Những tàn dư của họ Lý, họ Tô, họ Đoàn,… vẫn âm thầm chống phá. Nhiều kẻ vẫn không phục việc họ Trần lấy được thiên hạ khi nữ đế truyền ngôi cho chồng. Nếu Trần Cảnh có một đứa con nối dõi là cháu ngoại của Lý Huệ Tông, dòng dõi chính thống của vua tiền triều thì căn cơ hoàng tộc họ Trần mới vững, tránh mọi dị nghị. Hoàng hậu Chiêu Thánh cũng đã từng sinh được một hoàng tử nhưng không may đứa trẻ ấy lại chết yểu. Sau đó bốn năm lặng lẽ trôi qua, hoàng hậu chẳng sinh thêm được đứa trẻ nào. Nhiều tôn thất nhà Lý muốn lợi dụng chuyện này để lật đổ Trần Cảnh. Thủ Độ không thể đợi được đứa trẻ do Chiêu Thánh sinh ra. Để diệt những mầm mống phản loạn, Thủ Độ muốn Trần Cảnh bỏ Chiêu Thánh, lấy Thuận Thiên. Thuận Thiên cũng là con gái của Lý Huệ Tông, ngoài nàng ra không còn ai có thể sinh được cháu ngoại của vua Lý nữa. Thuận Thiên gả cho anh trai Trần Cảnh đã được mấy năm, sinh được một người con trai, bây giờ lại đang mang thai ba tháng. Thủ Độ đã trù tính trường hợp xấu nhất sau khi Thuận Thiên cưới Trần Cảnh cũng không thể sinh được con thì sẽ lập đứa trẻ đang trong bụng nàng làm thái tử.
Việc Chiêu Thánh không sinh được con nối dõi chỉ là một phần khiến Thủ Độ muốn Thuận Thiên thay thế nàng. Tuy rằng Thủ Độ không nói hết nguyên nhân sâu xa nhưng Trần thị biết. Bà biết Chiêu Thánh một hai năm gần đây bắt đầu tập hợp những toán quân cũ một lòng trung thành với triều Lý, nàng muốn phục quốc. Lý Huệ Tông từng nói Chiêu Thánh có điểm giống bà, không cam chịu. Năm ngoái Trần Liễu đang giữ chức Thái úy được phong là Hiển Hoàng bị giáng làm Hoài vương vì bị bá quan văn võ hạch tội cưỡng gian cung phi tiền triều. Chuyện này không đơn giản, có người muốn thu bớt thế lực của Trần Liễu lại. Hoặc là tôn thất nhà Lý hoặc là Thủ Độ. Một nước không thể hai vua. Trong thâm tâm, Trần Liễu vẫn luôn bất mãn khi cùng là con của Trần Thừa, còn là con trưởng mà không được chọn làm hoàng đế. Người được chọn là Trần Cảnh. Thủ Độ đã hiểu tại sao Thuận Thiên là con trưởng nhưng Huệ Tông lại lập con thứ là Chiêu Thánh làm vua. Có lẽ người đã nhìn thấy một ngày trưởng thứ họ Trần tranh chấp ngôi báu nên gieo hạt giống anh em tương tàn nồi da xáo thịt, phá vỡ khối đoàn kết của họ Trần. Thủ Độ tuyệt nhiên sẽ không để điều đó xảy ra.
….…………..
Nghe tin Chiêu Thánh ốm, Thuận Thiên vào cung thăm em gái. Khi đến cung của hoàng hậu, nàng gặp Trần thị ở đó. Chiêu Thánh sau khi uống thuốc xong đã thiêm thiếp ngủ. Trần thị đắp lại chăn cho nàng rồi mới đứng dậy, bà nhìn Thuận Thiên rồi nói:
- Sang phòng bên cạnh ta có chuyện muốn nói với con.
- Thưa vâng. - Thuận Thiên đáp rồi đi theo bà.
Khác với Chiêu Thánh khi nhìn bà và Thủ Độ không che giấu được hận thù căm ghét trong mắt thì Thuận Thiên luôn có thái độ lạnh nhạt thờ ơ xa cách.
Ở căn phòng bên cạnh, Thuận Thiên ngồi xuống đối diện Trần thị rồi hỏi:
- Quốc mẫu có gì dặn dò con ạ?
