Chương 3: Chia lớp
Tác giả: Linh Lung
Thấm thoát đã đến ngày lên trường, hôm nay học sinh khối 10 sẽ được biết mình học lớp nào.
Căn cứ vào nguyện vọng của các học sinh đã điền khi làm hồ sơ, căn cứ vào điểm thi đầu vào nhà trường sẽ tiến hành phân chia lớp. Năm nay có gần 670 học sinh thi tuyển sinh vào 10. Kết quả, 622 học sinh đủ điều kiện thi đậu vào trường Trung học phổ thông Số 3 Tuy Hòa. Những học sinh không đủ điều kiện có thể tiếp tục học giáo dục thường xuyên hoặc học lại Lớp 9 để năm sau thi lại. Khối 10 năm nay được chia thành 15 lớp từ A1 đến A15, được chia thành hệ A và hệ B. Hệ A gồm các lớp từ A1 đến A9, các lớp này sẽ được dạy theo chương trình trọng điểm các khối A, A1, B, C và D1, những môn còn lại sẽ học theo chương trình giáo dục cơ bản như các lớp khác. Hệ B gồm các lớp từ A10 đến A15, toàn bộ hệ B sẽ học chương trình giáo dục cơ bản. Điểm chuẩn để được vào hệ A năm nay là 21 điểm, còn điểm chuẩn để vào được hệ B của trường là 14 điểm. Cách tính điểm chuẩn sẽ lấy điểm Toán x 2 + Văn x 2 + Anh Văn.
- A1: 40 học sinh, là lớp chọn, lớp đầu tư trọng điểm, gồm 40 học sinh có điểm số cao nhất, các học sinh lớp học này là những bạn có định hướng thi vào trường Y, thi đại học theo khối B (Toán – Hóa – Sinh). 40 bạn có điểm thi đầu vào cao nhất sẽ được xét duyệt vào lớp này. Sau đó nếu có học sinh nào không có nhu cầu thi vào trường Y hay thi khối B, trường sẽ chọn bạn có điểm cao tiếp theo, có nhu cầu thi khối B để cho vào lớp.
- A2 (42 học sinh), A3 (41 học sinh), A4 (40 học sinh): các lớp này thuộc khối A, sẽ học chương trình chú trọng ba môn khối A là Toán – Lý – Hóa. Những bạn điền nguyện vọng khối A và có điểm cao xếp hạng tiếp theo sẽ được xếp vào các lớp này.
- A5 (43 học sinh), A6 (43 học sinh): các lớp này thuộc khối A1, chú trọng các môn Toán – Lý – Anh Văn.
- A7 (48 học sinh): khối C (Văn – Sử - Địa)
- A8 (43 học sinh), A9 (42 học sinh): khối D1 (Toán – Văn – Anh Văn)
- A10 – A15 ( mỗi lớp 40 học sinh)
Quỳnh Na mặc dù xếp hạng 38 nhưng vì nguyện vọng của em là vào khối A nên cô bé được xếp vào A2. Quân và Đức chung lớp với Na. Còn hai nhỏ Linh với Nhi vào A8. Hai nhỏ ghét tính toán vô cùng, nhờ ba đứa kia kèm cặp dữ lắm mới thi Toán được 7 điểm, hai nhỏ mạnh Văn và Anh Văn hơn nên rủ nhau học D1. May quá, không đứa nào phải học một mình. Sau khi xem danh sách xong, các học sinh sẽ di chuyển đến phòng của mình để nhận lớp và gặp giáo viên chủ nhiệm. Năm đứa phải tách ra. Nhìn hai nhỏ bịn rịn, môi sắp trề đến cằm tới nơi, Quỳnh Na bất lực nói:
- Đi chung đi. Đến lớp tao rồi để Quân với Đức dẫn hai công chúa đến A8, được chưa?
- Yêu Na Na nhứt trên đời, hun cái coi! – Nhỏ Nhi và Linh tính nhào tới ôm bạn mình thì Na đưa tay đẩy ra.
- Xê bà đây ra. Hun lên mặt tao dính đầy son thì sao.
