Lần đầu tiên gặp mặt em trai, Út đã mười tám tuổi. Thằng nhóc mặc một chiếc áo bông cũ mèm, đứng lấp ló ngoài đầu hiên chờ người lớn nói chuyện. Dì hai cúi đầu, vài sợi tóc bạc thưa rủ xuống đôi chân mày khắc khổ. Người đàn ông trung niên lặp lại đi lặp lại mấy câu "Tôi xin lỗi, tôi xin lỗi" rồi quay đầu đi thẳng. Thằng bé kia vẫn ngẩn ngơ trong sân, tròng mắt hoang mang như con bê lạc đàn. Trong một khoảnh khắc đó, Út chỉ kịp nhận ra mình có một người em trai, chung nhau nửa dòng máu, kém cô đến mười tuổi.
1.
Ký ức về mẹ đã lùi xa vào trong con số mười tám năm đằng đẵng của cuộc đời Út, như bọt biển vỡ tan trên sóng. Hiếm có đứa trẻ nào khi nói về tuổi thơ lại dùng từ "đằng đẵng" một cách khắc khoải và mệt mỏi đến vậy. Trong ít kỉ niệm vụn vặt còn sót lại, mẹ lúc nào cũng hiện lên với những lời đàm tiếu, bỉ bôi. Út không có cha, lại là con của một người đàn bà "chuyên phá hoại gia cang" nhà người khác. Xóm làng đã nói về Út như thế trong suốt những năm mà cô lớn lên cùng bà ngoại. Không có cha đã khổ, riêng Út, có mẹ mà hóa như không. Cô vẫn còn nhớ những chiều đi học về, mẹ ngồi bên cái cửa sổ đã sụp một nửa, dưới chân lăn lóc mấy chai rượu nặng và mẩu tàn thuốc lá. Bà nhìn thấy cô, nghiến răng lại, tiếng nguyền rủa rít ra từ trong cổ họng khàn khàn bao năm do bị rượu hủy hoại:
- Sao mày không chết đi cho tao đỡ chướng mắt! Tại mày, tại thằng khốn đó…
Út không biết mình giống ai, nhưng chắc chắn rằng mẹ hận người được nhắc đến trong câu rít kia đến tận xương tủy. Làng xóm bảo, mẹ bị người đàn ông có vợ lừa tình. Sinh ra Út, bà lạy lục đến xin người đàn ông đó cho mình một danh phận. Vợ của ông ta nghe được câu chuyện lao đến đánh chồng, rồi dí đầu mẹ xuống cắt phăng mái tóc dài của bà. Bên ngoài cửa bao nhiêu người chỉ trỏ, từng lớp áo của mẹ bị xé ra, bị giày xéo cho thiên hạ chê cười.
Không chồng mà chửa, làng xóm có thương thì vẫn thương, song đều thở dài trách mẹ ngu dại.
- Thì đó, nó tranh chồng người ta trước. Giờ phải chịu quả báo thôi, trách móc gì?
- Cô vợ làm thế là còn hiền. Là tôi chắc tôi đánh cho không lết nổi.
Mỗi lúc bị mẹ mắng, Út chỉ biết lẳng lặng ra sau nhà. Cô trèo lên cái ghế mà bà ngoại thường dùng để hái cau, chống cằm ngắm lũ trẻ vui đùa ngoài kia qua bờ rào. Tụi nó phát hiện liền chỉ trỏ nhau ném viên sỏi về phía cô, tiếng cười giòn tan của lũ trẻ y hệt như lời nguyền:
- Ha ha con hoang nó kìa tụi mày ơi!
- Nè con hoang. Mày có thấy con dê nhà bà Năm hông? Mày cũng bú sữa con dê mà lớn lên đúng không?
Con dê đực nhà bà Năm be be mấy tiếng, vểnh tai lên rồi lại vùi đầu vào tàu cỏ úa, chỉ còn mình Út ngẩn ngơ. Bà ngoại nhéo nhẹ tai cô, dúi cho một củ khoai nóng hổi. Ở ngoài kia, nhà bà Năm đang chửi đổng lũ nít ranh:
- Tụi mày có cha có mẹ mà không ai dạy hả? Lần sau tao mà còn thấy tụi mày trêu con bé, tao cho tụi mày biết tay!
