Thủ Độ nghe vậy thì quỳ xuống đất, chắp tay hành lễ rồi bình thản mà kiên định nói:
- Đầu thần chưa rơi xuống đất, xin bệ hạ đừng lo.
Trần Cảnh gật đầu rồi đỡ ông đứng dậy. Nghe câu này của Thủ Độ, Trần thị chợt nhớ tới lời ông đã từng nói với bà khi xưa: “Chỉ cần chị nói không muốn, đầu em chưa rơi xuống đất, chị không cần phải lo gì cả.”. Thì ra nhiều năm về trước, ông đã từng vì bà không màng gì cả. Nhưng rồi quyền lực, trách nhiệm đã khiến ông thay đổi, cũng chính ông người mà bà vẫn cho rằng yêu bà nhất đã đẩy bà vào cảnh khó xử. Chính ông buộc bà phải tàn nhẫn với hai đứa con của mình. Sau khi Thuận Thiên mất sớm khi còn quá trẻ, Trần thị vẫn luôn dằn vặt mình về chuyện đã ép nàng vào cung lấy Trần Cảnh. Nhưng bà cũng chẳng thể trách được Thủ Độ mà phải trách chính bản thân mình đã đồng ý giúp ông làm chuyện trái luân thường đạo lý kia.
- Bà ở hành cung cứ yên tâm, tôi sẽ không để giặc mon men đến chỗ bà. - Thủ Độ nói vội một câu với Trần thị rồi liền đi theo nhà vua ra chiến trường.
- Còn ông thì đừng làm liều. Ông biết tính tôi rồi, tôi sẽ không ở góa, nếu ông có mệnh hệ gì thì tôi sẽ tái giá. - Trần thị gật đầu.
- Trong triều chẳng có lão già nào chịu được bà đâu. - Thủ Độ hừ lạnh.
Hoàng đế đứng bên cạnh nghe Thái sư và Quốc mẫu nói chuyện không biết làm gì khác ngoài câm lặng ngửa mặt nhìn trời, cuối cùng đành e hèm nhắc nhở:
- Thái sư mau lên thuyền thôi. Toàn quân đang đợi.
Thuyền rời bến chia làm hai hướng. Đoàn tiến tới chiến trường. Đoàn chở người về hành cung lần lượt rời bến. Chiếc mà Chiêu Thánh ngồi là chiếc khởi hành cuối cùng, đã bắt đầu nhổ neo. Nhưng Trần thị vẫn ở trên bờ chưa xuống thuyền.
- Quốc mẫu không đi cùng chúng ta sao? - Nàng hỏi người nữ binh đứng gác bên cạnh.
- Bẩm công chúa, Quốc mẫu vẫn còn việc phải làm nên sẽ đi sau ạ. - Người nữ binh đáp.
Ngoài đội nữ binh và những binh lính cử đi theo hộ tống mọi người đến hành cung bình an, Trần thị giữ lại một số binh lính, bà ra lệnh:
- Khám xét thuyền của tất cả các nhà chứa giấu quân khí. Quân khí tìm được toàn bộ đều sung cho quân đội. Kẻ nào chống cự kháng lệnh đều nghiêm phạt.
….…………….
Cuộc chiến chống giặc Mông ròng rã mấy tháng kết thúc thắng lợi. Quân Mông thua trận phải rút chạy khỏi Đại Việt. Vua tôi đồng lòng cùng dốc sức đánh giặc. Nếu là Đại Việt của ba chục năm trước nội chiến liên miên, đất nước suy tàn, có lẽ không đủ sức đương đầu với vó ngựa Mông Cổ, e rằng sẽ rơi vào họa vong quốc. Sau cuộc chiến vệ quốc này, họ Trần đã có được lòng dân, ai còn nghĩ đến chuyện khôi phục nhà Lý nữa. Đến vó ngựa hùng mạnh của quân Mông còn thất bại thì thế lực sót lại manh mún của nhà Lý có thể làm gì. Trần thị đứng ở mũi thuyền nhìn về phía kinh thành. Thăng Long ngày càng gần, bà đã đưa hoàng tử, hoàng tôn, gia quyến quý tộc đến hành cung an toàn, bảo vệ họ. Giờ đây giặc đã lùi bước về nước, bà lại đưa họ trở về nhà.
Những ngày tháng thức khuya dậy sớm khi cuộc chiến diễn ra bào mòn sức khỏe, bào mòn tinh thần của bà. Bờ vai như trĩu xuống. Bà cảm giác thời gian của mình không còn nhiều. Bà muốn đợi Trần Cảnh ổn định lại đất nước sau chiến tranh mới đến gặp chàng nhưng sợ là không kịp. Bà muốn xin chàng một điều mới có thể yên tâm nếu phải rời xa thế gian này trong nay mai. Trong trận chiến vừa rồi. Phụ Trần lập được công lớn, còn lấy ván thuyền che cho Trần Cảnh trước mưa tên của giặc. Bà muốn Trần Cảnh mượn cớ này ban hôn cho Phụ Trần và Chiêu Thánh. Chiêu Thánh từng là hoàng đế rồi hoàng hậu, nếu không được Trần Cảnh ban hôn, ai dám cưới nàng. Bây giờ nàng là công chúa, nếu nàng gả cho Phụ Trần cũng là hạ giá. Lê Phụ Trần là dòng dõi của vua Lê Đại Hành, có cha là một công thần. Trần thị biết những năm qua Phụ Trần vẫn luôn chăm sóc quan tâm đến Chiêu Thánh. Chiêu Thánh khi gặp Phụ Trần cũng cười nói nhiều hơn vài câu. Đôi bên đối với nhau đều hữu tình.
