Đứa con Thuận Thiên đã mang thai được ba tháng khi gả cho Trần Cảnh đã chào đời bình an, đặt tên là Trần Quốc Khang. Thấm thoắt nàng vào cung đã ba năm. Có những chuyện không thể mãi trốn tránh, chỉ còn cách ngậm đắng nuốt cay đối mặt chịu đựng.
Thuận Thiên vẫn phải mở lòng, làm tròn trách nhiệm của một hoàng hậu, sinh người kế thừa đại thống. Nàng đã mang thai đứa con đầu của Trần Cảnh. Nếu đứa trẻ sinh ra là con trai đương nhiên sẽ là Thái tử. Trần thị tính sắp đến ngày Thuận Thiên sinh nở nên quay lại kinh thành. Thủ Độ dẫn theo người ngựa cờ kiệu đón bà ở cổng thành.
- Hôm nay ông lại có thời gian rảnh rỗi ra đây làm gì? - Trần thị cười hỏi khi nhìn thấy Thủ Độ.
- Ta tới đón bà để nhắc cho bà nhớ bà vẫn còn một người chồng là ta không thì bà quên. - Thủ Độ đáp.
- Ở nhà có chuyện gì không? - Trần thị hỏi. - Ông có nhân lúc mụ này đi vắng cưới thêm nàng hầu vợ lẽ nào không đấy?
- … - Thủ Độ bất lực nhìn Trần thị. - Bà còn đi nữa thì tôi làm thật đấy.
- Tùy ông. - Trần thị xua tay. - Nhưng mà ông gây thù chuốc oán khắp nơi, nạp thiếp thì chọn cho cẩn thận kẻo rước họa về nhà.
- Nghe bà nói vậy thì thôi đi. Tôi lắm kẻ thủ, người đầu gối tay ấp khiến tôi tin tưởng, chỉ có một mình bà.
….………..
Phụ Trần thỉnh thoảng vẫn tới căn nhà tranh thăm Chiêu Thánh. Chiêu Thánh từ lúc lọt lòng đã sống trong giàu sang phú quý, chưa từng chịu khổ, chịu thiếu thốn về vật chất. Ra ngoài một chuyến, nàng chợt nhận ra ngay cả những việc đơn giản nhất là chăm sóc bản thân như mặc y phục, chải đầu, rửa mặt trước giờ nàng chưa từng tự làm một mình. Tất cả đều có cung nữ hầu hạ. Đừng nói đến những chuyện lao động chân tay nặng nhọc. Những ngày đầu đến ngôi làng nghèo đến xơ xác này, Chiêu Thánh mới bắt đầu học tất cả mọi việc, học cày cấy, cuốc đất trồng rau, gánh nước chẻ củi nhóm bếp, nấu cơm giặt giũ, dệt vải… Lúc đầu chưa quen, có lần nàng còn cuốc trúng vào chân đau điếng, có lần thì cấy lúa ngoài đồng say nắng ngất xỉu. Cuộc sống vất vả mưu sinh chật vật, bận rộn khiến nàng không có thời gian để suy nghĩ, để buồn phiền, để u uất. Dần dần nàng cũng quen với mọi việc, chỉ là nước da trắng hồng mịn màng đã sạm đen rám nắng, đôi bàn tay thon thả chai ráp thô sần, còn có vài vết sẹo do bị liềm cắt trúng. Chiêu Thánh nuôi thêm mấy con gà. Khi đã thạo việc, nàng làm mọi thứ nhanh hơn, có thêm thời gian, nàng dạy đám trẻ trong làng học chữ.
- Thần có quà cho công chúa. - Phụ Trần vừa vào đến sân đã cười nói.
Chiêu Thánh ngừng thêu ngẩng lên nhìn người vừa đến. Chàng đang ôm trên tay một chú chó con rất đáng yêu, nhìn là muốn bế. Chiêu Thánh vui vẻ đón lấy con chó từ tay Phụ Trần xoa đầu nó, vuốt ve bộ lông mềm mượt. Con cún giương đôi mắt long lanh nhìn nàng, thè cái lưỡi nhỏ xíu hồng hồng liếm tay nàng lấy lòng.