Lũ trẻ ré lên rồi chạy thục mạng.
Út lại cười khanh khách, gần như những chuyện vừa rồi chẳng hề hấn gì. Ít nhất cô vẫn còn bà ngoại thương mình hết mực, vẫn còn hạnh phúc hơn chán những đứa trẻ khác.
Thế rồi mẹ Út cũng bỏ đi, sau khi cuỗm sạch gia tài của bà ngoại, chỉ chừa lại có vài đồng bạc để đi đóng sản ruộng. Út đang bệnh nặng, những cơn ho thắt ruột thắt gan làm đứa trẻ xám ngoét mặt lại, tiều tụy hẳn đi. Hôm ấy bà ngoại ôm cháu gái khóc, hết khóc lại cười, mếu máo chửi đứa con do mình rứt ruột đẻ ra sao mà tàn nhẫn, bội bạc. Bà lại lật đật đi xin làng xóm ít mật ong và lá hẹ cho cháu uống. Cơn ho húng hắng đệm nhạc cho cơn gió bấc cắt da cắt thịt, Út nhìn ra ngoài, nước mắt chẳng biết ứa ra từ lúc nào. Kể từ khi ấy, Út đã chẳng còn mẹ.
Bẵng đi mấy tháng trời, Út và bà ngoại nhận được tin rằng mẹ cô đã lấy chồng mới trên thành phố. Nghe nói người đàn ông này hơn mẹ tận mười tuổi, vừa mới bỏ vợ xong. Người vợ này còn từng đến chỗ mẹ làm đánh ghen mấy bận, gà bay chó sủa, ai cũng cười chê. Người kể chuyện vừa lấy tay che miệng cười vừa híp mắt lại, không che giấu sự khinh bỉ:
- Con nhà bà Tư tốt phước ghê nhe. Lấy chồng ở trên thành phố, được chồng giàu yêu chiều, người khác làm gì có ai có phước phần như thế đâu.
Miếng chè hạt sen trong miệng bà ngoại đắng ngắt buông xuống. Những tưởng hình ảnh của người đàn bà kia đã mờ đi trong những tháng ngày bà cháu mắm muối nuôi nhau. Nào ngờ đâu, mẹ vẫn mang đến cho ngôi nhà này bao nhiêu khổ sở và tủi nhục.
- Nó chết trôi chết lủi ở đâu cũng được. Đừng có về nhà.
Suốt mười năm trôi qua, mẹ Út không về nhà thật. Bà ngoại cũng mất, Út được dì ruột nuôi. Số dì Hiền lận đận, lấy chồng được ba năm thì bị bỏ, mà cả đời dì chẳng có ý định muốn tái giá. Hai dì cháu lại nương tựa vào nhau trên mảnh vườn của bà ngoại.
Thời gian thấm thoát trôi qua. Mẹ Út chỉ thi thoảng được nhắc tên đến trong mỗi dịp Tết. Nhưng hôm nay, con trai của mẹ và người chồng kia lại bị người ta mang đến, vứt ở trong sân. Cả dì Hiền lẫn Út đều bàng hoàng khi biết mình có cháu ruột, có em ruột. Nó tên Hà Sơn, một cái tên nghe thôi đã thấy ấp ủ bao nhiêu mong mỏi của bố mẹ. Tuy vậy, cái tên này cũng chẳng mang lại may mắn cho thằng nhỏ.
Sơn được một người đàn ông mang đến, là bạn của mẹ Út. Ông ấy đượm buồn kể về hoàn cảnh của mẹ khi mới lấy chồng. Vợ cũ nhiều lần làm khó, nhà chồng không ưa, ngay cả con trai sinh ra bao nhiêu năm rồi vẫn bị mẹ chồng nghi ngờ không phải cháu ruột. Mẹ Út cắn răng nuôi con khôn lớn, nhưng số phận trớ trêu thay, người duy nhất chấp nhận bà vừa mới qua đời tháng trước. Ngay khi con trai vừa mất, điều đầu tiên nhà chồng làm là tống cổ đứa con dâu trắc nết và thằng cháu hờ ra khỏi nhà.
