“Bởi thế người chân chính không đồng ý cai trị để lấy tiền hoặc kiếm danh. Họ không muốn bị gọi là hám lợi vì lấy tiền do làm cho chính quyền, hoặc bị mang danh trộm cắp bởi làm tiền lén lút; và họ cũng không muốn làm vì danh bởi không phải ham quyền. Do vậy ngô bối phải làm áp lực ép buộc, đe dọa trừng phạt nếu họ từ chối. Có lẽ vì vậy cho nên theo quan niệm cổ truyền nhận cầm quyền thường bị coi là bất xứng trừ phi miễn cưỡng hoặc ép buộc; và trừng phạt nặng nề hơn hết do từ chối là bị người kém họ nhảy ra cầm quyền. Theo bản nhân đó là cái khiến người chân chính khiếp sợ nên thỉnh thoảng đành nhận cầm quyền. Vào trường hợp như vậy họ tiến tới cầm quyền không như cái đáng kỳ vọng từ đó họ sẽ làm điều tốt đẹp, mà như cái bất khả kháng họ không thấy người nào khá hơn hoặc cũng xứng đáng, khả năng tương đương để đảm đương công việc. Bởi lẽ nếu thành quốc đông dân, xã hội nhiều người đàng hoàng, trong hoàn cảnh hiện thời, chắc thế nào cũng có cạnh tranh quyết liệt, số người tránh né cầm quyền cũng nhiều như số người xổ ra vồ chức. Trong cộng đồng như thế hiển nhiên ai cũng thấy người cầm quyền thực sự cầm quyền không thể nào nghĩ tới quyền lợi bản thân, mà phải nghĩ tới quyền lợi đại chúng. Do đó người khôn ngoan sẽ chọn nhận quyền lợi từ tay người khác hơn là tự tay mình làm ra…”
– Politeia (Cộng Hoà), Platon.
⬩⬩⬩
Có lẽ cả cuộc đời mình, Aristote sẽ không bao giờ hiểu được thầy của chàng. Platon có thể là một người học trò xuất sắc của Sokrates, nhưng Aristote chưa từng là một người học trò đủ tốt của Platon.
Aristote nhớ đến cái hang mà thầy đã vẽ ra, cùng với những con người đứng trong ánh nến leo lắt, họ cứ trân trân ngắm cái bóng xao động của mình và các thành viên khác in trên vách đất. Chàng tưởng tượng Platon đứng trong số ấy, rồi đến một ngày ông được thả xích, bò lên miệng hang. Nhưng Aristote đã chờ sẵn ở đó, vung chân đạp Platon lăn mấy vòng trở lại nơi sợi xích cũ.
Chàng muốn nhốt Platon vĩnh viễn trong hang.
✦
I. Mùa xuân của Sokrates
Vị triết gia già nằm sõng soài dưới sàn đá lạnh. Những ngày đầu bị nhốt, ông đã tự tin nghĩ có lẽ mình sẽ vượt qua được, sàn đá này không đủ sức đánh gục mình, nó đúng là cứng thật nhưng không sao cả, thật chí khi đã nằm đệm lông một thời gian dài, việc quay lại ngủ sàn đá cũng làm ông thích thú. Song, ngày qua ngày, lớp đá đôn sàn dần trở nên kinh khủng không thể chịu nổi, nó nghiền nát xương khớp và mỗi vị trí xương gồ lên trên người cứ xoáy nghiến vào chúng như muốn kình xem bên nào cứng hơn. Ông lắng nghe tiếng nước nhỏ tí tách không biết từ đâu, như tiếng một thạch nhũ đọng sương rơi xuống đầu một thạch nhũ khác và vang khắp không gian bóng tối. Ông đã cố đuổi theo thứ âm thanh ấy từ ngày đầu tiên bị nhốt cho đến tận lúc này, để tạm quên đi những cơn đau buốt và lạnh lẽo của ngục tù.
Ông nghe thấy có tiếng chân người xen lẫn vào tiếng nước nhỏ giọt, đang dần tiến lại chỗ mình. Có lẽ là một tên quản ngục nào đó, song không nghe thấy âm thanh của áo giáp và vũ khí, chỉ có tiếng sột soạt của một tấm áo choàng. Ông ngẩng lên xem đó là ai. Hay là đã tới thời khắc “họ” đến đón ông rồi chăng?
“Thầy ơi, thầy!” Giọng nói quen thuộc gọi ông từ bên kia song sắt. Chàng trai núp trong tấm áo vội sà đến cánh cửa hoen gỉ. Cậu học trò sụp xuống, không kìm được thất kinh, nước mắt rơi lã chã trên mặt, thốt lên, “Sao lại đến mức này, bọn chúng đối xử với thầy tệ quá. Dù gì thầy cũng từng là một thuyết khách nổi tiếng, từng là lính tướng lập công cho Athens, sao bọn đấy dám nhốt thầy vào một chỗ như thế này được!”
Trong bóng tối, đôi mắt cậu chàng sáng trưng. Lần đầu trong đời Sokrates có cảm giác bản thân đang phơi mình trước ánh sáng để bị người khác săm soi và đánh giá. Ông ngồi dậy, nhúc nhắc đến chỗ tấm áo. Tiếng sợi xích bị kéo lê trên đất vang lên đanh rền.
