Chẳng mấy chốc đã đến những ngày cuối cùng của năm học lớp tám. Không khí trong lớp vô cùng náo nhiệt: tốp thì kéo nhau ra chơi ma sói, tốp thì cùng nhau cầm điện thoại xem phim, tốp lại nói chuyện rôm rả không ngừng. Gia Long ngửa cổ ra cái bàn phía sau, thở dài một hơi. Chán chết đi được. Chắc hẳn cả lớp đều biết rằng quãng thời gian học hết chương trình sách giáo khoa năm sau không thể nào nhàn nhã như ba năm vừa rồi mà phải cong đít lên luyện đề nên cực kì trân trọng giây phút nhàn nhã cuối cùng này. Còn cậu thì không có ai chơi cùng, chán nản mở chiếc điện thoại cảm ứng đời cũ đã xước màn hình lên, chơi xếp gỗ.
Gia Long cảm thấy sau này khi trưởng thành, quãng thời gian hối tiếc nhất của cậu chắc hẳn là thời điểm đi học hiện tại. Người ta thì trải qua muôn vạn huy hoàng, vô số xúc cảm đáng quý của tuổi trẻ; còn cậu thì chỉ biết quanh quẩn làm việc suốt ngày, không thì cũng là ở một mình ôm ấm ức. Gia Long biết cuộc sống của bản thân lầm lũi, nỗi tự ti chỉ có thể tồn đọng ở đầu mũi không thể trút ra.
Đang xếp say mê, còn đúng một mục tiêu nữa là qua được ải khó, bỗng nhiên vai của Gia Long bị vỗ mạnh một cái. Gia Long hoảng quá kéo chệch tay miếng gỗ vào chỗ khác, những miếng còn lại không đủ để nhét vào đâu nên thua. Cậu nghiến răng, quay người lại lớn tiếng:
“Mày thích cái gì hả thằng kia?”
Khỏi cần đoán, Gia Long thừa biết người nhào đến sau lưng phá đám cậu là Nhật Bảo. Cái mùi bạc hà quen thuộc, vương vấn khứu giác của Gia Long vào những ngày hè chạy vặt ở quán nướng. Lại còn đỏm dáng như thế, hơn cả mấy cô bạn đương tuổi dậy thì chỉ có thể là Nhật Bảo. Nhật Bảo chọc ghẹo người ta rất khoái chí, lộ ra điệu cười tinh nghịch: “Thấy anh Long đây chán quá, tao không nỡ nhìn”.
Đầu Gia Long hiện ra dấu hỏi to đùng, thật lòng muốn hỏi đối phương bị bệnh à. Nhưng với sức mạnh của tư bản – cụ thể là đồng tiền lương – Gia Long không thể nói toẹt ra nên chỉ có thể liếc nhìn Nhật Bảo một cái. Có vẻ Nhật Bảo vẫn không nhìn ra ánh mắt ghét bỏ lạnh lùng Gia Long dành cho mình. Móc ví ra nhét tờ tiền vào tay cậu, môi vẫn nở nụ cười xán lạn như trước, lộ ra hai cái răng khểnh trời ban: “Đi mua nước hộ Bảo nha. Hai ô long, hai đào, ba trà vải, còn dư tiền cho mày mua que cay ăn đó kẻo nhịn đói”.
Gia Long trợn mắt, câu chửi thề đã rít tới kẽ răng. Ôi điên hết cả tiết, nói như thế khác gì đang công khai lăng mạ cậu? Hơn nữa, lớp học ở tận tầng ba. Phải lẻn xuống thì thôi đi, đằng này còn “bố thí” cho cậu chút tiền dư chỉ đủ để mua gói que cay ăn tạm? Nhà giàu mà cũng keo kiệt quá rồi đó.
“Ôi trời, boy phố chê ít hay sao đây ta?”
“…” Hết giao tiếp nổi với loại người này rồi. Gia Long lườm Nhật Bảo một cái, sau đó giật tờ tiền từ tay hắn, hậm hực đi xuống căn tin. Thật ra cậu cũng hiểu đạo lí ai nhiều tiền hơn thì có tiếng nói, nhưng người ta khoái trá chà đạp, sỉ nhục cậu thì cậu vẫn nuốt không trôi. Nhất là ở cái độ tuổi này, thiếu niên cái tôi cao ngút trời. Mấy cậu trai ai ai cũng muốn thể hiện bản thân, muốn bản thân nằm trong trung tâm vũ trụ. Cậu đã phải nhịn cái lòng tự trọng của bản thân xuống vì những đồng tiền xương máu, nhưng nỗi uất ức nghẹn lồng ngực vẫn khiến cậu khó chịu không thôi.
Cậu lẻn qua cầu thang, tác phong đi đứng chẳng khác nào ăn trộm. Xuống tới căn tin, thấy một học sinh đang ngồi ăn bánh mì. Vì là cuối năm nên trừ khối chín, các khối khác thường lẻn xuống căn tin mua đồ ăn thức uống. Gia Long chẳng qua xui xẻo nên mới bất đắc dĩ làm chân sai vặt. Nhưng thường học sinh mua xong sẽ lên lớp ngay cho đỡ bị giáo viên bắt gặp tránh lằng nhằng không đáng có, hoặc gan to lắm thì mua xong trốn ra quán trà đá sau cổng trường ngồi chơi với nhau. Nhưng cô bé này ngồi đây, hai đôi mắt hoe đỏ, tay run run cầm chiếc bánh mì đang ăn dở.
