2. Út chẳng ở lại triền đê lâu. Khi cô về nhà đã đến giờ cơm trưa. Cô định vào bếp thì thấy trong nhà nức lên mùi thơm. Bàn cơm dọn sẵn ngoài đầu hiên, dì Hiền khom người bưng một chiếc nồi đất ra. Thằng Sơn ngồi bắc chân trên chiếc ghế gỗ, tuy dè dặt nhưng vẫn hào hứng ngước lên nhìn.
- Lâu rồi dì không xuống bếp. Cháu ăn thử xem có quen không.
Thằng nhỏ Sơn chun mũi khi ngửi mùi cá kho, miệng cứ làu bàu "cái gì đen" thế này nhưng vẫn khoắng thẳng vào trong nồi.
- Cái gì thế này. - Nó nhăn mặt lại khi nếm thử miếng cá. - Mặn thế này sao mà ăn được?
Dì kiên trì giải thích:
- Cái này phải ăn với cơm, ăn cùng cơm vừa phải vị, ngon lắm.
- Không ăn! Không ăn! Cháu muốn ăn bánh kem! Cái đồ của đám nghèo rớt mồng tơi này ai thèm ăn!
Dì rất hiền, luống cuống:
- Ở đây thì lấy đâu ra bánh kem cho cháu chứ. Cháu ăn tạm đi không đói, khi nào có dịp dì mua cho cháu, được không?
Thằng bé quẳng ngay bát cơm xuống dưới đất, đồng thời giẫm lên mấy hạt cơm trắng tinh. Cái bát sứ vỡ tan. Nó khóc lớn:
- Cháu không thèm! Cháu muốn về với mẹ! Mẹ ơi, con không muốn ở đây đâu, mẹ về với con đi.
Út mở cố ý mở khóa cổng thật mạnh, đến cạch một tiếng. Dì Hiền nhìn mãi mới ra cháu gái, chấm nước mắt:
- Con về rồi hả con? Con đi đâu thế?
Út lướt qua người bà đến trước mặt thằng Sơn:
- Nhặt cơm lên. Xin lỗi dì!
Nó vẫn ngang bướng hét lên:
- Em muốn về với mẹ!
- Im mồm! - Út lớn tiếng nạt lại, dì sợ thằng Sơn khóc khuyên cô nhịn nó tí. Út không nghe. Cô ép thằng nhỏ gập lưng xuống, rồi cầm cổ tay của nó, ép nó phải xòe bàn tay ra, nhặt hết cơm rơi vào bát.
- Cơm không phải trên trời rơi xuống. Mỗi hạt là một giọt nước mắt. Mày không sợ trời phạt nhưng mà tao sợ.
Thằng nhóc la lên oai oái như bị ai đánh đau lắm, Út chẳng phiền hà, còn mạnh tay hơn.
- Buông em ra! Buông em ra! Sau này em lớn em sẽ đuổi chị ra khỏi nhà, nhà này là của ngoại, của em.
Chỉ lúc này Út mới ngừng tay:
- Mẹ mày dạy mày như thế à?
Nó thút thít:
- Em là con trai. Chị chỉ là con gái thôi, chị phải nhờ vả vào em. Không có em thì chị còn lâu mới lấy được chồng. Sau này chị bị đuổi khỏi nhà thì đừng có trách em.
- À thế hả?
Út rút lá thư mà mẹ viết cho mình ra:
- Mày biết đọc không? Mày nhìn từng chữ đi! Mẹ mày bỏ mày rồi, mày không có bố, không có mẹ! Không có ai thương mày hết, người ta vứt mày cho tao rồi. Nhà này là bà ngoại cho tao! Giờ tao là người cho mày cơm ăn, áo mặc. Tao mới là người có quyền đuổi mày ra khỏi nhà!
- Út! Ai cho con nói thế hả?
Thằng Sơn đỏ ửng cả hai mắt, lần này nó không ăn vạ, mà khóc thật. Nó nức nở gọi tên mẹ, dì Hiền đau lòng dỗ dành, không quên lườm Út một trận. Út nhìn thằng bé mà như thấy cảnh bà ngoại ôm mình hơn mười năm trước. Dì Hiền trách:
- Nó chỉ là một đứa nhỏ thôi. Con không bao dung nó được hay sao? Nó bị vậy đã khổ rồi.
Út thõng vai xuống mệt mỏi:
- Nó khổ, con không khổ hay gì? Còn tương lai của con phải làm thế nào?