“Không được, hành động này là phỉ báng tri thức. Không được, tri thức dù lâm vào cảnh nào cũng không thể bị hạ nhục!” Chàng trai siết lấy song sắt, bàn tay run run và ông có thể nhìn thấy trong ánh sáng nhá nhem từng thớ cơ thịt rắn chắc đương gồng lên, như muốn thử xem mình có đủ sức lắc cho những thanh sắt này long ra hay không.
“Ta không sao, đây là điều ta chấp nhận gánh chịu.” Sokrates nói và đến giờ mới nhận ra giọng mình đã khàn đặc, trở nên lạ lẫm với chính mình biết mấy. Ông cứ tưởng ai đó đang phát ngôn thay ông chứ không phải bản thân. “Con không cần phải cáu tiết giùm ta, mọi thứ là do ta tự nguyện. Chúng ta là những người có thể chết vì tư tưởng, bao nhiêu đây chẳng nhằm nhò gì với ta cả.”
“Thầy cố chịu một thời gian nữa, có thể là vài ngày nữa thôi. Tụi con đang tìm cách thương thoả để cứu thầy ra, việc này không khó khăn gì cả! Tụi lính có thể bị mua chuộc, thầy hãy cố chịu khó tình cảnh này thêm vài ngày nữa…”
Sokrates thở dài. Ông muốn chết nhưng người khác lại muốn ông sống, với tất cả mọi người thì sống là một nhiệm vụ hơn là một ý chí cá nhân, sống không phải là một lựa chọn mà là chuyện đã rồi. Dù biết rõ chính ông tự mình đâm đầu vào cảnh lao ngục nhưng những kẻ khác vẫn cố gắng tìm mọi cách để cứu ông ra. Có lẽ họ thừa biết Sokrates không cần đến sự giải thoát, song họ vẫn làm vì chính mong muốn của bản thân họ hơn là vì ông – điều mà họ vẫn luôn treo trước cửa miệng. Ông nhìn đôi bàn tay thô ráp bị xiềng lại trong cùm sắt của mình, đây chính là tất cả những gì ông có sau khi đã trải qua cả một cuộc đời chẳng mấy dễ dàng – sự trống rỗng. Ông nói với cậu học trò:
“Mọi người đừng cố cứu ta nữa, ta đã nói nhiều lần rồi mà, nhất định không được cứu ta. Việc chịu đựng là sự phản kháng và hãy giữ sự phản kháng này được trọn vẹn, nguyên lành. Đây cũng là lòng tự trọng của con người ta.”
“Bỏ quách hết đi, thầy. Không cần nữa, chẳng thay đổi được gì hết, còn sống mới còn có cơ hội làm gì đó.” Cậu chàng với tay đến, chạm vào khuôn mặt khắc khổ xám ngoét, “Chết là bỏ cuộc, chúng ta không được bỏ cuộc. Thầy vẫn còn rất nhiều thứ cần làm, thầy có trách nhiệm phải sống tiếp!”
Nói đoạn, không đợi thầy trả lời, cậu chàng rút tay về lục tìm trong túi áo, lấy ra một gói đồ lớn căng phồng, được buộc chéo bằng đoạn dây mỏng. Cậu xoay đầu lấm lét nhìn xung quanh, đảm bảo không ai thấy rồi mới luồn nó qua song sắt, bảo:
“Đây là chút thịt hươu xông khói, thầy giữ lấy đi rồi ăn dần. Nhớ cất cho kỹ vào kẻo tụi quản ngục phát hiện rồi tịch thu hết thì phí của!”
Mặt ông, vị trí chàng trai trẻ vừa mới chạm tay lên như được truyền cho một nguồn năng lượng mạnh mẽ, Sokrates ngỡ như mình đang đón một làn gió xuân khoan khoái. Khi cậu rụt tay lại, ông không thể không có một cảm giác tiếc nuối kỳ cục. Người học trò này chẳng khác nào mùa xuân của Sokrates. Cậu vừa là một cái gì đó tươi mới, dự đoán một khởi đầu ngọt ngào và sự trỗi dậy mạnh mẽ. Ông nhớ lại những ngày tháng cũ, hồi chàng ta còn nhỏ hơn bây giờ, rất nhỏ, lúc nào cũng lẽo đẽo theo bên cạnh ông, chỉ chú tâm vào sách vở và những điều ông trao đổi, đôi lúc lại đặt những câu hỏi tò mò, bất ngờ nhưng có lẽ chính lòng cậu lại luôn tự ti rằng mình chỉ đang thốt ra những kiến giải ngốc nghếch. Cậu cứ mãi say mê những con chữ và những lý luận về cuộc sống, dường như không để ý gì đến sự hấp dẫn mà bản thân toát ra. Một cậu chàng có vẻ ngoài quá khôi ngô tuấn tú so với chúng bạn, sức vóc nhờ rèn luyện cần mẫn mà ngày một nở nang, hấp dẫn. Bao nhiêu ánh nhìn ở Athens bị cậu hút lấy, dõi theo không rời mỗi lần cậu đi ngang qua, song chính cậu lại không hề nhìn thấy chúng, hoặc cố tình lờ đi. Có một điều gì đó ở người học trò này làm Sokrates không thể cắt nghĩa nổi và khiến ông – ông sẽ phải cầu xin sự tha thứ – đôi khi ghen tị. Ông là một lão già bần hèn, xấu xí có tiếng, người ta gọi ông là một người “tốt gỗ hơn tốt nước sơn” nhờ những giá trị trong con người ông hơn là ngoại hình. Cả cuộc đời mình, Sokrates đã luôn sống với thân phận một người đàn ông tướng mạo thô kệch và nhạt nhoà, tri thức là sức mạnh lôi cuốn duy nhất của ông. Chính vì vậy, phải không, đôi lần ông thấy mình hà khắc với cậu chàng này chỉ để trả thù một điều gì đó ông không hề có, đồng thời yêu quý cậu vô ngần vì những điều khác nữa. Con người đúng là một sinh vật đầy mâu thuẫn, chính ông cũng tự lấy mình ra để nghiên cứu và phát hiện nhiều điểm khó lý giải. Với những kẻ nghiên cứu và chiêm nghiệm về đối tượng con người, thì mẫu vật đầu tiên luôn luôn là chính họ.
