá mỏng manh như không biết rằng giờ đang là mùa đông.

Speusippus dẫn chàng đến phòng khách, hồi xưa căn phòng tiếp khách của học viện rất nhỏ và đơn giản, nay trông nó không khác nào phòng tiệc của một gã quý tộc giàu có khắp vùng. Những chiếc ghế bọc nhung, kệ sách sáng choang trưng những quyển sách da thuộc có vẻ đắc đỏ, cửa sổ kính được lau bóng loáng và những bức tượng trang trí trong góc. Rộng lớn và có vẻ xa hoa, mọi thứ đang phát triển rất tốt, Aristote hy vọng học viện mình đang xây dựng cũng có một phòng tiếp khách như thế này.

Aristote ngồi xuống tràng kỷ. Nhiệt độ trong phòng ấm áp hơn. Chàng nhìn ra cửa sổ mờ hơi nước, chỉ thấy bên ngoài một màu xám xịt buồn bã. Speusippus rót trà cho chàng, hương trà thảo mộc len vào mũi làm cơn đau dịu đi, Aristote ngả người tận hưởng sự ấm áp này.

“Tôi nghe bảo anh đang định xây dựng học viện của riêng mình, đúng không?” Speusippus ngồi xuống đối diện, hỏi.

Lúc mới bắt đầu nhen nhóm kế hoạch, Aristote rất tự tin. Nhưng bây giờ khi bị hỏi thẳng, chàng lại hơi ngập ngừng khó xử. Có, chàng có nuôi dưỡng thù hận và nỗi đau của sự nhục nhã. Có, chàng có những nỗi muộn phiền rất hèn mọn, vẫn cố chấp nhưng cũng rất hay nghi ngờ bản thân.

“Phải, lần này tôi trở về Athens là vì muốn thực hiện ước mơ đó.”

Speusippus gật gù, nhìn xuống bàn, như suy nghĩ xem mình nên nhận xét thế nào về hành động của chàng. Platon đã tỏ thái độ rõ ràng, Aristote tất nhiên cũng đáp trả dứt khoát. Speusippus đã nghĩ Aristote chắc cũng không ưa cả mình nốt, chàng ta đang đợi mình nói hớ một điều gì đó để chọc ngoáy vào.

Không khí lặng trang như có thể nghe được âm thanh của tuyết tan.

“Có lẽ Platon đã nhầm lẫn…” Speusippus nói khẽ, không hùng hồn mà chỉ như một cái thở dài.

Phải, có lẽ Platon đã nhầm lẫn. Ông ta chọn Speusippus để kế nhiệm học viện của mình, như hy vọng đứa cháu sẽ phát triển học thuyết của ông, rồi đẩy Aristote đi, nhưng không ngờ rằng chính Speusippus cũng không hoàn toàn đồng ý với ông ta. Bây giờ học viện đã phát triển theo một hướng khác hẳn mà có lẽ nếu được biết, Platon sẽ tức giận. Chúng ta sẽ gặp nhau ở thế giới bên kia, thầy à, chúng ta sẽ gặp nhau và con tò mò về phản ứng của thầy khi biết những gì đang diễn ra! – Aristote nghĩ trong đầu.

“Một tháng trước, tôi đã ngã quỵ trong lúc thực hiện bài giảng của mình.”

Aristote ngạc nhiên, ngước lên nhìn đối phương. Liệu có thể như thế chăng?

“Aristote, có lẽ tôi sẽ chết trong nay mai, người ta nói trái tim của tôi có một vấn đề nào đó.” Nói đoạn, Speusippus đặt tay lên ngực mình, như chợt nhớ ra và kiểm tra xem lồng ngực mình còn đập không, “Trái tim của tôi không đủ mạnh mẽ như Platon, chúng ta đều không đủ mạnh mẽ như ông ấy. Mùa đông này quá dài và chúng ta chưa đủ thành công!”

Aristote luôn là người yếu ớt, sợ hãi mùa đông, ấy thế mà vẫn lê lết sống qua từng ngày trọn vẹn. Ngược lại, một người trông khoẻ mạnh và tràn đầy sức sống như Speusippus lại… Chiến thắng kiểu này chẳng vẻ vang gì cả!

