Chương 2: Hối lộ


Dù đã năm lần bảy lượt tra hỏi, Phong vẫn không chịu tiết lộ vì sao hắn biết bí mật của tôi. Chuyện đó cũng không có gì to tát nếu hắn không dùng nó để đe dọa người bạn nối khố đã cùng vào sinh ra tử thời thơ ấu của mình.

“Anh Nhân mà biết thì sao ta?” Vẻ mặt Phong như rất hào hứng muốn nhìn thấy thái độ của anh Nhân khi biết chuyện này.

Lớn lên cùng nhau nên tôi thừa hiểu tính nết và biết Phong muốn ám chỉ điều gì. Với nhân cách đạo đức xứng đáng bị quăng ra chuồng gà của hắn, cách bịt miệng duy nhất là hối lộ - một chiêu không bao giờ lỗi thời dù đã qua thế kỷ 21. 

Tôi thẳng thắn vào vấn đề:

“Ông muốn sao?” 

“Tôi muốn tham gia vào câu lạc bộ Piano.” 

Phong trưng ra vẻ mặt ngây thơ nhìn tôi như thể người đe dọa trước đó không phải hắn mà là kẻ khác.

“Chỉ vậy thôi?” Tôi nhíu mày xác nhận, thậm chí nếu cần cũng có thể bật chế độ ghi âm phòng trường hợp tên trước mặt giở quẻ.

Phong gật đầu liên tục ba lần, chớp chớp đôi mắt trời sinh không đều. Người ta hoặc là mắt hai mí, hoặc là một mí. Riêng mắt Phong thì một bên hai mí, bên còn lại một mí, miễn cưỡng cũng có thể xem như mí lót. Tôi hay vịn vào điều này chọc hắn. Hắn thì cười tự hào rằng người có dáng mắt này thuộc hàng ăn nói điềm đạm, sống giàu tình cảm các kiểu. 

Tôi chưa thấy người nào giàu tình cảm lại đe dọa bạn thời thơ ấu của mình như vậy.

“Tôi biết mình đẹp trai, nhưng mà chuyện vừa rồi có được không?” Phong hỏi lại.

Tôi đập tay xuống bàn cái rầm, trừng mắt nhìn hắn. Nguyên nhân không phải vì tức giận, mà vì quá đỗi vui mừng.

“Tưởng gì! Cái đó dư sức!”

Nói thì nói vậy, thật ra câu lạc bộ Piano đã đủ thành viên rồi. Nhưng biết làm sao được! Tôi không nhận lời thì anh Nhân sẽ biết tỏng sự thật, trong khi tụi tôi biết nhau chỉ mới hơn ba tháng thôi.

Cuối cùng, tôi vẽ ra câu chuyện lâm li bi đát về cậu bạn hàng xóm ham học hỏi piano nhưng không có điều kiện, thêm mắm dặm muối nhiều đến mức có thể suy thận khi biết được sự thật. Anh Nhân cũng ngoại lệ cho chàng hàng xóm bất hạnh kia gia nhập câu lạc bộ. 

Tôi báo tin mừng cho Phong khi cả hai đang trên bus về nhà, không quên nhắc nhở:

“Hết nợ nha?”

“Dĩ nhiên! Tôi là người giữ chữ tín.” Hắn híp mắt, cổ họng lại ngân nga giai điệu bài hát hôm trước cho thấy tâm trạng đang rất tốt.

Tôi không thích nhạc không lời. Thể loại tôi thích là những ca khúc của Hà Anh Tuấn hoặc Lê Hiếu. Lời nhạc sâu sắc, giai điệu đi vào lòng người. Một bài hát hoàn hảo phải bao gồm sự kết hợp của nhạc và lời. 

Cho nên, thể loại mà Phong thích không phải gu của tôi.

Nhưng tôi có thể lặp lại một cách thuộc lòng giai điệu trong miệng Phong, bởi hắn đã khe khẽ nó ước chừng bảy bảy bốn chín lần.

“Bài này tên gì?” Tôi thuận miệng hỏi, dù khi biết có hỏi được tên thì chắc chắn tôi cũng chẳng gõ vào ô tìm kiếm trên thanh Google hay Youtube.

Phong nhẹ lắc đầu, cổ họng vẫn tập trung vào việc phát ra âm nhạc. 

Tôi “xì” lên một tiếng, bĩu môi:

“Có cái tên thôi mà ông giấu như giấu vàng vậy!”

“Không phải tôi giấu tên,” hắn ngừng rên rỉ giai điệu kia, mở miệng đính chính. “Mà là bài hát này vẫn chưa đặt tên.”

“Đừng nói là ông tự sáng tác ra đó?”

“Mười điểm!” Phong toét miệng cười, vẻ mặt hết sức tự hào.

Thì ra mình có một người hàng xóm mang mầm mống nghệ sĩ mà không hay. Tôi thầm nghĩ.

Bus dừng lại cách hẻm nhà chúng tôi khoảng 300 mét. Theo như kịch bản hai đứa đã bàn, tôi sẽ về nhà trước, sau đó tới Phong. Thời gian xê xích nhau khoảng mười phút. 

Cô Út là người đầu tiên tôi gặp khi bước vào con hẻm. Trông thấy bà, tôi lễ phép cúi đầu chào, dù lòng thầm so sánh người trước mặt chẳng khác gì một hung thần ác sát. 