- Thần biết nếu bệ hạ chấp nhận thỉnh cầu này của thần sẽ bị đàm tiếu chê trách. Nhưng Chiêu Thánh vẫn còn trẻ, cuộc đời phía trước còn dài, thần hị vọng con bé sẽ có một chỗ dựa, một mái ấm. - Trần thị nói.
- Chuyện này trẫm đồng ý với Quốc mẫu. - Trần Cảnh đỡ Trần thị ngồi xuống rồi nói. - Nhưng có một điều kiện, đó phải Lê Phụ Trần phải đích thân đến cầu trẫm ban hôn.
- Bẩm bệ hạ, Phụ Trần đã đợi sẵn ngoài cửa điện, chỉ đợi một lời này của bệ hạ mà thôi. - Trần thị nghe điều kiện mà Trần Cảnh vừa nói thì mỉm cười đáp.
Trần thị vừa dứt lời thì Phụ Trần bước vào hành lễ. Chàng quỳ xuống vái lạy hoàng đế và nói:
- Thần xin bệ hạ ban hôn cho thần và Chiêu Thánh công chúa.
Trần Cảnh nheo mắt nhìn Phụ Trần, trầm giọng:
- Khanh chắc hẳn được sự đồng ý của Chiêu Thánh rồi. Trẫm cũng không còn lời nào ngoài chuẩn tấu. Chỉ có điều chỗ Thái sư, trẫm không biết ý tứ thế nào. Cái đó khanh phải tự lo thôi.
Trần thị nghe vậy thì xua tay:
- Chuyện đó thì đầu thần chưa rơi xuống đất xin bệ hạ đừng lo. Lần này, ông già đó sẽ không dám ho he gì.
Trần Cảnh nghe Trần thị nói vậy thì bật cười.
Sau hôn lễ của Chiêu Thánh và Phụ Trần, Trần thị đổ bệnh.
….…………………
Đoạn đường xóc nảy khiến Trần thị giật mình tỉnh dậy khỏi giấc mộng dài. Bà mệt mỏi hỏi Thủ Độ:
- Sắp về đến nơi chưa?
- Chưa. - Thủ Độ đáp.
Trần thị nhìn khung cảnh bên ngoài cửa xe lúc này, một bãi bờ, một con sông. Tuy không phải Hải Ấp nhưng thật giống khung cảnh quen thuộc khi xưa, nơi bà và Thủ Độ hay dạo chơi. Mặt sông lấp lánh ánh nắng. Thấp thoáng xa xa những con thuyền đánh cá.
- Dừng ở đây đi. Tôi muốn ăn cá nướng.
Trần thị tựa lưng vào gốc cây nhìn vị Thái sư đương triều vì bà bận rộn xuống sông bắt cá, nhặt củi, nhóm lửa, nướng cá. Khóe môi mỉm cười.
- Thủ Độ.
Nghe tiếng bà gọi, ông quay lại nhìn bà cười nói:
- Sắp chín rồi.
- Ông để đó đi. - Trần thị lắc đầu. - Tựa vào cây cứng quá, tôi muốn tựa vào ông.
Thủ Độ đỡ Trần thị tới ngồi gần đống lửa, để bà tựa vừa người mình, một tay giữ Trần thị, một tay nướng cá.
- Ông nhìn những chiếc thuyền đánh cá ngoài xa kia xem. Quyền lực đem lại vinh hoa phú quý, có thể hô mưa gọi gió nhưng cũng giống như một sợi xiềng xích vô hình trói buộc, giống như thuyền rồng tuy xa hoa nhưng không thoải mái bằng những chiếc thuyền đánh cá đơn sơ của chúng ta ở Hải Ấp. - Trần thị nói. - Tôi là một người thích hư vinh, thích lời khen ghét tiếng chê. - Bà ngước nhìn Thủ Độ. - Vì gả cho ông mà phải chịu bao điều tiếng xấu xa. Nhưng trong cuộc đời này, điều tôi chưa từng hối hận là cưới ông.
- Cuộc chiến vừa rồi, bà lập công lớn. - Thủ Độ khẽ cười. - Sau này hậu thế ca ngợi công lao của bà, đã đủ thỏa mãn lòng hư vinh của bà chưa?
- Đó là điều đương nhiên. - Trần thị khẽ gật đầu. - Còn ông, cả đời đã cung cúc tận tụy vất vả vì họ Trần rồi. Nay họ Trần căn cơ đã vững, ông nên ghỉ ngơi thôi, mọi việc hãy để bọn trẻ lo. Ông đã già, lại cổ hủ, đừng tham quyền cố vị và nhiều chuyện nữa kẻo đám trẻ nó ghét cho.
