Bà Mơ cáu lắm, bà cáng cổ họng dóng lên mà cãi, cãi đúng cãi chuẩn, cãi khiến ông ta không thể bẻ lối bẻ cọ được:
“Ông muốn thế nào? Tôi về đây từ cái ngày con Nguyệt nó mới học lớp hai, lúc đấy cơm nó ăn tôi còn phải xúc từng thìa. Ở đấy mà nó rửa bát quét nhà được cho ông. Từ ngày tôi về đây, có năm cái triệu tiền cưới tôi, mà ông đánh tôi biết bao nhiêu trận. Trả hết nợ rồi, chẳng biết ông lôi đâu ra bao nhiêu cái nợ gì đấy nữa, xong lại đè đầu vợ con ra đánh chửi. Tối khuya thì chổng mông ghi lô ghi đề, xong ngủ trương thây đến mười một mười hai giờ trưa. Cứ ăn với nằm...”
Bà Mơ nói chưa hết ý thì ông Dương nhảy xồm nhảy dựng lên, ông chỉ dép thẳng mặt, quát to chặn họng bà:
“Mẹ cái con bố láo này, thế mày về cái nhà này mày đã làm được cái gì. Mày làm cái gì, mà mày dỏng mỏ lên, mày cãi. Hả cái con kia?”
Tiểu Nguyệt như kẻ vô hình trong góc bếp, bố mẹ cứ căng cơ cãi cọ, mặc dù đã quá quen nhưng tim cô vẫn đau lắm. Ông Dương vẫn lải nhải, giải trình cái bài văn muôn thuở, tháng nào cũng có vài ngày ổng đọc bản văn tế ấy:
“Đấy, tiền điện ngày mai, ngày kia rồi đấy. Cái nhà này, cái gì cũng đổ lên đầu tao hết. Từ mấy đồng đóng học cho con, cho đến tiền xát gạo, tiền điện nước. Cái gì cũng đổ lên đầu tao. Đấy, mày tài mày giỏi, thì ngày mai, ngày kia, mày đóng hộ cho tao cái tiền điện cái. Đồng hồ nhà mày còn đang mượn nhà bác Thanh đấy. Không đóng tiền điện thì lũ chúng nó cắt điện. Liên lụy nhà người ta ra đấy, mày đóng hộ bố mày cái.”
Tiểu Nguyệt nhẩm thuộc sẵn trong lòng từng chữ một. Những lần trước, cả nhà sẽ im lặng, chẳng để ý cũng chẳng để tâm, càng không cho vào đầu mấy lời này, cứ kệ ông ta nói một mình. Nhưng hôm nay, bà Mơ đến cực hạn rồi, bà không nhịn nữa, bà đanh thép vạch trần ngay.
“Là thằng đàn ông, trụ cột trong nhà, ông không làm không lo mấy việc đấy thì ông muốn lo cái việc gì? Ông muốn mặc váy vào bếp à? Ông lo tiền học cho con thì tôi cũng lo tiền ăn tiền uống, tiền sách vở, bút giấy, quần áo, giày dép. Ông tưởng mấy thứ đấy trên trời rơi xuống cho ông đấy à?”
Tiểu Nguyệt liếc thấy ông Dương đang chống nạnh bên ngoài, một tay còn cầm chiếc dép cao su. Bỗng chốc cô nhận ra đôi mắt dã thú, muốn ăn tươi nuốt sống người khác. Bà Mơ trong nhà tắm vẫn vô tư kể lể nỗi khốn khổ của mình.
“Ông thì có đưa cho tôi đồng nào chi tiêu đâu, tiền ông giữ đánh lô đánh đề chứ đưa cho tôi xu nào. Suốt ngày nợ nợ nần nần, có mấy thửa ruộng cũng sợ thiệt với vợ. Ông lo cái này tôi cũng lo cái kia, ông không phải sợ thiệt. Lấy ông nó quý hoá quá đấy!”
Con sói trắng bị chọc đúng tim đen, ông Dương nổi khùng lên như một loài thú dữ hoang dã, ông lao vào, con mắt long sòng sọc, hung tợn sấn tới vung dép đánh bà Mơ.
“Con mẹ mày!”
Bà Mơ ngồi im trừng mắt đầy thách thức. Tiểu Nguyệt lao vào ôm lấy eo ông Dương, đẩy ông ta ra. Cô khốn khổ khống chế ông ta bằng mọi cách, cô túm lấy cổ tay ông ta, chết cũng không buông. Lỡ tuột thì cô dùng sức ôm lấy cánh tay ông ta, kéo ông ta ra xa nhất có thể.
Khốn nạn, bà Mơ bị đánh, bà không chạy, bà ngồi u sụ ở đó với con mắt uất hận đầy căm phẫn. Bà nuốt cay nuốt đắng, ngước con mắt đỏ lừ ướt lệ lên nhìn thằng chồng vũ phu. Bà như muốn thách thức ông ta hãy lao vào giết bà ngay tức khắc vậy.