Ông đón lấy gói lương thực và bỗng dưng cầm nó một cách lúng túng, chẳng biết phải cất vào đâu, trong căn phòng biệt giam này chẳng nó nơi nào để cất đồ dự trữ, nên ông đành nhét nó vào sau lớp áo. Thật ra cũng không hiểu vì sao mình lại nhận lấy nó, ông nghĩ đó là phút yếu lòng bởi ông cũng rất thích thịt nai và phải thừa nhận rằng ông bắt đầu thấy nhớ thứ hương vị hoang dã và ngọt ngào ấy. Ông hy vọng đối phương sẽ không suy đoán hành động này của mình là một tín hiệu thoả hiệp.
“Nếu thầy chịu viết ra những bài giảng của mình thật sớm, hay để con được phép ghi chép lại thì nay đã tốt hơn nhiều rồi. Những gì tuyệt vời nhất đã không được lưu giữ. Con chữ rất quan trọng, thầy à, con chữ là cách chúng ta lưu lại mọi thứ.”
“Chứ không phải lời nói sao?” Ông có lẽ đã mở to mắt, nhưng chỉ đang giả vờ ngạc nhiên hỏi lại như một người thầy cố tình làm ra vẻ tò mò để khảo bài học trò. Thú thực ông luôn khao khát những đối thoại bình đẳng, song con người vĩnh viễn không thể bình đẳng một cách tuyệt đối, khi quy luật tự nhiên đã có sẵn các vị trí cho từng cá thể cụ thể – hãy nhìn bọn linh trưởng mà xem, trong một đàn hoang dã vẫn có sự phân chia thứ bậc.
“Ý con không phải vậy, tất nhiên là lời nói có giá trị và không phải lúc nào chữ viết trên giấy cũng tốt. Nhưng để lưu trữ mãi mãi về sau thì các suy nghĩ cần phải được viết ra.”
Sokrates đột nhiên cảm thấy hơi đuối sức, ngả người tựa vào tường đá lạnh. Ông khao khát lắm một cái chạm nữa đến từ người học trò, để tiếp thêm một chút sức cho thần trí ông minh mẫn hơn và cơ thể ông được dồi dào nguồn sống hơn. Nhưng ông không thể ra lệnh cho cậu ta chạm vào mình được, như thế thì quá sỗ sàng và kỳ khôi.
Ông thều thào, “Thầy chỉ cần thay đổi những thứ trong khả năng là được, thế này là đã xong nhiệm vụ rồi. Thầy không khao khát được bất tử trên trang giấy, thầy thậm chí còn không thích bất tử – từ ấy nghe sao mà đáng sợ. Thầy chỉ muốn thay đổi ở phạm vi trong vòng một cuộc đời ngắn ngủi của mình, chỉ thế thôi là đủ. Chỉ có lời trao đổi trực tiếp mới giải quyết được vấn đề, còn những dòng chữ vô cảm nằm trơ lì trên giấy thì chẳng giúp ích được gì cả. Một phần nào đó, thầy cũng muốn mình chết là hết chuyện, phập một cái là xong, đơn giản, không để lại gì cho đời, cũng đừng ai nhớ là thầy từng tồn tại.”
