15 năm trước.
Cổng trường cấp ba im ắng dưới nắng tháng Chín như đổ lửa. Tiếng ve râm ran càng tô đậm sự trễ giờ của Lộc khi cậu phóng như bay tới, đồng phục ướt đẫm mồ hôi.
“Lại muộn?” Bác bảo vệ nhíu mày.
“Bác ơi, tha cho cháu lần này đi! Hôm nay cháu đau bụng quá nên không kịp giờ…” Lộc vừa thở vừa năn nỉ, “Nốt lần này thôi bác, cháu hứa!”
“Lần nào chả nói thế!” Người bảo vệ lắc đầu, giọng bực bội. “Mới vào cấp ba hơn hai tuần mà hôm nào ta cũng thấy cháu đến muộn. Hôm không muộn thì lại… cúp học!”
“Hôm ấy cháu bệnh thật mà…” Lộc cúi mặt, giọng nhỏ dần. “Nốt lần nữa thôi, bác…” Thấy vẻ ăn năn thật lòng, người bảo vệ thở dài: “Thôi được rồi. Chú ý lần sau, không tha đâu! Vào nhanh kẻo lại bị ghi sổ đầu bài. Bố cháu biết thì không khéo lại rầy cho đấy.”
“Cháu cảm ơn bác nhiều ạ!”
Lộc thở hổn hển, hai tay chống nạnh trước cửa lớp 10A6. “May quá, vẫn kịp!” Cậu lẻn vào chỗ ngồi ngay khi tiếng trống vào lớp vang lên.
“Cả lớp nghiêm!” Giọng lớp trưởng vang lên dõng dạc.
Cô giáo chủ nhiệm gật đầu hài lòng: “Lớp trưởng, hôm nay vắng ai không?”
Lớp trưởng ngó nghiêng một hồi, khi chắc chắn không trống chỗ nào: “Dạ thưa cô, lớp mình đủ sĩ số ạ!”
Cô giáo gật đầu: “Tốt. Các em mở sách trang 12, chúng ta học tiếp bài 3.”
Tùng… tùng… tùng… Tiếng trống ra chơi vừa dứt, Lâm đã chọc cùi trỏ vào sườn Lộc: “May đấy! Suýt nữa là lên sổ đầu bài ngồi chung với ‘Thành Tích’ rồi!” Cảnh cười hì hì. “Ừ, đúng là may! Hôm nay mấy thầy cô họp lâu, không là mày chít!” Lộc phẩy tay. “Thôi đi mấy cha nội! Chiều nay nghỉ, có kế hoạch gì chưa?”
Lộc lẻn vào lớp ngay khi trống điểm. Tiết học trôi qua, giờ ra chơi đến, Lâm rủ rê: “Chiều nay bắt chuột đồng sau làng không? Nghe đồn có ổ béo lắm!”
Tháng Chín, nắng như đổ lửa xuống bãi đất trống gốc thị. Ba cậu học trò ngồi rũ dưới bóng cây, mặt nhăn nhó ngước lên bầu trời như thể oán trách. Đợi mãi, ánh chiều vàng dịu dần mới thấy họ hồi sinh.
Cảnh thấp hơn hai đứa bạn, mặt tròn lẳn, gò má ửng hồng như vừa chạy bộ xong. Tay phe phẩy quạt giấy, thở phì phò, nhưng đôi mắt long lanh ánh ấm áp khiến ai cũng muốn tâm sự. Cảnh luôn là người gắn kết. Mỗi lần nhóm cãi nhau, chỉ cần Cảnh lên tiếng, mọi chuyện thường dịu lại.
Lâm thì gầy tong teo, vai rộng, chân dài như cây sào. Vài sợi tóc dựng ngược như vừa bị gió thổi tung. Gương mặt xương xẩu, da rám nắng đậm, ánh mắt tinh ranh. Cậu nói nhanh như bắn súng, miệng mồm lanh lợi nhưng hay cà khịa, đâm chọc. Thích mạo hiểm, và hơi liều.