- Nó vẫn chưa có tên. Công chúa đặt tên cho nó đi.
- Có câu nhất khuyển nhì mã. Chó là loài vật trung thành nhất. Nhất, ta đặt tên cho nó là Nhất. Nó sẽ không phản bội cũng không bỏ lại ta.
- Thần có mang thêm cho công chúa mấy quyển sách để dạy bọn trẻ.
- Cảm ơn. - Chiêu Thánh gật đầu đáp.
- Quốc mẫu có hay tới đây thăm công chúa không? - Phụ Trần hỏi thăm.
Nhắc tới Trần thị, nụ cười trên môi Chiêu Thánh nhạt đi, nàng không trả lời câu hỏi của Phụ Trần mà chỉ nói:
- Bà ấy đến hay không đến cũng vậy. Nhất cử nhất động của ta đều ở dưới mí mắt của bà ấy và Trần Thủ Độ.
Thấy nàng không vui, Phụ Trần hỏi sang chuyện khác:
- Công chúa định bao giờ thì trở về phủ?
- Ta chưa biết. Ở đây thích hơn. - Chiêu Thánh đáp.
Rời khỏi bốn bức tường nơi cung cấm, sống ở ngôi làng nghèo xác xơ này giúp nàng hiểu ra nhiều điều. Nàng hiểu thế nào là cuộc sống mưu sinh kiếm từng bữa cơm vất vả không hề dễ dàng. Những đồ trang sức vàng bạc ngọc ngà châu báu đầy trong tẩm điện và phủ đệ, trước đây nàng vẫn coi thường có thể đủ cho cả một đại gia đình ăn đến mấy đời, có thể đổi được bao nhiêu thang thuốc cứu mạng người. Tất cả những gì nàng được hưởng, lầu son gác tía, cơm ngon áo đẹp, trang sức tinh xảo quý giá từ khi sinh ra đều là từ nhân dân nuôi dưỡng.
Hàng xóm gần nhà nàng là một góa phụ, chồng và con trai bà mất trong chiến loạn. Khi vua Lý Cao Tông, ông nội của nàng và phụ hoàng nàng trị vì, các phe cánh nổi dậy đánh giết lẫn nhau tranh giành quyền lực, sưu cao thuế nặng, mất mùa đói kém, dịch bệnh… Đời sống dân chúng cực khổ. Họ Trần là gia tộc mạnh nhất đã dẹp hết các thế lực cát cứ, ổn định triều chính, khôi phục đất nước sau cơn suy tàn. Nàng căm hận Trần Thủ Độ nhưng dân chúng lại kính trọng ông ta, biết ơn ông ta đã phò tá vua đem lại cho họ cuộc sống yên bình ấm no hơn trước. Nàng đã hiểu tại sao hồi nhỏ mỗi lần nàng phạm lỗi, mẫu hậu đều bắt nàng chép phạt những trang sử viết về loạn mười hai sứ quân. Nàng cũng đã hiểu mục đích Trần thị đưa nàng đến đây sống. Trần thị muốn nàng hiểu một điều rằng vận của nhà Lý đã tận, nếu không phải họ Trần thì cũng sẽ có một thế lực khác thay thế. Dù là họ nào thì kết cục vẫn như vậy, hoặc có thể còn khốc liệt hơn với những cuộc binh đao tương tàn đẫm máu, bách tính vô tội bị kéo vào vòng xoáy này. Loạn mười hai sứ quân cát cứ xưa kia sử sách vẫn còn ghi. Dân chúng chỉ cần cơm no áo ấm, một cuộc sống bình yên, hoàng tộc cai trị là ai họ cũng không quan trọng. Người làm đế vương không thể chỉ lo chỉ nghĩ cho quyền lợi của gia tộc mình mà phải đặt vận mệnh quốc gia, đặt lê dân bách tính lên hàng đầu. Nàng vẫn oán, vẫn hận nhưng đã buông bỏ hi vọng khôi phục nhà Lý. Nàng đã tự hỏi nếu nàng vẫn là hoàng đế liệu nàng có làm được cho dân chúng như bây giờ không? Có lẽ có, có lẽ không nhưng mệnh trời đã không chọn họ Lý nữa rồi. Những toán quân muốn phò tá nàng giành lại ngôi báu, nàng đã hạ lệnh giải tán, mong họ tìm được một cuộc sống mới bình yên. Nàng cũng đã cắt đứt liên lạc với các tù trưởng miền núi Tây Bắc cùng hậu duệ của các công chúa nhà Lý ở đó. Thực ra khi xưa phụ hoàng truyền ngôi cho nàng là con gái đã khiến triều thần tranh cãi. Các tôn thất trung thần của nhà Lý không phục phò tá nàng, họ muốn phụ hoàng nàng truyền ngôi cho cháu trai, đó mới là một vị hoàng đế họ muốn phụng sự.