Làm ơn chạm vào thầy, thầy cần một chút sức sống từ con, ngay cả khi biết mình sắp chết. Có lẽ cái chết khiến thầy thèm khát được sống, sự lạnh lẽo và bóng tối tù hãm khiến thầy khao khát những tia ban mai đầu xuân. Con vĩnh viễn là một mùa xuân, con hoàn hảo như một mùa xuân, mọi thứ thanh tân như hương quế thoang thoảng trong một phòng đọc sách tư gia. Làm ơn cho thầy chút nguồn năng lượng trẻ trung và khoáng đạt của con! Ngay cả khi khuôn mặt con đang bệu bạo vì đau xót cho tình cảnh của thầy, thì con vẫn quá xinh đẹp và hoàn hảo so với phần còn lại của thế giới này. Làm ơn chạm vào thầy, chứng minh thầy vẫn ở đây và còn sống. Thầy không sợ chết, không hẳn, nhưng thầy sợ mất đi sức sống vĩnh viễn…
Bức tường ẩm ướt, lúc nào cũng như bị phủ một lớp nước đọng mỏng dính, khiến người tù run bắn. Sokrates không nói ra những lời xin xỏ ngốc nghếch và – có lẽ là – yếu đuối ấy, nhưng bằng một cách nào đó, thông qua ánh mắt van lơn, bằng hành động hay hơi thở nông và gấp gáp, cậu học trò đã đoán được và luồn hai cánh tay lực lưỡng qua ôm lấy ông. Dù vẫn cách nhau dãy cột sắt, nhưng thế này cũng đủ. Sokrates đã lấy lại sự bình tâm và vững vàng vốn dĩ luôn chiếm phần đa trong mình, lồng ngực ông điều hoà lại và hơi thở buông ra nhẹ hơn. Ông như thấy mình tan đi, neo linh hồn mình trên những bắp thịt của tuổi trẻ. Ông đã từng có được sức vóc này chưa nhỉ? Ông quên mất hồi trẻ bản thân từng trông như thế nào rồi, ông chỉ nhớ rặt mỗi điểm là vẻ ngoài mình xấu đau xấu đớn và cả đời chỉ thấy người ta khen ông thông thái chứ không ai khen ông điển trai.
Vòng tay rắn rỏi của cậu học trò có tác động lớn lao mà mãi đến bây giờ ông mới biết, ông ước gì mình đã biết sớm hơn.
Chàng trai thì thầm bên tai ông, “Con có cách để tên tuổi thầy mãi mãi được nhắc đến, nó sẽ khắc sâu vào lịch sử, miễn là thầy đồng ý chấp thuận ý tưởng của con. Con nghĩ ra một cách để không chỉ thầy mà những tên tuổi vĩ đại vốn dễ bị lãng quên được cả thiên hạ nhớ đến! Hãy tin ở con và cho phép con! Hay thầy không cho phép thì con vẫn sẽ cứ làm!”
Ngoan cường, dù kính trọng nhưng đôi khi vẫn có lý lẽ riêng, thằng bé này là thế. Sokrates biết có những chuyện mình không thể bắt ép cậu trò được, cả hai cũng không thể thoả hiệp với nhau được. Ông chỉ lắc đầu tỏ ý ngao ngán, thở dài.
Cậu đưa hai tay ra trước, cánh áo choàng được vén lên để lộ bộ áo quần gọn gàng sạch sẽ bên trong. Và bỗng nhiên, từ một mặc khải nào, một hiển minh nào, mọi thứ trước mắt Sokrates trở nên rõ ràng, có lẽ vì bóng chiều đã nghiêng một góc xéo đặc biệt để ánh sáng chiếu qua song cửa buồng giam, rọi đến chỗ họ. Bộ chiton trắng không thể che nổi đôi vai vạm vỡ, dáng người dong dỏng và những vòng cong bắp thịt ngậm nắng. Mọi thứ cứ ẩn ẩn hiện hiện, vô tình khiến ông phải dõi mắt theo để quan sát cho rõ hơn. Thì ra tuổi trẻ là như thế! Song, ông vẫn luôn thắc mắc vì sao ở người học trò thiết thân này, ông không nhìn thấy được sự đam mê và khao khát thể xác? Cậu ta chỉ khao khát trí tuệ và như thế xem như đã đủ với cậu. Thậm chí cậu còn tỏ ra khó chịu khi ai đó có lời sỗ sàng về chuyện giường chiếu vốn dĩ rất thường tình, là lỡ để lọt vào tai cậu. Có một thứ gì đó ở cậu khiến Sokrates tức tối. Cả đời mình ông thừa biết tri thức là sức mạnh của ông, ông vùi đầu vào những tranh luận triết học sắc sảo để quên đi sự kém cỏi về ngoại hình, ông lao vào sách vở để trốn tránh sự thô kệch là đặc điểm vốn dĩ ở bản thân, để chứng tỏ rằng con người chỉ cần tri thức, còn ngoại hình chỉ là thứ tầm thường, vặt vãnh. Trong khi đó thì cậu chàng này, cậu ta không như ông, cậu đẹp ngây ngất, ấy thế mà vẫn một lòng hướng đến niềm vinh quang của tri thức. Ông tự hỏi liệu bản thân mình có thực lòng yêu tri thức không nếu ông sinh ra đã đẹp như cậu? Lời tự vấn làm ông rùng mình, giờ phút này ông thấy mình chẳng khác nào một con người.