- Linh xơm xơm (thơm thơm) miếng hoi (thôi) à, không dính đầu nà! – Cái Linh dẹo chảy nước nhào tới.
Quân và Đức nhìn ba con bạn chỉ biết cười. Năm đứa vừa giỡn vừa nhây cũng tới được lớp A2. Sau đó Na đi vào lớp, chọn bàn thứ hai từ trên tính xuống, ngồi vào vị trí cạnh cửa sổ, đợi hai thằng bạn thân tiễn người yêu về. Na đặt hai chiếc mũ của Quân và Đức lên bàn để xí chỗ cho hai đứa nó. Bên ngoài cửa sổ nắng vàng ươm, giữa tháng 8, mùa hoa phượng đã qua, chỉ còn lác đác vài cành phượng nở muộn, lấp ló giữa những cành lá xanh mướt. Một chú chim đang đậu trên cành cất tiếng hót líu lo, Na ngồi ngắm say sưa. Bỗng nhiên, trong không khí truyền đến một mùi hương, quen lắm. À, nhớ rồi…
Lớp học trở nên rổm rả hẳn lên. Một tốp các bạn nam đi vào, các bạn ấy vừa đi vừa đùa giỡn với nhau.
- Ê ngồi bàn nào thế? – Một bạn hỏi.
- Cuối đi, cuối đi, cho dễ tâm sự chuyện thầm kín. – Một bạn khác nói.
- Thầm kín con mắt mày. Mấy thằng đực rựa với nhau mà có gì thầm kín. – Lại một bạn nữa đáp.
- Nam, mày quyết định đi, đợi mấy ông thần kia không biết đến bao giờ. – Cô gái duy nhất trong nhóm lên tiếng.
“Ồ, người có mùi hương ấy tên Nam, học chung lớp mình”, Na thầm nghĩ.
Bạn nam được hỏi đứng suy nghĩ một lát rồi tiến thẳng đến bàn thứ tư ngồi vào, vị trí sát cửa sổ giống Na, nói:
- Ngồi bàn thứ tư và thứ năm đi, có gì chung một tổ.
Giọng ấm thật. Na không dám quay lại nhìn. Các bạn ấy theo lời bạn nam đó ngồi vào. Tầm hơn mười phút sau, hai ông bạn cây khế của em cuối cùng đã về.
- Nhìn gì mà chăm chú thế gái? – Đức hỏi.
- Giờ mới về, tưởng đâu hai người tính vô đó học luôn chứ. – Quỳnh Na trêu.
- Cũng muốn đấy nhưng bảo anh đi học văn thì anh xin thua. – Quân ngả ngớn.
Quân là anh họ con Bác Bốn của Na. Trong đám anh em họ Na thân với Quân nhất vì lớn lên cùng với nhau, lại học chung lớp từ bé đến lớn. Quân và Đức ngồi vào bàn. Trong lớp hiện tại đang có 12 chiếc bàn dài, với cái sỉ số lớp 42 học sinh, ba bạn ngồi một bạn là điều ai cũng thấy. Bàn của tụi nó đủ rồi.
Hơn 20 phút sau, các bàn trong lớp lần lượt được lấp kín. Đúng 9h30 giáo viên chủ nhiệm vào lớp. Cả lớp đứng dậy chào.
Là một cô giáo trung niên. Cô giới thiệu:
- Các em ngồi xuống đi. Giới thiệu với cả lớp cô tên Dung, sẽ đảm nhiệm vị trí giáo viên chủ nhiệm của cả lớp trong năm học này. À cô còn là giáo viên bộ môn nữa đấy, đoán xem cô dạy môn gì nào?
Nói xong cô đi lên bục giảng để túi xách lên bàn, ngồi vào ghế. Cả lớp nhốn nháo hẳn lên, có bạn đoán giọng cô hay thế chắc dạy Văn rồi, bạn lại đoán trông cô sắc quá dạy toán cũng nên. Kết quả, cô vừa cười vừa nói cô dạy Hóa. Sau đó là màn nói sơ qua về vài điều ở trường học, về nội quy, quy chế. Nói xong vấn đề ở trường, đến quy mô lớp:
- Cô sẽ không xếp lại vị trí. Cô biết các em vừa mới lên nên ngồi cạnh với những người mình quen trước, đỡ bỡ ngỡ, ngại ngùng. Sau đó mới kết bạn với mọi người trong lớp được. Trong quá trình học, nếu thấy bất cập chỗ nào cô sẽ sắp xếp lại. Còn bây giờ chúng ta tiến hành bầu ban cán sự lớp. – Cô Dung từ tốn nói.