Còn Lộc, gương mặt V-line thanh tú, mái tóc đen ôm nhẹ trán. Đôi mắt to tròn tinh nghịch như muốn khám phá cả thế giới. Nụ cười hé mở lộ hàm răng đều tăm tắp. Một vài vết xước nhỏ trên má là dấu tích của cuộc phiêu lưu gần nhất. Trong ba đứa, Lộc hay mơ mộng nhất.
Hối hả, ba đứa xách đồ ra cánh đồng hoang sau làng. Lâm cầm gậy tre dài, Cảnh giăng tấm lưới cũ, Lộc lỉnh kỉnh chiếc rọ tre. Kế hoạch định sẵn: Lâm khua gậy lùa chuột từ bụi rậm, Cảnh và Lộc chặn bắt. Sau hơn tiếng đồng hồ vật lộn, mồ hôi nhễ nhại, quần áo dính đầy cỏ rạ, thành quả chỉ là hai con chuột đồng béo múp.
“Khua kiểu gì mà lũ chuột chạy loạn hết cả lên?” Lâm càu nhàu, chỉ tay về phía Cảnh.
“Còn mấy người giăng lưới như đồ chơi, chui qua dễ như không!” Cảnh phản pháo, giọng lèm bèm nhưng không giận thật.
Lộc chen vào, dỗ dành: “Thôi đi! Có hai con béo thế này là may rồi. Mang về nhà Lâm nướng đi!”
Sau nhà Lâm có khu đất trống, cây cối um tùm. Cảnh đi rửa chuột ở giếng, Lộc nhóm lửa, Lâm lôi dao thớt ra. Chuột được lột da, làm sạch, xỏ dây treo vào hộp thiếc úp trên than hồng. Mùi thịt chuột nướng quyện với khói rơm khiến bụng cả ba réo vang.
Hai con chuột – ba đứa. Vấn đề lớn.
“Giờ... chia sao đây?” Cảnh lên tiếng, giọng vẫn ôn hoà.
“Đơn giản! Tao ăn một con.” Lâm giơ tay, đùa nhưng ánh mắt lấp ló sự thật.
Lộc bật lại ngay: “Tao bắt được một con! Cảnh một con, còn mày nhóm lửa thôi!”
“Ai chuẩn bị chỗ, lôi thớt, mồi lửa, lo cái thùng nướng này?” Lâm liến thoắng.
Cảnh cười khì khì, nhìn hai đứa cãi nhau: “Hay oẳn tù tì nhé? Ai thắng ăn cả con, hai đứa còn lại chia nhau.”
Sau vài hiệp nghẹt thở, cuối cùng Cảnh thắng. Cảnh ngẩn ra một chút, rồi cười nhẹ:
“Lạ thật, lần đầu tao thắng mấy trò kiểu này đấy...”
Lộc nhìn bạn, cười lớn: “Thế mày ăn đi. Nhớ phần cho tao với Lâm miếng da giòn là được!”
Cảnh cúi nhìn con chuột trong tay, lẩm bẩm: “Chỉ hai con... mà ba đứa. Lúc nào cũng thiếu một phần.” Rồi đưa ánh mắt nhìn hai đứa còn lại, thoáng lặng.
Không ai để ý ánh nhìn đó. Lâm cười phá lên, nói bừa: “Chậc, sau này nếu có ba vợ chồng sống cùng nhau chắc cũng chỉ có hai cái đùi gà!”
Không ai biết, lần chia phần hôm ấy lại là chia tay sớm nhất. Mười lăm năm sau, chỉ còn hai người còn có thể nếm được mùi chuột nướng. Nhưng đó là chuyện sau này...
Ăn no, ba đứa ngồi dưới gốc nhãn, vừa ăn vừa cười rôm rả. Cảnh ăn từ tốn, Lộc và Lâm thi nhau xé nửa con còn lại. Tiếng nhai ròn rột lẫn với tiếng ve chiều.
