Tâm trạng Phong hôm nay dường như khá tốt.
Hắn nheo mắt nhìn ra cửa sổ, vui vẻ ngắm những tia nắng đang len lỏi qua tán lá, qua lớp kính thủy tinh dày rồi đậu xuống góc bàn. Cổ họng hắn ngân nga giai điệu lạ lẫm, có vẻ là một bài nhạc buồn.
Tôi nhìn cuốn Sử Ký trước mặt vẻ lười nhác, sau đó cũng học theo người kia, đảo mắt ngắm hoàng hôn qua cửa sổ.
Thật lòng thì cảnh tượng này không có gì đẹp. Chẳng qua tôi cần một góc nhìn mới mẻ để tránh buồn ngủ. Cuốn Sử Ký thật chẳng khác gì liều thuốc mê.
Đột nhiên, Phong hỏi:
“Hạ có thích nhạc không lời không?”
“Không. Nhạc không có lời thì chán chết!” Tôi uể oải đáp.
Hắn “Ồ” lên một tiếng, đưa tay gãi cằm rồi nhìn tôi như sinh vật lạ.
Tôi không thích người khác chăm chăm ngó nghiêng mình nên nhíu mày, tay gõ ba cái liên tục xuống bàn:
“Có vấn đề gì?”
“Tại sao Hạ nghĩ nhạc không lời lại chán?”
“Đó là quan điểm mỗi người.”
Đây là lần thứ một trăm hai mươi mấy tôi dành sự kiên nhẫn để trả lời vấn đề này. Nếu người hỏi là ai khác, tôi hẳn sẽ ném cho hắn hai chữ “dở hơi” rồi hẹn không bao giờ gặp lại.
Nhưng đó là Phong.
Phong là bạn cùng trường kiêm hàng xóm cách nhà tôi năm căn. Tụi tôi quen biết nhau từ nhỏ, theo sách vẫn hay dành cái tên mỹ miều để gọi là bạn nối khố. Hai đứa hợp cạ nhau nên khá thân. Chuỗi ngày lớn lên của tôi đều có sự xuất hiện của hắn. Những phi vụ như hái trộm trái cây nhà ông Tư, chọc chó nhà cô Sáu, trốn gia đình để đi giựt cô hồn vào tháng Bảy âm lịch… tất cả không hề sót phần.
Ngược lại, mối quan hệ giữa phụ huynh hai nhà lại như chó với mèo, tỉ lệ nghịch với sự khắng khít của tụi tôi.
“Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”, ba tôi hay bảo thế. Theo ý ông thì Phong còn đen hơn cả con chó Phú Quốc thuần chủng nhà cô Sáu và một mực khăng khăng “Thằng hàng xóm kia dạy hư con gái mình”.
Cô Út - mẹ Phong cũng có quan điểm tương tự.
Bà và ba tôi thường phát sinh những trận cãi nhau nảy lửa. Đối tượng bị lôi vào nhiều nhất là hai đứa tôi.
Ba tôi bảo Phong đen hơn chó mực, mẹ Phong cũng không chịu lép vế mà gân cổ lên rằng “Con gái không ra con gái, học theo cái tánh chơi bời của tụi con trai”.
Cuộc chiến cứ vậy không hồi kết, kéo dài mười bốn năm.
Tôi và Phong hiện tại mười chín tuổi, không còn là hai đứa nhóc bày trò phá làng, phá xóm. Mối quan hệ giữa tụi tôi không suy chuyển. Hiềm khích giữa phụ huynh hai nhà cũng không có dấu hiệu hạ nhiệt. Khi ba biết tôi thi đậu cùng trường Đại học với tên “đen hơn chó mực” kia, ông nằng nặc đòi con gái mình chuyển học bạ. Tôi phải năn nỉ, giọt ngắn giọt dài mới dàn xếp êm xuôi.