Nghỉ một lát, cô lại hỏi:
- Lớp mình có bạn nào từng làm lớp trưởng không, ai muốn ứng cử nào?
Cả lớp trầm lại hẳn. Vài phút sau, có một giọng nữ vang lên:
- Em xin ứng tuyển vị trí lớp trưởng ạ.
- Được em giới thiệu về mình cho các bạn biết nào. – Cô đưa tay mời bạn nữ nói.
- Dạ thưa cô và các bạn, em tên Ngô Thị Mỹ Uyên, ở Hòa Sơn. Em có kinh nghiệm chín năm làm lớp trưởng. Hi vọng cô và các bạn cho em cơ hội đảm nhiệm vị trí này. Với kinh nghiệm từng ấy năm, em tin mình sẽ đủ năng lực để đồng hành cùng lớp đi lên, đạt được nhiều thành tích tốt trong các hoạt động phong trào của trường. Em xin hết!
- Tốt! Uyên ngồi xuống đi. Cả lớp cho bạn Uyên một tràng vỗ tay nào.
Cả lớp vỗ tay nhiệt liệt. Bạn ấy quá tự tin, Na nghĩ. Giọng bạn to, rõ ràng, dứt khoát. Lại thêm quả kinh nghiệm gần mười năm thế kia thì chắc không ai so lại với bạn ấy rồi.
- Còn bạn nào muốn ứng tuyển lớp trưởng nữa không? Mạnh dạn lên nào. – Cô giáo cổ vũ.
Cả lớp xì xào bàn tán nhưng vẫn như cũ không ai đứng lên.
- Cô cho cả lớp 5 phút nữa, nếu không ai đứng lên thì Uyên sẽ làm lớp trưởng lớp chúng ta. Thời gian trôi qua, không ai ứng tuyển thêm.
- Nếu cả lớp không có ý kiến nào thì cô quyết định Uyên sẽ giữ vị trí lớp trưởng.
Cô vừa dứt lời, cả lớp đồng thanh “Vâng ạ”. Cô cười hiền từ nhìn đám nhỏ của mình.
- Tiếp theo đến vị trí Lớp phó học tập. Vị trí này cô sẽ ưu tiên mời ba bạn có điểm số cao nhất lớp mình. Các bạn đứng dậy giúp cô nhé.
- Đoàn Bảo Nam, Trần Ngọc Quỳnh Na và Nguyễn Hoàng Bảo Nhi.
Cả ba đứng dậy. Cô giáo lại hỏi tiếp:
- Ba bạn có ai đã có kinh nghiệm làm vị trí này chưa? Có ai muốn làm không? Nam trước nào.
- Dạ thưa cô, em chưa có kinh nghiệm và thấy bản thân không đủ năng lực để đảm nhiệm vị trí. Em xin phép không ứng tuyển, để vị trí này cho bạn thích hợp hơn. – Bảo Nam từ tốn nói.
- Được rồi. Mọi thứ dựa trên tinh thần tự nguyện. Nam ngồi xuống đi em. Còn hai bạn tiếp theo thế nào. Quỳnh Na, em muốn ứng tuyển không?
Cô bé đáp:
- Dạ em cũng như bạn Nam, em thấy bản thân không phù hợp để nhận vị trí quan trọng này. Em xin phép không ứng tuyển để cô tìm được bạn phù hợp ạ.
- Được rồi, Na ngồi xuống. Bảo Nhi thì sao em?
- Dạ em xin ứng tuyển vị trí này. Em xin tự giới thiệu, em tên Nguyễn Hoàng Bảo Nhi, ở Hòa Hưng, Em có bốn năm kinh nghiệm đảm nhiệm vị trí này. Mong các bạn và cô giáo cho em cơ hội.