Tiểu Nguyệt cố cầm cự, ông Dương không đánh được bà Mơ nữa, ông điên tiết lắm. Ông nhìn đứa con gái đang gắng dùng hết sức giữ khoá chặt ông, ông càng lên cơn rồ hơn.
“Á à, cái con mất dạy này. Tao nuôi mày, tao nuôi mày...”
Ông ta vừa nói vừa hẩy mạnh, gỡ vòng tay của Tiểu Nguyệt ra, xong ông nghiến răng ken két, quay lại tóm lấy cổ cô. Ông ta chẳng khác gì kẻ điên, cả hai tay bóp chặt lại, ấn xuống một cách hung bạo.
“Tao nuôi mày, thế mà bây giờ mày lại đi bênh người dưng. Cái con mất dạy!”
Tiểu Nguyệt bị ép vào tường, mặt mày tái mét. Cô khó thở lắm, nhưng ông ta khoẻ quá, cô không thể giãy ra được, hai bên xương quai xanh đau điếng cả. Trong lòng cô đau hơn xát muối.
“Cứ thế này đến bao giờ?”
Tiểu Nguyệt không muốn khóc một chút nào, nhưng đôi mắt lại phản bội cô, nó đang ứa lệ trực trào. Cô dùng hết sức hất tay ông Dương ra, cái điên loạn trong cô trỗi dậy.
“Bố làm cái gì vậy? Cả cái nhà này có ai mà không thương bố. Sao bố cứ phải đẩy mọi người ra xa như thế? Bố suy nghĩ lại đi, bấy lâu nay cuộc sống gia đình nó ngột ngạt tồi tệ đến thế nào.”
Còn rất nhiều rất nhiều điều mà Tiểu Nguyệt muốn vạch ra. Nhưng chính lúc này, cổ họng cô lại bị ách tắc bởi cái thứ vô hình nào đó. Tim cô đập nhanh, nhanh tới mức không thể thở được. Mọi thứ đã đi quá xa, quá mức chịu đựng rồi.
Ôi cái cảnh bạo lực gia đình, đã bao lần bóp nghẹn tim cô. Cô tự thúc đẩy bản thân, hãy nói đi, hãy nói ra những gì mà mình đã chịu đựng. Một lần và mãi mãi, hãy nói đi, nhưng rồi...
“Mày không biết thương thằng bố mày, mày lại đi thương người dưng hả. Ai nuôi mày ăn học, lớn tới bây giờ hả cái con kia.”
Bất lực.
Tiểu Nguyệt rơi vào tuyệt vọng, bà Mơ bất lực ngồi im một chỗ mà khóc, ông Dương vẫn rất cố chấp với suy nghĩ của mình. Chẳng ai để ý xem cô tổn thương đến cỡ nào.
Biết mọi chuyện đã được ém xuống, ông Dương cũng mệt rồi, chắc chắn ổng không đánh người nữa, Tiểu Nguyệt quay người bỏ đi. Cô chạy ra cái vườn phía trước cửa nhà, lau vội hai hàng nước mắt. Thấy đây chưa phải nơi an toàn để khóc, cô cắm đầu chạy thẳng lên con đê, chạy hơn hai ki lô mét đến một nơi mà cô cho là bình yên. Cô leo lên núi, đi vào chùa, ngồi ở cánh trái, nơi vách đá chông chênh nhất.
Vậy là cô đã được khóc một trận thoải mái mà không bị ai làm phiền.
Hoàng hôn, Tiểu Nguyệt thẫn thờ xuống núi. Bữa trưa không ăn, bây giờ cô thấy vô cùng đói, trong tay chẳng có lấy một nghìn lẻ nào. Đang lang thang ở bờ hồ Long Trì, cô giật mình khi nghe có người gọi.
“Nguyệt ơi!”
Bà Mơ ngồi trên chiếc xe Honda màu đỏ, vẫy tay gọi. Tiểu Nguyệt ngoan ngoãn đi tới. Bà Mơ vội vàng mắng mấy câu.
“Mẹ mày, mày biết mày đi như thế thì ai là người lo cho mày không hả. Bố mày lo lắng lắm, ổng nằm ngủ ở nhà kia kìa.”
Tiểu Nguyệt trèo lên xe như kẻ còn xác mất hồn. Bà Mơ đưa cô đi ăn bún, xong hai mẹ con ngồi tâm sự với nhau mãi đến tầm tám giờ tối mới về nhà.
Vừa về, Tiểu Nguyệt đi thẳng vào bếp, cầm điện thoại lên rồi về phòng. Mở điện thoại lên, nhìn những dòng tin nhắn của Phạm Thanh Xuyên, cô không ngăn được nước mắt.
Bình luận
Chưa có bình luận