- Con không nuôi được em thì để dì nuôi. Đó là máu mủ nhà mình, con ơi.
Út đối với hai từ máu mủ cực kỳ xa lạ. Máu mủ của cô, là người bố quất ngựa truy phong, là người mẹ cầm tiền chữa bệnh của con gái bỏ nhà theo trai. Máu mủ của cô là đứa em phải đèo bòng như gánh nợ.
Thằng Sơn vẫn khóc ra rả:
- Con muốn về với mẹ! Con muốn về với mẹ! Con không muốn ở chỗ này đâu. Con muốn ăn bánh kem.
- Được rồi được rồi. Lát nữa dì đi mua bánh kem cho con, con nghe lời đi được không?
Út chán chường khi nhìn thấy cảnh này, bỏ vào trong phòng. Cô nhìn dì, nói một câu khiến bà cứng người:
- Giờ dì còn sức để nuôi nó sao? Đời người có mấy cái mười năm?
Năm nay dì bốn mươi lăm. Chân đã chậm, mắt bắt đầu lòa do thời con trẻ khóc thương đứa con sinh non sau khi bị chồng bỏ. Mười năm trước, một tay dì phụ bà ngoại nuôi Út nên người. Mười năm sau... Thời gian tàn phá người ta quá.
Út ngủ liền một mạch cho đến chiều. Đang ngủ, bên tai cô bị nhéo lên, rồi một loạt tiếng hét dội vào tai:
- Chị! Chị! Em đói! Em muốn ăn bánh kem!
Cô mở mắt, nắng trưa lên hanh hao, hơi chói. Thằng nhỏ quấn lấy một bên tay Út, véo tai cô cứ hét thẳng vào trong. Đầu Út ong ong, mà nó vẫn lèo nhèo đòi ăn bánh kem.
Bánh kem là thứ gì?
Cả đời Út chỉ được ăn có hai lần trong sinh nhật của mấy đứa bạn nhà giàu trong xóm.
- Đủ chưa? - Cô nạt thằng nhỏ? - Nhà không có bánh kem, cơm mày đổ đi rồi. Mày vào trong nồi cơm, xem có củ khoai thì lấy ăn tạm!
- Không chịu! Dì đã hứa là mua bánh kem cho em! Đồ nghèo lừa đảo!
Bốn chữ "đồ nghèo lừa đảo" làm Út giận tím cả mặt. Cô vung tay, trước khi giận quá mất khôn tát vào mặt thằng nhỏ, cô lại túm tóc mình giật mạnh.
Út đặt mạnh nó xuống đất, lừ mắt:
- Tao nói cho mày biết. Lần sau mày còn nói dì như thế, tao mang mày cho con dê ở nhà bên cạnh ăn.
Mấy năm trước nhà bà Năm có mua một con dê cái, tụi nó sinh được mấy lứa. Lứa nào cũng khỏe mạnh, kêu be be inh cả tai mỗi buổi trưa. Thằng Sơn chắc chưa từng gặp dê bao giờ, nghe nói mình sẽ bị vứt cho dê ăn thì im bặt, chỉ khóc thút thít.
Dì Hiền đã đi thăm vườn rau rồi.
Út đành ngồi dậy lấy một ít khoai lang mật cho thằng nhỏ. Trẻ con đều thích ngọt, nó chỉ ỉ ôi chê xấu một lúc thôi rồi cũng gặm lấy gặm để. Có lẽ đã đói lắm rồi.
Út nhìn nó, lại nhìn giấy nhập học của mình, nhẩm tính thời gian, chỉ còn ba ngày nữa là cô sẽ phải lên trên đó thuê nhà cửa, nộp hồ sơ. Giờ thì thêm một gánh nợ.
Chính xác, thằng Sơn đối với Út chỉ là một gánh nợ. Hơn nữa gánh nợ này còn gợi cho nhớ đến quá khứ cơ cực của mình. Nó được mẹ chăm sóc rất tốt, trắng hồng, được ăn bánh kem, được đưa đi chơi công viên vào cuối tuần. Trong lúc đó, ở dưới quê, Út và bà ngoại phải chắt chiu từng đồng, mót từng hạt lạc để ăn chống đói những ngày mưa rào tầm tã. Số tiền mà bà ta mang đi để sung sướng bên người mới, nuôi con trai mới, từng là đồng tiền cứu mạng của Út.
Làm sao mà cô nguôi ngoai cho được.
