Bách đã kỳ công dành tặng cho Quân Anh một bài thuyết giảng dài chừng mười lăm phút. Vì tội đã để nó phơi nắng đến quắt queo khô héo, đến đen xì như than.
Có điều, Bách không thật sự giận dỗi. Nó chỉ đang tìm cách bắt chẹt Quân Anh với mục đích là để thấy thằng bạn mình trừng mắt, nghiến răng nghiến lợi mà không cãi lại được câu nào.
Hạ Uyên nhìn thấu được điều đó, nhưng cũng biết nguyên nhân thật sự là do mình, nên con nhỏ cố gắng khuất khỏi tầm mắt của Bách càng xa càng tốt, chỉ dám lặng lẽ cùng Chương chuyển đồ từ dưới ghe lên bến, chuẩn bị vác vào nhà Hiệp.
Sau khi đợi Quân Anh buộc ghe chắc chắn vào một gốc cây ven sông, nhóm bạn đi dọc theo lối mòn nhỏ lổn nhổn đá vụn, xuyên qua một vườn cau rộng lớn giáp với lộ đan. Hết vườn cau, lối đi dẫn ra ruộng. Một con đường hẹp nối tiếp lối mòn, uốn lượn giữa hai miếng ruộng rồi dừng lại trước một gò đất cao nổi giữa cánh đồng trống trải, ở đó có một ngồi nhà lá khá xập xệ.
Nhà của Hiệp.
Căn nhà thu mình lại, tách biệt và tự ti giữa sự xô bồ của thế gian, hệt như tính cách của Hiệp vậy.
Tiếng bánh xe đạp nghiến sỏi lạo xạo của Chương vọng lại từ đằng trước, nhưng Quân Anh không thể nhìn thấy khứa bạn ú nu ú nần của mình vì bị Bách với đống lá chằm nhấp nhô trên vai theo từng bước chân nó che khuất mất. Bản thân Quân Anh cũng như vậy, đầu nó nghiêng sang bên phải, cơ thể gồng lên đỡ lấy sức nặng của thứ vác trên vai.
Hạ Uyên đi bên phải Quân Anh, hai tay nhỏ xách hai túi sách vở, một túi còn lại đã gửi trong giỏ xe của Chương.
Tháng bảy. Gió thổi vun vút qua cánh đồng bạt ngàn. Mùi đất ẩm hòa quyện với hương cau, hương cam thoang thoảng. Ở đây người ta đã bắt đầu mùa vụ mới, mạ đang lên, phủ một màu xanh non mềm mại trên những thửa ruộng màu mỡ. Thi thoảng có một đàn cò trắng sà xuống, rồi lại vụt bay đi khi con bù nhìn làm bằng tre mặc áo mưa nilon quật phần phật theo cơn gió xua đuổi chúng.
Bức tranh miền quê này quá đỗi thanh bình, quá đỗi tĩnh lặng. Mãi sau này, bốn người bạn mới biết, cảnh đẹp bình dị ngày hôm nay sẽ lại được khơi dậy trong tâm trí, để rồi khi tha hương, ai cũng nhớ về và day dứt mãi một nỗi khôn nguôi.
Gió thổi đồng xanh.
“Quân Anh!” Hạ Uyên gọi.
“Hử?”
“Hiệp nó lùa vịt kiểu gì hay vậy? Từ nhà nó qua bờ kinh cũng xa lắm chứ bộ!”
“Ai biết.” Quân Anh trả lời. “Lát hỏi nó thử coi.”
“Mày có khúc mắc gì không?” Hạ Uyên nhại lại giọng của Quân Anh. “Tao sẽ nghĩ cách gỡ rối cho mày.”
Quân Anh nổi điên. Nó hung hăng bước nhanh hơn, xíu nữa đã lấn luôn Hạ Uyên lọt xuống mép ruộng. Rồi thấy con nhỏ cũng chẳng thèm rượt theo mình, nó đành đi chậm lại. Lửa giận vừa bốc lên đã nhanh chóng bị chủ nhân của nó dập tắt. Dù sao thằng nhóc cũng không thể tức tối với con nhỏ được lâu.
