Bên ngoài tường thành.


Trần Liễu sau khi đầu hàng, vương hiệu đổi thành Yên Sinh vương, cho đất phong ở Đông Triều và Yên Hưng. Sau khi sắp xếp cho Thuận Thiên ở trong cung yên ổn, Trần thị đến thái ấp của Trần Liễu một chuyến. Bà mang theo một người vú nuôi được lựa chọn cẩn thận đến chăm sóc cho Trần Doãn, nhưng Yên Sinh vương từ chối.

- Chuyện khiến gia đình cháu vợ chồng con cái phải chia ly có lỗi của ta. Ta chỉ không muốn thằng Doãn bớt thiệt thòi khi không có mẹ ở bên. Bà ấy chỉ là một người vú nuôi bình thường, không phải tai mắt gì của Thái sư và ta cả. - Trần thị nói thẳng. - Nếu cháu cảm thấy không thoải mái thì ta sẽ dẫn người về.

- Cháu không có ý đó. - Trần Liễu đáp. - Ở phủ cháu đã đủ người hầu kẻ hạ chăm lo cho con cái, sẽ không để thằng Doãn bị thiếu thốn. Nếu Quốc mẫu có lòng thì hãy để vú nuôi này chăm sóc cho đứa con Thuận Thiên đang mang thai.

- Ta hiểu rồi. - Trần thị gật đầu.

Có những vết rạn nứt khó mà hàn gắn. Có những vết thương lòng chẳng thể lành, nhất là vết thương ấy do chính mẹ đẻ gây ra với con ruột của mình. Con đường từ Yên Sinh vương trở về Thăng Long như dài ra bởi tâm trạng nặng nề của Trần thị. Xe ngựa dừng lại trước phủ của Chiêu Thánh. Sau khi bị phế hậu, giáng làm công chúa, Chiêu Thánh chuyển ra ngoài cung, ở tại một phủ đệ đã được sắp xếp sẵn. Đó là một nơi an tĩnh gần kinh thành, sơn thủy hữu tình, phong thủy tốt.Tất cả các đãi ngộ, bổng lộc vẫn đầy đủ, một cuộc sống cẩm y ngọc thực, có người hầu kẻ hạ như khi ở trong cung. Nhưng Trần thị biết những điều đó Chiêu Thánh chẳng để ý cũng không thể xoa dịu được nỗi đau của nàng. Trần thị đứng ở cổng phủ hồi lâu mới bước vào. Chiêu Thánh đang ở phòng thờ tụng kinh niệm Phật. Từ sau khi rời khỏi nơi tường cao cung sâu kia, nàng tìm đến Phật pháp để muốn quên đi phiền muộn hồng trần. Trần thị thắp hương vái lạy tượng Phật rồi đợi Chiêu Thánh tụng kinh xong. Chiêu Thánh chuyên tâm lần tràng hạt coi như không thấy bà. Nhưng Trần thị cứ đợi, không rời đi. Cuối cùng Chiêu Thánh gấp quyển kinh lại, không nhìn bà mà thờ ơ hỏi:

- Quốc mẫu đến đây có chuyện gì không?

- Ta đến xem con sống ở chỗ này như thế nào.

- Tâm tàn, ở đây cũng chẳng phải là sống, chỉ là tồn tại. - Chiêu Thánh đáp.

- Nếu vậy, con có muốn đi ra ngoài cùng ta một chuyến không. Rời khỏi Thăng Long, ngắm nhìn cảnh vật con người nơi khác. - Trần thị hỏi.

….……………

Chiêu Thánh không biết Trần thị muốn đưa nàng đi đâu và có mục đích gì nhưng nàng vẫn đồng ý. Những chuyện tàn nhẫn nhất người mẹ này cũng đã làm với hai chị em nàng, nàng chẳng sợ bà ta sẽ gây ra thêm chuyện khác.