Vì hai nhà không chấp nhận qua lại nên tụi tôi chỉ có thể gặp mặt và trao đổi trong trường hoặc qua Internet. Tôi đi học bằng bus, Phong có xe đạp. Mỗi buổi sáng, tôi đều lén ra khỏi đầu hẻm rồi phóng lên yên sau xe hắn, quá giang một mạch đến trường. Tan học cũng vậy. Trừ những khi lịch học khác buổi, tôi mới phải bất đắc dĩ mất ba nghìn tiền xe mỗi lượt.
Mọi chuyện êm đềm cho đến một tháng trước.
Đột nhiên, Phong giở chứng không chở tôi nữa. Hắn chuyển sang đi bus.
Mặc tôi tra hỏi lý do, tên hàng xóm chết bầm kia vẫn lắc đầu không nói. Dần dà, tôi xem điều đó thành quen, không tò mò nữa.
Cũng từ dạo ấy, câu hỏi về bài nhạc không lời kia ngày nào cũng xuất phát từ miệng hắn đều như vắt tranh.
“Gần đây ông ăn trúng cái gì à? Miệng cứ nói những câu vớ vẩn thế?” Tôi vừa nói, vừa gấp lại cuốn Sử Ký, đặt lên kệ sách.
Phong nheo mắt:
“Tôi nói cho Hạ biết thì câu trả lời có thay đổi không?”
“Hỏi thừa!”
“Ây da, rõ ràng Hạ không thích piano, nhưng lại đi nói dối anh Nhân bên câu lạc bộ…”
Lời của Phong chưa kịp dứt đã bị kẹt lại nơi cổ họng khi nhận lấy cái trừng mắt từ tôi.
Thằng quỷ này, vậy mà hắn biết...
“Bí mật!" Tôi rít qua kẽ răng.
“Okay!” Nụ cười Phong càng lúc càng rộng, “Tôi sẽ giữ kín bí mật của Hạ. Nhưng bản thân là một người hâm mộ nhạc không lời chân chính, tôi cực kỳ dị ứng với những thành phần mạo danh thế này. Đặc biệt là vì lý do tình yêu tình báo.”
“Cộng đồng người yêu nhạc không lời sẽ tuyên dương tinh thần ông.” Tôi thấp giọng khinh bỉ.
Chẳng biết Phong nhận ra ý tứ trong câu vừa rồi không mà cười rất tươi, sắc mặt cũng không thay đổi.
“Cảm ơn. Nhưng sao Hạ phải nói dối? Không thích thì cứ nói là không thích thôi.”
“Khi nào ông thích một người, tự dưng ông sẽ hiểu. Sở thích, mục tiêu, lý tưởng… tất tần tật, ông đều muốn có điểm chung với họ.”
Tôi hùng hồn giải thích và cảm thấy đáng thương thay cho thằng bạn đã gần hai mươi tuổi vẫn chưa nếm trải sự rung động đầu đời. Thật là điều bất hạnh của thời sinh viên!
Phong dường như không đồng tình lắm. Hắn chau mày, mắt đảo lên trần rồi lại ngó xuống đất mấy lần.
“Tập thể dục cho mắt à?” Tôi tặc lưỡi.
“Tôi đang suy nghĩ nên đặt hệ quy chiếu ở đâu để không chung tần số nhân sinh quan với Hạ. Thích một người mà phải gò bó bản thân, ép mình trở thành một ai khác như vậy thì thật là khổ.”
Phong nói một cách nghiêm túc, ánh mắt cẩn thận như thể hắn đang thật sự tìm hệ quy chiếu để không cùng tần số với tôi.
Tôi biết đây là câu móc mỉa, bởi tên hàng xóm này làm tôi muối mặt ước chừng đã hơn chín chín tám mốt lần. Da mặt tôi bây giờ có thể so với mặt đường nên cũng không chấp hắn làm gì. Chỉ có một chuyện nãy giờ bản thân vẫn thắc mắc không thôi, nhưng chưa mở miệng hỏi.
Tại sao hắn biết chuyện tôi thích anh Nhân bên câu lạc bộ Piano?
