Thành phố


Thằng Sơn là đứa bướng bỉnh. Nhưng lại dễ dỗ, vì trong thế giới của nó chỉ có bánh kem và mẹ, hứa đưa nó đi tìm mẹ, nó sáng mắt lên, thu gọn đồ đạc từ sáng sớm, hấp háy nhìn Út. Nó sợ chỉ cần chậm trễ một xíu thôi, cái cô chị ghê gớm này sẽ bỏ nó lại ngay tức khắc. Đến lúc ấy thì nó đi tìm mẹ với ai.


Út nhìn thằng nhỏ mà nẫu cả ruột. Ở trên xe, nó cứ líu ríu chê cái chòi của nhà ông này bé, cái con chó trước cổng ông trưởng làng vừa xấu vừa ghẻ. Rồi nó bắt đầu khoe về đồ chơi của mình trên thành phố, đẹp, đắt tiền, chẳng quên chốt hạ một câu:


- Chị có được chơi mấy thứ đồ đó đâu mà biết. Đồ nhà quê, lêu lêu. Bao giờ gặp mẹ em sẽ bảo mẹ mua cho chị một cái.


Út tựa đầu vào cửa kính xe khách, hỏi nó:


- Mẹ thương mày lắm hả?


- Mẹ thương em nhất! Tuần nào mẹ cũng chở em đi chơi, mua quần áo mới cho em. Tối thì hát ru em ngủ. 


Nó hắng giọng rồi bắt chước giọng người lớn: 


- Cục cưng của mẹ phải nhanh lớn đi nha. Cục cưng muốn mua gì nè? 


Út nhắm mắt lại nghe thằng bé kể rồi tưởng tượng. À, hóa ra người đàn bà kia khi dịu dàng thương con sẽ có dáng vẻ như thế. 


Lên thành phố, Út thuê một nhà trọ xa trung tâm, gần với Nhổn. Nhổn của hai mươi năm trước chưa nhiều nhà cao tầng và cũng chưa nhiều người ngoại quốc như bây giờ. Song vẫn đông người, tấp nập và huyên náo. Đáng ra cô có thể ở ghép với hai ba người khác, giờ vướng nhóc Sơn, chỉ có thể thuê một mình một phòng. Tiền ăn ở độn lên gấp rưỡi.


Út nhẩm tính. Cô xin một chân phát tờ rơi, kế đến kéo thằng Sơn theo mình, cứ đứng ở ga Nhổn để phát. Lương đứng nửa ngày chỉ đủ mua 2 cân gạo. Vậy là ổn nếu sau này Út phải học nửa buổi. Mỗi giờ nghỉ trưa, cô sẽ lấy tấm ảnh mẹ mà thằng Sơn giữ, hỏi mấy người xung quanh có từng thấy người phụ nữ giống thế này không.


Thằng Sơn nào có chịu khó chịu khổ bao giờ, bị chị bắt đi phát tờ rơi, la oai oái lên giữa ga.


- Em muốn về nhà, em muốn mẹ, muốn ăn bánh kem.


Những người hảo tâm thấy nó kêu khóc như vậy, bèn nổi lòng tốt, cho nó một cái kẹo, không quên trách mắng Út:


- Sao cháu không để em ở nhà mà bắt nó ra đây? Nó khóc thế cũng không dỗ. Cháu làm chị kiểu gì đấy?


Một người, rồi hai người xúm lại rỉ róc. Thằng Sơn cầm cái kẹo vẫn hít hít cái mũi không thôi:


- Chị toàn đánh cháu. Chị không cho cháu ăn.


Thằng bé nói dối không ngại miệng, càng làm các bà, các cô ở ga thêm thương cảm. Người ta càng dòm vào Út mà nghị luận xì xào.


- Cháu con cái nhà ai? Sao bắt em chịu khổ thế? Làm chị mà làm như thế là không được!


Út cướp lấy chiếc kẹo cà phê trong tay thằng Sơn, trả lại cho người đàn bà:


- Bố mẹ nó chết rồi! Nó do cháu nuôi, cơm của nó do cháu cho ăn. Bao giờ các cô nuôi được nó thì hãy xen vào chuyện của người khác.


- Ơ cái con này! Ăn nói gì mà mất dạy thế hả?


Cô kéo thằng bé đang ăn vạ đi, mặc cho nó khóc mếu. Tiếng khóc của nó chói tai vô cùng, dội vào lòng Út, khiến cho ngực cô bị đè nặng, như có tảng đá chẹt ở đó. Khó thở, bức bối, cô hét lên:


- Đủ chưa? Mày khóc đủ chưa? Mày không thích ở với tao thì mày cút đi. Tao không nuôi mày nữa.


Thằng bé nín bặt, mở to mắt rưng rưng. Nó cũng biết sợ, chẳng qua hôm nay có nhiều người bênh vực quá nó mới dám nói dối. Giờ thì chỉ biết cun cút rụt cổ lại:


- Mẹ bảo chị sẽ phải nuôi em. Chị không nghe lời mẹ hả?


Út bật cười, mà trái tim nhói lên, đau quá thể:


- Mẹ mày bị điên rồi. Mày nhìn tao đi, tao có ăn hạt gạo nào của mẹ mày đâu mà tao phải nuôi mày? Thấy mấy đứa nhỏ ăn xin ngoài kia không? Mày còn cãi tao một câu nữa thôi, tao mang mày ra đó.