Sokrates luôn âm thầm ngưỡng mộ sự tiết chế và chuyên tâm của cậu học trò bên cạnh, ông biết sự thanh sạch ở cậu là có thật, không hề giả trá và không thể bị huỷ hoại. Hay là có thể nhỉ? Ông muốn thử huỷ hoại nó, muốn phá hỏng sự toàn bích này, muốn vấy bẩn sự trong sạch này, để cậu ta bén mùi dục vọng, thử xem cậu có thể bị kéo xuống bùn hay không, hay ở trong bùn đất mà vẫn sạch sẽ vô ngần. Với một đầu óc khao khát sự hiểu biết, ông muốn nghiên cứu thử mẫu vật trước mắt!
“Thầy, thầy có nghe con nói không?” Chàng trai trẻ lay vai người đang dần gục xuống. “Thầy ổn chứ?”
Thằng bé vừa nói gì nhỉ?
“À, thầy có hơi kiệt sức…” Ông mở mắt ra, hình như ông suýt nữa đã thiếp đi rồi.
“Con xin lỗi, có lẽ thầy đã mệt rồi. Sao có thể không mệt mỏi được chứ. Như con nói, con đã nghĩ ra một cách ghi chép mới, con sẽ kể những câu chuyện, thầy sẽ là một nhân vật trong đó, cùng với nhiều người khác.”
“Con bày xích văn chương và nghệ thuật cơ mà?” Ông tưởng mình vừa nghe nhầm.
“Không, đây không phải văn chương, mà nếu phải thì con đang dùng văn chương để phục vụ cho triết học đạo đức và chính trị. Đó không phải kiểu nghệ thuật xa rời chân lý, mà giúp con người đến gần hơn với chân lý.” Cậu học trò quả quyết, đôi mắt đỏ kè như sáng lên, khiến nó giống như đang bốc lửa.
“Nghe hay nhỉ!”
“Thầy, đừng có bình luận nhạt nhẽo và vô thưởng vô phạt như vậy, thầy cho phép con không?”
Sợi xích kèo trì tay ông xuống. Ông cảm thấy nó đang nghiến chặt mình, đau đớn, có lẽ cổ tay ông đã bị nó cắt phải và nhiễm trùng đâu đó. Ông nghĩ đáng lý cả hai nên đổi vai cho nhau, chàng trai này nên là người bị trói, với những vòng sắt chật ních, dáng vẻ rũ rượi và cơ thể nở nang bị thương tích, lấm lem. Đấy sẽ là một hình ảnh siêu phàm và đẹp mắt, chứ không phải ông, một hình ảnh khổ sai và hèn hạ.
“Con đã nói rồi mà, thầy có cho phép hay không thì con vẫn sẽ làm đấy thôi! Sự cho phép của thầy có nghĩa lý gì đâu!”
“Ít nhất nếu được đồng ý thì con sẽ tự tin hơn, với lại con muốn thầy nghe thử xem ý tưởng này có khả thi để thực hiện không.”
“Con rất giỏi! Một học trò xuất sắc, một nhân tài của Athens! Con sẽ làm được thôi.” Ông tự hỏi bản thân sẽ trở thành người thế nào trong những sáng tác của thằng bé này nhỉ? Ông tò mò về chúng và ước gì có cơ hội đọc chúng – dù chắc chắn mình sẽ hiện lên đẹp đẽ thôi, nó rất kính trọng ông mà. Hy vọng nó sẽ không miêu tả ngoại hình của ông. Nếu nó miêu tả ông đẹp đẽ thì đó là lời dối trá và ông sẽ không hài lòng, nhưng nếu nó miêu tả ông xấu xí đúng thực tế thì ông cũng khó chịu nốt, tốt nhất là đừng tả gì cả. Đột ngột, Sokrates thấy sợ việc có ai đó viết về mình, phơi bày mình dưới con mắt của thiên hạ. Ông muốn cấm tiệt ý tưởng đấy của cậu trò, song tất nhiên là không được.
Thật bất hạnh, nhưng hơn bao giờ hết, ngay bây giờ Sokrates phải vững tin với cuộc đời mình. Không thể bị lung lay vào những giờ phút cuối cùng. Ông đã kinh qua những trận chiến khủng khiếp nhất, những chiến trường đẫm máu nhất, có lẽ ông không phải là người lính quả cảm nhất trong cuộc Peloponnisos, trong cuộc Potidaea hay cuộc Delium, nhưng ông đã ở đó cùng những chiến hữu của mình, chọn xông lên khi bản năng sinh tồn thúc bách ông bỏ chạy như một con thỏ hèn kém. Sokrates ước gì giờ đây mình được hưởng chút ít sự cứng rắn hồi ấy, tuy nhiên ở một dòng suy nghĩ xoắn xuýt khác, ông tự hỏi đó là cứng rắn hay chỉ đơn giản là liều mạng, một cách nhắm mắt đưa chân. Ông thấy mình đã vì thành Athens quá nhiều lần, thậm chí việc ông bị nhốt ở đây, chịu sự đày đoạ này trong những năm tháng già cỗi nhất, cũng là vì nó. Ấy thế mà ông chẳng còn chút niềm tin nào vào sự bất diệt của nó, một ngày nào đó nó sẽ biến mất, hay bị chinh phạt, hay bị xoá bỏ, sụp đổ tàn tạ. Ông nhớ đến những năm tháng huy hoàng nhất của thành bang này, những cuộc đàm đạo, hân hưởng cuộc tập hợp của những giọng nói sâu sắc và những biểu hiện đỉnh cao nhất.