- Hoàng hậu dạo này thế nào? - Chiêu Thánh hỏi thăm Phụ Trần về Thuận Thiên.
- Hoàng hậu đã sinh hạ bình an thái tử. Mẹ tròn con vuông. - Phụ Trần ngập ngừng đáp rồi hỏi. - Công chúa có oán giận hoàng hậu không?
Chiêu Thánh mỉm cười buồn bã lắc đầu:
- Sao có thể oán giận được. Chị ấy cũng thân bất do kỷ như ta. Thậm chí còn đau khổ hơn ta. Ít nhất bây giờ ta còn có tự do, được sống theo ý mình.
Nàng đã nghĩ thông suốt rồi. Nàng cũng muốn vào cung thăm chị nhưng nàng không muốn gặp mặt Trần Cảnh. Gặp nhau thêm đau, dằn vặt, khó xử.
….……………..
Thuận Thiên sau khi làm hoàng hậu, sinh được hai người con trai. Một người đã được lập thái tử. Hoa đào đã nở rồi tàn mười một năm từ khi nàng thay thế em gái trở thành hoàng hậu Đại Việt. Sức khỏe của nàng vốn không tốt, sau khi sinh bốn người con càng giảm sút. Năm nay, nàng không đợi được đến khi hoa đào nở. Nàng mắc bệnh không qua khỏi, giống như dầu cạn đèn tắt buông tay cõi đời này khi mới ngoài ba mươi. Chiêu Thánh vội vã trở về cung gặp chị. Nàng gặp Trần thị ở ngưỡng cửa tẩm điện.
- Hoàng hậu đang chờ công chúa. - Trần Cảnh dắt theo hai đứa con nhỏ đưa ra ngoài để Thuận Thiên nói chuyện riêng với Chiêu Thánh.
Chiêu Thánh gật đầu đáp lễ rồi vội bước vào trong. Trần Cảnh cho cung nhân đưa hai con đang khóc lóc đi trước còn chàng ở lại. Trần thị dợm bước theo nàng thì chàng khó xử lên tiếng:
- Quốc mẫu… xin dừng bước… Thuận Thiên nói không muốn gặp người. Nàng nói như vậy mới có thể ra đi thanh thản, để lại hết oán hận, căm giận, tủi thân, bất lực ở trần gian.
Trần thị đứng sững lại, cổ họng bà đắng ngắt. Bà lảo đảo phải tựa vào tường. Thôi vậy, con đã không muốn gặp bà thì thôi vậy. Cả đời này Thuận Thiên đã phải sống theo sắp đặt của bà, đến lúc gần đất xa trời, bà buông tha cho đứa con gái đáng thương này.
- Nó còn nói gì nữa không?
- Nàng nói nàng thấy mệt mỏi. Nàng nói nàng đã hoàn thành nghĩa vụ sinh người nối dõi cho họ Trần, nàng là quân cờ vô dụng bỏ đi rồi, có cũng được, không có cũng không sao. - Trần Cảnh thở dài.