Ngó thằng Bách một hồi, Quân Anh quyết định làm rõ một chuyện. Nó đợi Hạ Uyên tới gần rồi thấp giọng xuống chỉ còn là tiếng khào khào, Hạ Uyên phải lắng lỗ tai lắm mới nghe được.
“Chuyện Mẹ Già và Cục Cưng của nó là sao vậy?”
Mẹ Già là biệt danh Quân Anh đặt cho Bách và tất nhiên, nó chỉ dám gọi sau lưng. Còn Cục Cưng ở đây thì cũng không ai khác ngoài Chương.
Hạ Uyên quăng cho Quân Anh một cái nhìn khinh khi, như thể Quân Anh vừa hỏi cái điều hiển nhiên mà ai cũng biết hết trơn hết trọi. Nhưng sau cùng nhỏ cũng lên tiếng: “Mày thấy sao thì là vậy đó.”
Câu trả lời vô thưởng vô phạt này không làm Quân Anh nản chí, nó lại hỏi: “ Thiệt luôn?”
Hạ Uyên gật đầu, đoạn nhỏ nói thêm: “Đừng có đi đồn tùm lum đó! Chỉ từ một phía của Mẹ Già của mày thôi, Chương nó không biết gì đâu.”
“Điên sao mà đồn?” Quân Anh rít lên khe khẽ.
Hân là người đầu tiên nhìn thấy tụi nó tới. Con bé đứng ngay hàng rào tre, nhấp nha nhấp nhổm, hết quay đầu vào nhà réo gọi anh, rồi lại quay ra mừng rỡ với đám Hạ Uyên. Hân là em út trong nhà, năm nay lên lớp Hai, bé còn một người anh nữa tên Hiếu, năm nay học lớp 8. Hân thích Hạ Uyên lắm, chắc là vì Hạ Uyên luôn dịu dàng và hay tặng buộc tóc với bút màu cho con bé.
“Anh Hai ơi, bạn anh tới kìa!”
Con bé mở cổng rào, vụt chạy ra đường, bỏ qua cả nụ cười của Chương, lời chào của Bách lẫn ánh nhìn của Quân Anh rồi ôm chầm lấy Hạ Uyên. Thân hình nhỏ thó với cái chỏm đầu vàng chóe do cháy nắng của con bé chỉ cao tới bụng con nhỏ. Mà cũng do Hạ Uyên cao hơn mấy bạn nữ cùng trang lứa, thậm chí là cả con trai, xấp xỉ một mét bảy mươi.
“Chị Hạ Quyên!”
Con bé không gọi nhầm tên của Hạ Uyên, chỉ là giống đa số người dân ở đây, phát âm không rõ hoặc không thích phát âm chữ Uyên. Họ cho rằng gọi như vậy thì hơi bị mỏi miệng. Hạ Uyên cũng chẳng buồn sửa lại, thích kêu Quyên thì cứ là Quyên.
Phía trước, Hạ Uyên nghe thấy Bách làu bàu gì đó về việc nó chỉ là thứ tồi tệ, không xứng đáng được con gái chào đón. Cái thằng, đi tị nạnh với cả một đứa con nít.
Sau đó, phản ứng của Hiệp làm bốn đứa hơi bất ngờ... chính là, nó không phản ứng gì hết. Như thể nó đã biết trước một cách chắc chắn rằng đám bạn trời thần của mình sẽ tạt qua đây ngày hôm nay vậy.
Thấy Hạ Uyên tới, Hiệp tròng cái áo dài tay vào, vừa kịp che đi hai hàng “dao găm” đang nhô ra lồ lộ ở mạn sườn. Đoạn, nó chỉ vào một khoảng đất trống bên hông nhà, nhờ Bách và Quân Anh đặt lá chằm ở chỗ đó.