Chàng chồm đến, nắm lấy tay Speusippus, “Không, đừng nghĩ vậy, sự suy nhược là bình thường trong những thời điểm lao lực quá nhiều. Anh cứ giữ gìn sức khoẻ, rồi sẽ mạnh lại thôi. Nỗi đau đớn không gì hơn là những tín hiệu, đáng lẽ chuyện ấy phải nhắc anh cố gắng yêu thương bản thân hơn thay vì suy sụp mới phải!”

Nhưng hơn ai hết, Aristote là người biết rõ về cái chết nhất. Ôi Pythias, chàng sẽ không thể yêu ai nhiều hơn nàng ấy, người đã chết trên tay chàng, thi thể ngắt lạnh. Nàng đã gặp được Platon ở cõi siêu việt chưa nhỉ? Vào ngày Pythias ra đi, chẳng hiểu vì lý do gì Aristote đã nghĩ ngay đến Platon và chàng ngẩng lên, xin được gửi gắm vợ mình cho thầy, hy vọng linh hồn cả hai – nếu thật sự có linh hồn – sẽ sống trong bình an vĩnh cửu ở cõi dành cho họ.

Thông báo về bệnh tật của Speusippus khiến người chàng run lên, như vừa có một cơn bải hoải khó gọi tên thổi qua căn phòng. Những người tuyệt vời nhất đều đã chết và sắp chết, chỉ có Aristote là còn ở đây, sống với những mất mát và mơ mộng lớn lao đời chàng.

Chàng đã tưởng tượng ra cảnh mình sẽ không được chào đón ở Athens, khi ai cũng biết rằng chàng đang xây dựng một “đế chế của riêng mình”, thứ mà người ta đồn đoán là sẽ đối đầu một chết một còn với học viện của Platon. Chàng tưởng tượng mình được Speusippus mời đến là để y có dịp nhục mạ, châm biếm mai mỉa một con người đã hoàn toàn thất bại trước y, một kẻ thảm hại. Nhưng không phải, Speusippus ngồi đó, bệnh tật khiến y thành ra mủ mỉ và dịu dàng, không trách cứ gì Aristote mà chỉ trách cứ chính mình. Rốt cuộc chàng cũng chỉ là một con người tầm thường với những lo lắng vặt vãnh tầm thường.

Speusippus có chung suy nghĩ với những người khác: họ nghĩ rằng thời cơ trả thù của Aristote đã đến. Thời khắc chàng trở nên huy hoàng và bất diệt cùng các quan điểm từ trước đến nay chưa từng được công nhận của mình. Bây giờ chàng sẽ trở mình và đạt đến đỉnh cao thành công, công khai đối đầu trực diện sau một khoảng thời gian dài loay hoay trong vô danh.

Một lần nữa, họ đã lầm.

Aristote chỉ cần được Platon công nhận, nhưng Platon đã chết rồi, chàng sẽ mãi mãi không tìm thấy sự công nhận từ con người ấy. Chàng trong mắt Platon vẫn mãi mãi là cậu bé yếu ớt ngày nào, ngỗ nghịch ngày nào, khó thoả hiệp ngày nào. Chính vì vậy mà, ngay bây giờ, Aristote bỗng dưng hiểu ra vì sao người ta tin rằng có một cõi nào đó dành cho các linh hồn: bởi vì nếu không, làm sao ta có thể sống tiếp? Sở dĩ chàng tiếp tục cố gắng đến mức này là vì tin rằng Platon đang quan sát mình ở đâu đó, vẫn đang âm thầm đánh giá mình ở đâu đó. Chàng vẫn phải tiếp tục nỗ lực để chứng minh bản thân.

“Thực lòng tôi đã nghĩ, khi nghe tin anh quay lại Athens, tôi sẽ gửi gắm học viện này cho anh.” Speusippus vuốt mặt, “Nhưng sau đó tin tức anh xây dựng học viện của riêng mình cũng đến, thế là tôi hiểu. Mọi thứ đã định đoạt xong!”

Có lẽ nếu là nhiều năm về trước, Aristote sẽ tiết rẻ, nhưng bây giờ thì không, bây giờ với chàng điều này không có ý nghĩa gì nhiều lắm.