Dì Hiền hôm ấy đi thăm đồng về sớm, Út đã rang mắm một bát lạc và nấu một nồi bí ngô hầm xương. Quê nghèo những năm 2000, ăn thế này là sang. Dì Hiền ngạc nhiên song cũng không hỏi. Thằng Sơn bám víu lấy dì xin bánh kem. Bánh kem thì không có, chỉ có một gói kẹo mạch nha và một cái con quay.
Thằng bé xì cái mỏ rõ dài, đấm lên người dì Hiền chê cái kẹo xấu thế này làm sao bằng bánh kem. "Dì nói dối, dì lừa dối", Út nghe mà ong cả đầu. Cô cốc lên trán nó, mở gói kẹo rồi nhét viên kẹo vào mồm nó.
- Không ăn thì nín.
Chẳng rõ do kẹo ngon hay sợ Út mà nó im bặt, không dám hó hé câu nào nữa.
Dì Hiền vẫn quở:
- Lần sau nhẹ nhàng thôi, em nó còn bé.
- Còn bé càng phải dạy. Nuông nó sau này nó làm ông trời.
- Con cứ nói thế, hồi nhỏ con cũng bướng, giờ hiểu chuyện thế này còn gì. Đứa nhỏ nào lớn lên cũng sẽ ngoan thôi.
Út thôi cãi dì. Hai dì cháu ngồi xuống mâm cơm. Út lừ mắt bảo thằng Sơn cất kẹo để ăn cơm trước. Nó tiếc nuối giấu trong túi áo, mon men lại gần. Út chia cho dì Hiền mấy miếng xương ngon nhất, dì lại chia cho thằng nhỏ. Cuối cùng, chỉ có bát của Út là vẫn chẳng động đến một hạt cơm nào.
- Dì vừa mới đi nghe ngóng tin tức của mẹ con. Bà Lài bảo trước thấy mẹ con, ở đâu nhỉ, ở..., ở ga Nhổn.
Út im lặng, bà Lài cũng chính là người mang tin tức mẹ cô đi lấy chồng mới về kể cho bà ngoại.
- Nhưng mà cả tháng nay không thấy nữa.
Dì Hiền thổn thức, buông bát cơm xuống. Út cũng chẳng còn lòng dạ nào mà ăn. Cô chan vội một chén canh, rồi bảo:
- Mai con lên Hà Nội sớm.
- Sao thế? Sao bảo sang tuần sau mới đi. Giờ sắp cuối tuần rồi. Ai cho con nhập học?
- Con mang cả nó đi nữa.
Út chỉ vào thằng bé háu đói đang quét sạch mâm cơm. Dì Hiền ngay lập tức cau mặt lại:
- Con mang nó theo làm gì. Út, dì không đồng ý.
- Dì không đồng ý con cũng mang nó đi. Trong giấy ủy quyền đã ghi rõ, thằng bé do con nuôi. Dì nói bà Lài thấy mẹ nó ở trên Nhổn mà đúng không? Trường con cũng ở trên đó, con đưa nó đi tìm mẹ.
Dì Hiền vẫn khăng khăng:
- Nếu không tìm thấy thì sao?
- Không tìm thấy cũng phải tìm. Dì ơi, coi như dì thương con có được không? Con sợ, con sợ nhìn thấy nó.
Lần đầu tiên Út khóc, từ ngày mẹ bỏ đi, cô đã không khóc. Làm gì phải khóc thương cho một người thương mình. Thế nhưng giờ đây, Út không kìm nổi, nước mắt cứ tự động rơi xuống.
- Nuôi nó... Mười năm, mười lăm năm. Sau này đời con...
Dì Hiền cúi đầu im lặng. Cả cuộc đời của bà đã nghe bà ngoại dạy rất nhiều về đức hi sinh. Bà hi sinh để tất toàn mọi việc trong gia đình chồng. Bà hi sinh nuôi con của chị, để rồi đến khi già, lại bị người chị kia buộc thêm cho một đứa con khác.
Dì nhìn thằng Sơn, thở dài:
- Thôi được rồi, đưa nó đi tìm mẹ đi. Không tìm được thì mang nó về với dì.
Út không đáp, chỉ nhìn ra ngoài rặng rào. Cô không muốn lừa dì Hiền, không muốn để dì nuôi hi vọng.
Sáng sớm hơm sau, Út lên đường.
Bình luận
Chưa có bình luận