5. Kể từ ngày thằng Sơn làm con nuôi, Út trở về với cuộc sống thường nhật, không vướng bận đứa nhóc lúc nào cũng lẽo đẽo theo mình, cô tiết kiệm được nhiều tiền hơn. Song làm việc cũng bận rộn hơn, làm như bán mạng. Út lại nghe người ta bảo, trên này sẽ có quán không nghỉ Tết, làm thêm vào những ngày 30, mồng 1 mồng 2 có khi còn được gấp 3 - 4 lần lương. Vậy thì chỉ có ba ngày làm là đã bằng nửa tháng rồi.
Cô đã mở một tài khoản ngân hàng. Thời đó chẳng có app chuyển tiền bằng điện thoại như bây giờ, các nhà còn dùng điện thoại bàn là chính. Út phải đến ngân hàng để gửi tiết kiệm, đồng thời tính chuyển ít tiền cho dì Hiền tiêu tết. Cô chưa dám nói với dì về việc đưa thằng Sơn đi làm con nuôi người ta. Trốn tránh ngày nào hay ngày ấy. Có thể Tết năm nay cô sẽ không về, sẽ kiếm tạm một quán ăn nào đó làm việc xuyên năm mới, lấy sự bận rộn để mình được thanh thản.
Nhân viên ngân hàng giúp Út làm thủ tục, rồi kiểm tra số dư trong tài khoản. Đến khi nghe thấy người ta bảo trong tài khoản của cô có 15 triệu, Út mới giật nảy.
15 triệu, đấy là số tiền mà Út chưa từng nhìn thấy chứ đừng nói là được cầm.
- Ở đâu mà nhiều thế chị? Chị có nhầm lẫn không?
- Nhầm là nhầm thế nào! Trong thẻ của em mà em không biết sao?
Tài khoản của Út chỉ dùng để gửi tiết kiệm, chẳng bao giờ cô dùng đến thẻ.
- Có kiểm tra được là ai gửi không chị?
- Gửi ngày 18 tháng 1, người gửi là Nguyễn Đức Hùng.
Út thiểu não rời khỏi ngân hàng, với 15 triệu tiền mặt cầm tay. Một số tiền quá lớn đối với cô. Về đến nhà, cô nằm vật xuống. Trên bàn, con quay mà thằng Sơn hay chơi nằm ngả nghiêng. Gần một tháng nay, Út cố không nhớ đến thằng nhỏ bằng cách vùi đầu vào công việc. Chẳng biết cô có quên được không mà trong lòng cứ thấy buồn bực, lần nào ngủ dậy cũng thấy thấy một bên gối đã ướt đẫm.
Chợt cánh cửa phòng bị đầm rầm rập, kèm với tiếng trẻ con khóc. Đầu Út ong ong như búa bổ, cô lắng tai nghe thật kỹ:
- Chị! Chị! Mở cửa.
Ngoài trời đang mưa, Út vội vàng ngồi dậy mở cửa. Thằng Sơn ướt như chuột lội nhào thẳng vào lòng cô khóc rấm rứt. Cô chẳng còn bình tĩnh để hỏi tại sao nó về phòng vào giờ này, làm thế nào để về. Cô lấy khăn mặt, lau tóc cho thằng nhỏ, răng rít lại quở trách:
- Làm gì mà tắm mưa ướt hết thế này? Bị bệnh thì tao lại tốn tiền thuốc!
Nó khóc hu hu:
- Tại sao chị lại bỏ em?
Sống mũi Út cay nồng:
- Tao không bỏ mày. Nhà người ta giàu, nuôi mày béo tốt như ngày xưa. Theo tao thì mày chỉ có khổ mà thôi.
- Nhưng mà cô chú không có thương em. Em chỉ muốn theo chị thôi!
Thằng bé quay đầu lại, mặt nó đượm buồn, ở một góc nào đó, nó trông nhang nhác cô. Một đôi mắt buồn, hàng mi rủ xuống khóe mắt hơi cụp tạo thành bóng chiếc lá rẻ quạt.
- Chị không thích em, có phải không?
Út nghẹn ngào:
- Không phải đâu. Thực ra là...
- Chị không thích em mà. Em biết. Em là gánh nặng của chị. Không có em chị sẽ không khổ.
Thằng Sơn chợt tan biến đi, Út khẽ gọi một tiếng "ĐỪNG ĐI" rồi giật mình tỉnh giấc. Mồ hôi lạnh bám trên người cô dính dớp, ngoài trời, mưa đổ rầm rầm vào đêm khuya. Mưa rào vào mùa đông, thời tiết ngày càng thay đổi một cách quái lạ. Út ngồi trên giường ôm ngực, vẫn nhớ về giấc mơ vừa nãy. Giấc mơ chân thực quá, đến nỗi cô có thể cảm nhận được giọt nước mắt của thằng Sơn tí tách rơi trên tay mình.
- Nó là máu mủ của nhà mình. Con ơi!
Câu nói của dì Hiền làm Út khóc rưng rức. Nó là máu mủ của cô, nhưng đã bị cô bán rồi. Bán lấy 15 triệu. Giờ cô còn mặt mũi nào để gặp nó, gặp dì, gặp cả bà ngoại nữa.