Gió mát rượi. Lâm nằm vật ra phản tre, ngáp dài: “Ngủ đã... đời...”
Lộc định nằm theo, nhưng bỗng giật mình: “Tao về trước, trễ rồi. Bố tao mà sang đây kiếm là tiêu!”
Lâm lầu bầu: “Ông Phúc ghê thật... lần trước còn gọi cả tên mày giữa sân trường!”
Lộc bật dậy, chạy một mạch về. Sau lưng, tiếng Cảnh vọng theo, nhẹ như gió:
“Chỉ hai con… luôn luôn thiếu một.”
Ánh mắt Cảnh thoáng buồn chưa kịp tan, thì vài tuần sau, áp lực học hành như sợi dây vô hình thít chặt lấy ba cậu học trò. Lộc quyết định rủ Cảnh và Lâm học nhóm tại nhà Lâm. Cảnh là cứu cánh lý tưởng – cậu học giỏi đều các môn, điểm số chẳng bao giờ dưới 8. Lộc buột miệng: “Sao một tay học lực khủng thế này lại lạc xuống cái lớp cá biệt A6 nhỉ?” Cảnh chỉ cười gượng, không đáp, đôi mắt sau cặp kính dày thoáng chút ngại ngùng. Lộc tự tin vào môn tự nhiên như Toán, Lý, Hóa, nhưng đống môn học thuộc lòng ngốn chữ khiến cậu ngao ngán. Cậu gạ gẫm Cảnh tiết lộ bí kíp, cậu bạn lắc đầu: “Mày chịu khó đọc sách là biết thôi.”
Buổi học nhóm khởi đầu đầy hứa hẹn. Cảnh ngồi vào bàn, cách mép bàn đúng hai bước chân như thói quen, kỹ lưỡng xếp sách vở thành hai chồng ngăn nắp. Nhưng chưa đầy ba mươi phút, sự tập trung của Lộc và Lâm đã tan biến. Lâm đập sách đánh bộp: “Chữ với nghĩa gì! Tao thấy chúng nó đang cắn não tao này!” Lộc buông bút thở dài: “Hay nghỉ giải lao đi, kiếm cái gì chơi đê?”
Lâm gật lia lịa: “Ừ đấy! Ngồi đây chịu trận thêm tí nữa chắc tao nổ tung mất! Đi ngay đi!”
Cảnh ngẩng lên, mắt nảy lửa: “Tụi mày mới học chưa đầy nửa tiếng! Thế mà đòi học gì?”
Lộc bật cười chỉ sách: “Mày không hiểu đâu, tao thấy đống chữ này đang quay lại tấn công tao rồi!”
Lâm hùng hục gật đầu: “Chuẩn không cần chỉnh! Đi thôi, chán chết!”
Một ý nghĩ chợt lóe lên trong đầu Lộc: “Ê, qua nhà bà Lan đi! Tao tia được cây ổi bên ấy mấy quả ngon lắm rồi!” Hai đứa bỏ bút ngay lập tức. Ba đứa như bầy chim sẻ, phóng ra bờ tường cuối vườn. Lâm, với thân thủ nhanh nhẹn, leo thoăn thoắt. Lộc và Cảnh đứng dưới, vừa hứng đỡ vừa liếc nhìn xung quanh. Cảnh, vốn nhút nhát, mặt tái hơn thường lệ. Cậu luôn đứng cách bức tường đúng hai thước, mắt đảo liên tục sang hai hướng ngõ vào, tai vểnh lên nghe ngóng từng tiếng động nhỏ. Mỗi lần nghe tiếng lá xào xạc hay tiếng chó sủa xa xa, cậu lại giật nảy mình, thở gấp, như sợ bóng tối đang rình rập. Khi Lâm ném xuống trái ổi đầu tiên, Cảnh giật bắn người, suýt làm rơi. Lộc phải hạ giọng: “Bình tĩnh! Có mỗi hai bà cụ ngồi đầu ngõ thôi!”. Cảnh gật đầu, nhưng tay run nhẹ, môi mấp máy đếm thầm từng giây chờ đợi. Chỉ loáng một cái, bảy trái ổi căng mọng đã nằm gọn trong tay – bảy, một con số lẻ, luôn thiếu một để thành cặp.
