“Từ lúc trưởng hoàng tử rời khỏi bàn tiệc, tiếng cười nói xung quanh bắt đầu nhỏ dần, nhỏ dần, thay bằng những cái chụm đầu bàn luận rì rầm và cả sự chờ đợi đong đầy trong mấy chục đôi mắt dõi theo từng bước chàng. Đến khi trưởng hoàng tử lướt qua nào quý nữ nhà vương nọ, tài nữ nhà quan kia, tiếng rì rầm im bặt, chỉ còn gió sông lùa sóng vỗ mạn thuyền, chòng chành nét căng thẳng trên mọi gương mặt quyền quý.
Trưởng hoàng tử dừng chân gần phía cuối thuyền, nơi vốn chẳng mấy ai để ý tới. Ở chỗ đó, trong bộ giao lĩnh mướt màu xanh ngọc, vạt thường chạm gót thêu nổi những đường viền sóng nước nâng cánh sen mềm, nàng khuê nữ vừa độ trăng rằm chăm chú ngắm nhìn con chim khuyên cắp nhặt chỗ vụn oản nàng rắc. Cho đến khi nó chợt vỗ cánh bay đi bởi tiếng bước chân lạ, nàng mới giật mình ngoảnh về phía sau, bèn đón được ánh nhìn hòa nhã từ đôi mắt đen sâu thẳm kèm ý cười điềm đạm. Gió thu lay vạt áo gấm, nắng lần theo sườn mặt anh tuấn, trượt sang bờ vai cứng cáp của người quân tử, phủ màu dịu dàng lên dáng đứng ngay thẳng của chàng. Vững vàng, khẳng khái, cao quý, thanh nhã hệt như bức tranh tứ quý tùng, trúc, cúc, mai. Thoáng chốc, gò má thiếu nữ phớt hồng, bối rối cúi người hành lễ.
Sau cái gật đầu nhẹ nhận lễ, Trưởng hoàng tử đợi nàng ngẩng mặt lên, vừa mở tay, vừa mở giọng nhẹ nhàng.
- Vải mẫu hậu ta trồng trong cung, các bàn ngoài không có.
Tức thì xung quanh khe khẽ dậy âm xì xào. Ai ai cũng biết Hoàng hậu là người Vạn Kiếp, quê chuộng trồng thứ quả có lớp vỏ xanh, gai mòn sần sùi, mọc theo chùm, khi tiếng tu hú vang khắp cánh đồng cũng là mùa quả chín đỏ mọng. Bóc vỏ, thịt quả trắng màu nước gạo bọc lấy hạt nâu nhánh thuôn thuôn, vị chua nhẹ, ngọt dịu, thơm mát. Theo Quan gia về Thăng Long, Hậu trồng một cây cho đỡ nhớ, dẫu ra chậm hơn các vườn dân, cũng không trĩu quả mấy, nhưng Quan gia vẫn yêu lắm, dịp thường cũng chẳng ban cho ai, giữ cả. Vốn giống quả quý một, giờ lại thành quý mười. Nay gặp dịp hồ Lục Thủy chớm thu, nước sáng như gương, cá quẫy theo đàn, Quan gia mới cho người mang theo lên du thuyền, nhưng cũng chỉ bàn của Quan gia và một vài vị Vương khác mới có. Nghe Trưởng hoàng tử nói, nhiều ánh mắt lén nhìn ngược vào khoang thuyền chính, rồi lại lén nhìn ra mạn thuyền, xác nhận quả vải nguyên vỏ cuối cùng đang nằm trên lòng bàn tay trưởng hoàng tử. Vừa hay, chàng hoàng tử trẻ tiếp lời, từ tốn.
- Vải cuối vụ nhưng vẫn ngọt.
Nàng đứng đối diện hoàng tử, nghe chàng nói xong, đôi mắt trong veo ngạc nhiên, vẻ như chưa hiểu có chuyện gì, đứng yên không dám động. Trưởng hoàng tử cũng im lặng nửa nhịp, có thể là đợi đối phương theo kịp ý mình, cũng có thể là để chính mình cân nhắc thêm. Sau đấy, sau cái hít sâu kín đáo đầy quyết tâm, chàng vươn tay, đưa quả vải gần hơn về phía nàng, nghiêm chỉnh ngỏ.
- Cứ nghĩ cho kĩ.
Vẻ ngạc nhiên chuyển sang ngỡ ngàng, thiếu nữ vô thức nhìn xung quanh, thấy mọi ánh mắt đều đang dồn về mình, từ những người xa lạ, từ cả những người thân quen.
- Đừng sợ, đừng cuống.
Hoàng tử trấn an nàng, kéo ánh nhìn lúng túng của nàng về hướng mình, bình tĩnh lặp lại câu nói tưởng chừng chẳng ăn nhập gì ban nãy.
- Cứ nghĩ cho kĩ.
Huýt, tiếng chim khuyên líu lo như gần như xa. Bỗng có đôi chim khuyên bay đến, một con đậu trên vai hoàng tử, một con lượn vòng quanh. Mặc con chim đứng trên vai, bên tay vươn về phía nàng của chàng vẫn giữ nguyên. Huýt, con chim cũng nhìn về phía nàng, mắt hấp háy. Nàng nhận ra đó là con chim khuyên ban nãy ghé ăn vụn oản, mà lần này nó không đi một mình nữa. Huýt, nó lại kêu, trùng chân, hé cánh, hệt dáng lấy đà bay. Nàng giật thót, nhích bước, dùng hai tay nhận lấy quả vải chín mọng, trước khi loài có cánh kia lăm le cắp mất.
- ...Vâng.