Ông hỏi cậu, “Sắp tới con có dự định gì chưa, nếu như ta mất?”
Cậu giật mình, “Thầy sẽ không mất, ít nhất là vào lúc này.”
“Được rồi, thế nếu lỡ như vậy thì sao nào, con định sẽ làm gì, phải trù tính đến mọi trường hợp chứ!”
“Nếu thầy có mệnh hệ gì thì thật sự thành Athens không phải là nơi an toàn đáng để tu dưỡng nữa rồi. Lúc đó, con sẽ đi đến những nơi khác, bất cứ đâu, có thể sẽ đi chu du một chuyến.”
Chu du như một lữ khách – Sokrates gật đầu, ông cũng mơ về điều ấy.
“Phải rồi, đi đó đi đây mới tốt, dù thành bang Athens dồi dào dân trí giả, là nơi tụ họp của muôn vàn nhân tài nhưng cứ ở đây mãi cũng sẽ đến lúc ta bị cũ kỹ, không mở mang được gì nữa. Phải xách người lên và đi, chạm vào những vùng đất, mắt thấy tai nghe và thu nhận tri thức, con mới có thể trưởng thành được.”
“Con vẫn còn nhiều điều muốn làm lắm.”
Chồm người lên trước, Sokrates dặn học trò, “Khi ta mất, con hãy đến Mégare gặp một người tên là Euclide. Đó cũng là một học trò của ta, y cũng là một người giỏi giang đấy. Con cứ giới thiệu mình là học trò của ta, được ta gửi gắm, y sẽ hỗ trợ con ngay.”
Chàng nắm lấy tay ông, “Vâng, con nhớ rồi, nhất định con sẽ đi, nhưng thầy sẽ không có mệnh hệ gì đâu, mọi thứ được sắp xếp rất chu toàn.”
Vấn đề không phải ở sự sắp xếp từ bên ngoài, vấn đề là trong lòng vị triết gia lớn tuổi không hề muốn trốn thoát. Ông đã từng thoát ra được những chiến trường đẫm máu nhất, thoát ra được những cuộc càn quét khủng khiếp đến khó tin, nhưng nay ông đã trở thành một lão già lười biếng mất rồi. Ông ngập ngừng trước những cuộc viễn du, chùn chân trước những chuyến bôn tẩu. Khi nhìn con đường trước mắt, được trải cho mình và mình buộc phải đi, ông bỗng thấy sức lực trong người cạn kiệt hết ráo, không còn lại chút nào nữa cả. Ông muốn ngủ vùi trong một mùa xuân với hương hoa và ánh nắng.
Sokrates nhớ buổi chiều xuân hôm ấy, trong lúc dạo bước qua khuôn viên của kỳ Thế vận hội, ông vô tình bắt gặp cậu học trò của mình đang nằm nghỉ cùng nhóm bạn trên một bãi cỏ cạnh hồ nước. Cậu ta đã thắng bộ môn võ thuật vào kỳ hội thi lần đấy. Cả đám thanh niên tụ tập, người đứng, kẻ ngồi, kẻ nằm. Ở trung tâm nhóm bạn, cậu học trò của ông đang nằm sõng soài lười biếng, tấm áo chiton trễ tràng, chỉ đắp lên mỗi hạ bộ, gần như khoả thân. Những bạn bè xung quanh cậu đều thế, thoải mái hết mức như họ không có gì để che giấu. Phía sau họ là những khóm thuỷ tiên. Cậu học trò của ông nằm gác đầu lên đùi một gã bạn khác, lười nhác và lơ đãng phe phẩy một cành thuỷ tiên trắng muốt, môi mấp máy nói gì đó. Có một gã nữa đang ngồi trên tảng đá gảy đàn lia. Tất cả bọn họ vô tình tạo ra một cảnh tượng đầy ám ảnh, đầy đeo đẳng. Một mùa xuân xộc đến ngay lập tức. Có lẽ họ không nhận ra mình đang dựng nên một bố cục tràn đầy sức sống với những tấm lưng to bản, cơ bắp dồi dào, tiếng cười nói bông đùa và những sắc da thịt phô phang chắc mẩy. Đương khi ánh chiều ngả vàng, hắt sáng bừng hồ nước, rọi từng mảnh vụn sóng sánh lên thân thể họ. Sokrates vẫn thường hay nghi ngờ rằng mình đã ngủ mơ thấy cảnh tượng đó, chứ không thể tồn tại một khoảnh khắc phi thường như thế, mang tính cứu rỗi tựa một hình dung về chốn siêu việt như thế. Ngay cả trong những giây phút hiển lộ linh cảm thần thánh nhất, cõi lòng ông cũng không rung động bằng thời điểm ông tóm được buổi chiều của họ.