Nhận ra ánh mắt âm trầm của Hiệp dừng lại ở mấy túi tập sách, Hạ Uyên vội nói: “Của thầy Lương tặng ba anh em mày đó.”
“Mỗi đứa tụi mình đều có một phần.” Nhỏ bổ sung.
Hiệp đón lấy.
“Cảm ơn thầy Lương giùm tao nha! Cũng cảm ơn tụi mày nữa.” Rồi thằng nhóc vội té lẹ trước cái ôm không cần thiết lắm của Chương.
Hạ Uyên gật đầu.
Đúng như Chương nói, không có người lớn ở nhà.
Trong lúc cả đám đang loi nhoi trước sân thì thằng Hiếu từ trong nhà đi ra. Nó không nói không rằng, chỉ gật đầu với bạn của anh mình rồi vớ lấy chiếc cần câu dựng bên vách, tay xách theo một cái xô rồi đi mất dạng. Bộ dạng lầm lì với gương mặt rõ là bướng, như thể sẵn sàng nghênh chiến của Hiếu làm Chương hơi rén, nên nó cũng không dám hỏi han gì thằng nhóc hết.
Bốn đứa con trai đi thêm một lượt nữa mới vác hết số là chằm. Thật ra không cần phải đi hết bốn đứa, vì Quân Anh đem cũng không nhiều, tầm mười lăm hai chục gì đó, nhưng tụi con trai cứ phải dính lấy nhau như vậy mới được. Thế mà khi được nhận xét là “tình như thủ túc” thì thằng Bách với Quân Anh liền giãy lên đành đạch hệt như bị nước nóng đổ vào người.
Nhìn chung căn nhà cũng không hư hại nhiều như tụi Hạ Uyên đã nghĩ. Nhưng vẫn sẽ ngốn kha khá thời gian. Nhóm con trai nhanh chóng bắt tay làm việc, đứa chuyền lá, đứa vịnh, đứa cột, đứa đào rãnh, đắp đất quanh chân vách nhà để mưa lớn nước không tràn vào.
Hạ Uyên ngồi với bé Hân trên chiếc chõng tre sau nhà, dưới bóng râm của một cây xoài. Bên cạnh, mấy con vịt trong chuồng cứ nháo nhác và ngóng đầu cảnh giác khi thấy cái đám hung thần hôm qua lại xuất hiện. Hai chị em lặt mớ rau tập tàng, chuẩn bị nấu cơm. Được một lúc thì Hạ Uyên quyết tâm thử sức với công việc xắt chuối. Nhỏ nhấc con dao hai lưỡi bự tổ bố lên, làm một nhát xuống phần thân chuối già dai nhách thò ra khỏi chiếc chõng. Không xi nhê gì cả. Lưỡi dao chỉ đơn giản là sượt qua và mang theo chút xơ chuối. Hạ Uyên thở dài, đặt con dao về chỗ cũ. Đột nhiên nhỏ thấy mình vô dụng vãi linh hồn, sống ở quê mà chả làm được cái tích sự gì cả. Bé Hân trao cho Hạ Uyên một cái nhìn khó hiểu. Kiểu bà chị này đang làm cái trò mèo gì vậy?
Nhưng ít ra Hạ Uyên còn biết nấu cơm củi. Đang chuẩn bị chắt nước cơm, nhỏ thấy Hiếu lọ mọ đi vào, tay xách theo một con cá lóc và cái xô khi nãy. Nghe tiếng chộn rộn trong xô, nhỏ đoán trong đó cũng có bộn cá. Hiếu đặt cái xô và con cá xuống sàn nước ở kế bên, đoạn nó gãi đầu.
“Chị coi cá này kho khô hay chiên xả?” Nó hỏi.
Hạ Uyên thấy có nước cơm, lát có thể bỏ vào kho cá cho kẹo.