Thấy mặt thằng nhỏ xám ngoét lại, Út mới hài lòng. Sự hài lòng khi đã hành hạ và thắng thế được cái thứ đèo bòng mà cô ghét cay ghét đắng. Trong lúc nói ra câu ấy, thằng Sơn đối với cô chỉ là giọt nước lã, là gánh nặng, là tấm gương phản chiếu quá khứ tủi nhục của cô. Bản thân cô còn phải đau khổ lo từng bữa cơm, tại sao cội nguồn của những khó nhọc ấy lại được sống sung sướng?


Út cứ thế quay người đi trước, để thằng nhỏ ríu cả chân chạy theo mình. Nó ngã mấy lần, cô chỉ hơi chậm lại bước chân, chứ chẳng buồn đỡ.


Hôm ấy, Út bị quỵt tiền. Người ta bảo cô chưa phát đủ giờ, còn cãi nhau với người qua đường. Cứ thế, họ mắng xa xả:


- Còn đòi tiền hả? Phát tờ rơi là để tăng độ nhận diện của công ty. Cháu nhìn xem mày làm cái gì? Biến biến! Trước khi ông đây điên lên.


Suốt hai ngày phát tờ rơi, nắng xám cả hai gò má mà Út chẳng nhận được một đồng nào. Tiền trong túi chẳng còn bao nhiêu, do đã đặt cọc tận 2 tháng tiền phòng. Học phí không phải lo, nhưng sách vở, chi phí ăn uống đâu phải chuyện nhỏ. Út nằm xuống cái giường ọt ẹt. Căn phòng ở tầng ba, ban công bị khóa lại như chiếc chuồng cọp. Cô càng khó chịu, tự hỏi sao người ta có thể sống trong cái không gian chật chội và tù túng đến nhường này. 


Thằng Sơn thì đang nằm trên võng, nhìn về phía Út. Suốt từ lúc về đến giờ chị chưa nói chuyện với nó, cơm cũng chẳng buồn nấu. Bụng nó đói meo rồi mà không dám nói. 


Út nghe tiếng ọt ọt rõ ràng, quay sang hỏi:


- Đói hả?


Sơn gật đầu.


- Tao cũng đói. Nhưng nay nhịn đi. Tại mày hôm nay tao không kiếm được một đồng nào. Không có ăn đâu.


Thằng Sơn òa lên khóc, rồi lại nhớ ra chị mình không thích nó khóc, bèn ngậm miệng lại. Tiếng khóc biến thành tiếng nấc càng làm Út đau đầu.


- Em... Sai rồi... Chị ơi... em xin lỗi.


- Xin lỗi thì có ích gì? Có cơm ăn được sao? Mày có biết tiền mày ăn là tiền dì Hiền cắm ruộng cho người ta không? Mày có biết không có ruộng là cả nhà sẽ phải chết đói hay không? Nếu tao không mang tiền về chuộc lại ruộng, mày biết sẽ thế nào không?


Mày làm gì biết. Út nghĩ thầm rồi mệt mỏi trở người dậy, đi nấu một nồi cơm rang. Thằng Sơn vẫn ngồi rất lâu, không biết nó nghĩ cái gì mà thơ thẩn mãi. Cho đến khi Út mang hai bát cơm rang ra, nó vẫn còn đang nghĩ ngợi. 


- Ăn đi.


Thấy chị cho mình ăn, nó mới lao đến như hổ đói, chẳng dám chê bôi gì như mọi lần mà vét sạch bát cơm.


Út bắt đầu tính về những tháng ngày rất dài của mình. Cô tiếp tục xin việc, sáng đi làm đủ thứ việc, từ dọn bàn quán ăn, làm tượng sống trong công viên buổi tối, cho đến nhặt ve chai. Mỗi lúc rảnh sau giờ học, cô sẽ đi in ảnh của mẹ ra để dán ở những nơi đông người, ghi địa chỉ của mình lên. Chỉ mong có ai đó thấy bà ta có thể liên lạc với mình. Suốt hai tháng trời, người mẹ vô tâm vẫn bặt vô âm tín, mà Út đã mệt rã rời.


Thằng Sơn từ hôm bị mắng đã bắt đầu chăm chỉ hơn. Út đi dọn bàn nó cũng theo nhặt rác, Út nhặt ve chai nó mang bao hộ. Thằng bé thay đổi một trăm tám mươi độ. Tối đến, nó lại rúc vào lòng chị đòi hát ru.


Út không biết hát ru, chất giọng khàn khàn do bệnh ho mãn tính của cô cất lên, cực kỳ khó nghe. Thế mà nó vẫn mỉm cười và đi vào giấc ngủ rất nhanh. Gần một tháng nay, nó đã ít nhắc đến mẹ hơn, không còn đòi Út mua bánh kem nữa. Cô đưa tay lên vuốt mái tóc lâu ngày chưa cắt của nó, rồi lại rụt về.


Nó tỉnh, hỏi một câu:


- Chị ơi! Chị không thích em sao?


Út thấy miệng mình đắng ngắt. Nói "Tao không thích mày" thì có tàn nhẫn quá chăng? Còn nói dối thì Út không sao mở miệng thốt ra được ba chữ "Tao thích mày".


Cô gục xuống gối, giả vờ ngủ thật say. Nhóc Sơn thấy chị không trả lời, mặt xị xuống rồi ngoan ngoãn ngủ theo.


Nó lẩm bẩm:


- Em sẽ ngoan mà. Chị đừng ghét em...






Bình luận

Chưa có bình luận
Preview Settings

Try It Real Time

Layout Type
    • LTR
    • RTL
    • Box
Sidebar Type
Sidebar Icon
Unlimited Color
Light layout
Dark Layout
Mix Layout
}