Đó là một đêm rất sâu, Út không ngủ được. Sáng sớm cô đã dậy để đến chỗ làm rồi xin về sớm. Theo đường cũ, Út tìm đến nhà chú Hùng. Giờ là 5 giờ chiều, cánh cửa nhà mở toang, tiếng cãi vã từ bên trong vọng ra:
- Ông biết hết đúng không? Ông cố ý dắt cái thằng nghiệt chủng này về đây cho tôi nuôi đúng không? Á à, hay lắm. Bố và con gái, bắt tay lừa tôi.
Út không định vào vội vì đây là chuyện nhà của người ta, hơn nữa cô không cảm thấy cái từ "thằng nghiệt chủng và con gái" kia liên quan đến mình. Song len giữa những cuộc cãi vã đó, Út nghe thấy tiếng em Sơn khóc. Nó khóc một cách kìm nén và sợ hãi:
- Bác ơi, cho con về với chị! Con muốn về với chị!
- Mày câm mồm! Tụi mày bé nít ranh mà đã rặt âm mưu thủ đoạn, em thì vào nhà tao ăn hết của nải, con chị thì giả vờ nghèo khổ vét từng đồng. Ối giời đất ơi! Tôi làm cái gì mà giờ khổ thế này đây!
Chú Hùng can:
- Bà ăn nói cho hẳn noi, tôi cho con bé tiền, nó không biết!
- Ông tưởng tôi ngu hay gì? Tự nhiên nó nghĩ đến đưa em đến nhà này làm con nuôi sao? Ông nói đi, ông liên lạc với cái đứa con hoang kia, ông liên lạc với con khốn kia từ bao giờ hả?
Út nghe họ tranh cãi mà bàng hoàng cả người. Câu cô hiểu, câu lại không. Sơn vẫn đang khóc, cô ấn chuông cửa, đồng thời đập mạnh vào cánh cửa xếp.
- Ai đó, đến sau đi nhà tôi đang bận.
- Là cháu. Cháu Út.
Bên trong im lặng, cánh cửa xếp ngay lập tức bị mở tung ra. Chú Hùng len qua cửa, kéo tay Út ra ngoài:
- Cháu đến đây làm gì hả? Về đi!
Thằng Sơn nghe tiếng chị, chỉ dám đưa mắt nhìn với vẻ mặt cảnh giác. Ánh mắt nó cụp xuống, long lanh y như ngày đầu tiên Út gặp. Cô hiểu, nó sợ mình sẽ bị chị đẩy ra, rồi lại bị vứt lại ở chỗ này. Đột nhiên, có cái đau cứ cào cắn trong ngực, chèn lên đường thở của Út. Cô vẫy tay gọi nó:
- Em lại đây.
- Chị!
Thằng bé chạy vội đến, trước khi nó nhảy vào lòng Út, cô Loan sấn đến trước. Người phụ nữ đẩy mạnh cả hai chị em:
- Con khốn con đến rồi đấy hả?
- Tôi cấm bà đánh con bé! - Chú Hùng gào lên!
Cô Loan khóc hu hu:
- Giỏi lắm. Một tay tôi nuôi ông ăn học, làm đến chức giáo sư. Giờ ông... Giờ ông bênh thứ nghiệt chủng này, chửi tôi có phải không? Ông vẫn nhớ con Thịnh chứ gì? Tôi nguyền rủa mẹ con nhà nó chết đường chết chợ, chết không có chỗ chôn.
Phải đến mấy năm rồi, Út mới nghe thấy tên người phụ nữ kia trong miệng của người khác. Ở làng, khi người ta bàn tán, toàn gọi là con gái lớn bà Tư. Cái tên Thịnh dường như đã bị phủ bụi trong trí nhớ của Út, giờ được gióng lên, vẫn có thể hủy hoại cô một cách tàn nhẫn nhất.
Cuộc cãi vã của chú Hùng cô Loan cứ vụn vặt, chẳng rõ nghĩa, song Út không phải người dốt nát. Cô ôm lấy Sơn, lùi lại phía sau. Chú Hùng mặc kệ người đàn bà đi cùng mình nửa đường đời, dang tay ra với Út:
- Con... Con... Con đừng nghe bà ấy nói. Chắc con đã biết hết rồi, bố xin lỗi vì không nhận con sớm hơn.
- Bố ấy hả?
Út lặp lại, rồi "a ha" trong đầu một tiếng. À, hóa ra đây là người đàn ông đã lừa gạt mẹ cô rồi quất ngựa truy phong. Giờ mới để ý, cô giống ông ta đến ghê gớm. Chẳng trách mẹ cô vẫn ngồi bên cửa sổ mà rít lên qua kẽ răng:
- Mày càng ngày càng giống cái thằng chó đó.
Mười lăm triệu trong chiếc túi xách trên tay Út lúc này nặng trịch.