Trần thị đưa Chiêu Thánh tới vùng núi non trùng điệp hiểm trở miền sơn cước xa xôi, đến nơi các công chúa nhà Lý đời trước được gả đến. Đó là châu Lạng, nơi vua Lý Thái Tông đã gả công chúa Bình Dương cho châu mục Thân Thiệu Thái. Đó là châu Phong, nơi vua Lê Tông Thuận gả công chúa Kim Thành tới. Đó là châu Thương Oai, nơi công chúa Trường Ninh được gả cho tù trưởng Hà Thiên Lãm. Đó là châu Chân Đăng, nơi vua Lý Thái Tông gả công chúa Ngọc Kiều. Đó là châu Vị Long, nơi vua Lý Nhân Tông gả công chúa Khâm Thánh cho tù trưởng Hà Di Khánh. Đó là phủ Phú Lương, nơi công chúa Bình Dương được gả cho Dương Tự Minh…

Chuyến đi này kéo dài nhiều ngày, nhiều tháng, không trống dong cờ mở. Trần thị không mang theo cung nữ hầu hạ, chỉ mang theo binh lính bảo vệ. Tất cả đều mặc thường phục.

.

- Đêm đông mở miền núi còn sương rét hơn ở dưới xuôi. Công chúa đừng để bị ngấm lạnh. - Lê Phụ Trần vừa nói vừa khoác một chiếc áo choàng bông dày lên vai Chiêu Thánh.

Chiêu Thánh mông lung nhìn dãy núi hùng vĩ chìm trong bóng đêm sương khói phía xa xa. Phụ Trần nhóm một nhóm lửa để xua bớt giá rét, lại hâm thêm một ấm rượu gừng.

- Công chúa lại đây ngồi nghỉ chân một lát.

Chiêu Thánh bước tới ngồi bên đống lửa vừa nhóm. Nàng hơ hai bàn tay đã lạnh đến phát cước đỏ lại gần ánh lửa bập bùng. Đây là lần đầu tiên, Chiêu Thánh biết thế nào là lạnh đến phát cước, thế nào là nước lạnh đến buốt cóng. Dù là mùa đông nhưng trong cung điện hay phủ công chúa vẫn luôn ấm áp vì có than sưởi, có hương xông, rửa mặt tắm táp đều là dùng nước nóng. Cuộc sống trên miền núi miền ngược không được dễ chịu như ở dưới xuôi. Trên này đường đi lại gập ghềnh nguy hiểm, chỉ việc đi lấy nước suối về sinh hoạt cũng khó khăn. Thời tiết lại khắc nghiệt, đất đai không màu mỡ khó trồng trọt. Phong tục tập quán cũng khác.

- Ta hiểu tại sao Quốc mẫu lại bỏ nhiều thời gian, công sức như vậy để đưa ta đi qua những nơi này rồi. - Chiêu Thánh nhếch môi cười.

Phụ Trần im lặng lắng nghe chỉ cho thêm củi vào đống lửa. Phụ Trần khi còn nhỏ thường theo Trần Cảnh vào cung, hay chơi chung với Chiêu Thánh. Hồi bé, mỗi khi nàng giở trò tinh quái trêu chọc, bắt nạt hay luyên thuyên kể đủ thứ chuyện linh tinh trên đời, Phụ Trần vẫn luôn nhẫn nại cam chịu chịu đựng hoặc yên lặng lắng nghe. Với Chiêu Thánh, chàng giống như một cái bóng.

- Bà ấy muốn cho ta thấy nếu nhà Lý còn thịnh trị, phụ hoàng còn sống thì ta vẫn không thoát khỏi số phận của một quân cờ. Nếu không gả cho Trần Cảnh thì sẽ bị đưa tới nơi biên ải, gả cho một tù trưởng, một châu mục nào đó vì lợi ích chính trị.

Phụ Trần rót một bát rượu đưa cho Chiêu Thánh. Nàng nhận lấy nhấp một ngụm. Rượu gừng vừa cay vừa ấm khiến người ta chảy nước mắt.