Ông ước gì mình đã nghe lời cha mà học cho giỏi nghề điêu khắc, có lẽ ông sẽ tạc lại được cảnh tượng ấy, ông tin rằng mình có thừa cảm hứng để dành cả đời phục dựng lại nó. Ông ngỡ ngàng khi thấm thía được chức năng của nghệ thuật, song với chàng học trò của ông, nghệ thuật là thứ không được phép dung dưỡng. Có lẽ chính cậu cũng cần có cơ hội chiêm ngưỡng một cảnh tượng tương tự giống cảnh ông đã bắt được một lần trong đời ấy, khi đó biết đâu cậu sẽ bớt khắt khe hơn với các nghệ sĩ chăng?
“Thầy thấy thế được không ạ? Thầy ơi…” Cánh tay săn chắc lại lay vai ông.
Một lần nữa, Sokrates giật mình sực tỉnh khỏi cơn mê mang. Ông hấp háy mắt, quay trở lại căn phòng lạnh lẽo và ẩm thấp của mình, với những đôi mắt chuột sáng trưng trong hốc tối, chờ cơ hội để rỉa rói chân ông.
“Thôi, có lẽ con phải đi rồi, thầy nghỉ ngơi nhé. Con không thể ở lâu kẻo làm thầy mệt mỏi thêm.” Giọng nói hơi cao phát lên cùng tiếng thở hừ hừ nặng nhọc. Có lẽ chính học trò ông cũng mệt lừ rồi.
Một tên lính canh đến thúc chàng, chàng bảo:
“Được rồi, tôi ra liền đây!”
Đoạn xoay qua dặn ông khẽ khàng, “Thầy nhớ nhé, kiên nhẫn một chút, rồi sẽ có người đến đưa thầy ra!”
Ông muốn phản bác, bảo cậu dẹp quách đi lần nữa, nhưng quá mỏi mệt và khốn đốn đến mức không muốn cất lời. Cậu nói với tay lính lệ:
“Đem nước đến cho thầy tôi đi, bát của thầy cạn sạch rồi, các ngươi đối xử với một con người vĩ đại như thế đấy à? Thành Athens nổi tiếng là trung tâm của tri thức mà lại đối xử với một thuyết khách nổi tiếng như này đây!”
Sợi xích dưới chân Sokrates run lên, ông cố chồm đến, dí mặt vào những song sắt lạnh buốt. Học trò ông bảo thầy cứ nghỉ ngơi rồi cúi đầu cáo biệt, có lẽ còn rưng rưng nước mắt nên mới vội xoay người, theo gót tên lính dẫn đường phía trước. Ông nhìn theo tấm áo choàng từ từ chìm vào bóng tối thăm thẳm.
Vị triết gia già muốn gào lên rằng đừng bỏ lại ông ở đây, làm ơn, ông cầu xin cậu, đừng bỏ ông lại đây một mình. Ông đã sống cả một cuộc đời cô độc, một cuộc đời đầy cống hiến và sẽ cống hiến đến giây phút cuối cùng, nhưng ông thực sự rất cô độc. Rằng ông cũng biết sợ, biết đau đớn, biết thất vọng. Rằng ông thất vọng! Đừng bỏ lại ông ở đây với nỗi thất vọng khủng khiếp này, với sự bất lực đáng buồn này, với kết cục này. Đừng bỏ lại ông với đêm tối và cái chết đang dần nuốt chửng ông, đừng bỏ lại ông với chính mình, chính cuộc đời mình. Ông đã cố gắng để lờ nó đi, để tìm ý nghĩa cho những tháng năm dài đằng đẵng của mình, xin cậu hãy ở lại với ông, để ông còn thấy mình đang sống, vẫn còn sống, để ông hân hưởng lại những ngày tháng đỉnh cao đã qua. Chúng ta có bao nhiêu cách để ôn lại quãng đời tuổi trẻ huy hoàng của mình? Ông chỉ có thể sống lại với những năm tháng trẻ trung của ông thông qua cậu học trò ấy. Vì thế hãy để ông sống thêm một lúc nữa, đừng để lại ông ở đây, ông cầu xin cậu, đừng bỏ rơi ông, đừng xoay lưng rời đi, đừng để ông cứ thế mà chết trong cô độc…
Nhưng chẳng có lời nào được thốt ra khi ấy cả, ông giữ lại chút tự trọng và can đảm cho chính mình, ông cố để mình không hèn yếu và gục ngã. Dẫu gì ông cũng đã trải qua bao nhiêu thời khắc ngàn cân treo sợi tóc, bao nhiêu hồi sinh tử, bao nhiêu lần bị đoạt mạng nhưng rồi vẫn hiên ngang, dẫu nghèo khó bần tiện nhưng luôn hiên ngang mà sống đến tận bây giờ, không quỵ luỵ vật chất và quyền lực. Thế cho nên ông phải giữ cái công trình này cho đến tận khi vở bi kịch hạ màn. Không được phá huỷ nó chỉ bằng một giây phút lung lay rồi sẽ chóng qua. Cái chết ở ngay trước mắt và sớm thôi ông sẽ hoàn thành nghĩa vụ thiêng liêng của mình.