“Đừng nói gở như vậy, anh vẫn còn tiếp tục được nhiều năm nữa. Thầy đã giao phó mọi thứ cho anh, vì thế anh phải mạnh mẽ sống thật lâu mới đúng!”

Speusippus không đáp gì, chỉ gật đầu nhận lấy lời an ủi. Y có thể nói gì đây?

Sau đó mỗi người chìm vào những suy tư riêng, trong tiếng gió thổi làm đôi cửa kính run lên bần bật, như cú đập cánh của đàn chim nào bay lên bầu trời, hay một đống tuyết nào trượt từ mái nhà và rơi xuống đất.

Aristote chưa bao giờ gặp Sokrates, chàng chỉ nghe con người ấy qua những huyền thoại và đặc biệt qua Platon. Những đối thoại triết học mà Platon viết đủ để khắc hoạ Sokrates sinh động như một người còn sống, thậm chí Aristote còn nhiều lần đối thoại với hình bóng Sokrates do mình tưởng tượng ra. Tưởng tượng ấy đôi khi còn vượt tầm kiểm soát, Sokrates sẽ đột nhiên xuất hiện ở đâu đó rồi đưa ra một lời khuyên nào đó, hay ngăn cảm Aristote không thực hiện một hành động dại dột nào đó.

Song, rất nhiều lần Aristote chẳng hề lắng nghe cái bóng ấy. Vì thế nên mới có chàng hôm nay.

Trên bàn là bản thiết kế học viện, chàng đã thuê một khu nhà và cho sửa sang nó lại, vừa là chốn ở vừa là chỗ trao đổi về những bài giảng của mình. Chàng chủ ý cho dựng một khu để rèn luyện thể chất – và biết rằng Platon sẽ hài lòng với ý tưởng này, Platon luôn khuyến khích người khác tập thể dục, không chỉ cho bộ não mà còn cho cơ thể. Một bộ não khó mà mạnh mẽ nếu nằm trong một cơ thể yếu ớt.

Khi ngước lên khỏi sơ đồ, Aristote bắt gặp Sokrates ngồi trước mặt mình. Chàng biết hồn ma không sợ lạnh, họ thật may mắn. Kỳ lạ là Aristote chưa từng nhìn thấy hồn ma Platon, có lẽ bởi vì Sokrates chỉ được tạo ra từ tưởng tượng nên phù hợp với chàng hơn.

“Cậu đã thấy ổn hơn chưa?”

Aristote lắc đầu, “Chuyện này chẳng có gì đáng vui mừng cả, thậm chí nếu con thành công với lý tưởng của mình thì điều ấy cũng không chứng minh được gì. Trận đấu đã kết thúc từ lâu lắm rồi và con đã thua cuộc, vì thế đây không thể gọi là một chiến thắng!”

“Thế mà thầy đã tưởng con muốn trả đũa!” Sokrates khoanh tay.

“Tất cả mọi người đều nghĩ như vậy.”

Nhưng một lần nữa, họ đã lầm.

Người giúp việc đưa đến một bức thư gửi từ Macedon. Aristote xé phong bao. Là thư của Alexander III, ngài ấy hỏi về tiến độ xây dựng trường của Aristote ở Athens. Ít ra thì ngài vẫn còn dành sự quan tâm đến công việc của chàng, dù giữa cả hai đã bắt đầu có những khe nứt, con đê sắp bị phá huỷ, Alexander III bắt đầu có những hoài nghi và niềm tin của riêng mình. Chàng đã tưởng tượng được đến cảnh ấy: nếu Sokrates bị bắt uống thuốc độc, Platon bị bán làm nô lệ, vậy thì chàng sẽ phải hứng chịu điều gì từ những quân vương mà bản tính vốn luôn thất thường và khó dò đoán đây? Bị treo ngược, đánh đập, trét nhựa rải lông, bị thiến hay đội mũ hề diễu hành đường phố?

