Phong gắp vài sợi mì tương đen đưa lên ngang tầm mắt, nhìn chòng chọc chúng rồi hỏi:
“Cái gì đây? Đen đen giống con giun thế?”
“Mì tương đen.” Tôi bỏ qua lời khiêu khích.
Phong gật nhẹ đầu. Vẻ mặt hắn giống như lần đầu tiên nghe trên đời có loại mì sậm màu như vậy. Hắn toan cho một đũa vào miệng, sau đó nghĩ gì mà lại dừng giữa không trung.
“Ăn được không?”
Trước khi tôi rời khỏi nhà, ba tôi cũng hỏi câu tương tự, hơn nữa còn cầu chúc sức khỏe cho người sắp trở thành chuột bạch của món mì mà theo như ông diễn tả là đen như kênh rạch bị ô nhiễm.
Cho nên tôi không lấy làm lạ hay khó chịu khi tên hàng xóm nhà bên hỏi câu này, thậm chí còn gật đầu khẳng định hắn chắc chắn sẽ không chết, cùng lắm thì chỉ phát sinh vài phản ứng hóa học thôi.
Tôi nóng lòng chờ đợi nhận xét của Phong. Hắn dường như còn ngờ vực về trình độ bếp núc nghiệp dư của tôi nên vẫn dừng đũa.
“Tưởng Hạ làm món này cho anh Nhân thay vì tôi chứ?”
“Chưa biết ngon dở nên không dám đưa.” Tôi thành thật trả lời.
“Vậy là Hạ lấy tôi làm chuột bạch đúng không?” Hắn hạ đũa xuống hộp mì, đảo qua đảo lại như đang vọc đồ chơi.
“Ha ha ha…”
Đoán đúng rồi đó!
Phong nói hắn có chút cảm động khi thấy tôi hy sinh hàng xóm vì tình yêu, bèn động lòng trắc ẩn mà nhúc nhích quai hàm, gương mặt hiện nét bi tráng. Hắn cho đũa mì vào miệng, tuân thủ quy tắc ăn chậm nhai kỹ, dù tôi cảm thấy hắn như sợ trong mì có xương cá hay sạn hơn.
“Sao sao? Ăn được không? Ngon không?” Tôi dồn dập hỏi.
“Nếu tôi nói ngon thì bạn sẽ lại làm món này rồi đưa anh Nhân hả?”
“Dĩ nhiên!”
Tôi mong chờ Phong gật đầu và nói rằng mình cũng có năng khiếu bếp núc giống ba. Sau đó bản thân sẽ tự tin làm lại món này một lần nữa để thể hiện sự khéo léo, hòng ghi điểm trước mặt anh Nhân.
Nhưng đời không như là mơ.
Phong hết lắc đầu lại tặc lưỡi, mắt nhìn món mì tương đen bằng một vẻ hết sức cảm thông.
“Tôi chân thành khuyên Hạ đừng để anh Nhân nếm thử. Thật lòng đó!” Hắn dứt lời, miễn cưỡng cho thêm một đũa mì vào miệng.
“Dở lắm hả?” Tôi e dè hỏi, dù bản thân đã nếm thử qua và thấy mùi vị cũng không đến nỗi nào.
“Hạ có thể không tin tôi.”
Dù biết thừa trình độ nói dối bậc thầy của Phong, nhưng hắn chẳng được lợi gì khi lừa gạt trong chuyện này nên tôi chọn tin hắn. Có thể Phong nể nang tình hàng xóm mười bốn năm mà cắn răng chịu đựng, cố nuốt hết món mì tôi làm. Nhưng anh Nhân thì khác. Tôi không thể để anh biết mình tệ hại trong việc bếp núc được.
“Hây, tôi bắt đầu có chung tần số suy nghĩ với ba rồi!” Tôi nói với giọng buồn rầu.
“Ừ hử?” Phong nhướng mày.
Tôi có một tật xấu. Lúc nhỏ mỗi khi không vui, tôi thường tìm một ai đó để trút hết nỗi lòng, kể cả những điều sâu thẳm nhất.
Khi ấy, tôi không kiêng kỵ việc đối phương có thân thiết không, có đáng tin không, cứ nghĩ gì nói nấy. Cho đến lúc phát hiện bí mật của mình bị bật mí và lan truyền với tốc độ chóng mặt.
Sau này lớn lên, tôi nhận ra con người ta hay có xu hướng xây dựng những kết nối xã hội bằng cách trút bầu tâm sự với nhau. Nhưng không phải điều gì cũng kể tất tần tật, phơi hết ruột gan cho người đối diện biết.
Rút kinh nghiệm từ bài học cũ, tôi tự nhủ mình sẽ không dại dột như thời thơ ấu thêm lần nào nữa.
Bây giờ, người duy nhất khiến tôi có thể kể hết mọi thứ chỉ còn lại một mình Phong.
Phong thuộc tuýp người nói dối như Cuội, hy sinh bạn bè vì chút hối lộ vặt vãnh và yêu bản thân đến mức ảo tưởng. Nhưng những chuyện tôi kể lúc buồn, hắn chưa từng tiết lộ với người thứ ba dù chỉ là đứa con nít. Đây là ưu điểm hiếm hoi còn sót lại trong con người tồn tại hàng ngàn khuyết điểm của hắn.
Vậy nên, tôi không cấm kỵ gì mà trải lòng mình.