- Bố là bố của con đây. Bố xin lỗi vì hèn nhát quá, để con sống khổ bao năm rồi. - Rồi ông quay lại chỉ vào vợ. - Tất cả là tại bà, người đàn bà độc ác. Bà không sinh được con, còn chia rẽ máu mủ nhà tôi. Bao năm nay cái gì tôi chẳng chiều bà, còn bà, có gì ngoài mấy lời chì chiết chửi rủa hay không?
Cô Loan căm thù nhìn chồng, vậy mà lại trút giận hết lên mẹ con Út:
- Mày thích rồi đúng không quân ác độc? Mày phá nát gia đình của tao rồi! Cái thứ khốn nạn.
Nghe họ cãi nhau chán rồi, Út mới lên tiếng:
- Cô chú đừng nói như thế. Bố mẹ cháu đã chết hết rồi, từ nhỏ đến giờ, cháu chỉ có bà ngoại với dì là người thân. Cháu không có bố, làng xóm bảo, bố cháu là con dê của nhà ông trưởng làng. Hì...
Cô nói về số phận của mình một cách bình thản, tựa như một giấc mơ, lại bỏ túi tiền lên bàn:
- Số tiền này cháu gửi lại cô chú nhé. Cháu đã nói rồi, cháu không bán em trai, chỉ muốn tìm cho nó một ngôi nhà. Nhưng giờ cháu hối hận mất rồi, chị em cháu có thể nuôi nhau được. Chỉ cần cháu còn ở đây, nó vẫn có thể có cơm ăn, không cần cô chú phải nhọc lòng.
Chú Hùng giậm chân:
- Út! Con nghe bố nói...
- Chú không phải là bố cháu. Chú là người sống, phải sống cho vui vẻ. Quên hết những người làm chú phiền muộn đi chú nhé. Cháu cũng không muốn nhớ về những người đã chết làm cái gì cả.
- Con... - người đàn ông cứng họng. - Có ai lại rủa bố mình chết bao giờ? Bố biết bố có lỗi với con, nhưng mà tất cả là do số phận, do hoàn cảnh không cho phép.
Út nhìn người đàn ông biện minh, một cách bình tĩnh và tỉnh táo. Cô đang mường tượng cảnh mẹ mình đến trước nhà người yêu, cầu xin ông ta thương xót cho một đứa trẻ sắp chào đời. Người vợ môi ấp má kề đang nấu mâm cơm cho gia đình, nghe được tin dữ chạy ra. Hai người đàn bà, chung nhau một chữ yêu, chung nhau một chữ cả tin. Người đánh rơi cả cuộc đời, người phí hoài bấy nhiêu năm thanh xuân. Giờ người đàn ông đó vẫn đứng đây giải thích về sự khổ sở và bất đắc dĩ của mình một cách quang minh và chính đại. Cái dáng vẻ yêu thương đó của ông ta, làm cho Út nổi hết cả gai ốc.
- Ông cũng xứng nói những lời đó sao? - Người đàn ông định sờ vào người Út, tuy nhiên cô tránh được. - Sống thì phải cho ra dáng con người đi, đừng làm vậy nữa. Tôi tin nhầm người như ông có thể nuôi được em tôi, hóa ra... Giờ tôi mang thằng bé đi. Các người muốn tranh cãi chửi bới thế nào cũng được, đừng nhắc đến chúng tôi nữa. Chưa bao giờ ba mẹ con tôi tham một đồng của các người!
Út nói rồi cứ thế ôm thằng Sơn chạy thẳng ra ngoài. Thằng bé nặng, sóc nảy trên bờ vai gầy của Út. Nó tựa đầu vào vai chị, hỏi khẽ:
- Chị ơi, cô chú quen mẹ ạ?
Cô không kịp dừng lại:
- Ừ, nhưng họ không liên quan đến mình.
- Chị ơi... Em nhớ chị. Em ngoan mà, chị đừng có cho em đi làm con nuôi có được không? Giờ chị nuôi em, sau này em có thể kiếm tiền mà. Em sẽ mua cho chị ngôi nhà to giống như nhà chú Hùng ấy.
Chạy xa khỏi ngôi nhà tràn ngập tiếng chửi bới kia, Út mới dừng chân. Cô vẫn ôm khư khư thằng Sơn, vỗ đều đều lên lưng nó.
- Sau này mày nuôi tao thật hả?
Nó gật đầu như bổ củi:
- Dạ! Em sẽ nuôi chị mà! Chị đừng bỏ em có được không? Chị ơi, em sợ lắm.
- Thế mày không sợ tao hay gì?
- Không sợ! - Nó lắc đầu nguầy nguậy. - Sợ! Em sợ mà em biết chị vẫn thương em. Hôm em ốm, chị vẫn mua bánh kem cho em, vẫn sờ trán em. Hồi bố còn sống, chỉ có bố mẹ là sờ trán em thôi.
Út ngẩn ra khi hoàng hôn ụp xuống vai mình, ánh chiều tà làm cô hấp hay hai mắt. Thì ra, chỉ một hành động nhỏ như vậy của cô lại làm thằng nhỏ an tâm, ỷ lại.
Cô thở dài một tiếng, đặt nó xuống đất:
- Thôi được rồi, về nhà thôi.
Hôm ấy là hai mươi ba tháng Chạp.
Bình luận
Chưa có bình luận