Việc Trần thị sắp nói bà cũng không biết nên mở miệng thế nào. Cuối cùng vẫn chọn nói thẳng:
- Con ở với Trần Liễu mấy năm thấy nó là người có dã tâm, tham vọng muốn soán ngôi phải không?
Thuận Thiên không nói gì chỉ im lặng đợi Trần thị nói tiếp, bàn tay nàng bấy an nắm chặt chiếc khăn trong tay.
- Nếu một ngày nào đó Trần Liễu thực sự tạo phản thì chỉ có một con đường chết, còn liên lụy đến con của con. Trước khi chuyện đó xảy ra, con hãy bỏ Trần Liễu đi. Ai trong họ Trần làm vua không quan trọng, quan trọng là người đó phải có hoàng hậu là công chúa nhà Lý. Nếu con không còn là vợ của Trần Liễu nữa thì nó sẽ không có danh chính ngôn thuận để cướp ngôi…
- Quốc mẫu, người hãy nói lý do thực sự đi. - Thuận Thiên lạnh lùng ngắt lời Trần thị.
- Chiêu Thánh mãi vẫn không chưa hạ sinh được con nối dõi. Ngự y nói thân thể hoàng hậu yếu khó hoài thai… cho nên ta và Thái sư muốn con thay thế Chiêu Thánh gánh trọng trách sinh người nối dõi cho họ Trần và họ Lý. - Trần thị nói.
Thuận Thiên sững sờ nhìn người là mẹ đẻ của mình. Nàng không hiểu tại sao bà hết tái hôn với người đã ép chết chồng mình, giờ đây lại còn chia uyên rẽ thúy muốn phá tan gia đình của cả hai đứa con gái, muốn nàng làm chuyện trái luân thường đạo lý.
- Bệ hạ và Hoài vương là anh em ruột. Con đang là chị dâu của bệ hạ… Quốc mẫu người thấy chuyện này có hoang đường không? - Thuận Thiên hỏi Trần thị.
- Hoang đường hay không hoang đường cũng không bằng an nguy của con cái mình. - Trần thị lạnh lùng cứng rắn đáp.
- Vậy người buộc con cưới em chồng, buộc bệ hạ bỏ hoàng hậu cũng là vì an nguy của hai đứa con gái người dứt ruột đẻ ra ư. - Thuận Thiên cười ngất. - Có câu hổ dữ không ăn thịt con. Câu ấy không đúng với người. Nhưng mà cũng đúng người là Quốc mẫu cơ mà. Linh Từ Quốc mẫu! Đâu chỉ là mẫu hậu của con và Chiêu Thánh.
Thuận Thiên nói xong thì đứng dậy định rời đi lên đường trở về thái ấp. Trần thị phất tay, một toán cung nữ và nữ binh tiến lên bao quanh Thuận Thiên.
- Các người đưa công chúa về tẩm điện nghỉ ngơi đợi ngày sắc phong hoàng hậu.
Thuận Thiên quay lại nhìn Trần thị chỉ thấy trong mắt bà là sự kiên định điềm tĩnh đến lạnh lùng sắt đá, là sự sát phạt quyết đoán, chẳng có một chút mềm lòng của tình mẫu tử. Nàng chẳng có một khả năng phản kháng nào. Thuận Thiên buông thõng tay, thất thểu bước theo cung nữ dẫn đường như một người vô hồn.
Còn lại một mình Trần thị trong căn phòng rộng lớn, bà ngồi phịch xuống ghế như vừa bị rút hết sức lực, bờ vai gồng cứng rũ xuống run rẩy. Một bàn tay đặt lên vai bà. Trần thị ngước lên nhìn, người đến là Thủ Độ.
- Đi đi. - Trần thị khàn giọng nói. - Ta muốn ở một mình.
- Hãy nghĩ thoáng ra một chút. - Thủ Độ trầm giọng nói. - So với các công chúa nhà Lý trước đi bị gả lên vùng núi non sơn cước hiểm trở, Thuận Thiên và Chiêu Thánh đã tốt hơn nhiều rồi. Ta bảo đảm cho chúng cả một đời vinh hoa phú quý, cẩm y ngọc thực. Thuận Thiên làm hoàng hậu, để Chiêu Thánh tự do với cuộc sống bên ngoài bức tường thành này, học cách buông bỏ sự cố chấp khôi phục nhà Lý.
Trần thị nhìn Thủ Độ lắc đầu rồi thất thểu nặng nề bước đi.
