Chương 2: Anh Vũ


Không lâu sau, giữa sân nhà thằng Cải, bốn người trong đó có cả nó vây quanh gã đàn ông toàn thân ướt sũng, mê man bất tỉnh nằm trên manh chiếu cói.

Chú Xíu thợ rèn, cao to khoẻ mạnh nhất làng, người cõng kẻ gặp nạn từ ngoài bờ sông về, đưa tay lật vạt áo bết trên lồng ngực anh ta lên. Đám thằng Cải vừa trông thấy vết thương hở dài độ một gang tay, mép thịt đã bợt màu vì ngấm nước liền giật mình thon thót, xuýt xoa kêu lên. Không chỉ có một vết ấy, sau lưng, dưới bụng anh ta cũng có những vết cắt nông sâu khác nhau.

Chú Xíu lắc đầu:

- Thằng này chưa tới số, chứ bị thương như vậy, còn trôi dọc bờ sông mà vẫn sống được thì cũng lạ thường.

Con bé Nga, cái đuôi nhỏ của thằng Cải, mọi khi vẫn nhằng nhẵng chạy theo đòi lấy nó làm chồng, lúc này ngồi xổm bên người nọ, táy máy vén tóc anh ta sang bên má rồi ngạc nhiên reo lên:

- Ô, đẹp quá này!

Thằng Cải nghe vậy cũng tò mò ngó đầu vào xem. Xem xong, nó phải công nhận hôm nay con Nga không nói điêu.

Người kia độ hai bảy hai tám, mặt mày sắc bén như dùng dao tạc thành, tuy yếu ớt nằm đó, vẻ tuấn tú kiêu ngạo cũng không hề nhạt nhòa. Chỉ là nốt ruồi son điểm ở đuôi mắt khiến cho vẻ chính trực, cương nghị đáng lẽ nên có lại không thoát ra được.

Mẹ thằng Cải, bà Thê biết tính con trai mình hay thương người, nhưng cũng không muốn dính dáng đến kẻ lạ mặt kia, bèn khuyên nhủ:

- Con à, người này ta không giữ lại được. Thời thế rối ren, nhân sâm thì ít mà rễ tre thì nhiều, biết đâu một lần.

Thằng Cải thở dài, cụp mắt che giấu vẻ không đành.

Chú Xíu chen vào nói:

- Lão Mục đi rồi, để tôi đưa nó ra cái nhà ngoài đó, sống thì nuôi chết thì chôn!

Chẳng biết có phải trong lúc mê man vô tình nghe thấy lời chú Xíu nói không, người nằm trên mặt đất đột nhiên ho lên mấy tiếng, nước trong miệng hộc ra làm con Nga đang ngồi gần hú hồn hú vía chạy tới nấp sau lưng thằng Cải.

- Đến mức này rồi, vứt anh ta ở ngoài đó một mình, chắc chẳng có nước sống để mà nuôi đâu. – Thằng Cải níu tay mẹ, ánh mắt van lơn.

Cuối cùng, bà Thê cũng miễn cưỡng gật đầu.

Chú Xíu giúp thằng Cải vác người nọ ra sau giếng rửa ráy thay quần áo. Vì đồ của nó chật quá, anh ta mặc không vừa, nó còn phải chạy sang mượn anh Giáp hàng xóm một bộ.

Bà Thê chuẩn bị thuốc lá đắp cầm máu và băng vải, băng bó vết thương cho anh ta xong liền đi nấu một nồi cháo loãng thêm mấy cọng hành hoa giải cảm. Bận rộn cả buổi sáng, đến giữa trưa người kia mới yên vị trên cái chõng tre ở gian ngoài nhà thằng Cải, cũng là chỗ nó hay nằm, buồng trong thì dành cho mẹ ngủ. Bố nó, ông Thê đã mất từ nhiều năm trước trong một đợt ôn dịch.

Thằng Cải muốn đánh thức anh ta, nhưng làm thế nào đối phương cũng không phản ứng, chẳng phải dò thấy hơi thở vẫn đều đều, nó còn tưởng người này chết từ lúc nào rồi.

Không biết bao lâu sau, có tiếng ho vang lên. Thằng Cải đang băm bèo ở ngoài sân, nghe thấy thế, vội vàng chạy vào xem.

