Tối hôm đó, hoàng đế đích thân đến thăm nàng. Người không mặc long bào, chỉ mặc bộ áo gấm bình thường. Người đến an ủi nàng. Người nói vì bất đắc dĩ, vì bị thái hậu ép nên buộc phải để nàng thiệt thòi. Là do họ Đoàn gièm pha anh nàng có ý mưu phản, muốn phế lập vua, người không tin nhưng chuyện đến tai thái hậu khiến bà nổi giận. Người vì muốn xoa dịu thái hậu, để bảo vệ nàng tránh bị liên lụy nên tuy đau lòng vẫn phải giáng nàng làm Ngự nữ.
Trần thị nghe nhà vua nói thì lặng lẽ rơi lệ, bờ vai mảnh mai run rẩy, dáng vẻ vừa cô đơn vừa yếu đuối đến đau lòng thương tâm. Nàng quỳ xuống đất, cúi đầu lạy tạ nhà vua đã che chở. Trần thị biết nhà vua đến đây thăm nàng là vẫn chưa tuyệt tình, hay nói đúng hơn vẫn chưa muốn trở mặt hoàn toàn với họ Trần. Nàng cũng giả vờ thuận theo. Là vì họ Đoàn gièm pha anh nàng tạo phản nên người hạ chiếu cho các đạo binh đánh anh nàng hay là vì thấy thế lực họ Đoàn mạnh hơn nên nghiêng về họ Đoàn, mượn cớ tiêu diệt thế lực nhà nàng? Trần thị chẳng muốn vạch trần. Nàng khoác lên mình một vẻ ngoài mong manh yếu đuối đến vô hại, ngây thơ đến ngu ngốc. Kể cả việc nàng vào cung đã một thời gian nhận đủ ơn mưa móc nhưng vẫn chưa có thai. Trần thị đương nhiên biết nguyên nhân là do thái hậu và hoàng đế, có điều đây chưa phải lúc nàng lật bài ngửa chuyện này.
Ngoài trời nổi gió, sấm chớp cùng mưa kéo đến, giăng một màn trắng xóa, nước trút như thác. Hoàng đế đang định rời đi thì bị màn mưa giữ chân. Sấm dội như trống dồn, Trần thị ôm chặt hoàng đế từ đằng sau, thút thít khóc:
- Thiếp sợ quá. Bệ hạ đừng đi.
Giọt lệ mỹ nhân thấm qua lớp áo nóng bỏng. Hoàng đế quay người lại nhìn đôi mắt ầng ậc nước của giai nhân không khỏi mềm lòng. Người chưa từng nhìn thấy dáng vẻ cưỡi ngựa ngang tàng của nàng, chưa từng nhìn thấy nàng cùng các anh múa gươm vung giáo đánh lại bọn cướp biển, chưa từng nhìn thấy sự sắc sảo khôn ngoan của nàng khi đối đáp đàm phán giá với những tay buôn cá lọc lõi, chưa từng nhìn thấy cách nàng dàn xếp nơi ăn chốn ở tươm tấp cho những ngư dân, gia binh của họ Trần,… Từ lúc ở Hải Ấp cho đến khi vào cung, nàng xuất hiện trước mặt người vẫn luôn là dáng vẻ nhu mì hiền thục, dịu dàng. Còn Đàm thái hậu thì không thích nàng từ lần đầu tiên gặp mặt. Lớp ngụy trang không qua mắt được bà, người đàn bà đã kinh qua sóng gió hậu cung, cùng gia tộc náo loạn triều cương, làm hoàng tộc nhà Lý tan đàn xẻ nghé. Thái hậu nhìn nàng mà thấy chính bản thân bà khi còn trẻ. Bà cho rằng nàng, anh nàng, cả họ Trần nhà nàng đều là giặc, đều là phường phản trắc. Nhất là khi Trần Tự Khánh mang quân chinh chiến đánh nam dẹp bắc, một vùng rộng lớn từ Lạng Châu đến núi Tam Trĩ đều bị thu phục. Họ Trần càng đánh càng mạnh, những thế lực cát cứ khác lần lượt bị tiêu diệt. Hoàng đế vốn định ban đầu chỉ định dùng họ Trần để khắc chế họ Đàm nhưng không thể ngờ được thế lực họ Trần lại vượt khỏi tầm khống chế của mình. Họ Đoàn, thậm chí các quân phiệt trong nước cùng quân triều đình hợp lại cũng không địch lại được đoàn quân của Tự Khánh. Khi sức quân Trần đang lên như nước thủy triều, Trần thị mang thai. Cho đến bây giờ, hoàng đế vẫn chưa chính thức trở mặt với họ Trần. Từ việc phái họ Đoàn rồi tập hợp các quân phiệt cùng quân triều đình đánh họ Trần đều dưới danh nghĩa của Đàm thái hậu. Họ Đàm tham quyền nhưng lại không có tài, chẳng làm nên chuyện gì. Hoàng đế dùng họ Trần vừa lo ngại bị tiếm quyền vừa hi vọng họ Trần một lòng quy thuận phò tá mình. Lúc này Trần thị mang thai, thế lực họ Trần lớn, hoàng đế sách phong nàng làm Thuận Trinh phu nhân để xoa dịu gia tộc nàng.
