2. Trăng


Tháng Giêng, trời đất đã bắt đầu cựa mình sang xuân, nhưng cái lạnh dường như còn cố gắng bấu víu lại vùng Hoan Châu [1] xa xôi. Cạnh mé sông, mấy cành cây vẫn trơ trọi tựa hồi tháng Chạp, chẳng có lấy một bông hoa hay cái lá nào điểm xuyết giữa tiết trời âm u. Trăng gánh hai thùng nước đầy, bước từng bước xiêu vẹo trên con đường đất. Bàn tay nó tím tái đi vì lạnh, thân xác ốm o trông như thể sắp bị cái đòn gánh làm gãy gập tới nơi. Mọi người trông theo chỉ biết chậc lưỡi lắc đầu, chứ chẳng ai dám tiến lại gần giúp đỡ. 


“Rõ khổ, sớm muộn gì cũng có ngày nó bị cô Tư đày đọa đến chết cho xem.” Một người đàn bà cắp nón nhìn Trăng, thở dài thương hại. 


Ngay lập tức, người đàn ông đi bên cạnh thị gắt lên: “Bé cái mồm lại, kẻo cô ả đến lật cả nhà ta lên bây giờ!”


Nghe vậy, người đàn bà im bặt, ánh mắt đảo quanh xem coi có ai ở đây để ý lời mình vừa nói không. Chẳng trách thị sợ được, bởi cả cái làng này khi nghe đến tên cô Tư Hằng, con gái ông bà phú hộ Trình, ai mà không lắc đầu ngao ngán chứ? 


Cô Tư vốn xinh đẹp, nhưng chẳng may bên má trái lại mọc lên một cục thịt dư. Chẳng biết có phải vì khuôn mặt khiếm khuyết hay không mà tính tình cô gay gắt, điêu ngoa vô cùng, đôi chín đến nơi vẫn chưa có nổi một nhà đánh ý dạm ngõ. Người giàu thì không ưng cô, kẻ nghèo lại bị cô chê đen đúa, bần hàn. Theo thời gian, cái bướu càng lúc càng to, càng ngày càng sần sùi, xấu xí. Còn Hằng cũng càng thêm độc địa, cay nghiệt với mọi người, mà cái Trăng - con hầu từ nhỏ của cô - là đứa bị cô đem ra trút giận nhiều nhất. 


Ai bảo nó cũng có cục bướu giống hệt cô, thành ra cô phải xếp ngang hàng với cái dòng hèn mạt đấy à? Lại thêm da nó trắng hơn hơn da cô, tóc nó dài hơn tóc cô, được nhiều người làng thích hơn cô nữa chứ! Hằng hận, hận lắm! Thế nên cô cứ kiếm cớ đày đọa, hành hạ Trăng cho nó xấu thêm, cho cô bõ ghét.


Giữa trưa hè cô bắt Trăng ra đồng mò cua bắt ốc cho người đen đi, rồi cô lại lấy cớ nó chải tóc làm đau đầu cô mà xén gọn mái tóc đen mượt của nó lên tới tận vai. Giờ Trăng mười sáu, da không còn trắng, tóc không còn dài, đến cục bướu cũng nhăn nheo sần sùi hơn bướu của cô nữa. Song, có lẽ việc bắt nạt cái Trăng đã trở thành thói quen của cô Tư, hôm nào chưa kiếm việc hành hạ nó là cô ăn cơm không vào. Chẳng hạn như hôm nay, trong nhà đã có sẵn dăm ba lu nước, song Hằng vẫn cứ bắt Trăng phải ra con sông cách nhà chừng nửa canh giờ [2] đi bộ để gánh nước về cho cô tắm. 


Sáng đến trưa chẳng có gì bỏ bụng, Trăng đói đến váng mặt mà vẫn phải cố lầm lũi ngoài đường. Đòn gánh đè nặng lên vai trái, còn bên vai phải vẫn hằn nguyên dấu roi tím bầm mà hôm qua chịu phạt vì trót ngủ quên trong lúc quạt hầu cô Tư. 


Trăng bước nhanh, không dám dừng chân lại nghỉ một giây lát lần nào, vậy mà về đến nhà cô Tư vẫn chưa chịu tha. Nó vừa đặt đòn gánh xuống, đổ nước vào lu thì Hằng từ trong nhảy xổ ra, chỉ vào mặt Trăng mà quát:


“Mày đi đâu bây giờ mới vác mặt về? Trưa trầy trưa trật còn tắm với táp cái gì nữa?”Hằng gắt gỏng. “Quỳ xuống!”


Bịch một tiếng, đầu gối Trăng đập xuống nền đất. Nó cúi gằm mặt, cục bướu lồ lộ dưới ánh mặt trời nhợt nhạt đầu xuân, xấu xí và gớm ghiếc vô cùng. Nhìn dáng vẻ hèn mọn, khúm núm của Trăng, cô chiêu nhà phú hộ không khỏi cười vang. Có lẽ thứ cô tìm kiếm ở nó là cảm giác bề trên, đày đọa nó mới khiến cô thấy mình bình thường như bao người.  


Hằng vuốt tóc, duyên dáng đánh hông, bước chậm từng bước đến trước mặt con hầu đã theo mình từ nhỏ. Cô liếc mắt nhìn xuống Trăng, kiêu ngạo như loài chim trĩ đương nhìn con sâu cái kiến. Hằng đạp một chân lên vai nó, ghìm người Trăng xuống đất rồi cất giọng lanh lảnh như tiếng chuông ngân: 


“U cho tao cái nhẫn làm của về nhà chồng, không quý nhưng là đồ gia truyền từ thời các cụ. Ngặt nỗi hôm rồi lên rừng bắt bướm, mày không bám sát làm lạc tao, báo hại tao một mình mò mẫm đánh rơi luôn chiếc nhẫn bên bờ suối…”


Hằng sung sướng nhìn khuôn mặt của con hầu dần tái mét đi. Cô còn chưa nói hết thì đã bị Trăng ôm chầm lấy chân, không ngừng nghẹn ngào xin tha.