Bỗng nhiên, chàng cũng muốn chuyện ấy thử xảy ra xem sao. Những ngày đầu quay lại Athens, ngôi nhà trọ của Aristote đã đón lũ lượt những bè bạn triết gia và khách khứa, người này hỏi thăm, người kia chúc tụng, người khác cầu nguyện. Họ mừng cho con đường lý tưởng thật dài mà nay Aristote đã bước được những bước đầu tiên. Chàng muốn mình cũng rơi vào những nguy cơ bị đe doạ tính mạng một lần, để xem có ai trong số họ sẽ ở bên cạnh và đưa bàn tay cứu chàng – như Sokrates và Platon, bằng may mắn của họ, đã có. Ta có chốn dung thân nào cho chân lý?

Herpyllis gửi đến một ít canh nóng và dặn dò người hầu cẩn thận trong việc chăm sóc Aristote. Cô nàng biết chàng rất khổ sở trong mùa đông và một người đàn ông sống độc thân thì chuyện tuỳ tiện là chẳng thể tránh khỏi, dù là với một triết gia đi chăng nữa. Dạo này Herpyllis qua lại chỗ của chàng rất thường xuyên, có lẽ cô quan tâm đến chàng, con gái chàng cũng nhắc đi nhắc lại điểm ấy với cái nhìn láu lỉnh trêu chọc – con bé đã tạm thời vượt qua được, cảm ơn thần linh. Nhưng Aristote vẫn còn quá nhiều việc phải lo và hiện tại không còn tâm trí đâu để nghĩ đến phụ nữ hay tình yêu nữa.

Đêm ấy, Aristote bị sốt cao, người run cầm cập trong chăn, bên cạnh chỉ có đứa con gái mà con bé cũng chẳng thể giúp chàng cảm thấy khá hơn. Trong cơn mê man, lần đầu tiên và cũng là duy nhất, Aristote gặp lại Platon, chàng ngỡ ngàng, chẳng lẽ đúng thật trên đời có thế giới siêu việt dành cho linh hồn? Nhưng không phải, ngay lập tức chàng nhận ra mình đang mơ. Platon này cũng chỉ là giấc mơ mà thôi, dạo gần đây chàng chỉ nghĩ đến mỗi thầy.

Chàng đứng trong ánh mặt trời, bên cạnh một miệng hang sâu hút. Chàng nghe thấy tiếng động rụt rịt phát ra từ trong hang, dường như trong giấc mơ, chàng biết được chuyện gì sắp sửa xảy ra, dường như chàng ở trong mơ đứng đó để đợi cái điều sắp đến này. Platon đang từ từ bò lên hang. Aristote nhìn thấy thầy, mắt hấp háy, xuất hiện khi những tia nắng rọi lên da thầy óng suốt. Platon vẫn đẹp đẽ, hoàn hảo, xuất hiện trong sự chúc tụng và thành công tuyệt đối, những thành công của Platon luôn tuyệt đối, đáng để khao khát, còn chàng thì chỉ cần mỗi sự công nhận của ông mà cũng không thể có được. Tay chân chàng nóng bừng bừng.

Aristote vung chân lên, tống một đạp vào cái thân hình lực lưỡng ấy. Platon bật người ra sau, có lẽ đã lăn mấy vòng, va liên tục vào vách đất cho đến khi chạm nền hang bên dưới. Platon hợp với nơi ấy: nơi lạnh lẽo, băng giá và tối tăm như một mùa đông, như chính thầy.

Chàng sực tỉnh, hét lên bàng hoàng, dù buổi đêm đang rất lạnh nhưng mồ hôi lại đổ nườm nượp trên mặt. Herpyllis ngồi bên cạnh với chiếc khăn ấm, có lẽ con gái chàng đã đi gọi cô đến giúp, trong những làn gió rét cắt da. Aristote thở hổn hển, bình tĩnh nằm xuống. Cuối cùng, chàng ôm mặt và bật khóc nức nở, lần duy nhất.

Mộ Platon không bề thế, nó nhỏ nhắn và đơn giản, nhưng hoàn hảo không thể chê trách. Giờ này Aristote không thể thấy rõ nó vì phần lớn đã bị tuyết phủ lên, có lẽ chàng sẽ quay lại xem lần nữa khi người ta dọn sạch hoặc đống tuyết ấy tự tan. Chàng chỉ đến đây để nhìn, không cầu nguyện – điều đó dường như đi ngược lại với những gì chàng tin tưởng.