.
Trần thị lạnh lùng nhìn viên nội thị được thái hậu cử đến đang đứng trước mặt mình. Hắn bê một khay gỗ đựng lọ thuốc độc. Thái hậu muốn nàng tự sát. Dù bà ta căm ghét nàng nhưng đứa trẻ trong bụng nàng dù sao cũng vẫn là cháu nội của bà. Đứa trẻ mới có, còn chưa biết trai hay gái mà vì sợ ảnh hưởng đến quyền lực, đến mưu tính của mình, bà đã vội vàng muốn giết cả mẹ lẫn con. Tàn nhẫn thật. Thái hậu nếu đã nhìn thấu lớp ngụy trang của nàng mà còn dùng cách này, muốn nàng ngoan ngoãn tự sát. Thật nực cười. Bà ta chuyên quyền độc đoán đến mức con trai ruột mình bất mãn muốn thoát khỏi kìm kẹp. Cung nhân bên cạnh nàng thấy người của thái hậu đến đã vội lén đi tìm hoàng đế. Nhà vua đến đuổi người của thái hậu về. Nàng nhào vào lòng người khóc đến thê lương:
- Tại sao? Tại sao thái hậu lại nỡ làm vậy? Đó là cháu của người, là con của bệ hạ mà. Là đứa con đầu tiên của bệ hạ. Trước đây thái hậu ghét bỏ, không muốn cho thiếp mang thai rồng, thiếp cũng không dám nói gì. Nhưng giờ ông trời đã thương cho thiếp một đứa con, thái hậu lại muốn thiếp tự sát. Thiếp chết cũng không sao, nhưng con của bệ hạ… - Trần thị khóc nấc lên. - Bệ hạ xin ngài hãy bảo vệ con, xin ngài hãy cầu xin thái hậu hãy để thiếp được sống đến lúc sinh con. Chỉ cần con chào đời bình an, thiếp cam tâm tình nguyện chịu chết.
Hoàng đế đỡ nàng dậy, ôm nàng vào lòng an ủi:
- Nàng đừng lo. Trẫm sẽ bảo vệ con của chúng ta.
Dù rằng đứa con trong bụng Trần thị đến vào lúc người không mong muốn. Nhưng Đàm thái hậu muốn giết con của người mà không hỏi người một câu khiến hoàng đế thực sự bất mãn. Trong mắt mẫu hậu của người, người cũng chỉ là một quân cờ để thâu tóm quyền lực cho họ Đàm của người mà thôi. Là hoàng đế mà đến con mình còn không bảo vệ được thì thật vô năng, vô dụng.