….……….
Trần Cảnh không chấp nhận nổi sự sắp xếp ngang ngược của Thủ Độ nên ngay trong đêm đã rời khỏi kinh thành mà bỏ lên Yên Tử. Trần Liễu thì tập hợp quân nổi loạn để rửa mối nhục bị cướp vợ. Khi Thủ Độ nhận tin này vẫn bình thản, chỉ sai người triệu tập các quan ngày mai lên núi mời vua hồi kinh và phái một đội quân đến đối đầu với Trần Liễu trước.
- Cứ đợi thêm đến lúc Chiêu Thánh sinh con cũng được. Ông và ta lại làm ra như vậy, chuyện mới nên nông nỗi này. - Trần thị vừa thở dài vừa khoác áo choàng cho Thủ Độ.
- Chuyện đâu ắt sẽ có đó - Thủ Độ đáp chắc nịch. - Bà ở nhà để ý hai công chúa đừng để họ nghĩ quẩn làm liều.
- Chúng có một nửa dòng máu của ta, sẽ không nghĩ đến chuyện tử tự. - Trần thị đáp rồi bà đưa cho Thủ Độ một phong thư dặn dò. - Ông giúp ta đưa bức thư này cho bệ hạ. Ông tuyệt đối không được đọc trộm không thì đừng trách.
….……
- Vì trẫm non trẻ, chưa cáng đáng nổi sứ mạng nặng nề, phụ hoàng lại vội lìa bỏ, sớm mất chỗ trông cậy, nên không dám giữ ngôi vua mà làm nhục xã tắc. - Trần Cảnh đáp lời Thủ Độ khi ông khuyên chàng hồi kinh.
Chàng là hoàng đế mà cũng như một con rối ngay cả hôn sự cũng bị sắp đặt. Sau khi Trần Thừa mất, quyền lực của Thủ Độ càng lớn. Nếu cha chàng còn sống, Thái sư hành xử cũng phải nể đôi ba phần.
- Bẩm bệ hạ, nếu bệ hạ kiên quyết không về Thăng Long thì Xa giá ở đâu tức là triều đình ở đó. Thần sẽ lập tức cho người xây dựng cung điện trên núi Yên Tử.
…
Trần Cảnh chỉ nghĩ Thủ Độ dọa nhưng không ngờ ông đã nói là làm. Chàng vừa đọc xong thư do Trần thị gửi thì Quốc sư vào tâu:
- Thái sư đang cho cắm nêu để chuẩn bị khởi công xây dựng cung điện. Thần xin bệ hạ đem xa giá trở về. Yên Tử là nơi núi thiêng, không nên làm hại.
Trần Cảnh gấp lá thư lại rồi gật đầu. Chàng không thể chạy trốn hoặc phản kháng bằng cách này. Thái sư rất cứng rắn không khoan nhượng. Còn lá thư của quốc mẫu chỉ ngắn gọn một câu rằng Trần Liễu đang tập hợp quân nổi loạn, nếu chàng không về thì mạng Trần Liễu khó giữ. Lời trong thư của quốc mẫu lời ít ý nhiều. Với tính cách của Thái sư, nếu chàng không ngăn cản thì ông sẽ chẳng niệm tình riêng mà xử tội chết Trần Liễu vì làm phản.
….…………
Trời vắng mây, trăng rất sáng. Bóng Thủ Độ trải dài trên sân. Ông chậm rãi nhấp một ngụm rượu, rồi lại một ngụm. Trần thị lặng lẽ bước tới khoác lên vai ông một cái áo. Bà ngồi xuống cạnh Thủ Độ, cũng rót cho mình cho một chén rượu nhưng không uống. Từ ngày bước chân vào hậu cung, Trần thị ít khi uống rượu, bà muốn mình luôn tỉnh táo. Tỉnh táo nên mới có thể sống và vẫn ngồi đây.
- Ông hãy tha cho Trần Liễu đi. - Trần thị nói.
- Nếu không tha cho nó thì hôm qua ta đã không ném gươm xuống sông. - Thủ Độ hừ lạnh.
- Đấy là lúc đó bệ hạ lấy thân che chở cho Trần Liễu nên ông mới tạm lùi thôi. - Trần thị mỉm cười lắc đầu.
Thủ Độ bực tức đáp:
- Ta chỉ là con chó săn thôi, biết đâu anh em bệ hạ thuận nghịch thế nào.