Cô giáo mỉm cười, nói:
- Tốt. Còn bạn nào lớp mình muốn ứng tuyển vị trí này không, đứng lên nào.
Cả lớp lại xì xào nhưng không ai đứng dậy. Cô Ngọc Dung thấy thế lại nói:
- Nếu không ai ý kiến, cô quyết định Bảo Nhi là lớp phó học tập lớp chúng ta. Các em cho bạn một tràng vỗ tay để khích lệ bạn nào.
Tiếng vỗ tay giòn giã vang lên. Tiếp đến là vị trí Lớp phó Lao Động, Lớp phó Văn thể mỹ và Lớp phó trật tự. Các vị trí này mọi người náo nhiệt hơn hẳn. Cả lớp nhao nhao hết lên, cô giáo chủ nhiệm tiến hành cho cả lớp bỏ phiếu bầu cử. Cuối cùng cũng chọn được. Lại đến việc chia tổ. Vì sỉ số lớp 42 nên để công bằng cho hoạt động thi đua của lớp sẽ có hai tổ 10 bạn và hai tổ 11 bạn. Tổ có lớp trưởng và lớp phó sẽ có 11 bạn, là tổ 2 và tổ 4. Mỹ Uyên là lớp trưởng nên vị trí ngồi của bạn được dời xuống cuối lớp để có thể bao quát tầm nhìn cả lớp.
Sau khi làm xong hết các thủ tục, đã hơn 11 giờ trưa. Hôm nay là ngày 16 tháng 8, ngày 23 tháng 8 bắt đầu năm học mới, thời khóa biểu cô giáo nhờ lớp trưởng mới chép lên bảng cho các bạn chép lại. Cô giáo thông báo xong thì mọi người ra về.
Ba đứa định kéo nhau qua lớp của hai công chúa, không biết chúng nó xong chưa nữa. Ai ngờ, vừa ra khỏi cửa đã thấy hai công chúa đứng đợi.
- Sao lớp mấy cưng lâu quá vậy? Tao đứng mỏi cẳng luôn á!!!! – Nhi ai oán.
- Do lớp mày nhanh thôi, chứ mấy lớp khác vẫn chưa ra kia kìa. – Na nói lại.
- Ò, kể nghe. Lớp tao chỉ có mười bạn nam thôi, toàn con gái không à. Nghe đâu bên khối A7 chỉ có sáu bạn nam thôi. – Nhỏ Linh nhanh nhảu kể chuyện.
- Bên xã hội mà em, ít con trai là phải. Anh còn tưởng không quá năm bạn nữa kìa. – Đức vừa nói vừa kéo cô bạn gái nhỏ lại đi cạnh mình, không cho nhỏ nhảy nhót nữa.
- Uả mà ba người có được ngồi chung với nhau không? – Nhi hỏi.
- Có tụi anh ngồi cùng bàn với nhau. Thằng Đức là tổ trưởng tổ anh. – Quân trả lời.
- Ỏ ghê vậy luôn, mạnh dữ. – Hai nhỏ quay qua trêu Đức.
- Xời, chứ ngày xưa ai làm tổ trưởng. Anh đây chứ ai, mấy em cứ đùa. – Đức vỗ ngực nói với giọng đầy tự hào.
Quỳnh Na nhìn bốn đứa nó chỉ cười không nói gì. Ở bên cạnh chúng nó em chỉ việc cười thôi, chúng nó đảm nhận vị trí tấu hề.
- Na Na có làm lớp phó học tập tiếp không em yêu? – Linh hỏi.
- Không, làm mấy năm trời tao ngán rồi. Với nhà tụi mình ở xa thế, lỡ có lũ lụt, tụi mình không đi học được phải nghỉ thì sao? Nói chung để các bạn trên này làm, tao chỉ muốn học với chơi thôi, làm ban cán sự mệt lắm. – Na nói.
- Ò vậy cũng được, chơi đê, xõa đê em yêu, tao với cái Linh cũng hổng làm gì hết. – Nhi cười toe toét, ôm cánh tay Na nói.