Chúng tôi tìm góc khuất dưới gốc nhãn già, ngồi xổm thưởng thức. Trái ổi đồng quê đạt độ hoàn hảo. Lộc cắn một miếng, vị chát nhẹ đầu lưỡi nhanh chóng nhường chỗ cho cái ngọt thanh mát. Cây ổi nhà bà Lan chắc sớm “trọc trụi” trước sự “quan tâm” nhiệt tình của ba đứa chúng tôi mất thôi. Lòng Lộc chợt dấy lên áy náy: Mấy hôm nữa phải sang giúp bà ấy vài việc vặt mới được.
Vừa nuốt miếng cuối, một cảnh tượng nhộn nhịp đập vào mắt: đằng xa, một gia đình đang tát ao bắt cá. “Ê, bên kia có chuyện hay nè!” Lộc hét lên, kéo tay hai đứa. Cảnh ngập ngừng, chân lùi hai bước: “Thôi... đừng có mà... ta phải quay lại học đấy!”. Nhưng Lâm đã hét toáng lên: “Chần chờ gì! Chạy lẹ lên coi cho kịp!” Nó kéo phăng Cảnh đang lưỡng lự. Ba đứa chạy tới.
Khung cảnh ao tát sống động: Người làng tụ tập đông nghịt, tiếng cười rôm rả. Cảnh đứng nép ngoài rìa đám đông, cách mép ao đúng hai mét như có một ranh giới vô hình. Ánh mắt cậu không dám nhìn thẳng vào sự nhộn nhịp, thỉnh thoảng lại dán vào mặt nước ao đen ngòm, nơi vài bóng cá chết lờ đờ nổi lên hai ba đám bèo. Mỗi lần có tiếng nước “ộp” vang lên, Cậu lại giật mình, bàn tay siết chặt vào túi quần. Lâm cố chen vào hàng đầu, miệng không ngớt bình phẩm ồn ào: “Ôi con cá trê to kình! Chỗ kia, chỗ kia, lưới hụt rồi!”
Rồi một tiếng reo hò: “Ồ!!!” Con cá trắm đen khổng lồ, vảy lấp lánh dưới ánh chiều, bị chủ ao nhấc bổng lên. Cả đám xôn xao. Bác chủ ao hãnh diện mang con cá đi cân. 4 cân 8 lạng! Một bữa tiệc của thiên nhiên đồng quê!
Ở phía xa, một đứa trẻ con, mặt mũi hớn hở, reo lên sung sướng khi bắt được hai con cá rô nhỏ lọt lưới. Nó giơ lên khoe, ánh mắt lấp lánh niềm tự hào nhỏ nhoi. Thế nhưng, người mẹ đi cùng thấy thế vội chạy tới, mặt đầy lo lắng. Bà nhanh tay chộp lấy hai con cá từ tay đứa bé, giọng trách móc đầy áp lực: “Hai bàn tay dơ mà cứ đụng vào cá gai nhọn! Đâm hai lỗ vào tay hay nghẹt hai lỗ mũi thì khổ mẹ con mình!”. Rồi bà quẳng hai con cá trở lại đống lộn xộn. Đứa trẻ đứng sững, đôi mắt mở to ngơ ngác rồi nhanh chóng đẫm lệ, tiếng nức nở vang lên. Người mẹ vội quay lại, giọng dịu xuống dỗ dành, đưa tay lau nước mắt cho con. Một lúc sau, cơn khóc tắt, đứa bé ngoan ngoãn nắm tay mẹ, quên bẵng đi con cá vừa mất.