“Ba tôi nói bếp là nơi giữ lửa gia đình. Bếp lạnh thì gia đình tan hoang. Tôi không có duyên với xó bếp như vậy, thật lo lắng cho tương lai.”
Phong mím chặt miệng, nhưng tôi vẫn nhìn ra hắn đang nhịn cười vì bả vai hắn cứ run không ngừng.
“Mắc cười thì cười đi! Làm như ông chưa từng chọc quê tôi bao giờ ấy.”
Tôi nói cho có lệ, không ngờ hắn cười thật. Đã vậy, hắn còn cười rất to.
Đến khi cười no rồi, hắn mới nói:
“Chú Tường nói vậy không sai, nhưng cũng không hoàn toàn đúng. Thời đại 4.0 rồi, nam nữ bình đẳng. Ai nói chuyện bếp núc cứ phải giao cho phụ nữ làm?”
Tôi nghe câu này mà mắt sáng rỡ, nỗi buồn trong lòng bay biến đâu mất, bèn thẳng lưng lên nghe tiếp hắn nói gì.
“Tổ ấm là cả hai bên xây dựng, nên cùng nhau chia sẻ những việc này. Ví dụ, nếu vợ tương lai của tôi không biết nấu ăn, tôi có thể đứng bếp. Cô ấy sẽ làm những công việc khác như đi chợ, rửa chén hoặc lau dọn nhà thôi.”
Bình thường lời Phong nói như dùi đục chấm mắm cáy. Hôm nay thì khác. Mỗi chữ hắn nhả ra như ngọc như ngà, nghe đến đâu mát mặt đến đó. Dù không mong ước làm vợ hắn, nhưng tôi cũng mong chồng tương lai của mình được một phần suy nghĩ như vậy.
“Ông rất có tố chất trở thành người đàn ông của gia đình.” Tôi gật gù cảm thán.
“Còn phải nói!” Hắn vuốt cằm đầy tự hào. “Tôi học được trên mạng từ mấy hôm trước đấy.”
Chung quy mà nói, kế hoạch “con đường ngắn nhất để đi đến trái tim người đàn ông là thông qua bao tử” của tôi chính thức phá sản. Tuy nhiên, tôi vẫn còn vớt vát lại một ít an ủi khi Phong xử lý sạch sẽ món mì tương đen, dù hắn nói là phải cố gắng lắm mới ăn hết.
Chỉ là hôm sau đó, tôi không thấy hắn đi học.
***
Từ sau lần thực hành mì tương đen, tôi không thiết tha với bếp núc nữa.
Ba tôi lấy làm tò mò. Ông một mực hỏi rốt cuộc hôm đó tôi làm tận hai phần là để cho ai ăn.
“Thì con nói rồi đó! Con làm cho bạn.” Tôi trưng ra bộ mặt không thể nào thành thật hơn.
Ba đang loay hoay với món sườn xào chua ngọt. Tôi phụ ông nhồi thịt vào khổ qua để nấu canh. Đây là món hai cha con đều thích. Một năm ba trăm sáu mươi lăm ngày, nhà tôi ăn canh khổ qua gần hai trăm ngày không biết ngán.
”Tao biết là bạn. Nhưng là trai hay gái? ” Ông dứt khoát không buông tha tôi.
“Chuyện đó thì có gì quan trọng đâu!”
Trai hay gái cũng là người, cũng đều có khả năng nếm và nhận xét độ ngon dở như nhau thôi. Sao ông lại quan tâm đến giới tính người thưởng thức thế cơ chứ? Chẳng lẽ khẩu vị nam giới sẽ nhạy hơn nữ giới?
Tôi suy nghĩ chỉ tới đó, nhưng ba lại nghĩ xa hơn những gì tôi tưởng tượng. Ông quay phắt sang nhìn tôi, hầm hầm hè hè:
”Học hành thì lo học hành. Yêu đương sa sút thành tích thì coi chừng tao!”
Chỉ với một phần mì tương đen đã có thể đẻ ra câu chuyện kinh thiên động địa rằng tôi yêu đương nhăng nhít. Bậc làm cha mẹ quả thật có sức sáng tạo và trí tưởng tượng đỉnh cao.
Năm lớp 10, nhà vẫn chưa lắp máy tính nên tôi hay ra quán nét chơi Audition. Cái trò lúc ấy nổi cực. Một dàn máy đánh số từ một đến hai mươi thì đã hết mười lăm máy hò hét “Finish rồi!”, “Miss rồi!”… cùng âm thanh đập vào thanh space bàn phím không thương tiếc.
Tôi ghiền bộ môn nhảy nhót này. Khi ba ngón trỏ - giữa - áp út hoạt động liên tục, thời gian là thứ gì đó mà tôi không quan tâm. Đến khi di động trong túi reo lên, tôi mới phát hoảng nhận ra đã mấy tiếng trôi qua.
Tôi đi chơi nét, nhưng ba tôi không nghĩ vậy. Ông đinh ninh tôi đi hẹn hò với lý do có đứa con gái nào chơi nét tận mấy tiếng, vài ngày lại đi một lần. Sau đó, ông giáo huấn tôi là con nít mới nứt mắt đã yêu đương, không lo học hành.
Vì sợ con mình bồ bịch sớm sẽ hư hỏng về sau, ông sắm hẳn dàn máy tính xịn sò hòng khóa chân tôi lại.
Lúc đó tôi mới lớp 10. Bây giờ tôi là sinh viên Đại học năm hai, nhưng hình như cũng không có gì thay đổi.
Bình luận
Chưa có bình luận