Trần thị mong chờ đứa con này. Nàng đã trải qua những ngày tháng ở trong tẩm điện tồi tàn khi là Ngự nữ, mái nhà dột nát, chăn đệm ẩm mốc, cơm canh nguội lạnh, gần như bị giam lỏng. Nàng long đong chạy theo nhà vua khi thế sự binh biến. Tất cả những khổ cực đấy không gì bằng việc ngày ngày đối mặt với việc Đàm thái hậu muốn ép chết nàng. Nàng không tự sát thì bà ta sai người bỏ thuốc độc vào đồ ăn thức uống của nàng. Trần thị chau mày nhìn đầu kim bạc bị nhuốm đen. Từ sau lần bị ép tự sát, nàng luôn luôn cảnh giác, tuy mang thai nhưng tinh thần nàng không thể buông lỏng, sự căng thẳng khiến nàng tỉnh táo. Đây là sống và chết. Thế lực của Tự Khánh tuy mạnh như chưa thể vươn tới hậu cung. Hậu cung là giang sơn của Đàm thái hậu, đâu đâu cũng là người của bà. Trần thị cố gắng xây dựng thế lực của mình trong cung, dùng tiền, dùng sức ảnh hưởng của họ Trần. Nhưng nàng làm Nguyên phi chưa lâu đã bị giáng làm Ngự nữ, họ Trần có lúc bị coi như quân phản loạn, vẫn là dùng tiền hiệu quả nhất. Nhưng những kẻ dùng tiền có thể mua thì chẳng thể an tâm dùng. Trong cung này nàng không tin ai cả.
Trần thị cất kim thử độc vào hộp rồi cất đi. Nàng lấy một chiếc vòng bạc đeo vào cổ tay, múc một ít canh từ bát to sang bát con, rồi nghiêng người nằm đổ gục xuống bàn. Cánh tay vô tình làm đổ bát con, nước canh chảy ra bàn. Chỗ chạm vào nước canh của chiếc vòng đen lại. Nghe tiếng động, cung nữ vội chạy vào thấy Thuận Trinh phu nhân ngất ở trên bàn liền đi gọi ngự y và mời nhà vua tới. Khi hoàng đế đến nơi vừa nhìn liền biết thức ăn của Trần thị bị hạ độc. Ngự y nói may mà phu nhân mới uống ít canh nên cả mẹ và con vẫn bình an vô sự.
Khi Trần thị mở mắt tỉnh dậy, nàng nhìn thấy bóng lưng trầm mặc của hoàng đế. Nhà vua quay lại thấy nàng mở to mắt, đăm đăm nhìn trần nhà, nước mắt cứ lặng lẽ trào ra. Phụ nữ mang thai không nên khóc. Hoàng đế không ra mặt chống đối thái hậu nhưng lại âm thầm bảo vệ nàng. Từ sau hôm đó, người ở bên cạnh nàng, đến bữa ăn thì chia một nửa thức ăn của mình cho nàng. Đàm thái hậu không có cơ hội hạ độc nàng rất tức giận. Bà trách mắng nhà vua nuôi ong tay áo, nuôi cáo trong nhà. Trần thị là giặc, cả họ nàng là giặc, là một lũ rắn độc phản trắc phải diệt. Bà đay đi đay lại. Nhưng vẫn không lung lạc và bắt hoàng đế giết nàng được. Bà không nhận ra hoàng đế đã lớn, không muốn bị bà xem là con rối thao túng nữa. Người muốn bảo vệ nàng là thật, nhưng cũng do sự bất mãn với chính mẹ ruột của mình. Trong mắt bà chỉ có họ Đàm, chỉ có lợi ích gia tộc, không có đứa con là người. Trần thị lợi dụng điều này ly gián hai mẹ con họ. Đã có lúc nàng mềm lòng mỗi khi nhìn thấy hoàng đế tự tay xẻ cơm của mình cho nàng nhưng giờ đây trên vai nàng còn gánh nặng gia tộc. Dấn bước vào vòng xoáy này, dòng họ nàng đã leo lên lưng hổ khó xuống. Nàng và hoàng đế ai mềm lòng hơn người đó thua. Nếu một ngày hoàng đế tiêu diệt được thế lực của họ Trần, thì họa diệt tộc sẽ đến, nàng cũng không thể sống sót, hoặc nếu có thì cả đời lay lắt trôi qua trong lãnh cung.