Ba đứa chúng tôi đứng nhìn cảnh ấy. Một khoảng lặng kỳ lạ, lạnh lẽo trùm xuống giữa không khí nhộn nhịp, như một dự báo cho sự chia lìa lạnh giá sau này. Trên khuôn mặt mỗi đứa hiện lên một vẻ lạ lùng.
Lâm bỗng cười gằn, giọng đầy cay đắng vọt ra như không kìm được: “Hừ, bao bọc thế mới chết con được ấy nhỉ? Giá như mẹ tao biết 'quẳng' bớt mấy thứ đi, có khi tao đã đỡ... đỡ ngu hơn bây giờ.” Cậu lầm bầm ti tí, sau đó quay đi, đá vẩy đất dưới chân, ánh mắt nhìn xa xăm đầy phẫn uất.
Cảnh đứng im như tượng, không một lời. Mặt cậu tái đi một chút, tái hơn cả lúc trộm ổi. Đôi mắt đằng sau cặp kính dày không nhìn đứa trẻ hay người mẹ nữa, mà dán chặt vào mặt nước ao tối đen, sâu hoắm ở hai bên bờ lở. Bàn tay cậu trong túi quần siết chặt, các khớp ngón tay trắng bệch. Cậu thở ra một hơi dài, chậm rãi, đầy nặng nề, như thể đang cố nén một nỗi buồn thăm thẳm hay một sức ép vô hình nào đó đè nặng lên ngực. Sự trầm lặng và cái nhìn chằm chằm vào vực nước ấy, lạnh lùng và xa cách, khiến Lộc thoáng rùng mình. Sự im lặng của Cảnh lúc này còn nặng nề và đáng sợ hơn cả lời nói.
Còn Lộc, cảnh tượng ấy như một nhát dao cứa vào nơi sâu thẳm. Cậu nhìn bàn tay trắng nhợt của đứa trẻ vừa bị giật mất con cá, rồi nhìn bàn tay mình - trống rỗng. Một nỗi nhớ mẹ chua xót, cồn cào bỗng trào dâng. Giá như... có một bàn tay ấm áp nào đó cũng nắm lấy tay cậu lúc này. Hình bóng người mẹ trong ký ức mờ ảo hiện về. Cậu nuốt nghẹn, quay mặt đi nơi khác. Hương bùn nước, mùi cá tanh... bỗng chốc gợi về một mùi hương khác, thân thuộc và xa vời vợi.
Khi mọi thứ lắng xuống, ba đứa chúng tôi mới lững thững quay về. Suốt dọc đường, Lâm không ngớt tán dương con cá khổng lồ, rồi hùng hồn tuyên bố: “Hôm nào phải đi câu cho bằng được một con to hơn! Tao đảm bảo!” Nhưng không khí giữa họ dường như vẫn còn vương vấn cái bóng của cảnh tượng ban nãy, một nỗi buồn mơ hồ. Cảnh đi sau cùng, bước chân chậm rãi, thỉnh thoảng lại ngoái nhìn lại phía cái ao đã khuất, khuôn mặt vô hồn, như thể tâm trí cậu vẫn đang chìm đâu đó dưới làn nước đen kia.
Về đến nhà, trời đã ngả chiều. Buổi học nhóm coi như... thất bại ê chề! Cảnh lẩm bẩm trách. Lộc cười trừ: “Ai bảo lúc xem cá mày cũng hả hê?” Ba đứa chia tay. Lộc bước vào căn bếp nhỏ. Sau vườn, rau xanh mơn mởn, cây trái sum suê. Hương đồng quê thấm đẫm nơi này. Còn Cảnh, bóng lưng cô độc của cậu khuất dần sau rặng tre, hướng về phía ngôi nhà nhỏ nơi có tiếng mẹ cậu đang cất cao giọng trách móc một điều gì đó không rõ, vọng lại trong chiều tà như một lời tiên tri buồn thảm.
Bình luận
Chưa có bình luận