Lời đáp nhỏ nhẹ không rõ ý, nhưng hành động đã đủ biểu đạt câu trả lời. Nàng thoáng cúi mặt ngại ngùng. Chỉ chờ có vậy, âm xôn xao lan rộng. Rồi bỗng từ khoang thuyền chính vọng ra câu “Ôi chà!” đậm sắc cười tủm tỉm. Rồi vẫn là vị vương tay xoay xoay chén rượu sứ lam đấy cất giọng ngâm lại bài thơ mà hễ người nào theo nghiệp con chữ đều thuộc lòng.
“Quan quan thư cưu
Tại hà chi châu
Yểu điệu thục nữ
Quân tử hảo cầu.”
(*Tạm dịch nghĩa: tiếng chim thư kêu trên cồn cát giữa sông, người con gái xinh đẹp/hiền thục dịu dàng sánh đôi cùng người quân tử.)
Bốn phía rộ lên nhiều tiếng cười khúc khích, lấy làm thích thú. Đứng cách chàng chừng ba bước chân, hai bên má nàng ửng đỏ e thẹn, quả vải cầm trong tay được ủ nóng ran. Đôi chim khuyên cất tiếng kêu dài rồi vỗ cánh bay đi, trưởng hoàng tử thu tay về, miết nhẹ vụn bột gạo mà ai kia vừa lỡ vương sang tay mình, ý cười trên gương mặt thêm tỏ tường.
Và rồi, buổi du thuyền bình thơ của hoàng thất, quan lại quý tộc hôm ấy có bài nào hay chẳng mấy ai nhớ. Chỉ thấy người ta nào ngưỡng mộ nào ghen tỵ bàn tán về quả vải cuối vụ trong cung nọ, về màn “yểu điệu thục nữ, quân tử hảo cầu” trên hồ kia. Người tinh ý thoáng nghe là hiểu, kẻ mù mờ đoán mãi chưa ra. Cho đến cuối mùa đông năm ấy, ai ai cũng tỏ tường.
Bảo Phù năm thứ hai, Giáp Tuất (1274), tháng mười hai, Quan gia phong trưởng hoàng tử Trần Khâm làm Thái tử, đồng thời ban hôn cho chàng với trưởng nữ của Hưng Đạo Vương. Trưởng nữ của Hưng Đạo Vương vốn tên Trần Thị Trinh, chính là thiếu nữ mặc áo giao lĩnh màu xanh ngọc, vạt thường thêu nổi họa tiết sóng nâng cánh sen, là nàng thiếu nữ ngại ngùng nhận lấy quả vải cuối mùa của trưởng hoàng tử Trần Khâm. Và nếu xét theo vai vế trong tộc, nàng cũng là chị họ của trưởng hoàng tử, vì cha nàng – Hưng Đạo Vương là anh ruột của Hoàng Hậu.
Nên ừ thì “yểu điệu thục nữ, quân tử hảo cầu” cũng có, nhưng cái chính là sự xoay vòng của hôn nhân nội tộc chốn cung đình kia. Người đời tin vậy, người đời tin vào cái lý của người ta, cái lý được suy ra từ thế thời. Tin ngay từ ngày thánh chỉ ban ra, cờ kiệu rợp trời, nàng Trinh, mặc gấm vóc lụa là, tóc vấn cài trâm phượng, uyển chuyển nhấc gót sen bước vào cửa Đông cung, đôi mắt trong veo và bên má đào không giấu nổi những e thẹn mộng mơ của nàng thiếu nữ. Tin đến ngày Thái tử lên ngôi, nàng thành Hoàng hậu, hai người có với nhau đứa con đầu lòng. Tin tận ngày cửa cung lại chăng đèn kết hoa, đón phi tần mới quý phái ngọc ngà, và những xuyến xao trong mắt nàng thiếu nữ năm nào đã lặn không gợn sóng.
Phi tần đó là em gái ruột của nàng, người vì tuổi nhỏ nên vắng mặt trong buổi bình thơ xưa.
“Vải mẫu hậu ta trồng trong cung, các bàn ngoài không có.”
“Vải cuối vụ nhưng vẫn ngọt. Cứ nghĩ cho kĩ.”
“Yểu điệu thục nữ, quân tử hảo cầu.”
Chao ôi, khi lầu son gác tía mài dần tuổi xuân thì, ngẫm lại những lời ngày đó, liệu sóng mắt nàng thục nữ còn nổi theo làn thu hay chăng?
Thôi thì nội ngoại khăng khít, thân càng thêm thân, thôi thì quyền lực kết chặt, vững chắc cơ đồ.
Thôi thì...
- Chóng mặt quá.
Giọng nhắc nhuốm màu mệt mỏi dẫu buông rất nhẹ vẫn đủ xô vỡ dòng hồi tưởng trong tâm trí và khiến cánh tay đưa võng của cung nữ hốt hoảng ngưng lại. Đợi võng yên, nét nhăn mờ trên trán người nằm võng tan đi, mày ngài giãn lỏng, cung nữ nén tiếng thở phào, thầm trách bản thân mất tập trung. Chuyện nhà đế vương đâu phải thứ cho thị tọc mạch, dẫu chỉ là ý nghĩ. Thị chớp mắt lấy lại tinh thần, định bụng đi rót nước dâng lên, bỗng có quan nội thị vào tâu.
- Dạ bẩm Hoàng thái hậu, thư đáp của Chiêu Văn Vương về đến rồi ạ.
-
Chú thích:
Đoạn thơ “Quan quan thư cưu...cầu”: được trích từ Kinh Thi của Trung Quốc.
Bình luận
Chưa có bình luận