Vừa bước vào bãi giữ xe thì gặp nhóm lớp trưởng đang dắt xe. Mùi hương ấy lại đến. Dùng gì mà thơm thế nhỉ, Quỳnh Na nghĩ thầm. Cuối cùng Na cũng nhìn rõ mặt bạn ấy. Khuôn mặt không quá góc cạnh, đường nét mềm mại, ngũ quan cân đối hài hòa. Cậu ấy không đẹp trai rạng ngời như ông anh của em nhưng ở cậu có hai thứ rất cuốn hút. Đôi mắt và nụ cười. Đôi mắt sáng ngời, cậu ấy ít nói, có lẽ vậy, nhưng trông không lạnh lùng hay khó gần. Đôi mắt ấy như chứa cả bầu trời sao, long lanh đẹp lạ thường. Lúc cậu ấy cười trông đẹp lắm, không biết người khác thấy sao nhưng với em, em thích nụ cười ấy, nụ cười làm người đối diện có cảm giác dễ chịu, đối phương đang cười thật lòng không phải giả dối.
Bảo Nam không biết rằng có một ánh mắt dõi theo mình. Cậu đang cùng đám bạn nối khố dắt xe về. Nắng quá. Cậu chẳng thích cái nắng gay gắt này tí nào. Phải về nhanh thôi. Nhưng cái đám anh em của cậu thì cù nhây hết ngõ nói. Dắt xe nãy giờ vẫn chưa xong, cứ đứng nhây nhớt cười đùa, làm cậu cười theo.
- Lẹ lên mấy thằng này, chỗ người khác dắt xe ra nữa. Nắng chang chang về giùm tao cái. – Bảo Nam réo mấy thằng bạn mình.
- Nhỏ Uyên đâu rồi? Nó không về cùng tụi mình hả? – Một bạn nam hỏi.
- Nó bảo có việc tụi mình về trước. – Nam trả lời.
- Lại đợi thằng kia chứ gì, ôi cái tụi yêu nhau. – Bạn nam khác lên tiếng.
- Cả vườn chỉ có mỗi bông hoa duy nhất thế mà bị bứng đi mất. Cay thế nhở.
- Không bứng đi ai chịu nổi nó. Con gái gì dữ như cọp.
- Coi chừng tao méc nó đấy. – Bảo Nam dọa bạn mình.
- Ê đù mạ, chơi méc không được nha mày. Nó đấm bỏ bu tao đấy. Về về thôi. – Bạn nam nọ hối thúc.
Cả đám cười khằng khặc. Thằng này từng bị nhỏ lớp trưởng đấm lúc mẫu giáo, kết quả nó có bóng ma tâm lý đến tận bây giờ. Nghĩ cũng thấy tội.
Nhóm Bảo Nam dắt xe đi hết, Na không đứng nhìn nữa, vào dắt xe ra về. Chiếc xe đạp yêu thương của em được ba mẹ mua vào năm lớp 8, Na thích nó lắm, giữ gìn cẩn thận vô cùng. Trời nắng như đổ lửa, người ướt đẫm mồ hôi. Về tới nhà, dắt xe vào hiên để gọn gàng, nhỏ quẳng cặp sách trên võng rồi lao ngay đến cái quạt. Ngồi hóng gió hơn năm phút, cơn nóng đã vơi bớt đi. Na xách cặp lên phòng cất rồi xuống ăn cơm.
Lúc sáng ba đánh lưới được rất nhiều tôm, tủ lạnh còn miếng thịt mẹ mua hôm trước nên ba nấu món thịt ba chỉ kho tôm, vì hôm nay Na lên trường mà em trai không nấu được món này nên ba kho luôn để chị em nhỏ ở nhà có cái ăn. Mở nắp chảo ra mùi thơm xộc thẳng vào mũi. Mặc dù không ăn được thịt mỡ, rất ghét chúng nó nhưng Na phải công nhận những thứ nấu chung với nó sẽ có mùi vị thơm ngon hơn bình thường rất nhiều. Na mê tôm lắm, ăn từ nhỏ đến giờ vẫn mê không dứt. Gắp một con tôm đất xúc một thìa cơm, mặn ngọt đan xen, cay tê đầu lưỡi vì ớt và tiêu, ngon hết xẩy!
Bình luận
Chưa có bình luận