Người kia đã ngồi dậy, đang ôm ngực ho rũ rượi. Thằng Cải đến bên giường, lúng túng nói:

- Anh dậy rồi, ăn... ăn chút cháo đã còn uống thuốc.

Người kia dựa lưng vào tường, thở hổn hển, hồi lâu mới cau mày hỏi:

- Đây là đâu?

Thằng Cải thật thà đáp:

- Làng Cầu, trung lưu sông Đào.

Người kia cúi đầu trầm ngâm, lại hỏi:

- Nơi này... cách... cách bến thuyền bao... bao xa?

- Cũng xa, mười dặm về phía Đông.

Thấy anh ta nói được một câu phải nghỉ mệt đến ba lần, thằng Cải vội muốn đỡ anh nằm xuống, nhưng đối phương hai mắt sắc như dao, cực kì đề phòng khiến nó đành ngại ngùng thu tay về.

Thằng Cải chạy ra sau bếp, múc một bát cháo mang lên, cẩn thận đặt trên chõng rồi lùi ra nấp sau bức vách buồng trong, nói vọng:

- Anh ăn đi, ăn nhiều mới khỏe lại được.

Anh ta nhìn bát cháo, lại nhìn vạt áo nâu của thằng Cải ló ra từ sau tấm vách nứa trát bùn dày, chần chừ mãi, nuốt nước bọt đến ba lần, anh mới chậm rãi kéo bát cháo về phía mình, bưng lên, khó nhọc hớp từng hớp.

Thằng Cải thấy người nọ chịu ăn rồi thì mừng lắm, nó chỉ sợ anh ta không chết vì vết thương, mà sẽ chết đói chết khát vì cái gì cũng không dám ăn, không dám uống.

Đến ngày thứ ba, cuối cùng Vũ cũng có thể bước xuống giường.

Thằng Cải mới biết tên người đó, chính anh ta nói ra. Cái gì Vũ, Vũ cái gì nhỉ, nó thầm nghĩ, nhưng không hỏi nhiều, Vũ cũng không chủ động giới thiệu thêm.

Người đàn ông chưa bao giờ đi đâu xa hơn cái giậu dâm bụt nhà thằng Cải, anh ta chỉ loanh quanh trong mảnh sân đất nhỏ, vịn sào phơi đồ, chân thấp chân cao tập bước. Tính tình thì cũng bình thường, chẳng tốt chẳng xấu, có điều không ưa nói chuyện. Nếu có khi nào Vũ chủ động bắt lời với thằng Cải, thì cũng là vì dò hỏi nó, có toán người lạ mặt nào đi qua đây không, có thuyền xuôi từ bến về không?

Thằng Cải vẫn luôn nói không. Làng Cầu nằm nép mình bên nhánh cạn của sông Đào, phải đi mấy dặm đường bộ mới ra đến quan đạo. Người trong vùng muốn tìm vào còn khó nữa là người lạ.

Thằng Cải mang bộ đồ nát tươm Vũ mặc trên người ban đầu trả lại cho anh, vì lúc cởi xuống nó tìm được vài thứ khác.

Vẻ ngạc nhiên thoáng qua trong mắt Vũ, anh cầm cái bình sứ trắng vẽ hoa lan lên, lẩm bẩm:

- Vậy mà chưa rơi mất, tài thật.

Thằng Cải tò mò hỏi:

- Đây là thứ gì?

Vũ đặt cái bình xuống bàn, thờ ơ đáp:

- Dầu thơm.

Thằng Cải mở to mắt, dầu thơm ư, thứ xa xỉ ấy nó mới nghe qua lời kể, còn chưa nhìn thấy bao giờ đâu.

- Em ngửi thử được không?

Vũ nhìn nó, khóe miệng cong cong:

- Được.

Thằng Cải vui vẻ mở nắp bình, kề đền bên mũi. Nhưng vừa nghe mùi, nó liền kêu lên một tiếng, nắp chặt lại, để ra góc bàn xa tít. Thứ dầu thơm này vừa cay vừa hắc, ai mà đem thoa lên người được cũng tài. Thậm chí cả nửa ngày sau, nó vẫn còn váng vất nôn nao.