- Anh em họ ra nông nỗi này cũng là do ông mà ra. Khi ông muốn ép họ làm chuyện trái luân thường đạo lý, ông đã lường trước chuyện này rồi. - Trần thị thở dài, thong thả nói. - Hoặc là ông cố tình mượn gió bẻ măng, đưa cho Trần Liễu một cái cớ hợp lý để làm loạn. Nhân cơ hội này diệt trừ vây cánh của Trần Liễu từ sớm trước khi lớn mạnh không kiềm chế được nữa. Ông loại bỏ nguy cơ để bệ hạ ở ngôi vua an toàn.
- Vì cái lớn không thể hi sinh cái nhỏ. Ta làm tất cả đều vì họ Trần. - Thủ Độ đáp. - Đúng là chẳng qua mắt được bà. Trần Liễu khiến ta thất vọng. Có tư chất nhưng lại dễ bị kẻ xấu lợi dụng.
- Trong những kẻ xấu ấy có cả ông mà. - Trần thị liếc Thủ Độ cười mỉa mai rồi bà thở dài. - Ông nể mặt ta, giữ cho Trần Liễu một mạng. Ta nghĩ cho cháu ngoại mình. Thằng Doãn, mẹ đã bị đưa đến Thăng Long, nếu cha lại bị ông xử chết nữa thì thành mồ côi. Các con gái đã hận ta rồi, ta không muốn cháu ngoại cũng hận mình nữa.
- Được rồi bà yên tâm. - Thủ Độ nắm lấy tay Trần thị.
- Ta chỉ sợ nghe ông yên tâm rồi thành yên nghỉ. - Trần thị bĩu môi. - Ông trước mặt ta thì nói vậy sau lưng lại làm khác. Có coi ta ra gì đâu. Ngày xưa thì bày đặt nói: “Nếu chị muốn thì tất cả đều nghe chị.”
- Ta đâu có như vậy. - Thủ Độ phân trần.
- Lần trước ta ngồi kiệu đi qua thềm bị bọn quân hiệu ngăn lại. Mụ này làm vợ ông mà bị bọn quân hiệu khinh nhờn đến thế. Ta về dinh khóc lóc bảo ông. Ông không những trách phạt mà còn đem vàng lụa thưởng cho người quân hiệu ấy. Cứ như vả vào mặt ta vậy. - Trần thị liếc Thủ Độ nhắc lại chuyện cũ.
- Bà là Quốc mẫu phải làm gương cho người khác. - Thủ Độ e hèm đáp. - Bà ngồi kiệu đi qua thềm cấm, bị quân hiệu ngăn lại là đúng rồi. Người ta ở chức thấp mà giữ được luật pháp, ta sao còn trách phạt gì được nữa.
- Thế còn lần ông duyệt định sổ hộ khẩu, ta nhờ ông cho một người họ hàng làm chức câu đương. Chỉ là một chức nhỏ ở địa phương thôi thế mà ông cũng không cho ta mặt mũi. - Trần thị hừ lạnh.
- Ta đã cho cơ hội rồi nhưng chính người đó kêu van xin thôi không chịu nhận chức đó. - Thủ Độ sờ mũi quay mặt sang hướng khác trả lời, tránh cái lườm sắc lẻm của vợ.
- À ông bảo người ta vì có Công chúa xin cho được làm câu đương, không thể ví như những câu đương khác được, phải chặt một ngón chân để phân biệt với người khác. Người ta không chạy mất mật mới là lạ. - Trần thị cười khẩy.
- Là kẻ nào bép xép với bà những chuyện này. Ta phải cắt lưỡi hắn. - Thủ Độ tức giận.
- Muốn người ta không biết thì trừ khi mình đừng làm. Không phải chỉ mình ông mới có thân tín. - Trần thị vừa nói vừa đứng dậy. - Ông đừng để chuyện của Trần Liễu thành quá tam ba bận thì biết tay ta. Để cảnh cáo ông, đêm nay ông ngủ ở thư phòng đi. - Dứt lời Trần thị quay người rời đi.
- Ơ khoan đã, sao lại thế…
Trần thị rảo bước mặc kệ vị thái sư quyền khuynh triều dã đang kêu oai oái đằng sau, khóe môi thắm màu son nhếch lên thành một nụ cười.
Bình luận
Chưa có bình luận