Từ ngày Phong gia nhập câu lạc bộ Piano, cả hội rộn ràng lên hẳn. Hắn không bao giờ chịu ngồi yên một chỗ, tựa như dưới ghế có đinh hoặc bị trét mắc mèo. Chỗ ngồi còn chưa nóng, hắn đã lăng xăng chạy đến hỏi thăm mỗi người một tí, kể cả người ít nói như anh Nhân cũng trở nên cởi mở hơn.
Trong vòng hai tháng, Phong thành công chiếm được thiện cảm của toàn thành viên câu lạc bộ. Đây là việc mà ngay cả tôi dù có cố gắng cũng chưa chắc làm được.
Tôi khá ghen tị với tên hàng xóm về khoản này. Nếu có được một nửa khả năng lấy lòng người khác như Phong, chắc chắn anh Nhân và tôi đã tiến triển từ lâu.
“Ông ăn nói có duyên là do bẩm sinh hả? Có luyện tập được không?“ Tôi đưa mắt nhìn người trước mặt.
“Hạ đang khen tôi hả?“
Hắn cười đắc ý, mắt híp thành hai sợi chỉ đen mảnh, “Cái gì cũng có thể học được. Chẳng qua người có năng khiếu sẽ tiếp thu và tiến bộ nhanh hơn người không có thôi.”
Tôi nghe câu này thì tinh thần phấn chấn, cả người chồm về phía trước hỏi nhỏ như bàn bạc bí mật quốc gia:
“Học làm sao?“
“Coi hài nhiều vào. Không thì xem mấy chương trình hài…”
“Chỉ vậy thôi?”
Tôi vô cùng hoài nghi sự mách nước này. Học theo mấy thứ mà hắn vừa liệt kê thì hợp để trở thành một cây tấu hài hơn là một người biết ăn nói. Tôi tưởng hắn sẽ giới thiệu những tài liệu như sách Đắc nhân tâm, khóa học giao tiếp của tiến sĩ Lê Thẩm Dương cơ đấy! Nhưng trong danh sách những thứ Phong vừa kể lại không nghe ra tí liên quan gì.
“Tôi muốn bí quyết giao tiếp thu phục lòng người, không phải bí quyết làm sao để trở thành một người hài hước.”
Chẳng biết Phong có nghe ra sự ngờ vực trong lời nói của tôi không, hoặc cũng có thể hắn hiểu nhưng chơi trò giả ngu nên mặt cứ đực ra như ngỗng.
Với số lượng nếp nhăn trên não không quá mức nghèo nàn, tôi ngã về vế sau nhiều hơn.
“Những người hài hước đều ăn nói rất duyên. Hạ thấy có phải họ nói gì thì mình cũng đều cảm thấy thú vị, muốn nghe tiếp, phải không?” Phong nói với giọng hết mực chân thành.
Điều này cũng có lý, cơ mà cũng không hẳn là vậy. Nói chung, một khi không rành lĩnh vực nào đó, cứ hễ ai nói gì là tôi cũng cảm thấy đúng.
Đây gọi là không có lập trường, tôi biết. Ba tôi từng nói việc thiếu kiến thức sẽ dẫn đến không có chính kiến, ai nói gì cũng thấy bùi tai và hợp lý.
Lời Phong nói bây giờ có lẽ cũng giống hệt vậy. Tôi không dày dặn kinh nghiệm về lĩnh vực này, nên hắn nói gì thì tôi cũng đều cảm thấy có lý.
“Còn cách nào khác không?“ Tôi hỏi.
“Có!” Phong vừa nhìn tán cây tùng trước sân trường, vừa nói. “Cách này được coi như một dạng trải nghiệm thời sinh viên, biết đâu chừng còn có số làm giàu.”
“Là gì?”
“Tham gia hội thảo đa cấp.”
Lúc này, tôi có thể hoàn toàn khẳng định: Phong đang dắt mũi tôi như dắt mũi một con bò. Đã vậy, chính tôi nãy giờ cũng chăm chú nghe không sót một chữ.
Hắn nhìn ra sự phẫn nộ trên gương mặt tôi, liền nở nụ cười lấy lòng:
“Cái này tôi nói thật. Hạ có thể tham gia thử, nhưng đừng đem chứng minh thư và tư trang như tiền hay điện thoại. Đến nghe thôi rồi về, sẽ có ích lắm đó!”
“Thế ông đã tham gia tổ chức đa cấp nào rồi?” Tôi ném cho hắn một cái lườm.
“Tôi chưa đi. Nhưng nếu Hạ muốn thì tôi sẽ hộ tống đi mở mang tầm mắt.”