Anh Nhân học trên tụi tôi một khóa, khoa Công nghệ thông tin. Song, anh lại mang tâm hồn của một nghệ sĩ. Anh thích piano và sáo trúc, đồng thời là trưởng câu lạc bộ Piano của trường. Ngoại hình anh tuy không quá nổi bật nhưng được cái tài năng và ăn nói có duyên.
Bởi vậy, những thiếu nữ có trái tim mong manh nhưng không dễ vỡ như tôi nhanh chóng bị lay động.
Lúc nhìn thấy anh đứng trên bục lễ khai giảng cùng màn trình diễn piano đỉnh cao, tim tôi như sợi dây đàn tĩnh lặng bỗng bị khảy nhẹ, dao động liên hồi.
Giây phút đó, tôi đã biết mình nhất định phải tham gia câu lạc bộ piano.
Tôi là một người mù tịt về dương cầm. Nhưng để tìm được chủ đề bắt chuyện với anh, tôi bèn khai man mình có niềm đam mê bất tận với nhạc không lời.
Sự thật thì ngoài Mozart và Beethoven ra, tôi hoàn toàn không biết thêm một ai.
Bằng giọng nói hết sức hùng hồn và vẻ mặt chân thành khi nhắc đến Bản giao hưởng định mệnh, anh Nhân tin lời tôi răm rắp. Nhiều lúc, tôi còn ảo tưởng mình thật sự là tín đồ của thể loại nhạc chán ngắt đó khi cứ lặp đi lặp lại lời nói dối ngày qua ngày.
Nhiều người nói dối dễ bị phát hiện, riêng tôi thì không. Trong suốt quãng đời ấu thơ của mình, số lần tôi dóc tổ với phụ huynh nhiều như cơm bữa. Thật ra tôi cũng không muốn như vậy, nhưng kẻ đồng phạm luôn rót vào tai tôi những câu ngọt như mía lùi như “Chuyện không quan trọng, không sao đâu”, “Một lần này nữa thôi”, “Khi tụi mình lớn lên, tự dưng sẽ hết nói dối”.
Kẻ đồng phạm đó là ai, tôi tin chắc mọi người cũng biết rồi.
Lúc đó, tôi cũng tin hắn như cách anh Nhân tin tôi vậy. Sau này tôi mới nhận ra đúng là càng lớn, người ta càng ít nói dối hơn. Một khi đã nói dối chuyện nào thì chuyện đó đều mang tính chất nghiêm trọng.
Tôi nhìn lại thế sự, tự thấy an ủi phần nào vì mình chỉ nói dối với mục đích bé tí tẹo, gói gọn trong một con người.
Việc tôi bốc phét mình yêu nhạc không lời chẳng biết vì sao đến tai Phong. Bản thân tôi dám chắc cửa phòng đều đóng kín khi nói ra chuyện này, xung quanh cũng không ai nghe trộm. Ban đầu, tôi nghĩ có lẽ anh Nhân tiết lộ nhưng lại thấy vô lý, vì anh Nhân đâu có quen biết Phong.
Tôi ôm sự thắc mắc kia từ trường về nhà, chẳng mấy chốc liền quên béng đi bởi cuộc chiến trường kỳ thời sinh viên mang tên deadline. Tổng chỉ huy mỗi trận là những giảng viên dày dặn kinh nghiệm khoác lên mình bộ giáp vô hình.
Nhớ lại thời còn ôn thi Đại học, giáo viên vẫn hay nói với chúng tôi rằng Đại học là một cánh cửa rất khác, nghe cái tên thôi đã thấy cả khung trời nhàn nhã. Muốn học thì học, không ai quản.
Đến lúc bước chân vào cánh cửa ấy rồi mới biết, những gì giáo viên nói chỉ là nửa vế đầu.
Khi đó, tôi chưa có cơ hội tiếp xúc với khái niệm của hai từ “nợ môn” và “học lại”, cũng chưa mường tượng được việc lệ phí thi và học lại sẽ bào mòn kinh tế mình như thế nào.
Bình luận
Đọc dạo thôi
Hay nha trừi