“Kho đi!” Nhỏ dứt khoát nói.
Nếu mà hỏi ngược lại: “Em muốn ăn gì?”, thì tin chắc cái xô này sẽ úp ngay lên đầu con nhỏ. Dám lắm à!
Kẻ thức thời là trang tuấn kiệt.
Rồi nhỏ đem cất mấy cái hột vịt lên chạn bếp. Nãy Hạ Uyên định làm trứng chiên, giờ có cá rồi, dư sức cho một nhà bảy người, không cần lãng phí thêm đồ ăn nữa.
Chắt cơm xong, rút bớt củi ra khỏi cà ràng, hai chị em ngồi mần cá. Bé Hân vừa chạy ra ngoài hái ít ngò, bầu không khí có chút căng thẳng, thấy vậy nhỏ mới cất tiếng.
“Năm nay em lên lớp tám hả?” Vừa dứt lời, Hạ Uyên lập tức muốn đập đầu vào cây nước. Rõ ràng tự tay xách sách giáo khoa qua cho thằng nhóc mà còn hỏi.
“Dạ!” Thằng nhóc cũng lễ phép đáp lại.
Im lặng. Cũng tốt, hai kẻ hướng nội ngồi cạnh nhau thì im lặng cũng hợp lí phết.
“Anh Hai hay buồn lắm!” Đột nhiên Hiếu nói. Hạ Uyên dừng tay lại lắng nghe.
“Mẹ cứ chửi bới, chì chiết ảnh miết. Mấy bữa trước ảnh đi thi về còn đánh ảnh nữa.” Hiếu nói tiếp. “Ảnh thì không thích kể khổ, cứ chịu đựng, nhưng mà em sợ, sợ có bữa ảnh bỏ nhà, bỏ em với bé Hân rồi đi.”
Nhất thời Hạ Uyên không biết nói gì. Sau một hồi cân nhắc từ ngữ, nhỏ trấn an thằng nhóc: “Không sao đâu, anh chị sẽ luôn quan tâm Hiệp. Cố gắng... ừ, cố gắng chăm sóc nó nhiều nhất có thể. Nhưng em cũng ráng đỡ đần cho Hiệp nha, phụ mấy chuyện lặt vặt nè, rồi cố gắng học. Chị chỉ có thể nói với em rằng, học tuy không phải là con đường duy nhất để thoát khỏi cái khổ, nhưng nó là con đường dễ đi nhất. Ít ra có cái chữ, em cũng đỡ thua thiệt với đời. Em nhớ chưa?”
“Dạ! Em nhớ rồi! Mà chị đừng nói lại với anh Hai là em nói mấy chuyện này nha. Ảnh giận em đó!”
“Chị biết mà!”
Coi bộ thằng nhóc này tin tưởng Hạ Uyên hơn đám huynh đệ của anh nó ở ngoài kia.
Câu chuyện của hai chị em tạm gián đoạn khi bé Hân trở vào. Ngâm nhúm ngò gai vào trong nước xong, con bé chìa ra một cục sạc đa năng còn kẹp cục pin trên đó cho Hiếu.
“Anh Ba, hình như sạc không vô, nó không chớp đèn gì hết. Lát anh Hai hổng có điện thoại sài nữa nè.” Hân nói.
Hiếu đứng dậy rửa tay rồi chùi sơ hai bàn tay ướt vào cái bộ hình dơ hầy của mình. Nó tháo cục pin ra rồi gắn lại vào cục sạc, sau đó đem sạc lại.
Hạ Uyên thầm cảm thán. Thì ra đây là lý do hôm qua tụi nó không gọi được cho Hiệp, tháo pin ra như vậy thì gọi được bằng niềm tin và lẽ sống. Cái điện thoại tàn tạ đến thế là cùng.