Tôi thấy mình hồ đồ hết sức khi nhờ tên hàng xóm vừa hay nói dối, vừa thích đùa dai như Phong làm cố vấn (dù tôi nói dối cũng không kém gì hắn).
Cuối cùng, tôi quyết định tự lực cánh sinh, đến thư viện mượn Đắc nhân tâm về xem.
***
Sau khi cơm nước xong xuôi, tôi đóng cửa phòng mình, nội bất xuất, ngoại bất nhập, tập trung nghiên cứu “cuốn sách hay nhất của mọi thời đại đưa bạn đến thành công”.
Tôi ít đọc những sách thể loại này. Thứ tôi thích là tiểu thuyết phương Tây như Harry Potter hay The Lord of the Rings… Mới lật được vài trang đầu, tôi quả thật hơi khó để tiếp thu những dòng chữ khô khan. Nhưng vì mục tiêu vươn tới bằng nửa cái duyên ăn nói của Phong, tôi phải ráng căng mắt để đọc. Tưởng tượng viễn cảnh mình nói ra câu nào, người đối diện đều thích thú gật gù theo câu đó khiến động lực trong người tôi như một ngọn núi lửa phun trào.
Việc phải đọc cuốn sách mà bản thân không hề yêu thích gây ra một phản ứng sinh học: ngọn núi lửa trong người tôi bị cơn buồn ngủ dập tắt dễ dàng. Trước đó, tôi đã đọc xong phần “Nguyên tắc một”, dự định ngày mai sẽ bắt tay vào thực hành.
Sáng hôm sau, khi tôi cùng Phong trên bus đến trường.
Trường Đại học nằm giữa con đường huyết mạch của thành phố. Xe cộ qua lại rất đông, kéo theo việc bus lúc nào cũng chật cứng. Hai đứa tôi nếu đi học buổi sáng thì xác định phải đứng suốt ba mươi phút trên xe, chiều về may ra còn có chỗ ngồi.
Buổi sáng, ai nấy cũng đều vội vàng: người lao động đi làm, học sinh đến trường, các bà các chị đi chợ, đến chó mèo cũng phải tranh thủ lúc sáng sớm để phơi nắng. Tài xế bus cũng vậy.
Ngày xưa, trên mỗi bus gồm một tài xế và một tiếp viên. Từ khi trên xe có quầy bán vé tự động thì bác tài kiêm luôn khâu còn lại. Việc vừa lái xe cho kịp giờ, vừa thối tiền lẻ cho khách thì rất lỉnh kỉnh. Chưa kể hôm nào đông khách, trên tay ai nấy đều cầm tờ năm chục thì mất bao nhiêu thời gian chỉ để thối tiền thừa.
Cứ như vậy, bác tài đâm ra cáu tiết. Hôm nào bác vui thì thôi, buồn thì sẽ sang sảng mấy câu giải tỏa căng thẳng: “Có phải đi bus lần đầu đâu mà không biết trước khi lên xe thì phải đổi tiền lẻ!”, “Lẹ tay lẹ chân lên! Trễ giờ rồi còn lề mề”.
Thật tình thì tôi thông cảm cho bác tài. Một ngày phải chạy tận mấy chuyến xe, nếu gặp ai cũng như vậy rất là mệt.
Nhưng sự thông cảm kia đã bay biến vào hôm nay, khi tôi lỡ hết tiền lẻ và chìa ra tờ mười nghìn kèm theo nụ cười chào buổi sáng.
“Có phải đi bus lần đầu đâu mà không biết trước khi lên xe thì phải đổi tiền lẻ!”
Lời nói của bác tài chính thức xịt keo nụ cười của tôi. Nếu không vì còn nhớ đến “Nguyên tắc một: tuyệt đối không than vãn hay chỉ trích” vừa đọc tối qua, tôi sẽ cãi tay đôi với thằng cha này để luyện thanh mở đầu ngày mới.
Mười nghìn có phải mệnh giá lớn lắm đâu! Nó là tờ polyme có mệnh giá thấp nhất trong khi vé sinh viên đã bốn nghìn rồi!
Tôi áp dụng câu thành ngữ “học đi đôi với hành” một cách triệt để. Nửa ngày trôi qua, tôi không hó hé tiếng nào với Phong.
“Hôm nay sao Hạ hiền thế?” Phong vừa hỏi, vừa cho cơm vào miệng. Hiện đang là giờ nghỉ trưa.
“Bình thường tôi rất dữ hả?” Tôi không câu nệ, chôm từ chén canh của hắn một miếng khổ qua.
“Cái đó là Hạ nói, không phải tôi.”
Máu sư tử trong người tôi bắt đầu rục rịch.
Bình luận
Chưa có bình luận