- Nhưng nếu có thể lựa chọn, ta thà bị gả đến nơi núi rừng này, tuy có thiếu thốn hơn song chí ít có thể sống thanh thản nhẹ nhàng. Còn hơn ở lại cung vàng điện ngọc nơi kinh thành. Ở lại nhìn cơ nghiệp của tổ tiên tiêu tan, ở lại nhìn hoàng tộc đổi họ, ở lại gả cho người trong họ Trần là kẻ thù của mình, ở lại nhìn mẹ mình tái giá với người đã sát hại cha mình. 

- Họ Trần không phải là kẻ thù của công chúa. Họ Trần là họ hàng nhà ngoại của người. - Phụ Trần nói.

Chiêu Thánh đanh mặt quắc mắt nhìn Phụ Trần rồi bật cười tự giễu:

- Ta quên mất, ngươi là bạn thân của Trần Cảnh. Dĩ nhiên là ngươi phải bênh hắn rồi.

- Thần cũng là bạn của công chúa. - Phụ Trần lắc đầu đáp. - Thần chỉ muốn công chúa thử nhìn sự việc ở một mặt khác. Xin công chúa thứ lỗi nhưng nếu như sau khi họ Trần giúp tiên đế dẹp hết các thế lực phản loạn, công cao lấn chủ, chim chết bỏ cung tên, công chúa nghĩ sao?

Nghe câu hỏi của Phụ Trần, Chiêu Thánh mím môi không nói gì. Nàng chưa từng nghĩ đến.

Trần thị gấp lá thư viết cho Thủ Độ rồi bỏ vào phong thư. Ông hỏi bà bao giờ về. Đây không phải là lần đầu tiên kể từ hôm nàng đưa Chiêu Thánh rời khỏi kinh thành. Bà vẫn chưa có ý định trở về. Bà muốn đưa Chiêu Thánh đi vài nơi nữa. Cất lá thư ngày mai sẽ gửi đi, Trần thị bước ra bên ngoài. Đứng trên nhà sàn, bà nhìn xuống khoảng sân phía trước, nơi có một đống lửa đang bập bùng cháy. Chiêu Thánh ngồi cạnh Phụ Trần đang nói chuyện gì đó. Trần thị khẽ thở dài, hi vọng chuyến đi này có thể khiến Chiêu Thánh nghĩ thoáng ra một chút. Còn Thuận Thiên bà thực sự chưa biết nên làm thế nào để bù đắp tổn thương cho nàng, chỉ mong những đứa con có thể an ủi nàng.

….……

Rời khỏi miền sơn cước núi non xanh ngát, Trần thị đưa Chiêu Thánh đến một ngôi làng nhỏ. Đó là một ngôi làng nghèo, nằm ở vùng xảy ra chiến loạn khốc liệt giữa các phe cánh chục năm trước. Trần thị đưa Chiêu Thánh tới một căn nhà tranh nằm giữa khu vườn.

- Ta muốn con sống ở đây một mình một thời gian. Không có tiền bạc, không có người hầu hạ. Con phải tự lao động để mưu sinh. Con có dám thử không? - Trần thị lên tiếng.

Chiêu Thánh không đáp lời bà chỉ khẽ gật đầu.

- Bất cứ lúc nào con không muốn sống ở đây nữa đều có thể quay về phủ công chúa. - Trần thị tiếp lời.

Đúng như lời đã nói, Trần thị chỉ để lại căn nhà tranh cho Chiêu Thánh gạo củi dầu muối, một ít hạt giống, nông cụ, một ít thảo dược, vài vật dụng cần thiết khác, thêm một số tiền nhỏ để nàng trang trải trong thời gian đầu. Số tiền còn không đủ để mua cây trâm đơn giản nàng đang cài trên đầu. 


0

Hãy là người bình luận đầu tiên nhé!

Bình luận

Chưa có bình luận
Preview Settings

Try It Real Time

Layout Type
    • LTR
    • RTL
    • Box
Sidebar Type
Sidebar Icon
Unlimited Color
Light layout
Dark Layout
Mix Layout