Út nghe đến đây, trong lòng chẳng thấy một chút xót xa nào. Có lẽ tình cảm mà cô dành cho mẹ đã bị vắt cạn trong tiếng vỏ chai lăn rầm rầm trên sàn vôi.
- Chuyện đó thì liên quan gì nhà cháu chứ? Mẹ bỏ nhà đi chục năm rồi, chú làm bạn mẹ cháu cũng phải biết.
Người đàn ông thở dài:
- Nhưng mà cũng không thể để thằng bé ở chỗ chú đúng không? Mẹ cháu đó, mang gửi thằng bé ở chỗ chú kêu về ngay, đến giờ cũng gần một tháng rồi. Chú lục cặp sách của thằng bé mới thấy dòng địa chỉ này. Mẹ cháu còn gửi lá thư đây này.
Lá thư mẹ Út viết như gà bới mà khốn nạn đến cùng cực. Trong thư, mẹ xin lỗi bà ngoại vì không báo hiếu bao nhiêu năm, còn ủy quyền nuôi thằng Sơn cho Út.
Bà ta có biết bà ngoại đã mất rồi hay không?
Suýt chút nữa Út đã phát điên ngay đấy. Dì Hiền ho sặc sụa, ho dữ dội, nước mắt khô cạn rỉ ra. Năm nay dì cũng đã già.
- Giống gì chứ không phải giống người. Làm chị, làm mẹ, làm con, mà làm như thế được hay sao?
Người đàn ông cúi đầu "Tôi xin lỗi, tôi xin lỗi" rồi quyết tuyệt quay người đi. Để lại thằng nhỏ Sơn ngẩn ngơ giữa sân, trước những người ruột thịt xa lạ. Út nhìn đôi mắt ngây thơ của thằng nhỏ, bất lực hét lên:
- Bà ta muốn con chết mới vừa lòng hay gì đây? Bao nhiêu năm qua bà ấy làm khổ con chưa đủ sao? Có ai lại vứt bỏ con mình từ khi nó bé tí để đi lấy chồng? Bỏ con rồi thì thôi. Giờ còn bắt con nuôi con trai hộ bà ta hay gì?
Út vừa khóc vừa chạy đi, va cả vào thằng Sơn. Người trong xóm trên đường cô đi qua đều ngoái đầu lại hỏi, song cô không quan tâm. Gió đồng nội sượt qua hai gò má cao như lưỡi dao sắc lẻm cứa vào. Đến khi dừng lại trước bờ đê, Út mới phát hiện ra nước mặt đã khô thành vệt trên mặt mình từ bao giờ.
Bên dưới triền đê, lũ trẻ đang chơi trò tập trận giả, những bông lau màu xám phất lên, tiếng cười tíu tít làm sáng loáng cả một khúc sông buồn. Một đứa trẻ ngước lên hỏi:
- Chị Út chưa lên thành phố ạ?
Đứa khác cũng tò mò:
- Chị lên trên thành phố nhớ mua quà về cho tụi em nha.
- Mày cứ làm như chị Út đi chơi á. Chị đi học, nghe chưa. Bố tao bảo đi học đại học trên đó là nghiêm lắm, người ta không cho về đâu.
- Trường mà mày nói như cái nhà tù vậy mày.
- Thì tao có biết đâu. Từ xưa đến nay làng làm gì có ai học đại học đâu mà tao biết.
Út nghe tụi nhỏ hỏi vậy, nỗi uất ức càng dâng lên, nghèn nghẹn bóp chẹt nơi cổ họng. Thành phố nằm ở hướng Bắc, nơi con gió hun hút thổi về. Út vừa đỗ đại học ở trên đó, ngành Sư phạm. Dì Hiền vì muốn cô có tiền lên trên đó học đại học, đã cắm cố mấy sào ruộng lấy ít tiền. Út đã tính sẵn rồi, cô sẽ ăn kham khổ, ở kham khổ trong hai tháng đầu, rồi kiếm việc trên thành phố, nuôi dì, chuộc lại mảnh ruộng của bà ngoại.
Rồi tương lai của hai dì cháu sẽ tốt hơn rất nhiều.
Vậy mà giờ đây, một đứa em cùng mẹ khác xa lại xuất hiện trong cuộc đời Út, phá tan hết dự định của cô.
Bình luận
Chưa có bình luận