Sokrates lại gục xuống lần nữa, nằm trên nền đất, ở vị trí giống với trước khi người thăm tù đến. Bát nước mới đã được đưa vào, ông vẫn còn ôm gói thịt hươu trong lòng. Ông ngắm hai bàn tay vàng ệch của mình, rồi lại nghĩ đến cái ý tưởng lấy ông làm nhân vật để kể những câu chuyện triết học mà cậu học trò vừa trình bày – ông đã không lắng nghe ý tưởng ấy thật kỹ, có lẽ ông đã bắt đầu dễ bị mất tập trung và chứng đãng trí của tuổi già đã bẫy được ông. Sokrates ngượng ngùng khi nghĩ đến việc mình sẽ được kể lại qua đôi mắt của ai đó, mà còn là đôi mắt của một cậu trai quá mức thanh tâm quả dục. Nhưng việc ấy lúc này không quan trọng nữa. Ông từ từ nhắm mắt lại, chìm vào một giấc mơ rất sâu.
Trong giấc mơ, ông trở về giữa khung cảnh chiến trường xưa, ông chẳng nhớ là cuộc chiến nào trong số những cuộc chiến dài đằng đẵng ông từng tham gia. Mùi máu xộc lên mũi ông và bỗng dưng vị triết gia già cảm thấy trong mình sức lực tràn trề đã trở lại. Nhìn lại, ông thấy bản thân đã quay về sức vóc thanh niên từ lúc nào. Thế là Sokrates cứ bay nhảy, vung vẩy trong giấc mơ, cho thoả những điều khao khát bấy lâu bị kìm hãm trong cái thân già cỗi yếu ớt.
Sau đó, Sokrates mơ thấy quân đội phía mình đã bắt sống được một tên giặc, chỉ huy giao cho ông nhiệm vụ dụng hình hắn ta bắt hắn phải khai tất tật những bí mật của phe địch mà hắn biết. Người ta giải đến trước ông một chàng thanh niên. Đó chính là cậu học trò của Sokrates ngoài đời thật, người chỉ vừa mới đây còn bước chân vào hầm ngục thăm thầy mình, hay có lẽ chỉ là một người giống cậu ta y như đúc. Ông cho người lột hết quần áo và trói hắn lên cột. Nhìn cơ thể cường tráng nở nang đáng ngưỡng mộ được phô bày rõ mồn một như một vị thánh bị đoạ đày, Sokrates bị say máu và say chiến tranh cực độ, ông muốn vẽ lên thân hình hắn ta những đường roi rướm máu, những lằn đỏ vằn vện, trong lúc lắng nghe tiếng hắn kêu gào giãy giụa hay xin ông tha mạng. Trong ông trỗi dậy niềm khao khát mà ông không hề biết nó có tồn tại cho đến tận lúc này, một thứ gì méo mó, dị hình và tàn nhẫn thúc ông phải phá huỷ cái tạo tác hoàn mỹ ấy đi, như thứ bản năng muốn huỷ hoại một món đồ quá hoàn hảo, muốn tự tay phá hỏng một kiệt tác nghệ thuật hay muốn thử nghiệm xem nếu bản thân hoá huỷ sự cân bằng thì chuyện gì sẽ xảy ra.
Ông ra lệnh cho lính tráng của mình bắt đầu quất roi vào tên địch thất thế. Từng lằn roi in đậm trên da thịt hắn, mọi thứ đã không còn toàn bích nữa, như giữa những đường thẳng đều tăm tắp bỗng dưng có một đường bị kẻ lệch đi, xiên xẹo méo mó. Sokrates muốn biết cảm giác của một người tự tay phá huỷ những công trình tuyệt vời, hay bởi vì cả đời ông đã sống hết mực đứng đắn, nghiêm nghị nên đến những giây phút cuối đời ông thèm khát cảm giác thực hiện một điều gì đó nổi loạn, một điều gì đó phá cách, không thể vãn hồi.
Đến đây thì Sokrates giật mình tỉnh dậy. Qua song cửa sổ trổ ra ngoài, ông biết được trời đã sáng, một ngày mới bị giam lỏng lại đến. Cơm tù được đưa vào và ông lén mở gói thịt xông khói ra, ăn một ít. Thứ hương vị khoái lạc mà đã lâu lắm chưa được thử lại nay tràn ngập trong ông, khiến ông xúc động muốn khóc. Đây đã là chặng cuối của một cuộc hành trình quá dài và ông cũng phải thừa nhận là chẳng hề dễ dàng chút nào.
✦
Như đã biết, sau đó Sokrates bị kết án tử hình vì tội chống lại Athens, huỷ hoại đầu óc thanh thiếu niên và một vài tội danh khác. Ông được cho uống một bát thuốc độc, đi dạo vườn ngự uyển, cuối cùng là bước vào cái chết mà có lẽ cũng ít nhiều quằn quại.
Cậu học trò nọ không cứu được thầy do người thầy không muốn được cứu. Thất chí với thời cuộc, chàng quyết tâm lên đường tìm kiếm những vùng đất khác và những chân lý khác. Platon là cái tên người ta gọi chàng và chính chàng cũng dùng để tự gọi mình.
Platon rồi sẽ đạt được những thành tựu phi thường, song cũng sẽ mắc sai lầm ở một vài chỗ – như tất cả chúng ta.
Bình luận
Chưa có bình luận