Trần thị khép mắt lại. Cuối đời, trước lúc nhắm mắt xuôi tay, người ở bên cạnh bà chỉ có Thủ Độ. Hai đứa con gái của bà hận nàng, rất hận bà. Hận đến mức một đứa trước khi nhắm mắt xuôi tay không muốn nhìn thấy mặt bà. Hận đến mức một đứa khi bà sắp gần đất xa trời cũng không đến gặp bà lần cuối. Chúng hận bà vì bà là một người mẹ với trái tim lạnh lùng sắt đá, vì lợi ích gia tộc, vì vinh hoa phú quý, vì tham vọng quyền lực đã biến chúng thành những quân cờ chính trị trên bàn cờ tranh đoạt đầy tàn nhẫn. Nhưng chính bà cũng đã từng là một quân cờ của gia tộc, thậm chí còn là một quân cờ suýt bị vứt bỏ khi không còn giá trị.
Con vua rồi lại làm vua, con sãi nhà chùa lại quét lá đa. Con của một quân cờ lại làm quân cờ? Không! Bà không muốn như vậy. Nếu như thời cuộc phải thế, con bà không thể thoát khỏi bàn cờ loạn thế này thì hãy để bà là người chơi cờ. Ít nhất bà có thể bảo vệ được mạng sống của con mình. Nhưng cuối cùng bà vẫn không làm được, Thuận Thiên của bà đã giã từ cuộc đời khi còn xuân xanh. Tâm bệnh u uất buồn bã đã khiến con bà dù ngồi ở ngôi vị hoàng hậu những đã sớm héo mòn rồi mất sớm. Ngự y nói con bà không tha thiết muốn sống. Mấy đứa con còn trẻ thơ cũng không đủ để níu kéo Thuận Thiên, cũng không đủ để xoa dịu được nỗi đau mà người công chúa tiền triều chịu đựng. Trần thị những năm qua nào có thể sống thanh thản, chẳng có người mẹ nào sống thanh thản an nhàn được khi con cái mình không hạnh phúc.
- Họa ngoại bang vẫn còn. - Thủ Độ thở dài. - Tôi chưa thể yên tâm. Kệ cho chúng ghét. Đằng nào cũng bị ghét, bị hận, bị thù rồi, thêm vài năm nữa chẳng sao. Chỉ cần bà hiểu tôi là được. Bà nói có phải không?
Con cá ông đang cầm trên tay rơi xuống đất. Gió thổi mạnh làm tắt cả đống lửa đang tàn.
Cả ông và Trần thị, hai người một đời bị gánh nặng gia tộc đè nặng trên vai, nay bà đã buông xuống được trước ông rồi. Bà vốn muốn về Hải Ấp để sống những ngày cuối đời rồi an nghỉ ở đó. Nhưng vì muốn đợi Chiêu Thánh đến nên bà cứ lần lữa. Bà vẫn chưa thể về tới Hải Ấp. Có lẽ số trời đã định bà phải đến Thăng Long, thuộc về Thăng Long, trở thành người tạo nên sự chuyển giao thời đại, mở nghiệp cho nhà Trần.
- Bà ấy đã đi rồi sao?
Thủ Độ không quay lại, bình thản đáp:
- Bà ấy vừa đi. Không đợi được công chúa.
Chiêu Thánh vốn không định đến phủ Thái sư gặp Trần thị nhưng Trần Cảnh đã khuyên nàng đến. Chàng chỉ nói ngày xưa khi gả chị em nàng cho chàng và Trần Liễu, Thái sư và Quốc mẫu đều căn dặn hai anh em chàng phải đối xử tốt với vợ. Chiêu Thánh tới phủ thì người hầu cho biết Trần thị đã được Thái sư đưa về quê. Nàng liền cưỡi ngựa đuổi theo. Nàng không muốn tiếc nuối. Đối với người mẹ này, Chiêu Thánh có thể hiểu nguyên do của những chuyện bà làm nhưng nàng vẫn không thể tha thứ được. Nàng định bước tới nhưng Phụ Trần đặt tay lên vai nàng lắc đầu:
- Hãy để họ yên tĩnh bên nhau.
Chiêu Thánh do dự rồi theo Phụ Trần rời đi.
Thủ Độ ủ hai bàn tay đang lạnh dần vào lòng bàn tay mình, lẩm bẩm nói:
- Ở đây có sông, có cá, có thuyền, có tôi, có bà, giống như ở Hải Ấp vậy. Tôi không phải thái sư, chỉ là một anh thuyền chài áo vải thả lưới bắt cá. Bà không phải hoàng hậu, công chúa. Chỉ là một cô thôn nữ ngày bán cá tối vui vẻ đếm tiền mà thôi.
Chú thích:
[1] Tôi không tìm được thông tin về các vợ khác của Trần Thủ Độ nên trong câu chuyện được viết theo tưởng tượng của tôi này, ông chỉ có một người vợ là Linh Từ Quốc mẫu.
Bình luận
Chưa có bình luận