“Em lạy cô, em van cô… Cô đừng nói với bà, chết em mất cô ạ…” 


Ở cái nhà này người đáng khiếp đảm nhất không phải cô Tư Hằng mà là bà Cả, u ruột của cô. Hằng đánh mắng Trăng vì thú vui, cùng lắm chỉ bạt tai túm tóc. Nhưng nếu người trách phạt là bà Cả… Chỉ nhắc tên bà thôi là bọn tôi tớ trong nhà đã rùng mình sợ hãi. Bà Cả bênh con, tính lại vốn mạnh mẽ, tàn nhẫn, chưa ai chọc giận cô Tư mà lành lặn thoát được khỏi tay bà. Đám hầu nấp xung quanh chỉ còn nước âm thầm vái trời giúp Trăng.


“Tao không nói.” Môi son thắm màu điều, từng câu từng chữ Hằng nhả ra lại tựa như quỷ ma bò lên từ chốn âm ti địa ngục. “Giờ mày lên rừng tìm lại nhẫn cho tao, trước khi tìm thấy thì đừng mò về, nếu không u tao có quất chết mày thì tao cũng chẳng can ngăn.”


Dứt lời, Hằng vung chân khiến Trăng ngã kềnh ra đất. Cô cười vang, vui vẻ rời đi. Đến khi tấm lưng yểu điệu đã khuất dạng, con hầu mới lồm cồm bò dậy phủi mớ bụi bẩn bám trên váy áo. Nắng vẫn nhàn nhạt, mặt trời đổ bóng khiến khuôn mặt nó ẩn nấp trong điểm mù, không nhìn rõ được biểu cảm. 


Trăng rời nhà khi bụng vẫn réo vang. Lẩn khuất giữa những ánh nhìn thương hại, sống lưng nó cứ thế cong dần. 


***


Trăng đi tìm cả nửa ngày, từ khi mặt trời còn cao cao đỉnh đầu đến khi ráng chiều bao bọc rừng già mà vẫn không thấy chiếc nhẫn đâu. Nó đói đến mức đào củ dại quả rừng ăn cho qua bữa nhưng ăn được một nửa lại ói mật xanh mật vàng. Trăng kiệt sức tựa lưng vào cái cây cạnh con suối, nhắm mắt thiêm thiếp đi. 


Giữa khuya, trời trở gió, Trăng mới choàng tỉnh dậy vì lạnh. Nó đảo mắt. Đầu tháng, trăng non không đủ sáng để nó có thể nhìn tỏ mọi thứ xung quanh. Cánh rừng ngập chìm trong đêm đen, bóng tối ngút ngàn như muốn nuốt chửng thiếu nữ nhỏ bé. Trăng bó gối, tự ôm chặt lấy bản thân mình như thể đang cố tìm kiếm cảm giác an toàn. 


Gió lớn thổi qua những chạc cây, mấy phiến lá cựa mình vào nhau lạo xạo. Chẳng biết con gì rít gào đằng xa, văng vẳng giữa không gian trống vắng, nghe như ai đang cười, đầy mỉa mai, ghê rợn. Đột nhiên… Thình thịch! Thình Thịch! Có tiếng bước chân vang lên, giống như gần cả chục người đang tiến gần đến. 


Trăng giật mình, mắt trợn to, đồng tử giãn ra, bên thái dương đổ mồ hôi lạnh. Nó nghe nói vùng rừng núi này là nơi ẩn náu của một toán cướp, biên giới xa xôi quan quân chưa bắt đến nên chúng ngang nhiên hoành hành. Ngày Rằm tháng trước có gã đốn củi mắc mưa ngủ lại trên núi thì bị tụi cướp moi ruột phanh thây, cả người không còn chỗ nào là lành lặn. 


Tiếng bước chân càng lúc càng to rõ, nhác thấy chúng đã đến gần bờ suối, Trăng quay phắt người lại trèo lên cây thật nhanh. Cái cây này cao nhưng trơn nhẵn, chẳng có cành to nào chòi ra để Trăng nương náu, nó chỉ còn cách dùng cả tay lẫn chân để bám chặt vào thân cây. Song, cả một ngày chưa ăn uống gì lại phải tiêu hao sức lực quá mức, chẳng mấy chốc cơ thể Trăng đã run rẩy, hơi thở nặng nề dần. 


Mây đen giăng kín trời, đám người đã đến bên bờ suối và đứng ngay dưới cái cây mà Trăng ẩn nấp. Nó không dám thở mạnh, ngón tay bấu chặt lấy vỏ cây đến bật máu cả ra. Thật lâu mà mấy cái bóng kia vẫn chưa chịu rời đi, trong khi sức Trăng có hạn, đến hô hấp với nó bây giờ cũng thật khó khăn. Khoảnh khắc bàn tay nó trượt khỏi thân cây, cơ thể chao đảo rơi xuống đất, Trăng đột nhiên nhớ lại tiếng cười khoái chí của cô Tư khi sáng. 


Thật là… đáng buồn.



Chú thích

[1] Hoan Châu: Nghệ An - Hà Tĩnh ngày nay. 


[2] canh: đơn vị tính thời gian xưa, 1 canh giờ = 2 tiếng. 



Bình luận

Chưa có bình luận
Preview Settings

Try It Real Time

Layout Type
    • LTR
    • RTL
    • Box
Sidebar Type
Sidebar Icon
Unlimited Color
Light layout
Dark Layout
Mix Layout
}