Trần thị không nhớ nổi khi bà mang thai Thuận Thiên, Đàm thái hậu đã bao lần hạ độc bà, muốn một xác hai mạng. Thuận Thiên yếu từ trong bụng mẹ. Một người bà nội quyết giết cháu nội mình. Thực ra bà đã bước đi theo con đường của Đàm thái hậu trước đó, vì lợi ích của gia tộc hi sinh cả hạnh phúc của con mình. Thuận Thiên vốn sức khỏe yếu ớt vì bị hạ độc từ trong bụng mẹ lại thêm chất chứa u uất trong lòng ăn sâu thành tâm bệnh, tuổi còn trẻ đã tiều tụy suy nhược. Trần thị chưa từng nghĩ tới cảnh người đầu còn chưa bạc đã tiễn người tóc xanh. Chuyện năm đó bà và Thủ Độ làm đã khiến cả bốn người đau khổ, nhưng người đau khổ bất lực nhất có lẽ là Thuận Thiên.
….……………..
Sau khi Thuận Thiên mất, Chiêu Thánh lại trở về căn nhà tranh của mình, thỉnh thoảng nàng cưỡi ngựa đi du sơn ngoạn thủy. Cho đến khi quân Mông từ phương Bắc tràn xuống xâm lược Đại Việt, Trần thị sai người tới đón nàng đến hành cung để lánh nạn.
Vó ngựa Mông Cổ đi đến đâu, cỏ không mặc được ở đó. Thế giặc dữ mạnh như thác lũ, tiến quân như vũ bão phong ba. Trần Cảnh đích thân chỉ huy quân chiến đấu nhưng trước thế giặc mạnh, phải lui quân liên tục. Thái úy đương triều cũng là em vua chấm nước viết lên hai chữ “Nhập Tống” khi Trần Cảnh hỏi kế sách chống giặc. Quân Tinh Cương do Thái úy chỉ huy cũng không triệu tập được đến để tăng cường lực lượng.
- Quan gia chớ nản. - Phụ Trần chắp tay thưa. - Xin Quan gia hỏi ý kiến Thái sư.
….………..
Khi Chiêu Thánh được đưa đến bến thuyền thì Trần thị đã tập hợp các hoàng tử, hoàng tôn, gia quyến của quý tộc nhà Trần ở đó. Bà sắp xếp cho mọi người lên thuyền để tới hành cung lánh nạn. Trần thị cử các đội nữ binh và binh lính bảo vệ hộ tống các thuyền. Bà nhìn thấy Chiêu Thánh được đưa tới nơi an toàn mới thở phào nhẹ nhõm.
- Con mau lên thuyền đi. - Bà vừa nói vừa cởi áo choàng đang mặc khoác lên người nàng. - Trời lạnh, đường xa, vất vả thiếu thốn, phải giữ ấm đừng để lạnh.
- Không cần đâu. Quốc mẫu cứ giữ lấy - Chiêu Thánh lắc đầu từ chối, nàng khoác lại áo cho Trần thị. - …
Chiêu Thánh định nói thêm vài câu nhưng nàng nhìn thấy từ xa Thủ Độ đang đi tới về phía Trần thị nên đành thôi. Nàng quay người mang theo tay nải bước lên thuyền. Bao năm rồi nhưng mỗi lần nhìn thấy người đàn ông đó, nàng vẫn căm hận, nhất là khi nhìn thấy ông ta ở bên mẹ mình, nàng lại càng nhớ đến phụ hoàng.
- Mọi chuyện ở hậu phương trông cậy vào bà. - Thủ Độ nắm lấy tay Trần thị dặn dò.
- Thái sư nói đúng lắm. Hoàng tử, công chúa, cung phi của trẫm đều nhờ Quốc mẫu chăm nom.
Nghe tiếng nói, Thủ Độ và Trần thị quay lại nhìn người vừa tới.
- Bệ hạ sao lại tới đấy? - Thủ Độ hành lễ rồi hỏi.
- Thế giặc quá mạnh, quân ta phải rút lui liên tục. Đây là chuyện tồn vong của quốc gia, trẫm không khỏi lo lắng. - Trần Cảnh nói.
Bình luận
Chưa có bình luận