Trớ trêu là Gia Long biết cô em gái này, bởi cô ấy là em gái của Nhật Bảo: Nhật Ánh. Trái với người anh trai nói hoa mĩ là không sợ trời không sợ đất, nói thẳng ra là kiêu ngạo láo toét; Nhật Ánh lại là một cô bé nhút nhát. Tới nỗi mà hồi mới đầu làm thêm ở quán nướng, tiếp xúc với cô bé, cậu còn tưởng cô bị câm. Người em gái cách chúng cậu hai tuổi này gò má lúc nào cũng ửng hồng, mang một nỗi thẹn thùng không tên. Nếu không phải ngoại hình của hai anh em giống nhau, đặc biệt là Nhật Ánh có một chiếc răng khểnh duyên dáng khiến nụ cười của hai người như đúc thì đánh chết Gia Long cũng không tin cô bé dễ thương này lại là em gái ruột của một người thiếu hụt đạo đức làm người như Nhật Bảo.
“Nhật Ánh à em?”
Nhật Ánh ngước đôi mắt hoe đỏ lên, con ngươi đen láy lấp lánh như mặt hồ xao động, nhìn dễ thương mà mang theo bao nỗi ấm ức. Cô nhìn thấy Gia Long, vội vàng lấy tay quẹt nhẹ khóe mắt, cố gắng nở một nụ cười: “Ôi, chào anh ạ”.
“Em bị làm sao thế này?” Gia Long ghét Nhật Bảo thật nhưng lại không hề ghét Nhật Ánh, dù gương mặt của hai anh em này vô cùng giống nhau. Gia Long trong lòng âm thầm thiên vị, Nhật Ánh nhìn thế nào cũng thấy được hưởng vẻ đẹp của bố mẹ hơn là Nhật Bảo: đôi mắt hai mí to và trong vắt, có một cái răng khểnh nhìn trông dễ mến đáng yêu hơn hẳn hai cái răng khểnh chó của Nhật Bảo. Cậu tự nghĩ rồi lại tự cười hề hề trong lòng. Có vẻ khi đã không ưa một người tới cực điểm thì bới móc người đó cũng là thú vui đáng để nghiền ngẫm.
Nhật Ánh nhìn ra sự quan tâm của Gia Long dành cho mình, lập tức cúi gằm đầu xuống. Tóc mai của cô khẽ đung đưa, Nhật Ánh vô thức đưa tay vén lên. Trái tim Gia Long khẽ lệch nhịp, cậu nhìn cô bé trước mặt kiểu gì cũng thấy ưng ý. Chỉ là cậu tự hiểu rằng bản thân không thể sa ngã vào thứ tình ái ngọt ngào của tuổi học trò. Nếu bản thân cố ý vướng bận những giọt mật ngọt ngoài kia thì thật đáng xấu hổ biết bao. Một người cha không thương mẹ không yêu, nghĩ tới tình cảm lứa đôi chỉ thấy ớn lạnh, châm biếm. Thêm nữa, chính sự dè bỉu không thương tiếc của Nhật Bảo khiến Gia Long cảm nhận được khoảng cách của cậu với gia đình anh ta xa vời một cách sâu sắc.
Đúng lúc Nhật Ánh ngước lên thì nhìn thấy ánh mắt bối rối của Gia Long. Cô khẽ nói: “Em không sao ạ. Chỉ là năm nay mới nhập học nên đôi lúc choáng ngợp tới mức tự thấy uất ức thôi”.
Gia Long gật đầu. Rồi nhớ ra mục đích mình xuống căn tin, không muốn chậm trễ thêm nữa, ngay lập tức chạy tới quầy hàng: “Cô ơi, cho cháu hai ô long, hai đào, ba trà vải…”
Nhật Ánh cũng không nói gì thêm. Cô tiếp tục ngồi gặm bánh mì. Bánh mì đã nguội từ lâu, nhưng lồng ngực thiếu nữ lại nóng hổi. Cô đón nhận sự tích cực bằng trái tim đơn thuần của mình. Cô vẩn vơ tựa đang ngồi trên mây, thế rồi cô thấy gò má của mình lạnh toát. Nhật Ánh giật mình, vội vã quay sang nhìn xem cái gì áp vào má cô mà lạnh tới vậy. Gia Long đứng đó, khom người, một tay ấn chai nước khoáng lạnh vào má cô.
“Đừng chê anh Long, anh Long chỉ mua được nhiêu đây để an ủi em thôi”.
Nhật Ánh đưa tay đón lấy chai nước từ tay Gia Long. Bàn tay của Ánh khẽ chạm qua bàn tay cậu, cậu cảm nhận rõ ràng bàn tay cô đang run lên. Bàn tay nhỏ xinh, ấm áp bao lấy vô vàn tủi thân trong lòng Gia Long. Cô ấp úng cảm ơn cậu. Cậu cũng không thể tiếp tục lảng vảng ở đây thêm, gật đầu tạm biệt cô rồi lên lớp.
Có lẽ Nhật Ánh cũng chẳng thể nào ngờ, cái gật đầu tạm biệt và bóng lưng gầy gò ẩn sau lớp áo sơ mi đồng phục trường ngày ấy vẫn vỗ về lấy tâm trí cô nhiều năm về sau. Một bóng lưng mà theo cô là hoàn mĩ, là dịu dàng, mang theo biết bao âu yếm, ngọt lịm như ánh nắng đầu hạ len lỏi vào từng góc sân trường.
Tuyệt diệu như khoảng trời niên thiếu, len lỏi cả vào lồng ngực trái của cô, vỡ òa.
Bình luận
Chưa có bình luận