Vũ nhìn thằng Cải nhăn nhó, bỗng nhiên bật cười. Đó là lần đầu tiên nó thấy anh cười như thế.

Lại qua vài tuần, Vũ bắt đầu làm quen với cuộc sống nơi đây, với người dân làng Cầu, không đả động gì đến chuyện rời đi cả. Thằng Cải và mẹ nó cũng không nhắc khéo hay thúc giục, phần vì ngại, phần vì ngày càng quý mến Vũ.

Anh ta không giành việc với thằng Cải nhưng nếu thấy bà Thê xách nặng, cũng sẽ chủ động giúp một tay, không nhiều lời nhưng nếu có ai bắt chuyện cũng chưa từng từ chối. Dân làng Cầu, độc mấy mống người đã nhìn nhẵn mặt nhau, lúc này bỗng nhiên có chàng thanh niên khôi ngô tuấn tú lại hiền lành lễ độ từ bên ngoài đến, cả làng đều hồ hởi chào đón. Có độ, trưởng làng còn tỏ ý mời anh ở lại mở trường dạy học cho con em địa phương, nhưng anh đã uyển chuyển từ chối. Anh cũng chưa bao giờ nhận lời đến đám cỗ của bất kì nhà nào hay tiếp xúc gần gũi với ai, kể cả thằng Cải.

Chỉ có thỉnh thoảng mát tính, anh sẽ kể cho nó nghe vài chuyện thú vị ở trên trấn. Anh biết nhiều lắm, một bụng chữ nghĩa, thằng Cải chưa được đi học bao giờ, cái gì anh nói cũng thấy hay, thấy lạ, nên càng quấn anh hơn.

Nó nghĩ, anh nhã nhặn và sạch sẽ hệt như một p chè xanh. Chè xanh nấu lên, mới đầu không quen, uống thấy đắng chát, hậu vị lại ngọt ngào, thanh thanh. Đôi khi, Vũ khiến nó cảm thấy đôi tay quanh năm lấm lem bùn đất của mình còn không xứng được giặt áo cho anh vậy.

Một hôm, thằng Cải ngỏ lời đưa Vũ quay lại bờ sông nơi anh dạt vào làng. Vũ ngẫm nghĩ mãi mới đồng ý một cách dè chừng.

Trên con đường xanh rờn cỏ sau mưa, thằng Cải đi trước, anh Vũ theo sau, không ai nói năng gì, chỉ nghe tiếng côn trùng và động vật nhỏ sục sạo trong những lùm cây. Thằng Cải nhìn vào căn lều tranh bên đường, tấm liếp chắn cửa đã xịu xuống vì sương gió, để lộ cái ruột nhà trống không.

Lão Mục vẫn chưa về.

Nước sông đã dềnh lên một đoạn, che phủ bãi sông mà bọn họ giằng co bữa trước. Thằng Cải chỉ về đầu Tây:

- Ngược lên mười dặm chính là bến sông.

Nó tìm một chỗ khô ráo, hai người sóng vai ngồi xuống.

- Anh đi lâu như vậy, bặt vô âm tín, thầy bu anh chắc lo lắng lắm. – Thằng Cải nói: - Có lần em đi trồng khoai mà ngủ quên trong đống rạ, xẩm tối vẫn chưa về, bu em kêu cả làng đi tìm. Đợt đấy em bị quật cho lên bờ xuống ruộng.

Vũ im lặng, một lúc lâu đến độ thằng Cải nghĩ anh sẽ không trả lời, Vũ mới đáp:

- Tôi không có cha mẹ.

Thằng Cải ngượng ngùng gãi đầu:

- Em xin lỗi...

- Không cần.

Không cần, là không cần lời xin lỗi của nó, hay không cần cha mẹ?

Thằng Cải lảng sang chuyện khác:

- Dù thế nào, vẫn sẽ có người mong anh trở về thôi.

Một người tốt đẹp như anh, nhất định là vậy.


Bình luận

Chưa có bình luận
Preview Settings

Try It Real Time

Layout Type
    • LTR
    • RTL
    • Box
Sidebar Type
Sidebar Icon
Unlimited Color
Light layout
Dark Layout
Mix Layout
}