Thế là Platon ở đây, nơi huyệt mộ, cái hang của thầy. Aristote nhớ lại lần đầu nghe đến cái hang của Platon, một hình ảnh thật bất ngờ và khó tin. Với chàng, đó có lẽ là công trình tuyệt vời nhất của Platon – một cái hang, chứ không phải Cộng Hoà. Cộng Hoà cũng tốt, nhưng nó là một ước mơ chưa hoàn thiện, một thời gian ngắn gạch đá sẽ vỡ, kết cấu sẽ nứt ra và mái nhà sẽ bị dột.

Điều Aristote không thể ưa nổi ở Platon là thầy cứ thể hiện sự thù nghịch với nghệ thuật, trong khi lòng thầy không hề nghĩ thế. Platon yêu nghệ thuật và thậm chí những công trình triết học của thầy chính là một kiểu nghệ thuật. Song, ông luôn từ chối chuyện ấy: đám nghệ sĩ sẽ bị đuổi khỏi Cộng hoà. Nghệ thuật chỉ khiến người ta xa rời chân lý! Ông đã thuyết phục và mọi người đã tin điều ấy, cũng tin rằng đó là lý tưởng của Platon.

Một lần nữa, họ đã lầm.

“Thầy không hề nghĩ vậy đúng không?” Aristote hỏi Platon, trong một lần chỉ có riêng hai thầy trò với nhau.

“Ta nghĩ gì không quan trọng, ta chỉ đưa ra những lựa chọn tốt nhất, những điều gần với chân lý nhất.” Platon trả lời và vai thầy vẫn mở rộng, lưng vẫn thẳng tắp, tỏ ra hoàn toàn tự tin, hay thậm chí là thích thú.

Aristote ghét điều ấy: Platon không chịu thừa nhận lòng mình. Platon không thừa nhận bản thân ông cũng chỉ là một con người bình thường, với những khao khát và đam mê rất bình thường. Aristote thèm khát được tháo bỏ lớp mặt nạ thạch cao hoàn hảo ấy, cho thiên hạ thấy được những phần không hoàn hảo của Platon, những phần – tạm gọi là – thấp kém của Platon.

Aristote đứng dậy khỏi ghế, “Platon, con ước gì thầy bị nhốt mãi trong hang, việc nhìn thấy mặt trời chỉ khiến thầy kiêu ngạo nghĩ rằng bản thân đã nhìn thấy nhiều hơn người khác. Sao thầy tin rằng ánh mặt trời mình thấy là chân lý, còn những cái bóng dưới ánh nến thì không phải? Thầy dựa vào đâu?”

Biết rằng cậu học trò trong cơn dỗi hờn và bốc đồng mới nói thế, Platon không trả lời mà chỉ im lặng nhìn chàng. Platon không trách chàng, có lẽ ông thấy tổn thương, nhưng không trách. Đó cũng là lần đầu tiên chàng nhìn thấy dáng vẻ chìm vào suy tư sâu đến mức không còn để ý được bất cứ điều gì khác xung quanh của Platon: ông ngồi đó và nhìn hai bàn tay mình đang đặt trên đùi. Giờ đây, Aristote đã chững chạc hơn và đồng ý rằng khi ấy mình có hơi mất kiểm soát thật.

Nhưng chẳng hiểu sao khao khát nhốt Platon vĩnh viễn trong hang vẫn luôn nhen nhóm đâu đây, lởn vởn như một bóng ma xung quanh chàng. Và hôm nay, nó đã được hiện thực hoá trước mắt Aristote: Platon nằm ở cõi lạnh lẽo và ẩm ướt của huyệt mộ – cái hang mà thầy sẽ không bao giờ có thể thoát ra, chàng có thể yên tâm về điều đó.


Hồ Chí Minh, 06.05.2025


–HẾT–

0

Hãy là người bình luận đầu tiên nhé!

Bình luận

Chưa có bình luận
Preview Settings

Try It Real Time

Layout Type
    • LTR
    • RTL
    • Box
Sidebar Type
Sidebar Icon
Unlimited Color
Light layout
Dark Layout
Mix Layout