Tụi con trai cứ thay phiên bảo nhau, ráng chút nữa, ráng chút nữa, ráng miết rồi khi cả đám ngẩng đầu lên thì đã gần ba giờ chiều. Hạ Uyên với hai đứa nhỏ nhắc hoài không được, cũng đành chịu khó đợi tụi nó ăn cơm chung.
Bốn bức vách trống hoác giờ đã được vá lại, vô tình khiến bóng tối bủa vây trong gian bếp nhỏ xíu thơm phức mùi đồ ăn. Tụi Quân Anh lũ lượt kéo vào nhà, vừa đi vừa ê a về việc đói khát. Hạ Uyên cũng vừa dọn đồ ăn ra bàn xong.
“Rửa tay đi!” Nhỏ nói.
“Trời ơi thơm quá!” Chương reo lên.
“Có phước phần dữ lắm mới được ăn cơm Thị Uyên nấu!” Bách giở thói châm chọc.
Thị Uyên, Thị Nở, mọi người đã thấy điểm giống nhau chưa?
“Giờ có ăn không?” Quân Anh vặn lại.
“Ngu gì không ăn?”
Bữa cơm gia đình diễn ra hết sức ấm cúng khi không có tiếng chửi lộn của Bách và Quân Anh. Tại... tụi nó bận ăn như bị bỏ đói lâu ngày. Không ai nói câu nào, chỉ tập trung vào chuyên môn. Tiếng chén đũa đụng nhau lanh canh, Chương húp canh sùm sụp, mặc dù mấy món Hạ Uyên nấu mặn lè ra. Được giữa buổi thì Hiệp cắm đũa vào chén rồi đứng lên múc thêm đồ ăn, dù gì mấy đứa bạn cũng là khách, để tụi nó làm thì quả thật không phải phép.
Hạ Uyên liếc thấy chén cơm của Hiệp, nhỏ lập tức bỏ chén của mình xuống, rút đũa của Hiệp ra rồi đặt ngay ngắn trên miệng chén. Hiệp nhanh chóng quay lại và sớt cá kho vào tô. Đợi Hiệp ngồi xuống Hạ Uyên mới nhẹ nhàng nhắc nhở.
“Hiệp nè, không nên cắm đũa thẳng vô chén cơm vậy đâu. Là điềm xấu, xui xẻo đó!”
Hiệp bối rối nhìn Hạ Uyên, sau đó cũng gật đầu.
“Bữa còn nói tao mê tín.” Bách càm ràm. “Giờ coi ai nói gì kìa!”
“Có thờ có thiêng, có kiêng có lành.” Hạ Uyên bình thản nói.
Đám bạn ở lại chơi với Hiệp cho tới lúc tà dương ngự trị ở bên kia cánh đồng. Ba anh em nhà Hiệp rối rít cảm ơn khi tiễn tụi nó ra về. Bước chân của Hạ Uyên chậm lại đôi chút, để khi tới cổng rào, chỉ còn nhỏ và Hiệp. Nhìn bóng dáng ngày một xa của ba thằng con trai đang hò hét rượt đuổi nhau ở đằng trước, Hạ Uyên lên tiếng.
“Hiệp nè, nếu sau này có chuyện gì buồn, nhất định phải nói với tụi tao nha!”
Hạ Uyên biết bản thân mình hết sức sống sượng khi nói ra điều này. Bởi thực tế, nhỏ không phải là người thích chia sẻ tâm tư của mình. Nhưng cũng hơn ai hết, nhỏ hiểu rõ thế nào là có một chỗ dựa vào, thế nào là nhẹ lòng khi có người lắng nghe mình. Nhỏ đã có cậu Chín và gần đây nhất là có... Quân Anh. Vì vậy, nhỏ không muốn để Hiệp phải chống chọi với cảm xúc tiêu cực một mình.
“Tụi mình là bạn mà!” Hạ Uyên lại nói.
“Ừ!”
Nhưng rốt cuộc, Hiệp đã không làm vậy.
Bình luận
Ngọc Như