Bà vờ như không thấy tôi lù lù tiến lại, mặt không chút phản ứng. Nếu gặp người khác, tôi sẽ thẳng thắn ném cho câu “bất lịch sự”. Nhưng đó là mẹ Phong nên tôi không cảm thấy quá đáng chút nào. Việc bà ghét tôi như vậy, nguyên nhân phần lớn cũng là do sự phá phách lúc nhỏ của đứa “con gái không ra con gái” này.

Hơn nữa, chuyện cũng đã mười bốn năm, nhìn riết thành quen.

Xét ra thì hoàn cảnh cô Út cũng đáng thương. Nghe Phong nói, chồng bà ngoại tình trong lúc bà mang thai rồi bỏ đi biền biệt. Nhà chồng cũng bênh con ruột, đuổi con dâu về nhà mẹ đẻ. Bà xấu hổ, không dám về với gia đình nên thuê nhà trọ, tự mình bươn chải. Lúc bà sinh Phong cũng không có ai bên cạnh. Hộ lý hỏi người thân đâu, bà nói chồng chết rồi, cha mẹ ruột thì không còn.

Hẳn là trong tim mẹ Phong khi đó, người chồng kia thực sự đã chết.

Chết ở trong lòng.

Tôi sợ cô Út là thật, nhưng cũng thấy thương bà. Phận phụ nữ vốn đã khổ. Sinh ra trong nền văn hóa Á Đông, bị kìm kẹp giữa cái vòng tam tòng, tứ đức lại càng khổ hơn. Nhất là giữa mười hai bến nước, mệnh xấu làm sao vớ phải cái bến đục ngầu.

Lòng thương cảm cho cô Út vừa dứt thì ba tôi lù lù xuất hiện trước cửa nhà.

“Thay đồ đi rồi ăn cơm!” Ông giục.

Tôi mười chín tuổi đầu, nhưng bếp núc đều do một tay ba đứng ra lo liệu. Không phải tại tôi lười, mà do ông cứ suốt ngày mắng nhiếc:

“Mày làm không có cái nào là vừa ý tao hết! Thôi đi lau nhà, rửa chén, giặt đồ hay chăm cây đi! Đừng có đụng vô bếp dùm tao cái!”

Những lúc như vậy, nếu tôi còn đực mặt ra ở đó, ông sẽ cho tôi một đòn “Viên lao sơn tam thập lục kiếm”. Hết cách, tôi chỉ còn biết rửa chén, lau nhà và giặt đồ.

Ba tôi khắt khe với nấu ăn như vậy vì ông là bếp phó của một nhà hàng cỡ bự. Rặt những người có tiêu chuẩn cao trong ăn uống hoặc là tự thân vận động, hoặc là người đứng bếp phải giỏi ngang mình trở lên, không thì khó nuốt vào miệng. Cho nên hầu hết những món tôi nấu đều là tự làm, tự ăn.

Ba tôi rất thích món Việt và tránh xa những món Tây. Ông nói mình ăn cơm từ nhỏ tới lớn với thịt kho, cá chiên, trứng luộc… quen vị rồi. Bây giờ người ta có cho tiền ép ông ăn bò lúc lắc hay mì Ý thì cũng đừng hòng. 

Đó là lý do mâm cơm của hai cha con ngày nào cũng đều là những món thuần Việt, dù tôi đang thèm mì tương đen muốn chết.

“Muốn ăn thì tự mà làm!” Ông nói rồi gắp một đũa khổ qua xào cho vào miệng.

“Ngoài con ra thì còn ai ăn nữa đâu?” Tôi ấm ức với lấy miếng chả cá trong đĩa.

Tôi nói chủ yếu để ba vui. Thật ra ngoài tôi, dĩ nhiên vẫn còn một đồng bọn có phước cùng hưởng, có nạn cùng chia cách nhà vài căn.

Tôi là một đứa lười, nhưng nếu phải giằng co trong cuộc chiến giữa lười và thèm ăn thì tôi chọn phe sau. Ăn là nhu cầu thiết yếu của con người. Lười gì cũng được, nhưng lười ăn và lười nấu ăn thì là một thiệt thòi lớn, nhất là với chị em phụ nữ. 

Tôi không biết chồng tương lai của mình liệu có kén ăn như ba không. Nhưng chí ít, tôi cũng tự nuôi được miệng mình nếu chỉ có trong tay nửa lon gạo và vài quả trứng: trứng luộc, trứng kho, trứng chiên, trứng nướng…

Quay trở lại vấn đề, tôi đang muốn làm mì tương đen. 

Đây là một món ăn dễ làm của Hàn Quốc, rất thích hợp với một con hậu đậu như tôi. 

Sáng hôm sau, tôi ra siêu thị gom hết những thứ đã lên danh sách từ trước đó rồi hì hục trong bếp theo công thức của Google. 

Ba tôi đứng sau lưng quan sát với vẻ mặt trầm tư. Chắc ông đang nghĩ món ăn tôi làm có hợp vệ sinh an toàn thực phẩm không.

Áng chừng một tiếng sau, món mì tương đen cũng hoàn thành. Tôi ngắm nhìn thành quả của mình, tay hí hoáy nhắn tin cho Phong:

“Tí nữa đừng ăn trưa nha! Vô trường tôi có cái này cho ông.”


Bình luận

Chưa có bình luận
Preview Settings

Try It Real Time

Layout Type
    • LTR
    • RTL
    • Box
Sidebar Type
Sidebar Icon
Unlimited Color
Light layout
Dark Layout
Mix Layout
}