Đàm thái hậu cuối cùng đã mất hết kiên nhẫn khi không thể ngầm đầu độc nàng. Lần này bà đích thân dẫn nội thị mang thuốc độc đến, thái hậu còn sai thêm mấy thị vệ. Thái hậu đến muốn tận mắt chứng kiến nàng chết. Thị vệ tiến tới giữ chặt nàng, bóp miệng nàng để nội thị đổ thuốc vào. Nàng buộc phải đánh lại. Nếu không mang thai, mấy thị vệ này nàng có thể chống trả. Nhưng có mặt thái hậu ở đây, các thị vệ không hề nương tay, nàng giãy giụa một lúc cũng bị khống chế. Viên nội thị bước tới, đem thuốc độc đổ nàng miệng nàng. Trần thị không cam tâm. Nàng không muốn chết. Ông trời vẫn muốn nàng sống nên để hoàng đế đến kịp. Người hất đổ bát thuốc độc trong tay nội thị, ra lệnh cho thị vệ thả nàng ra. Bát thuốc đã dốc được một chút. Trần thị nhổ thuốc trong miệng, móc họng để nôn ra. Bên tai nàng chỉ nghe tiếng tranh cãi của hai mẹ con hoàng đế.
- Rồi một ngày bệ hạ sẽ hối hận vì không nghe lời ta mà cố chấp giữ loại đàn bà rắn rết này ở bên. - Thái hậu tức giận nói.
Do bị kích động quá độ, lại thêm một chút thuốc độc đã ngấm, Trần thị ngất đi. Hoàng đế thấy vậy liền vội truyền ngự y.
- Thái hậu, trong bụng nàng ấy là cháu ruột của người. Người không thể đợi đến khi nàng ấy sinh xong con sao? - Hoàng đế lạnh lùng nhìn bà.
Thế lực họ Trần đang lớn mạnh, muốn tiêu diệt không thể ngày một ngày hai. Nếu Trần thị bị thái hậu ép chết lúc này lại khiến cho Tự Khánh có cớ danh chính ngôn thuận tạo phản. Trần thị không thể chết vào lúc này.
Thái hậu thấy hoàng đế đã có ý nhượng bộ muốn giữ con bỏ mẹ nên phất áo rời đi.
Trần thị đã tỉnh nhưng vẫn nhắm nghiền mắt, nàng cố ngăn dòng lệ muốn trào ra. Các con nàng, người đời sau đều nói nàng cứng rắn, tàn nhẫn, sắt đá nhưng chưa biết có lúc nàng yếu đuối cảm thấy như cả thế gian rời bỏ mình. Khi anh nàng đem quân áp sát kinh thành, hoàng đế nghi kỵ Trần Tự Khánh sẽ trở thành một Quách Bốc thứ hai nên đã đưa Thái hậu và nàng rời kinh. Anh nàng đã cố thuyết phục hoàng đế trở về kinh nhưng sự nghi ngờ như một cái cây mọc rễ ngày một lớn, hoàng đế lo ngại hồi kinh sẽ rơi vào cảnh tự chui đầu vào rọ. Sau khi Tự Khánh đã nhiều lần cố thuyết phục hoàng đế về Thăng Long nhưng không được, Tự Khánh đã lập một hoàng thân nhà Lý lên ngôi vua. Khi nhận được tin này, Trần thị vẫn bất ngờ. Nàng đã từng nghĩ nếu nàng thất bại, gia tộc sẽ từ bỏ nàng và tìm một người khác thay thế để tiến cung. Nhưng gia tộc nàng nếu việc không thành thì sẵn sàng từ bỏ cả hoàng đế. Nếu hoàng đế vẫn nhất quyết đối chọi với họ Trần thì nàng thực sự trở thành quân cờ bị phế. Đàm thái hậu khăng khăng muốn giết nàng, thậm chí công khai giết nàng cũng đúng thôi. Và bây giờ hoàng đế cũng muốn giữ con bỏ nàng.
Bình luận
Chưa có bình luận